Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

DÁM ĐÁNH, BIẾT ĐÁNH ĐỂ THẮNG TRƯỚC LỰC LƯỢNG HẢI QUÂN TÁC CHIẾN TẦM XA CỦA ĐỊCH



Trước một kẻ thù to lớn, hung hăng, hiếu chiến, điều quyết định đầu tiên là Hải quân Việt Nam có dám đánh lại chúng hay không? Vì chỉ khi dám đánh mới nghĩ ra cách đánh để thắng.
Việt Nam lặng lẽ trang bị cho mình những thứ cần thiết đủ để đối đầu mà chẳng dọa nạt ai và có vẻ như cũng chẳng coi sự dọa nạt của ai là cái gì hết.

Dám đánh vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Vấn đề cũng cần thiết phải đặt ra bởi trong suốt chiều dài chống ngoại xâm của dân tộc Việt, chẳng phải trong lần chống Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2, khi phía Nam quân Toa Đô đánh thốc ra, phía Bắc bị Thoát Hoan và Ô Mã Nhi với lời tuyên bố ngạo mạn: “Cha con Nhật Huyên (hiệu úy của vua Trần) dù có chạy lên trời thì quân Nguyên Mông cũng lên trời tìm bắt…” khiến vua Trần có ý định xin hàng hay sao?.
Lịch sử ghi nhận ý định này và cũng đồng thời phủ định, bằng lời nói bất hủ biểu hiện ý chí của dân tộc Việt “Nếu bệ hạ muốn hàng hãy chém đầu thần trước đã”, bằng chiến thắng hiển hách mà Nhật Bản phải cảm ơn Trần Hưng Đạo và dân tộc Việt, bởi không có trận thắng này thì hơn 400 thuyền chiến của Ô Mã Nhi thay vì tấn công Nhật Bản (lần thứ nhất bị bão đánh chìm gần hết 500 tàu chiến) đã phải dừng lại để rửa hận bằng cuộc tấn công xâm lược lần thứ 3 vào Việt Nam.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, khi 50 vạn quân Mỹ tràn vào miền Nam với sức mạnh khủng khiếp, vượt trội hàng trăm lần, chính quyền Ngô Đình Diệm hô hào lấp sông Bến Hải, Trung Quốc sợ, can đừng đánh Mỹ mà chúng ta vẫn dám đánh thì ngày nay, thế và lực Việt Nam đã khác, dám đánh là chắc chắn rồi, chẳng phải nghi ngờ điều đó.
 Ý chí, tư tưởng “dám đánh” để bảo vệ biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đã biểu hiện rõ từ ngay người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và quân đội Việt Nam. Đương nhiên, dân tộc Việt thì luôn mang trong mình truyền thống “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” là không phải bàn.
Cho đến thời điểm này, chỉ cần nhìn qua cung cách chuẩn bị tổ chức xây dựng lực lượng, bố trí, sử dụng lực lượng…cho thấy HQVN không ngán ngại một đối tượng nào.
Biết đánh để chiến thắng.
Sức mạnh của lực lượng Hải quân tác chiến tầm xa (HQTX) và sức mạnh của lực lượng Hải quân tác chiến tầm gần (HQTG) trong chiến tranh hiện đại sử dụng vũ khí công nghệ cao nếu so sánh thì chỉ cho kết quả mang tính tương đối.
Chẳng hạn, chỉ riêng một cụm tàu chiến đấu sân bay Mỹ khi tranh chấp Trường Sa thì không thể đương đầu nổi về phương diện thời gian tác chiến và hỏa lực của không quân và tên lửa bờ của Việt Nam.
Về hỏa lực, nếu Mỹ có 70-80 máy bay và hàng trăm quả tên lửa Tomahok thì Việt Nam cũng có hàng chục sân bay trên bờ và hàng trăm tên lửa đất đối hải, nhưng về thời gian tác chiến thì Mỹ bị hạn chế, trong khi Việt Nam không bị hạn chế. Vì nếu không có căn cứ quân sự hay hay tàu phục vụ hậu cần thì Mỹ gặp vô vàn khó khăn không thể giải quyết.
