Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014
XUNG ĐỘT QUÂN SỰ TRÊN BIỂN ĐÔNG: ĐỪNG DỌA!
Đừng dọa! Nếu như có xung đột quân sự trên Biển Đông thì kẻ bị thảm họa không lường trước được chắc chắn không phải là Việt Nam.
Vài chục chiếc máy bay, tàu chiến Trung Quốc diễu võ dương oai xung quanh giàn khoan hạ đặt phi pháp trong thềm lục địa và EEZ của Việt Nam có vẻ như để sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự đè bẹp sự phản kháng của Việt Nam, có vẻ như Biển Đông là “ao nhà” của Trung Quốc mà dựa vào Hạm đội Nam Hải đằng sau, họ có thể đưa giàn khoan HD 981 hay “hàng trăm giàn khoan vào Biển Đông” như tướng diều hâu La Viện hô hào, vào nơi nào họ muốn mà không phải trả giá.
Đừng đánh giá quá cao về con số như, 30 vạn quân, 60 vạn quân; trăm tàu tên lửa, khu trục, tàu ngầm vân vân. Những con số này không có ý nghĩa gì với Việt Nam, một dân tộc đã từng, đã quen “lấy ít địch nhiều” trên trận mạc.
Biển Đông không phải của riêng ai.
Senkaku với Nhật Bản không quan trọng bằng Biển Đông về lợi ích chiến lược. Nếu mất Biển Đông về tay Trung Quốc, Nhật Bản sẽ bị Trung Quốc ép mạnh ở Hoa Đông và đòn phong tỏa tuyến hàng hải trên Biển Đông của Trung Quốc sẽ khiến cho Nhật Bản rơi vào tình cảnh lựa chọn khắc nghiệt một mất một còn. Nhật Bản sẽ chọn Sekaku hay an toàn hàng hải trên Biển Đông?
Nhìn vào các tuyến hàng hải sống còn của các quốc gia liên quan từ Trung Đông, Ấn Độ Dương qua Biển Đông đến Đông Bắc Á-TBD, chúng ta đều nhận thấy, nếu như có xung đột quân sự xảy ra trên Biển Đông thì tuyến hàng hải thương mại, năng lượng sẽ bị gián đoạn, cắt đứt là điều không tránh khỏi. Hai cường quốc khu vực châu Á-TBD là Trung Quốc và Nhật Bản có hai nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào tuyến hàng hải này sẽ bị điêu đứng đầu tiên.
Ngay với Australia, tưởng như miễn nhiễm với sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông nhưng hơn 2/3 hàng hóa xuất khẩu và ½ nhập khẩu cũng đều phải qua tuyến hàng hải Biển Đông, trước việc Trung Quốc hung hăng hạ đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam khiến nguy cơ xung đột quân sự xảy ra cũng đang vô cùng lo ngại và dư luận trong nước đang đòi phải chơi rắn với Trung Quốc… là đủ hiểu Biển Đông không phải của riêng ai.
Hãy tưởng tượng nếu một khi quốc gia nào đó khống chế được hoặc bị gián đoạn hay bị cắt đứt do xung đột quân sự thì cục diện kinh tế , chính trị khu vực Châu Á-TBD sẽ ra sao.
Vì thế, tự do, an toàn hàng hải trên Biển Đông luôn là vấn đề đặt ra cấp bách với mọi quốc gia liên can. Không những thế đây là vấn đề thuộc “lợi ích quốc gia” sống còn của các bên có tuyến hàng hải.
Xung đột quân sự trên Biển Đông nghĩa là…như thế nào?
Đoàn thuyền chiến của Trần Khánh Dư trong trận đầu đối đầu với hơn 500 thuyền chiến của Ô Mã Nhi đã bị đại bại nhưng trận tiếp theo, lợi dụng đoàn thuyền chiến Ô Mã Nhi đang hăm hở tiến về Thăng Long, Trần Khánh Dư tập hợp lực lượng nhấn chìm toàn bộ đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ. Đây là đòn cực hiểm, một thắng lợi mang tầm chiến lược khiến quân Nguyên Mông phải rút chạy và chiến thắng Bạch Đằng đã lưu danh vào lịch sử.
Trên Biển Đông, “đoàn thuyền lương” hay dòng hàng hóa khổng lồ của Trung Quốc, Nhật Bản của Australia…luôn rất tấp nập trên tuyến hàng hải “cắt mặt Việt Nam” mà ngay Trung Quốc cũng coi như “đường sinh mạng” của mình.
Ngày nay một cuộc đối đầu giữa 2 quốc gia với nhau không chỉ đơn thuần là dùng các đòn quân sự mà dùng đòn kinh tế còn đánh sập đối phương nhanh hơn, hiệu quả hơn đòn quân sự rất nhiều. Cấm vận, trừng phạt, phong tỏa…đã làm cho không ít quốc gia điêu đứng, tan rã mà ngay cường quốc quân sự như Nga hiện giờ cũng phải lo sợ.
Với một tuyến hành lang dài và xa căn cứ như vậy thì về nguyên tắc Trung Quốc phải phân tán lực lượng để bảo vệ, đó là chưa nói đến nghệ thuật phân tán lực lượng địch của Việt Nam buộc Trung Quốc phải phân tán.
