Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Rút khỏi UNCLOS, Trung Quốc sẽ dùng “luật rừng”?


Giải quyết tranh chấp trên Biển Đông khi không tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS thì chỉ có thể là biện pháp quân sự.
Luật pháp quốc tế trên biển có “tính lịch sử và truyền thống phải được tôn trọng” như tuyên bố của Mỹ, đó chính là UNCLOS.
Tranh chấp trên Biển Đông, tự do an toàn hàng hải trên Biển Đông phải luôn lấy UNCLOS để giải quyết mà ngay cả Mỹ-cường quốc quân sự, kinh tế số 1 thế giới, dù không phải là thành viên của UNCLOS cũng đã, đang tôn trọng, tuân thủ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu như, Trung Quốc, một nước lớn thuộc bên tranh chấp, một nước lớn có sức mạnh quân sự hùng hậu, có tư tưởng bành trướng lại bất chấp luật lệ trong phương cách giải quyết?
UNCLOS dưới góc nhìn an ninh chủ quyền
Tuyên bố lãnh hải quốc gia là tuyên bố chủ quyền trên biển của quốc gia đó. Đây là mấu chốt vấn đề mà nhiều quốc gia từ việc tuyên bố lãnh hải của mình rộng bao nhiêu hải lý đến việc phê chuẩn để trở thành thành viên của UNCLOS hay không.
Trước khi có UNCLOS, tùy theo khả năng quốc phòng mà các quốc gia ven biển tuyên bố vùng lãnh hải của mình. Những nước có lực lượng hải quân hùng hậu thường tuyên bố lãnh hải hẹp, những nước yếu thì tuyên bố rộng hơn.
Với Trung Quốc. UNCLOS trước đây luôn là điều kiện và phương tiện để Trung Quốc bảo vệ an ninh chủ quyền.
Trong tình hình thế đang bị đẩy vào cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai khiến Mỹ đưa Hạm đội 7 tiến vào eo biển Đài Loan, can thiệp và đe dọa Trung Quốc thì ngày 4/9/1959, Bắc Kinh ra tuyên bố chính thức về hải phận của họ, bao gồm 12 hải lý.
Cuộc khủng hoảng lần thứ 3 từ tháng 7/1995 đến ngày 11/3/1996. Mỹ cũng lập tức điều 2 nhóm tàu sân bay chiến đấu đi vào eo biển Đài Loan sẵn sàng quyết chiến, khiến Trung Quốc lùi bước, xuống thang để “tránh xung đột với Mỹ”.
Và chính thời điểm này, năm 1996, không còn cách nào khác, Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS, dù rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc thời đó thừa biết tại sao Mỹ không phê chuẩn UNCLOS và rất muốn cũng như Mỹ, bởi tư tưởng bành trướng, cậy mạnh vốn có của mình.
Như vậy, tuyên bố lãnh hải 12 hải lý và tiếp theo là phê chuẩn UNCLOS năm 1996 của Trung Quốc xảy ra chỉ khi khả năng quân sự của Trung Quốc không đủ sức ngăn cản được Mỹ trên eo biển Đài Loan, vùng biển này có nguy cơ mất an toàn khi Hải quân Mỹ tự tung tự tác.
Việc Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS, dùng nó làm vũ khí đấu tranh, hạn chế được sự “tự do hàng hải” của Mỹ hoặc ít nhất làm cho Mỹ do dự, tính toán khi muốn “tự do hàng hải” kiểu Mỹ trong vùng biển thuộc điều chỉnh của UNCLOS mà Trung Quốc đã phê chuẩn.
Việt Nam cùng các quốc gia khác trên Biển Đông không muốn chiến tranh, muốn giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên có sở luật pháp quốc tế và do đó cũng như Trung Quốc trước đây, UNCLOS chính là phương tiện và điều kiện để đấu tranh bảo vệ an ninh, chủ quyền.
Chính UNCLOS ngăn chặn dã tâm bành trướng chủ quyền của Trung Quốc về mặt pháp lý, nên thế lực diều hâu trong giới cầm quyền Bắc Kinh, khi cảm thấy có chút cơ bắp, lập tức phê phán các bậc tiền bối đã phê chuẩn UNCLOS, cho rằng đây là công ước “kiềm chế lợi ích” của Trung Quốc.
