Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Dấu vết Nga tại Tây Địa Trung Hải


Một thế trận nguy hiểm khi Hải quân Nga đang tiến về phía Tây sau lưng Phương Tây và NATO.
Như đã nói, chiến cuộc Syria là tâm điểm của cuộc chiến địa chính trị của Nga với Mỹ-Phương Tây trên bình diện khu vực Trung Đông và châu Âu. Do vậy làm chủ được cuộc chiến tại Syria là một thắng lợi cho bất cứ bên nào.
Trong hơn 18 tháng can thiệp của Nga tại Syria thì chưa thể nói Nga đã thành công toàn diện ở đó, nhưng chắc chắn, thắng lợi về mặt quân sự của Nga là điều không ai có thể phủ nhận. Thành công lớn về quân sự đã cho Moscow có một vị thế, vị trí rất quan trọng trong khu vực. 
Tái lập quan hệ giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ là điều khó tin nhưng là sự thật: người bạn mới tốt nhất của Nga là Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO và một kẻ thù cũ của Nga trong nhiều thế kỷ.
Liên minh quân sự với một cầu thủ lớn trong khu vực là Iran và tiếp theo nâng tầm mối quan hệ với Israel lên một cấp độ mới…là những kết quả quan hệ đối ngoại được hình thành trực tiếp sau khi Nga can thiệp quân sự tại Syria.
Tuy nhiên, ý nghĩa của sự thành công mặt quân sự của Nga không chỉ vậy mà còn tạo nên một chấn động lớn tại Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu.
Ai Cập tiên phong!
Dù không đánh bật Mỹ-NATO ra khỏi Trung Đông, nhưng Nga đã thi thố một sức mạnh quân sự đủ khả năng đè bẹp sự thống trị độc nhất của Mỹ-NATO tại Trung Đông.
Sự kiện khi 26 quả tên lửa Kalibr của Nga phóng lên từ biển Caspian là dấu chấm hết sự độc tôn của Mỹ, đã “hạ bệ thói ngạo mạn cố hữu, vô lý của Mỹ”, “khiến NATO hoảng loạn”…chỉ là một trong số các hoạt động quân sự khác của Nga thách thức ngạo nghễ Mỹ trên chiến trường tại Syria.
Kết quả từ sức mạnh quân sự Nga là tạo ra một chấn động địa chính trị tại Trung Đông tác động lớn đến tình hình chính trị, quân sự thế giới.
Một số quốc gia Trung Đông trước đây trung thành với Mỹ với lý do e sợ sức mạnh Mỹ, tin tưởng vào ô bảo vệ của Mỹ thì nay tư tưởng đó đã thay đổi. Họ sẵn sàng phản ứng lại với Mỹ, không ngoan ngoãn như xưa (vì đã có sự lựa chọn khác) nếu như Mỹ bất chấp lợi ích quốc gia của họ.
Thực tế, Mỹ không phải, không còn là thế lực mạnh duy nhất, đã thay đổi tư duy đối ngoại của nhiều quốc gia Trung Đông, Bắc Phi (bờ Tây Địa Trung Hải) và là điều kiện để Nga xâm nhập vào thị trường độc quyền của Mỹ chiếm lĩnh sau chiến tranh lạnh.
Trong cuộc chiến Syria, có nhiều quốc gia “trở cờ” với Mỹ khi từ chỗ chống Nga nay hợp tác với Nga như Iraq, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và ngay cả Arabia Saudi, Qatar. Ở đây, chúng ta quan tâm đến Ai Cập vì nó có liên quan đến trò chơi địa chính trị của Nga tại Lybia.
Nếu như không ai ngạc nhiên về mối quan hệ Nga-Iran vì Iran và Mỹ đối đầu nhau trong nhiều thập kỷ, thì bây giờ dư luận lại ngạc nhiên khi Ai Cập từ lâu đã là một đối tác quan trọng của Washington trong lĩnh vực quân sự và ngoại giao, đang ở vị trí thứ hai về viện trợ quân sự của Mỹ, và sự hợp tác vẫn tiếp tục ngay cả sau khi quan hệ với Tổng thống Obama đã có căng thẳng do can thiệp vào tranh dành quyền lực của Tổng thống Al-Sisi vào năm 2013…lại quan hệ mật thiết quân sự với Nga.
