Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Putin và “canh bạc Syria”!


Nga đã rời khỏi cuộc chơi để trở thành người giám sát cuộc chơi, có quyền trừng trị kẻ nào chơi không đúng quy tắc…
Thế giới vốn đã và đang vật lộn để đọc tình huống từ những quyết định của Putin trong “canh bạc Syria” cực kỳ mạo hiểm, khi ông ta tham gia từ ngày 30/9/2015.
Ngày 14/3 vừa qua, sau gần 5 tháng hoạt động quân sự tại Syria, Tổng thống Putin đột ngột ra lệnh rút quân.
Tuyên bố rút quân của Nga khiến cho “cả ta lẫn tây” bị bất ngờ và chỉ khi có tuyên bố này, các nhà chính khách, chuyên gia nghiên cứu, giới quân sự…mới thấy được cái trí tuệ của Putin và các cố vấn của ông ta.
Tất nhiên rồi, nước cờ lộ ra thì mới hiểu được trí tuệ của người chơi để vỗ tay tán thưởng hay là chê bai, chỉ trích.
Trong canh bạc đỏ đen, muốn dừng cuộc chơi khi bị thua, khó khăn bao nhiêu thì khi đang thắng, đang lời to, mà muốn dừng cuộc chơi lại càng khó khăn gấp bội, nếu như không muốn nói là không thể được. Không ai cho phép anh “ăn non” khôn ranh như vậy.
Thế nhưng trong “canh bạc Syria”, Nga đã dừng cuộc chơi bất ngờ đến ngoạn mục, nghĩa là Nga “ăn non” mà đối thủ buộc phải “tâm phục khẩu phục” và có cay cú nhưng cũng phải chịu.
Hãy để ý đến thời điểm Nga tuyên bố rút quân.
Ở đây, chúng ta không lặp lại lý do vì sao Nga rút quân mà chỉ quan tâm đến thời điểm Nga rút quân.
Trong nghệ thuật quân sự, khái niệm “thời điểm” rất quan trọng. Thời điểm chính là điểm thời gian hành động trong quãng thời cơ, cho nên nó có thể quyết định sự thành bại của chiến dịch, của trận đánh.
Chẳng hạn, đó là thời điểm xuất phát tấn công của các tàu chiến, thời điểm cập bờ đổ quân, thời điểm chuyển làn….mà người sỹ quan tham mưu tính sai hoặc là trước hoặc là sau cái thời điểm đó thì vô cùng tai hại.
Tại chiến trường Syria, Nga ra lệnh rút quân trong một thời điểm được tính toán “chuẩn không cần chỉnh”.
Theo cách hiểu thông thường, sẽ có rất nhiều chuyên gia quân sự, nếu như biết Nga có ý đồ rút quân thì sẽ dự đoán, Nga sẽ rút tại thời điểm sau khi đã hỗ trợ cho quân đội Assad và liên minh, giải phóng xong Aleppo hoặc Palmyra. Lúc đó Nga quá yên tâm về nhà ngồi xem ti vi, đúng không?
Nhưng Putin và bộ Tham mưu của ông ta có trí tuệ khác thường. Nga tuyên bố rút quân trước thời điểm đó (nếu như điều đó, AleppoPalmyra bị thất thủ) mà không sau đó như mọi người tưởng.
Vậy tại sao chiến thắng đang rất gần mà Nga lại tuyên bố rút quân?
Nga thừa biết Aleppo và người Kurd Syria (PYD/PYG) và người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ (PKK) là điểm nhạy cảm an ninh của Ankara, mà ông Erdogan coi như là “làn ranh đỏ” an ninh quốc gia.
Nếu giải phóng Aleppo, lực lượng PYD nối liền một dải sẽ tác động cực mạnh đến an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Lúc đó Ankara quyết liều chết để bảo vệ quan điểm về an ninh quốc gia và đương nhiên, Nga buộc phải đối đầu với một cuộc chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nên hiểu rằng lực lượng Nga có tại Syria không phải để đương đầu với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quá ít cho một cuộc chiến tranh khu vực với Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi…Vì thế, để cho điều trên xảy ra là một sai lầm lớn về chiến lược của Nga
Ai thắng hay bại trong cuộc chiến Nga-Thổ chưa tính đến, nhưng chắc chắn là Nga và Putin không muốn xảy ra. Do đó, tốt nhất là không nên dồn Erdogan đến đường cùng. Và, Aleppo sẽ được “đóng băng” bởi, quân Assad, và liên minh khó thắng khi thiếu sự hỗ trợ của không quân Nga.
Vậy, liệu Nga rút ra khỏi Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ có vội nhảy vào Syria hay không trong 2 cách đưa bộ binh hoặc không quân?
Rất không may cho Ankara, đừng tưởng Putin tuyên bố rút quân mà vội mùng, lập kế hoạch tác chiến can thiệp vào Syria.
Chính Nga tuyên bố rút quân trước khi Aleppo thất thủ là một đòn chính trị mạnh, buộc Ankara bớt hung hăng và không thể đưa quân đội can thiệp vào Syria. Đồng thời, đó chính là hành động quân sự tạo ra một đòn răn đe rất lớn của Nga với Ankara.
Nói thật là, nếu cơ quan tình báo Mỹ-PT trước đây đã mù tịt về việc Nga qua mặt họ, khi đưa lực lượng sang Hmeymim trước ngày 30/9/2015, thì việc Nga bí mật bổ sung mới để thay thế lực lượng cũ…liệu Mỹ-PT cùng các cơ quan tình báo của Thổ, Saudi…có biết được không?
Trong bài “Nga rút quân hay cơ động bố trí lực lượng” khi nói về nguyên nhân quân sự để Putin ra lệnh rút quân, chúng ta đã biết, rằng đó chỉ là sự cơ động lực lượng (thay thế quân) để bố trí lực lượng, vũ khí trang bị phục vụ cho một giai đoạn khác của chiến dịch.
Điều đó có nghĩa là, Nga không dễ gì rút hết lực lượng tại Syria, giống như một con sư tử khi đã quật ngã được con mồi lại bỏ đi bởi đàn chó ngao, mà lực lượng “còn lại” của Nga tại Syria sẽ mạnh hơn, hiện đại hơn, tinh nhuệ hơn là chắc chắn. Tại sao và như thế nào thì Ankara thử sẽ biết.
Điều lý thú là rời khỏi cuộc chơi trong thời điểm khi Nga đã cơ bản tạo được thế và lực cho Assad để đủ sức giải quyết trên chiến trường; trong thời điểm khi giải pháp hòa bình đang đàm phán tại Geneva, cho nên, Mỹ buộc phải bàn bạc với chính quyền Assad, Nga hổng liên quan.
Như vậy, Nga đã rời khỏi cuộc chơi và trở thành người giám sát cuộc chơi, có quyền trừng trị kẻ nào chơi không đúng quy tắc…là một sự đổi ngôi ngoạn mục có ý nghĩa chính trị quan trọng tầm quốc tế. Sự kiện này đã đưa Nga lên một vị thế cao nhất nhì tại Trung Đông.