Sự “kiềm chế lợi ích” của Trung Quốc mà UNCLOS tạo ra chỉ có thể là bành trướng chủ quyền biển đảo.
Tình thế Biển Đông khi Trung Quốc rút khỏi UNCLOS
Vụ kiện của Philipines đang sắp đến giờ phán quyết có lợi cho Philipines, có nghĩa là cơ sở về tuyên bố “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là không có giá trị. Đây là một thắng lợi về mặt pháp lý và tất nhiên sẽ là trọn vẹn, lý tưởng hơn nếu như Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa.
Đáng tiếc là Trung Quốc đã cho thấy họ không bao giờ tuân thủ. Trung Quốc đã dùng rất nhiều cách để chống phá, trong đó đe dọa là sẽ rút khỏi UNCLOS.
Tàu sân bay Mỹ đến Biển Đông để “làm chỗ dựa cho Philipines” hay là để “làm mồi” cho Trung Quốc rút khỏi UNCLOS?
Việc Trung Quốc rút khỏi UNCLOS lợi, hại với Trung Quốc như thế nào là việc tính toán của Bắc Kinh. Ở đây, chúng ta chỉ quan tâm là tình thế Biển Đông khi Trung Quốc rút khỏi UNCLOS.
Rút khỏi UNCLOS, Trung Quốc sẽ như Mỹ, không thuộc điều chỉnh của UNCLOS, lúc đó, Trung Quốc liệu có hành xử như Mỹ hay không?
Thực tế cho thấy, Mỹ không có tranh chấp vùng biển, đảo với ai và do đó chưa có quốc gia nào kiện Mỹ vi phạm UNCLOS. Không những thế, “Lập trường của Mỹ rất rõ ràng, rất đúng với luật biển. Mỹ muốn sự tự do hàng hải, hàng không, mang tính lịch sử truyền thống phải được tôn trọng” (Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ tại Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ ngày 7/6/2016).
Trong khi đó, Trung Quốc đang có tranh chấp trên biển với Nhật Bản, Việt Nam…ở Tây TBD thì liệu có biện pháp nào để giải quyết tranh chấp bằng hòa bình nếu như không có cơ sở pháp lý chung (UNCLOS) để xử lý?
Trong một cuộc tranh chấp mà không có luật lệ thì “ai mạnh nấy được” là cách thức, biện pháp giải quyết duy nhất buộc kẻ yếu chỉ có 2 sự lựa chọn hoặc là chiến tranh hoặc là đầu hàng. Vì vậy, rút khỏi UNCLOS là nguy cơ Trung Quốc sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự để giải quyết tranh chấp.
Có thể nói, đây mới là sự nguy hiểm nhất, nguy cơ đe dọa đến an ninh chủ quyền của các quốc gia trong khu vực nhất, trong tình thế Trung Quốc tuyên bố rút khỏi UNCLOS.
Rút khỏi UNCLOS ngay sau phán quyết có nghĩa Trung Quốc tuyên bố chính thức công khai rằng, sẽ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp quân sự mà  bước đi đầu tiên rất dễ đoán là tuyên bố ADIZ trên Biển Đông.
Đến đây, chúng ta có thể hiểu rằng, khi có sự hung hăng, bất chấp, sẵn sàng dùng biện pháp quân sự của Trung Quốc thì các quốc gia trong khu vực, đặc biệt những quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông sẽ làm gì, đầu hàng hay đoàn kết liên minh với nhau, với Mỹ…?
Mỹ đã xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương mà Biển Đông được coi như là một khu vực trọng điểm quyết chiến chiến lược cả về địa chính trị lẫn địa quân sự với Trung Quốc.
Càng hung hăng, bất chấp, Trung Quốc càng cô độc, càng dễ bị Mỹ đưa vào tròng.

May thay, Trung Quốc chưa đủ khả năng và thừa khôn ngoan để không mạo hiểm thách thức tất cả như vậy.

Brexit 'tự diễn biến hòa bình' kiểu Anh


Bất kỳ một nền dân chủ nào, tư sản hay vô sản cũng phải trong khuôn khổ, có định hướng để phục vụ cho mục đích của giai cấp. 
