Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

TRUNG-NHẬT ĐÊM TRƯỚC CỦA CUỘC CHIẾN VÌ AN NINH HÀNG HẢI


Hàng hải là tuyến đường biển để cho tàu thuyền của các quốc gia có biển đi lại, giao thương. Trên thế giới có nhiều quốc gia nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào tuyến hàng hải. Bởi vậy, bảo vệ an toàn cho tàu thuyền của mình qua lại, thông thương trên tuyến hàng hải này là chiến lược cực kỳ quan trọng nếu như không muốn quốc gia lệ thuộc vào ai.
Nếu như trước đây khi chưa phát triển mạnh, Trung Quốc không những tự tự túc được nguồn năng lượng mà còn xuất khẩu sang láng giềng thì đến năm 1993 sau khi đẩy mạnh sản xuất và hoạt động ngoại thương, Trung Quốc đã từ nhóm nước cung cấp nguồn năng lượng sang nhóm nước nhập khẩu dầu mỏ. Từ năm 2003, Trung Quốc đứng thứ hai thế giới trong nhóm nước này, chỉ sau Mỹ.
Điều đáng lưu tâm là kể cả ngoại thương, Trung Quốc hoàn toàn phụ thuộc vào đường biển chẳng khác nào như một đảo quốc.
Nhật Bản thì tệ hơn Trung Quốc nhiều, nền kinh tế không những phụ thuộc vào năng lượng dầu mỏ mà cả nguyên vật liệu công nghiệp. Và tất nhiên, Nhật Bản là một đảo quốc thật sự không cần bàn cãi.
Con đường biển chủ yếu mà Trung Quốc giao thương (Trung Quốc gọi là “Liên Châu” hay “Chuỗi ngọc trai”) là tuyến chạy qua vịnh Persique, Ấn Độ Dương, eo biển Malacca và Biển Đông.
Nhật Bản, giao thương cũng không ngoài tuyến hàng hải đó.
Riêng trên biển Đông, có hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển thì 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hoá lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama.
Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai - Wetar). Đặc biệt eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới (sau eo biển Hormuz).
Nếu như Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông thì hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản cũng được vận chuyển qua Biển Đông…
Nói sơ sơ như vậy cũng đủ để chứng tỏ một điều: Trung Quốc và Nhật Bản đều có tuyến hàng hải trùng nhau, đồng thời tuyến hàng hải cũng là con đường quyết định sự sống còn của 2 nền kinh tế. Cho nên, nếu Trung Quốc hoặc Nhật Bản khống chế được tuyến hàng hải này thì ít nhất sẽ có sự lệ thuộc vào nhau.
Điều đáng nói là từ trước đến nay Trung, Nhật chưa ai khống chế được tuyến hàng hải quan trọng này. Việc bảo vệ an toàn hàng hải trên tuyến này là Hải quân Mỹ.
Nhật Bản dựa vào sự bảo trợ của quân đội Mỹ để giải quyết các vấn đề an ninh cho hoạt động vận chuyển hàng hóa đường biển của mình. Dĩ nhiên, để đổi lấy sự bảo trợ đó, thì Nhật buộc phải nhượng bộ Mỹ cả trong lĩnh vực chính trị lẫn kinh tế hay không thì không rõ, nhưng dù sao, Mỹ-Nhật là đồng minh chiến lược với nhau nên vấn đề không đến mức nhức nhối để Mỹ phải sử dụng miếng đánh hiểm này.
Còn Trung Quốc, cũng vậy thôi, một cái thòng lọng sẵn sàng thít vào cổ bất cứ lúc nào Mỹ cho là cần thiết.
Để cắt bỏ sợi dây thòng lọng này, ngoài việc tuyên bố hơn 80% diện tích biển Đông là của mình, Trung Quốc buộc phải thành lập rất nhiều nhóm tàu sân bay để bảo vệ tuyến hàng hải dài, để giành quyền kiểm soát hoạt động nhập khẩu dầu mỏ bằng đường biển khi có vấn đề xảy ra. Nhưng như vậy có nghĩa là thách thức Mỹ, chắc chắn đối đầu với Mỹ mà trước hết kẻ bị ảnh hưởng, tổn thương, bị uy hiếp nhiều nhất là không ai ngoài Nhật Bản.
Giả sử Trung Quốc kiểm soát được tuyến hàng hải này, đương nhiên, cũng như Mỹ hiện tại vẫn ra rả tuyên bố “tự do hàng hải” nhưng khi Trung Nhật căng thẳng hay xảy ra xung đột thì khóa chặt tuyến hàng hải này là điều tất yếu, xin đừng hỏi tại sao. Và hậu quả như nào thì Nhật Bản quá hiểu.
Ngược lại nếu như Nhật Bản và Mỹ cùng khống chế tuyến hàng hải này thì Trung Quốc chưa thể “thích gì làm nấy” được.
Sự trở lại châu Á-TBD của Mỹ là để kiềm chế Trung Quốc nhưng với một sách lược không “bao cấp” mà buộc đồng minh chia xẻ trách nhiệm.
Mỹ không bảo vệ lợi ích quốc gia khác bằng lính Mỹ ngoại trừ của chính mình. Chính vì thế, Mỹ yêu cầu Nhật Bản phải có trách nhiệm cao hơn.
Nhật Bản là quốc đảo, nếu Trung Quốc như đã phân tích trên cũng như là quốc đảo thì tuyến hàng hải huyết mạch được coi như cung cấp máu cho tim hoặc đây là tuyến đường mà bắt buộc phải đi qua để uống. Nhịn ăn có thể 7 ngày, nhưng nhịn uống thì không được như vậy, ít ngày lắm.
An ninh hàng hải với Nhật Bản là sự sống còn của nền kinh tế, do đó cũng là sự sống còn của an ninh quốc gia. Nhật Bản buộc phải cứng rắn, không nhân nhượng và làm tất cả những gì có thể để bảo vệ an ninh quốc gia.
Chẳng có gì khó hiểu khi Nhật thân thiện với Nga, Hàn Quốc (và Mỹ thì khỏi phải bàn), chẳng có gì khó hiểu khi Nhật Bản tăng cường quan hệ với ASEAN đặc biệt là Philipines, Việt Nam…
Rốt cuộc, sự đụng độ trên khu vực châu Á-TBD, nói cách khác Nhật Bản là nước mà Trung Quốc phải đối đầu nếu muốn “vượt qua vòng loại”, là đối tượng tác chiến trực tiếp của nhau.
Làm sao gọi là một cường quốc biển khi mà không đủ sức bảo vệ thông thương trên các tuyến hàng hải của mình. Nhưng để khống chế, kiểm soát tuyến hàng hải “Liên Châu”, Trung Quốc phải làm rất nhiều việc mà có rất nhiều láng giềng không thích và chống phá, đặc biệt là Nhật Bản.
Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư chỉ là đêm trước của một cuộc chiến vì an ninh hàng hải quyết liệt sắp xảy ra.
ngocthong19.5@gmail.com