Chúc mừng nước Nga đã từng bước trở lại vị thế Liên Xô và tất nhiên bái phục Tổng thống Vladimir Putin và bộ tham mưu của ông ta.

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Nga rút quân hay cơ động bố trí lực lượng?


Tổng thống Nga Putin tuyên bố rút quân, nhưng ai đó hý hửng rằng, áp lực, sức răn đe, quân sự trên Syria giảm đi là bé cái nhầm.
Trong nghệ thuật quân sự, khái niệm rút quân được hiểu là rút toàn bộ lực lượng tại vị trí, khu vực nào đó.
Tại chiến trường Syria, ngày 14/3, Tổng thống kiêm Tư lệnh lực lượng vũ trang Nga tuyên bố rút quân Nga tại Syria về nước. Nhưng, lực lượng tại căn cứ Hải quân Tatus và căn cứ không quân Hmeymim vẫn tồn tại, cho nên, “rút quân” không được hiểu theo khái niệm đầy đủ.
Lễ rút quân tại căn cứ không quân Nga tại Syria trên san bay Hmeymim
Lễ rút quân tại căn cứ không quân Nga tại Syria trên san bay Hmeymim
Vì vậy, tuyên bố rút quân của Nga mang ý nghĩa chính trị là chủ yếu và được coi như một “nước cờ” cao tay, trí tuệ của Putin với bộ Tham mưu của ông ta mà thế giới đã phân tích, bình luận rất nhiều góc độ.
Ở đây chúng ta chủ yếu phân tích về góc nhìn quân sự mà không đề cập đến chính trị, các thông điệp ngoại giao quốc phòng...
Tại sao Nga rút quân?
Một, có thể coi chiến dịch quân sự của Nga tại Syria từ ngày 30/9/2015 đến nay đã kết thúc giai đoạn tấn công phủ đầu nay đã kết thúc.
Nga đã tập trung một lực lượng có thể tấn công mạnh mẽ hơn 9000 phi vụ trong 5 tháng với mục tiêu quân sự đề ra là đập tan cơ sở hạ tầng phục vụ cho chiến tranh của quân khủng bố và lực lượng nổi dậy chống Assad, đồng thời đánh thiệt hại nặng làm tan rã, mất sức chiến đấu của đối thủ.
Đến nay, cục diện trên chiến trường Syria đã cho thấy quân đội của Assad đang ở thế tấn công, thế bao vây. Đã đến lúc quân đội Assad tổ chức các đòn tấn công thắng lợi để phát triển thế trận.
Trong khi đó thế của quân nổi dậy, IS, LIH…rơi vào thế bị bao vây, chúng không còn khả năng mở các đợt tấn công đánh trả để thay đổi thế trận khi lực lượng bị phân tán, nguồn lực hỗ trợ bị cắt đứt…
Trong một trận bóng đá, khí đối phương bị mất người, bị thủng lưới nhiều bàn thì không việc gì ta cứ nhao lên tấn công mà phải thay cầu thủ để chuẩn bị cho trận đấu tới, vừa tránh được chấn thương…
Về mặt quân sự, đến đây không việc gì Nga duy trì một lực lượng quân sự lớn, duy trì các phi vụ không kích ồ ạt, mạnh như vậy làm gì, trong khi việc tuyên bố rút quân mang lại một ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn…thì tại sao ông Putin lại không tuyên bố rút quân cơ chứ!
Tuy nhiên, Putin tuyên bố rút quân, nhưng ai đó hý hửng rằng áp lực, sức răn răn đe, quân sự trên Syria giảm đi là bé cái nhầm.
Rút quân nhưng thứ này S-400 thì giữ nguyên
Rút quân nhưng thứ này S-400 thì giữ nguyên
Việc Nga để lại lực lượng quân sự của mình ở lại tại Syria luôn đủ để duy trì một vùng cấm bay phía Bắc Syria, không những thế, Nga còn bí mật tăng cường sang Syria như những loại trực thăng hiện đại nhất của mình hay đang có tin đồn là cả tên lửa Iskander-M.
Giới quân sự không ai nghi ngờ và ngạc nhiên về chuyện này, bởi lẽ đây là sự logic quân sự. Tổng thống Putin đang thay đổi chiến thuật quân sự cho giai đoạn tiếp theo, thế thôi.