Trưng cầu dân ý để quyết định hướng đi của đất nước là hoạt động dân chủ với hình thức cao nhất. Tại đây, dân quyết định trực tiếp con đường phát triển của đất nước…mà buộc chính phủ, nhà nước, là cơ quan ăn tiền thuế của dân hay do dân, vì dân, theo từng cách gọi…phải thực hiện.
Do đó, trưng cầu dân ý, kết quả có giá trị cao, đúng, chính xác, nó phụ thuộc hoàn toàn vào dân trí.
Ở một đất nước có nền dân trí thấp thì phải luôn luôn lấy tư tưởng: “chân lý không thuộc số đông”, nhưng ở nước Anh, người dân có trình độ dân trí cao, có nền dân chủ lâu đời…thì khi đã trưng cầu dân trí thì kết quả của nó không phải là để đùa.
EU và chính quyền nước Anh “tá hỏa”
EU không muốn Brexit là đương nhiên bởi vì nước Anh có một vị trí kinh tế thứ 2 trong liên minh. Khi Anh rời EU thì lập tức EU không còn là một trung tâm kinh tế lớn của thế giới.
Anh rời EU sẽ kéo theo một hệ lụy là các nước khác sẽ rời bỏ khi cần mà đã có dấu hiện xuất hiện tại 4 quốc gia, khiến nguy cơ tan vỡ EU không phải là trên lý thuyết.
EU như con thuyền lớn trong cơn dông bão thì vị thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm người Anh rời thuyền, lên con thuyền khác, bỏ lại đám thủy thủ lau nhau, rách nát, ốm yếu. Về cơ bản, nước Anh rời EU thì EU coi như mất hết sức sống.
Với nước Anh thì chính quyền đứng đầu là Thủ tướng David Cameron cũng không bao giờ muốn nước Anh rời bỏ EU.
Đừng tưởng rằng nước Anh đang yên đang lành mà ông Cameron lại “nổi hứng” bày ra việc nguy hiểm đến sinh mạng chính trị của mình như vậy. Có 2 lý do để khiến ông Cameron và bộ tham mưu của ông ta quyết định trưng cầu dân ý:
Một là do thủ đoạn chính trị, nên buộc ông Cameron phải hứa trưng cầu dân ý trong cuộc bầu cử vừa qua nếu ông trúng cử và sau khi trúng cử, dưới áp lực chính trị mạnh mẽ, trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng di cư…buộc ông Cameron phải thực hiện lời hứa của mình.
Hai là chính phủ hiện tại không nghĩ rằng người dân Anh lại chọn rời EU vì họ tin tưởng chắc chắn rằng đa số người dân Anh sẽ bỏ phiếu ở lại EU nếu như khi trưng cầu dân ý.
Chính vì thế, sau khi có kết quả thì sốc, “tá hỏa”, đầu tiên chính là nước Anh. EU choáng váng, nước Anh không hối kịp, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức để cho người đứng đầu khác lên làm thủ tục tách khỏi EU.
Rất nhiều người ân hận khi đã “đùa với lá phiếu” của mình và không khó hiểu ngay sau công bố kết quả thì có hơn 1 triệu người dân Anh ký yêu cầu đề nghị Trưng cầu dân ý lần 2.
Đây được coi như một cuộc “cách mạng màu” với phương thức “tự diễn biến” xảy ra tại nước Anh, quốc gia hùng mạnh có nền văn minh, dân chủ lâu đời trên thế giới mà không ai có thể ngờ tới.
Còn nước Mỹ? Rõ ràng là bất kỳ một nền dân chủ nào, hoạt động dân chủ nào mà không hợp với Mỹ thì đều bị Mỹ chống phá. Thế giới đã quá rõ hành xử của Mỹ với các quốc gia TBCN hay XHCN đang tiến hành cải cách dân chủ bị Mỹ lật đổ khi không hợp khẩu vị Mỹ.
 Chính thế cho nên, dù là nước Anh thì nước Mỹ cũng không chịu để yên trước một nền dân chủ kiểu Anh không hợp với dân chủ kiểu Mỹ, gây phương hại cho quyền bá chủ thế giới của Mỹ.
Sẽ ra sao nếu EU tan rã? Liệu có kéo theo nguy cơ tan vỡ NATO? Điều này thì Mỹ hiểu hơn ai hết, lo lắng hơn ai hết.
