Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

CAM RANH VÀ SUBIC – SỰ KHÁC BIỆT 2 THƯƠNG HIỆU.


Cam Ranh và Subic hiện tại không còn là căn cứ quân sự của nước ngoài nào nhưng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc kéo theo tình hình tranh chấp căng thẳng trên Biển Đông, một lần nữa, Cam Ram Ranh, Subic lại được sự quan tâm lớn của giới quân sự, ngoại giao và của các bên liên quan.
Subic-thương hiệu Philippin.
Tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippin xảy ra quyết liệt khi bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc dùng tàu cá có hộ tống của tàu Hải giám chiếm đoạt và bãi Cỏ May (một trong 9 đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Philippin đang làm chủ) đang bị Trung Quốc lăm le chiếm nốt khi tuyên bố chủ quyền ngang ngược.
Thực tế thì đã có vài lần Philippin đàm phán “song phương” với Trung Quốc nhưng ở vào thời điểm thế lực của Hải quân quá yếu trong khi tham vọng của Trung Quốc quá lớn, không thể kiềm chế, thì đàm phán trong vị thế đó làm sao thành công cho Philipines.
Rốt cuộc, khi Philippin đã thấm hiểu được “ý chí” của Trung Quốc thì cái giá phải trả là mất bãi cạn Scarborough. Và, cho đến giờ, phải chăng giữa Trung Quốc và Philippin thì “không còn gì để nói với nhau”, “các biện pháp ngoại giao đã cạn” trong tranh chấp chủ quyền trên biển?
Philippin kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì vi phạm UNCLOS với cái gọi là “đường lưỡi bò”; Philipines tăng cường sức mạnh với tốc độ nhanh cho lực lượng Hải quân, không quân; Philippin làm mới nóng liên minh quân sự với Mỹ; Philippin là nước ở châu Á-TBD duy nhất công khai bày tỏ ủng hộ Nhật Bản tái vũ trang…là sự đáp trả rất quyết liệt, nhưng với Trung Quốc, nếu chỉ vậy thôi thì đây là chuyện nhỏ. Philippin sử dụng căn cứ Subic như thế nào mới là chuyện lớn, đáng quan tâm, lo ngại của Trung Quốc.
Rõ ràng là cả Trung Quốc và Philippin đều biết chính xác là Mỹ không đem quân sang để đánh nhau với Trung Quốc bởi mấy đảo đá, bãi cạn của Philippin tranh chấp vì đó không phải là lợi ích quốc gia của Mỹ. Philippin cũng đã có bài học của Gruzia quá tin vào NATO, Mỹ sẽ đối đầu quân sự với Nga nên có hành động “xỉa răng cho cọp”. Nói chung, ít có một quốc gia nào đi bảo vệ một quốc gia nhỏ bé mà sẵn sàng đụng đầu với một đối thủ ngang ngửa, đặc biệt quốc gia thực dụng như Mỹ thì không có.
Hiện diện quân sự của Mỹ ở Subic không phải cùng trực tiếp với Philippin tranh chấp chủ quyền mà để không chế Biển Đông và eo biển Malacca khi cần, ngăn cản Trung Quốc đang ham muốn và ráo riết thực hiện.
Khi Mỹ hiện diện tại Subic thì cái gọi là “vòng dây xiết quanh cổ Trung Quốc” càng chặt lại là điều Trung Quốc, một siêu cường, không thể chấp nhận.
Trong điều kiện đang tồn tại liên minh quân sự Mỹ-Philippin thì sự hiện diện của Mỹ tại Subic là “danh chính” và chỉ cần Philippin “mời” là “ngôn thuận”.
Có thể nói, đụng độ tranh chấp với Philippin, đã gây ra một mâu thuẫn trong chiến lược Biển Đông của Trung Quốc rất khó giải quyết. Đó là, Trung Quốc phải lựa chọn giữa việc đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông hay lôi thôi với mấy cái đảo đá chìm để “dọn chỗ VIP trên Biển Đông” cho Mỹ…
Và, đó cũng chính là sự khai thác, sử dụng triệt để Subic kiểu Philippin hay Subic-thương hiệu Philippin.
Cam Ranh-thương hiệu Việt Nam.