Chắc chắn thông điệp sức mạnh quân sự từ Syria và lập trường cứng rắn, không bỏ rơi đồng minh, bạn bè, mà Nga đã thể hiện tại Syria với chính quyền Assad đã khiến không chỉ Ai Cập “thừa nhận vị thế mới xuất hiện của Nga”.

Đã xuất hiện cố vấn quân sự Ai Cập tại Syria hỗ trợ cho Assad. Đặc biệt, một cuộc tập trận đầu tiên của Nga tại Bắc Phi giữa Nga và Ai Cập đã diễn ra trên biên giới với Lybia, khu vực do quân đội của tướng Khalifa Haftar kiểm soát.
 Tại sao lại diễn ra tại khu vực này? Liệu Nga có thỏa thuận gì với Al-Sisi khi tướng Khalifa Haftar là đồng minh, là bạn hiện đang chiến đấu để nắm quyền toàn bộ Lybia?
Lybia-Putin đang sửa sai.
Putin đánh giá sự kiện này như một sự thất bại của chính sách ngoại giao của nước Nga.
Mùa xuân năm 2011, một vụ tranh cãi công khai giữa Thủ tướng Vladimir Putin và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev về các sự kiện ở Libya khi Nga đã không sử dụng các cơ hội để phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép phương Tây cung cấp viện trợ quân sự cho quân nổi dậy chống lại chế độ của Đại tá Gaddafi.
Libya có một vị trí chiến lược rất quan trọng, trong đó có trữ lượng lớn dầu và khí. Và, nếu Nga sẽ đạt được một chỗ đứng ở đó thì chắc chắn sẽ có lợi lớn về chính trị, quân sự và kinh tế. Thế nhưng, chính quyền Medvedev đã thỏa hiệp, để Mỹ-NATO phá nát Lybia.
Đó chính là tầm nhìn khác nhau của Putin và Medvedev và giờ đây Tổng thống Putin đã sửa sai.
Vào ngay 11/1, tàu sân bay Kuznetsov của Nga neo tại bờ biển phía Đông Lybia đã đón tướng Khalifa Haftar, chỉ huy quân đội quốc gia (LNA) đang kiểm soát một vùng rộng lớn phía Đông Lybia có cảng biển Tobruk, đối lập với chính quyền Tripoli được LHQ mà thực chất là Mỹ-PT bảo trợ (GNA).
Một tín hiệu cho thấy Putin đang ủng hộ tướng Khalifa Haftar, người từng học tại Học viện quân sự Liên Xô, Ai Cập và là bạn của Tổng thống Ai Cập Al-Sisi.
Phương Tây, EU không muốn và khó chịu điều này vì cho rằng nếu để Khalifa Haftar cai trị duy nhất Lybia sẽ nguy hiểm và phản tác dụng…Đương nhiên, phương Tây không muốn với Nga tại Lybia, hay Syria…là chuyện thường tình, nó không có giá trị với ý chí Nga.
Động thái cam kết của Nga trên chiến hạm Kuznetsov đã cho thấy Nga sẽ bắt đầu bằng cách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn cũng như đào tạo cho nhân viên LNA và cung cấp vũ khí giá trị 4,2 tỷ dollars đã được ký năm 2009 khi lệnh cấm vận vũ khí của LHQ về Libya là không còn hiệu lực.
Điều cần lưu ý là Nga có thể cung cấp vũ khí ngay và luôn cho LNA thông quan bên thứ 3 mà Ai Cập là một trong số bên thứ 3 đó rất dễ dàng…
Có thể nói, Lybia trong trạng thái hỗn loạn, điều gì sẽ xảy ra khi Nga sẽ thống trị chính trị Lybia như đã xảy ra ở Syria? Phương Tây sẽ hiểu, nhưng điều chắc chắn, Hải quân Nga ngoài căn cứ Tartus ở bờ Đông Địa Trung Hải nay đang có thêm một điểm dừng chân mới là cảng biển sâu Tobruk-Lybia.