Sẽ ra sao nếu đây chỉ là một cái cớ để cải tổ lại EU? Nghị sỹ Quốc hội Pháp Nicolas Dyuik nói: “Châu Âu có thể không còn chức năng trong cùng một cách như trước đây, chúng ta không thể đứng trên ba chân - Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu. Trong quan điểm của tôi, Ủy ban châu Âu phải xóa bỏ vì Ủy ban châu Âu như tổ chức quân đồng minh được Mỹ thiết lập tại Pháp năm 1944 mà Tổng thống Pháp Charles de Gaulle dựa vào đó để chiến đấu”.
Hậu Brexits, ông Chủ tịch UB châu Âu Jeen-Claude Junker tuyên bố ông sẽ không từ chức. Đây là dấu hiệu cho thấy ít nhất Brexit nhắm vào mục tiêu nào.
Vậy thì không còn nghi ngờ gì nữa, Nghị viện và Hội đồng châu Âu chỉ là bù nhìn. Ủy ban châu Âu mới là “người của Mỹ cầm lái EU” như người Pháp đã tố cáo.
Giờ đây, lý do vì sao Mỹ ra lệnh cấm vận, trừng phạt Nga thì EU phải tuân thủ, dù kêu ca, dù “phải ghè đá vào chân” trong khi Mỹ gần như không bị thiệt hại đã được khẳng định rõ.
Nước Anh, người dân Anh không phải là dạng vừa, ít ra họ cũng đẻ ra trước người Mỹ. Chiến tranh thế giới lần thứ 2 vừa qua, Đức, Pháp là kẻ bại trận, nhưng Vương quốc Anh thì không, nên Mỹ không thể đối xử với Anh như với Đức và Pháp…Brexit là kết quả “không có gì quý hơn độc lập, tự do” của người dân Anh.
Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu, bởi sau đây là những gì người Anh có thể lãnh đòn: Cục Dự trữ Liên bang, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Nhật Bản, và George Soros sẽ quy tụ lại để tấn công vào đồng bảng Anh, dìm nó xuống và khủng bố các nền kinh tế Anh…nhằm mục đích trừng phạt người dân Anh, thuyết phục họ lá phiếu vừa qua là sai lầm, gây áp lực lên chính phủ hủy bỏ kết quả trưng cầu dân ý.
Vậy rồi ý chí của ai là mạnh nhất: của người dân Anh hay của CIA, One Percent (1% người giàu nước Mỹ) và EU? Hãy chờ!
Nước Nga trong cơn chấn động Brexit
Có rất nhiều quan điểm trái chiều về kinh tế, địa chính trị, của giới nghiên cứu khi phân tích tác động ảnh hưởng của Brexit đối với nước Nga. Bởi vì, xuất phát từ tầm nhìn vi mô, tầm vĩ mô, tầm nhìn ngắn hạn và tầm nhìn dài hạn…cho nên đó là điều có thể.
Vậy ở tầm vĩ mô, tầm dài hạn thì tác động của Brexit vào nước Nga sẽ như thế nào, xấu hay tốt?...
EU đang “hội đồng” cấm vận, trừng phạt nước Nga. Vậy khi EU bị yếu đi hoặc bị tan rã thì sự cấm vận nước Nga tự dưng bị bãi bỏ. Đồng thời hệ lụy tiếp theo là NATO tiến về phía Đông, bao vây Nga theo lệnh Mỹ ít nhất là khó thực hiện.
Đây là nguyên tắc và cơ sở chính để đánh giá tác động của Brexit đến nước Nga.
Trước hết xin trích lời của của Thủ tướng nước Anh David Cameron khi chĩa về nước Nga trong tuyên bố từ chức: Việc nước Anh rời khỏi EU, lợi, hại sẽ được nếm trải ngoại trừ Vladimir Putin và người đứng đầu IS Abu Bakr al-Baghdadi. Chúng ta hãy tự hỏi: ai sẽ được hài lòng khi Vương quốc Anh ra khỏi EU? Tôi nghi ngờ rằng Putin hay Abu Bakr al-Baghdadi”.
