Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Mỹ, Nga dạy cho Thổ Nhĩ Kỳ bài học thân phận?


Tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ đã thách thức đến lợi ích của Mỹ và Nga. 
Một quốc gia muốn trỗi dậy thành một cường quốc khu vực hay thế giới, đều luôn gắn liền với tham vọng địa chính trị. Sẽ là sự “trỗi dậy hòa bình” nếu như quốc gia đó chỉ sử dụng bằng sức mạnh mềm và đương nhiên khi muốn dùng sức mạnh cơ bắp để trỗi dậy thì nhất định đẩy khu vực hay cả thế giới vào một cuộc chiến tranh là không tránh khỏi.
Giấc mơ Thổ chia cắt Syria và Iraq
Tham vọng bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ
Tham vọng bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ
Ankara đang triển khai thực hiện một chiến lược đầy tham vọng khi lợi dụng cuộc nội chiến đẫm máu trại Syria và Iraq để bành trướng lãnh thổ thay vì như bành trướng vùng biển kiểu Trung Quốc.
Theo đó, phía Bắc của Syria và Iraq và phía Tây Nam của Armenia sẽ bị Đế chế Erdogan nuốt gọn.
Tháng 6/2012, sau khi một máy bay do thám của Thổ Nhĩ Kỳ bị một hệ thống phòng không của Syria bắn hạ, Ankara công bố những quy tắc giao chiến mới, theo đó, không quân Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đánh chặn, tấn công các máy bay bay tới gần không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Quy tắc giao chiến mới đó (rất ngang ngược, cậy mạnh) tạo ra một vỏ bọc trên không hiệu quả như một vùng cấm bay, cho các hoạt động quân sự và hậu cần của Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ phiến quân nổi dậy chống Assad ở vùng biên giới Syria-Thổ.
Đương nhiên, các nhóm Hồi giáo do Ankara hậu thuẫn chiến đấu chống chế độ Assad là những đối tượng hưởng lợi ích chính từ những quy tắc giao chiến này trong một khu vực trải dài từ biên giới Bab al-Salam xuống Aleppo dài chừng 90 km và sâu hơn 50 km trong lãnh thổ Syria.
Phía Tây Bắc biên giới Thổ-Syria lại do lực lượng dân quân người Kurd kiểm soát, cho nên, khi tham gia vào liên minh chống IS do Mỹ, thay vì không kích vào IS thì Ankara là không kích vào lực lượng này nhằm tạo điều kiện cho nhóm quân Turkman mở rộng, phát triển sang phía Tây Bắc biên giới Syria.
Tại biên giới phía Bắc Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội và xe tăng tràn vào thành phố Mosul. Hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ được họ giải thích một cách ngang ngược, vô lý, bị Iraq lên án, chống lại mạnh mẽ nhưng đến nay quân đội Thổ vẫn chưa rút khỏi khu vực đó. Âm mưu của Thổ là tách khu vực tự trị người Kurd Iraq, KDP ra khỏi Iraq bao gồm Kirkuk, Mosul và Arbil rất nhiều dầu mỏ và khí đốt.
Nhìn bản đồ trên, chúng ta có thể thấy nếu như điều này xảy ra thì Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn tự chủ về năng lượng mà không phải phụ thuộc 75% năng lượng vào nước ngoài như hiện nay mà còn xuất khẩu. Một ý đồ cực kỳ sáng suốt, táo bạo, của giới cầm quyền Ankara.
Như vậy, rõ ràng các hoạt động nêu trên của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua là đều nhằm đặt mục tiêu này là không bàn cãi.
Đáng tiếc là bắt đầu từ năm 2011, tham vọng đó không lọt qua được mắt ông chủ Mỹ và nguy hiểm hơn là tham vọng đó đụng chạm đến lợi ích Mỹ và Nga.

Đương nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã, đang được ông chủ Mỹ và Nga dạy cho một bài học về thân phận. Nguy cơ chế độ “Đế chế Erdogan” sụp đổ, không phải là khó xảy ra.
Nga trừng trị kẻ phản bội Thổ Nhĩ Kỳ
Sau khi đâm lén vào Nga một nhát (bằng việc bắn rơi máy bay SU-24 của Nga) thì Nga triển khai một loạt hành động đáp trả khủng khiếp, tàn khốc, với Thổ Nhĩ Kỳ.
Với Nga, nếu như trước đây, Nga còn tôn trọng, nể nang một số lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ thì việc “đâm sau lưng Nga, đồng lõa với khủng bố của Thổ” đã khiến Nga coi Thổ là đối tượng tác chiến trực tiếp, nguy hiểm, phải chiến thắng trong chiến dịch quân sự mà Nga đang triển khai tại Syria.
Về mặt quân sự, chỉ chưa đầy 3 tuần, Nga phá sạch, phá tan tành công sức chuẩn bị bao năm của Thổ Nhĩ Kỳ trong mưu đồ với Syria tại khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Nga triển khai hệ thống phòng không hiện đại với một tuyên bố lạnh lùng của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi họp với các tướng lĩnh quân đội: “Tôi lệnh cho các anh hành động cực kỳ kiên quyết. Bất cứ mục tiêu nào đe dọa quân đội Nga hoặc các cơ sở hạ tầng trên mặt đất phải bị tiêu diệt tức khắc”.
Những trận không kích của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng xuất khẩu dầu lậu, các “đường ống trên bánh xe” của quân khủng bố với Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh sập tuyến buôn bán dầu lậu trên tuyến biến giới phía Bắc Syria-Thổ. Đến nay, gần như tuyến biên giới phía Bắc Syria đã được quân chính phủ kiểm soát.
Có thể nói, tại khu vực dọc theo biên giới từ Latakia đến Aleppo, nhóm quân mà Nga cho là khủng bố được Ankara hậu thuẫn bị đánh nhừ tử buộc 3 lựa chọn: chết, đầu hàng và tháo chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, không một chiếc máy bay nào của không quân Thổ dám cất cánh xâm nhập vào cái khu vực mà trước đây Thổ Nhĩ Kỳ coi như là của mình dù đó là lãnh thổ của Syria.
Đây là thắng lợi lớn có tính chiến lược của liên quân Nga-Syria-Iran trên chiến trường Syria kể từ biến cố SU-24 bị bắn hạ.
Đồng thời với việc tiêu diệt nhóm khủng bố người Turkmen, Nga bắt tay hợp tác với lực lượng người Kurd phía bắc Syria (YPG) cung cấp vũ khí trang bị cho họ và ủng hộ lực lượng đối lập trong nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng với cấm vận, trừng phạt kinh tế, người Nga đang học người Mỹ tiến hành một cuộc “cách mạng màu” tại Thổ Nhĩ Kỳ là có thể, bởi vì, Tổng thống Nga Putin coi việc bắn rơi SU-24 là hành động thù địch và thẳng thừng tuyên bố rằng, ông không nhìn thấy triển vọng cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Đừng ngạc nhiên về điều này, bởi khi đã thù địch lẫn nhau thì không gì là không thể không làm.
Giới quân sự thế giới cho rằng, hành động ngang ngược bất chấp của Thổ Nhĩ Kỳ tại phía Bắc Iraq là biểu hiện sự thất bại nặng tại Syria… là rất đúng và chính xác. 
Thổ Nhĩ Kỳ không liệu sức mình, lợi dụng vào thế Mỹ để đối đầu, thách thức Nga là cực kỳ xuẩn ngốc, bởi một lẽ rằng Mỹ là một cường quốc chỉ lợi dụng kẻ khác chứ không bao giời có kẻ khác lại lợi dụng được Mỹ.
Chính tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ đã thách thức đến lợi ích của Mỹ và liệu rằng chính Mỹ qua Nga dạy cho Thổ Nhĩ Kỳ một bài học về thân phận hay không? Phải chăng Thổ Nhĩ kỳ đã đi vào vết xe đổ của Iraq thời Saddam khi tấn công vào Kuwait? Và chính thức vụ SU-24 ai mắc bẫy ai? 
(Còn tiếp)

