Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

ADIZ trên Biển Đông-hiểm họa khó lường


Việt Nam mới là quốc gia cần có  ADIZ nhất trên Biển Đông, vì đe dọa an ninh từ hướng Biển Đông với Việt Nam là rất lớn và nguy hiểm.
Dư luận đang rất chú ý đến một tin nhắn mới đây của Trung Quốc từ South China Morning Post (SCMP) ngày 1-6 dẫn các nguồn tin thân cận với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang chuẩn bị thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông.
Theo đó, thời gian lập ADIZ phụ thuộc vào điều kiện an ninh trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Mỹ và quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng.
Trong phản hồi bằng văn bản về thông tin đăng trên SCMP, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lớn tiếng nói rằng họ có quyền lập ADIZ ở Biển Đông và là “quyền của một nước có chủ quyền” . Họ còn “úp mở” rằng “Việc khi nào sẽ tuyên bố một vùng nhận diện như vậy còn phụ thuộc vào chuyện liệu Trung Quốc có đối mặt với các mối đe dọa trên không hay không và mức độ của mối đe dọa đó ra sao”.
Tin nhắn được gửi đi trước đối thoại Shangri-La 2 ngày, khi Diễn đàn an ninh khu vực này được coi như một cuộc đấu tố Trung Quốc khi có hành động hung hăng quân sự hóa Biển Đông chỉ là nhằm đe dọa các nước trong khu vực tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.
Khả năng và thực tế ADIZ trên Biển Đông của Trung Quốc
ADIZ là sản phẩm của chiến tranh lạnh, nhằm giảm thiểu rủi ro khi bị tấn công bất ngờ từ hướng phòng thủ nào đó trên không. ADIZ không đồng nghĩa với “không phận” nhưng liên quan mật thiết đến an ninh quốc phòng.
Do đó để lập một ADIZ đòi hỏi quốc gia đó phải chuẩn bị mọi cơ sở vật chất, kỹ thuật, các lực lượng hỗ trợ để thực thi và đặc biệt là phát hiện kịp thời “không để một con ruồi bay lọt”.
Trên thế giới có gần 20 ADIZ được lập ra và tùy theo từng quốc gia mà ADIZ được quy định. Chẳng hạn như ADIZ Nhật Bản lập năm 1969 thì không có yêu sách nào với máy bay qua đây ngoại trừ hạ cánh.
Với Trung Quốc thì ADIZ đầu tiên trên Hoa Đông, họ yêu cầu các máy bay qua đây phải trình kế hoạch bay và giữ liên lạc qua radio với nhà chức trách. Nếu không theo quy định, có hướng, hành động ảnh hưởng đến an ninh của quốc gia thì lập tức sẽ dùng biện pháp phòng không khẩn cấp.
Tại ADIZ của Trung Quốc trên vùng biển Hoa Đông, ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố, Mỹ không công nhận, lập tức Mỹ đưa 2 B-52 “xâm phạm” nhưng Trung Quốc không phản ứng gì. Chứng tỏ năng lực chấp pháp đối phó với các “đối tượng tác chiến trực tiếp” sừng sỏ, hùng mạnh còn hạn chế.
Giới quân sự đánh giá ADIZ của Trung Quốc trên Hoa Đông là quá yếu về “phần cứng” hỗ trợ thực thi và thiếu “tính chuyên nghiệp” về mặt kỹ thuật khi các quy định quá sơ sài.
Vậy trên Biển Đông nếu như Trung Quốc tuyên bố ADIZ?
Trung Quốc đã xây dựng các trạm Radar giám sát ở Trường Sa và Hoàng Sa, các đường băng cho máy bay và thậm chí kéo cả H-9 (tên lửa PK hiện đại nhất của Trung Quốc) ra Hoàng Sa.
Xét về lý thuyết thì Trung Quốc có đủ cơ sở vất chất kỹ thuật cơ bản để tuyên bố ADIZ trên Biển Đông. Nhưng đáng tiếc, Trung Quốc vẫn chưa đủ lực để thực thi.
Lập ra ADIZ để bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng trong khi đó ADIZ mà Trung Quốc nếu tuyên bố trên Biển Đông lại là nguy cơ gây bất ổn khu vực, đặt an ninh Trung Quốc phải căng thẳng trong việc đối đầu với các thế lực khác đứng đầu là Mỹ thì đó là điều phi lý.