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

BẺ GÃY ĐÒN TẤN CÔNG BẰNG TÊN LỬA, MÁY BAY TÀNG HÌNH ĐỊCH, BẢO VỆ TRƯỜNG SA


Bờ có vững thì đảo mới yên. Trường Sa của Việt Nam khác với Manvinas, Trường Sa là máu thịt của Việt Nam, khi Trường Sa bị xâm chiếm thì chỉ khi không còn một “tấc sắt trong tay”, đất liền Việt Nam mới nghiến răng, nén căm hận vào tim chờ đến lúc rửa hận, còn khi dù chỉ có một “tấc sắt trong tay” thì Việt Nam quyết không chịu để yên.
Nguyên lý đó, tâm lý này của người Việt, dân tộc Việt, kẻ địch quá hiểu, cho nên, chỉ đụng vào Trường Sa, giải quyết “êm gọn” trong tình thế Việt Nam đã và đang chuẩn bị rất bài bản (vũ khí trang bị, chiến thuật, bố trí lực lượng) là hoang tưởng.
Chính vì thế, muốn chiếm được Trường Sa thì địch phải phong tỏa, hủy diệt đất liền. Đó là một cuộc chiến tranh với Việt Nam sẽ xảy ra mà phương thức không nằm ngoài kiểu cách của Mỹ-NATO đã từng sử dụng với I-Rắc, Libi, Nam Tư ở các cuộc chiến tranh gần đây.
Nếu như xác định rằng, trong chiến tranh hiện đại với VKCNC thì tên lửa tầm xa, tầm trung đóng vai trò quan trọng trên chiến trường thì tác chiến điện tử đóng vai trò quyết định sự thành bại. Đây chính là nguyên tắc, phương châm, tư tưởng, quan điểm, bảo vệ Tổ quốc nói chung và Trường Sa nói riêng trong tình hình hiện nay.
Đương nhiên, sẽ có nhiều sách lược, biện pháp, hoạt động tác chiến khác để đối phó tấn công địch, nhưng điều chúng ta quan tâm ở đây là tác chiến điện tử, hoạt động quan trọng quyết định thành bại của cuộc chiến này như thế nào và ra sao mà thôi.
Thực ra, tác chiến điện tử là một nhiệm vụ thường xuyên của bất kỳ một đơn vị nào trong thời bình cũng như trong chiến tranh của QĐND Việt Nam ngay cả khi chưa có Cục tác chiến điện tử-Bộ TTM.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, hơn ai hết Việt Nam đã quá hiểu vai trò lợi hại và cái giá phải trả khi hoạt động tác chiến điện tử của Mỹ khi có nền khoa học công nghệ vượt trội, và năm ấy, 1972, điều gì sẽ xảy ra nếu Việt Nam không bắn rơi được B-52 Mỹ?
Trong chiến tranh VKCNC, tác chiến điện tử tốt sẽ làm cho vũ khí công nghệ cao (VKCNC) của quân địch thành kẻ “mù và ngu dốt”, hạn chế sức hủy diệt của chúng. Tác chiến điện tử tốt giúp cho hải quân, không quân có điều kiện tiếp cận mục tiêu, phát hiện mục tiêu để phản công bằng lối đánh sở trường hay đối kháng.
Vấn đề là tác chiến điện tử để bẻ gãy đòn tần công bằng tên lửa tầm xa, tầm trung hiện đại của địch, bảo vệ Trường Sa như thế nào.
Trước hết là trinh sát phát hiện mục tiêu, hành động của địch, quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ.
Chuẩn bị một cuộc tấn công trong chiến tranh hiện đại không dễ dàng, nhanh gọn như lấy đồ chơi trong túi. Phát hiện ra âm mưu, ý đồ của địch để tổ chức, bố trí, cơ động lực lượng đến vị trí xuất phát tấn công có lợi. Đây cũng là chiêu hạn chế ưu thế tầm bắn xa của chiến hạm địch.
Mục tiêu cố định như sân bay, bến cảng…dễ bị đánh phá nhất, đều bị địch xác định tọa độ chính xác cho tên lửa, bom thông minh. Vì vậy phải làm mù các thiết bị định vị mục tiêu của địch, buộc địch phải tác chiến ở tầm gần, tạo điều kiện cho lực lượng phòng thủ phát huy hỏa lực. Trong đó, ngụy trang và gây nhiễu là hai biện pháp chính để đối phó với sự định vị và dẫn đường cho tên lửa của hệ thống định vị toàn cầu.
Rõ ràng là với sự phát triển của vệ tinh quân sự hiện nay thì một cái kim ngọn cỏ trên mặt đất vẫn bị phát hiện. Tuy nhiên bản thân hệ thống này không có khả năng nhận biết đâu là thật là giả, nó dể dàng bị đánh lừa bởi các biện pháp ngụy trang. Sương mù, khói, thời tiết xấu, các thiết bị điện tử làm nhiễu tín hiệu khiến cho việc xác định tọa độ cũng như dẫn đường cho tên lửa trở nên kém chính xác, cho nên tên lửa “thông minh” giá hàng đống tiền của địch bay vào mục tiêu giả mà “thật hơn cả thật”, bởi khả năng cơ động, tính năng điện từ, tính năng nhiệt còn “bắt mắt” hơn đồ thật là điều dễ xảy ra. Bộ đội ta trên đường Trường Sơn đã từng “lái” không quân Mỹ đổ hàng vạn tấn bom vào chỗ không người theo phương cách đó.
Trong chiến tranh hiện đại, thiết bị gây nhiễu tích cực, định hướng có thể được coi như một vũ khí nguy hiểm của những nước có nền kinh tế thấp do giá thành rẻ, thời gian nghiên cứu chế tạo nhanh nhưng có uy lực rất mạnh đối với các thiết bị điện tử có điều khiển. Hệ thống gây nhiễu hiện đại SPN-30 của Việt Nam có khả năng không chỉ gây nhiều GPS mà có thể gây nhiẽu tất cả các thiết bị điện tử trong khu vực bảo vệ mục tiêu. Nếu như Viettel đã tìm ra vị trí phù hợp trên bờ biển để đặt trạm phát sóng, phủ gần như toàn bộ vùng biển Việt Nam với bán kính cách bờ 100km, điều mà chỉ có trên lý thuyết chứ chưa có công ty nào trên thế giới làm được, thì với Cục tác chiến điện tử, vấn đề còn lại chỉ là chiến thuật.
Vô hiệu hóa đòn tấn công bằng các loại tên lửa chống bức xạ hay tên lửa chống radar của địch hòng làm mù hệ thống radar, chỉ dẫn mục tiêu của ta bằng cách di chuyển liên tục của các đài phát sóng và sự lẫn lộn giữa các đài giả và đài thật trong một hệ thống mạng nội bộ của các đài radar ở nhiệu cụm tác chiến, nhiều vị trí khác nhau trên một khu vực tác chiến rộng lớn sẽ làm suy giảm rõ rệt khả năng tấn công của tên lửa chống bức xạ.
Sử dụng phương pháp phát hiện mục tiêu thụ động, không chủ động phát sóng radar mà sử dụng các thiết bị thu sóng điện từ để theo dõi sự di chuyển của đối phương (Radar VERA cùng với Kolchuga của Việt Nam) và bằng phương pháp giao hội (3 phương vị) là “tóm gọn” dễ dàng máy bay tàng hình (máy bay tàng hình nhìn thấy nó khó khăn bao nhiêu thì khi nhìn thấy diệt nó dễ dàng bấy nhiêu), đồng thời định vị các mục tiêu trên không trên biển, tạo điều kiện cho radar điều khiển tên lửa (radar ngắm bắn) chỉ mở khi có thông số xác định về mục tiêu…vân vân và vân vân.
Tác chiến điện tử không những là sự đối đầu về kỹ thuật mà còn là sự đối đầu về chiến thuật, khí tài hiện đại là điều cần thiết, nhưng con người vận hành nó còn quan trọng hơn nhiều. Đó là sự kết hợp giữa ý chí sức mạnh của con người, sự thông minh sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ hoàn hảo các trang thiết bị đang khai thác sử dụng trong thực hiện nhiệm vụ. Con người vẫn là nhân tố quyết định cho mọi sự thành bại trên chiến trường.
Con người Việt Nam, khả năng Việt Nam nếu kẻ thù đụng đến Trường Sa thì nhất định sẽ trả giá đắt.
ngocthong19.5@gmail.com

