Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

Mỹ lại ngồi nhìn, Iran không phải là Ukraine hay Bolivia!



Khi quân đội, cảnh sát đang trung thành với nhà nước thì lật đổ nó bằng “cách mạng màu” là uổng công, vô ích.
Tuần qua, dư luận và truyền thông thế giới có vẻ như đang chăm chú vào Bolivia và mới nhất là Hồng Kong –Trung Quốc nên đã không chú ý đến một cuộc biểu tình (Tehran xác định là bạo loạn lật đổ do Mỹ-Israel đứng sau) lớn nhất, nguy hiểm nhất đến nay tại Iran.
Ngày 15/11, Tehran tuyên bố tăng giá xăng dầu lên 50% và hạn ngạch sử dụng nhằm để hỗ trợ cho 18 triệu người khó khăn trước sự cấm vận của Mỹ, mặc dù đã chuẩn bị đối phó sự phản kháng của người dân bằng cách bố trí lực lượng cảnh sát tại những cây xăng dầu quan trọng, nhưng Tehran vẫn bị bất ngờ…
Sau ngày thứ 7 và chủ nhật yên ắng, lập tức cuộc biểu tình đồng loạt xảy ra với khoảng hơn 100.000 người tham gia từ Tehran đến các tỉnh miền Tây Iran. Tính chất, hành động của cuộc biểu tình là rất côn đồ và hung hãn được tổ chức chặt chẽ, được sử dụng bằng vũ khí quân dụng…
Ngày đầu tiên, 3 cảnh sát đã bị giết chết, tiếp tục các cơ quan chính phủ và hàng trăm ngân hàng kể cả Ngân hàng trung ương bị đốt cháy…khiến cho lực lượng cảnh sát chống bạo động Iran bó tay ngoài tầm kiểm soát.
Cùng với đó, tàu sân bay Mỹ đã tiến hành đi vào eo biển Hormuz, triển khai B-52 tại UAE, áp sát Iran, đồng thời, không quân Israel đã mở đợt tấn công mãnh liệt vào Damascus và lân cận nhằm vào cơ sở quân sự của Iran.
Có thể nói, kịch bản cũ nhưng vô cùng nguy hiểm dành cho Iran đã được thực hiện: Bên trong nổi dậy bạo loạn, bên ngoài lực lượng quân sự áp sát với ý đồ lật đổ chính quyền Tehran bằng Cách mạng màu mà không cần, không thể bằng biện pháp quân sự trực tiếp.
Quy mô cuộc biểu tình là rất lớn, tính chất là rất nguy hiểm đến mức mà nếu không có biện pháp xử lý thì hỗn loạn sẽ xảy ra ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ Tehran. Sự sụp đổ này không khác gì sự sụp đổ của Liên Xô dù có vũ khí hạt nhân, trang bị vũ khí đầy mình…
Nhưng, Iran không phải là Ukraine, càng không phải là Bolivia. Iran đã xử lý tuyệt vời được coi như là một bài học kinh điển cho các quốc gia nào có nguy cơ như đã từng tại Iran với “4 nốt nhạc”.
1, Quân đội ra tay
Khi chính quyền Tehran xác định tính chất, mức độ cuộc biểu tình, khi nó đã nằm ngoài tầm kiểm soát của cảnh sát thì Tehran đã quyết liệt, nhanh chóng sử dụng lực lượng Vệ binh Cách mạng – lực lượng trung thành tuyệt đối với chính quyền.
Đây là sự khác biệt với Ukraine và đặc biệt là khác xa với Bolivia của Iran. Khi quân đội, Cảnh sát không thuộc chính quyền nhà nước, khi có sự cố xảy ra đã bị mua, nói một cách chính xác là khi 2 lực lượng này “phi chính trị hóa” thì chính quyền như “cá trên thớt”. Ukraine, Bolivia…chỉ trong “một nốt nhạc” là chính quyền bay ngay như diều đứt dây.