Philippin và Việt Nam cũng có tranh chấp căng thẳng về chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Cam Ranh của Việt Nam còn có lợi thế hơn Subic nhiều lần…Nhưng Việt Nam và Philippin có cách khai thác sử dụng 2 cảng nổi tiếng đó khác nhau để tạo ra thương hiệu khác nhau.
Thứ nhất là:
Philippin có liên minh quân sự với Mỹ nên không sợ Trung Quốc tấn công. Việt Nam không liên minh quân sự với ai cả nên phải tăng cường cảnh giác, tự lực tự cường, “thắt lưng buộc bụng” để nâng cao năng lực phòng thủ bảo vệ Tổ quốc sẵn sàng giáng trả quân xâm lược, bắt chúng phải trả giá đắt.
Với tinh thần đó, Việt Nam đã, đang chỉ có đủ khả năng, tìm mọi khả năng, tăng cường mọi khả năng, sử dụng, khai thác một cách hợp lý, sáng tạo vị trí Cam Ranh, Trường Sa nhằm một mục đích là bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên Biển Đông được quốc tế công nhận mà không nhằm làm hại hay để đối phó với một quốc gia nào.
Đó cũng là điều giải thích rõ ràng quan điểm nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự với quốc gia nào để chống nước thứ 3 (lẽ dĩ nhiên điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không có chuyện cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự).
Cho nên, Cam Ranh chỉ là căn cứ quân sự liên hợp gồm không quân, hải quân hiện đại của Việt Nam, chỉ phục vụ mục đích quân sự duy nhất cho Việt Nam. Đồng thời, Cam Ranh cũng là nơi cung cấp dịch vụ (hàng hải, hậu cần, kỹ thuật) cho tàu thuyền quân sự hay dân sự của bất cứ quốc gia nào.
Thứ hai là:
Một số người hô hào là hãy cho Mỹ đặt căn cứ quân sự tại Cam Ranh để đối phó với Trung Quốc…
Giả sử như vậy thì khi Trung Quốc tấn công Trường Sa, xâm lấn chủ quyền thì Mỹ trực tiếp đánh Trung Quốc vì Việt Nam? Hoang tưởng.
Với Cam Ranh, giới quân sự thì đánh giá Cam Ranh có một vị trí vô cùng quan trọng và lợi hại trong khu vực. Rằng, ai có Cam Ranh thì khống chế được Biển Đông, ai có Trường Sa cũng khống chế được Biển Đông và cuối cùng thì ai khống chế được Biển Đông là làm chủ toàn khu vực…
Điều lý thú là Việt Nam có cả Cam Ranh và Trường Sa nhưng lại không có ý tưởng khống chế Biển Đông để làm chủ khu vực ngay cả khi nếu có đủ khả năng để phục vụ cho ý tưởng đó. Nhưng đó lại là ý tưởng của Mỹ nếu như Mỹ có Cam Ranh của Việt Nam.
Tại sao Việt Nam có đủ khả năng khai thác sử dụng Cam Ranh để bảo vệ chủ quyền của mình mà phải giao cho người khác sử dụng vì lợi ích quốc gia của họ không trùng hợp với lợi ích quốc gia Việt Nam?
Đó là điều vô lý, dại dột, không thể xảy ra.
Và cuối cùng:
Tính cách dân tộc, nền văn hóa dân tộc và đặc biệt là từ năng lực, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền…của 2 quốc gia khác nhau.
Kết luận vấn đề là làm sao xây dựng được thương hiệu mạnh? Muốn vậy phải liên kết, hợp tác với ai...thì phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ. Chắc chắn các sếp đã có bài rồi.
ngocthong19.5@gmail.com

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

VÁN CỜ BIỂN ĐÔNG CỦA VIỆT NAM



Đương nhiên là vậy, đã qua rồi thời Việt Nam là một quân cờ trên Biển Đông, trên ĐNA. Với vị trí chiến lược quan trọng, với khả năng tự vệ, đương đầu với mọi thách thức an ninh có được, đã đến lúc Việt Nam tự quyết định chiến lược an ninh của mình.
Nói đến Biển Đông thì ai cũng đều có chung một đánh giá từ xưa đến nay là Biển Đông có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong khu vực châu Á-TBD. Chính vậy mà làm chủ hoàn toàn Biển Đông hoặc bảo vệ an toàn hàng hải trên Biển Đông không phải chỉ là mong muốn của một quốc gia mà có rất nhiều quốc gia đưa vào trong chiến lược khu vực, toàn cầu của họ.