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

TRONG TÌNH THẾ HIỆN NAY, ĐỊCH SẼ TẤN CÔNG TRƯỜNG SA BẰNG CÁCH NÀO?


Chẳng ai muốn chiến tranh, xung đột, nhưng hòa bình không thể quyết đinh được một phía từ Việt Nam.
Với Việt Nam, Biển Đông là Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 và đánh chiếm một phần Trường Sa năm 1988, vì vậy, trong tình hình hiện nay, bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng cho rằng những thách thức đến an ninh Trường Sa là hiện thực tiềm ẩn là logic không thể khác được.
Nếu địch sử dụng phương án tấn công đánh chiếm Trường Sa như nước Anh đã từng sử dụng đánh chiếm quần đảo Manvinas, tức là chiến dịch tấn công sẽ huy động nhiều lực lượng bao gồm tàu chiến, tàu vận tải đổ bộ, tàu ngầm, tàu sân bay, tàu phục vụ… hình thành nhiều thê đội trong đội hình tấn công với 2 nhiệm vụ chính là bảo vệ đội hình trước đòn tấn công của đối phương và lực lượng dọn bãi đổ bộ, đổ bộ đánh chiếm các đảo.
Có thể nói, địch rất muốn thực hiện theo phương án này vì nó có rất nhiều cái lợi.
Trước hết là nó rất phù hợp với một lực lượng hải quân mạnh, khả năng răn đe lớn, tấn công tầm xa tốt, cho nên bảo vệ được đội hình tấn công chính, bao vây, chia cắt, cô lập được mục tiêu để tiêu diệt.
Tiếp theo là khu vực tác chiến của phương án này có phạm vi nhỏ, bao gồm vùng trời, vùng biển quanh Trường Sa, cho nên, tính chất cuộc chiến, do đó, được xem như là một cuộc xung đột trên biển và đặc biệt sự xung đột này không lan rộng thành một cuộc chiến tranh lớn khó kiểm soát.
Sau cùng là thời gian tác chiến nhanh, nếu thắng lợi thì tạo ra một “sự đã rồi”, dư luận, thế giới tố cáo thì đã muộn.
Tuy nhiên, muốn là một chuyện, được hay không lại là chuyện khác. Thực tế từ tình thế khu vực, tương quan lực lượng, ý chí quyết tâm…của 2 bên không giống như tình hình mà nước Anh tiến hành chiến dịch đáng chiếm quần đảo Manvinas.
Trường Sa là chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam mà việc bảo vệ chủ quyền, chống xâm lược của dân tộc Việt bao đời nay đều có ý chí quyết tâm cao hơn núi.
Lực lượng địch chưa có khả năng và đủ mạnh để thách thức toàn bộ lực lượng phòng thủ biển từ đất liền của Việt Nam bao gồm không quân, hải quân pháo, tên lửa bờ… được tự do lựa chọn phương án tấn công. Huống chi, trong khi phương án đó còn quá nhiều lỗ hổng về chiến thuật, những tử huyệt “bất khả kháng” do không có địa lợi.
Không phải cứ tàu chiến địch có tầm bắn xa là không có con tàu nào của Việt Nam vào được gần…Chiến tranh không đơn giản chỉ là phép cộng trừ số học, nó có những nghịch lý riêng. Kiếm dài, kiếm ngắn không quan trọng, quan trọng là kiếm pháp.
Rất tiếc, chúng ta có thể không biết, nhưng địch thì biết Việt Nam có bao nhiêu loại tên lửa vươn tới Trường Sa và những chiến hạm nào của Việt Nam mà tên lửa chưa thể vươn tới Trường Sa thì dựa vào chiến thuật độc đáo, Việt Nam đều biến nó thành có thể…
Chúng ta không biết, nhưng trên bản đồ tác chiến của địch thì không thể thiếu ký hiệu những bãi thủy lôi xung quanh Trường Sa đang và sẽ hình thành chờ đón, sẵn sàng kích hoạt mà những tàu siêu đổ bộ bằng sắt cũng chần chừ huống chi loại tàu đổ bộ đệm khí…
Rốt cuộc, ý chí Việt Nam, khả năng Việt Nam khiến cho Bộ Tham mưu địch không thể chủ quan, bất chấp, như những học giả quá khích, những viên tướng hiếu chiến đã về hưu hô hào…mà liều lĩnh sử dụng phương án trên.
Sử dụng phương án này chẳng khác nào một đội bóng cậy hàng phòng thủ mạnh, thủ môn giỏi lui về phòng thủ ở vòng 16m50, nhường sân cho một đối thủ đang hừng hực ý chí quyết tâm với một tinh thần không còn gì để mất thì thủng lưới là vấn đề thời gian.
Chính vì lẽ đó, đánh chiếm Trường Sa chỉ có thể thực hiện theo phương án khác, đó là, dùng tên lửa tầm xa, tầm trung từ tàu ngầm, khu trục tấn công vào đất liền nơi sân bay, hải cảng khu vực miền Trung Việt Nam làm tê liệt hoạt động của Hải quân, không quân Việt Nam, cắt đứt sự chi viện của đất liền cho Trường Sa. Đòn tấn công này trước hoặc cùng lúc với chiến dịch tấn công đánh chiếm Trường Sa.
Phương án này về mặt quân sự có tính khả thi cao, nhưng có những hệ lụy, “phản ứng phụ” không thuận lợi, nguy hiểm.
Đó là nó biến cuộc tấn công đánh chiếm Trường Sa thành một cuộc chiến tranh không thể kiểm soát. Phạm vi chiến trường lan rộng không giới hạn, ảnh hưởng nghiêm trọng không những đến tình hình kinh tế, an ninh của 2 quốc gia đối đầu mà còn cả khu vực và thế giới.
Về mặt chính trị, phương án này đã lộ rõ tính phi nghĩa của địch làm cho thế giới lên án, cô lập và ủng hộ mạnh mẽ cho Việt Nam về chính trị và có thể không loại trừ quân sự (vũ khí trang bị).
Những hệ lụy này gắn chặt với khả năng đương đầu của Việt Nam. Nếu Việt Nam bị đánh quỵ ngay từ loạt đạn đầu hay mất khả năng chiến đấu, giáng trả trước đòn tấn công của địch thì những hệ lụy này cũng biến mất, nhưng nếu Việt Nam đủ sức đương đầu, buộc địch phải trả giá thì những hệ lụy này càng bộ lộ và sẽ là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự thảm bại của phương án.
Như vậy, trong tình hình hiện nay, với ý chí và lực lượng hiện tại của Việt Nam thì tấn công đánh chiếm Trường Sa như phương án đầu là không khả thi, bởi nó chỉ giải quyết được phần ngọn, trong khi chiến dịch sẽ kéo dài, hao người tốn của khiến cho địch sẽ không chịu đựng nổi. Và, phương án sau là sự lựa chọn duy nhất để đạt được mục tiêu chiến dịch (quân sự).
Bảo vệ Trường Sa, trước hết là bảo vệ các căn cứ không quân, hải quân, hệ thống chỉ huy, quan sát, TTLL trước đòn tấn công phủ đầu của địch, tổ chức phản công giáng trả kịp thời buộc địch phải trả giá, trong đó vấn đề đầu tiên là Việt Nam phải bẻ gãy được đòn tấn công bằng tên lửa tầm xa, tầm trung hiện đại, độ chính xác cao, sức hủy diệt lớn của địch từ tàu ngầm, tàu khu trục, máy bay tàng hình ở ngoài tầm bắn của các phương tiện phòng thủ biển Việt Nam.