Tại Algeria. Theo nguồn tin mật từ Pradva, Algeria đã cho phép các tàu Nga (gồm cả tàu ngầm) sử dụng cơ sở của nó tại Mers el-Kebir như một căn cứ. Điều này nếu nhìn từ Việt Nam thì không có gì là nghi ngờ, bởi khi Nga đã cung cấp tàu ngầm, máy bay hiện đại cho Algeria…là không thể khác.
Như vậy tại Địa Trung Hải, bờ Đông và bờ Tây đã đang có vị trí đứng chân của Hải quân Nga cho phép tàu chiến Nga tiếp cận tại vùng biển của Pháp, Ý và thực tế, mới đây Pháp đã báo động khi phát hiện tàu ngầm Nga xuất hiện tại vùng nước cảng Toulon hải quân Pháp…
Cảnh báo nguy hiểm cho sự khiêu khích Nga, kết nạp thành viên NATO mới tiến về phía Đông Nga thì giờ đây, Hải quân Nga đang tiến về phía Tây, sau lưng Phương Tây và NATO. Cứ thử xem cảm giác an ninh của "các con ngựa chiến già châu Âu" ra sao.

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Thổ Nhĩ Kỳ lỗ hổng phòng thủ NATO


Hợp tác kinh tế, quân sự Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ hình như không phải là một thành viên của NATO. 
Thổ Nhĩ Kỳ, tử huyệt của Hạm đội Biển Đen
Các thành viên NATO quanh Biển Đen bao gồm Bulgaria, Romania, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong đó theo các chuyên gia quân sự thì chỉ có Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ với 15 tàu ngầm, 19 tàu khu trục, tàu tên lửa 25 và 20 tàu khác là có thể tạo ra nguy hiểm cho Hạm đội Biển Đen của Nga.
Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ lại là “người gác cổng” 2 eo biển nối Biển Đen với Địa Trung Hải có thể nhốt chặt Hải quân Nga trong Biển Đen nếu như có cuộc chiến xảy ra giữa Nga-NATO.
Trong cuộc chiến Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng gây khó dễ, làm ách tắc tuyến hàng hải của Hải quân Nga đến Địa Trung Hải khiến Nga phải răn đe “dùng VKHN mở lối khác tại Istanbul”.
Như vậy có thể xem như Thổ Nhĩ Kỳ là “tử huyệt” của Hạm đội Biển Đen. Nga muốn giải tử huyệt này phải có căn cứ để bọc lót, đó chính là căn cứ Hải quân Tartus tại Syria mà ta đã biết. Nhưng tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ là thế lực mạnh nhất, hung hăng nhất trong mục tiêu “Assad must go”. Và, tất nhiên, Syria cũng trở thành tâm điểm chiến lược Trung Đông của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara đang triển khai thực hiện một chiến lược đầy tham vọng khi thực hiện một cuộc chiến tranh “ủy nhiệm” đẫm máu trại Syria và Iraq để bành trướng lãnh thổ. Theo đó, phía Bắc của Syria và Iraq và phía Tây Nam của Armenia sẽ bị Đế chế Erdogan nuốt gọn.
Nhìn bản đồ trên, chúng ta có thể thấy nếu như điều này xảy ra thì Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn tự chủ về năng lượng mà không phải phụ thuộc 75% năng lượng vào nước ngoài như hiện nay mà còn xuất khẩu. Một ý đồ cực kỳ sáng suốt, táo bạo, của giới cầm quyền Ankara.
Do vậy, khi Nga can thiệp quân sự tại Syria thì Syria cũng là nơi đối đầu căng thẳng quyết liệt nhất của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Cho nên, nếu như giải quyết, làm chủ được cuộc khủng hoảng Syria thì Nga sẽ giải quyết được vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng và các vấn đề khác nói chung.
Chia sẻ lợi ích, nước cờ cực kỳ khôn ngoan
Nga hiện diện quân sự tại Syria với các cuộc không kích của VKS đã đánh sập âm mưu của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria. Thành công của Nga tại Syria khiến Thổ Nhĩ Kỳ cuồng loạn và xuất hiện sự cố SU-24 mà ta đã rõ.