Tất nhiên khi chiến tranh trên biển xảy ra thì các cường quốc biển với lực lượng Hải quân tác chiến tầm xa của họ không chỉ sử dụng một cụm tàu chiến đấu sân bay mà còn rất nhiều lực lượng khác như tàu ngầm, tàu khu trục tên lửa, máy bay tàng hình…cùng tham gia.
Nhưng so sánh đơn lẻ, tách rời như vậy để chứng tỏ một điều rằng Hải quân Việt Nam chẳng cần phải có tàu sân bay và nếu như Hải quân một quốc gia nào đó đóng tàu sân bay, tàu khu trục lớn, xây dựng cụm tàu chiến đấu…là do nhu cầu tác chiến chứ không phải để chiếm ưu thế tác chiến.
Ưu thế lớn nhất của HQTX là hỏa lực tấn công rất mạnh và tập trung bởi một lực lượng lớn với thời gian tác chiến ngắn, đánh nhanh, thắng nhanh. Đối phương luôn giành quyền chủ động đánh đòn phủ đầu (gây chiến trước). Quốc gia ven biển nào thiếu bản lĩnh, thiếu kinh nghiệm chiến tranh sẽ dễ dàng sụp đổ hoặc mất sức chiến đấu ngay từ loạt đạn đầu.
Tuy nhiên, đối tượng tác chiến của HQTX không chỉ là HQTG mà gồm lực lượng phòng thủ biển từ đất liền, cho nên khi tác chiến sẽ tồn tại những “tử huyệt” bất khả kháng như: phải tấn công vào một khu vực chọn sẵn của đối phương (khu vực phòng thủ); vị trí xuất phát tấn công phải ngoài tuyến đầu của hệ thống phòng thủ đối phương; đội hình tác chiến rộng, dài và nhiều thành phần tham gia mà khả năng phòng thủ của nó như các tàu phục vụ hậu cần… kém nên dễ bị tiêu diệt.
Trong khi đó, HQTG nói chung và của Hải quân Việt Nam nói riêng cũng có những ưu thế lớn, đó là: Được sự hỗ trợ tấn công rất lớn của đất liền và các đảo; lợi dụng được địa hình địa vật ngụy trang, ém sẵn lực lượng để tổ chức phòng thủ và tấn công; chỉ cần bảo đảm không bị tê liệt khi đối phương tác chiến điện tử thì thời gian sẽ là vũ khí “hố đen” hủy hoại đối phương.
Để chiến thắng HQTX, HQTG cùng lực lượng phòng thủ biển phải làm được 3 vấn đề cốt yếu:
 Kiên quyết không cho đối phương triển khai vị trí xuất phát tấn công trong khu vực phòng thủ, buộc chúng dạt ra xa để tạo điều kiện cho lực lượng đánh chặn có thời gian đối phó, đồng thời làm giảm độ chính xác của hỏa lực đối phương.
Không được để hệ thống thông tin liên lạc, chỉ huy và hệ thống “ngắm bắn” bị đối phương áp chế. Bị “điếc và mù” coi như thất bại trong công cuộc phòng thủ đất nước và sẽ chịu vô vàn khó khăn, tổn thất xương máu sau này.
Lợi dụng địa hình, ngụy trang, phân tán lực lượng để tránh bị hỏa lực mạnh, tập trung của đối phương tiêu diệt (Ưu thế của HQTX khiến cho HQTG và lực lượng phòng thủ biển bị nguy hiểm nhất là sự chủ động khi mở màn tấn công, tức là sử dụng đòn đánh phủ đầu). Đây là sự bảo toàn lực lượng cực kỳ quan trọng, nếu chỉ cần 80% lực lượng tai qua nạn khỏi bởi đòn phủ đầu của đối phương thì coi như chiến thắng.
Làm được những điều cốt yếu trên nghĩa là đã bẻ gãy đòn đánh phủ đầu của đối phương hoặc biến đòn đánh phủ đầu thành đòn đánh không bị bất ngờ làm phá sản yêu cầu tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” của đối phương ”. Lúc đó, đòn phản công vào các “tử huyệt bất khả kháng” của HQTX bắt đầu.
Những điều cốt yếu này rất dễ thấy bởi từ sự quan tâm của các vị lãnh đạo; từ sự mua sắm, cải tiến, chế tạo vũ khí và từ sự bố trí lực lượng trên chiều dài đất nước.