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

THẦY ƠI, GIỜ THẦY ĐANG Ở ĐÂU?


Năm đó em mới là thằng thượng sỹ, còn thầy là trung tá, tiến sỹ phòng thủ biển đầu tiên của Hải quân Việt Nam. Thầy Tuyên người Thái Bình.
Năm sau chính thầy là người hướng dẫn em làm đồ án tốt nghiệp. Em nhớ như in lúc bảo vệ. Thấy em run run cầm cái thước thầy nhắc nhở: Em là người đầu tiên trong lớp bảo vệ nên phải bình tĩnh. Đây không phải là thi mà đang xử lý tình huống chiến đấu”…
Đã mấy mươi năm rồi thầy còn không và ở đâu, Ông tiến sỹ học ở Nga về phòng thủ biển đầu tiên của HQVN? Còn em thì cũng chẳng đâu vào đâu nhưng Em nhớ thầy.

TÁC CHIẾN ĐIỆN TỬ - SỰ THÀNH BẠI CỦA CHIẾN TRANH VŨ KHÍ CÔNG NGHỆ CAO



Quy luật khắc nghiệt của chiến tranh là mạnh được yếu thua. Trước tình hình căng thẳng ngày một căng thẳng trên Biển Đông, Hoa Đông giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Philipines, Việt Nam…cùng với sự can dự của Mỹ thì nguy cơ của chiến tranh là không thể không bàn đến.
Dư luận, báo chí lại tốn không ít lời và giấy mực để bình luận, so sánh sức mạnh quân sự của từng bên đối địch…Tuy nhiên, sự đánh giá đều thiếu độ chính xác hoặc chỉ là phép cộng trừ số học khi chỉ căn cứ vào tính năng kỹ chiến thuật của vũ khí trang bị mà đôi bên hiện có, bởi lẽ, có một khả năng quyết định sự thắng, thua của chiến tranh hiện đại bằng vũ khí công nghệ cao (VKCNC) thì không ai có thể nắm biết được. Đó là khả năng tác chiến điện tử của từng bên tham chiến.
Tác chiến điện tử hiện nay đang được nâng lên thành thuật ngữ “Chiến tranh phi tiếp xúc”. Khái niệm này được hiểu như một cuộc chiến tranh không tuyên bố, một lực lượng tác chiến có thể tấn công nhiều đối phương trong cùng một thời điểm, hoặc nhiều đối tượng cùng tấn công một đối phương trong nhiều tầng không gian chiến tranh, gây tổn thất nặng nề cho đối phương trước khi cuộc xung đột xảy ra cụ thể.
Tác chiến điện tử diễn ra với mức độ cao, tinh vi, cường độ lớn, loại hình tác chiến điện tử đa dạng. Tác chiến điện tử diễn ra trong cả thời bình và thời chiến, nó phục vụ cho mục đích cơ bản ban đầu là chiếm ưu thế trong hệ thống kinh tế thương mai toàn cầu, đạt được những mục đích chính trị trong các hoạt động đối nội, đối ngoại và cuối cùng là giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh phi hạt nhân nếu tiến hành.
Tác chiến điện tử trong phạm vi quân sự thực chất là làm chủ, khống chế làn sóng điện từ, gây nhiễu loạn toàn bộ hệ thống chỉ huy, TTLL, quan sát của địch, qua đó làm cho VKCNC của đối phương trở thành “mù, điếc và ngu dốt”, bảo vệ được ta.
Với Việt Nam, chúng ta chẳng xa lạ và ngỡ ngàng gì về vai trò, vị trí của tác chiến điện tử trong chiến tranh bởi thực ra Việt Nam và Mỹ đã từng đối đầu trong cuộc chiến tranh điện tử quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 2 dấu ấn còn để lại, đó là “hàng rào điện tử Macnamara” và chiến dịch tập kích đường không của Mỹ 12 ngày đêm vào Hà Nội.
Sự ra đời của Cục tác chiến điện tử-Bộ tổng tham mưu QĐND Việt Nam và mới đây ngày 03/7/2013 đã thành lập Lữ đoàn tác chiến điện tử 87 trực thuộc Cục tác chiến điện tử là một sự thay đổi về lượng để chuyển biến về chất, đưa hoạt động tác chiến điện tử của quân đội tiến lên chính quy, hiện đại, tinh nhuệ và thiện chiến trên cơ sở những kinh nghiệm chiến tranh, những bài học quý hiếm chỉ có được từ xương máu của thế hệ ông cha để lại… đã chứng tỏ sự trưởng thành của QĐND Việt Nam và tầm nhìn chiến lược của Hà Nội.
Tác chiến điện tử với 3 nhiệm vụ chủ yếu gồm: Trinh sát điện tử, bảo vệ hệ thống điện tử và chế áp hệ thống điện tử.
Trinh sát điện tử: Dùng các phương tiện điện tử để trinh sát quân sự với 6 hình thức, đó là: trinh sát vô tuyến điện; trinh sát vô tuyến truyền hình; trinh sát ảnh nhiệt - hồng ngoại; trinh sát radar; trinh sát âm thanh; trinh sát thủy âm, được tiến hành từ trên không bằng máy bay, trên vũ trụ bằng vệ tinh, trên mặt đất, trên biển bằng hệ thống radar, quan trắc, tàu thuyền và trong lòng biển bằng các phao thủy âm, radar sona…
Bảo vệ hệ thống điện tử: Là toàn bộ các hoạt động làm cho các phương tiện điện tử của ta làm việc an toàn, ổn định, trước sự gây nhiễu và đánh phá của địch, chống trinh sát điện tử của địch.