Lãnh đạo tinh thần Iran đã khẳng định tăng giá xăng là đúng, rằng người dân có thể phản kháng (biểu tình) nhưng không phải là đập phá, giết người, đốt phá ngân hàng…đó là hành động côn đồ, bạo loạn là bọn đặc vụ nước ngoài phản bội đất nước…Đây được coi như một mệnh lệnh tối cao cho quân đội thẳng tay dẹp loạn…
2, Tắt mạng internet
Sau khi xác định cuộc biểu tình “có dấu hiệu can thiệp của nước ngoài”, tại Tehran, họ đã nhấn nút chuyển đổi để tắt hoàn toàn mạng.
Sau khi tắt mạng bắt đầu vào ngày 17/11 đến ngày 19/11, thì chỉ có 4% lưu lượng truy cập (rất có thể là chỉ của các dịch vụ nhà nước) từ các khối lượng trước đó đến từ Iran.
Có thể nói, đây là quốc gia đầu tiên đã xử lý biểu tình bằng ngắt mạng toàn quốc. Thực ra một số quốc gia đã tiến hành chặn thông tin, chặn mạng để ngăn thông tin ra ngoài, ngăn lực lượng biểu tình trong một khu vực thông tin liên lạc, nhưng ngắt mạng toàn quốc như Iran là hành động ngăn chặn thông tin triệt để, hiệu quả nhất.
Do vậy, Iran làm tê liệt hoàn toàn thông tin và cấu trúc mạng của các cuộc biểu tình. Đám biểu tình ở thành phố khu vực này không biết đám kia bị ra sao, như thế nào, đặc biệt lại không có sự chỉ đạo từ bên ngoài cho nên như rắn mất đầu.
Ngay Ngoại trưởng Mỹ cũng hô hào rằng mọi người trong Iran hãy gửi video ra ngoài để Mỹ hỗ trợ, trừng phạt…thì chứng tỏ Iran đã phong tỏa thông tin rất triệt để và đó cũng là lý do tại sao có rất ít tin tức từ cuộc biểu tình này tại Iran mà quy mô, tính chất Hồng Kong chưa là gì…
3, Lực lượng đặc biệt áp sát
Tehran xác định, lực lượng biểu tình chủ yếu là loại côn đồ được chỉ đạo của lực lượng đặc vụ Mỹ-Israel. Những vị đặc vụ này đeo mặt nạ chỉ đạo côn đồ sử dụng vũ khí quân dụng…Do đó an ninh Iran đã lập tức cử nhân viên trà trộn, đeo bám và…khi được lệnh lập tức quật sấp mặt.
Kết quả, theo tin từ truyền thông Nga, Trung Quốc và Iran thì hơn 180 đặc vụ của Mỹ-Israel bị an ninh Iran bắt giữ, lột mặt nạ. Iran đã tuyên bố là hoặc khai ra kẻ đứng đằng sau thì sống, bằng không là hành hình, nên một số đã khai dần. Iran tuyên bố là sẽ có biện pháp trả đũa những kẻ đứng đằng sau cố tình bạo loạn lật đổ chính quyền.
4, Biểu tình chống biểu tình
Phải công nhận rằng chính sách tăng giá xăng dầu là nhân đạo và đúng đắn của Tehran để tạo ra sự công bằng xã hội trong tình thế bị Mỹ cấm vận.
Mặt khác, giá xăng dầu ở Iran đang là rẻ nhất thế giới, hơn nữa nguyên nhân chính của cuộc biểu tình không phải là giá xăng tăng, đó chỉ là cái cớ, cho nên chính quyền Tehran cũng được nhân dân Iran đồng tình ủng hộ.
Vì thế, cùng lúc đó, các cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ rầm rộ của người dân Iran khắp cả nước, họ hô vang khẩu hiệu căm thù Mỹ, ủng hộ chính phủ, bảo vệ Tổ quốc trước xâm lăng…
Đến hôm qua, ngày 24/11 sau một tuần gây bạo loạn Tehran đã ổn định được tình hình, mạng internet được kết nối, 180 đặc vụ cầm đầu cuộc biểu tình bị bắt và đưa ra đoạn đầu đài bất cứ khi nào, trong khi đó Mỹ trừng phạt Bộ trưởng TT-TT Iran vì dám ngắt kết nối Internet.