Nếu xung đột quân sự trên Biển Đông xảy ra, với nhãn quan quân sự của mình, tôi cho rằng Việt Nam không dại gì dốc hết lực lượng để đối đầu một trận với PLAN mà nhằm vào các tử huyệt của địch trên tuyến hàng hải để kéo căng lực lượng địch, tạo điều kiện cho ta thực hiện các đòn đánh khác…
Chỉ ngay vụ giàn khoan HD 981, đối đầu với tàu Kiểm Ngư và CSB Việt Nam mà Trung Quốc cứ tăng dần lực lượng từ 80 nay lên đến 134 tàu chiến máy bay thì liệu Trung Quốc có mấy chục Hạm đội Nam Hải để phủ kín Biển Đông?
Với tư tưởng tác chiến đó, thì Cam Ranh hay đúng ra là lực lượng hải quân, không quân tinh nhuệ hiện đại của Việt Nam tại căn cứ Cam Ranh sẽ như một thanh kiếm sắc lẹm cận kề trong gang tấc đang dí vào các tử huyệt của tuyến hàng hải quan trọng này.
Chúng ta không chủ quan, duy ý chí, để khẳng định thắng hay bại khi đối đầu với một lực lượng hải quân, không quân hùng hậu, hùng mạnh của đối phương, nhưng để cắt đứt hay làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ vận chuyển qua Biển Đông thì chắc chắn không khó với lực lượng hiện có tại Cam Ranh.
Nếu như tại eo biển Malacca, Malaysia chỉ cần vài quả thủy lôi và pháo binh tầm xa là phong tỏa được yết hầu này thì với Cam Ranh, khó hơn một chút nhưng, chỉ cần một lực lượng máy bay tiêm kich bom, máy bay diệt hạm…xuất phát từ những sân bay gần như là sát với tuyến hàng hải là chúng đủ sức thực hiện nhiệm vụ.
Trung Quốc gây xung đột quân sự trên Biển Đông nếu chỉ đơn thuần là đánh chiếm mấy hòn đảo thì đó mới chỉ là khó khăn ban đầu và Trung Quốc muốn chiến cuộc hạn chế trong phạm vi đó thôi thì đánh giá quá thấp ý chí, bản lĩnh của dân tộc Việt. Đừng hoang tưởng!
Tiến hành một cuộc chiến tranh chính nghĩa, chỉ cần có đủ cơm, muối và nước uống là Việt Nam đánh giặc đến khi nào thắng thì thôi, mà những thứ đó Việt Nam bây giờ không thiếu, không giống như thập kỷ 80. Còn Trung Quốc, tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa trên nền tảng một nội bộ bất ổn, lòng dân không thuận thì nước loạn chỉ là vấn đề thời gian.
Xung đột quân sự xảy ra trên Biển Đông là vậy đó.
Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014
ĐÃ ĐẾN LÚC VIỆT NAM PHẢI QUYẾT ĐỊNH!
Vụ giàn khoan HD 981 đã lột tả bản chất vốn có mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Việt Nam có cần phải tôn trọng mối quan hệ “ngàn đời” này không?
Tình hình khu vực và thế giới đã thay đổi.
Trên Biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng với sự hộ tống của cả tàu chiến và máy bay quân sự bảo vệ là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông; bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng và Nhà nước Việt – Trung.
Không những Việt Nam, Philipines bị Trung Quốc gây hấn, đe dọa mà ngay cả Indonesia, Malaysia, Trung Quốc cũng nhe răng múa vuốt biến 2 quốc gia này thành đối thủ.
Nga-Trung Quốc tăng cường quan hệ trong tình thế Nga bị Mỹ và phương Tây trừng phạt sau sự kiện Ukraine và Trung Quốc bị liên minh Mỹ-Nhật Bản, Mỹ-Philipines bao vây. Rõ ràng sự bắt tay Trung Quốc và Nga với nhau diễn ra xuất phát từ mục đích chống cùng kẻ thù chung là Mỹ.
Căng thẳng Trung Quốc-Nhật Bản trên biển Hoa Đông đã thay đổi Nhật Bản và Mỹ không cách nào khác là khuyến khích Nhật Bản tái vũ trang, thực hiện quyền tự vệ tập thể mà theo đó, Nhật Bản sẽ sử dụng vũ lực trong 3 trường hợp sau: Khi an ninh của Nhật Bản bị đe dọa; khi một đồng minh thân thiết của Nhật Bản bị tấn công và khi một quốc gia bị tấn công đề nghị Nhật Bản điều binh trợ giúp.
Bắt đầu từ đây, Nhật Bản không những là một cường quốc kinh tế mà thực sự là một cường quốc quân sự hùng mạnh, có vị trí gần Việt Nam nhất trên khu vực Châu Á-TBD.
Có thể nói, thế trận và cục diện địa chính trị trên khu vực Châu Á-TBD đã thay đổi lớn và rất rõ ràng trong đó một điểm đang rất nóng nổi lên có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh lớn trên Biển Đông là Việt Nam một mình đang đối phó với sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam cùng với 134 tàu chiến , hải cảnh, hải giám và máy bay bảo vệ cho hành vi phi pháp của họ.
Việt Nam phải làm gì khi bị Trung Quốc lấn tới?
