Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Gạc Ma trong mưu đen của Trung Quốc (phần cuối)


Chẳng nghi ngờ gì nữa, xây dựng Gạc Ma là nhằm mục đích phục vụ cho hạ đặt giàn khoan (trái phép) tại khu vực quần đảo Trường Sa.

Như đã nói, nếu xảy ra xung đột quân sự trên vùng biển Trường Sa với Việt Nam thì căn cứ Gạc Ma, địa quân sự của nó không có gì là lợi hại. Chưa nói đến kỹ thuật là rất khó để đảm bảo mà về chiến thuật thì chỉ có kẻ liều mạng, hoang tưởng, duy ý chí mới có ý định xây một đường băng trên đảo nhân tạo Gạc Ma cho máy bay J10, J11…để làm chủ vùng trời khu vực quần đảo Trường Sa.
Một sân bay trên đất liền, bảo vệ nó cần cả tá lực lượng phòng không tầm gần, tầm xa; một hạm đội tàu sân bay cũng cần một loạt tàu ngầm, khu trục…bảo vệ vòng trong, vòng ngoài thì thử hỏi cái đảo nhân tạo Gạc Ma nằm trong vùng cụm đảo Sinh Tồn, đều nằm trong tầm hoạt động của sát thủ pháo 37 ly, 57 ly…mà chỉ cần cất cánh lên là làm mồi cho lính thiện xạ “bách phát bách trúng” Trường Sa Việt Nam, thậm chí chỉ cách nhiều đảo của đối phương quản lý không đầy một tầm của pháo 105 ly, thì đưa cả phi đội ra đó chỉ có thể là dọa bọn cướp biển. Muốn hoạt động ư? Hãy loại bỏ các đảo có vị trí lợi hại ấy đi trước, nhưng đó lại là vấn đề khác.
Như vậy, khả năng phòng thủ cho sân bay Gạc Ma trước pháo binh và pháo phòng không đã rất khó mà chưa nói đến tên lửa tầm xa, tầm gần, bom thông minh từ tàu ngầm KILO, máy bay SU-22, SU-30MK2…Cho nên, nghe mấy cái “hỏa lực mồm” bên Trung Quốc “điểm hỏa” hù dọa, sẽ thế này thế nọ… mà cứ mong sao Trung Quốc sẽ đổ tiền, đổ của ra Gạc Ma làm một sân bay hiện đại cho giới quân sự Việt Nam “mở rộng tầm nhìn”.


Đảo Gạc Ma (của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm năm 1988) chỉ cách đảo Cô Lin 1,9M (3,5km), đảo Len Đao  6,8M (13km)