Việt Nam lặng lẽ trang bị cho mình những thứ cần thiết đủ để đối đầu mà chẳng dọa nạt ai và có vẻ như cũng chẳng coi sự dọa nạt của ai là cái gì hết.

ĐỐI TƯỢNG TÁC CHIẾN CỦA HẢI QUÂN VIỆT NAM TRONG CHIẾN TRANH HIỆN ĐẠI.




Điều chúng ta quan tâm ở đây chưa phải là Tổ chức lực lượng, chiến thuật Hải quân của ai mà là Tổ chức lực lượng, chiến thuật Hải quân đó như thế nào. Từ đó Việt Nam mới có kế sách, chiến lược xây dựng tổ chức lực lượng, chiến thuật Hải quân phù hợp để sẵn sàng đối đầu trực tiếp trong một cuộc chiến trên biển bảo vệ Tổ quốc nếu kẻ thù gây ra.
Tổ chức, lực lượng, chiến thuật của Hải quân trên thế giới, về tính chất, được chia thành 2 loại: Hải quân tác chiến tầm xa (Hải quân nước xanh) và Hải quân tác chiến tầm gần (Hải quân ven bờ).
Hải quân tác chiến tầm xa (HQTX) là của một cường quốc biển, có nhiệm vụ khống chế khi cần thiết và bảo vệ an toàn hàng hải trên biển; răn đe hoặc tấn công bất kỳ một quốc gia ven biển nào vì lợi ích quốc gia của cường quốc đó...ở trên một vùng biển rất xa với chính quốc.
Với nhiệm vụ như vậy, đương nhiên HQTX phải có lực lượng, tổ chức và chiến thuật khác với Hải quân tác chiến tầm gần (HQTG).
Chẳng hạn như về tổ chức lực lượng, Hải quân cường quốc đó phải có một khung cơ bản gồm: Cụm tàu sân bay chiến đấu; lực lượng tàu ngầm (bao gồm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân); lực lượng tàu khu trục, tàu đổ bộ có lượng giãn nước lớn; lực lượng hậu cần trên biển (các căn cứ quân sự, hoặc các tàu chở xăng dầu phục vụ, sửa chữa, trang bị vật tư thiết bị, bổ sung đạn dược, tên lửa…); các hệ thống trinh sát, định vị bằng vệ tinh; vân vân và vân vân.
Nếu thiếu hay yếu một trong các lực lượng cơ bản này, như lực lượng tàu hậu cần trên biển chẳng hạn thì Hải quân đó, ai cũng biết là không thể tác chiến tầm xa được, không đe dọa ai được.
Hải quân tác chiến tầm gần (HQTG) là của một quốc gia ven biển mà không có nhiệm vụ như của HQTX. Nghĩa là chỉ có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các đảo và vùng biển gần hoặc rất gần với chính quốc. Vì vậy, không cần thiết phải có cụm tàu sân bay chiến đấu; tàu đổ bộ cỡ lớn, tàu hậu cần, tàu khu trục lớn…có hay không có, phụ thuộc vào chiến thuật của Hải quân quốc gia đó mà không bắt buộc như HQTX.
Có thể nói, HQTX được coi như một đội bóng có thể hình, thể lực và kỹ thuật, còn HQTG thì là đội có thể lực, kỹ thuật và sân nhà. Do đó, kết quả chỉ phụ thuộc vào chiến thuật, bản lĩnh. Đây là 2 yếu tố gần như quyết định.
Nhìn sang làng giềng, Trung Quốc đang trên đường phát triển để trở thành một cường quốc biển, cho nên, không khó để nhận thấy Trung Quốc đã trở thành một cường quốc biển hay chưa khi nhìn vào chiến lược xây dựng phát triển lực lượng Hải quân của họ.
Trung Quốc, chắc chắn phải mất nhiều thời gian và tiền của để có đủ lực lượng trong cơ cấu tổ chức của HQTX, trong khi chưa bàn đến nội dung và đặc biệt là chất lượng.
Bởi vậy, Trung Quốc đóng tàu chiến hiện đại, phát triển lực lượng tàu đổ bộ cỡ lớn, tàu sân bay… là tất yếu, chẳng có gì là rùm beng. Một vài tàu khu trục tập phóng tên lửa trên Biển Đông, biển Hoa Đông…chưa là gì to tát của lực lượng Hải quân tác chiến tầm xa mà dư luận quan tâm.