Đó thực sự là tâm điểm của một cuộc chiến địa chính trị khu vực châu A-TBD mà nguy cơ xung đột, chiến tranh và cơ hội hợp tác, hòa bình phát triển là không đoán định.
Với hơn 3000 km đường bờ biển giáp Biển Đông và hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó có quần đảo Trường Sa nằm gần như chính giữa Biển Đông, Việt Nam, do đó, có một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trên Biển Đông nói riêng và khu vực ĐNA nói chung.
Không khó để giải thích tại sao trước đây, Việt Nam cứ liên miên hết thế lực lớn này đến thế lực lớn khác luôn dòm ngó, xâm lược hoặc coi như một quân cờ trên bàn cờ chiến lược Biển Đông, khu vực ĐNA.
Tại sao ư? Tại vì nghèo, yếu, lại ở vào vị trí đắc địa là nguyên nhân chính gây ra thảm họa cho dân tộc Việt Nam trước đây.
Ngày nay, Việt Nam đã khác, với khả năng tự vệ, đương đầu với mọi thách thức an ninh có được, đã đến lúc Việt Nam tự quyết định vị thế của mình, tham gia vào cuộc cờ khu vực với vị thế khác – người chơi chứ không phải là quân cờ.
1- Nước cờ của Việt Nam từ góc nhìn Trung Quốc
Hoạt động ngoại giao thời bình như hoạt động quân sự thời chiến, nghĩa là đều có tính quyết đinh sống còn với vận mệnh quốc gia.
Trong thời chiến, hoạt động ngoại giao phụ thuộc vào kết quả quân sự. Hiệp định Gioneve năm 1954 được ký kết phải sau khi “Tin đây anh (Phạm Văn Đồng) Điện Biên Phủ hoàn thành”. Hiệp định Pari ký cũng phải sau trận “Điện Biên Phủ trên không”
Trong thời bình, kết quả đối ngoại phụ thuộc lớn vào vị thế đất nước, đặc biệt là tiềm lực quốc phòng. Không có khả năng, tiềm lực quân sự để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bắt kẻ xâm lược phải trả giá đắt nếu liều lĩnh xâm phạm, nghĩa là không đủ sức răn đe thì hoạt động ngoại giao chỉ “chót lưỡi đầu môi”.
Hiện tại ở khu vực châu Á-TBD đã có nhiều liên minh quân sự như Mỹ-Nhật Bản, Mỹ-Hàn Quốc, Mỹ-Philipines và nhiều tam giác chiến lược như Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc, Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ, Mỹ-Nhật Bản-Úc…có vẻ như là để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy những mối quan hệ đó có thể làm cho Trung Quốc lo ngại, nhưng không đủ để làm họ hốt hoảng.
Trong chiến lược đẩy lùi Mỹ, Nhật Bản ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất và đầy tham vọng biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình, đương nhiên, Trung Quốc sẽ vấp phải sự chống trả quyết liệt của bên liên quan.
Trên khu vực ĐNA cũng xuất hiện nhiều mối quan hệ cấp đối tác chiến lược như Việt Nam-Indonesia, Việt Nam-Nhật Bản…đặc biệt có đối tác chiến lược sâu, toàn diện như Việt Nam-Nga chẳng hạn, thì đâu là mối quan hệ khiến Trung Quốc lo sợ nhất và ảnh hưởng lớn nhất đến chiến lược biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ?
Phải chăng khi Mỹ và Việt Nam trở thành đối tác chiến lược, Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, mối quan hệ tăng lên từ chiều sâu đến chiều rộng thì khiến Trung Quốc lo sợ?
Không phải. Mỹ có lợi ích quốc gia toàn cầu, dù có đối đầu với Trung Quốc, muốn bao vây, kiềm chế Trung Quốc…nhưng vẫn hợp tác với Trung Quốc. Vì thế khi cần, Mỹ vẫn sẵn sàng lấy mối quan hệ với Việt Nam ra mặc cả với bất kỳ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc để tính toán thiệt hơn, nhiều ít.