Sau sự cố SU-24, với sức mạnh quân sự không thể ngờ, Nga đã ra tay rất quyết liệt với ý chí quyết tâm bảo vệ chế độ Assad, Nga triển khai một loạt hành động đáp trả khủng khiếp, tàn khốc, làm cho Erdogan khốn đốn.
Về mặt quân sự, việc “đâm sau lưng Nga, đồng lõa với khủng bố của Thổ” đã khiến Nga coi Thổ là đối tượng tác chiến trực tiếp, nguy hiểm, phải chiến thắng tại Syria. Và, chỉ chưa đầy 3 tuần, sau vụ SU-24, Nga phá sạch, phá tan tành công sức chuẩn bị bao năm của Thổ Nhĩ Kỳ trong mưu đồ với Syria tại khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng với việc cấm vận, trừng phạt kinh tế…Nga đã khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ đã ngấm đòn buộc Tổng thống Erdogan buộc phải tiến hành công khai xin lỗi Nga vụ SU-24 để bình thường hóa quan hệ…
Nhưng người Mỹ và Phương Tây không muốn Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh NATO của mình, ngả vào vòng tay thân thiện với Nga, họ đã ra tay bằng một cuộc đảo chính quân sự để lật đổ Erdogan. Tai họa cho Mỹ-NATO là đảo chính bất thành khiến Erdogan phản ứng trả đũa mạnh mẽ...
Bắt đầu từ đây, Nga xuất hiện rất đúng lúc trong những tình huống nhạy cảm, đánh thẳng vào mắt xích sắp đứt của NATO.
Nếu như Mỹ bất chấp cảm giác an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ khi tiếp tay hỗ trợ cho YPG mà Thổ Nhĩ Kỳ gọi là khủng bố khiến cho mâu thuẫn Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng và tệ hại nhất thì Nga lại khác quan điểm Mỹ.

Nga biết tôn trọng và biết chia sẻ lợi ích với Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề người Kurd và khu vực an ninh mà Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn. Đây là sự khôn ngoan tinh tế của Nga để gắn kết với Thổ Nhĩ Kỳ.
Chúng ta chưa biết giữa Nga-Syria với Thổ Nhĩ Kỳ có thỏa thuận ngầm gì, nhưng thông qua chiến dịch “Lá chắn Euphrates” thì có thể hiểu Nga-Syria đã chấp nhận cho Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra một vùng an ninh ở biên giới Thổ-Syria như báo chí đã nêu.
Đành rằng đó là lãnh thổ của Syria, nhưng trong tình thế hiện nay, để có một giải pháp chính trị đem đến hòa bình, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ cho Syria là không tưởng. “Người đi xa nhất là người biết dừng lại đúng lúc nhất”. Việc Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran đứng ra bảo lãnh ngừng bắn, tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria vừa qua đã chứng minh điều đó.
Thực tế nước cờ tôn trọng lợi ích, chia sẻ lợi ích của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ là một nước đi đúng đã khiến cho tình thế căng thẳng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ như một hoạt cảnh ly kỳ nhưng kết thúc có hậu. Thổ Nhĩ Kỳ với Nga là đồng minh tự nhiên tại Syria, điều mà cách đây không lâu là không tưởng.
Nếu như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được gắn chặt nhau bằng lợi ích kinh tế như khí đốt, điện hạt nhân…gắn chặt với nhau bằng lợi ích an ninh như tại Syria thì vị trí thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ là không còn ý nghĩa với nước Nga. Khi đó, một lỗ hổng phòng thủ cực lớn của NATO được tạo ra, một mắt xích trọng yếu nhất ngăn chặn Nga tại biển Đen ra Địa Trung Hải bị chặt đứt.

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

Chiến lược Địa Trung Hải mới của Nga là không thể đảo ngược!


“Putin đã kiểm soát thế giới từ Crimea đến Marocco” là tiếng kêu hoảng hốt, thất thanh của Mỹ-Phương Tây.