Đảo Cô Lin (trái) và đảo Len Đao (phải) chính là “vòng kim cô” của Gạc Ma.
Đến đây, phải xác định lần nữa rằng, thế hệ con cháu Việt Nam sau này, mãi mãi ghi nhớ công ơn của các chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để có được, giữ được Cô Lin và Len Đao là 2 đảo cực kỳ quan trọng mà nếu như mất nó về tay Trung Quốc xâm lược trước đây thì chúng ta sẽ có lo nghĩ đôi chút về Gạc Ma, thay vì tự tin như hiện nay. Máu của các anh đã đổ xuống không uổng, đã tạo ra một lợi thế địa chiến lược vô cùng lợi hại cho đất nước.
Gạc Ma, Trung Quốc đang hung hăng, bất chấp DOC, có ý định xây đường băng cho máy bay J10 hay J11…không hù dọa được ai, đương nhiên, Việt Nam không ngồi nhìn và sẽ có biện pháp đáp trả. Tuy thế, Gạc Ma ở trong đối sách tranh chấp chủ quyền, trước việc xuất hiện một hình thức xâm lược kiểu mới của Trung Quốc đang thi thố, áp dụng, thì sẽ gây nhiều khó khăn, thách thức cho Việt Nam sắp tới.
Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép tại vùng biển Hoàng Sa đã chứng tỏ rằng, bằng lực lượng phi quân sự hùng hậu (đông, mạnh) của mình, hơn 100 tàu có lượng giãn nước lớn của Hải giám, Hải cảnh, Trung Quốc đã dựng lên một “Vạn lý trường thành” trên biển, ngoài ra còn tàu chiến, máy bay phô trương thanh thế, hù dọa để ngăn cản lực lượng thi hành pháp luật trên biển của Việt Nam, đồng thời, nhằm đánh sập ý chí quyết tâm của dân tộc Việt.
Kết quả, Trung Quốc đã khiếp sợ ý chí, bản lĩnh của Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa nhưng họ đã ngăn cản được tàu thực thi pháp luật của Việt Nam tiếp cận đến giàn khoan. Tại sao như vậy? Bởi đơn giản là tại vùng biển Hoàng Sa, địa điểm mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan rất gần với Hoàng Sa và không xa lắm Hải Nam nên Trung Quốc có khả năng tiếp tế hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng hơn trăm con tàu lớn hoạt động.
Nhưng vùng biển phía Nam quần đảo Trường Sa, cách hàng ngàn km thì khác, Trung Quốc khó khăn khi triển khai lực lượng bảo vệ giàn khoan. Bởi vậy, xây dựng một căn cứ để bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho tàu hoạt động xa bờ là rất quan trọng và Gạc Ma được nằm trong ý đồ đó của Trung Quốc. Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt tại vùng biển Hoàng Sa chỉ là phục vụ cho chính trị, nhưng khi đưa giàn khoan xuống vùng biển Trường Sa thì không những là chính trị mà còn mục đích kinh tế là khai thác dầu vì tiềm năng dầu khí tại khu vực này là rất hiện thực.
Do đó chẳng nghi ngờ gì nữa, xây dựng Gạc Ma là nhằm mục đích phục vụ cho hạ đặt giàn khoan (trái phép) tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Chiến thuật cũ ở Hoàng Sa khi ngăn cản Việt Nam áp sát giàn khoan thực thi pháp luật sẽ được lặp lại? Trung Quốc sẽ vận chuyển dầu (ăn cướp được) bằng cách nào? Về đâu?...là những giả thiết mà Việt Nam cần kết luận.
Khi Trung Quốc đã mơ Biển Đông thành “ao nhà” thì mơ Gạc Ma thành một căn cứ hậu cần kỹ thuật của Hải-Không quân, một sân bay lớn chứa cả trung đoàn tiêm kích…để làm chủ vùng trời Trường Sa, Biển Đông và eo biển Malacca…thì cũng không có gì lạ trong một giấc mơ lớn, “Giấc mơ Trung Hoa”. Có điều, “mơ” là một chuyện, nhưng “thực” lại là chuyện khác.
Nhận thức đúng âm mưu của Trung Quốc tại vùng biển quần đảo Trường Sa để sẵn sàng đối phó, quyết không bị động, mất cảnh giác là bài học “nằm lòng” của Việt Nam trước mối hiểm họa từ phương Bắc.

Có thể nói, sắp tới trên khu vực quần đảo Trường Sa, là một cuộc chiến giữa CSB Việt Nam, KN Việt Nam với Hải giám, Hải cảnh Trung Quốc. Việt Nam, như Tư lệnh CSB đã nói “đã có đủ phương án, phương tiện đối phó”, chúng ta có địa lợi…chắc chắn không thể dễ dàng cho Trung Quốc như tại khu vực Hoàng Sa.

Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Sân bay Gạc Ma-Trường Sa dưới góc nhìn của lính (tiếp theo)

Dù Trung Quốc có biến đảo Gạc Ma thành như đảo Hải Nam thì không quân Việt Nam vẫn làm chủ vùng trời quần đảo Trường Sa. Đây là một thực tế rất khó tiêu hóa của giới quân sự Trung Quốc