Điều rút ra: Muốn bạo loạn lật đổ một chính quyền quốc gia nào đó thì phải tìm cách phi chính trị hóa quân đội, cảnh sát hoặc mua nó. Và nếu biểu tình, bạo loạn xảy ra thì xử lý nó bằng “4 nốt nhạc” như Iran đã từng là bài kinh điển.

Thổ Nhĩ Kỳ - người “đi dây” không bao giờ bị rơi!



Mỹ và Nga không ngại Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lợi ích quốc gia khiến cả hai phải bình tĩnh lựa chọn thiệt hơn khi cư xử…
Trong quan hệ quốc tế, một quốc gia ở giữa sự cọ xát địa chính trị của 2 cường quốc lớn muốn tồn tại họ thường thực hiện sách lược “đi dây”.
Hoạt động đối ngoại để bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia giữa 2 cường quốc trong tình thế đối đầu địa chính trị như Nga-Mỹ hay Trung Quốc-Mỹ như đi trên dây qua 2 bờ vực thẳm mà sơ sẩy là toi mạng. Vì thế “đi dây” kiểu đó đòi hỏi phải có tính nghệ thuật, có bản lĩnh mà không phải ai, quốc gia nào cũng có thể.
Thực tế, nhiều nhà nghiên cứu chiến lược quốc tế đã cho rằng Việt Nam đang thực hiện đối sách “đi dây” giữa Trung Quốc - Mỹ…và, Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia cũng “đi dây” giữa 2 bờ vực Nga và Mỹ nhưng…không bao giờ bị rơi.
 Từ thất bại này, Mỹ phạm đến sai lầm khác…
Có thể nói, để chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan rơi vào tình trạng này là do Mỹ đã phạm sai lầm hay chính xác là Mỹ đã thất bại trong âm mưu thực hiện loại bỏ Erdogan khi phát hiện có dấu hiệu chính quyền Erdogan đã đi chệch quỹ đạo Mỹ-NATO của chính quyền Obama.
Thất bại của chính quyền Barack Obama và “con diều hâu” đầu đàn là Hillary Clinton với Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ tổ chức đảo chính quân sự nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan, đã chịu hậu quả nghiêm trọng là hủy hoại mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.
Lẽ ra, sau khi đánh bại Hillary Clinton và đảng Dân chủ Mỹ để lên ngôi Tổng thống, Donald Trump có điều kiện, lý do chính đáng và cơ hội để sửa sai trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không, Trump đã đã không tận dụng nó. 
Trong ba năm, chính quyền của Tổng thống Trump đã tán tỉnh, “kết hôn ngoài giá thú” với người Kurd – kẻ thù mà chính quyền Erdogan coi là khủng bố, đe dọa an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, đã khiến cho mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ càng tồi tệ hơn trước.
Từ một đồng minh, một thành viên NATO có một vị trí, vị thế vô cùng quan trọng trong hệ thống NATO, Thổ Nhĩ Kỳ, trong phút chốc đã “ly thân” NATO - trạng thái mà bất kỳ một tác động nào khi cần thiết cũng có thể trở thành một đồng minh chiến lược của Nga.
Đến đây, sự hoảng hốt, lo sợ của Mỹ đã lộ rõ…Hãy chú ý đến chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan mới đây theo lời mời của Tổng thống Mỹ Trump.
Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ vui mừng hân hoan coi chuyến thăm đã đem lại chiến thắng cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi báo chí Mỹ không đưa tin một cách tích cực về chuyến thăm này. Thổ Nhĩ Kỳ chiến thắng và Mỹ phải nhượng bộ? Chúng ta tự trả lời khi đồng ý với điều này. 
Thứ nhất, việc Trump đồng ý tham gia cuộc họp là rất quan trọng, vì Erdogan, bất chấp các mối đe dọa, đã không tuân thủ bất kỳ yêu cầu nào của Mỹ. Hơn nữa, chính Erdogan đã thực sự đã đẩy người Mỹ ra khỏi Bắc Syria, nơi mà bây giờ, lợi dụng tình hình, quân đội của Assad đã có được không cần một phát súng.