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

Điểm yếu không thể chấp nhận của quân đội Assad


Càng đánh càng mạnh là nguyên tắc bất di bất dịch của sách lược tổ chức xây dựng lực lượng để giành thắng lợi trong chiến tranh. 
Một quân đội, lực lượng, dù mạnh đến đâu, trong chiến tranh thì cũng có lúc bị bại trong một trận chiến đấu. Đó là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, “cách thua” trong một trận chiến đấu như thế nào lại rất quan trọng, nó thể hiện tính kỷ luật và bản lĩnh của một đội quân.
Cũng là bại trận, bị tổn thất, mất vị trí chiến đấu… nhưng hành động chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, quyết không để vũ khí lọt vào tay giặc với bỏ chạy, để toàn bộ vũ khí, khí tài quân sự “nguyên đai nguyên kiện” lọt vào tay giặc là hoàn toàn khác nhau về tính chất và hậu quả.
Quân đội của Tổng thống Assad thường hay mắc phải “cách thua” tệ hại này trong chiến đấu, bỏ chạy để lọt toàn bộ vũ khí trang bị vào tay giặc, do vậy, đem lại hậu quả tiếp theo cực kỳ nghiêm trọng. Đây là một “cách thua” không thể chấp nhận.
Quân đội Syria trong chiến tranh trước đây đã từng để nguyên cả một hệ thống tên lửa phòng không SA-75 do Liên Xô viện trợ lọt vào tay đồng minh của Mỹ, khiến Việt Nam phải tốn rất nhiều xương máu để phát hiện ra trong chiến tranh chống Mỹ và cùng với các chuyên gia Liên Xô khắc phục hơn 9 tháng trời mới loại bỏ sự “bắt bài” của Mỹ. Điều này đã nói lên sự tai hại không chỉ một mình đơn vị đó gánh chịu mà trước hết là đơn vị bạn và rộng hơn là đồng minh của họ.
Hiện nay, trong cuộc chiến 4 năm qua không ít lần một số đơn vị trong quân đội Assad tháo chạy đã để vũ khí trang bị hiện đại lọt vào tay quân khủng bố khiến chúng càng đánh thì càng mạnh.
Quân khủng bố sử dụng chiến lợi phẩm
Quân khủng bố sử dụng chiến lợi phẩm "ngay và luôn" nhằm vào quân đội Assad
Ảnh trên là một khẩu pháo D30 122mm kể cả đạn dược liều phóng, nói chung là “nguyên đai nguyên kiện” mà quân chính phủ vứt lại khi tháo chạy và đã được lực lượng khủng bố sử dụng “ngay và luôn” dội trực tiếp vào đầu quân chính phủ.
Đến đây, chúng ta đã hiểu phần nào tại sao quân khủng bố có đủ vũ khí hạng nặng từ đâu ra, máy bay, xe tăng từ đâu ra…và tiếc thay chúng đều từ quân đội chính phủ “cung cấp” phần lớn.
Tháo chạy là hành động biểu hiện một “cách thua” bạc nhược, mất tinh thần, mất ý chí chiến đấu. Tháo chạy là thể hiện một đơn vị hay một đội quân có tổ chức kém về kỷ luật chiến trường và không có bản lĩnh.
Điều gì sẽ xảy ra nếu như quân đội chính phủ Syria trong một số trận chiến đấu nào đó để lọt vũ khí hiện đại của Nga cung cấp, trang bị, vào tay quân khủng bố, thậm chí ngay cả hệ thống tên lửa S-300? Rõ ràng là vô cùng nguy hiểm cho ngay chính mình mà cả đồng minh là Nga. Người Nga có dám trao hệ thống vũ khí tối tân, hiện đại của họ cho một đơn vị nào đó của quân đội chính phủ khi tình trạng tháo chạy là “cách thua” nếu như thường xảy ra? Tất nhiên, sẽ không bao giờ.
Vì thế, ngoài yêu cầu chiến thuật, tức là phải bố trí lực lượng để bảo vệ hệ thống vũ khí trang bị hiện đại tiên tiến thì quân đội chính phủ phải nâng cao ý chí, bản lĩnh chiến đấu. Đặc biệt với những đơn vị được trang bị vũ khí tối tân hiện đại thì đặt nặng kỷ luật chiến trường và phải là lực lượng trung thành, ít nhất là phá hủy để không để lọt vào tay giặc.

Với vũ khí công nghệ cao thì luôn đem đến sự nguy hiểm cho kẻ thù, nhưng sự nguy hiểm đó sẽ nhằm vào chúng với mức độ gấp bội khi vũ khí công nghệ cao đó bị kẻ thù bắt bài, điều khiển.
Không thể phủ nhận quân đội chính phủ đã có những lực lượng, đơn vị thiện chiến, trung thành, có bản lĩnh chiến trận như lữ đoàn 103 hay những người lính đã chiến đấu trong vòng vây suốt 2 năm trời tại sân bay chiến lược Aleppo. Không thể phủ nhận dưới sự không kích của không quân-vũ trụ Nga, quân đội Assad đã được củng cố lòng tin, đã chiến thắng trận này đến trận khác…Nhưng để độc lập tác chiến, bảo vệ thành quả sau khi Nga kết thúc không kích, hỗ trợ trên không, trước một một đội quân khủng bố đông, liều lĩnh thì quân đội chính phủ phải có vũ khí trang bị tối tân hiện đại, phải biết khai thác sử dụng thành tạo và đặc biệt là phải biết bảo vệ bí mật công nghệ của loại vũ khí của mình quản lý, sử dụng.
“Càng đánh càng mạnh” là nguyên tắc bất di bất dịch của sách lược tổ chức xây dựng lực lượng để giành thắng lợi trong chiến tranh. Nếu không làm được điều đó, nếu kỷ luật chiến trường không nghiêm khắc, thì quân đội chính phủ Syria không thể đương đầu, bảo vệ thành quả trong tình thế chiến trường, lãnh thổ Syria đã đang phân mảnh nghiêm trọng hoặc ít nhất trong tình thế hiện nay, họ chưa thể là lực lượng mặt đất mạnh nhất, đáng tin cậy nhất.
Để giành chiến thắng có tính chiến lược tạo lợi thế cho giải pháp chính trị sắp tới, quân đội của chính phủ Syria sẽ còn rất nhiều việc phải làm.

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Bắn hạ SU-24-Mỹ_NATO muốn gì?


Một SU-24 giá trị kinh tế không là gì. Một người lính Nga "bị diệt" thì tổn thất so với cả cuộc chiến tranh cũng vô cùng nhỏ bé. Như vậy người ta cần là ý nghĩa chính trị của việc bắn nó rơi và cái gì khác lớn hơn?
Quả thật sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay SU-24 của Nga, tôi cứ suy nghĩ mãi và rất nhiều thắc mắc, nghi vấn. Bởi vì khi thực hiện một hành động quân sự mà mang tính chính trị rất cao thì người ta sẽ thu được kết quả gì mà lợi nhiều hơn hại nhiều lần. Thế nhưng, trong vụ SU-24 Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một hành động cực kỳ nguy hiểm mà gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, kinh tế, quân sự của mình mà cái lợi đem lại là hầu như không có gì ngay cả một thông điệp. Chẳng hạn:
Chỉ là “nắn gân Nga”, cảnh cáo Nga đừng có đụng đến “ vùng đệm” và lực lượng người Turkuman tuyến biên giới thôi ư? Chỉ trả thù việc Nga hủy diệt tuyến buôn dầu lậu mà Ankara là chủ đầu mối thôi sao?....Và dù là gì hơn nữa thì xem ra nó quá nhỏ và không một chút tác dụng so với hậu quả mà Nga sẽ giáng trả. Chẳng lẽ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và bộ tham mưu của ông ta không tính toán và lường hết được hậu quả sẽ như thế nào…?
Đây là điều hết sức vô lý, và do đó sẽ có một điều gì đó lớn hơn mà các thế lực chống Nga (Mỹ-NATO) muốn có sau vụ này mà Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một công cụ. Vậy “điều lớn hơn” đó là điều gì? Chúng ta hãy phán đoán trong từng diễn biến sau đây:
Đã rõ ràng, Mỹ và NATO dính líu vào vụ này. Mỹ đã cung cấp đường bay và lập kế hoạch cho không quân Thổ Nhĩ Kỳ phục kích để bắn hạ SU-24 của Nga.
Đã rõ ràng máy bay Nga không thể không bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên, Mỹ-NATO bởi Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức thực hiện đã không được như ý khi chậm mất 2 phút nên máy bay Nga rơi vào lãnh thổ Syria.
"Allah Akbar" trong nền của "mặt trời" ở Syria
Nga chuyển “phản ứng nhiệt hạch từ Mặt trời” đến khu vực máy bay SU-24 của Nga bị bắn hạ