Đòn đánh phủ đầu trên quần đảo Trường Sa?
Thần chiến tranh luôn ban cho kẻ gây chiến một miếng võ lợi hại, đó là đòn đánh phủ đầu hay là đòn đánh đầu tiên mở đầu cuộc chiến. Khi một quốc gia nhỏ, yếu, bảo vệ chủ quyền của mình theo tinh thần tự vệ…thì hiếm khi sử dụng đòn đánh phủ đầu và tất nhiên luôn bất lợi, bị động trước thế lực gây chiến. Ngay như Nhật Bản, một quốc gia có một hiến pháp hòa bình duy nhất trên thế giới, trong tình thế căng thẳng với Trung Quốc, khi khôi phục lại quyền “tự vệ tập thể” vẫn không loại trừ đòn đánh phủ đầu này…mới thấy sự nguy hiểm, lợi hại, của đòn đánh phủ đầu như thế nào.
Có thể nói, bất ngờ là lợi thế chủ yếu của đòn đánh phủ đầu. Đó là bất ngờ về thời gian, bất ngờ về quy mô, bất ngờ về hướng tấn công, sẽ khiến cho đối phương bị động về chiến lược, bị động về chiến thuật và tất yếu bị thiệt hại lớn. Tấn công phủ đầu là tiền đề cho phương châm tác chiến “đánh nhanh thắng nhanh” hay chiến tranh hiện đại dồn nén thời gian mà một quốc gia nhỏ, yếu thường bị choáng váng, suy sụp từ trận đầu kéo theo sự sụp đổ dây chuyền khó tránh khỏi.
Nhật Bản tấn công phủ đầu Mỹ trận Trân Châu cảng, Đức tấn công phủ đầu Liên Xô, đem đến những thiệt hại khủng khiếp cho cả hai mà nếu như nội lực kém thì sẽ sụp đổ. Còn mới đây Irac, Lybia, Nam Tư…đã không gượng dậy nổi khi ăn đòn đánh phủ đầu.
Nguy hiểm nhất của “miếng võ” này là về thời gian. Tấn công lúc nào hoàn toàn do bên gây chiến nắm quyền. Đương nhiên, đó là lúc mà đối phương ít phòng bị, lực lượng mỏng, sơ hở; những lúc tình hình đất nước như kinh tế, chính trị gặp nhiều khó khăn…thì kẻ gây chiến sẽ ra tay. Năm 1979, Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới Việt Nam; năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm một số đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam…là những minh chứng sinh động nhất mà chúng ta đã thấy.
 Vậy, liệu trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc sẽ tấn công phủ đầu hay không?
Sẽ không bao giờ Trung Quốc cho quân đổ bộ đánh chiếm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trung Quốc không dại đưa quân mình đến đó để Nhật Bản biến quần đảo Senkaku thành cái “cối xay thịt” lính Trung Quốc, ngược lại, Nhật Bản, tuy quản lý quần đảo, song cũng không dại đưa lính của mình ra giữ mà chỉ tiến hành các cuộc tập trận với nội dung “Đánh chiếm lại đảo” mà thôi. Cuộc chiến Trung-Nhật chỉ có thể xảy ra trên vùng biển lân cận Senkaku/Điếu Ngư chứ không bao giờ xảy ra kiểu “bên thủ, bên công” trên quần đảo tranh chấp này.
Trên quần đảo Trường Sa, rõ ràng, điểm đứng chân của Trung Quốc rất mong manh với 7 cái đảo đá nửa nổi nửa chìm lại rất xa căn cứ khiến cho không quân của họ không thể tác chiến trên vùng trời Trường Sa. Trong khi đó, Việt Nam làm chủ nhiều đảo lớn, có cả đường băng, có quân đội đồn trú…lại đều nằm trong tầm tác chiến của không quân. Vì thế Trung Quốc đổ tiền của vào, biến các dãy ngầm san hô thành đảo và đặc biệt biến Gạc Ma thành một căn cứ quân sự Hải quân-Không quân là bắt buộc (Lưu ý là, bài viết chỉ nêu góc nhìn quân sự chứ không bàn đến góc nhìn khác), nhưng đừng vội cho là tạo ra “thế thượng phong” với Việt Nam…
Về quy mô, đừng đánh giá quá cao “căn cứ quân sự Hải-Không quân” Gạc Ma vì trước biển cả đại dương, sức lực con người vẫn rất là nhỏ bé. Chừng nào lực lượng không quân của Trung Quốc trên sân bay Gạc Ma hoàn toàn đè bẹp lực lượng không quân Việt Nam, nghĩa là, khi không quân Việt Nam bay lên bầu trời khu vực Trường Sa đều bị lực lượng không quân Gạc Ma khống chế, tiêu diệt, thì lúc đó, các đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam mới xuất hiện nguy cơ lớn. Nhưng, ngay cả khi Gạc Ma như đảo Hải Nam thì điều đó cũng không thể, huống chi... Vậy vấn đề quân sự của Gạc Ma ở đây là gì?