Trong bối cảnh chính trị như vậy, sự đồng ý của Trump cho một cuộc gặp mà không cần điều kiện tiên quyết đã là một thất bại. Và, dù đã quen với việc đối xử với các đối tác NATO, nhưng Trump buộc phải nói về những điều khoản bình đẳng với Erdogan.
Thứ hai, Trump không thể thuyết phục Erdogan từ bỏ định hướng liên minh với Nga, hơn nữa, trong cuộc gặp, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn đe với lưu ý rằng, chưa biết chừng, mối quan hệ giữa Ankara và Moscow là mối quan hệ đối tác chiến lược. 
Chúa ơi! Với thực tế Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là thành viên của NATO, điều này, tất nhiên, có thể nào xảy ra???. Bạn có thể là một đối tác chiến lược của đất nước mà liên minh quân sự hướng tới, mà trong đó bạn được giao nhiệm vụ tiêu diệt nó(!?).
Thổ Nhĩ Kỳ không phải là quân tốt!
Nên biết, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là lực lượng thực sự có khả năng chiến đấu thực sự duy nhất của liên minh NATO: 612 nghìn quân. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang Nga, cùng với các nhân viên dân sự, số lượng khoảng 900 nghìn người, nhưng họ phải hoạt động trên một khu vực rộng lớn từ Kaliningrad đến Vladivostok.
Ngoài ra, các lực lượng vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ khá cân bằng và có khả năng, không giống như các quân đội châu Âu khác, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chiến đấu. Tất nhiên, về chất lượng vũ khí và trang bị, chúng thua kém các đội quân hạng nhất (Nga, Mỹ), nhưng chúng có thể tạo ra những vấn đề đáng kể cho bất kỳ kẻ thù nào. Và, vẫn chưa biết liệu sẽ có ít nhất 5 đội quân trên thế giới có thể tin tưởng vào việc đánh bại người Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc đụng độ trực tiếp.
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò quan trọng ở Trung Đông. Và, bất kỳ sự thay đổi các ưu tiên chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực không có lợi cho Hoa Kỳ và Israel
Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một quân tốt mà là một người chơi có những lợi thế nhất định mà Mỹ-phương Tây không thể xem thường sự nguy hại của nó khi trật tự quyền lực thế giới đã hình thành đa cực mà Nga đang nổi lên như một người chơi chính tại Trung Đông.
Đã đến lúc Mỹ - NATO đã cảm nhận được sự lạnh lưng, hở sườn khi vắng Thổ Nhĩ Kỳ.
Sườn phía Nam của NATO
Rõ ràng, thực tế Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác không đáng tin cậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống phòng không S-400, Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác kinh tế chiến lược với Nga bằng đường ồng dẫn khí đốt Turk Stream…là phá vỡ NATO nên phải loại bỏ. Nhưng trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO có nghĩa là tuyến phòng thủ phía Nam của NATO sụp đổ hoàn toàn.
Tệ hơn nữa là nếu Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đối tượng tác chiến của NATO thì NATO sẽ phải suy nghĩ về việc xây dựng một hệ thống phòng thủ suốt chiều dài của Biển Địa Trung Hải, bởi vì Balkan, Ý và thậm chí cả Tây Ban Nha sẽ bị tấn công.
Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ không thể bị trục xuất khỏi NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng không dại muốn rời khỏi NATO. Cho nên, sự độc lập của Erdogan ở sườn phía Nam NATO sẽ phải được hòa giải bằng cách nào đó…là vấn đề của giới lãnh đạo Mỹ-NATO tại Brussels
Mặc dù mối quan hệ với Mỹ đang tồi tệ, nhưng người ta cho rằng Erdogan chưa đủ gan và mạo hiểm để tiến đến gần Nga hơn. Thổ Nhĩ Kỳ có đủ khả năng, bản lĩnh để cân bằng ảnh hưởng của Nga và Mỹ, bảo vệ lợi ích quốc gia trong một thời gian, giai đoạn cho phép.