Chế áp điện tử: Là toàn bộ các biện pháp và hoạt động làm tê liệt hoặc hạn chế hiệu quả sử dụng các phương tiện điện tử của đối phương. Gồm 2 hình thức tiến hành là chế áp cứng và chế áp mềm.
Chế áp cứng là phá huỷ một phần hoặc hoàn toàn phương tiện điện tử bằng hỏa lực, bằng xung lực hoặc các năng lượng khác.
Chế áp mềm là sử dụng năng lượng điện từ trường phát xạ hoặc phản xạ lại, đánh lừa điện tử để ngăn cản, loại trừ hoặc làm giảm hiệu quả hoạt động các phương tiện điện tử của đối phương với các biện pháp như gây nhiễu, tao mục tiêu giả…

Hệ thống gây nhiễu hiện đại SPN-30 của Lữ đoàn tác chiến điện tử 87-Cục tác chiến điện tử-Bộ tổng TM QĐND Việt Nam

Có thể nói, tác chiến điện tử trong chiến tranh hiện đại là bài toán khó đối với những nước có nền khoa học kỹ thuật còn yếu. Những loại khí tài dùng phản công điện tử thì có giá thành rất cao và công nghệ được đưa vào hàng chiến lược, tuyệt mật và đương nhiên các quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Nga và EU sẽ có được lợi thế và khả năng trong thực hiện nhiệm vụ chế áp điện tử. Trung Quốc cũng đang nỗ lực xây dựng lực lượng tác chiến điện tử riêng cho mình, tuy nhiên so với các cường quốc nói trên thì vẫn còn rất nhiều hạn chế và thiếu kinh nghiệm.
Với Việt Nam thì chúng ta chưa đủ sức để phản công điện tử, chống tác chiến điện tử với hình thức chế áp cứng với đối phương là Mỹ, nhưng bảo vệ hệ thống điện tử, chế áp mềm thì Việt Nam có đủ tự tin, bản lĩnh và kinh nghiệm phong phú.
Thông thường, chiến tranh ngày nay chỉ xảy ra bắt đầu từ một quốc gia hùng mạnh chủ động tấn công một quốc gia nhỏ yếu hơn mình, năng lực quốc phòng hạn chế gần như có chung một phương thức tiến hành.
Đầu tiên, máy bay tàng hình, tên lửa hành trình từ các tàu ngầm, tàu nổi mở màn, tấn công vào lãnh thổ nhằm làm cho hệ thống radar phòng không, hệ thống thông tin chỉ huy liên lạc tê liệt hoặc thiệt hại nặng khiến đối phương như “mù” và “điếc”.
Tiếp theo, không quân xuất kích chiếm lĩnh, thống trị bầu trời săn diệt những mục tiêu quân sự còn lại một cách dễ dàng và đánh phá các trung tâm kinh tế, chính trị, quốc phòng…mà không hề gặp sức kháng cự.
Mục đích chiến tranh đạt được hay không tùy thuộc có thống trị được bầu trời đối phương hay không, cho nên, giai đoạn này được coi là đặc biệt quan trọng.
Cuối cùng là lực lượng đổ bộ xuất kích hoặc không cần thiết khi đối phương đã đầu hàng không điều kiện.
Trong phương thức chiến tranh này, dễ dàng nhận thấy giai đoạn đầu tiên có vai trò then chốt, quyết định thời gian, kết quả của chiến tranh. Đó chính là hoạt động tác chiến điện tử với hình thức chế áp điện tử.
Song hành cùng sự phát triển của không quân, hệ thống phòng không, tên lửa phòng thủ biển diệt hạm ngày càng phát triển với nhiều chủng loại có khả năng tiêu diệt mục tiêu đường không và trên biển cực lớn.
Nếu tác chiến điện tử không thành công, nghĩa là khả năng phòng không, phát hiện mục tiêu, sự thông tin liên lạc chỉ huy của đối phương chưa bị đánh quỵ thì giá phải trả của không quân, chiến hạm khi bị giáng trả là không tránh khỏi và đương nhiên chiến tranh có thể kéo dài, mà càng kéo dài thì càng tốn kém, việc sa lầy là hiện hữu.
Điều rút ra quan trọng, lý thú ở đây là VKCNC luôn phát huy tác dụng khi tồn tại trong môi trường điện tử thuận lợi. Khi không thuận lợi như bị nhiễu loạn thì VKCNC như là kẻ “mù, điếc và ngu dốt” không hơn không kém. Dù cho có một hệ thống trinh sát điện tử hiện đại thì kết quả tín hiệu, thông tin thu được sẽ vô dụng nếu không có sự phân tích xác đáng và tất cả phân tích đều vô dụng nếu tướng lĩnh, người lính không đánh giá xác đáng.
Đó là lý do vì sao trong trận hải chiến tháng 10/1973, tàu phóng tên lửa Ixrael dù tầm phóng tên lửa kém tàu tên lửa Ai-Cập 2,5 lần nhưng vẫn cho biên đội 3 tàu tên lửa Ai-Cập yên nghĩ vĩnh viễn dưới đáy biển.
Đó là lý do tại sao trong cuộc chiến xung đột Israen - Hecbola vừa qua sự kiện tên lửa đối hạm C-802 của Hecbola bắn chìm tàu hộ tống Eliat Saaz 5 của Israen đã đặt ra nhiều câu hỏi, tại sao các phương tiện trinh sát hiện đại của Israen không phát hiện vị trí tên lửa C802, cũng như thời điểm phóng tên lửa.
Và cuối cùng, đó là lý do vì sao tàu tên lửa, tàu phóng lôi, TT-400TP…của Việt Nam nhỏ nhanh, uy lực, dù tầm hỏa lực kém xa những chiến hạm hiện đại của Trung Quốc nhưng vẫn tự tin đối đầu nếu như điều đó xảy ra.