Nói chung, nếu như coi đó là hành động răn đe, đe dọa ai đó thì không có giá trị lớn đối với một lực lượng Hải quân tác chiến tầm gần đúng nghĩa và đặc biệt nếu đội quân HQTG này có bản lĩnh, trí tuệ và dày dạn chiến trận thì giá trị chỉ là con số “0”.
Hải quân Nhân dân Việt Nam, với sự tăng cường lực lượng trong thời gian qua được các chuyên gia quân sự Trung Quốc đánh giá là “chỉ mới có khả năng tác chiến tầm gần, HQTG”.
Trong tình hình hiện nay, đối tượng tác chiến của Hải quân Việt Nam tất nhiên phải là Hải quân tác chiến tầm xa của đối phương. Cho nên xây dựng, tổ chức lực lượng, chiến thuật phù hợp nhằm khắc chế lực lượng, chiến thuật của HQTX, phát huy lợi thế của HQTG trong một cuộc chiến tranh hiện đại, vũ khí công nghệ cao là một nghệ thuật có từ bản lĩnh, trí tuệ và kinh nghiệm.
Chính vì thế, đối đầu với một lực lượng Hải quân tác chiến tầm xa của đối phương “bồng bềnh trên biển”, lực lượng Hải quân tác chiến tầm gần có đất liền làm điểm tựa chắc chắn thì không gì phải sợ, phải hốt hoảng.
Bởi lẽ, chiến tranh trên biển ngày nay, với vũ khí công nghệ cao chính xác uy lực mạnh thì vấn đề “tàu to, súng dài, quân đông” không quan trọng (“to thuyền thì to sóng” mà thôi); tên lửa – vũ khí chủ lực, phóng ra từ tàu khu trục hiện đại, từ máy bay tàng hình hay từ một conteiner, từ một tàu chiến nhỏ, từ một hòn đảo nhỏ hay một máy bay lạc hậu không quan trọng. Vấn đề là tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng như thế nào, chiến thuật ra sao… để tên lửa – vũ khí chủ lực đó, bay đến đúng mục tiêu mới là  quan trọng mang tính quyết đinh.
Với bản lĩnh, trí tuệ và sự dày dạn kinh nghiệm của mình, Hải quân Việt Nam đang tích cực chủ động chuẩn bị theo hướng đó.

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

CHIẾN LƯỢC CHỐNG TIẾP CẬN PHIÊN BẢN VIỆT NAM




Phòng vệ của Việt Nam ngoài việc mua sắm, chế tạo VKTB thì vấn đề quyết định nhất là xây dựng đường lối, chiến lược phòng vệ. Bởi vì có như thế mới xác định được nội dung của công tác tổ chức xây dựng lực lượng, bố trí, sử dụng lực lượng.
Chống tiếp cận là chiến lược phòng thủ của một nước có bờ biển nhưng khả năng quân sự hạn chế, bị các nước có vũ khí, phương tiện hiện đại hơn đe dọa dùng vũ lực.
Chiến lược chống tiếp cận thực chất là sự kết hợp giữa các loại vũ khí tầm xa, tầm gần, các hình thức tấn công, tác chiến phi đối xứng…nhằm mục đích không cho đối phương tiếp cận gần bờ, bảo vệ khu vực biển của mình càng rộng càng tốt.
Khi một cuộc chiến tranh hiện đại, công nghệ cao luôn bắt đầu từ hướng biển với tàu ngầm, tàu nổi, tàu sân bay thì việc buộc các phương tiện đó dạt ra xa hay gây cho chúng nhiều thiệt hại là điều mà các quốc gia bị tấn công mong muốn.
Chiến lược chống tiếp cận đang phát sinh rất nhiều phiên bản và Việt Nam cũng đang xây dựng một phiên bản của riêng mình, bởi thực ra Việt Nam chưa từng và có đủ điều kiện để phòng vệ theo kiểu này.