Nếu hoàn thành như đồn đoán và công nhận của chính quyền Trung Quốc thì Gạc Ma là một căn cứ không-hải quân, nói cách khác Gạc Ma là một đảo có cầu cảng cho tàu hải quân Trung Quốc neo đậu, tiếp tế; có đường băng cho máy bay cất hạ cánh. Đây là căn cứ xuất phát tấn công khá mạnh trong khu vực quần đảo Trường Sa. Trung Quốc có thể đổ bộ đánh chiếm đảo bằng tàu đổ bộ cỡ lớn với máy bay trong quãng đường và thời gian ngắn nhất có thể thay vì phải điều lực lượng từ Hải Nam xuống. Với vận tốc trung bình (khi chưa tăng tốc) của SU-27 Việt Nam là 1.300km/h thì trong 15 phút đầu, không quân Trung Quốc cất cánh từ Gạc Ma có thể sẽ làm mưa làm gió trên vùng trời quần đảo Trường Sa trước khi SU-27 Việt Nam 
xuất hiện (không phải SU-30).
15 phút trong chiến tranh hiện đại không phải là ít, nó giải quyết rất nhiều vấn đề, tuy nhiên, đòn phủ đầu mà không gây thiệt hại lớn, làm suy sụp hệ thống phòng thủ thì 15 phút quả là quá ít, nó được coi như là sự đáp trả “ngay và luôn” của đối phương.
Trong khi bảo đảm kỹ thuật sẽ gặp rất nhiều khó khăn, số lượng máy bay thường trực trên đảo ít thì sẽ không đủ sức giải quyết nhiệm vụ theo phương châm “đánh nhanh thắng nhanh”. Vì vậy, nhờ vào sự tiếp tế hậu cần, kỹ thuật từ các đảo mà Trung Quốc đang xây dựng; nhờ vào lực lượng không quân trên Gạc Ma… là cho rằng, Trung Quốc có thể nhanh chóng chiếm trọn Trường Sa của Việt Nam chỉ bằng đòn đánh phủ đầu, đồng thời ngăn chặn, cắt đứt sự chi viện từ đất liền Việt Nam, là quá coi thường sức mạnh Việt Nam là ý tưởng ngông cuồng.
Gạc Ma chưa thể và không thể thay thế được vai trò nhiệm vụ của một hạm đội tàu sân bay, cho nên, Gạc Ma nó có ý nghĩa nhiều về chính trị hơn là là quân sự.
 Tuy nhiên, coi thường sức mạnh đối thủ, phô trương thanh thế, hống hách, kiêu ngạo…của kẻ xâm lược luôn tạo ra những hành động liều lĩnh mà những cái đầu lạnh, tỉnh táo, không bao giờ làm.
Việt Nam rất tự tin nhưng không ngồi nhìn.
 Báo Hoàn Cầu đã vênh váo khẳng định rằng, Gạc Ma là “ tàu sân bay không thể đánh chìm của Bắc Kinh” ở Biển Đông; nhiều học giả hiếu chiến ở Trung Quốc thì hoan hỉ ra mặt, cho rằng đây là “nước cờ quá đẹp” bởi viễn cảnh sẽ có những phi đoàn máy bay J-10 cho đến J-11 của họ cất cánh, hạ cánh như mắc cửi trên căn cứ Gạc Ma để khống chế Biển Đông và eo biển Malacca…Rằng, chỉ có Trung Quốc mới làm được đảo nhân tạo, còn Nhật Bản, Mỹ thì không có chỗ ở Trường Sa và bắt đầu từ đây quần đảo Trường Sa đã nằm trong tay Trung Quốc…
Điều lạ là hình như các nhà phân tích, học giả Trung Quốc như Thạch Tề Bình, Lâm Vĩ Tiệp…rất giống với AQ, tâng bốc cái sân bay Gạc Ma lên tận mây xanh, trong khi lại quên mất tàu sân bay Liêu Ninh và nghe đâu còn 3 chiếc khác đang đóng. “Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mãnh chỉnh vứt ngoài bụi tre”. Cái đường băng trên Gạc Ma là cái gì so với tàu sân bay Liêu Ninh nếu như nó trực chiến trên Biển Đông? Hay là họ coi như Liêu Ninh là đồ bỏ rồi chắc? Càng thổi phồng vai trò chiến thuật của Gạc Ma lên bao nhiêu thì chứng tỏ Trung Quốc càng phơi bày tử huyệt và khả năng hạn chế trong tham vọng lớn bấy nhiêu.
Đúng là không thể đánh chìm, nhưng đánh sập thì không quá khó khăn. Việc làm cho sân bay Gạc Ma tê liệt dù công nghệ không thể thì chiến thuật vẫn có thể, huống chi, cả công nghệ và chiến thuật đều có thể, thì sân bay quân sự Gạc Ma chỉ là con ngáo ộp.
Hãy tưởng tượng khi dăm bảy chiếc J-10 hay J-11 cất cánh lên rồi…không còn nơi để hạ cánh thì sẽ ra sao trước khi nghĩ đến khống chế toàn Biển Đông và eo biển Malacca.
Vậy, về ý nghĩa quân sự thì chẳng có gì khiến Việt Nam hoảng hốt khi Trung Quốc xây dựng đường băng trên Gạc Ma và biến các đảo chìm thành đảo nổi cả. Tuy nhiên, âm mưu đánh chiếm Trường Sa của Bắc Kinh là không bao giờ ngừng nghỉ mà càng ngày càng biểu hiện hung hăng, bất chấp trắng trợn hơn. Bởi vậy, Việt Nam không thể không cảnh giác, không thể không chuẩn bị mọi thứ cần thiết đối phó với kẻ thù trong cả trường hợp chúng hành động liều lĩnh.