Hòa bình và an ninh Việt Nam đang bị đe dọa bởi nước láng giềng Trung Quốc. Đồng bào ta thực sự lo lắng và kiên quyết phản đối, cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, chia sẻ và tỏ tình đoàn kết với Việt Nam.
Trung Quốc đã lộ rõ bộ mặt thật của mình là bành trướng, bá quyền nước lớn, hung hăng, ngang ngược, bất chấp đạo lý và pháp lý, quyết tâm cậy mạnh để chiếm trọn Biển Đông.
Với tình hình này, Việt Nam buộc đã sẵn sàng chuẩn bị cho biện pháp “không hòa bình”, nhưng trước hết là chuẩn bị cho “sức mạnh răn đe ngăn ngừa chiến tranh”. Đó là phải tạo thế và lực cho mình.
Đành rằng Việt Nam phải học hỏi kinh nghiệm đấu tranh giữ vững độc lập chủ quyền, lối ngoại giao mềm dẻo, cương nhu… với gã hàng xóm Trung Quốc của ông cha, nào là đánh thắng nó nhưng vẫn cấp thuyền ngựa cho nó rút về nước, đánh thắng nó nhưng hàng năm vẫn phải cống nộp… vì thế giới ngày xưa một nước nhỏ ở cạnh một nước lớn có tâm địa bành trướng, luôn cậy đông, mạnh, đi cướp các quốc gia láng giềng nhỏ bé thì biết kêu ai, nhịn nó một tiếng, nhường nó một miếng cho yên cửa, yên nhà, miễn sao nó đừng đụng đến mình.
Nhưng, cả ngàn năm nay dã tâm cướp nước ta, thôn tính nước ta của nhà cầm quyền Trung Quốc thì chưa bao giờ thay đổi.
Nhưng, thế giới bây giờ đã khác xưa, đã toàn cầu hóa. Vì vậy, đường lối, đối sách với Trung Quốc của chúng ta cũng không thể vận dụng rập khuôn kiểu ngày xưa của ông cha.
Chính sách quốc phòng “ba không”, Việt Nam đã tỏ rõ thiện chí hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc bất chấp Trung Quốc không muốn như vậy, họ muốn lớn hơn là Việt Nam phải thuần phục, lệ thuộc hoàn toàn cơ. Một con chuột dâng cho con mèo miếng phomat là chuột được yên? Không đâu, mèo muốn cả con chuột.
Việt Nam phải thay đổi để thoát ra khỏi cảnh ngang trái bức bách này và vụ giàn khoan HD 981 của Trung Quốc hạ đặt sâu trong thềm lục địa Việt Nam-một cuộc xâm lược kiểu mới rất thâm độc và nguy hiểm có lẽ là một cơ hội.
Năm 1979, Trung Quốc tấn công xâm lược Việt Nam trên toàn bộ biên giới, Đảng, quân đội Việt Nam đã xác định: Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp, là đối tượng tác chiến trực tiếp. Ngày nay, tình thế chúng ta khác trước rất nhiều, thuận lợi hơn rất nhiều thì Việt Nam chọn bạn mà chơi, chọn “anh em” để giúp nhau khi hoạn nạn mà không ngại chuyện “tế nhị” như ông cha ta ngày xưa. Chẳng phải Việt Nam đã liên minh quân sự với Liên Xô và nhờ sự liên minh này mà Trung Quốc đã phải bại trận năm 1979 đó sao?(Ai không tin thì hãy xem lại hoạt động quân sự của Liên Xô khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979)
Với Nga, khi mối quan hệ Nga-Trung nồng ấm sẽ có sự tác động vào mối quan hệ Việt-Nga. Tuy nhiên, do bản chất mối quan hệ Nga-Trung giống như Liên Xô với Mỹ và Anh bắt tay nhau chống phát xít Đức, cho nên, chắc chắn mối quan hệ Việt Nam-Nga sẽ trở nên tin cậy hơn bởi Việt Nam sẽ là “quả đấm” của Nga ở Tây TBD.
Với Nhật Bản, đây là cường quốc kinh tế, quân sự có vị trí địa lý gần Việt Nam nhất, có cùng với Việt Nam một kẻ thù chung, có tuyến hàng hải sống còn trên Biển Đông và không có một mâu thuẫn nào với Việt Nam về quyền lợi kinh tế, quân sự, ngoại giao và chính trị. Chỉ cần biết rằng, Trung Quốc chưa bao giờ vượt qua được “lời nguyền Nhật Bản” và hết triều đại này đến triều đại khác từ cổ cho tới kim, Trung Quốc chưa bao giờ khuất phục được Việt Nam thì mới thấy sự thâm thù, cay cú của chủ nghĩa Đại Hán với 2 quốc gia Việt, Nhật.
Bởi vậy, liên minh với Nhật Bản chống kẻ thù chung (bây giờ nói thẳng toẹt ra là chống Trung Quốc) là thượng sách và điều may mắn, thuận lợi là vấn đề này lại phụ thuộc chủ yếu vào Việt Nam.
Với Philipines, tuy là một quốc gia có tiềm lực quân sự yếu nhưng vị trí chiến lược của Philipines và Việt Nam đã biến tuyến hàng hải từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương ngoài phải vượt qua eo biển Malacca lại buộc phải qua “eo biển” Cam Ranh-Subic.
Như vậy, liên minh với Nhật Bản tạo ra cho Việt Nam về lực, với Philipines tạo ra cho Việt Nam về thế.