Như vậy, hành động quân sự của Nga trong việc rút quân chỉ là sự cơ động, bố trí lực lượng cho phù hợp với chiến thuật của giai đoạn mới.
Hai, đây là hành động tránh đòn rất ngoạn mục, tinh tế và có lẽ chỉ khi Nga tuyên bố rút quân thì Mỹ bất ngờ là chuyện nhỏ, hốt hoảng mới là chuyện lớn. Nếu như ông Trump là tổng thống Mỹ thì chắc Putin bị chửi là tay chơi đểu, khôn lõi…
Thật vậy, Nga đã làm xong phần việc của mình đạt được mục tiêu đã đặt ra xong là rút êm, khiến Mỹ trở thành kẻ đi sau “thu dọn chiến trường”, đúng với câu ngạn ngữ của người Việt: Nga ăn ốc, Mỹ đổ vỏ.
Trong “đống vỏ” ngổn ngang bát nháo này, Mỹ có thể có kế hoạch B, C, D…gì đó tùy thích, Nga không phản đối, Nga OK, vì quan trọng cái “vỏ” khó chơi, nguy hiểm ở đây là lực lượng IS phía Đông Syria mà Nga có ý dành cho Mỹ “tiếp chiêu” lâu nay.
Nga mở chiến dịch quân sự tại Syria với mục tiêu rất minh bạch rõ ràng là theo đề nghị của Assad, bảo vệ chính quyền Assad và tiêu diệt tổ chức khủng bố bị cấm hoạt động ở Nga (LIH). Mỹ-PT và Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi…tố cáo Nga không không kích vào IS đâu có sai…nhiều.
Kết quả sau 5 tháng, đã không ai nhắc nhở “Assad must go” và LIH thì bị tan nát, đám “ôn hòa” thì đang ngồi vào bàn đàm phán…theo một giải pháp chính trị, thì Nga goodbye!
Trong khi đó, Mỹ và liên minh 60 quốc gia mở chiến dịch quân sự tại Iraq, Syria với tuyên bố là để diệt IS và “Assad must go”. Không làm gì được Assad, trong khi IS còn đó, thì mời Mỹ ra tay làm tiếp cho, chẳng lẽ Mỹ cũng rút như Nga thì…hóa ra Mỹ thất bại à?
Nên nhớ, đừng có coi thường IS, thắng IS trên chiến trường đã khó mà IS trả đũa ngay tại chính quốc là bài toán an ninh phải cẩn thận. Thế giới đang nhìn vào Mỹ, trông chờ tin chiến thắng từ Mỹ trong cuộc chiến với IS khiến Mỹ hốt hoảng, cay cú với Nga.
Mỹ-siêu cường quân sự , kinh tế số 1 thế giới, hãy cố lên!

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

"Giải nén" điểm nóng Biển Đông!