Và đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Anh Philip Hammond: “Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ vui mừng với kết quả của cuộc trưng cầu dân ý khi người dân Anh đã chọn rời khỏi EU, sự kiện có thể làm mềm các biện pháp trừng phạt chống Nga. Tôi nghi ngờ rằng ngày hôm nay, trong buổi sáng ông Vladimir Putin sẽ trải qua ít căng thẳng và cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn”.
Còn đây là của cựu đại sự Mỹ tại Nga, ông Michael McFaul: Brexit là “một thắng lợi của chính sách đối ngoại của Putin”.
Những tuyên bố trên đây có vẻ như là cay cú với người Nga, nhưng...nếu vậy thì chẳng lẽ Nga cũng biết chơi món võ "cách mạng màu" như Mỹ và phương Tây? 

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Hai cửa ải quyết định vận mệnh quan hệ hợp tác Việt-Mỹ


Lòng tin giữa Việt Nam và Mỹ có được khi chỉ khi cả 2 bên thực sự “gác lại quá khứ”, “vượt qua khác biệt”.
Nếu như chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ là một bước đột phá vào mối quan hệ bị đóng cứng, tê liệt, thì chuyến thăm tiếp theo của Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam là khai thông các huyệt đạo bị bế của mối quan hệ hợp tác Việt-Mỹ.
Quan hệ hợp tác Việt-Mỹ đã hết thời kỳ nói suông mà bước vào giai đoạn hành động. Hành động đôi bên như thế nào để chứng tỏ lòng tin trước khi đi vào “thi công” các hạng mục của mối quan hệ hợp tác là một thử thách khó khăn cho cả hai.
Quá khứ, Việt Nam có đủ bản lĩnh, đại nghĩa để gác lại không”? Còn sự “khác biệt, Mỹ, một cường quốc quân sự, kinh tế hàng đầu thế giới có đủ tự tin, kiêu hãnh để vượt qua? Đây là 2 vấn đề riêng biệt dành riêng biệt cho Việt Nam và Mỹ xử lý. 
Việt Nam thực sự “gác lại quá khứ”?
Quá khứ ở đây là cuộc chiến tranh Mỹ-Việt Nam, do đó, quá khứ không chỉ là của người Việt Nam mà còn là của Mỹ. Nhưng, quá khứ đau buồn này nếu như Mỹ chịu một thì Việt Nam chịu một trăm lần, cho nên, “gác lại quá khứ” được hay không, phụ thuộc chủ yếu vào nỗ lực của Việt Nam.
Quá khứ là lịch sử, luôn tồn tại khách quan như là trí nhớ của con người, của nhân loại. Nhớ quá khứ, lịch sử để phát huy những điều tốt đẹp nhưng quan trọng hơn đó là kinh nghiệm quý báu cho tương lai.
Quá khứ đau thương, tội lỗi, không thể quên, nhưng quên, hay không quên lại không quan trọng bằng làm gì, làm như thế nào để quá khứ đó không xảy ra trong tương lai, không ngăn cản sự phát triển cho tương lai. Đó chính là hãy tự tin “gác lại quá khứ”.
Hơn 2 triệu người Việt chết đói năm 1945, chúng ta không bao giờ quên. Chúng ta nhớ nó không phải để căm thù Nhật Bản từ đời này đến đời khác mà nhớ để biết nguyên nhân, hệ quả và thế hệ sau này của Việt Nam, Nhật Bản hãy làm gì để không bao giờ điều đó xảy ra.
Nếu như “Hội chứng chiến tranh (Việt Nam) trong lòng nước Mỹ” là tội lỗi, là mất mát, là thù hận, chưa dễ phai mờ thì hậu quả của cuộc chiến tranh đó để lại trong lòng Việt Nam còn nặng nề gấp hàng trăm lần so với Mỹ.
Do đó, “gác lại quá khứ” là một thử thách rất lớn cho Việt Nam, nó trở thành chỉ dấu, chỉ số, đánh giá lòng tin của Việt Nam đối với Mỹ.
Không phải ngẫu nhiên mà sau tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam thì vấn đề của TNS Bob Kerry lại khiến cho dư luận Việt Nam nổi sóng.
Người Mỹ đưa cho Việt Nam một bài test tinh tế, động đến một vấn đề rất nhạy cảm, để qua đó người Mỹ muốn từ Việt Nam một câu trả lời: Bạn đã thực sự gác lại quá khứ để hướng tới tương lai?