Sự thách thức ngặt nghèo, nguy hiểm luôn là điều kiện cho những quyết định táo bạo có tính lịch sử. “Thay đổi cách đánh” trong Điện Biên Phủ là minh chứng và chắc chắn “Thay đổi cách đánh” trong tình hình hiện nay thì đã đến lúc Việt Nam phải quyết định.
Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014
NHỮNG “BIỆN PHÁP CẦN THIẾT” BẢO VỆ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM LÀ GÌ?
Phải nhận thức đúng rằng, hành động vừa qua của Trung Quốc là đang thực hiện một cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới mà chỉ có Trung Quốc nghĩ ra.
Bất kỳ người dân Trung Quốc nào cũng tự hiểu: “Nếu đó là vùng biển của mình thì cớ gì Trung Quốc mang theo tới đó công cụ, phương tiện của kẻ đi cướp như tàu chiến, máy bay tiêm kích, các tàu cải hoán vũ trang với thái độ rất hung hăng, hiếu chiến như vậy? Chẳng lẽ chỉ có Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa giàn khoan ra biển khoan thăm dò dầu khí? Trong khi đó, Việt Nam đã có nhiều giàn khoan thăm dò, khai thác mà đâu cần triển khai các công cụ, phương tiện như đi cướp giống Trung Quốc?
Rõ ràng, đây là một cuộc chiến tranh, vì thế, tình hình đã trở nên rất nguy hiểm. Chúng ta không manh động, chủ quan mà phải bình tĩnh, sáng suốt, hành động thận trọng, khôn khéo, cương quyết để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh kiểu mới này.
Hơn 80 tàu cỡ lớn có tàu khu trục tên lửa và tàu tác chiến nhanh, chống lưng cùng với máy bay gầm rú…đã tỏ ra hung hăng phun vòi rồng, cậy to xác húc thẳng vào tàu Việt Nam…nhưng lực lượng tàu chấp pháp Việt Nam cụ thể là Kiểm Ngư và Cảnh sát biển đã không nao núng, sợ sệt. Họ rất bình tĩnh, tự tin với một ý chí kiên cường, tuân thủ nghiêm túc sự chỉ đạo chiến thuật, chiến lược, của chỉ huy nhằm mục tiêu chiến thắng toàn cục.
Buộc Trung Quốc phải lộ mặt.
Ngang ngược đưa giàn khoan vào hoạt động phi pháp tại thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc đã vấp phải hành động kiên quyết, tự tin của người chủ vùng biển là lực lượng chấp pháp Việt Nam khiến cho lực lượng phi pháp của Trung Quốc cậy có tàu tên lửa đằng sau, máy bay trên trời, không còn cách nào khác là phải giở thói côn đồ, hung hăng.
Theo UNCLOS thì Trung Quốc đã vi phạm là rõ ràng, không phải bàn cãi, nhưng cùng với hình ảnh tàu Trung Quốc phun vòi rồng, húc vào tàu chấp pháp Việt Nam được phát lên toàn thế giới thì bộ mặt hung hăng, ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế, cậy mạnh để bành trướng…đã lộ rõ nguyên hình. Không những thế dã tâm, tham vọng của Trung Quốc với Biển Đông cũng đã không còn được che đậy.
Kết quả đầu tiên, từ Biển Đông, những “đợt sóng” phản đối dữ dội của dư luận, cộng đồng quốc tế đang liên tiếp dồn dập giáng thẳng vào Trung Quốc đến mức chịu không nổi Tân Hoa xã đổ tội cho Việt Nam là “cố tình làm xấu hình ảnh Trung Quốc trước khu vực và thế giới”.
Đến đây, việc có kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không đặt ra suy nghĩ cho rất nhiều người. Có cần thiết không khi Trung Quốc hoàn toàn lộ mặt, bị các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản…phản đối quyết liệt? Có cần thiết không khi Trung Quốc là nước vốn quen bất chấp, và ngang ngược? Có cần thiết không khi người “thi hành án” không ai khác chính là dân tộc Việt Nam?...Có lẽ là không cần thiết lắm.
Có thể nói, đối đầu với 80 tàu chiến và tàu chấp pháp của Trung Quốc, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tuy nhỏ và ít đã bị chúng phun vòi rồng, đâm vào tàu gây thương tích nhưng với bản lĩnh và trí tuệ, họ đã thắng. Chiến thắng này mang tầm chiến lược.
Đáp trả tương xứng.
Lực lượng chấp pháp của Việt Nam trong mấy ngày qua trước sự hung hăng của tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã thể hiện một bản lĩnh tuyệt vời.
Do chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh chỉ huy thực hiện mưu kế, đối sách trên biển, lực lượng chấp pháp Việt Nam đã kiềm chế hết mức trước việc bị tàu Trung Quốc cố tình đâm va, phun vòi rồng. Tàu chấp pháp Trung Quốc phần lớn là tàu quân sự cải hoán nên chúng có tốc độ nhanh và độ bền cao nên luôn chiếm ưu thế khi chủ động đâm va vào tàu Việt Nam. Giờ đây, sự kiềm chế của Việt Nam đã không cần thiết, đã đến lúc Việt Nam tung lực lượng để sẵn sàng đâm va với tàu Trung Quốc khi cần thiết. Tàu phóng lôi “mũi khoằm” của Nga cải hoán thành tàu CSB phải xuất phát. Đây là loại tàu có tốc độ nhanh và quay trở rất nhanh, có khung thép chắc, bền, sẽ là những mũi tên thép để đáp trả khi cần thiết.