 Trớ trêu thay! Vấn đề "tự do hàng hải" trên Biển Đông (là nguyên nhân để Mỹ can thiệp vào Biển Đông) lại không quan trọng gì với Mỹ
Phải xác định rõ, đúng, nguyên nhân bắt đầu từ đâu, đối thủ chính là ai, từ đâu đến, nhằm mục đích gì... để xử lý, đối phó hay ngăn chặn là vấn đề cực kỳ quan trọng, cấp thiết.
Xung đột trên Biển Đông từ nguyên nhân nào?
Từ tranh chấp chủ quyền?
Quần đảo Hoàng Sa là chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đoạt là không thể bàn cãi. Thế giới đều biết Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự đánh chiếm quần đảo này trong tay người Việt Nam năm 1974 và đã có 74 người Việt Nam hy sinh trong sự kiện đó đã xác nhận chủ quyền không chối cãi của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.
Giải phóng Hoàng Sa chỉ có thể từ Hải quân Việt Nam. Nhưng Việt Nam sẽ lấy lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình, vì thế, Hoàng Sa nhất định không phải là nguyên nhân xảy ra xung đột nóng trên biển Đông.
Quần đảo Trường Sa thì tính chất tranh chấp khác với Hoàng Sa. Đây là một quần đảo nằm giữa Biển Đông ngoài EEZ và thềm lục địa Việt Nam.
Tranh chấp ở đây là giữa Việt Nam và Trung Quốc khi Trung Quốc xâm lược chiếm đảo Việt Nam đã xác lập chủ quyền năm 1988; giữa Việt Nam với Philipine, Đài Loan, Malaisia khi các đảo Việt Nam đã xác lập chủ quyền bị chiếm trước năm 1975.
Như vậy, xung đột nóng chỉ có thể xảy ra từ khu vực tranh chấp này, khi Trung Quốc thực hiện âm mưu chiếm các đảo trên quần đảo Trường Sa đã được Việt Nam xác lập chủ quyền.
Từ “tự do hàng hải”?
Phổ bản đồ tuyến hàng hải đông đúc nhất (đường màu xanh) và cảng bận rộn nhất (đốm màu đỏ) trong và xung quanh Biển Đông
Phổ bản đồ tuyến hàng hải đông đúc nhất (đường màu xanh) và cảng bận rộn nhất (đốm màu đỏ) trong và xung quanh Biển Đông.
Nếu như xung đột nóng trên Biển Đông vì nguyên nhân tự do hàng hải thì chỉ có thể là cuộc đối đầu giữa Mỹ và liên minh với Trung Quốc, nhưng liệu có chắc đó là nguyên nhân như chúng ta tưởng, phán đoán lâu nay?
Rất nhiều ý kiến cho rằng Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng của thế giới đặc biệt là của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc…khi với lưu lượng hàng hóa hơn 5000 tỷ USD qua đây mỗi năm.
Nhiều chính khách, nguyên thủ quốc gia cho rằng, nếu xung đột quân sự xảy ra trên Biển Đông “sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường …”.
Hiện nay, ngay cả vị tướng nghỉ hưu, chiến lược gia vẫn cho rằng:
“Biển Đông là một con đường hàng hải tấp nập nhất của quốc tế. Hàng ngày có 1/4 tàu vận tải cỡ lớn của thế giới đi qua. Nếu tính cả tàu quân sự thì bình quân mỗi ngày có hàng ngàn chiếc đi qua đây.
Tất cả tàu chở dầu từ vịnh Ba Tư qua Ấn Độ Dương, đi qua eo Malacca để đi lên Đông Bắc Á đều đi qua Biển Đông. Cái yết hầu là chỗ này!
Biển Đông không chỉ là vùng có quyền lợi gắn bó với các nước xung quanh, mà còn liên quan quyền lợi của các nước lớn như Mỹ, Nga, Nhật, kể cả Ấn Độ vì hàng hóa của họ đều đi qua đây. Cho nên tại sao tranh chấp ở Biển Đông lại trở thành cuộc tranh chấp của Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ và ASEAN là vì vậy…”
Rõ ràng, đó là sự thổi phồng tính quan trọng sống còn của tuyến hàng hải trên Biển Đông mà thôi. Thực tế, Biển Đông, đơn giản chỉ là tuyến hàng hải ngắn nhất, do đó, kinh tế nhất mà thôi.
Biển Đông và eo biển Malacca không có sự đặc biệt như eo biển Hormuz hay eo biển Bosphorus, nghĩa là không có tính “độc đạo”.
Nếu phong tỏa Biển Đông và đóng cửa eo biển Malacca thì Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn không bị ảnh hưởng lớn trên tuyến hàng hải đến từ Ấn Độ dương.
Khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ đi tuyến khác qua 3 eo biển dự phòng (Lombok, Sunda, Makassar) và thời gian trung bình cho các loại tàu thương mại chỉ tăng thêm 2 ngày so với khi đi qua Malacca. Riêng Nhật Bản thì giá vận chuyển trong cả năm sẽ tăng ước tính không quá 1% GDP.
Australia giao thương cũng chủ yếu với Trung Quốc nên miễn nhiễm với sự phong tỏa.

Vậy, Nhật Bản sẽ chiến tranh với Trung Quốc vì thời gian 2 ngày đi biển và vì mất 1% GDP hay không? Nhật Bản không điên rồ.
Với Trung Quốc, các tuyến hàng hải trên Biển Đông là rất nhiều và đặc biệt là tuyến hàng hải bên ngoài “đường chính khúc” mà Trung Quốc vẽ ra. Các học giả Trung Quốc cũng đã từng cho rằng, Biển Đông là "đường sinh mạng" của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã không “bỏ tất cả trứng trong một giỏ”, họ đã có nhiều mạng lưới thay thế để vận chuyền năng lượng, hàng hóa như tuyến đường ống, đường sắt, cầu cảng, trong và ngoài Trung Quốc mà không cần đến Biển Đông khi có sự cố.
Nếu Trung Quốc không thể bóp nghẹt Nhật Bản bằng phong tỏa hàng hải trên Biển Đông thì Mỹ và liên minh cũng không thể chốt chặn nguồn năng lượng đến Trung Quốc bằng cách đóng eo biển Malacca, Lombok và phong tỏa Biển Đông.
Như vậy, điều rút ra là, nếu như cho rằng, Biển Đông sẽ nổ ra xung đột nóng vì tự do hàng hải (phong tỏa và chống phong tỏa) là thiếu cơ sở xác đáng. Điều kiện và tình huống là không đủ để xảy ra xung đột nóng.
Có thể nói, dự báo những nguyên nhân xảy ra xung độ quân sự trên Biển Đông chính xác là tối quan trọng vì nó ảnh hưởng lớn đến sự chuần bị đối phó, ngăn chặn, răn đe…và đặc biệt là tư tưởng, phương án tác chiến trong chiến lược phòng thủ.
Sự “cọ xát” địa chính trị bởi Trung Quốc-Mỹ trên Biển Đông
Như đã phân tích ở trên thì vấn đề "tự do hàng hải" trên Biển Đông (là nguyên nhân để Mỹ can thiệp vào Biển Đông) lại không quan trọng gì với Mỹ, vậy thì Mỹ can thiệp vào Biển Đông nhằm mục đích gì? Căng thẳng đối đầu Trung-Mỹ sẽ đến giới hạn nào, có thỏa hiệp được không?...
Rõ ràng, Biển Đông là điểm mút chiến lược quân sự của Mỹ và cả Trung Quốc trong chiến lược Châu Á-TBD.
Trung Quốc tuyên bố lợi ích cốt lõi trong “đường chính khúc” với mục đích quân sự quan trọng là tạo ra một “khu đặc quyền quân sự”, một vị trí xuất phát tấn công của Hải quân ở Tây Thái Bình dương. Đặc biệt là nơi trú ẩn, phân tán của lực lượng tàu ngầm trong đó tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân chiến lược có sức răn đe cực lớn với Mỹ.
Tất nhiên, lợi ích kinh tế, quân sự của Trung Quốc lại xung đột với các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam, mà phức tạp hơn, chính lợi ích quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông lại xung đột mạnh với lợi ích quân sự Mỹ trong chiến lược Châu Á-TBD.
Vì vậy, trong khi Trung Quốc tiến hành quân sự hóa các đảo trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì Mỹ trên danh nghĩa tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, đã triển khai lực lượng quân sự trên Biển Đông và Tây Thái Bình dương.
Hành động can thiệp của Mỹ trên Biển Đông vừa qua thực chất là một cuộc chiến địa chính trị tại Tây Thái Bình dương, trong đó nội dung chủ yếu là thay đổi tư thế quân sự để kiểm soát, ngăn chặn từ xa hành động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Vì vậy, tình thế trên Biển Đông sẽ “nổi sóng” khi có sự “cọ xát” giữa 2 thế lực lớn là Trung Quốc và Mỹ. Một cuộc chiến tranh nóng Trung Quốc-Mỹ là khó xảy ra, nhưng do xung đột về lợi ích quân sự gắn liền với an ninh quốc gia nên sẽ không có sự thỏa hiệp.
Do đó, xu hướng cục diện địa chính trị khu vực chủ yếu tập trung xoay quanh trục cạnh tranh Trung-Mỹ. Một kiểu “chiến tranh nguội” trên Biển Đông là khó tránh khỏi.
Việt Nam phải có đối sách như thế nào trên Biển Đông cho phù hợp?