Địa Trung Hải là ở trung tâm của một trò chơi địa chiến lược rất lớn và nhiều mặt xung quanh Syria. Địa Trung Hải nó như là một tâm điểm của cuộc khủng hoảng, là mắt của một cơn bão trong cuộc chiến địa chính trị Nga với Mỹ-NATO-Phương Tây.
Chỉ với 7 nước cờ, Nga đã khiến châu Âu mất hết vị thế địa chính trị giành được sau chiến tranh lạnh, thế giới Anh-Mỹ cai trị rung chuyển.
Cái hay, thú vị của những nước cờ mà Tổng thống Nga Vladimir Putin thi triển ở chỗ, khi giới tinh hoa Mỹ, châu Âu lần theo được dấu vết thì đã muộn. Tình thế là không thể đảo ngược được.
Hải quân Nga đã tích cực khai thác không gian chiến lược của Đông và Tây Địa Trung Hải. Sau khi xây dựng lên sự hiện diện của các tàu chiến của Nga tại cảng Tartus, Syria, Nga đã thông qua các hoạt động trong vùng lân cận gần bờ biển của Pháp và Ý.
“Putin đã kiểm soát thế giới từ Crimea đến Marocco” là tiếng kêu hoảng hốt, thất thanh của Mỹ-Phương Tây như báo chí phương Tây đánh giá.
Sau đây chúng ta lần lượt quan sát và nhận biết những nước đi trong chiến lược Địa Trung Hải của người Nga.
Crimea-Sevastopol, nền móng của chiến lược Địa Trung Hải
Mỹ-Phương Tây đã đánh giá thấp, sai âm mưu, ý đồ chiến lược lớn trong đầu của Putin nên coi thường và đơn giản những gì Nga đang hiện diện tại Crimea-Sevastopol.
Có lẽ, trong khi âm mưu, ý đồ của Putin được nung nấu, chuẩn bị đầy đủ mọi tình huống để sáp nhập Crimea rất kỹ càng, rất lâu thì châu Âu quá cẩu thả trong kế hoạch hậu Maidan, và, khi Nga chính thức sáp nhập Crimea thì châu Âu cũng chỉ quan tâm đến ý thức hệ mà không hiểu hết ý nghĩa chiến lược lâu dài của thời khắc lịch sử này.
Nước đi đầu, xuất phát đã thành công, Nga có Crimea là có Biển Đen, toàn bộ hoạt động của ai trên Biển Đen đều trong tầm tay nắm đấm của Nga. Mọi hoạt động của Hải quân Nga trên Địa Trung Hải, Đại Tây Dương sau lưng NATO đều xuất phát từ đây.
Rõ ràng là ý nghĩa về lãnh thổ, Crimea về với Nga xem ra là quá nhỏ và chẳng là gì so với ý đồ chiến lược Địa Trung Hải của Nga. Tuyên bố của Putin lúc đó rằng, “thế giới đơn cực đã chính thức chấm dứt” chắc chẳng mấy ai quan tâm, chú ý. Chỉ sau này, trong một cuộc phỏng vấn với Politico, Donald Trump nói rằng “lấy Crimea lại từ Nga sẽ kích hoạt thế chiến III” là hoàn toàn chính xác…thì đã muộn.
Crimea lúc đó chỉ là nguồn cơn để Mỹ-Phương Tây không từ một thủ đoạn nào, tập trung nguồn lực cấm vận, trừng phạt và tiếp sức cho Kiev khiêu khích, làm chảy máu Nga hòng đánh sập Nga bằng “phương án tác chiến” đó nếu như không nhả ra Crimea.
Với lợi thế sân nhà, với sự hỗ trợ của Nga, quân dân vùng Donbass đã tung 3 đòn tại Ilovaisk, Sân bay Donessk và Debaltsevo khiến quân đội Kiev quỵ hẳn, không gượng nổi buộc Kiev phải ký Minsk-2, “đóng băng” cuộc khủng hoảng Ukraine.