Mỹ không thể ép Thổ Nhĩ Kỳ quá đáng đến giới hạn Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi NATO đến Nga, nhưng Nga cũng không quá coi thường lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria và Trung Đông…dẫn đến Thổ Nhĩ Kỳ không sợ Nga và Mỹ.
“Đi dây” giữa Nga và Mỹ trong tình thế này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bị rơi, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như Nga và Mỹ bắt tay nhau? Lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị Nga, Mỹ biến thành một “vùng đệm chiến lược” hay kiểu như một “bức tường Berlin”. Erdogan và chính quyền của ông ta sẽ không tồn tại.

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2019

Bất luận thế nào, Mỹ cũng phải rút quân khỏi ĐB Syria!

Phần 1: CÂU GIỜ VÌ THỂ DIỆN!
Hôm thứ Sáu ngày 25/11, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo đã tuyên bố với đài phát thanh KPRC rằng, quyết định rút quân của Tổng thống Donald Trump khỏi Bắc Syria là đúng đắn.
Đúng quá còn gì nữa, trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan - đồng minh lớn của Mỹ tại NATO, đã hết kiên nhẫn, quyết định sẽ tấn công người Kurd và YPG ở khu vực này bất chấp Mỹ có rút hay không, thì, Mỹ sẽ không ở lại để bảo vệ người Kurd, chấp nhận chiến đấu với Thổ Nhĩ Kỳ, thế thôi.
Mỹ sẽ chiến đấu với Thổ Nhĩ Kỳ vì người Kurd? OK, đó chỉ là ý muốn của người Nga, nhưng Mỹ không phải là Nga!
Tại sao quân Mỹ quay lại vùng Đông Bắc Syria?
Giải thích việc bố trí lực lượng này, ông Trump tuyên bố là để “giữ dầu” tại các mỏ dầu ở ĐB Syria cùng với người Kurd…Nói chung là Nhà Trắng và Lầu Năm Góc muốn chứng tỏ với dư luận Mỹ rằng: Mỹ rút khỏi một vị trí không có tầm chiến lược đến chiểm giữ một vị trí khác có tầm chiến lược hơn, thế thôi.
Vậy có phải “giữ dầu” là mục tiêu hàng đầu của Mỹ tại Syria hay không? Chúng ta sẽ lưu ý những điều sau đây:
Từ năm 2011 của cuộc chiến Syria bắt đầu thì rất nhiều nhà phân tích lầm tưởng rằng cuộc chiến Syria là cuộc chiến “tranh giành dầu mỏ”, nhưng thật ra đây là cuộc chiến tranh giành vị trí địa chiến lược là trung tâm đầu mối giao thông dầu - khí của Syria tại Trung Đông.
Nhớ lại, vào năm 2009, chính quyền Assad đã trung thành, bảo vệ lợi ích Nga, kiên quyết không hợp tác với các quốc gia vùng vịnh như Ả Rập Saudi, UAE, Qatar được EU, Mỹ hỗ trợ để xây dựng các trung tâm đường ống dẫn khí, dầu tại Syria. Đây là lý do chính cho cuộc chiến năm 2011 tại Syria.
Với tuyên bố gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng chiến lược của Mỹ tại Syria là “giữ dầu” và lính Mỹ ở đó là “bảo đảm dầu mỏ”. Logic của ông Trump rằng các mỏ dầu của Syria cần được bảo đảm cho lợi ích của Mỹ và rằng lợi ích của Mỹ chỉ có thể được bảo đảm thông qua việc tiếp cận các mỏ dầu…Phải chăng đó là sự thật???
1, Về trữ lượng và năng lực khai thác, thực tế là Syria chưa bao giờ là nhà sản xuất dầu đáng kể theo tiêu chuẩn khu vực, họ đạt mức sản xuất cao nhất chỉ vào khoảng 380.000 thùng mỗi ngày trước khi cuộc nội chiến nổ ra, chẳng bỏ bèn gì, đúng không!
Trong chiến tranh, dầu đã trở thành một giải thưởng nhỏ, nhưng không đáng kể, trong nền kinh tế chiến tranh của Syria. Hầu hết các nhóm vũ trang đều không thèm tranh giành quyền kiểm soát các mỏ dầu, và thay vào đó tập trung nỗ lực của họ vào các hình thức khai thác tài sản khác thông qua thuế, bắt cóc, buôn người, bán cổ vật và những thứ tương tự. 