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Thỏa thuận ngừng bắn Syria: Bước ngoặt chiến tranh


Chỉ có một sự kết hợp vô cùng khéo léo của quân sự, phương tiện kinh tế, ngoại giao và chính trị mới có thể đã mang lại một kết quả đáng ghi nhận như vậy của Nga.

Lợi ích quốc gia trên hết!?
Liệu người dân, loài người thế kỷ XXI có chấp nhận “lợi ích quốc gia” của quốc gia mình nhuốm đầy máu và nước mắt của dân tộc khác, quốc gia khác hay không?
Cuộc chiến tại Syria từ năm 2011 đã bước sang năm thứ 5.
Năm 2013, Nga đã ra tay ngăn cản Mỹ-PT tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria theo kịch bản như Libya, bằng biện pháp ngoại giao. Syria đã chấp nhận giải giáp VKHH để Mỹ-PT ngừng tấn công.
Mỹ-PT ngừng trực tiếp tấn công quân sự vào Syria năm 2013, không có nghĩa chính quyền Assad được yên vị. Bởi lật đổ chính quyền Assad là chính sách đối ngoại trước sau như một của Mỹ-PT, xuyên suốt từ trước đến nay không hề thay đổi.
Vì thế, dưới sự chỉ huy của Mỹ, một liên minh khổng lồ trong đó có 2 thành phần “ăn theo” đắc lực là Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, can thiệp thô bạo, bất chấp luật pháp quốc tế vào Syria, hô vang khẩu hiệu “Assad phải ra đi” tức là chính quyền Assad hoặc là đầu hàng hoặc là bị lật đổ.
Bằng cách lấy danh nghĩa chống IS, họ tiến hành không kích làm tan nát cơ sở hạ tầng của Syria; họ huấn luyện, cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy chống chính phủ và thậm chí hỗ trợ cho cả IS, nhằm lật đổ bằng được chính quyền Assad.
Hơn 4 năm cầm cự trước một liên minh hùng mạnh như vậy, quân đội Assad đã bị hy sinh gần 60.000 quân và chính quyền của Assad đã bị lâm vào tình thế “ngày được đánh số” trước khi Nga can thiệp.
Nếu như có điều gì đó khiến chúng ta không hiểu nổi chiến lược toàn cầu của Mỹ-PT thì điều đó nằm trong câu hỏi: Tại sao có kết quả “hậu Iraq” năm 2003, và, cứ cho là Mỹ chưa có bài học kinh nghiệm, thì “hậu Libya” năm 2011 đã phơi bày, nhưng tại sao Mỹ-PT vẫn tiến hành như vậy tại Syria?
Rõ ràng, Iraq đã tạo ra một IS khiến thế giới rúng động; Libya là một nhà nước thất bại và chắc chắn Syria nếu Assad bị lật đổ thì nó sẽ trở thành một nhà nước “2 trong 1”, nghĩa là IraqLibya trong 1 Syria.
Chúng ta không muốn tin, Mỹ, một cường quốc đang bá chủ, thống trị thế giới, lại đang thực hiện tư tưởng “Hỗn loạn có điều khiển” rất vô cảm, vô nhân đạo, vô trách nhiệm như vậy với đồng loại.
Chúng ta không muốn tin, điều “Không phải Tổng thống B.Obama mà là những tài phiệt nước Mỹ mới chính là người lãnh đạo nước Mỹ”, như người Nga đã đánh giá.
Đáng tiếc, muốn là  một chuyện và được hay không lại là chuyện khác.
Quá khứ, hiện tại những quốc gia nơi cơn bão “cách mạng màu” đi qua; những quốc gia nơi tên lửa Tomahawk rơi xuống, khiến cho chúng ta dù không muốn tin cũng buộc phải tin vào sự thật phũ phàng.
Tại sao máu và nước mắt của người dân Syria, Libya…lại đổ nhiều đến thế? Chẵng lẽ, máu và nước mắt của họ chính là “lợi ích quốc gia”, là bát cơm, chén nước của một quốc gia nào đó, một thế lực nào đó?
Ai thắng ai?
Sau 20 tuần Nga mở chiến dịch quân sự tại Syria theo yêu cầu của chính quyền Assad, ngày 27/2/2016, một thỏa thuận ngừng bắn giữa chính phủ và lực lượng nổi dậy chống chính phủ được Mỹ-PT và Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ…hậu thuẫn có hiệu lực.
Khuôn mặt mới của ngoại giao Nga
Khuôn mặt mới của ngoại giao Nga