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Sân bay Gạc Ma-Trường Sa dưới góc nhìn của lính.


Gạc Ma là một “tàu sân bay không thể đánh chìm” nhưng…đáng tiếc, sân bay xây dựng trên đó lại rất dễ đánh sập, đánh hỏng.
Đã hơn nửa năm nay, Trung Quốc đang bí mật xây dựng biến đảo đá san hô Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa thành một sân bay quân sự có chiều dài chừng 2000m. Qua ảnh vệ tinh cung cấp thì tình hình có vẻ như vậy, trên đó đang hình thành một sân bay cùng với hệ thống cầu cảng…Vậy, ý đồ quân sự của Trung Quốc khi xây dựng sân bay này là gì? Sự lợi hại của sân bay này ra sao, ở mức độ nào?
Phải công nhận rằng, biến một đảo đá san hô giữa biển khơi thành một sân bay quân sự là một công việc không phải bất cứ quốc gia nào cũng có khả năng làm được. Trung Quốc giàu có về tiền bạc lại “giàu có” về ý tưởng bành trướng mộng mị nên…Vạn Lý Trường Thành họ làm được, thì xây dựng một sân bay ở 
Gạc Ma là chuyện nhỏ.
Với đường băng dài 2.000 m, Trung Quốc có thể triển khai các máy bay tân tiến của PLA như Su-30, J-11 và J-10 đến Trường Sa. Điều này cho phép Trung Quốc tiến hành các hoạt động trên không ở biển Đông và toàn bộ khu vực vịnh Malacca. Đây sẽ là một mối đe dọa cho Việt Nam cùng những quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trong khu vực (theo Kanwa Defense Review).
Nếu là vậy thì sân bay Gạc Ma có vị trí chiến lược trọng đại, là yếu tố quyết định thành bại “giấc mơ Trung Hoa” trên Biển Đông. Do đó, có bán Hạm đội Đông Hải đi để đầu tư vào xây dựng sân bay trên Gạc Ma cũng quá rẻ. Tuy nhiên…
Phát triển tàu sân bay Trung Quốc đã bế tắc?
Rõ ràng, để bảo đảm kỹ thuật cho một máy bay hoặc một phi đội hoạt động thường trực trên Gạc Ma trong điều kiện thời tiết, khí hậu rất phức tạp như độ ẩm mặn cao…là không dễ dàng, trong khi xây dựng sân bay trên đó lại vô cùng tốn kém. Nhưng, một khi TSB Liêu Ninh trực chiến ở Biển Đông thì sân bay Gạc Ma lại không còn giá trị. Vậy tại sao Trung Quốc lại đang tập trung vật lực và ý chí, quyết tâm để xây dựng sân bay Gạc Ma?
Cách duy nhất để giải thích cho vấn đề này là, thứ nhất, Trung Quốc không thể đoán định được thời gian bao lâu thì tàu sân bay Liêu Ninh đủ khả năng trực chiến tại Biển Đông.
Chỉ riêng trong năm 1954 - đúng 8 năm sau khi chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên hạ cánh trên tàu sân bay USS Franklin D. Roosevelt, và, bất chấp việc phát triển các khái niệm âm thanh cho máy bay bay từ boong tàu sân bay, Hải quân và đơn vị Lính thủy đánh bộ Mỹ đã mất 776 máy bay và 535 phi công.
Đây là con số tổn thất không thể tưởng tượng nổi. Một cái giá sơ sơ phải trả cho việc bá chủ biển cả chứ không phải có hàng ngàn tàu đánh cá là coi “biển chỉ sâu đến đầu gối”, coi Biển Đông như “ao nhà mình” dễ dàng như vậy.
Trung Quốc, ngày nay, dù khoa học công nghệ phát triển hơn, nhưng trình độ công nghệ TSB hiện tại vẫn không thể bằng Mỹ lúc đó. Vả lại, không ai có thể san sẻ kinh nghiệm này cho Trung Quốc, vì đây là bí mật quốc gia của họ. Bởi vậy, Trung Quốc dù có tài “copy and paste” cũng không có nghĩa "miễn nhiễm" với mối nguy hiểm này.
Hai phi công huấn luyện tại tàu sân bay Liêu Ninh bị thiệt mạng mới đây là chỉ mới bắt đầu giai đoạn khó khăn, tổn thất lớn, nếu như muốn có một tàu sân bay hoạt động như của Mỹ dù trình độ cách đây 60 năm.