Việt Nam là một đất nước có chiều dài và hẹp cho nên rất nhạy cảm bởi sự chia cắt chiến lược. Bởi vậy, đã qua rồi thời kỳ đón đợi giặc ở cửa sông, luồng lạch trong vùng nội thủy hay lãnh hải, chúng ta ngày nay phải tác chiến ngay ở vùng biển xa, tạo cho đất liền một không gian phòng thủ đủ rộng, một thời gian chuẩn bị đối phó kịp thời. Đó cũng chính là tư tưởng, mục tiêu của chiến lược chống tiếp cận của Việt Nam.
Cơ sở để Việt Nam tiến hành thực hiện trước hết là lợi thế về địa lý.
Bờ biển Việt Nam tuy dài nhưng có nhiều núi cao nhô ra biển, có hơn 3 ngàn hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một điểm tựa vững chắc triển khai lực lượng. Trường Sa là quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc có vị trí chiến lược trên biển Đông…đều là những vị trí tốt để triển khai, bố trí lực lượng.
Việt Nam chủ yếu là tự vệ nên khu vực tác chiến hầu như trên không phận, hải phận và các khu vực mà Việt Nam có chủ quyền và quyền chủ quyền nên lực lượng cơ động nhanh, vũ khí phương tiện luôn chiếm ưu thế tác chiến. Máy bay SU-30MK2 có thể tác chiến trong khu vực phòng thủ mà không cần tiếp dầu, hoặc KILO, các loại tàu tấn công khác hoạt động tương đối an toàn trong tầm hoạt động của lực lượng khác.
Thật ra, với lực lượng tác chiến hiện đại ít ỏi như Gerpad, KILO, SU-30… của Việt Nam, nếu như tác chiến ở biển xa, xa căn cứ hàng ngàn km thì chỉ một trận.
Tàu ngầm KILO thực ra so với lực lượng tàu ngầm trong khu vực không phải là hiện đại gì cho lắm, nhưng nó tỏ ra rất nguy hiểm, khó lường bởi cách bố trí, sử dụng nó. Chẳng hạn, ở tuyến xuất phát tấn công của KILO, kể cả phục kích chống ngầm và chống tàu mặt nước thì KILO hoàn toàn chiếm ưu thế, đó là, chỉ “săn” đối phương trong khi đối phương rất khó khăn hoặc không thể “săn” lại KILO, vì muốn “săn” KILO thì buộc phải vào tầm hỏa lực của các phương tiện khác như Bastion-P. (Tên lửa Yakhon của hệ thống này với chiến thuật “bầy sói” thì tàu khu trục hiện đại nhất như của Trung Quốc Tupe 054A ( mới có 4 chiếc) thì trong khoảng cách 300km với 2 quả trúng đích là Thuyền trưởng tàu phải ôm phao cứu sinh).
Tuy nhiên đó chỉ là lý thuyết và sẽ có khoảng cách với thực tế, nhưng khoảng cách này phụ thuộc chủ yếu vào người sử dụng chúng, và, hiệu quả có khi vượt ra ngoài lý thuyết là chuyện thường xảy ra trong cách sử dụng, khai thác vũ khí của người Việt trong chiến tranh.
Như vậy khả năng “áp sát”, “đánh vỗ mặt” vào Việt Nam từ hướng biển của kẻ thù bị ngăn cản, buộc chúng phải dạt ra xa, phải tính toán lại vị trí xuất phát tấn công.
Hệ thống tên lửa bờ biển Bastition - lực lượng chông tiếp cận hữu hiệu.
Mỗi tổ hợp tên lửa Bastion có thể bao gồm 36 quả tên lửa có cánh Yakhont. Các tên lửa tự dẫn siêu thanh chống tàu với đầu đạn nặng hơn 200 kg này có thể đánh trúng các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300 km. Mỗi tổ hợp có thể bảo vệ dải bờ biển dài hơn 600 km và giám sát vùng biển có diện tích 200 km2.
Cơ sở thứ hai là Việt Nam có một khung lực lượng tác chiến tầm xa cực mạnh, bao gồm những loại vũ khí phương tiện hiện đại có tầm bắn xa, chính xác, sức hủy diệt lớn.