Sự xuất hiện thỏa thuận này chứng tỏ một thắng lợi lớn về ngoại giao của Nga, thắng lợi lớn của chính quyền Assad và thắng lợi của người Kurd Syria PYG…trước một thế lực khổng lồ, hùng mạnh.
Tại sao bây giờ mới có thỏa thuận này mà không phải là trước kia?
Đơn giản là trước kia, khi lực lượng nổi dậy đang “đếm số ngày tồn tại” của Assad thì đời nào Mỹ chạy ngược chạy xuôi thúc giục các bên ngừng bắn. Đó là sự ấu trĩ về chính trị và dại khờ về quân sự.
Vì vậy, cũng như diễn biến ở Ukraine, chính quyền Kiev, nếu không bị một “cú Debeltseve” thì đời nào Đức, Pháp chạy như con thoi để tạo ra một Minsk-2. Diễn biến tình hình Syria hiện giờ cũng không khác gì Ukraine.
Thời gian đang thuộc về Nga và Syria, mỗi ngày qua đi là sức mạnh Nga và quân đội Syria trở nên mạnh mẽ, hiệu quả hơn, do đó, không cách nào khác, Mỹ yêu cầu tạm dừng cuộc chơi, chịu lùi trước Nga trước khi quá muộn có thể cứu vãn.
Hãy còn quá sớm để tuyên bố “Nga giành chiến thắng tại Syria” nhưng Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria vừa đạt được không phải, không thể, không hy vọng sẽ kết thúc chiến tranh mà chỉ là một bước ngoặt của chiến tranh.
Bước ngoặt đó là:
1, Nga đã chứng tỏ và khẳng định là một “ông lớn”, đầy quyền lực trong cuộc chiến Syria.
Nga đã đẩy lùi và vô hiệu hóa kế hoạch của một liên minh khổng lồ đứng đầu là Mỹ-PT, làm tắt lịm tiếng hét “Assad must go”, bảo vệ thành công chính quyền Assad.
Nga đã buộc Mỹ phải chia sẻ với Nga tất cả các thông tin trước đây từ chối chia sẻ và làm việc với những người Nga trên một cơ sở hàng ngày.
HĐBALHQ đã buộc phải thừa nhận đa số lực lượng nổi dậy chống Assad là khủng bố (chỉ có 17/40 tổ chức được coi là “các bên” trong thỏa thuận ngừng bắn). Điều này chứng tỏ tư cách đạo đức, pháp lý của đa số tổ chức chống Assad là dối trá và đã, đang, sẽ bị phá hủy bởi cú giáng mạnh này.
Một giải pháp chính trị trong tiến trình hòa bình tại Syria không đi quá xa trong thiết kế của Moscow khi Mỹ phải chấp nhận lựa chọn của Nga về thành phần đối lập.
2, Tất cả những cố gắng, ý đồ thực hiện tiếp theo của Erdogan khi Aleppo sắp thất thủ, khi PYG đang được Mỹ, Nga hỗ trợ phát triển mạnh…đã không thành hiện thực.
Không chỉ NATO, châu Âu mà ngay giới quân sự cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cũng không muốn chiến tranh với Nga. Điều đó có nghĩa là canh bạc mà Erdogan đặt cược tại Syria bị “thua cháy túi” và toàn bộ chính sách đối với Syria của Ankara bị sụp đổ hoàn toàn.
Như vậy, có thể nói, không ai ngờ rằng, ngay cả Tổng thống Mỹ Obama và bộ tham mưu của ông ta, người Nga đã mạo hiểm nhảy vào chiến trường Syria để chơi một “canh bạc” cực kỳ nguy hiểm, với chỉ một lực lượng nhỏ, một thời gian ngắn, một tổn thất không đáng kể, nhưng đã có một kết quả thắng lợi rất to lớn.
Chỉ có một sự kết hợp vô cùng khéo léo của quân sự, phương tiện kinh tế, ngoại giao và chính trị mới có thể đã mang lại một kết quả đáng ghi nhận như vậy. Tổng thống Nga, ông Putin và Bộ tham mưu của ông ta, rõ ràng, tìm thấy sự kết hợp hoàn hảo này. 

Con đường phía trước vẫn còn vô cùng nguy hiểm, nhưng chắc chắn, những thắng lợi lớn, cơ bản, đã tạo ra một thế trận không thể đảo ngược.

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Mỹ- chuyên gia “cài đặt bẫy”!