Thứ hai là, sân bay Gạc Ma thay thế tạm thời cho nhiệm vụ của tàu sân bay Liêu Ninh…đồng thời khẳng định chủ quyền (phi pháp) trên quần đảo Trường Sa Việt Nam.
Như vậy, vấn đề còn lại là sân bay Gạc Ma trong ý đồ tác chiến của Trung Quốc như thế nào?
Đòn đánh phủ đầu chớp nhoáng.
Có thể khẳng định rằng, trong chiến tranh hiện đại, làm chủ vùng trời tác chiến là giành chiến thắng, do đó, tác chiến của không quân là yếu tố quyết định thành bại của chiến dịch, chiến tranh.
Hiện tại bất kỳ một máy bay nào của Trung Quốc dù hiện đại như SU-30 thì không thể tác chiến được ở khu vực Trường Sa nếu như xuất phát tại Hải Nam. Đây là tử huyệt khó che đậy, là bất lợi lớn của Trung Quốc trong chiến lược bá chủ Biển Đông. Trong khi đó, hầu như các máy bay của không quân Việt Nam lại chiếm ưu thế lớn khi thừa thời gian để tác chiến trên Biển Đông. Vì thế, Trung Quốc xây dựng sân bay trên các hòn đảo chiếm được trên Biển Đông hay đang gấp rút chế tạo, huấn luyện tàu sân bay, thực chất là hạn chế sự bất lợi thế của mình trong vấn đề sử dụng không quân tác chiến trên Biển Đông và khu vực Trường Sa. Còn từ đó, để chiếm ưu thế khi tác chiến hay không lại là không đoán định được, là chuyện khác.
Trước hết, như các chuyên gia nước ngoài đánh giá rằng, “với đường băng dài 2000 m, Trung Quốc có thể triển khai các máy bay tân tiến của PLA như Su-30, J-11 và J-10 đến Trường Sa. Điều này cho phép Trung Quốc tiến hành các hoạt động trên không ở biển Đông và toàn bộ khu vực vịnh Malacca…”
Bỏ qua yếu tố kỹ thuật, thì đây là một đánh giá đúng của các học giả và nhà chính trị (không phải của nhà quân sự), nhưng chỉ trong trường hợp không xảy ra tác chiến mà thôi. Khi đó, Gạc Ma là một “tàu sân bay không thể đánh chìm” là chính xác, là có thể phát huy vai trò nhiệm vụ như trên. Song, đáng tiếc, khi tác chiến xảy ra, Gạc Ma lại là một “tàu sân bay” rất dễ bị đánh hỏng, đánh sập.
Trong một vị trí cài răng lược trên quần đảo Trường Sa; trong khả năng tự vệ cao của lực lượng phòng thủ Việt Nam; trong sự xuất hiện vũ khí tầm xa, tầm trung hiện đại, uy lực mạnh…thì việc buộc sân bay Gạc Ma ngừng hoạt động không phải là quá khó và tất nhiên, không nằm ngoài sự tính toán, dự liệu, của các nhà quân sự Trung Quốc. Vậy tại sao, Trung Quốc vẫn không tiếc tiền của đổ vào đó để gấp rút hoàn thành sân bay Gạc Ma? Bởi vì, giới quân sự Trung Quốc đang hy vọng một kết quả khả quan trước một ý đồ tác chiến mà họ nung nấu, họ có quyền nắm lợi thế: Đòn tấn công phủ đầu.
Có thể nói, điều nguy hiểm gây ra từ sân bay Gạc Ma cho Việt Nam là ở ý đồ tác chiến đánh đòn phủ đầu hay tấn công trước vào các đảo và đất liền Việt Nam trong phương châm đánh nhanh thắng nhanh của Trung Quốc. Chỉ có thắng lớn trong đòn đánh phủ đầu thì sân bay Gạc Ma mới không bị đối phương buộc phải ngừng hoạt động và lúc đó Gạc Ma trở thành một nút chặn khá lợi hại, cắt đứt sự hỗ trợ của đất liền cho các đảo của Việt Nam. Nếu thất bại trong đòn đánh phủ đầu thì sân bay Gạc Ma, sứ mệnh, vai trò nhiệm vụ cũng giống như giàn khoan Hải Dương 981 mà thôi.
Vậy là trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã, đang “mài giáo”.