Không giống như ở các khu vực xung đột khác, nơi các nguồn lực được đấu tranh bởi các nhóm vũ trang khác nhau - chẳng hạn như trường hợp khai thác coltan, kim cương ở Cộng hòa Dân chủ Congo - không có tình huống nào có thể như vậy ở Syria.
Rõ ràng, nền kinh tế chiến tranh đã không xuất hiện liên quan đến khai thác dầu. Kiểm soát các mỏ dầu chỉ đơn giản là không xứng đáng.
2, Về thị trường, khó tiêu thụ, mô hình “nhà sản xuất sản xuất, và người tiêu dùng tiêu thụ” lại tồn tại độc lập với những gì mà các mỏ dầu do quân Mỹ quản lý, chiếm giữ. Phương thức vận chuyển đến nơi tiêu thụ là “đường ống trên bánh xe” nhưng phải treo cờ Mỹ thì may ra, nếu không sẽ bị tấn công…IS ăn cướp bán lậu cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng bằng phương thức vận chuyển này đã bị Nga cắt đứt như thế nào…
Rõ ràng, chẳng có nhà đầu tư nào của Mỹ ham rẻ lại lao vào đầu tư sản xuất dầu tại Syria mà bán buôn mong manh dễ đổ vỡ kiểu đó…
3, Trữ lượng suy giảm, bỏ bê cơ sở hạ tầng và các biện pháp trừng phạt khiến cho ngay cả các nhà hoạch định chính phủ Syria cũng không tìm đến thương mại dầu để tái thiết tài chính. Các cuộc tranh luận ở Syria ngày nay về tái thiết không xoay quanh cách khởi động lại sản xuất dầu, hoặc làm thế nào doanh thu từ dầu có thể tài trợ cho chi tiêu sau xung đột.
Rõ ràng, Mỹ muốn “trả thù” chính quyền Assad, gây khó khăn cho Syria sau chiến tranh bằng “giữ dầu” là không có sức nặng mấy…  
Từ 3 kết luận rõ ràng trên thì chẳng lẽ chính quyền Mỹ đặc biệt là Tổng thống Mỹ xuất thân từ doanh nhân lại không hiểu? Hiểu, nhưng hành động này, tuyên bố này của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, do đó, chỉ là để giữ thể diện sau hậu quả đau đớn của việc rút quân khỏi Bắc Syria.
Phần 2: SYRIA - "CHIẾC VALI KHÔNG CÓ TAY CẦM" CỦA MỸ
Quả thật, nếu đúng như tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng, Mỹ đã ở Syria quá lâu và cuộc chiến không có mục tiêu (phía sau đường chân trời) thì Syria với Mỹ giống như một “chiếc vali không có tay cầm” là không sai một chút nào hết…
Quyết định rút quân Mỹ khỏi Bắc Syria là “đúng đắn” (tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Pompeo 15/11), tuy nhiên, chưa đủ. Đúng đắn và đầy đủ (trọn vẹn) là Mỹ phải rút hết quân Mỹ không chỉ tại Bắc Syria mà luôn cả Đông Bắc Syria thay vì kéo quân sang đó để “giữ dầu”…­­­
Tại sao như vậy? 
1, Đông Bắc Syria – khu vực lành ít, dữ nhiều, với Mỹ
Đồng minh thân cận của Mỹ trong SDF là người Kurd có lực lượng vũ trang nòng cốt, mạnh là YPG. Người Kurd đã đang than rằng “bạn với người Kurd chỉ là những ngọn núi cao…” nhưng vùng Đông Bắc Syria không có núi mà chủ yếu là sa mạc. Cho nên, khi bị quân Thổ truy đuổi sang đây thì đây không phải là một vùng đất hợp thổ nhưỡng với người Kurd mà đây là vùng đất chủ yếu do người các bộ lạc Ả rập sinh sống.