Gây thù chuốc oán với Triều Tiên và Việt Nam là cái bẫy hiểm nhất mà Trung Quốc đang mắc phải.
Kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh cùng với sự tan rã của Liên Xô, Mỹ chính thức thức lên ngôi Bá chủ thế giới.
Với nguồn lực kinh tế, quân sự khổng lồ, Mỹ gần như thao túng tất cả, theo dõi tất cả và sẵn sàng “bóp chết” tất cả những ai, quốc gia nào có ý đồ cạnh tranh với ngôi vị thống trị thế giới của mình. Đó là điều tất yếu và chắc chắn mà không ai nghi ngờ gì.
Sự xuất hiện của Nga, Trung Quốc có vẻ như thế giới đã trở về đa cực và khiến cho nhiều lầm tưởng rằng, Mỹ đã hết thời bá chủ thế giới.
Tuy nhiên, lật đổ ngôi vị của một ông Vua, trong lịch sử, không bao giờ chỉ bằng lời nói, bằng tuyên bố là được chấp nhận…mà phải “xương chất thành núi, máu chảy thành sông”.
Đừng dại đùa với đương kim bá chủ thế giới.
Người Nga đã phê phán Trung Quốc là ảo tưởng về sức mạnh kinh tế, ảo tưởng về trung tâm kinh tế thứ 2 thế giới, chưa gì đã vội bỏ sách lược “thao quang dưỡng hối” nên đã mắc sai lầm nghiêm trọng. Trung Quốc đã rơi vào cái bẫy do Mỹ cài đặt.
Hãy khoan nói đến B-2, chưa một quốc gia nào dám thử với B-52 Mỹ sau chiến tranh Việt Nam
Hãy khoan nói đến B-2, chưa một quốc gia nào dám thử với B-52 Mỹ sau chiến tranh Việt Nam 
Xét về khả năng độc lập tự chủ về kinh tế trong cái “thế giới toàn cầu hóa” này thì Trung Quốc so với Nga không là gì hết. Nghĩa là Trung Quốc mà bị “thân cô thế cô” như Nga hiện giờ là đổ sụp liền, vì Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều về thế giới bên ngoài của Mỹ thao túng.
Có thể nói, nếu có một cuộc cấm vận quy mô với Trung Quốc do Mỹ và đồng minh tiến hành thì không phải như Nga, Trung Quốc bị run rẩy, phát sốt bởi 3 tử huyệt chính: Năng lượng; thị trường; ổn định nội bộ.
Nga không thách thức địa vị thống trị thế giới của Mỹ, không phấn đấu trở thành siêu cường này kia, vì theo Putin, thì nó có giá đắt và vô nghĩa.
Việc Nga trỗi dậy, thách thức Mỹ là do Mỹ  muốn diệt Nga để trừ hậu họa, Mỹ khiêu khích Nga để dồn Nga vào thế hoặc là đầu hàng hoặc là tan rã…trước khi Nga thành siêu cường thực sự cạnh tranh ngôi vị với Mỹ.
Rõ ràng, hành động của Nga với Mỹ trong thời gian qua chưa phải là sự tranh giành ngôi vị với Mỹ, trên con đường đến thế giới đa cực, mà đó mới chỉ là bước ngoặt, khởi đầu.
Nhưng, nếu coi hành động, kết quả của Nga ở Syria, vai trò của Mỹ tại đó trong thời gian qua…để đánh giá rằng, Mỹ đã “hết thời làm mưa làm gió” trên thế giới thì là loại người “điếc không sợ súng”, loại người “xỉa răng cho hổ đói” mà vẫn ngang nhiên.
Cứ thử bước qua “làn ranh đỏ an ninh quốc gia” của Mỹ xem!
May mắn là từ khi kết thúc chiến tranh lạnh đến nay, chưa có quốc gia nào bước chạm đến “làn ranh đỏ” đó để biết xem phản ứng của Mỹ như nào.
Những cú mắc bẫy!
Rõ ràng trên thế giới này, Mỹ có quyền khiến cho các quốc gia khác tin Mỹ hay không tin Mỹ, tùy, nhưng ngược lại là không thể. Đương nhiên rồi, Mỹ là Vua mà! Các anh không có quyền đòi hỏi, yêu cầu, Mỹ ra tay nếu như điều đó không động chạm đến “làn ranh đỏ” của Mỹ.
Năm 1990, Đại sứ Mỹ tại Iraq, April Glaspie, người đã cho Saddam Hussein “cái gật đầu” để xâm chiếm Kuwait. Và, sau này khi hiểu nguyên nhân vì sao Mỹ muốn lật đổ ông Saddam thì ông Saddam không thể đội mồ.
Năm 2008, Tổng thống Gruzia phải “nhai cà vạt” khi nghe Mỹ, tin ô Mỹ, đã dám chìa dao vào sườn phía Tây “gấu Nga”. Và Ukraine vẫn đi theo vết xe đổ của Gruzia bởi miếng mồi “giàu có” (vì gia nhập được vào EU), “sức mạnh” (vì gia nhập vào NATO)…
Bài học rút ra: Đừng đổ tội cho Mỹ. Muốn giàu có, mạnh mẽ thì phải đứng trên đôi chân của mình. Muốn lợi dụng Mỹ để giàu, mạnh, nhanh chóng thì hơi mong manh đấy, phải “được việc”, nếu không thì “tùy nghi di tản”.
Syria ngày 24 tháng 11 năm 2015. Mỹ không gật đầu để Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ SU-24 Nga mới là chuyện lạ. Bắn rồi mới biết…