Tại khu vực máy bay rơi, sau khi cứu hộ phi công không thành công, Nga ngay lập tức, nên nhớ “ngay lập tức”, hủy diệt khu vực này bằng một loại vũ khí khủng khiếp chưa từng có. Không những sinh vật mà ngay sắt thép cũng chảy ra nước bởi nhiệt độ. Có một video quay trực tiếp cảnh này mà người thuyết minh cũng lộ ra hoảng hốt lắp bắp kêu lên "Allah Akbar" khi chứng kiến từ xa. Đến nay, chỉ mới thấy cảnh SU-24 Nga bị cháy trên bầu trời, song cảnh SU-24 nằm dưới đất thì không thấy dù lực lượng Turkumen và Al-Nusra…đang có mặt sẵn để làm việc đó…
Vậy tại sao lại là SU-24? Đơn giản là vì SU-24 đã từng làm nên một sự kiện mà dư luận nửa tin nửa ngờ trong ngày 10/4/2014 tại Biển Đen khi làm mù hoàn toàn hệ thống Aegis hiện đại và nhiều tiền của khu trục Donald Cook. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Đại tá Steven Warren cho rằng, “các cuộc diễn tập của Su-24 của Nga gần "Cook" (12 lần làm mô phỏng động tác tấn công) là đáng sợ và không thể chấp nhận”.
Rõ ràng là Mỹ-NATO cần có “Khibiny” của Nga được trang bị trên SU-24 của Nga. Câu hỏi đặt ra là vũ khí tác chiến điện tử “Khibiny” trên SU-24 tại sao không phát huy tác dụng mà vẫn bị bắn hạ? Câu trả lời đã rõ khi Mỹ-NATO nghiên cứu mai phục chuẩn bị hàng tháng trời và bắn hạ theo nghệ thuật tác chiến của Việt Nam: Bắn hạ B-52 theo “tam giác đạc”, lối đánh trong trường hợp bị nhiễu nặng…
Đến đây chúng ta khẳng định một điều rằng, “cái điều lớn hơn” đó chính là công nghệ “Khibiny”, công nghệ tác chiến điện tử của Nga đã và đang làm nản lòng Mỹ-NATO trên chiến trường Syria và đã từng trên Ukraine.
Bởi vì chúng ta cũng nên hiểu rằng, trong chiến tranh hiện đại vũ khí công nghệ cao thì tác chiến điện tử có ý nghĩa mang tính quyết định sự thành bại của cuộc chiến. Điều gì xảy ra khi hoạt động tác chiến điện tử của Nga bị Mỹ-NATO khống chế, phá hoại? Nếu vậy thì thu được, khám phá ra được công nghệ bí hiểm “Khibiny” từ SU-24 Nga thì Mỹ-NATO sẽ thay đổi toàn bộ thế trận với Nga không chỉ ở trên Syria, Trung Đông mà toàn bộ châu Âu. Quả thật, đây mới là một món lợi lớn của việc bắn hạ SU-24 của Nga.
Đáng tiếc là Ankara đã biến mình thành một công cụ, một con thiêu thân khi thực hiện mưu đồ của Mỹ-NATO để lãnh hậu quả một mình. Thổ Nhĩ Kỳ tất nhiên là được Mỹ-NATO "thưởng nóng", nhưng không đủ để "phục thuốc" bởi đòn từ Nga.

Người Nga không “ngố” như họ tưởng, họ biết cách bảo vệ bí mật của họ bằng những cơ chế kỹ thuật riêng và ngay cả sức mạnh như sự hủy diệt vừa rồi trong khu vực SU-24 bị rơi.

Syria và Trung Đông: Phiên bản Crimea2.0


Nếu như cho rằng, giới tinh hoa chính trị, quân sự Mỹ-phương Tây thấu suốt mọi chuyện là có thể hơi thiếu khiêm tốn. Họ vẫn mắc sai lầm mà dư luận vẫn nhận ra từ kết quả.
Trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Phe đối lập cùng với Mỹ và phương Tây đang ăn mừng chiến thắng cuộc biểu tình bạo loạn lật đổ Tổng thống Ukraine Yanukovych trong tháng 2/2014 thì họ như chết đứng, tê liệt phản ứng, khi biết bán đảo Crimea hoàn toàn bị “lính lạ” làm chủ trong chớp nhoáng. Toàn bộ quân đội, Hải quân Ukraine trên Crimea hoàn toàn bị thúc thủ và chính quyền cộng hòa tự trị Crimea tuyên bố muốn sát nhập vào Liên bang Nga. Ba ngày sau Crimea đã trở về thuộc Nga.
Đây là đòn đau nhất của Mỹ-phương Tây trong khủng hoảng Ukraine. Đau là vì chính họ là nguyên nhân để Crimea về tay Nga. Đau là “miếng bánh ngon nhất”, họ cần nhất, đã thuộc Nga không một tiếng súng, không tốn một giọt máu, không tốn một dollar nào.
Giới quân sự, chuyên gia…trên thế giới đã phân tích nhiều về hành động của Nga như thế nào để có Crimea và coi đó như là “nghệ thuật tác chiến độc đáo” mang tên Nga mà cả đối phương cũng phải “tâm phục khẩu phục”.
Một hành động mau lẹ, gọn, ít tốn sức, nhưng có kết quả lớn nhất khiến đối phương không kịp phản ứng và không thể đảo ngược…được coi như  một miếng đánh mang tên “Crimea”.
Những tưởng rằng khi biết Nga có một miếng đánh sở trường như vậy thì rút kinh nghiệm, lần sau phải tránh ra hoặc phải tìm cách hạn chế, không để cho Nga có điều kiện để thi thố, thì thật không ngờ…Thổ Nhĩ Kỳ và các thế lực khác lại tạo điều kiện cho Nga thi thố miếng đánh sở trường này tại Syria và Trung Đông.
Nga có muốn Crimea về tay mình hay không? Quá muốn đi chứ, nhưng quan trọng mang tính quyết định ở đây không phải là bằng cách nào mà là lúc nào. Đó chính là thời cơ để hành động. Chính Mỹ-phương Tây đã tạo ra thời cơ để Nga hành động.
Trên chiến trường Syria và rộng ra trên khu vực Trung Đông, thế trận hiện tại, Nga có muốn khóa chặt và kiểm soát biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ hay không? Cực kỳ muốn, vì nhóm nổi dậy chống Assad chủ yếu ở phía Tây quanh Damascus, Homs, Hama…các lực lượng này sống được là nhờ nguồn tiếp tế của các thế lực nước ngoài qua đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, khóa chặt biên giới, chặn được nguồn tiếp tế là các lực lượng này hết đất sống.
Nga có muốn tấn công quân nổi dậy chống Assad mà Thổ Nhĩ Kỳ nuôi dưỡng, hỗ trợ, huấn luyện là người Turkuman trên biên giới Thổ-Syria không? Cực kỳ muốn, vì đây là lực lượng mạnh, thiện chiến cùng nhóm Al-Nusra-chi nhánh của Al Qeada, là át chủ bài của chiến lược lật đổ Assad của Ankara… nhưng vì lý do địa chính trị nên Nga chưa thể để tấn công.
Nga có muốn tạo ra một vùng cấm bay trên vùng duyên hải phía Tây Syria và thậm chí một vùng cấm bay trên toàn Syria không? Đương nhiên rồi, có điều, điều một lực lượng phòng không, máy bay tiêm kích mạnh qua Syria, khi quân khủng bố không có không quân là thiếu minh bạch. Nga không thể bất chấp các thách thức địa chính trị trên toàn khu vực…
Bất ngờ, một chiếc máy bay ném bom SU-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ mai phục bắn hạ, một phi công bị bắn chết, một lính thủy đánh bộ đi cứu hộ thiệt mạng cùng một chiếc trực thăng MI-8 bị quân khủng bố đốt cháy…đã tạo ra một tình thế mới thay đổi hiện trạng thế trận tại Syria.
Thế giới nín thở chờ Putin ra đòn trả đũa, cổ phiếu giảm giá, dầu tăng giá…các thế lực cực đoan hí hửng đã đành nhưng các thế lực có máu mặt cũng hí hửng phen này Nga chuẩn bị làm lớn theo kiểu “Nga-Thổ đánh nhau và hành động của chúng ta”, nào là thế giới bên bờ vực chiến tranh lần thứ 3…Tuy nhiên, hành động của Nga lại rất bình tĩnh đến mức lạnh lùng.
Bộ Quốc Phòng Nga chỉ tuyên bố 3 điểm.
1, từ giờ trở đi, máy bay ném bom không hoạt động một mình mà được các máy bay tiêm kích bảo vệ.
2, Sẽ thông qua các biện pháp nhằm tăng cường phòng thủ trên không. Theo đó, tàu tuần dương hạm mang tên lửa Moscow được trang bị hệ thống tên lửa phòng không “Fort” tương tự hệ thống S-300 vào trực chiến, gần khu vực ven biển Latakia. Bất cứ mục tiêu, đại diện cho một mối nguy hiểm tiềm tàng đối với Nga xuất hiện trong khu vực phòng thủ sẽ bị phá hủy.
3, Chấm dứt liên lạc quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ.
Như vậy, tại điểm 1 được hiểu là Nga sẽ đưa nhiều máy bay tiêm kích sang Syria để “bảo vệ” SU-24 đi ném bom. Nga không thể chấp nhận F-16 không quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chiếm ưu thế khi “đâm sau lưng” một lần nữa.
Tại điểm 2 được hiểu là Nga sẽ triển khai lực lượng phòng không đủ mạnh để đề phòng và sẵn sàng trừng trị không quân Thổ Nhĩ Kỳ “đâm sau lưng”.
Rõ ràng Nga đã hóa giải tất cả những áp lực cho hành động của mình nung nấu từ lâu một cách mau lẹ, gọn gàng, tuyệt đối, như không.
Các thế lực thù địch với nước Nga chưa kịp hết hí hửng và chưa kịp “đọc hiểu” hết tuyên bố của Bộ QP Nga thì đã sửng sốt khi tại Syria, tiêm kích Nga đã xuất hiện và cùng với nó là hệ thống S-300, S-400 đã đi vào trực chiến. Toàn bộ không phận của Syria được quản lý, bất kỳ máy bay nào bay vào phải báo cáo với Nga để tránh xảy sự cố như SU-24.
Sự phản ứng của Mỹ trước việc Nga triển khai S-300 và S-400 khiến Nga vô cùng “ngạc nhiên”. Ý của Nga là Mỹ phản đối một chuyện đã rồi và chuyện đó như là “nhu cầu tất yếu không thể khác”, Mỹ phản đối một chuyện mà không liên can gì đến Mỹ…Thật là hài hước.
Cái đau của Mỹ-NATO, Israel, Saudi Arabia và Qatar là hệ thống phòng không S-300, S-400 và các máy bay tiêm kích Nga đã bố trí tại Syria đâu phải chỉ dành cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với hệ thống phòng thủ tên lửa mà Nga đã ký thỏa thuận với Armenia thì biên giới Nga đã kéo sát đến Trung Đông.
Nếu như tình hình chỉ đến đây thì chiến trường Syria chưa thể coi là có phiên bản “Crimea2.0”. Về quân sự, Nga không phản ứng trả đũa trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng gián tiếp thì sự trả đũa của Nga là khủng khiếp trên 2 vấn đề. Đầu tiên là Nga hủy diệt không nương tay toàn bộ cơ sở hạ tầng của Thổ Nhĩ Kỳ dày công xây dựng một “vùng đệm” mấy năm qua trên tuyến biên giới với Syria và do đó phiến quân người Turkuman đều là đối tượng tác chiến của không quân Nga. Đồng thời, Nga tập trung đánh mạnh vào nguồn thu của LIH từ bán dầu lậu, tất cả các đầu mối kể cả nơi khai thác đều bị truy kích thay vì như trước kia.
"Allah Akbar" trong nền của "mặt trời" ở Syria
Nga chuyển “phản ứng nhiệt hạch từ Mặt trời” vào khu vực SU-24 bị rơi, hủy diệt toàn bộ quân khủng bố ở đây.
Vấn đề tiếp theo là Nga sẽ “quan hệ sâu sắc hơn” với lực lượng dân quân người Kurd Syria. Đây là mối nguy hiểm thách thức đến sự toàn vẹn Thổ Nhĩ Kỳ mà Ankara lo sợ nhất. Nếu thế thì Nga thực sự “vươn tay” vào trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Có thể nói, đây là những đòn mà Nga ra tay trên Syria nhưng hậu quả khủng khiếp thì thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng như Crimea, một sự chấn động địa chính trị thế giới, sau vụ SU-24 Nga bị bắn hạ, tình thế và thế trận trên Syria, Trung Đông và chống khủng bố IS sẽ thay đổi lớn.