Mặt khác, việc bị quân Thổ Nhĩ Kỳ truy diệt người Kurd là do “Mỹ phản bội”, vì thế ở ĐB Syria, người Kurd và YPG đã giảm sức mạnh và đặc biệt cạn lòng tin với Mỹ, cho nên, bảo vệ Mỹ an toàn như ngày nào tại vùng Bắc Syria là chấm hết.
Người Kurd phải rời khỏi vùng Bắc Syria nơi những ngọn núi thân quen hàng thế kỷ nay sinh sống, tồn tại là vì phải ở lại một mình với Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, logic là người Kurd phải quay lại với Damascus, cùng chung mục tiêu “chống xâm lược” đuổi Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi Bắc Syria để họ có cơ may trở lại nơi chôn rau cắt rốn của mình trong một Syria “thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ”...
Người Kurd trước đây, do có người chống lưng là Mỹ và Israel với lời hứa sẽ tạo ra vùng ly khai, độc lập…cho nên, người Kurd coi như mình là chủ nhân trong các vùng đất mà họ mở rộng chiếm được từ tay IS. Tại đây, người Kurd đàn áp các bộ lạc Ả rập, thực hiện một chế độ cai trị hà khắc, dẫn đến mâu thuẫn giữa các bộ lạc Ả rập và người Kurd là không dung hòa…
Các bộ lạc Ả rập có rất nhiều nhánh và như ông Assad đã trả lời phỏng vấn với RT là họ rất ủng hộ chính phủ và căm ghét Mỹ. Tất nhiên thôi, họ sống ở vùng sa mạc miền Trung Syria, nơi có các mỏ dầu…nay bổng dưng bị người Kurd, Mỹ chiếm đóng, “giữ dầu” thì không căm thù mới chuyện lạ.
Như vậy, Mỹ rút quân về vùng ĐB Syria là vùng mà quân Mỹ luôn ở trong một môi trường hoàn toàn thù địch: Người dân căm ghét; mâu thuẫn đối kháng giữa người Kurd và các bộ lạc Ả rập dâng cao; lực lượng IS tồn tại theo cách “đêm là IS để tấn công vào Mỹ, ngày là dân bộ lạc Ả rập”; và cuối cùng là lực lượng đặc biệt của chính quyền Damascus luôn xác nhận Mỹ là kẻ thù xâm lược…
2, Mỹ đối đầu với một kẻ thù không rõ lai lịch…
Thực tế là không cần mạnh như quân đội Iran mà chỉ cần quân đội Syria (SAA) thì giải quyết vài trăm quân Mỹ ở ĐB Syria là dễ như trở bàn tay. Có điều người ta ngán ngại ở đây là sau lưng 800 quân Mỹ là nước Mỹ, cho nên, không quốc gia nào muốn đối đầu trực tiếp với Mỹ.
Tuy nhiên, điều này không tránh khỏi khi quân Mỹ bị tấn công bởi một lực lượng không rõ lai lịch (hoặc công khai như IS) bằng tập kích bởi UAV, tên lửa tự chế hay đặt mìn vào tuyến tiếp tế, hành quân…mà từ trước tới nay, tại ĐB Syria, quân đội Mỹ không phải là chưa bị tấn công.
Tại Khmeimim – căn cứ không quân Nga xảy ra rất nhiều vụ tập kích bằng UAV, tên lửa, nhưng dù biết là có sự tiếp tay của Thổ Nhĩ Kỳ, của Mỹ nhưng Nga phải chấp nhận gồng mình chống trả “cánh tay của họ” là quân khủng bố tại Idlib. Và, đến lượt Mỹ cũng không thể tránh khỏi cái mưu lược mà họ dành cho Nga…
Bất chấp tuyên bố của Tổng thống Mỹ về chiến thắng trước IS, vẫn còn nhiều tế bào “đang ngủ” của tổ chức này ở các tỉnh phía Đông Syria, bất cứ lúc nào cũng có thể biến thành một nhóm lớn những kẻ khủng bố có số lượng từ vài trăm đến vài nghìn người Hồi giáo tấn công công khai vào quân Mỹ…
Nhưng, nguy hiểm hơn là các lực lượng không rõ “lai lịch” khác mà Mỹ thừa biết là “cánh tay” của Nga, của SAA, của Iran…họ sử dụng vũ khí hiện đại và chiến thuật bài bản để khiến quân Mỹ tại các căn cứ ăn không ngon, ngủ không yên…
Trong khi đó, với căn cứ Nga, trên mặt đất, vòng ngoài cùng được khu dân cư (ủng hộ chính phủ, mến Nga) bảo vệ, vòng trong được các lực lượng mặt đất trung thành của SAA bảo vệ và sau đó vòng trong cùng mới là Cảnh sát quân sự Nga, lính đặc nhiệm Nga bảo vệ.