Trung Quốc đã cậy tàu lớn, khỏe, tạo ra một tiền lệ phi hàng hải là chủ động đâm va thì họ phải gánh chịu hậu quả bất lợi khi tàu nhỏ, rắn chắc, chủ động đâm va vào tàu lớn cơ động chậm. Chỉ cần một cú đâm va nhẹ, không cần mạnh và không nên mạnh để hạn chế xây xát cho ta, của một con tàu nhỏ vào vào 1/3 thân tàu tính từ đuôi của con tàu lớn thì chưa rõ ai là kẻ phải ôm phao cứu sinh.
Chiến thuật “cây cải bắp” mà Trung Quốc áp dụng thành công với Philipines tại bãi cạn Scarborough đã không có tác dụng với Việt Nam ngay từ đầu. Hôm nay tàu CSB 8001 đã khéo léo vượt qua vòng bảo vệ, áp sát giàn khoan kêu gọi Trung Quốc rút lui đã chứng tỏ hoạt động của HD 981 sẽ gặp khó khăn khi tiến hành một cuộc xâm lược mang đầy “bản sắc Trung Quốc” mà từ cổ chí kim thế giới chưa xuất hiện kiểu xâm lược này.
Hợp tác cùng Nhật Bản chống kẻ thù chung.
Đã đến nước này thì Việt Nam buộc phải đánh bài ngửa với Trung Quốc. Việt Nam không bao giờ chống Trung Quốc khi 2 bên tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Nguyên tắc quốc phòng “Ba không” đã chứng tỏ thiện chí của Việt Nam với Trung Quốc về vấn đề đó. Nhưng Trung Quốc đã giẫm lên thiện chí của Việt Nam, họ biến Việt Nam thành kẻ thù khi trắng trợn xâm lược chủ quyền Việt Nam. Không còn con đường nào khác, Việt Nam phải chống lại Trung Quốc bằng tất cả mọi sức mạnh trong đó có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế gồm có Nhật Bản.
Quan hệ quốc phòng Việt Nam-Nhật Bản phải phát triển hết công suất vì mục tiên chung là an toàn hàng hải trên Biển Đông, vì sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Chưa đến mức phải phải xây dựng liên minh phòng thủ với Nhật Bản chống Trung Quốc xâm lược, nhưng điều đó không phải là điều không thể.
Thời điểm này Trung Quốc đã không còn dùng hành động đâm va tàu Việt Nam mà sử dụng chiến thuật khác là cậy đông vây chặt không cho tàu chấp pháp Việt Nam tiếp cận giàn khoan. Để tạo ra khoảng trống nhất định, Việt Nam cần phải có lực lượng mạnh tương đương với Trung Quốc tại hướng đó. Vì thế xúc tiến nhanh sự viện trợ các tàu tuần tiểu cho Cảnh sát biển với Nhật Bản khi Nhật Bản đã không còn bị hạn chế bởi nguyên tắc xuất khẩu vũ khí là thích hợp nhất trong tình hình hiện nay.
Giờ đây, sự phản đối của Trung Quốc cũng không có ý nghĩa gì với Việt Nam vì mối quan hệ này lòng tin đã tận đáy, Việt Nam không có lý do gì để bảo vệ, tôn trọng.
An toàn hàng hải-đường sinh mạng của Trung Quốc.
Còn nhớ, ngay tại thời điểm tháng 6/2013, Thủ tướng Việt Nam tại Shangri-La cảnh báo: “Chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường”.
Và ngày 11/5/2014 tại hội nghị cấp cao ASEAN ở Myanmar, Thủ tướng Việt Nam lại thông báo khẩn: “Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông - mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng”.
Tư lệnh CSB Việt Nam cho biết, mặc dù trong khu vực đang căng thẳng bởi sự hung hăng của các tàu phi pháp Trung Quốc với lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam nhưng vẫn xuất hiện “dòng hàng hóa” đi qua là những tàu thương mại, tàu containe”.
Rõ ràng, kẻ gây ra chính là Trung Quốc khi ngang ngược xâm lược chủ quyền vùng biển của Việt Nam được UNCLOS công nhận và đương nhiên Việt Nam sẽ kiên quyết bằng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền trước sự xâm lược này.
Chắc chắn sẽ là nguy hiểm, không an toàn khi căng thẳng ngày càng leo thang trên tuyến hàng hải đó nếu như không muốn nói là tuyến hàng hải bị ngừng hoạt động. Chừng nào giàn khoan phi pháp của Trung Quốc chưa rút khỏi vùng biển Việt Nam, chừng đó, Trung Quốc cũng sẽ không thoát khỏi hậu quả khủng khiếp khi dòng hàng hóa bị gián đoạn và áp lực mạnh mẽ của cộng đồng hàng hải quốc tế.