Vậy, liên minh phòng thủ giữa Việt Nam với Philipines và ASEAN?
Nếu xảy ra thì đây cũng là điều đáng lo sợ cho Trung Quốc, bởi lẽ các quốc gia ĐNA trong khối ASEAN này có một địa quân sự rất quan trọng trên Biển Đông và eo biển Malacca. Khi họ liên thủ với nhau thì Biển Đông sẽ trở thành như một cái “hồ nước” mà một chứ mười hạm đội Nam Hải cũng chẳng làm gì được khi vùng vẫy trong đó bị “đồng loạt trên bờ ném đá”.
Rất may là tình huống này không có thể xảy ra. Cuộc chiến địa chính trị giữa Trung Quốc, Mỹ đã khiến cho ASEAN buộc phải lựa chọn, nghiêng ngả theo lợi ích quốc gia mà họ theo đuổi và Trung Quốc cũng không mấy khó khăn đang làm mọi cách để không xảy ra.
Vậy mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga chăng?
Cũng không phải. Thực tế mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga là mối quan hệ được coi trọng ưu tiên hàng đầu hiện nay. Đây là mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, đặc biệt tin cậy lẫn nhau và không một xung đột lợi ích nào dù là nhỏ.
Nga đã không ngừng tăng cường năng lực quốc phòng cho Việt Nam để đủ sức đương đầu với thế lực bành trướng, tạo ra sức răn đe mạnh (đương nhiên là mua bán, nhưng nếu không có độ tin cậy thì không phải có tiền là mua được thứ mình muốn và ngược lại), qua đó Nga kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, đồng thời củng cố một điểm đứng chân ổn định vững chắc, tin cậy tại châu Á-TBD cho tương lai gần, vừa bảo vệ lợi ích kinh tế của Nga trên Biển Đông.
Tuy nhiên giữa Nga và Trung Quốc cũng là đối tác chiến lược của nhau có tính chất vừa hợp tác vừa kiềm chế cho nên Nga không thể vì Việt Nam tất cả để hy sinh lợi ích quốc gia khi hợp tác với Trung Quốc.
Vậy rốt cuộc, với khả năng quốc phòng và sức mạnh trên Biển Đông hiện tại, Việt Nam tăng cường mối quan hệ với quốc gia nào thì sẽ khiến Trung Quốc lo sợ và không muốn?
Nếu như thế thì nước cờ đó hay mối quan hệ này phải có tác động mạnh đến cấu trúc địa chính trị khu vực và ít nhất có một mục tiêu chung là ngăn chặn Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà”. Đặc biệt, mối quan hệ đó phải có độ tin cậy, tức là không có xung đột về lợi ích. Mối quan hệ đó sẽ…
Đó chính là nước cờ hay sách lược đối ngoại có tính logic mà Việt Nam đã, đang và sẽ dùng để tăng cường thế, lực cho đất nước đủ sức bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trước những thách thức nguy hiểm có thể xảy ra.
2- Việt Nam-Nhật Bản, không để lịch sử lặp lại.
Trong tình thế hiện tại về chủ quyền, rõ ràng là Trung Quốc đang xâm hại đến chủ quyền Việt Nam.
Trung Quốc đã thành lập và xây dựng cái gọi là “thành phố Tam Sa” bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; Trung Quốc ngang ngược, cậy mạnh, gọi thầu quốc tế 9 lô dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam, ra lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng EEZ của Việt Nam.
Hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Quốc luôn phô trương thanh thế, ráo riết diễn tập đánh chiếm đảo này đảo khác trên Biển Đông…(còn những tuyên bố ngạo mạn, láo xược, của giới học giả quá khích, tướng tá diều hâu, hiếu chiến về Việt Nam được bật đèn xanh thì chúng ta không đáng quan tâm).
Trong tình thế đó, Việt Nam phải làm gì, chẳng lẽ khoanh tay ngồi nhìn khi từng hòn đảo, vùng biển thiêng liêng bị Trung Quốc xâm lấn?
Việt Nam muốn hòa bình nhưng hòa bình không lệ thuộc, Việt Nam kiên quyết bảo bệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên vùng biển Việt Nam được quốc tế công nhận theo UNCLOS.
Do đó, không còn cách nào khác là phải tăng cường tiềm lực quân sự và đối ngoại quân sự để tạo ra thế và lực vững chắc cho đất nước.