Rõ ràng, không thiếu gì người có thể thay ông Bob Kerry làm chủ tịch HĐQT trường ĐH Fullbright, nhưng nếu phải lựa chọn một ông Bob Kerry có quá khứ tội lỗi, sám hối, muốn làm gì đó cho Việt Nam và một ông Bob Kerry chống đối quyết liệt Việt Nam thì chúng ta chọn ai?
Tất nhiên, lựa chọn theo tình cảm, lý trí cá nhân sẽ khác với sự lựa chọn của những người mang trọng trách đại sự quốc gia.
Lịch sử quan hệ bang giao, vận nước có lúc như thời Lý Thường Kiệt, có lúc như Nguyễn Trãi và có lúc như Quang Trung Nguyễn Huệ…nếu lấy ứng xử bang giao với nước lớn phương Bắc, đặt từng bối cảnh đó vào hiện nay chắc “um xùm”, nhưng Việt Nam đâu có mất thần phong và khí phách.
Việt Nam đã trả lời bài test Mỹ cũng tinh tế không kém khi dành cho Mỹ một sự lựa chọn: “…phía Mỹ và lãnh đạo ĐH Fulbright sẽ có quyết định đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển quan hệ đang rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ”.
Một thông điệp rất “tình tứ” và giờ đây “bóng đã đến chân người Mỹ”.
Mỹ có thực sự “vượt qua khác biệt”?
Thế giới này không chỉ có Việt Nam là quốc gia có sự “khác biệt” với Mỹ, nhưng trong khi mối quan hệ hợp tác của họ với Mỹ phát triển bình thường thì Việt Nam và Mỹ lại gặp trở ngại.
Nguyên nhân chính là Việt Nam và Mỹ đã từng xảy ra một cuộc chiến tranh khốc liệt mà Mỹ không đạt được mục đích đề ra, nói cách khác là Mỹ bị thất bại. Vì thế, với tư cách là một cường quốc đứng đầu thế giới thì Việt Nam là một vấn đề không dễ dàng để quên.
“Sự khác biệt” trong quan hệ Mỹ-Việt, không phải chỉ là khác cái này, cái kia…mà nó là vấn đề đụng chạm đến uy danh nước Mỹ, là điều khó chấp nhận của “nước lớn”, nói cách khác “sự khác biệt” tồn tại trên một nền tảng thù hận của nước Mỹ với Việt Nam.
Đó là lý do vì sao kể từ năm 1975 đến nay, Mỹ không từ một thủ đoạn nào để chống phá Việt Nam mà chúng ta đã thấy và chứng kiến.
Trái lại, với tư tưởng hòa hiếu trong bang giao của Việt Nam, thì “sự khác biệt” trong mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Mỹ, Việt Nam rất dễ dàng vượt qua bởi lẽ đơn giản Việt Nam là nước nhỏ, muốn là bạn với Mỹ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi.
 Như vậy, “vượt qua khác biệt” là vấn đề chủ yếu dành cho Mỹ xử lý. Việt Nam không có ý tưởng và không có khả năng chống phá, bao vây, cấm vận, hay tiến hành cái gọi là “cách mạng màu” với nước Mỹ hoặc áp đặt dân chủ, nhân quyền kiểu Việt Nam vào Mỹ.
Và, cũng như “gác lại quá khứ” với Việt Nam, “vượt qua khác biệt” là một thử thách không dễ dàng với Mỹ.
Lòng tin giữa Việt Nam và Mỹ quyết định thành bại mối quan hệ hợp tác đôi bên. Lòng tin đó có được khi chỉ khi cả 2 bên thực sự “gác lại quá khứ”, “vượt qua khác biệt”.
Nếu như Việt Nam đã, đang thực sự “gác lại quá khứ” không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động thì Mỹ đã hành động gì để chứng tỏ đã “vượt qua khác biệt”?

Nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ cũng những người có lương tri trên thế giới mong muốn Mỹ và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, phát triển, đang chờ đợi.

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

ADIZ trên Biển Đông-hiểm họa khó lường


Việt Nam mới là quốc gia cần có  ADIZ nhất trên Biển Đông, vì đe dọa an ninh từ hướng Biển Đông với Việt Nam là rất lớn và nguy hiểm.