Trên vùng trời thì Nga có một hệ thống phòng không các loại mà thực tế kinh qua hàng chục cuộc tập kích của phiến quân từ Idlib với hình thức đơn lẻ có, bầy đàn có… nhưng đều bị ngăn chặn với hiệu suất đạt 100%.
Còn các căn cứ Mỹ tại ĐB Syria? Như đã nói là quân Mỹ ở đó trong một môi trường thù địch đặc quánh, cho nên, chỉ có quân Mỹ tuần tra, bảo vệ trong một hành lang vừa phải. Điều này cho phép kẻ địch tiếp cận được mục tiêu trong một khoảng cách gần mà không bị phát hiện.
Nguy hiểm hơn là hệ thống phòng không bảo vệ căn cứ của Mỹ không có khả năng để ngăn chặn các đòn tấn công của UAV, tên lửa rẻ…bởi lối đánh bầy đàn, cấp tập như của Nga.
Ngay tại Israel, hệ thống phòng không cấp quốc gia được cho là hiện đại gấp mấy lần căn cứ Mỹ có, nhưng đã phải nai lưng ra chịu đòn bởi đòn tấn công bầy đàn, cấp tập của tên lửa rẻ tiền. Rồi, cũng hệ thống phòng không của Mỹ trang bị cho Saudi cũng bị UAV “vài chục ngàn dollar” qua mặt…
Vậy, các căn cứ của Mỹ tại ĐB Syria rất dễ bị tổn thương như thế, thử hỏi Lầu Năm Góc có yên tâm không hay chỉ là “đem con bỏ chợ”? Thật ra nó chưa bị đe dọa, tấn công, là chưa ai đặt ra nhiệm vụ đó, nhưng khi đã có quyết định như vậy đưa ra thì các căn cứ Mỹ sẽ trở thành những “nồi hầm” không tránh khỏi.
Có lẽ việc đề xuất đưa quân Mỹ về ĐB Syria để “giữ dầu” như tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump là vô nghĩa, cho nên, các cố vấn thân cận tham mưu cho ông Trump đã vội đổ vấy cho nhau về chiến lược "giữ dầu” của Mỹ tại Syria giữa Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Milley, và cựu phó Tổng TMT liên quân là Giám đốc Viện nghiên cứu chiến tranh, tướng Jack Keane với TNS Graham.
Theo NYT, tướng Keane nói rằng, Milley đã thuyết phục Tổng thống Trump đưa quân sang ĐB Syria để “giữ dầu”, nhưng sau đó NYT lại nói tướng Milley có nhiều kế hoạch khác. Trong khi đó tờ NBC thì nói chính tướng Jack Keane và TNS Graham đã thuyết phục Tổgg thống Trump đưa ra quyết định này…
Rõ rồi, không ai chịu trách nhiệm cho sự “cố vấn” của mình nên đưa đẩy nhau thôi và có vẻ như họ đã nhìn thấy kết quả…hẩm hiu.
Việc Mỹ rút khỏi Syria là không thể tránh khỏi. Vấn đề là, nếu tiến hành tự nguyện (có kế hoạ­­­­­ch) thì sẽ chịu tổn thất tối thiểu về uy tín, vật chất và con người, nhưng nếu như bị “ép buộc” bởi áp lực của các đội hình vũ trang bất thường…thì trong trường hợp này, nó sẽ được coi là một thất bại quân sự đáng xấu hổ với những tổn thất đáng kể về nhân sự, thiết bị và tài nguyên.