Đài “Tiếng nói nước Nga” có bình một câu hay nhưng chưa chính xác, rằng, “Con hổ Việt Nam có móng vuốt Nhật Bản” mà lẽ ra thì “móng vuốt của Nga” mới đúng. Nhưng thật ra, móng vuốt của Hổ chưa quan trọng, quan trọng là thế võ của hổ vồ như thế nào. Tuy nhiên, hổ vồ như nào không phải là điều quyết định, quyết định là nội lực của Hổ. Giống hổ thật đấy, nhưng đói đi không vững thì vồ được ai.
Chúng ta hãy trở lại với luận bàn từ thanh kiếm. Đó là, kiếm dài hay ngắn không quan trọng, quan trọng là kiếm pháp. Tuy nhiên, kiếm pháp tốt hay dở chưa quyết định, quyết định là thanh kiếm gì.
Nếu thanh kiếm đó là một “thanh kiếm báu” như, làm bằng công nghệ nào, chất liệu ra sao để có thể chém sắt như chém bùn…và một thanh kiếm thường, chỉ gặp một cành cây đã quằn, gặp kiếm địch thì bị chém đứt là hoàn toàn khác nhau khi đối đầu.
Chính xác là Việt Nam cần và phải có “thanh kiếm báu” và Trung Quốc quá biết nó sẽ có từ đâu.
Kể từ năm 1945 đến năm 2010, Nhật Bản có 65 năm hòa bình, xây dựng đất nước thành một siêu cường kinh tế, có một nền công nghiệp hiện đại, kỹ thuật công nghệ cao nhất nhì thế giới.
Trong 65 đó Nhật Bản chỉ tồn tại 2 mâu thuẫn với bên ngoài có thể coi như thách thức đến an ninh là CHDCND Triều Tiên và Nga trên quần đảo phía Bắc. Tuy thế 2 mâu thuẫn đó không đủ để biến lực lượng Phòng vệ Nhật Bản “thay tên đổi dạng”, chưa đủ để đánh thức dân tộc Nhật đang “say giấc ngủ hòa bình”. Lưu ý là, nếu như ai đó cho rằng trong 65 năm đó, Nhật Bản không chuẩn bị gì cho tiềm lực quốc phòng là nhầm. Đó không phải là tư duy của một quốc gia có nền công nghiệp hiện đại và quốc gia đang tồn tại đền thờ chiến tranh thế giới lần 2 thì càng không.
Chỉ đến năm 2010, đặc biệt là trong tranh chấp quần đảo Senkaku thì yếu tố Trung Quốc là đủ năng lượng để đepo khởi động bộ máy quân sự, quốc phòng và đánh thức chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản.
Một loạt các sức cản, ràng buộc như Hiến pháp hòa bình Nhật Bản, tâm lý quen hưởng hòa bình vào ô hạt nhân Mỹ, dựa dẫm vào Mỹ trở nên không là gì trước cú tác động của Trung Quốc.
Chiến tranh thế giới lần 2 đã kết thúc 68 năm, trong khi châu Âu đã vĩnh viễn lật sang trang mới những mối oán hận giữa các kẻ thù cũ nhưng vùng ĐBA thì không.
Mối hận thù dân tộc “nỗi nhục 100 năm” của Trung Quốc với Nhật Bản vẫn còn đó và càng lớn dần theo đà trỗi dậy của Trung Quốc, bất chấp Nhật Bản đã từng tạo điều kiện thuận lợi, quan trọng cho sự trỗi dậy thần kỳ của mình.
Tranh chấp quyết liệt Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông đã làm mối quan hệ Trung-Nhật xấu đi đến mức chiến tranh có nguy cơ xảy ra.
Trên Biển Đông. Nếu Trung Quốc biến thành “ao nhà”, khống chế luôn eo biển Malacca thì coi như nền kinh tế Nhật Bản sống hay chết hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn Trung Quốc. Đòn “cắt nguồn cung đất hiếm” Nhật Bản chắc đã nhận đủ từ Trung Quốc và để bắt Nhật Bản thành chư hầu, Trung Quốc có thừa lòng căm hờn và sự quyết tâm để phong tỏa tuyến hàng hải Biển Đông khi cần thiết.