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

TẠI SAO TRUNG QUỐC CHẤP NHẬN ĐÀM PHÁN VỚI ASEAN VỀ COC?



Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN tại Brunei với trọng tâm chính là vấn đề Biển Đông về bộ quy tắc COC diễn ra trong một bối cảnh tranh chấp đang diễn ra căng thẳng ngày một leo thang khó kiểm soát. Trước thềm hội nghị người ta lại nghe thấy những lời cảnh báo, đe dọa cứng rắn từ phía Trung Quốc đến Philipines xung quanh việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông…khiến cho dư luận bi quan về kết quả của hội nghị các ngoại trưởng…
Nhưng, điều bất ngờ xảy ra là Trung Quốc, đối tượng trực tiếp, chủ yếu của ASEAN, là nguyên nhân thành, bại của hội nghị các ngoại trưởng ASEAN lần này hay tất cả cấp hội nghị cấp nào bàn về hòa bình trên Biển Đông đã tỏ ra thiện chí. Trung Quốc đã chấp nhận đàm phán với ASEAN về Quy tắc ứng xử Biển Đông COC vào tháng 9/2013 tại Trung Quốc.
Sự kiện này, Trung Quốc nói những lời ‘có cánh”, các nước trong ASEAN tán dương và ngay cả Philipines, quốc gia mới bị Trung Quốc ban cho bản luận tội gồm 7 tội còn “chưa ráo mực” cũng “mát lòng”.
Tuy nhiên, “tại sao?” là câu hỏi mà giới phân tích thời cuộc luôn đưa ra sau quyết định này của Trung Quốc.
Trung Quốc sử dụng “Pause” trong cuộc chơi trên Biển Đông?
Thông thường khi cuộc chơi (games) diễn biến ngày càng mau lẹ, có nguy cơ nằm ngoài sự phán đoán, ngoài tầm kiểm soát mà chưa có khả năng và cách thức đối phó, nếu tiếp tục thì thất bại là chắc chắn thì lúc đó người chơi sử dụng nút Pause để dừng cuộc chơi để có thời gian suy nghĩ, tính toán…
Có thể nói “cuộc chơi trên Biển Đông” được các nhà chiến lược Trung Quốc từ thế hệ lãnh đạo này đến thế hệ lãnh đạo khác chuyển tiếp một cách nhất quán. Chiến lược biến Biển Đông thành “ao nhà” được các nhà chiến lược vạch ra trên cơ sở dựa vào sức mạnh của quốc gia theo phương châm cậy mạnh, hiếp đáp với các quốc gia nhỏ yếu quanh khu vực Biển Đông-ASEAN.
Đó là sự ve vãn, lấy lòng ASEAN, ký DOC…từ năm 2005 trở về trước khi Trung Quốc đang buộc phải thực hiện sách lược “giấu mình chờ thời” để trỗi dậy. Khi trỗi dậy, đặc biệt từ năm 2009 trở lại đây, với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế, Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng vượt ra ngoài phạm vi phòng thủ, Trung Quốc bất chấp chấp tất cả, hung hăng, ngang ngược, đe dọa dùng vũ lực để chiếm đoạt Biển Đông.
Tiếc thay, trong ván cờ đó Trung Quốc tính chưa kỹ các nước đi, chỉ biết hoan hỉ với nước đi của mình mà không cần biết nước đi của đối phương, Trung Quốc chỉ biết đến sức mạnh của mình mà không biết rằng đó chỉ là “sức mạnh đơn phương” mà khi đối đầu với “sức mạnh đa phương” tất yếu chỉ có thảm bại.
Xu hướng đối nội, ASEAN tăng cường tiềm lực quốc phòng để tự vệ.
Rõ ràng là khi Trung Quốc cậy mạnh đe dọa dùng vũ lực trên Biển Đông thì các quốc gia ven biển phải tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ chủ quyền là tất yếu. Trung Quốc chưa phải là số 1 của thế giới nên vũ khí, trang bị chiến tranh của Trung Quốc xét về độ tin cậy, tiên tiến và hiện đại lại không vượt trội, thậm chí có mặt thua kém vũ khí trang bị mà các nước ASEAN mua sắm. Tấn công vào một trong các nước đó thì giá phải trả quá lớn, có thể sa lầy. Nhưng dù sao về mặt quân sự đơn phương, đây không phải là vấn đề lớn, đáng lo ngại của Trung Quốc.
Xu hướng đối ngoại, ASEAN đã lựa chọn.
Nếu như từ năm 2012 về trước, ASEAN còn có tồn tại sự lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ thì sau cú “tàn phá” ASEAN mang tên Trung Quốc-Campuchia, hồi tháng 7/2012 khi lần đầu tiên sau hơn 45 năm ra đời, hội nghị thượng đỉnh ASEAN không ra nổi một thông cáo chung đó, ASEAN như bị xúc phạm bởi một cú sốc mạnh và hồi tỉnh với một thái độ đối với Trung Quốc hoàn toàn thay đổi.
Những nhà thông thái quan sát sự kiện ASEAN lúc đó đã nhận định rằng: “Trung Quốc đã thắng về chiến thuật nhưng thất bại về chiến lược”, đến bây giờ thực tế chứng minh hoàn toàn đúng.