Khung lực lượng tác chiến tầm xa hiện đại kết hợp với lực lượng tác chiến tầm gần uy lực mạnh, tinh nhuệ thiện chiến là lực lượng chính yếu của chiến lược chống tiếp cận. Nhưng hoạt động hiệu quả hay không, sẽ bắt đối phương phải trả giá đắt hay không trước hết là khả năng chống trả và sống sót của đòn tác chiến điện tử áp chế phòng không của kẻ thù làm “mù và điếc” hệ thống phòng không, thông tin chỉ huy của Việt Nam để làm chủ vùng trời. Khi địch đã làm chủ vùng trời thì chiến lược chống tiếp cận bị phá sản.
Trong chiến tranh hiện đại, chỉ cần có một thời gian tính bằng phút là có thể thay đổi được cục diện. Bởi vậy tạo ra một không gian, thời gian để cho hệ thống phòng không đối phó, phát hiện và đánh chặn là nhiệm vụ rất hệ trọng của chiến lược chống tiếp cận.
Việt Nam đã từng đối đầu với một cuộc chiến tranh điện tử quy mô lớn do Mỹ triển khai hòng đánh sập hệ thống phòng không Việt Nam cách đây 40 năm nhưng không thể. Ngày nay, ngoại trừ Mỹ, khó có nước nào trong khu vực có đủ năng lực để tiến hành một cuộc chiến tranh điện tử, áp chế phòng không gồm áp chế mềm, áp chế cứng…như Mỹ cách đây 40 năm, trong khi Việt Nam đã thay đổi.
Các hệ thống phòng không được xây dựng dưới dạng mạng lưới, qua đó, thông tin thu thập được qua radar hay trinh sát quang học thông thường đều có thể chia sẻ cho khẩu đội phòng không với tốc độ cao qua mạng lưới datalink; các tên lửa phòng không được kết nối với nhau có thể được dẫn bắn từ một hay nhiều ra đa đặt cách xa nó; xuất hiện pháo 37li cải tiến bắn bằng radar, quang học trong hệ thống phòng không tầm thấp khủng khiếp, hiệu quả năm xưa; xuất hiện những dàn tên lửa phòng không tầm xa cơ động như S-300 MPU1 bắn và di chuyển… thì việc tiêu diệt một vài hệ thống radar là có thể. Nhưng để đánh quỵ khả năng phòng không Việt Nam hòng làm chủ vùng trời của lực lượng thù địch hiện nay là không thể trong một trận, trong một tháng, trong một năm.
Vì vậy cho nên chống tiếp cận để làm chủ vùng trời và làm chủ vùng trời để chống tiếp cận là tiền đề, điều kiện của nhau.
Cuối cùng là, cách đánh sở trường của Việt Nam.
Đó là tư tưởng quân sự “nếu những gì công nghệ không thể thì chiến thuật có thể”, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ luôn luôn khắc tinh của thói chủ quan, ngạo mạn, hiếu chiến, cậy đông, vũ khí trang bị hiện đại công nghệ cao; đó là chiến tranh du kích được phát triển lên tầm cao mới bởi vũ khí không phải như vũ khí của du kích ngày xưa; đó là…vân vân và vân vân.
Chiến lược chống tiếp cận của Việt Nam xem ra rất khả thi bởi hình thành trên cơ sở xem ra cũng độc đáo và vững chắc.

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

KHUNG LỰC LƯỢNG TÁC CHIẾN TẦM XA CỰC MẠNH CỦA VIỆT NAM



Một đất nước kinh tế còn khó khăn, tăng cường tiềm lực quốc phòng như nào để duy trì một sức mạnh quân sự đủ mạnh, đủ để tự vệ trong tình hình căng thẳng đang leo thang hiện nay đòi hỏi không chỉ bản lĩnh mà cần nhiều trí tuệ.

Bất kỳ một quốc gia nào yêu chuộng hòa bình, độc lập, đều cũng muốn có một sức mạnh quân sự đủ sức răn đe, đủ sức bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia trước mọi kẻ thù xâm lược. Nhưng, sức mạnh quân sự sẽ như một con dao 2 lưỡi nếu như không phù hợp với tiềm lực kinh tế quốc gia.
Tăng cường sức mạnh quân sự quá sức chịu đựng của tiềm lực kinh tế thì có khi chiến tranh chưa xảy ra thì quốc gia đã phải sụp đổ. Lịch sử đã có quá nhiều bài học khiến cho một quốc gia “tự ngã” mà chưa cần có sự xung đột trực tiếp.