Sự lợi hại của đòn đánh phủ đầu là như thế nào? Tại sao Trung Quốc lại đặt cược lớn, một canh bạc liều lĩnh, vào đòn đánh phủ đầu như vậy? Còn Việt Nam?

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

UKRAINE TỪ GÓC NHÌN CỦA LÍNH.


Phải xác định rõ là trong sự đối đầu vừa qua giữa Mỹ-NATO với Nga thì Ukraine chỉ là một khu vực tác chiến hoặc lớn hơn, cũng chỉ là một chiến trường.
Ukraine là vị trí cuối cùng của NATO khi tiến về hướng Đông giáp Nga. Bởi vậy, Ukraine được coi như là khu cấm địa của Nga và là nơi “tranh chấp bóng” quyết liệt nhất của Mỹ, phương Tây và Nga. Cuộc chiến địa chính trị tranh giành ảnh hưởng Ukraine đã diễn ra hết sức gay gắt và cuối cùng Mỹ-phương Tây đã thắng. Ukraine đã đoạn tuyệt Nga để theo phương Tây bằng cuộc “cách mạng đường phố” Maidan, lật đổ chính quyền hợp pháp của Tổng thống Yanukovich. Tương lai gần, cũng giống như các nước vùng Baltic và Đông Âu, sau khi gia nhập vào EU thì sẽ gia nhập vào Khối quân sự Bắc Đại Tây dương NATO. Giá trị của Ukraine khi gia nhập vào NATO ở chỗ Nga buộc phải biến mất khỏi Crimea đồng nghĩa với mất trắng Biển Đen.
Tuy nhiên, cuộc chiến địa chính trị chưa phải là nấc thang cuối của việc tranh giành ảnh hưởng, quyền cai trị, lên một quốc gia nào đó hay một khu vực nào đó, mà cuộc chiến bằng lực lượng quân sự mới là nấc thang cuối quyết định “ai thắng ai”.
Thế nhưng, trong trận quyết định này, chính quyền Kiev, Mỹ-NATO đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng.
Không "biết địch" cũng chẳng "biết ta".
Ý đồ chiến lược của Nga đối với Ukraine như sau: Nếu Ukraine theo EU thì lập tức chiếm Crimea bằng vũ lực, sáp nhập vào Nga. Đồng thời, kích hoạt vùng Donbass (Donetsk và Lugansk) ly khai…
Có thể nói, về mặt quân sự, ý đồ tác chiến của Nga là đúng, hạ quyết tâm của Nga là chính xác. Tuy về chính trị, thoạt nhìn, có thể coi đây là âm mưu xâm lược, can thiệp của Nga vào Ukraine (quên đi), nhưng xét trong sự đối đầu quân sự giữa Mỹ-NATO với Nga thì Ukraine chỉ là một khu vực tác chiến hay là chỉ một chiến trường.
Thế nhưng, tình báo chiến lược của Mỹ-NATO không hề biết một chút gì về ý đồ, sự chuẩn bị, hành động và ý chí của Kremlin. Nếu như họ biết, thì tình thế có thể đã khác, họ sẽ có cách xử lý từng nước đi hợp lý chứ không đến mức bất ngờ, không kịp trở tay khi Nga chiếm Crimea.
Tại sao họ không biết ý đồ và ý chí của Nga? Vì Mỹ-NATO không đặt mình vào vị trí Nga. Mexico, Canada chưa bị Nga hay Trung Quốc đặt tên lửa chĩa vào Mỹ và ngay Cuba thì đã quá lâu nên khiến Mỹ quên và thiếu “cảm giác bóng”. Mỹ-NATO cho rằng, chỉ có họ mới có quyền tấn công vào quốc gia khác khi cảm thấy “an ninh quốc gia bị đe dọa”, còn Nga thì không.
Trong quân sự, không “biết địch” là tai họa khôn lường thì không “biết ta” lại là thảm họa.