Có ai hiểu Trung Quốc bằng Việt Nam và có ai đánh Trung Quốc nhiều lần như Việt Nam. Một đất nước có truyền thống chống giặc ngoại xâm như Việt Nam thì Trung Quốc không cần “nắn gân” hay thử lòng yêu nước của dân Việt. Trung Quốc cần phải nghiên cứu để hiểu rõ điều này: Pháp đã từng tấn công xâm lược Việt Nam, Mỹ cũng vậy và ngay bọn Khmer đỏ cũng đã từng tấn công biên giới Tây-Nam…nhưng mỗi khi Trung Quốc gây hấn là hào khí Đại Việt lại ngút trời. Bất cứ ai, bất cứ thành phần nào, cũng hừng hừng khí thế sẵn sàng “ăn thua đủ” với quân Trung Quốc xâm lược. Tại sao lại như vậy?????
Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014
Trung Quốc sẽ trả giá đắt.
Trước hết về chính trị. Thế giới đều lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc là hung hăng, trắng trợn, bất chấp luật pháp quốc tế, đó là bành trướng, bá quyền nước lớn.
Hành động này khiến các quốc gia khu vực hết sức lo ngại, cảnh giác cao độ với Trung Quốc sẽ báo trước nguy cơ bị thất bại hoàn toàn trước cuộc chiến địa chính trị với Nhật Bản và Mỹ tại Tây TBD.
Với Việt Nam, Trung Quốc đã lộ rõ dã tâm đối với nhân dân Việt Nam và kích hoạt tinh thần yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Về kinh tế. Như các nhà chuyên môn đã chỉ rõ, việc định vị và tiến hành khoan thăm dò trong một vùng biển sâu trên 1200m không phải là đơn giản.
Trong điều kiện trời yên biển lặng, muốn định vị được trước hết, giàn khoan này phải được neo cố định bằng 12 sợi xích neo, mỗi sợi có chiều dài trên 3.000m. Mỗi sợi xích nặng khoảng hơn 100 tấn. 12 sợi xích này đảm bảo cho giàn khoan không bị dòng hải lưu cuốn trôi. Nhưng khi có sóng to, việc giữ cân bằng cho giàn khoan mới là công việc phức tạp. Hiện nay, để duy trì cho một giàn khoan như thế này trên biển (chưa nói đến chuyện khoan xuống lòng biển) là khoảng 1,2 triệu USD mỗi ngày. Khi khoan, chi phí cực kỳ tốn kém. Nếu khoan ở mực nước sâu 40-70m, chi phí cho một giếng khoan sâu 3.000m là 20-25 triệu USD, còn chi phí cho một giếng khoan ở mực nước 90-120m là 200-250 triệu USD. Còn chi phí cho một giếng khoan ở mực nước sâu 1.200m thì không có giá dưới 500 triệu USD. Đó là chưa kể chi phí về dịch vụ và bảo vệ.
Trong khi đó sự ngăn chặn của lực lượng chức năng Việt Nam là quyết liệt với một quyết tâm cao nhất, bằng mọi biện pháp cần thiết, để buộc giàn khoan phi pháp của Trung Quốc phải rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thì việc giàn khoan HD 981 hoạt động được là điều rất khó khăn tốn kém nếu như không nói là không thể.
Về quân sự. Ở vị trí này, Trung Quốc thừa biết việc đánh chìm nó với Việt Nam khi xung đột quân sự xảy ra thì không mấy khó khăn nhưng Việt Nam sẽ không bao giờ đụng đến nếu như không bị Trung Quốc gây ra xung đột quân sự. Bởi thế, việc Trung Quốc dùng tàu tên lửa khu trục, tàu tác chiến nhanh, lượn lờ vòng ngoài chỉ là hù dọa những kẻ yếu bóng vía. Xung đột quân sự nếu xảy ra, không những giàn khoan tỷ USD là mồi ngon cho tên lửa bờ, không quân Việt Nam là chuyện nhỏ mà tuyến hàng hải huyết mạch kinh tế, năng lượng của Trung Quốc bị cắt đứt mới là chuyện lớn gấp bội…
Vì vậy, trong thời điểm hiện tại Trung Quốc chưa dám mạo hiểm và liều lĩnh. Nguy cơ mất an toàn hàng hải luôn cận kề và càng tăng cùng với sự leo thang căng thẳng trên Biển Đông là hệ quả nguy hiểm mà Trung Quốc cần tính tới.
Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014
Góc nhìn của lính: Vị trí giàn khoan HD 981 trên BĐ .
Như đã nói, đưa giàn khoan khủng vào thềm lục địa Việt Nam gần 80 hải lý, Trung Quốc đã mở màn cho chiến lược chiếm trọn Biển Đông của mình. Trung Quốc đã đánh cược rất lớn vào nước cờ đầu này. Nếu Việt Nam hoảng sợ, buông xuôi, bỏ cuộc như Philipines trong vụ Scarborough thì nước cờ hiểm thứ hai sẽ xảy ra…
Chúng ta hãy xem vị trí mà Trung Quốc đưa HD 981 vào “định vị” trong vùng biển Việt Nam bằng góc nhìn quân sự chứ không phải bới góc nhìn về chủ quyền vì về chủ quyền thì dù chỉ xâm phạm 1cm vẫn là xâm phạm chủ quyền.