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

SU-24 Nga bị bắn hạ: Chỉ là hành động hoảng loạn.


Đây là hành động quân sự, nhưng thực chất chỉ là hành động chính trị cuồng loạn của Thổ Nhĩ Kỳ không hơn không kém.
Người Nga đang hành động rất bình tĩnh, tỉnh táo, trước vụ việc máy bay ném bom S-24 của mình bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hôm qua. Nó được coi như là hành động hèn hạ, “đâm sau lưng” người Nga của Thổ Nhĩ Kỳ mà Tổng thống Vladimir Putin đánh giá.
Chỉ có thể là hành động cuồng loạn.
Đây không thể coi là hành động tỉnh táo, mặc dù đã tính toàn từ lâu của Thổ Nhĩ Kỳ để bắn rơi máy bay Nga.
Thứ nhất, Nga không đe dọa an ninh chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, như Putin nói thì Thổ Nhĩ Kỳ là bạn bè thân thiện.
Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ muốn “nắn gân” Nga để lập một vùng cấm bay, vùng an toàn trên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ có chiều sâu trên lãnh thổ Syria là 50 km?
Sau khi bắn rơi chiếc SU-24 Nga (Chiếc SU-24 này tác chiến độc lập không được SU-30MS bảo vệ), Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố 3 điểm:
1- Tất cả các máy bay ném bom của không quân – Vũ trụ Nga chỉ thực hiện không kích khi có các máy bay tiêm kích yểm trợ.
2- Sẽ thông qua các biện pháp nhằm tăng cường phòng thủ trên không. Theo đó, tàu tuần dương hạm mang tên lửa Moscow được trang bị hệ thống tên lửa phòng không “Fort” tương tự hệ thống S-300 vào trực chiến, gần khu vực ven biển Latakia. Bất cứ mục tiêu, đại diện cho một mối nguy hiểm tiềm tàng đối với Nga xuất hiện trong khu vực phòng thủ sẽ bị phá hủy.
3- Nga chấm dứt liên lạc quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều chúng ta quan tâm là hành động “ngay và luôn” của Nga.
Sau tuyên bố này, thì chiều tối ngày 24.11, theo Cont.ws: Một nguồn tin không chính thức từ Syria cho biết, không quân Nga ở căn cứ Hmeymin đã tiến hành một cuộc không kích dữ dội chưa từng có vào khu vực chiếc Su-24 bị bắn rơi. Toàn bộ các phần tử khủng bố bị dìm trong biển lửa. Nguồn tin cũng cho rằng, kể cả những chiến binh đã tấn công chiếc Mi-8 cứu hộ cũng không còn tồn tại. May mắn, theo RusVesna.su, các phi công bị bắn rơi của Nga Su-24 đã được cứu sống bởi quân đội Syria sau một sứ mệnh giải cứu đặc biệt trong vòng vây của kẻ thù đã đưa về căn cứ không quân tại Latakia.
Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận rằng, máy bay Nga, nếu có xâm phạm không phận quốc gia này thì cũng chỉ trong vòng 17 giây. 17 giây là con số mà NATO cũng công nhận và với 17 giây thì khả năng của không quân Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể là thúc thủ, chịu trận. 
Rốt cuộc, ngay chiều tối 24/11, Thổ Nhĩ Kỳ thay vì sử dụng đường dây liên hệ với Bộ QP Nga để giải quyết sự cố thì lại viện dẫn điều 4 của NATO triệu tập NATO để họp khẩn…Phải chăng, Thổ Nhĩ Kỳ hoảng loạn và lo sợ khi Nga đang ra đòn khủng khiếp tại biên giới Thổ-Syria sẽ mở rộng sang Thổ Nhĩ Kỳ để trả đũa? Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ chưa có khả năng sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự với Nga. “Đâm sau lưng” người này và trốn sau lưng người khác, một hành động yếu hèn.
Thứ 3, Thổ Nhĩ Kỳ muốn Nga và NATO xảy ra xung đột quân sự nên bất chấp hệ lụy xấu về chính trị và quân sự.
Không phải trong hoàn cảnh nào điều 5 của NATO cũng được thực hiện bởi không dưới một lần NATO không thể theo đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ. Lần này, Mỹ tuyên bố thẳng “đó là việc của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ” thì việc hành động “đâm sau lưng Nga” của Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng tỏ rõ ràng là Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phe khủng bố mà cả Nga, NATO và thế giới lên án và tìm cách tiêu diệt. Về quân sự, Nga cũng có thể viện dẫn điều 51 Hiến chương LHQ để trừng trị Thổ Nhĩ Kỳ mà NATO không thể can thiệp, đó là Nga tự vệ chứ không chủ động tấn công trước Thổ Nhĩ Kỳ-một thành viên NATO.
Tuy nhiên, NATO cũng không dại đột lao vào cuộc chiến không có kẻ thắng với Nga vì cái quyền lợi ích kỷ của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng tỉnh táo không nóng vội trả đũa mạnh liệt Thổ Nhĩ Kỳ khi thắng lợi tại Syria ngày càng đến gần. “Đội tuyển Nga nín nhịn, không bị kích động khi đối phương chơi xấu, quyết bảo vệ cầu thủ trụ cột cho trận chung kết”.
Như vậy, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay SU-24 Nga vừa qua nhằm đạt được mục đích gì? Không gì cả, chỉ làm cho tình thế xấu thêm nghiêm trọng. Đây là hành động quân sự, nhưng thực chất đây chỉ là hành động chính trị cuồng loạn của Thổ Nhĩ Kỳ không hơn không kém.
Tại sao lại hành động cuồng loạn?
Sự xuất hiện của Nga tại Syria đã phá tan tành âm mưu của Thổ Nhĩ Kỳ với Cộng hòa Hồi giáo Syria.
Trước hết là phá tan âm mưu thành lập vùng an toàn vùng cấm bay của Thổ Nhĩ Kỳ. Thực chất tạo ra khu vực cấm bay trải dài từ biên giới Bab al-Salam xuống Aleppo là muốn bảo vệ nhóm nổi dậy thân Ankara đang kiểm soát, bảo vệ cửa ngõ lối vào Aleppo khi, đã bị mối đe dọa IS từ tháng 6/2014. Do tuyến đường từ thị trấn biên giới Thổ Nhĩ Kỳ Kilis tới Aleppo của Syria được coi như một yếu tố sống còn trong việc giữ vững chính sách thay đổi chế độ Assad của Ankara nếu bị rơi vào IS hay quân đội Assad thì những tham vọng ở Syria sẽ hoàn toàn trở nên vô nghĩa.
Tiếp theo, Nga và Syria xác định tấn công và đánh chiếm Aleppo nếu thành công có nghĩa là đã cắt đứt toàn bộ sự viện trợ của nước ngoài cho lực lượng nổi dậy. Lúc đó Homs, Hama và Palmyra đang bị lực lượng nổi dậy chiếm giữ không đánh cũng thắng….Thực tế, nhóm nổi dậy được Thổ Nhĩ kỳ hậu thuẫn đã hoàn toàn mất khả năng cơ động và đang bị quân đội Assad bao vây, tiêu diệt dần. Giải phóng Aleppo với Nga và quân đội Syria chỉ là vấn đề thời gian đồng nghĩa với chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, lực lượng người Kurd bị phá sản. An ninh, toàn vẹn lãnh thổ của THổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt nguy hiểm với lực lượng người Kurd.
Cuối cùng, là Nga đã chơi nước cờ hiểm là tập trung không kích vào “đường ống trên bánh xe” của IS, LIH không nương tay để đánh sập tuyến buôn dầu lậu mà Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng lợi rất lớn với tư cách là đầu mối duy nhất mà chủ nhân là con trai của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Tờ báo “Sự thật” Pravda.ru, đánh giá rất chính xác: “Bắn rơi máy bay SU-24 của Nga là nỗi kinh hoàng của Thổ Nhĩ Kỳ trước chiến thắng của Liên bang Nga”. Nói cách khác, những thắng lợi của Nga và quân đội Assad trên chiến trường Syria đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ cuồng loạn.