Dư luận đang rất chú ý đến một tin nhắn mới đây của Trung Quốc từ South China Morning Post (SCMP) ngày 1-6 dẫn các nguồn tin thân cận với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang chuẩn bị thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông.
Theo đó, thời gian lập ADIZ phụ thuộc vào điều kiện an ninh trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Mỹ và quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng.
Trong phản hồi bằng văn bản về thông tin đăng trên SCMP, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lớn tiếng nói rằng họ có quyền lập ADIZ ở Biển Đông và là “quyền của một nước có chủ quyền” . Họ còn “úp mở” rằng “Việc khi nào sẽ tuyên bố một vùng nhận diện như vậy còn phụ thuộc vào chuyện liệu Trung Quốc có đối mặt với các mối đe dọa trên không hay không và mức độ của mối đe dọa đó ra sao”.
Tin nhắn được gửi đi trước đối thoại Shangri-La 2 ngày, khi Diễn đàn an ninh khu vực này được coi như một cuộc đấu tố Trung Quốc khi có hành động hung hăng quân sự hóa Biển Đông chỉ là nhằm đe dọa các nước trong khu vực tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.
Khả năng và thực tế ADIZ trên Biển Đông của Trung Quốc
ADIZ là sản phẩm của chiến tranh lạnh, nhằm giảm thiểu rủi ro khi bị tấn công bất ngờ từ hướng phòng thủ nào đó trên không. ADIZ không đồng nghĩa với “không phận” nhưng liên quan mật thiết đến an ninh quốc phòng.
Do đó để lập một ADIZ đòi hỏi quốc gia đó phải chuẩn bị mọi cơ sở vật chất, kỹ thuật, các lực lượng hỗ trợ để thực thi và đặc biệt là phát hiện kịp thời “không để một con ruồi bay lọt”.
Trên thế giới có gần 20 ADIZ được lập ra và tùy theo từng quốc gia mà ADIZ được quy định. Chẳng hạn như ADIZ Nhật Bản lập năm 1969 thì không có yêu sách nào với máy bay qua đây ngoại trừ hạ cánh.
Với Trung Quốc thì ADIZ đầu tiên trên Hoa Đông, họ yêu cầu các máy bay qua đây phải trình kế hoạch bay và giữ liên lạc qua radio với nhà chức trách. Nếu không theo quy định, có hướng, hành động ảnh hưởng đến an ninh của quốc gia thì lập tức sẽ dùng biện pháp phòng không khẩn cấp.
Tại ADIZ của Trung Quốc trên vùng biển Hoa Đông, ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố, Mỹ không công nhận, lập tức Mỹ đưa 2 B-52 “xâm phạm” nhưng Trung Quốc không phản ứng gì. Chứng tỏ năng lực chấp pháp đối phó với các “đối tượng tác chiến trực tiếp” sừng sỏ, hùng mạnh còn hạn chế.
Giới quân sự đánh giá ADIZ của Trung Quốc trên Hoa Đông là quá yếu về “phần cứng” hỗ trợ thực thi và thiếu “tính chuyên nghiệp” về mặt kỹ thuật khi các quy định quá sơ sài.
Vậy trên Biển Đông nếu như Trung Quốc tuyên bố ADIZ?
Trung Quốc đã xây dựng các trạm Radar giám sát ở Trường Sa và Hoàng Sa, các đường băng cho máy bay và thậm chí kéo cả H-9 (tên lửa PK hiện đại nhất của Trung Quốc) ra Hoàng Sa.
Xét về lý thuyết thì Trung Quốc có đủ cơ sở vất chất kỹ thuật cơ bản để tuyên bố ADIZ trên Biển Đông. Nhưng đáng tiếc, Trung Quốc vẫn chưa đủ lực để thực thi.
Lập ra ADIZ để bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng trong khi đó ADIZ mà Trung Quốc nếu tuyên bố trên Biển Đông lại là nguy cơ gây bất ổn khu vực, đặt an ninh Trung Quốc phải căng thẳng trong việc đối đầu với các thế lực khác đứng đầu là Mỹ thì đó là điều phi lý.