Đầu tiên, tại sao Trung Quốc không đưa giàn khoan HD 981 đến khẳng định chủ quyền ở khu vực Trường Sa? Vì Trung Quốc không đủ sức đề bảo vệ lâu dài tại một vị trí xa căn cứ, hơn nữa, tại những vị trí này sẽ bị Việt Nam phản ứng quyết liệt, không nhân nhượng trong bất kỳ tình huống nào. Còn ở đây, cách đảo Hải Nam 180 hải lý, đảo Tri Tôn 17 hải lý và “không quá sâu” vào trong vùng EEZ của Việt Nam, “chỉ 80 hải lý”, cho nên, Trung Quốc có điều kiện, phương tiện để thể hiện sức mạnh trấn áp và nếu khi tình hình căng thẳng lên cao bởi sự ngăn cản quyết liệt của Việt Nam buộc Trung Quốc phải xuống thang thì nếu đàm phán xảy ra, sẽ có nhiều sự lựa chọn cho Trung Quốc.
Nếu tại khu vực này, Việt Nam như Philipines với bãi cạn Scarborough thì nước cờ tiếp theo là Trung Quốc sẽ không ngại ngần thiết lập khu nhận dạng phòng không (ADIZ) đầu tiên trên Biển Đông. Nghĩa là sau khi đơn phương thiết lập chủ quyền trên vùng biển thì phải thiết lập chủ quyền vùng trời trên khu vực đó là logic của vấn đề...bành trướng.
Lập ADIZ tại khu vực này có thể phát huy hiệu quả khi có Hạm đội Nam Hải mạnh nhất của Hải quân Trung Quốc ở gần hỗ trợ.
Lập ADIZ trên khu vực này thì đối tượng bị thực thi chủ yếu là Việt Nam, do đó, Trung Quốc có thể tránh được sự bẽ mặt như khi tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông, hạn chế sự đối đầu quân sự với Mỹ.
Đó là sự tính toán khá hợp lý của Bắc Kinh khi sử dụng nước đi của giàn khoan HD981.
Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014
CĂN BỆNH “UNG THƯ BÀNH TRƯỚNG” CỦA TRUNG QUỐC ĐÃ BẮT ĐẦU PHÁT TIẾT
Việt Nam chưa bao giờ hoang tưởng về sự êm dịu trong khoảng thời gian vừa qua với Trung Quốc trên Biển Đông. Đó chỉ là khoảng thời gian để Trung Quốc chuẩn bị lực lượng, tăng cường sức mạnh quân sự sau khi diễn đủ trò với Nhật Bản trên biển Hoa Đông nhằm che đậy hướng tấn công chủ yếu.
Bây giờ hoặc không bao giờ!
Có thể nói muốn Biển Đông thành “ao nhà” không chỉ là âm mưu mà đã trở thành chiến lược “chiếm trọn Biển Đông” của Bắc Kinh. Để thực hiện mục tiêu chiến lược này Trung Quốc đương nhiên phải chuẩn bị, kế hoạc tổ chức thực hiện, thời gian, biện pháp…và cho đến thời điểm này, Trung Quốc đã chính thức công khai triển khai thực hiện chiến lược chiếm Biển Đông.
Có lẽ chúng ta không cần phải nói hành động đưa giàn khoan nước sâu HD 981 định vị vào thềm lục địa Việt Nam sâu trong vùng EEZ của Việt Nam 80 hải lý khoan thăm dò là như thế nào, đúng hay sai, vì cả thế giới đều biết. Điều chúng ta cần là biết mưu mô đằng sau hành động này là gì để xử lý sau khi đã “biết địch biết ta”.
Thứ nhất, tại sao Trung Quốc không khẳng định chủ quyến bằng các cách trước đây như dùng bạo lực cấm tàu cá Việt Nam, xua tàu cá của họ vào EEZ của Việt Nam hay như cắt cáp tàu thăm dò Việt Nam rồi thậm chí “rao bán” các lô dầu khí của Việt Nam?
Thực ra những hành động này chỉ là hành động nhằm “biến khu vực không tranh chấp thành khu vực có tranh chấp”, là hành động “chuẩn bị chiến trường” mà thôi, còn việc đưa giàn khoan vào trong thềm lục địa Việt Nam định vị, khoan thăm dò đã có tính chất khác. Đó là giàn khoan tỷ USD này, Trung Quốc đưa vào đây không phải để khoan, khai thác ở độ sâu trên ngàn mét như các chuyên gia đã chỉ ra mà vì mục đích tranh chấp chủ quyền.
Dùng giàn khoan nước sâu HD 981 là nước cờ đầu tiên mở màn chiến lược chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc và có thể nói Trung Quốc đặt cược quá lớn vào nước cờ đầu này hòng làm cho Việt Nam choáng ngợp, run sợ, do dự, dẫn đến mất ý chí chiến đấu và bỏ cuộc chơi. Cũng như tàu sân bay, giàn khoan HD 981 có giá trị hàng tỷ USD được “bảo kê” bởi sức mạnh của Trung Quốc. Đụng vào nó, đánh chìm nó cũng như đánh chìm tàu sân bay có nghĩa là thách thức đến sức mạnh của quốc gia sở hữu chúng. Việt Nam có dám đụng vào nó hay có đủ gan, dám đặt cược lớn như vậy khi cuộc chơi mới bắt đầu?
Thứ hai là thời điểm mở màn triển khai chiến lược chiếm trọn Biển Đông.