Không hoảng loạn, không bị kích động, không nhân nhượng với hành động khiêu khích, Nga tiếp tục làm tốt công việc của mình tại Syria vì chiến thắng chỉ là vấn đề thời gian, giải pháp chính trị đạt được cũng chỉ là vấn đề thời gian. Sự mất mát là không vô ích.

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

IS không ngu như các Ngài tưởng!


Có hơn 40 quốc gia tài trợ cho IS trong đó có một số quốc gia trong nhóm G-20.
Đây là tuyên bố của Tổng thống Nga Putin tại hội nghị G20-Thổ Nhĩ Kỳ. Sự thật đã khiến dư luận nhận rõ việc một số quốc gia “chơi con bài IS” nhằm thực hiện mưu đồ chính trị cho mình.
Lợi dụng và rủ bỏ như một chiếc áo rách!
Đầu tiên là lực lượng Taliban tại Afganixtan. Mỹ đã cung cấp, nuôi dưỡng cho lực lượng này để chống Liên Xô…Rốt cuộc, Tổ chức này là nơi ẩn náu của trùm khủng bố Al Qaeda Osama bin Laden-cũng là đứa con của Mỹ sau vụ khủng bố kinh thiên động địa vào nước Mỹ 11/9. Một thời gian dài, Mỹ và đồng minh đã lợi dụng chống khủng bố Al Qaeda đã làm đảo lộn cả thế giới bằng các cuộc chiến tranh “sốc và kinh hoàng” tại Iraq, Afganixtan, Lybia…
Như vậy, lợi dụng xong là rủ bỏ? Không vậy thì tại sao sao lại có sự kiện 11/9 và cuộc tấn công vào Afganixtan để tiêu diệt Taliban? Lẽ ra Taliban, Osama bin Laden phải là bạn của Mỹ, phương Tây chứ, đúng không?
Và hiện nay là lực lượng “nhà nước hồi giáo” (IS) đang là tâm điểm mà có thể tạo ra chiến tranh thế giới lần 3.
IS từ đâu mà ra? Rõ ràng là IS thoát thai từ Al Qaeda, từ sự can thiệp thô bạo vào Trung Đông và Bắc Phi để tạo ra các cuộc “cách mạng dân chủ” ở các quốc gia như Iraq, Lybia…và thậm chí ở Ukraine. Kết quả, IS phát triển mạnh bởi các cựu sỹ quan Iraq bị Mỹ loại bỏ trong trận chiến năm 2003 và tiếp tục được bổ sung lực lượng từ Lybia, đất nước đã bị phá hủy, hỗn loạn bởi cuộc tấn công của Mỹ-NATO năm 2011… Lẽ ra phải tiêu diệt IS ngay từ đầu khi mới hình thành thì người ta lại lợi dụng nó, nuôi dưỡng nó, cung cấp vũ khí cho nó để dùng nó chống lại những quốc gia “khó chịu”, chưa nằm trong sự điều chỉnh của “cách mạng dân chủ” cụ thể là Syria.
Nhưng IS đâu có ngây thơ, ngay khi thiết lập được vị trí đứng chân vững chắc tại IraqSyria, IS bắt đầu “tự lập”, hoạt động vì mục đích riêng của mình khi quá hiểu bụng dạ của những người đã sinh ra nó…
Đến bây giờ ai cũng rõ IS tồn tại, phát triển được như giờ là bởi 2 yếu tố: tài chính và người bảo trợ.
IS không thể nuôi hàng trăm ngàn quân khi không có tiền; không thể trang bị vũ khí hiện đại cho lực lượng khi không có kẻ bán, cung cấp.
IS không thể tồn tại phát triển đe dọa lật đổ chế độ Assad khi có các cuộc không kích “thiếu nghiêm túc” của Mỹ và liên quân; khi có quốc gia hỗ trợ, nuôi dưỡng….
Thế giới chung tay thì tiêu diệt IS không có gì là khó khăn. Nga, Mỹ chỉ cần một mình thừa sức vùi dập quốc gia nào tiếp tay, nuôi dưỡng IS, thừa sức ngăn chặn kẻ nào mua dầu lậu, cung cấp tài chính cho IS…nhưng tại sao chỉ Nga làm mà không ai hỗ trợ?
Thưa các ngài, các ngài lợi dụng IS nhiều rồi, IS đã làm bao nhiêu việc cho các ngài rồi, các ngài muốn IS thay thế lực lượng “mặt đất” trên chiến trường Syria thì IS cũng đã làm, đã đẩy khu vực kiểm soát của Assad chỉ còn 1/3 lãnh thổ. Bây giờ các ngài hãy làm gì đi khi Nga đang làm tan rã IS đã dày công dây dựng cơ sở hậu cần, kỹ thuật tại Syria, Iraq…thế nhưng không làm gì hoặc không có khả năng ngăn cản Nga tung hoành thì các ngài lại muốn “phản bội IS”, rủ bỏ IS như một chiếc áo rách khi hết tác dụng. Đương nhiên, IS đã và sẽ hành động như xử lý với một kẻ phản bội…cũng hợp với logic của “luật rừng”.
Nên nhớ rằng các ngài đang giao thiệp với một kẻ máu lạnh, giết người không ghê tay.
Khủng bố nước Pháp, IS không còn gì để mất!
Kết quả điều tra vụ máy bay Nga rơi tại Sinai khẳng định là do IS đặt bom, còn vụ 13/11 Paris thì cũng vậy, kết quả chính thức là do IS.
Nếu như IS khủng bố nước Nga thì sẽ không bao giờ làm Nga nhụt chí mà chỉ như “đổ thêm dầu vào lửa”, là sự dại dột, sai lầm lớn của IS như các chuyên gia đánh giá…là xác đáng, vì Nga và IS không đội trời chung.
Nhưng mối quan hệ IS với Mỹ, phương Tây, các quốc gia Ả Rập thì không đơn giản vậy. Khi IS khủng bố tại Paris thì chỉ đẩy IS vào con đường chết sớm, bởi lẽ Pháp buộc sẽ tấn công trả đũa mạnh mẽ…không phải như tuyên bố của vua Jordani là chắc chắn. Pháp đã tuyên bố “tình trạng chiến tranh với quân khủng bố” thì Pháp có thể kéo cả NATO vào để vùi dập IS theo điều 5 của NATO.
Vậy, phải chăng Bộ Tham mưu của IS là lũ ngốc, muốn tự sát?
Trên chiến trường Syria trước cuộc không kích và tấn công trên mặt đất của Assad thì Mỹ và NATO đã cố gắng ngăn chặn Nga nhưng không thể và một thực tế là quân đội Assad và đồng minh làm chủ Syria chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, Nga muốn kết thúc chiến dịch quân sự bằng một giải pháp chính trị mà khả dĩ 2 phía có thể chấp nhận, kể cả việc ra giá cuối cùng là Assad phải ra đi. Nga và Mỹ đang khoanh vùng, lập danh sách “tham dự bàn tiệc Syria” nhưng không có IS và lực lượng khủng bố mà Nga cấm hoạt động (LIH), mà dù có ngừng bắn thì Nga, Mỹ không ngừng bắn với các lực lượng này. Vì thế, nguy cơ IS, LIH bị rủ bỏ hay bị Mỹ và liên minh “mặc cả trên lưng” đang, sẽ xảy ra.
IS, LIH không khó nhận biết tình cảnh này, họ đâu có ngây thơ tập trung mọi lực lượng tại Syria và Iraq như bỏ “tất cả trứng trong một giỏ”, IS đã phân tán lực lượng từ các cuộc di cư khắp châu Âu và ngay cả Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang muốn chứa chấp IS để giáng đòn vào Nga…thì đã đến lúc IS, LIH nổi loạn, không theo ai…là đương nhiên.
Tấn công nước Pháp, IS muốn gửi một thông điệp duy nhất cho các quốc gia từng lợi dụng IS: Rủ bỏ IS là phải trả giá.
Tấn công nước Pháp, IS muốn kéo NATO cùng với Pháp sang tham chiến tại Syria.
Có thể nói, tấn công khủng bố nước Pháp, IS đã chơi một nước cờ liều lĩnh, nhưng khi đã ở trong một tình thế không còn gì để mất thì đó là một nước cờ “thông minh”.