Đúng và chính xác bởi vì năm 2012, Trung Quốc đã thành công khi ngăn cản ASEAN ra một thông cáo chung về tình hình Biển Đông nhưng năm nay thì không thể, không những thế Trung Quốc buộc phải chấp nhận đàm phán với ASEAN (đa phương) về COC.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, lòng tin chiến lược của ASEAN với Trung Quốc và qua đó sự lựa chọn của ASEAN mà trong đó Trung Quốc không phải là tối ưu, mới là thất bại mang tính chiến lược của Trung Quốc:
Như vậy, Mỹ và Trung Quốc đã khiến cho ASEAN lựa chọn và chia rẻ, nhưng hành động của Trung Quốc đã làm phần còn lại của ASEAN vào vòng tay kẻ khác đang dang rộng chờ đợi.
Sự trở lại của Mỹ với châu Á-TBD trong chiến lược kiềm chế sự thách thức của Trung Quốc bằng việc củng cố các liên minh hiện có, xây dựng liên minh mới…nhằm tạo ra một vành đai chiến lược bao vây Trung Quốc từ ngay chuỗi đảo thứ nhất.
Quá tin vào ‘sức mạnh đơn phương”, cậy mạnh nên trong mắt Trung Quốc chỉ có Mỹ mới là đối thủ, Trung Quốc coi thường tất cả, ngay Nhật Bản, Trung Quốc cũng đánh giá chỉ là một “con gà” mà có thể “giết” bất cứ lúc nào để “dọa khỉ (Mỹ)” mà thôi. Vì thế, trên biển Hoa Đông, Trung Quốc đẩy tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư bùng lên dữ dội nhằm khẳng định sức mạnh, uy thế, bản lĩnh của mình. Rốt cuộc Nhật Bản phải tái vũ trang để đối đầu và Trung Quốc đã vấp phải một sức mạnh không thể vượt qua…
Trong bối cảnh khu vực có 2 yếu tố lớn tác động như trên, bất kỳ sự lựa chọn nào của bất kỳ quốc gia nào trong ASEAN với Nhật Bản hay Mỹ đều “đơm hoa” và luôn là “kết trái đắng” cho Trung Quốc.
Hãy xem quan hệ giữa Trung Quốc và Philipines. Nếu như Trung Quốc dấn thêm một bước nữa để “nuốt” tiếp Bãi Cỏ May thì chưa biết chừng không những Philipines mở cảng Subic cho Mỹ, Nhật Bản mà còn liên minh quân sự với Nhật Bản. Vì vậy, vấn đề của Trung Quốc lúc này không phải là Philipines mà là Mỹ và Nhật Bản.
Với Việt Nam. Việt Nam tuyên bố không liên minh quân sự, không cho nước ngoài lập căn cứ quân sự…thực chất là một thông điệp cho Trung Quốc rằng: “Việt Nam không chống và không theo ai để chống Trung Quốc, Việt Nam muốn là bạn với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. Nhưng nếu một khi Trung Quốc bất chấp, gây chiến để xâm phạm chủ quyền thì ngay mạng sống của mình, dân tộc Việt còn chấp nhận thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước…thì liên minh quân sự hay căn cứ quân sự chỉ là chuyện nhỏ, không có việc gì mà Việt Nam không thể làm”.
Tại thời điểm này, Trung Quốc dù tốn bao công sức phô trương sức mạnh, dọa dẫm… đã phải cay đắng nhận ra rằng, Biển Đông đã được quốc tế hóa sâu sắc. Biển Đông không phải là nơi mà Trung Quốc dễ dàng “trùm chăn” các nước nhỏ, yếu để ra đòn. Đặc biệt, Trung Quốc nhận ra xu hướng hành động mà ASEAN đang và sẽ thực hiện là rất nguy hiểm, khó đối phó cho Trung Quốc. Nếu cứ tiếp tục thực hiện mưu đồ chiến lược của mình, Trung Quốc sẽ bị cô lập hoàn toàn và có nguy cơ một mình chống lại cả châu Á-TBD. Chắc chắn không có một ban lãnh đạo đất nước nào muồn như vậy cả.
Vì vậy, Trung Quốc buộc phải chủ động “dừng cuộc chơi” bằng cách chấp nhận đàm phán với ASEAN về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC nhằm để có thời gian nghiên cứu đối phó.
Tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục diễn biến như thế nào?
Trung Quốc chấp nhận đàm phán với ASEAN về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC nhưng vấn đề quan tâm nhất của ASEAN là COC có được ký kết, thông qua hay không mới quan trọng. Chấp nhận đàm phán là Trung Quốc chấp nhận từ bỏ quan điểm giải quyết tranh chấp Biển Đông chỉ bằng đàm phán song phương, nhưng chấp nhận COC hay không là quyền của Trung Quốc.
Rất khó để Trung Quốc chấp nhận ký kết COC bởi sẽ bị áp lực lớn của chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã tác oai tác quái lâu nay. Nhưng sự bất ổn xã hội và đặc biệt nhận thức về việc biến Biển Đông thành “ao nhà” chỉ là “duy ý chí” của Trung Quốc thì Biển Đông trước và sau cuộc đàm phàn COC vẫn không có gì thay đổi. Biển Đông vẫn là một chiến trường nóng bỏng, ngày càng chật chội bởi trên thì tàu chiến hiện đại ngày càng lớn, dưới thì tàu ngầm ngày càng nhiều…trong đó có cả tàu ngầm Việt Nam.
ngocthong19.5@gmail.com