Quả thật trong năm 2013, Biển Đông của Việt Nam tương đối lặng sóng do Trung Quốc không khuấy động. Tuy thế, Việt Nam chưa bao giờ hoang tưởng về sự êm dịu trong khoảng thời gian vừa qua với Trung Quốc trên Biển Đông bởi đó chỉ là khoảng thời gian để Trung Quốc chuẩn bị lực lượng, tăng cường sức mạnh quân sự sau khi diễn đủ trò với Nhật Bản trên biển Hoa Đông nhằm che đậy hướng tấn công chủ yếu. Có bao nhiêu sức mạnh, năng lực Trung Quốc đề dồn về Nam Hải cả đấy thôi. Vấn đề là khi xét về thời gian chuẩn bị cho chiến trường Biển Đông thì thời gian không ủng hộ cho Trung Quốc.
Trung Quốc thừa biết Việt Nam không ngồi yên trong thời gian qua, nếu đến hết năm 2016 thì Trung Quốc rất khó để chiếm trọn Biển Đông nếu như không muốn nói là không thể vì khả năng phòng thủ của Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới và sự thay đổi địa chính trị dưới các bước đi của Nhật Bản và Mỹ ở Tây TBD sẽ tạo ra một lực lượng mạnh khó đối phó.
Có thể nói thời điểm và sử dụng lực lượng để mở màn triển khai chiến lược chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc là rất thâm hiểm.
Nhiều nhà phân tích cho rằng hành động của Trung Quốc (kéo giàn khoan HD 981 ra Biển Đông trong EEZ của Việt Nam) là một cái tát vào Obama, Mỹ. Xin lỗi, Trung Quốc chưa đến mức rồ dại lấy Việt Nam ra để nắn gân Mỹ, Mỹ là gì của Việt Nam? Trung Quốc lợi dụng căng thẳng ở Ukraine để ra tay hay chuyển sự chú ý của dư luận trong nước về sự bất ổn chính trị, ly khai khủng bố ra bên ngoài…có thể, nhưng chỉ là kết hợp.
“Bây giờ hoặc không bao giờ” trên Biển Đông với Trung Quốc là tư tưởng chỉ đạo cho một hành động mà thành bại mang tính thời cơ rất cao, nhưng, thời cơ đúng lúc hay chưa lại do con người nhận biết. Vì thế để có quyết định “kéo pháo ra” như trong chiến dịch Điện Biên Phủ thì ngoài biết ta ra phải biết địch, hiểu địch. Đáng tiếc là khi xâm lược Việt Nam thì những tên xâm lược chỉ có biết ta, cho rằng mình là mạnh, là vô đối mà không thậm chí không cần biết rõ, hiểu rõ Việt Nam để có những quyết định đại loại như quyết định “kéo pháo ra”.
Việt Nam trước đòn mở màn của Trung Quốc.
Hành động của Việt Nam trước việc HD 981 của Trung Quốc vào EEZ Việt Nam đã được dự đoán trước và không bị bất ngờ. Ngay lập tức hành động ngang ngược phi pháp này đã được tố cáo lên toàn thế giới, đồng báo Việt Nam trong nước và nước ngoài đã nắm bắt đầy đủ thông tin và lòng căm thù đang sùng sục dâng cao. Sức mạnh dân tộc đã đang được kết nối bởi Hoàng Sa và Trường Sa.
Người ta đã thấy rõ các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam tuy ít nhưng vẫn bình tĩnh, kiên quyết, thực hiện quyền chủ quyền của quốc gia trước một lực lượng cậy đông, hung hăng, bất chấp phải trái.
Hơn 80 tàu lớn các loại bao gồm cả tàu khu trục tên lửa của Trung Quốc đang hùng hổ phô trương sức mạnh, lăm lăm vũ khí trên tay (vũ khí trên tàu không che bạt)…chẳng làm cho lực lượng Kiểm Ngư, Cảnh sát biển Việt Nam sợ hãi, nao núng. Đây là gì, nếu như không phải là bản lĩnh của Việt Nam?
Sự kiềm chế của Việt Nam là có giới hạn và chắc chắn sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc đã, đang, được đáp trả xứng đáng. Dùng tàu lớn húc vào tàu nhỏ, tiền lệ này Trung Quốc đã tạo ra và họ không biết rằng hành động ngược lại là nguy hiểm gấp bội.
Phải công nhận, Trung Quốc đặt cược vào nước cờ mở màn này quá lớn khiến cho có thể ở đâu đó, tình thế nào đó…Việt Nam sẽ nhân nhượng vì muốn hòa bình. Nhưng trong trường hợp này, sau lưng Việt Nam đã là đất liền, thì cái mà Trung Quốc đặt cược đó không lớn để làm cho Việt Nam choáng váng, chần chừ, run sợ. Chẳng phải Pháp và đặc biệt là Mỹ…đã từng đặt cược theo cách đó mà ngay cả Trung Quốc cũng can ngăn Việt Nam nên bỏ cuộc vì “đụng đến Mỹ chết lây sang Trung Quốc” đó sao?
Bành trướng, bá quyền nước lớn giống như căn bệnh ung thư mà Trung Quốc mắc phải. Mọi hành động để chiếm trọn Biển Đông dù có mưu mô thâm hiểm đến mấy, hành động hung hăng ngang ngược đến mấy thì chỉ là biểu hiện phát tiết của căn bệnh mà thôi.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)