Tổng thống Putin nói: “Tôi muốn nói với những người đang nghĩ và hành động như vậy rằng: Thưa các ngài đáng kính, các ngài đang giao thiệp với những kẻ rất tàn bạo nhưng hoàn toàn không ngu ngốc, không ngây thơ. Họ không ngu ngốc hơn các ngài và rõ ràng không biết ai đang lợi dụng ai”.

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Trung-Mỹ đang “làm tình” trên Biển Đông?


Mỹ tuần tra trên Biển Đông là vì quyền lợi của Mỹ. Hy vọng Mỹ bảo vệ chủ quyền biển đảo cho Việt Nam là hão huyền.
Sự kiện tàu chiến Mỹ USS Lassen tuần tra trên Biển Đông khi xâm nhập vào phạm vi 12 hải lí (M), quanh bãi đá Su Bi và Đá Vành Khăn của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng, đang xây dựng thành đảo nhân tạo…khiến thế giới, chăm chú đổ dồn về Biển Đông trước sự đối đầu căng thẳng giữa 2 cường quốc. Giới truyền thông thế giới, trong nước có những đánh giá gây sốc về chuyến tuần tra của USS Lassen, nào là “phép thử siêu cường”, nào là “thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”, nào là “tuần tra của Mỹ liên quan đến vụ HD981”…Có cảm tưởng như Trung-Mỹ đang xung đột với nhau đến nơi, thế giới đang “nín thở” theo dõi, lo sợ…
Tuy nhiên, quan sát kỹ thì chuyện chẳng có gì ghê gớm, to tát như người ta tưởng.
Tại sao Mỹ không xâm nhập vào khu vực 12 hải lý của 4 đảo khác trong 7 đảo mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1988 mà lại xâm nhập vào Su Bi, Đá Vành Khăn?
Bởi lẽ tất cả các đảo trên quần đảo Trường Sa, ngoại trừ những đảo nửa chìm nửa nổi không có vùng lãnh hải như UNCLOS quy định thì Mỹ xâm nhập vào khu vực 12 hải lý của đảo nào cũng phải thông báo trước và phải vô hại.
Do đó, việc Mỹ tuần tra trên Biển Đông vào 2 thực thể đảo chìm nổi mà Trung Quốc đang xây dựng căn cứ trong phạm vi 12 hải lý là Mỹ nhằm vào nơi thiếu tính pháp lý nhất của Trung Quốc để xâm nhập, tức là nhằm vào nơi mà “xâm nhập vào 12 hải lý cũng như không”. Cái gọi là đảo đá Su Bi, Đá Vành Khăn…mà Trung Quốc đang chiếm đóng, xây dựng trái phép làm gì có lãnh hải 12 hải lý. Vậy thì làm gì có chuyện Mỹ thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa? Không có. Chỉ khi nào Mỹ mạnh dạn, to gan, xâm nhập vào vùng 12 hải lý các đảo khác mà Trung Quốc đang chiếm trên quần đảo Trường Sa thì mới gọi là “thách thức chủ quyền Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa”, nhưng điều này thì Mỹ không dám hoặc không muốn. 
Vì thế, qua hành động tuần tra này, chúng ta chỉ thấy Mỹ tỏ ra tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa mà thôi. Điều này logic với đối sách của Mỹ trên Biển Đông là Mỹ trung lập trong vấn đề tranh chấp, không đứng về bên nào.
Vậy thì hành động này của Mỹ có thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông qua bản đồ “đường 9 đoạn” không? Nói cách khác dễ hiểu hơn là Mỹ có chấp nhận Trung Quốc chiếm toàn bộ Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quan trong bậc nhất của thế giới?
Ngay cả Nga dù không nói, nhưng hành động hợp tác với Việt Nam trong việc khai thác dầu trên Biển Đông đã sổ toẹt cái “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, huống chi khi Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng với an ninh (quân sự, kinh tế, chính trị) Mỹ và đồng minh là Nhật Bản, Hàn Quốc…như nhiều chuyên gia quân sự, kinh tế, đã phân tích…thì hành động của Mỹ tuần tra trên Biển Đông cũng chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là không bao giờ chấp nhận “đường 9 đoạn” như Nga, Ấn Độ mà thôi, chẳng có gì khác cả. Vả lại, khu vực châu Á-TBD này có quốc gia nào công nhận “đường 9 đoạn” của Trung Quốc vạch ra trên Biển Đông đâu.
Mở ngoặc, chúng ta cần phải lưu ý là tuần tra trong phạm vi 12 hải lý cách 500m đảo nhân tạo và tuần tra trong phạm vi 12 hải lý của các đảo không phải là nhân tạo hoàn toàn khác nhau về bản chất, tính chất, đóng ngoặc.
Vấn đề là tại sao Mỹ, Trung Quốc lại to chuyện việc tuần tra của tàu chiến Mỹ vào nơi “biển công” gần đảo nhân tạo của Trung Quốc đến vậy. Cơ quan tuyên truyền Trung quốc, giới truyền thông Mỹ có những tuyên bố hùng hồn, gây sốc đến mức như Trung-Mỹ sắp nổ ra chiến tranh, căng thẳng đã lên tột độ...Té ra làm vậy để có cớ cho 2 vị tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc kéo nhau đi đàm phán. Thế giới một phen "hú vía" khi Trung-Mỹ xuýt đánh nhau, may sao họ đã "thỏa thuận" với nhau để "xuống thang" ảo do họ dựng nên. Một kiểu quan hệ rất Mỹ. 
Lịch sử đã từng ghi nhận Trung-Mỹ đã “bắt tay nhau” sau lựng Việt Nam để gây hại cho Việt Nam và Liên Xô. Lần này không tránh khỏi Mỹ-Trung tiếp tục lấy Biển Đông và có thể Đài Loan để mặc cả, chia chác để gây hại cho Việt Nam và Liên bang Nga.
Lựa chọn một khu vực tuần tra “nhạy cảm”, khôn khéo, Mỹ phát đi thông điệp rằng, quần đảo Trường Sa, Trung Quốc có đủ khả năng thì muốn làm gì tùy. (Đương nhiên, với việc bật đèn xanh đó, Trung Quốc sẽ “té nước theo mưa”, quân sự hóa nhanh chóng các đảo chiếm được của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa). Riêng tuyến hàng hải trên Biển Đông, Mỹ răn đe Trung Quốc đừng có quá tham lam, muốn khống chế toàn bộ mà cùng với Mỹ, cả hai “tuần tra an ninh hàng hải, chống cướp biển”…nhằm đẩy Nga ra khỏi khu vực, vô hiệu hóa quân cảng Cam Ranh của Việt Nam.
Mỹ đang bị mất mặt tại Ukraine và bị muối mặt tại Syria bởi nước Nga và nguy cơ bị Nga đẩy ra khỏi Trung Đông. Vì thế, bao vây, cô lập Nga, chống Nga là mục tiêu của Mỹ. Cũng như trước đây, trong vấn đề Đài Loan, Mỹ công nhận “một nước Trung Quốc” là để Trung Quốc chống Liên Xô thì ngày nay, Mỹ có thể đưa ra miếng mồi ngon (Biển Đông, Đài Loan) để Trung Quốc chỉ có thể buộc phải trở mặt với Nga. Rõ ràng, khi nền quốc phòng Nhật Bản đã có sự thay đổi lớn về chất thì vị trí Đài Loan án ngữ trước “cửa họng” Trung Quốc là không còn quan trọng.
Kết luận vấn đề: Việt Nam không bao giờ tin tưởng, hy vọng Mỹ xuất hiện ở Biển Đông là bảo vệ chủ quyền cho Việt Nam. Mỹ tuần tra trên Biển Đông là vì quyền lợi của Mỹ, do đó, những gì phù hợp với đối sách của chúng ta thì chúng ta ủng hộ nhưng trên tinh thần cảnh giác cao độ. Hoàng Sa năm 1974, Scarborough của Philipines năm 2012 là minh chứng điển hình trên Biển Đông cho những ai có tư tưởng coi Mỹ là thần hộ mệnh.
Mỹ xuất hiện ở Biển Đông không phải là nguyên nhân khiến Trung Quốc hung hăng, bất chấp, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam mà đó chính là bản chất, âm mưu của nhà cầm quyền Bắc Kinh từ xưa tới nay. Vì vậy luôn luôn cảnh giác, chuẩn kỹ càng để đối phó với mọi tình huống, quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ.


Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Đừng có đùa với Karasukha-4 và S-400!