Với Việt Nam, bảo vệ tổ quốc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc, nhưng phải khẳng định rằng trong đó, khả năng của sức mạnh quân sự vẫn là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại trong chiến tranh BVTQ hiện nay.
Một hệ thống phòng thủ BVTQ dựa trên một tiềm lực quân sự trang bị vũ khí tối tân, hiện đại đủ sức giáng trả bất cứ kẻ thù nào, mạnh đến đâu là sự kết hợp tối ưu, hoàn hảo nhất, tin cậy nhất. Nhưng để có được khả năng đó Việt Nam chưa thể, bởi còn nghèo, khoa học kỹ thật, công nghiệp quốc phòng chưa phát triển…Cho nên, trên nền tảng kinh tế quốc gia, chuẩn bị tiềm lực quân sự, đường lối, nghệ thuật chiến tranh, xác định hình thái chiến tranh tương lai, hướng phòng thủ trọng yếu của Tổ quốc; xác định khả năng, tiềm lực của đối tượng tác chiến trực tiếp; các yếu tố thiên thời, địa lợi;… từ đó tổ chức xây dựng, bố trí, sử dụng lực lượng khi chiến tranh xảy ra…là một công việc mang tính nghệ thuật và trí tuệ cao.
Từ đường lối quốc phòng của Đảng CSVN như đưa thẳng lực lượng Hải quân, Phòng không-Không quân, Radar, thông tin liên lạc…lên chính quy, hiện đại tinh nhuệ và thiện chiến…không khó để suy xét rằng, đối với Việt Nam, chiến tranh nếu xảy ra trong tương lai thì xuất phát từ hướng biển và bắt đầu bằng đòn tấn công đường không là khả năng xảy ra lớn nhất.
Vì vậy phòng thủ hướng biển là hướng chủ yếu của Việt Nam.
Đương nhiên, sự chuẩn bị về tổ chức, xây dựng, bố trí lực lượng phòng thủ, tự vệ cũng phải theo tinh thần đó.
Phòng thủ từ hướng biển không phải như thời chống Pháp, chống Mỹ, Việt Nam chỉ luẩn quẩn trên bờ, trên đảo. Ngày nay Việt Nam phải bảo đảm phòng thủ từ trên không, trên mặt biển cho đến trong lòng biển. Tương ứng với nó chúng ta phải tổ chức xây dựng 4 lực lượng tương xứng: Tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay và lực lượng pháo binh, tên lửa đối hải, đối không.
 Có thể nói, những thứ vũ khí, phương tiện hiện đại mà Việt Nam phải “thắt lưng buộc bụng” mua sắm trang bị xây dựng 4 lực lượng này là để đánh theo cách Việt Nam.
Thứ nhất là: Những cái tên như khu trục hạm Gerpad, tàu ngầm KILO, máy bay tiêm kích SU-30MK2, tên lửa đất đối hải Bastion-P, tên lửa đối không cơ động tầm xa S-300MPU1…mà Việt Nam công khai mua sắm, trang bị, tuy số lượng ít nhưng chất lượng cao và không phải ai cũng có (như Bastion-P).
Điều đặc biệt mà giới quân sự quan tâm ở đây là Việt Nam triệt để lợi dụng “sân nhà”, hy sinh tính đa nhiệm của VKTB, tập trung chuyên sâu nhằm mục đích chiếm ưu thế khi tác chiến với ngay cùng loại của đối phương. Chẳng hạn như máy bay SU-30MK2, loại máy bay này nếu chỉ tập trung cho nhiệm vụ đối hải với vũ khí như Kh-31P; Kh-59ME… và có thể cả BrahMos thì sẽ là thảm họa đối với tàu mặt nước…
Đây là sự khôn ngoan của Việt Nam khi mua sắm vũ khí và càng độc đáo, bí hiểm hơn khi Nga là nhà cung cấp, rất đáng tin cậy.
Thứ hai là: Những thứ vũ khí, phương tiện được coi là “át chủ bài” hay “nòng cốt” này như Khu trục hạm Gerpad, tàu ngầm KILO, máy bay tiêm kích SU-30MK2, tên lửa đất đối hải Bastion-P, tên lửa đối không cơ động tầm xa S-300MPU1…hình thành nên một khung lực lượng tác chiến tầm xa hiện đại, cực mạnh của Việt Nam.