Nếu Việt Nam thất thế, như mất Trường Sa chẳng hạn, lúc đó tuyến hàng hải thương mại, vận chuyển năng lượng bị mất an toàn thì Nhật Bản sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm.
Như vậy, có thể nói việc Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà” có ảnh hưởng “không thể chấp nhận được” đến 2 quốc gia là Việt Nam và Nhật Bản, cho nên, theo logic thì ngăn chặn âm mưu, hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam và Nhật Bản đều có cùng mục tiêu mang tính “tối thượng” là an ninh quốc gia và chủ quyền.
Hiện tại Nhật Bản có một nền công nghiệp hiện đại nhất châu Á. Mặc dù GDP sau Trung Quốc nhưng chất lượng GDP cao hơn rất nhiều Trung Quốc. Cục diện địa chính trị trong vài năm tới Nhật Bản sẽ là có vai trò chính trên châu Á-TBD trong khi hiện tại “lòng tin chiến lược” Trung-Nhật đã cạn.
Cho nên, đối tác chiến lược với Nhật Bản là đối tác chiến lược với một cường quốc lớn và không có gì thuận lợi hơn là Việt Nam và Nhật Bản cũng như Việt Nam và Nga là đối tác chiến lược của nhau mà không có xung đột lợi ích, vì thế có độ tin cậy, có lòng tin, hoàn toàn khác bản chất với đối tác chiến lược nào đó mà vừa hợp tác vừa kiềm chế nhau.
Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản chắc chắn một điều là dù có hay không có căng thẳng trên Biển Đông thì Việt Nam và Nhật Bản cũng cần phải tăng cường mối quan hệ vì sự phát triển của 2 quốc gia đầy duyên nợ này.
Không phải ngẫu nhiên mà Nhật Bản là nước tư bản lớn đầu tiên có quan hệ ngoại giao với Việt Nam dân chủ cộng hòa. Không phải ngẫu nhiên mà mà nhà yêu nước Phan Bội Châu tìm đường sang Nhật Bản đã được khắc họa trong bộ phim “Người cộng sự” mà Đài truyền hình Việt Nam phát sóng nhân dịp 40 năm quan hệ ngoại giao Việt-Nhật.
Người Việt và đặc biệt là người Nhật không nên để lịch sử lặp lại vì đó là lịch sử đầy đau thương và hối tiếc của 2 dân tộc.
“Lòng tin chiến lược” giữa các quốc gia, dân tộc với nhau là tiền đề của hòa bình và phát triển.

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

NÊN NHỚ RẰNG, HÃY CÒN NỢ NGƯỜI MỘT LỜI XIN LỖI!


Những ngày này, cả nước Việt Nam chìm trong nỗi tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Qua tình cảm của người dân dành cho Đại tướng mới thấy một điều rằng nhân dân công tâm lắm.
Nhân dân biết hết, ai tốt, ai xấu , ai bị trù dập, ai tham nhũng, ai kèn cựa ngậm máu phun người…dân biết hết và quân đội càng biết rõ hơn.
Tất cả những tình cảm dành cho Đại tướng mà có thể nói là người dân đã dồn nén trong nhiều năm nay, nay mới có dịp bung ra. Và như vậy mới thấy rằng, những ai vì dân thì sẽ thuộc về nhân dân.
Lịch sử công bằng lắm.
Phải mất 22 năm sau khi Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, Lê Thánh Tông mới giải oan cho ông. Đã mấy trăm thế kỷ rồi mà mỗi lần đọc lời giải oan “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” vẫn khiến lòng chua xót, con tim như nhói đau, mắt như nhòa lệ.
Điếu văn của BCHTW Đảng CS Việt Nam đã đánh giá đúng công lao, đánh giá đúng nhân cách của Đại tướng cũng khiễn đồng bào cả nước nghẹn ngào, nhòa lệ, nhưng hình như chưa đủ.
Bởi vì nếu đã như vậy thì thực tế hoạt động chính trị của Đại tướng tại sao lại không hợp logic một tẹo nào, đúng không?
Bởi vì, nếu đã như vậy thì tại sao lại thiếu một lời xin lỗi, đúng không?