Điều khiến nhiều người tự hỏi là tại sao hơn một năm trời làm mưa làm gió trên vùng trời Syria, nhưng khi Nga xuất hiện thì có vẻ như Mỹ “nhường” không gian tác chiến cho Nga? Chưa hết, Nga xuất hiện thì tất cả lực lượng “con rơi”, “con đẻ” của Mỹ bị Nga “dần cho te tua”, không thương tiếc thì Mỹ chỉ biết tố cáo, phản đối, trong khi sự đáp trả tương xứng của một cường quốc nổi tiếng hung hãn, số 1, lâu nay như Mỹ lại rất mờ nhạt, lén lút?
Chẳng lẽ chính quyền Tổng thống Obama không xót con, xót của, không muốn ngăn cản sự hung hăng của con gấu Nga? Đương nhiên là không.
Nội bộ nước Mỹ đã phản đối nhau, các nghị sĩ, ứng viên tổng thống thì hô hào nào là “phải lập vùng cấm bay ở Syria” (H. Clinton); “Mỹ phải ném bom vào quân Assad nếu Nga ném bom vào lực lượng “ôn hòa” (J.Mc Cain)…khiến ông đương kim Tổng thống Obama phải nổi xung, cho rằng, “ứng viên tổng thống khác với Tổng thống”, rằng, “tuyên bố vùng cấm bay như bà H.Clinton hô hào là trò trẻ con”…
Đúng thế. Chỉ có Tổng thống mới biết và rõ những gì tại Syria. Mỹ có những âm mưu, hành động ở Syria là “không nghiêm túc” vì thế không thể công khai và hành động minh bạch như Nga được.
Mỹ không thể hợp tác với Nga để không kích kẻ thù chung là LIH mà theo logic là hoàn toàn trở thành đồng minh của nhau. Mỹ tố Nga chỉ tập trung không kích vào lực lượng “ôn hòa” mà thay vì IS nhưng khi Putin chỉ trích, yêu cầu Mỹ cho biết lực lượng đó là ai, ở đâu để Nga “tránh” thì Mỹ im lặng. Nga yêu cầu Mỹ chia xẻ thông tin tình báo về IS đang ở đâu để tấn công, Mỹ cũng im lặng. Đến đây, thế giới đều quá dễ hiểu sự im lặng của Mỹ.
Trong khi đó Nga phân biệt lực lượng khủng bố và “ôn hòa” bằng một sự ví von rất hài hước sau đây: “Hiện nay các loại bom đạn của chúng tôi (Nga) sử dụng ở Syria cũng được phân chia thành hai loại thông thường và ôn hòa. Chúng tôi dùng bom đạn thông thường để tiêu diệt khủng bố thông thường và bom đạn ôn hòa để chống khủng bố ôn hòa. Bom đạn thông thường của chúng tôi khác bom đạn ôn hòa cũng tương tự như sự khác nhau giữa khủng bố thường với khủng bố ôn hòa ở Syria vậy thôi. Nghĩa là, hai loại này được sơn màu sơn khác nhau. Một loại được sơn màu sáng hơn, còn loại kia được sơn màu ôn hòa hơn”.
Rõ ràng trong một đất nước như Syria mà tồn tại những hơn 40 tổ chức “đối lập” bắn giết tranh giành nhau… thì đây là những toán trộm cướp, khủng bố, chứ không thể gọi là đối lập đúng nghĩa. Đây là sự hỗn loạn trong một đất nước mà chính quyền hiện hành cần ngăn chặn, dẹp loạn để ổn định tình hình, đất nước. Chính quyền hợp pháp mời Nga không kích, Nga sẵn lòng, quân đội Assad tấn công dẹp loạn là quyền chính đáng của nhà nước Syria…Tất cả các hành động của Mascow, Damascus là hợp luật pháp quốc tế, “danh chính, ngôn thuận”, Mỹ im lặng là phải rồi, khôn nữa là khác.
Vấn đề tại sao Mỹ không lập vùng cấm bay? Ý định của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là đã từ lâu nhưng… Putin của Nga là người thực hiện ý định đó.
Hiện tại, Mỹ-NATO lập vùng cấm bay để cấm bay ai? Cấm Nga chăng? Đúng thế, là trò trẻ con.
Nga đã thần tốc, bất ngờ, tạo lập một vùng bất khả xâm phạm trên bầu trời phía Tây Syria bởi 3 lực lượng: lực lượng phòng không rất mạnh từ S-400 cho đến hệ thống tác chiến điện tử hiện đại nhất; không quân với Su-30SM và một Hạm đội đang trấn giữ ở Địa Trung Hải.
Trong trận không kích phủ đầu ngày 30/9, Nga tập trung nhiều vào Homs, Hama, Latakia…là những vùng quanh Damascus để tiêu diệt và làm tan rã lực lượng đối lập chống Assad đang chiếm cứ tại đây nhằm mục tiêu cao nhất là tạo ra một vùng lãnh thổ thống nhất không bị tình cảnh “da báo” cho chính quyền Assad ở phía Tây đất nước.
May mắn cho IS là không có mặt tại đây, nhưng với Nga thì bất kể lực lượng nào ở khu vực này cũng bị không kích, cũng cần phải tiêu diệt toàn bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật căn cứ…để hỗ trở cho Assad thống nhất lãnh thổ phía Tây, làm bàn đạp cho trận quyết chiến chiến lược giải phóng Aleppo.
Khách quan, phải công nhận Mỹ tố Nga chỉ không kích lực lượng “ôn hòa” trong đòn phủ đầu 30/9 để giúp Assad là đúng, chính xác.
Vậy thì Mỹ trả đũa như cách của ngài J.McCain là không kích vào quân Assad bằng cách nào đây khi Nga đã tính sẵn, tạo ra một chiếc ô che toàn bộ cho Assad tại khu vực phía Tây? Đừng có đùa với Karasukha-4 và S-400.
Rốt cuộc, tại Syria hiện nay, Mỹ đang thực hiện một sách lược rất khôn khéo kiểu của Trung Quốc là “thao quang dưỡng hối” tức “giấu mình chờ thời”. Mỹ biết rằng, Nga sớm muộn gì cũng phải kết thúc chiến dịch quân sự của mình nhường chỗ cho một giải pháp chính trị, vì thế, Mỹ đang cố tạo lực lượng để “ăn chia”.

Với Nga hay bất kỳ quốc gia nào, mở chiến dịch quân sự dễ dàng bao nhiêu thì kết thúc nó khó khăn bấy nhiêu. Vấn đề kết thúc chiến dịch, chiến tranh, như thế nào là thuộc phạm trù nghệ thuật. Người Nga luôn hiểu, biết “kẻ đi xa nhất là kẻ biết dừng lại đúng lúc nhất”, do đó, Nga sẽ đến lúc dừng chiến dịch. Nhưng khi và chỉ khi trận quyết chiến chiến lược tại Aleppo thắng lợi, ít nhất, toàn bộ khu vực lãnh thổ phía Tây Syria đều thuộc quyền quản lý của chính quyền Assad.

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Syria-bước đột phá chiến lược toàn cầu của Nga (Tiếp theo)