Mỹ đã từng tuyên bố là Mỹ sẽ không công nhận ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông. Mỹ đã, đang và sẽ tuần tra để bảo đảm an toàn tự do hàng hải, hàng không, trên Biển Đông cách các đảo của Trung Quốc chiếm được 12 hải lý.
Điều đó cho thấy, nếu ADIZ của Trung Quốc trong phạm vi đó thì Mỹ sẽ không “xâm phạm”, nhưng ngoài phạm vi đó ra thì lẽ dĩ nhiên, mọi hoạt động tuần tra của Mỹ đều nằm trong khu vực chấp pháp của Trung Quốc.
Đến đây, Mỹ phải tuân thủ hay không là quyền của Mỹ, là uy danh sức mạnh Mỹ. Nếu chấp nhận thì Mỹ bị Trung Quốc đẩy ra khỏi Biển Đông, còn nếu không chấp nhận thì căng thẳng Trung Quốc-Mỹ sẽ leo thang.
Chắc chắn là Mỹ không thể chấp nhận và chắc chắn Trung Quốc chưa có gan để thách thức Mỹ.
Do đó, Trung Quốc sẽ không lập ADIZ trên Biển Đông? Chưa hẳn thế, vì Trung Quốc có thể bắt tay Mỹ, bỏ qua Mỹ, thực hiện “mềm nắn, rắn buông”, tuyên bố ADIZ để tranh chấp chủ quyền, đe dọa các quốc gia có tranh chấp.
Việt Nam sẽ làm gì nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông?
Điều khẳng định chắc chắn là nếu như Trung Quốc lập khu nhận dạng phòng không trên Biển Đông thì sẽ có nhiều vùng chồng lấn rộng lớn lên chủ quyền, quyền chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
Nếu Việt Nam chấp nhận ADIZ đó thì có nghĩa là Việt Nam chấp nhận mất chủ quyền và nếu như không chấp nhận, thì căng thẳng, đối đầu trực tiếp sẽ xảy ra.
Trung Quốc đã thử thách và xem phản ứng của Việt Nam trong vụ đưa giàn khoan hạ đặt sâu trong thềm lục địa Việt Nam thì vấn đề tuyên bố ADIZ trên Biển Đông còn nhạy cảm, nguy hiểm, đến an ninh chủ quyền của Việt Nam gấp nhiều lần.
Để an toàn cho hàng trăm hành khách, các quốc gia không có tranh chấp chủ quyền có thể trình báo kế hoạch, hướng bay…nhưng với các quốc gia có tranh chấp chủ quyền thì họ sẽ lựa chọn sao giữa chủ quyền và hàng trăm tính mạng dân mình?
ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông nếu có, là phục vụ cho mục đích tranh chấp chủ quyền, bởi vì không quốc gia nào trong khu vực Biển Đông có thể tấn công Trung Quốc bằng đường không. Và, có thể nói, đó là kiểu “bắt cóc con tin” đầy thâm hiểm và độc ác nhất.
Vì thế, “úp mở” việc tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông là sự răn đe, đe dọa nguy hiểm đến an ninh chủ quyền Việt Nam sau sự kiện Mỹ tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam và mối quan hệ hợp tác với Mỹ ngày càng thân thiện.
Vì vậy, nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ thì ngay lập tức Việt Nam cũng tuyên bố ADIZ của mình và mở rộng để phục vụ cho yêu cầu chiến thuật phòng thủ khẩn cấp từ hướng biển.
Đây là lý do xác đáng không bàn cãi vì Việt Nam mới là quốc gia cần có  ADIZ nhất vì đe dọa an ninh từ hướng Biển Đông với Việt Nam là rất lớn và nguy hiểm.
Phòng thủ từ hướng biển trong đó phòng thủ từ trên không là nhiệm vụ mà quân đội Việt Nam đã triển khai từ lâu và không ngừng củng cố, hoàn thiện. Vì thế, “khả năng chấp pháp” không là vấn đề quá lớn, quá xa lạ, trong tình huống phải đối đầu với một lực lượng không quân hiện đại.

Đó là cách tốt nhất hóa giải, đáp trả chiêu “tuyên bố ADIZ” của Trung Quốc trên Biển Đông để tranh chấp chủ quyền.