Quân đội nhân dân Việt Nam không có lỗi với người “Anh cả” của mình, Nhân dân Việt Nam chỉ mang ơn ông mà cũng không có lỗi với vị Đại tướng của mình. Bởi lẽ, giá như, quân đội, nhân dân Việt Nam, có quyền được lựa chọn Đại tướng cho mình, “Anh cả” cho mình.
Vậy ai là người có lỗi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì hãy xin lỗi Người trước khi quá muộn. Đừng để thế hệ sau này phải minh oan cho ông thì…không còn gì để nói.

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

GÓC NHÌN CỦA LÍNH: 2 ĐIỀU VỀ TƯỚNG GIÁP.


Điều thứ nhất: Tướng Giáp luôn luôn đúng.
Lịch sử đất nước trong 31 năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc đã ghi nhận và chứng minh.
- Tấn công Đông Khê thay vì Cao Bằng.
- Thay đổi cách đánh ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đánh chắc tiến chắc, chứ không dùng chiến thuật “biển người”.
- Mậu thân 1968 thắng lợi lớn nếu như sau tấn công đợt 1 thì rút quân ra khỏi thành thị về nông thôn tổ chức phòng thủ.
- Chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Nếu nghe tướng Giáp thì không bao giờ quân ta rơi vào phòng ngự bị động gây ra tổn thất lớn. Đã thế còn có tư tưởng sai lầm về tiến công cách mạng, cứ cho rằng cách mạng là tiến công chứ không phòng ngự… Và khi tướng Giáp kiên quyết ra lệnh rút lui khỏi thành cổ Quảng Trị mới dừng lại con số “81 ngày đêm”.
- Mưu kế tuyệt vời. Kéo căng, gìm địch 2 đầu để điểm huyệt Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên.
- Buộc tướng Lê Trọng Tấn, một vị tướng đánh trận giỏi nhất Việt Nam, người được mệnh danh là “Ducốp Việt Nam” phải đánh giải phóng Đà Nẵng trong 3 ngày. Chúng ta không thể tưởng tượng nổi nếu như hơn 10 vạn quân Ngụy ở Đà Nẵng chỉ cần ta chậm 1 ngày là ùn ùn kéo vào quanh Sài Gòn tử thủ thì sẽ như thế nào?
- Chỉ thị trực tiếp cho Mai Năng, Lữ trưởng 126 và quân khu 5 bằng mọi cách phải giải phóng Trường Sa.
- Tấn công giải phóng Căm Pu Chia khỏi bọn diệt chủng. Nếu nghe theo Tướng Giáp cắt đứt biên giới Thái Lan-Campuchia rồi tấn công diệt gọn thay vì đánh vỗ mặt để chúng chạy hết sang Thái Lan khiến chúng ta phải dây dưa với chúng tới 10 năm mà không dứt điểm gọn được, hao người tốn của.
Chính vì thế toàn quân, toàn dân trước sau như một đều đặt trọn lòng tin vào người chỉ huy tài giỏi của mình, yêu quý, kính trọng ông là thế.
Điều thứ hai: Nếu ai đó còn thăn văn chuyện này chuyện kia thì hãy coi điều thứ nhất.
Vẫn biết trong suốt 31 năm chiến tranh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng tư lệnh, nhưng trong chống Pháp, Bác Hồ trao cho tướng Giáp “tướng quân tại ngoại quyết trước báo sau”. Còn trong chống Mỹ thì không phải tướng Giáp quyết được. Ông phải thông qua Bộ CT, có khi chỉ một phiếu và không ít kẻ muốn thể hiện mình là tài giỏi, kèn cựa, đố kỵ, với tướng Giáp. Có lẽ tướng Giáp không buồn vì điều này nhưng nhìn máu xương người lính của mình đổ ra vì sai lầm chiến thuật, chiến lược mới khiến ông đau đớn rất nhiều.
Là một người lính của Đại tướng chỉ trong 2 năm thôi từ năm 1977 nhưng tôi không khỏi bàng hoàng khi hay tin Người đã đi theo Bác Hồ.
Non sông Việt Nam, dân tộc Việt Nam biết chờ đợi đến bao giờ nếu như lời nói của Giáo sư đáng kính Trần Đại Nghĩa là đúng: “Trên lĩnh vực quân sự và quân chính, phải vài thế kỷ nữa mới xuất hiện một Võ Nguyên Giáp thứ hai”.