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

TÀU PHÓNG LÔI CÁNH NGẦM VIỆT NAM TRONG HẢI CHIẾN HIỆN ĐẠI


Xây dựng và củng cố, phát triển và đào thải lực lượng bao gồm tổ chức, vũ khí trang bị và con người… như thế nào cho phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam, phù hợp với điều kiện chiến tranh hiện đại, phù hợp với tình hình đất nước trong bối cảnh Biển Đông hiện nay là một cuộc đấu trí căng thẳng của các nhà quân sự chiến lược Việt Nam.
Từ kinh nghiêm, kết quả của 2 trận đánh của tàu PL trong chiến tranh chống Mỹ, một số các nhà phân tích, quân sự, cho rằng khi tàu địch có vũ khí tấn công xa hàng trăm km thì kiểu “đánh gần” như của tàu PL là không còn giá trị trong hải chiến hiện đại và tàu PL Việt Nam ngày nay đã “hoàn thành sứ mạng lịch sử”, cần loại bỏ khỏi biên chế của Hải quân.
Thực tế, Hải quân Việt Nam đã chuyển hết tàu PL dạng Shershen sang lực lượng Cảnh sát biển thời kỳ đầu mới thành lập (và bây giờ CSB cũng ít điều loại tàu này đi làm nhiệm vụ). Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy tàu PL cánh ngầm bị loại khỏi biên chế. Phải chăng giá trị chiến thuật của tàu PL cánh ngầm vẫn còn nhiều ý nghĩa với Bộ TM Hải quân Việt Nam?
Hải chiến ngày xưa thì lực lượng của hai bên thường tìm cách tiếp cận nhau với những góc mạn thuận lợi để phát huy hỏa lực, gặp nhau là bắn nhau như vãi đạn.
Hải chiến hiện đại ngày nay thì khác, các lực lượng này hiếm khi đối mặt nhau mà chỉ tiêu diệt nhau khi khoảng cách còn rất xa.
Vì thế kẻ nào nhìn xa hơn, vũ khí có tầm bắn xa hơn, độ chính xác cao hơn là kẻ đó thường chiếm ưu thế là rõ ràng không bàn cãi.
Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết. Hãy xem diễn biến và kết quả của trận hải chiến hiện đại gần nhất vào tháng 10/1973 giữa hải quân Israel với Ai cập và sau đó là Syria.
Tàu tên lửa của hải quân Ai Cập và Syria tầm bắn lớn hơn tàu tên lửa của Israel gấp 2,5 lần. Tàu tên lửa Ai-Cập cách tàu tên lửa Israel 125 km là có thể sử dụng hỏa lực, trong khi đó tàu tên lửa Israel muốn sử dụng hỏa lực phải vượt qua một chặng đường 75 km trong tầm lửa đạn của tàu tên lửa Ai- cập.
Đây là ưu thế chiến thuật hết sức “quyến rũ”, nên thường khiến cho những vị tướng “bàn giấy” hung hăng, hoanh hoang sức mạnh, coi thường đối phương là thế. Nhưng thực tế là…
Khi tàu tên lửa của Ai Cập và Syria tấn công ngoài tầm hỏa lực của tàu tên lửa Israel nhưng không trúng mục tiêu, vì chiến thuật vận động tiếp cận và gây nhiễu rất tốt của tàu tên lửa Israel. Điều đó có nghĩa là tàu tên lửa Israel vận động tiếp cận đã đến đúng tầm hỏa lực của mình mà không bị ngăn chặn và phóng tên lửa đáp trả trong khoảng cách gần. Đương nhiên, trong thế trận này, đánh gần thì hiệu quả hơn đánh xa nhiều lần. Toàn bộ tàu tên lửa của AI Cập bị diệt gọn.
Như vậy có thể nói, hải chiến hiện đại vẫn phải có các hành động đợi cơ, phục kích, hoặc vận động tiếp cận mục tiêu làm sao có lợi nhất để phát huy hỏa lực của mình. Có thể khi công kích (như tàu tên lửa của Israel) hoàn toàn nằm trong tầm hỏa lực địch nhưng vẫn có nhiều biện pháp, chiến thuật để vận động tiếp cận mục tiêu đến tầm sử dụng hỏa lực mà địch không thể ngăn chặn. Đây là giai đoạn tác chiến khó khăn, nguy hiểm nhất, nhưng khi đã vượt qua được thì coi như nắm chắc phần thắng vì đánh gần.
Nếu như cho rằng, chiến hạm địch có tên lửa bắn xa hàng trăm km là nắm chắc phần thắng khi đối đầu với các tàu có tầm bắn ngắn hơn và do đó phải loại bỏ các tàu chiến có tầm bắn ngắn đi thì hoàn toàn vô lý và không phải là cách tư duy của người…Do Thái và càng không phải của người Việt.
Rốt cuộc, nếu vậy, so với hải quân Trung Quốc thì lực lượng của Hải quân Việt Nam còn lại tàu chiến nào để tác chiến ngoại trừ Gepard 3.9?.
Đồng ý là các tàu PL cũ kỹ, tốc độ chậm là phải loại bỏ, nhưng tàu PL cánh ngầm thì không. Chúng sẽ được sử dụng rât linh hoạt trong từng nhiệm vụ mà không “duy ý chí, duy quyết tâm” hay “đánh liều chết” bởi lẽ, thế trận ngày nay đã hoàn toàn khác xưa và đương nhiên sẽ có những phương án tác chiến khác xưa.

Tàu phóng lôi cánh ngầm Hải quân Việt Nam.
Vận tốc 45M/h. 4 ống phóng với ngư lôi kiểu 53A (loại chuyên diệt tàu mặt nước). Pháo AK 76 (sau) và pháo 25 ly (trước)trong tay Việt Nam vẫn là một lực lượng đáng gờm.
Tàu PL chỉ chuyên đánh gần, nếu trong tầm hỏa lực của tàu PL mà tàu PL ra đòn thì khó kẻ thoát. Nhưng làm sao để cho tàu PL tiếp cận được mục tiêu trong tầm sử dụng hỏa lực lại là một vấn đề thuộc về bản lĩnh, trí tuệ…Có thể trong đội hình thực hiện đòn tập kích sở trường, tàu PL cánh ngầm chỉ làm nhiệm vụ đánh bồi, đánh “tảo trừ”…nhưng chắc chắn không bao giờ một tàu hay một biên đội PL cánh ngầm hoạt động độc lập như ngày xưa.
“Tầm bắn” không phải quyết định tất cả, chỉ là một trong những ưu thế khi tác chiến nhưng vẫn không phải là ưu thế quyết định.
Một hệ thống tác chiến hiện đại không phải là hệ thống vũ khí siêu công nghệ, nó là sự kết hợp giữa trái tim, khối óc người lính. Đó là khả năng thông minh, phản ứng nhanh nhạy, xử lý hiệu quả các trang thiết bị đang khai thác sử dụng, với tinh thần sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đó là tư duy về chiến thuật trong công tác nghiên cứu địch và phương pháp bố trí trận địa để đánh địch.
Con người vẫn là nhân tố quyết định cho mọi sự thành bại trên chiến trường.
ngocthong19.5@gmail.com