Khi nước cờ đầu đã thành công, Nga cố gắng chịu trận đòn cấm vận, trừng phạt của Mỹ-Phương Tây, nhưng lặng lẽ thi triển nước đi thứ 2 tại Syria…
Syria-tâm điểm của chiến lược Địa Trung Hải
Nếu làm chủ, khống chế được Địa Trung Hải thì phải bắt đầu từ chi phối khủng hoảng tại Syria, đồng thời qua đó, đối phó được với cuộc khủng hoảng tại biên giới của Nga với Ukraine, Donbass và vùng Baltic.
Chính vì thế, Syria trong chiến lược Nga là rất quan trọng và cuộc khủng hoảng tại Syria nó liên quan rất lớn đến bối cảnh địa chiến lược Trung Đông và châu Âu.
Sai lầm của Mỹ-PT có thể hiểu được khi Nga sáp nhập Crimea, bởi lẽ, khi đó Địa Trung Hải đang trong tầm kiểm soát của họ, đặc biệt Syria ở phía Đông Địa Trung Hải, chính quyền Assad thân Nga, có cảng biển Tartus mà Nga hiện diện không đáng kể, đang bị Mỹ-PT lật đổ trong một thời gian được tính bằng ngày.
Từ năm 2011, Mỹ-PT đã bắt đầu triển khai chiến lược lật đổ Assad và họ đã định kết thúc năm 2013 bằng chiến dịch quân sự của Mỹ-NATO triển khai tấn công vào Syria thì Nga đã ra tay ngăn chặn thành công.
Lý do Mỹ-NATO tấn công vào Syria là vì “Syria sử dụng vũ khí hóa học” và khi Nga đưa sáng kiến giải giáp và hủy bỏ vũ khí hóa học của Assad thì Mỹ-NATO chấp thuận kế hoạch này dù rằng họ đã triển khai đầy đủ mọi vũ khí trang bị nhằm vào lãnh thổ Syria, chỉ cần ấn nút.
Trong khi chỉ bằng cái “lọ bột màu trắng” Mỹ-NATO đã tấn công hủy diệt Iraq thì dư luận thế giới sẽ nhầm to khi đánh giá cao thiện chí của Mỹ-NATO đã chấp nhận sáng kiến của Nga giải quyết vần đề vũ khí hóa học Syria bằng biện pháp hòa bình. Không đơn giản như vậy!
Đêm trước của cuộc tấn công Syria vào ngày 3/9/2013, tên lửa của Mỹ-NATO phóng đi từ các căn cứ quân sự NATO tại Ý (theo Pradva 27/9) để thăm dò hệ thống radar phòng thủ tại Syria thì bị các tàu khu trục Nga tại Địa Trung Hải bắn hạ. Nga đã chứng minh sức mạnh quân sự của mình.
Đây là sự cảnh báo cứng rắn nhất của Nga đến Mỹ-NATO, rằng Nga sẵn sàng đối đầu với NATO và kiên quyết không thể để NATO lặp lại Lybia tại Syria. Và, đây mới là lý do quyết định làm cho Mỹ-NATO trở nên “thiện chí” để ngừng tấn công Syria, chấp nhận biện pháp giải giáp VKHH Syria.
Tránh Nga “chẳng xấu mặt nào” vì Mỹ-PT có cơ sở và thừa khả năng buộc “Assad must go” bởi một đám lực lượng cái gọi là đối lập cùng với khủng bố IS, Al-Qeada dưới sự chỉ huy của Mỹ-PT đã khiến chính quyền Assad tồn tại tính bằng giờ. Thực tế là đúng,  buộc Assad yêu cầu Nga giúp đỡ trực tiếp bằng quân sự.
Sau thời gian “đóng băng” Ukraine, ngày 30/9/2015, Nga trực tiếp can thiệp vào Syria.
Đến nay, tình hình chiến sự, kết quả…đã rõ, nhưng điều khiến ta quân tâm là Nga sở hữu căn cứ Hải quân Tartus tại Syria 49 năm, tự động gia hạn thêm 25 năm và được quyền xây dựng phát triển căn cứ cho phép 11 tàu chiến hiện đại cập cảng cùng lúc, trừ tàu sân bay.