Mỹ đã từng tuyên bố là Mỹ sẽ không công nhận ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông. Mỹ đã, đang và sẽ tuần tra để bảo đảm an toàn tự do hàng hải, hàng không, trên Biển Đông cách các đảo của Trung Quốc chiếm được 12 hải lý.
Điều đó cho thấy, nếu ADIZ của Trung Quốc trong phạm vi đó thì Mỹ sẽ không “xâm phạm”, nhưng ngoài phạm vi đó ra thì lẽ dĩ nhiên, mọi hoạt động tuần tra của Mỹ đều nằm trong khu vực chấp pháp của Trung Quốc.
Đến đây, Mỹ phải tuân thủ hay không là quyền của Mỹ, là uy danh sức mạnh Mỹ. Nếu chấp nhận thì Mỹ bị Trung Quốc đẩy ra khỏi Biển Đông, còn nếu không chấp nhận thì căng thẳng Trung Quốc-Mỹ sẽ leo thang.
Chắc chắn là Mỹ không thể chấp nhận và chắc chắn Trung Quốc chưa có gan để thách thức Mỹ.
Do đó, Trung Quốc sẽ không lập ADIZ trên Biển Đông? Chưa hẳn thế, vì Trung Quốc có thể bắt tay Mỹ, bỏ qua Mỹ, thực hiện “mềm nắn, rắn buông”, tuyên bố ADIZ để tranh chấp chủ quyền, đe dọa các quốc gia có tranh chấp.
Việt Nam sẽ làm gì nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông?
Điều khẳng định chắc chắn là nếu như Trung Quốc lập khu nhận dạng phòng không trên Biển Đông thì sẽ có nhiều vùng chồng lấn rộng lớn lên chủ quyền, quyền chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
Nếu Việt Nam chấp nhận ADIZ đó thì có nghĩa là Việt Nam chấp nhận mất chủ quyền và nếu như không chấp nhận, thì căng thẳng, đối đầu trực tiếp sẽ xảy ra.
Trung Quốc đã thử thách và xem phản ứng của Việt Nam trong vụ đưa giàn khoan hạ đặt sâu trong thềm lục địa Việt Nam thì vấn đề tuyên bố ADIZ trên Biển Đông còn nhạy cảm, nguy hiểm, đến an ninh chủ quyền của Việt Nam gấp nhiều lần.
Để an toàn cho hàng trăm hành khách, các quốc gia không có tranh chấp chủ quyền có thể trình báo kế hoạch, hướng bay…nhưng với các quốc gia có tranh chấp chủ quyền thì họ sẽ lựa chọn sao giữa chủ quyền và hàng trăm tính mạng dân mình?
ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông nếu có, là phục vụ cho mục đích tranh chấp chủ quyền, bởi vì không quốc gia nào trong khu vực Biển Đông có thể tấn công Trung Quốc bằng đường không. Và, có thể nói, đó là kiểu “bắt cóc con tin” đầy thâm hiểm và độc ác nhất.
Vì thế, “úp mở” việc tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông là sự răn đe, đe dọa nguy hiểm đến an ninh chủ quyền Việt Nam sau sự kiện Mỹ tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam và mối quan hệ hợp tác với Mỹ ngày càng thân thiện.
Vì vậy, nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ thì ngay lập tức Việt Nam cũng tuyên bố ADIZ của mình và mở rộng để phục vụ cho yêu cầu chiến thuật phòng thủ khẩn cấp từ hướng biển.
Đây là lý do xác đáng không bàn cãi vì Việt Nam mới là quốc gia cần có  ADIZ nhất vì đe dọa an ninh từ hướng Biển Đông với Việt Nam là rất lớn và nguy hiểm.
Phòng thủ từ hướng biển trong đó phòng thủ từ trên không là nhiệm vụ mà quân đội Việt Nam đã triển khai từ lâu và không ngừng củng cố, hoàn thiện. Vì thế, “khả năng chấp pháp” không là vấn đề quá lớn, quá xa lạ, trong tình huống phải đối đầu với một lực lượng không quân hiện đại.

Đó là cách tốt nhất hóa giải, đáp trả chiêu “tuyên bố ADIZ” của Trung Quốc trên Biển Đông để tranh chấp chủ quyền.

2 nhận xét:

  1. Mọi hành động của Trung Quốc trên Biển đông đều là để nắn gân các nước có liên quan mà thôi

    Trả lờiXóa
  2. Trung Quốc sẽ không từ bỏ âm mưu độc chiếm biển đông

    Trả lờiXóa