Không phủ nhận ý chí quyết tâm đúng đắn của Kiev là ổn định, thống nhất đất nước để chuẩn bị cho các bước đi tiếp theo. Kiev dùng quân đội Ukraine để ra tuyên bố sắc lạnh với quân ly khai mà họ gọi là quân khủng bố: “Đầu hàng hoặc là chết”. Nhưng tổng thống tạm quyền và đương nhiệm lại không nắm được quân đội. Tiểu đoàn Donbass thiện chiến nhất, lại là của một ông trùm tài phiệt. Quân đội Ukraine với trang bị hiện đại chỉ giỏi đàn áp biểu tình, chống lại những “đội tự vệ”…nhưng khi đụng đầu với quân ly khai được trang bị vũ khí tương đương, tổ chức lớn hơn “đội tự vệ”, thì ý chí chiến đấu, với họ là thứ xa xỉ.
Bởi vậy, dựa vào quân đội này để hạ quyết tâm đàn áp quân ly khai là thiếu chính xác, không có cơ sở. Tiến hành đàn áp (tác chiến) thì bế tắc về chiến thuật dẫn đến không từ mọi biện pháp, bất chấp mạng sống của người dân vô tội nên đã kích hoạt lòng căm thù và ý chí chiến đấu của quân ly khai. Thua về chiến thuật, thua xa về ý chí, cho nên, khi quân ly khai lớn mạnh, tác chiến cấp lữ đoàn với trang bị mạnh của Nga thì không đại bại mới là chuyện lạ. Không có lực lượng hùng hậu của Nga ở Ukraine là sự thật, là hợp lý (bởi ngay chính phủ Mỹ đến nay vẫn phải công nhận là chưa có bằng chứng), quân ly khai được trang bị đầy đủ vũ khí thì họ vẫn đủ sức đánh bại quân đội Kiev Kiev tố cáo Nga đưa quân sang…chỉ là biện minh cho sự yếu kém của mình mà thôi. 
Như vậy, Mỹ-NATO đã thất bại cấp chiến lược, Kiev thất bại cấp chiến dịch, chiến thuật, trước Nga và quân ly khai thì tình hình Ukraine còn gì để nói?
Những điều rút ra từ Ukraine.
Điều kiện lịch sử, đặc điểm vùng miền, phân bố dân cư, lợi thế địa lý của Ukraine thì về lý thuyết, thoát Nga, khó khăn một, chống lại Nga hoặc gián tiếp gây phương hại đến an ninh nước Nga, như gia nhập NATO là phiêu lưu gấp bội phần.
Một đất nước có ¼ dân số người Nga, lại phân bố tập trung vào vùng Donbass và Crimea mà ở đó có căn cứ quân sự của Nga; một đất nước mà hoàn toàn phụ thuộc Nga về năng lượng, khí đốt…thì chống Nga, đối đầu Nga bằng cách nào? Tất nhiên, vẫn có thể, nhưng ai, dù “ngố” mấy, cũng đoán được lúc đó, ¼ dân số sẽ theo Nga cùng vùng Donbass và Crimea. Chống Nga thì việc đầu tiên Kiev phải bình định được vùng Donbass, nội chiến sẽ xảy ra, nhưng dẹp được vùng này là chuyện bất khả thi. Thực tế ở Ukraine đã diễn ra hoàn toàn như vậy mà không thể khác.
Về địa thế, Ukraine không phải là Việt Nam. Tổng thống Nga Putin tuyên bố, nếu muốn, chỉ 2 tuần là Nga đến Kiev, là không sai, bởi địa thế Ukraine là nơi cho hàng ngàn xe tăng, pháo tự hành…và hàng chục ngàn quân có thể một lần, một lúc, ào ào nhằm Kiev thẳng tiến. Nhưng nếu từ biên giới phía Bắc Việt Nam đến Hà Nội thì 2 tuần chưa đủ đâu thưa ngài Đại đế Putin. Đó là lý do tại sao vó ngựa của quân Nguyên Mông tràn khắp châu Âu, xéo nát Trung Hoa nhưng phải dừng vó tại Việt Nam.

Vấn đề cuối là tại sao Ukraine lại  như “đồ chơi trong túi Nga” vậy? 
Vì Ukraine không mạnh, không bắt Nga phải trả giá đắt khi can thiệp, xâm lược. Vì Ukraine thiếu khôn ngoan trong sách lược khi sống giữa hai làn đạn, chỉ biết dựa vào Mỹ-NATO nên biến mình thành một quân tốt của Mỹ-NATO trên bàn cờ chiến lược của họ. Đắng cay sao, thí tốt là một trong chiến thuật đánh cờ của người chơi. Việt Nam mà như Ukraine thì...bị Hán hóa từ lâu rồi.