Điều này có nghĩa là chỉ cần không quá 3 năm sau, một hạm đội mang tên Hạm đội Đại Tây Dương của Nga sẽ có mặt tại căn cứ Hải-Không quân Tartus-Hmeymim, một sức mạnh trụ cột của Nga tại Trung Đông hướng tới Đại Tây Dương.
Vậy là bờ Đông Địa Trung Hải đã thuộc quản lý của Nga. Bất chấp Thổ Nhĩ Kỳ dưới áp lực của Mỹ-NATO phong tỏa eo biển Bosphorus hay Dardanelles đi chăng nữa thì Nga không ngại lắm bởi đã có căn cứ Tartus bọc lót rất hiệu quả.

Tuy nhiên, còn hay hơn nữa khi Nga được tự do đi lại qua 2 eo biển này bởi nước đi thứ 3: Thổ Nhĩ Kỳ. 

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

Thông điệp rắn của Nga với chính quyền D.Trump!


“Trừng phạt Nga” của Mỹ, bãi bỏ nó, không phải là điều gì quá lớn khiến Nga hy sinh những lợi ích chiến lược mà Nga đang hướng tới.
Có thể thấy rằng, việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ và trong 20 ngày cầm quyền, Trump đã khiến thế giới khang khác. Người ta hy vọng nước Mỹ và thế giới có sự thay đổi khi một quốc gia đứng đầu thế giới như Mỹ có sự thay đổi về các tiếp cận thế giới, người ta lo lắng, sợ hãi, khi những tuyên bố của Trump ảnh hưởng đến lợi ích của họ…đó là tâm lý của nhiều quốc gia trong đó có Nga.
Thực tế đã chứng tỏ Nga có hy vọng cải thiện mối quan hệ Nga-Mỹ đã quá tồi tệ thời chính quyền cũ Obama khi D.Trump đắc cử, Nga muốn là bạn với Mỹ, không muốn đối đầu với Mỹ nhưng…cái lệnh “xóa bỏ trừng phạt” của Mỹ chẳng phải là cái gì đó quá lớn khiến Nga phải tập trung toàn bộ mối quan tâm.
Trừng phạt, cấm vận, bao vây kinh tế Nga thậm chí bao vây quân sự khi NATO cứ hùng hục tiến về phía Đông cũng không thể thay đổi được ý chí chính trị của Nga. Đơn giản là những miếng đánh đó, đã, đang xảy ra và với Nga nó không gây được tác dụng gì lớn.
 Rõ ràng, nếu như tôn chỉ hoạt động của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump rằng, “quyền lợi nước Mỹ là trên hết” thì chính quyền của ông Trump của nên hiểu, đừng dại coi thường lợi ích Nga của Tổng thống Vladimir Putin.

Căng thẳng Mỹ-Iran
Mỹ cáo buộc “Iran phá hoại sự an ninh, thịnh vượng và ổn định trong và ngoài khu vực Trung Đông, gây nguy hiểm cho sinh mạng các công dân Mỹ” và chính Trump đã gọi “Iran là nhà nước khủng bố số 1”.
Đây là cáo buộc nghiêm trọng nhất theo chuẩn mực Mỹ mà theo học thuyết chống khủng bố là lý do Mỹ sử dụng hành động quân sự vào bất cứ quốc gia nào, bất cứ đâu, bất cứ lúc nào… Sau các tuyên bố đó, quyết định “mở rộng lệnh trừng phạt vào Iran” lập tức triển khai…
Như vậy chỉ chưa đầy 10 ngày cầm quyền, chính quyền mới của Trump đã “mở hàng” bằng một cuộc tấn công chính trị, kinh tế vào Iran và với tình hình leo thang căng thẳng như thế này, nguy cơ một cuộc chiến tranh nóng Mỹ-Iran là khó tránh khỏi.
Tại sao Mỹ lại nhắm vào Iran?
Thực tế là đồng minh thân cận của Mỹ là Israel, Arabia Saudi, Qatar đang lo sợ một liên minh của Iran tại Trung Đông lớn mạnh và do đó Mỹ phải kiềm chế và cần thiết làm tan rã liên minh minh này.