Khung lực lượng tác chiến tầm xa (KLLTCTX) này sẽ tạo ra một trường hoạt động cho các loại vũ khí phương tiện nhanh, nhỏ, uy lực mạnh, có nhiều tuyến, nhiều hướng tấn công để phát huy hiệu lực trên biển tạo ra một khu vực phòng thủ đủ rộng, có chiều sâu, qua đó hệ thống phòng không có đủ không gian, thời gian đối phó có hiệu quả. Đây là điều rất hệ trọng mang tính sống còn mà khung các lực lượng tác chiến tầm xa phải gánh vác. Không có lực lượng này thì chiến lược chống tiếp cận của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn và sự nghiệp BVTQ trong hình thái chiến tranh mới hiện đại công nghệ cao, Việt Nam sẽ gặp muôn vàn thử thách ác liệt.
Từ KLLTCTX này Việt Nam sẽ bổ sung những thứ vũ khí trang bị cần thiết bằng sản xuất trong nước hoặc mua sắm để hoàn thiện một phương án tác chiến cụ thể nào đó mà giới lãnh đạo quân sự coi là ưu tiên cấp bách.
Chẳng hạn, chống ngầm là tác chiến quan trọng nhất trong hệ thồng phòng thủ biển. Nếu để tàu ngầm địch lọt vào vùng phòng thủ là hết sức nguy hiểm, chúng có thể phong tỏa các hải cảng và giáng đòn bất ngờ vào đâu chúng muốn. Nhận thức được điều đó nên bắt buộc Việt Nam ưu tiên, chú trọng hơn phương án chống ngầm, như bổ sung thêm tàu Gerpad có chức năng săn ngầm cao…
Hoặc từ KLLTCTX này, bằng sự sáng tạo, tự lực cánh sinh Việt Nam đã chế tạo thành công “hệ thống chỉ thị mục tiêu từ bên ngoài trang bị trên tàu cảnh giới và hệ thống nhận chỉ thị mục tiêu, tính toán tự động các tham số bắn cho tên lửa đối hải”. Lúc này, các lực lượng tên lửa, máy bay chiến đấu có khả năng tiến công mục tiêu một cách bất ngờ ngoài tầm radar hỏa lực, bảo đảm tính toán phần tử bắn và bắn hết tầm của tên lửa. Có nghĩa là KLLTCTX này không những chỉ dùng “nội lực” để tác chiến mà còn có sự hỗ trợ tác chiến từ bên ngoài nên uy lực, tính năng kỹ chiến thuật sẽ khác đi…
Tất nhiên có những thứ khác mà Việt Nam mua sắm, cải tiến, chế tạo để bổ sung hoàn thiện khung này thuộc về bí mật quân sự (báo chí không thể biết, không thể nói) để gây cho kẻ địch những bất ngờ không kịp đối phó…
Cùng với những diễn biến thách thức đến an ninh chủ quyền, Việt Nam xây dựng hoàn chỉnh KLLTCTX hiện đại này, đủ về số lượng, mạnh về chất lượng không phải ngày một ngày hai, nhưng với trí tuệ Việt Nam, với cách đánh, sử dụng vũ khí độc đáo, sáng tạo…thì duy trì một sức mạnh quân sự để tự vệ với khả năng buộc đối phương phải trả giá đắt khi xâm phạm là điều có thể.
Như vậy, một bài toán đặt ra là, một đất nước kinh tế còn gặp khó khăn trong tình hình có thế lực thù địch lăm le xâm phạm đến an ninh chủ quyền thì phảm làm như thế nào để tăng cường tiềm lực quốc phòng, duy trì một sức mạnh quân sự đủ mạnh, đủ sức tự vệ mà không làm kiệt quệ nền kinh tế…tưởng chừng nan giải đã được Việt Nam xử lý.
Từ biện pháp tổ chức xây dựng lực lượng phù hợp với yêu cầu chiến thuật tác chiến hiện đại, tác chiến phi đối xứng…tất cả đều dựa trên cơ sở của chiến lược, sách lược phòng vệ độc đáo theo cách Việt Nam đề ra, trong đó có chiến lược chống tiếp cận “phiên bản Việt Nam”.