Tình hình diễn biến trên chiến trường Syria đầu năm 2016, qua hành động “đáng nghi” của Mỹ với người Kurd…đã khiến cho giới quân sự cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ cảm nhận thấy có một chiếc bẫy mà Mỹ đã giăng ra dành cho Erdogan chui đầu vào đó. Đây không phải là một “thuyết âm mưu”.
Nên nhớ, điểm rất khác biệt trong vấn đề đưa “lực lượng mặt đất” vào Syria của Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia là: Nếu như Saudi tuyên bố sẽ triển khai khi được sự chấp thuận của Mỹ, thì với Thổ Nhĩ Kỳ, theo tuyên bố của Bộ tham mưu quân đội là phải được chấp thuận của HĐBA.
Có lẽ ông Erdogan khi đã biết kế hoạch B của Mỹ như nào thì ông ta phải cẩn thận hơn, tỉnh táo hơn, nếu như không muốn phải “go out” trước ông Assad.
Nga đã dạy cho Ankara một bài học và cũng chơi đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ khi tuyên bố rằng, Nga không biết và không có kế hoạch B, C gì như Mỹ, cùng với Mỹ. Nghĩa là, Nga vẫn chìa tay ra với Thổ Nhĩ Kỳ nếu như Thổ Nhĩ Kỳ muốn, cần điều đó, chẳng hạn xin lỗi, bồi thường...
Mồi lớn cũng mắc bẫy?
Tại châu Á-TBD. Tôi đã từng cho rằng Trung Quốc đã mắc mưu chiến lược Mỹ trong nhiều bài viết. Vậy kết quả này, Trung Quốc đã đang quân sự hóa Hoàng Sa, Trường Sa, liệu đã chứng tỏ Trung Quốc đã phá được bẫy Mỹ cài đặt hay không?
Hãy quan sát tình hình Đông Bắc Á. Cứ mỗi lần Triều Tiên căng thẳng là mỗi lần Mỹ, Nhật Bản tha hồ triển khai lực lượng, là mỗi lần Trung-Triều càng trở nên thù địch…mà nguyên nhân là từ Bắc Triều Tiên thử VKHN.
Tại sao Triều Tiên thử VKHN là do Mỹ không ký với họ hiệp định hòa bình là nguyên nhân của mọi nguyên nhân và nhìn sâu hơn thì có vẻ như Trung Quốc là đích Mỹ nhắm đến.
Liệu Mỹ đã tạo đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để buộc Việt Nam mua máy bay săn ngầm này?
Liệu Mỹ đã tạo đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để buộc Việt Nam mua máy bay săn ngầm này? 
Trên vùng biển ĐNA, cứ mỗi lần Mỹ can thiệp với tinh thần bảo vệ tự do an toàn hàng hải là mỗi lần Trung Quốc phản ứng mạnh bằng hành động. Từ tăng cường bồi lấp phi pháp đến hung hăng quân sự hóa các đảo…nhưng Mỹ chẳng có hành động nào gọi là cứng rắn để ngăn chặn…
Dễ hiểu thôi, đầu tiên, phải khẳng định là việc quân sự sự hóa của Trung Quốc, như mở rộng bồi lấp đảo, xây đường băng, đưa tên lửa, Radar, máy bay ra đảo…trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, về ý nghĩa quân sự thì sức răn đe của nó với Mỹ không đáng một lạng.
Trong khi đó, với các quốc gia ven biển ĐNA, thì hành động đó của Trung Quốc cũng chưa đủ để khuất phục, buộc họ “khấu đầu dưới trướng” Bắc Kinh, nhưng lại tạo ra hình ảnh Trung Quốc như một “đầu gấu” khu vực là rõ ràng, hiện thực nhất.
 Trung Quốc không hiểu, nhưng Mỹ thừa hiểu, không như Trung Đông, chỉ cần có nhiều tiền là các tổ chức hồi giáo cực đoan nổi lên chống chính phủ như nấm có mưa. Các quốc gia ĐNA thì khác, tính dân tộc và chủ quyền là rất cao thông qua truyền thống chống ngoại xâm của họ.
Điều khá thú vị là chỉ cần Mỹ cho tàu chiến lượn vài vòng ngoài vùng 12 hải lý thôi là Trung Quốc “nổi máu nước lớn” thách thức Mỹ ngay, nhưng đâu có biết rằng, Mỹ đang chờ để bán vũ khí, đang chờ Trung Quốc và đối thủ tranh chấp với Trung Quốc đấu đá nhau…
Vì thế, Trung Quốc đừng có tức tối, lo ngại khi Australia có “sách trắng quốc phòng” này kia; khi Philipines cho Mỹ căn cứ quân sự, hợp tác với Nhật Bản; khi Indonesia muốn vào TTP, sắm máy bay SU-35, tàu ngầm…Tất cả do…Mỹ bày ra hết.
Rõ ràng, hành động của Mỹ tại châu Á-TBD luôn luôn cho 2 kết quả: Một, liên minh quân sự, chính trị của Mỹ ngày càng thắt chặt, củng cố. Hai, Trung Quốc hết bạn (mất nốt Triều Tiên) và thêm quá nhiều thù hay có quá nhiều láng giềng lo ngại, cảnh giác.
Gây thù chuốc oán với Triều Tiên và Việt Nam là cái bẫy hiểm nhất mà Trung Quốc đang mắc phải.

Trung Quốc và Mỹ ai thông thái hơn? Như nhau, nhưng Trung Quốc vẫn đang bị tư tưởng “bành trướng” đeo nặng, nên bị Mỹ lợi dụng, thế thôi.