Liên minh Iran-Hezbollah-Syria đang làm Israel lo lắng, Liên minh Iran-Houthi khiến Arabia Saudi hốt hoảng…và đặc biệt, một liên minh chiến lược Nga-Iran có thể làm nhạt nhòa vai trò, vị trí của Mỹ tại Trung Đông.
Phản ứng rắn của Nga
Iran là đồng minh quan trọng của Nga trong việc bảo vệ thành công chế độ Assad. Không thể bỏ qua việc Iran hỗ trợ phiến quân Houthi tại Yemen đã làm cho sự hung hăng, hiếu chiến của Arabia Saudi sụp đổ thảm hại.
 Chiến tranh không phải trò đùa. Một đội quân lắm súng nhiều tiền đâu phải là sẽ chiến thắng tất cả. Khi phiến quân Houthi đã đưa chiến tranh đến trước phòng ngủ của nhà Saudi thì mới hay là sự ngộ nhận.
May thay tuyên bố hùng hồn, ngang ngược của nhà Saudi là “Assad phải ra đi hoặc Arabia Saudi sẽ dùng biện pháp quân sự, 100 ngàn quân sẽ tràn vào Syria” không xảy ra.
Có thể nói chắc rằng, sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Iran trong khu vực tranh dành lợi ích chiến lược với Mỹ đã khiến Nga yên tâm, phù hợp với chiến lược Trung Đông ngắn hạn, dài hạn của Nga.
Hiện nay Iran là một trong 3 trụ cột (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran) trong một giải pháp chính trị cho Syria. Do đó việc để Iran mất đi vai trò, vị trí, trách nhiệm thì có nghĩa là giải pháp chính trị cho Syria đang hy vọng của Nga sẽ hoàn toàn sụp đổ.
Chính vì lẽ đó, nếu Mỹ dùng con bài “bãi bỏ lệnh trừng phạt” để mặc cả với Nga về Iran thì con bài này không có giá trị lớn.
Thực tế đã có một số suy đoán, kể cả được cho là từ các quan chức chính quyền ẩn danh của Mỹ, rằng người Nga có thể được chuẩn bị để hy sinh mối quan hệ với Iran để đổi lấy một “bình thường hóa” từ chính quyền Trump và rằng, “Nga đang đứng trước nhưng lựa chọn khó khăn”…
Tuy nhiên, đã có câu trả lời rõ ràng từ Nga. Phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov tuyên bố:  “Nga không đồng ý với việc Mỹ coi Iran là “quốc gia tài trợ, nuôi dưỡng khủng bố”, “Iran là quốc gia khủng bố thế giới số 1”. “Chúng tôi không đồng ý với định đề này. Tất cả các bạn biết rằng Nga có mối quan hệ tốt đẹp của quan hệ đối tác với Iran và chúng tôi hợp tác với các nước trên một số vấn đề. Chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ của chúng tôi trong kinh doanh và lĩnh vực kinh tế và chúng tôi hy vọng để phát triển hơn nữa của họ”.
Đặc biệt mới đây, đại sứ Nga tại Cộng hòa Hồi giáo Iran, ông Levan Dzhagaryan cho biết trong một cuộc phỏng vấn với TASS: “VKS Nga sẽ sử dụng cơ sở hạ tầng quân sự của Iran cho các hoạt động chống khủng bố tại Syria nếu Moscow và Tehran xét thấy cần thiết và thậm chí sẽ bán máy bay SU-27 tiên tiến cho Iran”.
Rõ ràng, đây là một cảnh báo rắn, kín đáo, của người Nga đến chính quyền mới của Trump, rằng, Nga sẽ hỗ trợ Iran bằng quân sự để Iran đứng vững trước bất kỳ cuộc đối đầu với Mỹ. Bởi thực tế, ở góc nhìn quân sự, việc VKS Nga trở lại Iran và cung cấp SU-27…để ngăn chặn một cuộc tấn công của Mỹ nhiều hơn là chống IS.

Vậy, đã rõ ràng là Nga đang đi trên con đường riêng của mình, những “sự lựa chọn” là không tồn tại. Nga không có ý định từ bỏ mối quan hệ đối tác chiến lược với Iran để được Mỹ “ban ơn”.