2- Thực chiến cuộc “chiến tranh không tiếp xúc” với Mỹ-NATO.
Dù tác chiến ở chiến trường Syria với quân khủng bố hồi giáo, nhưng bắt đầu của chiến dịch thì Nga phải tác chiến trực tiếp với Mỹ-NATO mà giới quân sự ngày nay gọi nó bằng cái tên cuộc “chiến tranh không tiếp xúc”, tức là tác chiến điện tử.
Tác chiến điện tử hay chế áp điện tử: Là toàn bộ các biện pháp và hoạt động làm tê liệt hoặc hạn chế hiệu quả sử dụng các phương tiện điện tử của đối phương. Gồm 2 hình thức tiến hành là chế áp cứng và chế áp mềm.
Chế áp cứng là phá huỷ một phần hoặc hoàn toàn phương tiện điện tử bằng hỏa lực, bằng xung lực hoặc các năng lượng khác.
Chế áp mềm là sử dụng năng lượng điện từ trường phát xạ hoặc phản xạ lại, đánh lừa điện tử để ngăn cản, loại trừ hoặc làm giảm hiệu quả hoạt động các phương tiện điện tử của đối phương với các biện pháp như gây nhiễu, tao mục tiêu giả… 
Tác chiến điện tử được coi như yếu tố quyết định sự thành bại của cuộc chiến tranh, chiến dịch quân sự.
Trong các cuộc chiến mà Mỹ tiến hành vừa qua thì do đối tượng tác chiến của Mỹ là một quốc gia mà ban đầu có đầy đủ lực lượng quốc phòng, cho nên đòn tấn công đầu tiên để chế áp điện tử là chế áp “cứng”. Mỹ dùng tên lửa hành trình mở màn sau đó tiếp tục dùng không quân không kích để đánh sập hệ thống thông tin chỉ huy, phòng không, không quân của đối thủ nhằm mục đích là làm chủ không phận tác chiến.
Tại Syria thì khác, vì quân khủng bố không có hệ thống phòng không, không quân, cho nên, nhiệm vụ của tác chiến điện tử Nga ngoài việc gây nhiễu phá hoại thông tin liên lạc của quân khủng bố như đã từng tại Ukraine thì đối tượng tác chiến chính của Nga lại là Mỹ-NATO và cũng nhằm mục đích là khống chế làm chủ không phận tác chiến. Chỉ có làm chủ không phận tác chiến thì trên chiến trường Syria Nga mới không bị lực lượng phòng không quân khủng bố đe dọa gây tổn thất như ở Afghanixtan.
Do đối tượng tác chiến của Nga là NATO nên Nga thực hiện đòn chế áp điện tử theo hình thức chế áp “mềm”. Nga đã đưa sang đó các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại để làm “mù” hệ thống “nhìn” của đối phương mà đặc biệt là máy bay của NATO và hệ thông vệ tinh quân sự phục vụ cho trinh sát điện tử của Mỹ. Chúng ta có cảm giác như trong tác chiến điện tử, Nga đã có bí quyết gì mới đi trước Mỹ-NATO và thế giới, một phát minh, hay công nghệ gì đó đột phá trong thế kỷ XXI này khiến họ rất tự tin.
Thực tế chiến trường Syria cho thấy, chế áp mềm của Nga đã rất hiệu quả và thành công trước Mỹ-NATO, luôn khiến Mỹ-NATO từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, có khi hoảng loạn. Tất nhiên là cùng với nó, có sự đóng góp không thể thiếu của yếu tố chiến thuật như nghi binh lừa địch để chuyền hướng chú ý của đối phương…kết hợp biện chứng dưới sự chỉ huy của Bộ tham mưu Nga để khiến cho đối phương không biết, không nghe, không thấy trước và trong chiến dịch.
Có thể nói, tạo ra được một vùng cấm bay bắt đầu từ bờ biển Địa Trung Hải với phạm vi gần 300 km trong lãnh thổ phía Tây Syria mà không sử dụng chế áp cứng, đòi hỏi trình độ khoa học kỹ thuật điện tử rất cao, rất độc đáo, rất lợi hại, mới khiến được máy bay Mỹ-NATO “bật trở lại” khi có ý định vào khu vực cấm bay Nga đã vạch ra, trong khi đó, thế giới này còn có sức mạnh nào có thể làm Mỹ-NATO, thế lực chuyên cấm bay người khác, chùn bước?
Tuy nhiên, liệu Nga có khả năng thực hiện chế áp cúng hay không?
Sự kiện 26 tên lửa hành trình Nga vượt 1500km đến đúng mục tiêu đã khẳng định khả năng chế áp cứng của Nga.
26 quả tên lửa Kalibr bay 1500 km với 142 lần thay đổi vị trí (độ cao, vận tốc, hướng) phóng lên từ 4 tàu nhỏ của Hạm đội Caspian—Hải quân Nga, về ý nghĩa chính trị và quân sự chúng ta sẽ phân tích sau, nhưng điều làm cho chuyên gia quân sự, giới quân sự Trung Đông, Mỹ-NATO…phải nhảy dựng lên, hốt hoảng, hoang mang, chính là ý nghĩa chiến thuật mà Nga đang thách thức và đang…đi trước.
Nga đang nhắm vào một tử huyệt của những con “khủng long Hải quân” từ một quy luật: “Bất kỳ một động vật nào mà nếu chúng không tiến hóa, kịp thích nghi với môi trường thì sẽ bị diệt vong. Những con khủng long thời cổ đại không như những loài vật bé nhỏ khác, do đó, chúng tồn tại chỉ là những “bộ xương hóa thạch”.
Rồi đây, Mỹ-NATO, Trung Quốc sẽ phải nhận thức khác về nghệ thuật tác chiến trên biển, cách sử dụng lực lượng và lâu dài hơn là phải tổ chức, xây dựng lực lượng như thế nào để kịp thích nghi.

Mặc dù vậy, tên lửa hành trình Kalibr chưa phải là khả năng cuối cùng của Nga trong chế áp cứng. Nga còn nhiếu “tùy chọn” từ tàu ngầm, máy bay chiến lược…với các loại tên lửa mạnh hơn Kalibr nhiều lần. Các tùy chọn đó đã được sắp xếp, bố trí để có thế bao trùm Trung Đông, châu Âu và Bắc Mỹ sau vụ phóng Kalibr đã là một thực tế không thể che dấu.

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Syria-bước đột phá chiến lược toàn cầu của Nga


Áp sát vào Thổ Nhĩ Kỳ, một mắt xích trọng yếu trong thế chiến lược của khối NATO, Nga như một lưỡi dao kề vào sườn phía Đông của NATO.
Chiến tranh lạnh kết thúc đồng nghĩa với chiến lược toàn cầu của Liên Xô hoàn toàn sụp đổ. Nga tiếp nhận hậu quả của Liên Xô để lại không gì ngoài cơ sở một tiềm lực quân sự hùng mạnh nhưng thế trận đã khác hẳn. NATO, khối quân sự tồn tại từ thời chiến tranh lạnh vẫn phát triển bằng việc kết nạp những quốc gia Đông Âu và các nước trong Liên Xô cũ. NATO đang tiến về phía Đông để bao vây Nga, quyết “bẻ răng gấu Nga”, xâu xé chiếm đoạt tài nguyên dồi dào, đất đai rộng lớn nước Nga…của Mỹ-NATO.
Đồng thời với ý đồ đó là Mỹ-NATO quyết thay đổi chế độ 7 quốc gia còn sót lại trong chiến tranh lạnh mà trong đó có 2 quốc gia Trung Đông là Iran và Syria.
Mốc son ghi dấu bước ngoặt đặc biệt nhất của nước Nga là sự kiện Trung tá KGB Vladimir Putin trở thành Tổng thống năm 2000. Đã 15 năm, dưới sự lãnh đạo của Putin, nước Nga đã nhẫn nhục chịu đựng, giấu mình để phát triển kinh tế, đặc biệt là quốc phòng…nhằm phá vỡ thế kìm kẹp của NATO, lấy lại uy thế của một cường quốc quân sự nhất nhì thế giới.
Cho đến trước năm 2014, Mỹ-NATO làm mưa làm gió trên chiến trường Trung Đông. Tấn công Iraq, tấn công Lybia và ra điều kiện ngang ngược, phi lý, phi pháp cho Tổng thống Bashar Al-Assad của Syria phải ra đi…khiến Trung Đông rơi và hỗn loạn, tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư, tị nạn đầy đau thương.
Đó cũng là khoảng thời gian Nga chỉ phòng thủ trước NATO. Liều thuốc “nắn gân Nga” tại Gruzia chưa đủ độ, Mỹ-NATO dùng “đòn đánh sở trường” tại Ukraine (Cách mạng màu, bạo loạn lật đổ chính quyền) để đẩy Nga ra khỏi Biển Đen.
Bắt đầu từ đây, giai đoạn phản công vào Mỹ-NATO của Nga bắt đầu.
Trên chiến trường Syria
Mục tiêu của Mỹ-NATO đặt ra tại Syria không khác gì Lybia, song chiến thuật thì khác. Đó là Mỹ lấy danh nghĩa tấn công IS, thành lập liên minh 60 quốc gia không kích vào Syria, hỗ trợ cho lực lượng đối lập thân Mỹ, mượn tay IS…nhằm mục đích cuối cùng là lật đổ chính quyền Assad.
Ngay sau khi đã “đóng băng” cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga đã chọn thời điểm thích hợp và bằng tất cả nguồn lực sức mạnh đè nén trong thập kỷ qua, Nga đã trực tiếp can thiệp quân sự vào Syria.
Đây là lần đầu tiên Nga tác chiến ngoài lãnh thổ không chỉ tấn công tiêu diệt các loại khủng bố (LIH) mà còn phản công vào Mỹ-NATO.
Đòn tấn công tiêu diệt các loại khủng bố…như thế nào thì đã rõ. Ở đây chúng ta quan tâm đến vấn đề là Nga đã phản công Mỹ-NATO như thế nào trên chiến trường Syria.
1-    Bố trí thế trận theo hướng tấn công.
Có thể nói trước đây Nga hoàn toàn bị động, chống đỡ, trước thế trận của Mỹ-NATO, Nga chỉ mới khôi phục lại một số tuyến tuần tra của máy bay chiến lược nhưng chưa triển khai lực lượng để tấn công trên các vùng chiến lược. Việc triển khai lực lượng ở Syria cho phép Nga áp sát vào sườn phía Đông của NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thuộc khối NATO có lực lượng lớn nhất sau Mỹ, bằng 2 căn cứ xuất phát tấn công rất hiểm, lợi hại, là Latakia và Tartus, chỉ cách Thổ Nhĩ Kỳ 30km.
Điều thú vị là, khi các nước như Ba Lan, vùng Bantic thuộc khối NATO đang lo lắng chuyện Nga tấn công, “xâm lược”, Mỹ-NATO đang điều lực lượng đến đó thì đột ngột xuất hiện một lưỡi dao sắc bén kề sát vào sườn phía Đông của khối NATO.
Nga, trong sách lược đối ngoại quân sự sẽ không bao giờ từ bỏ sự ủng hộ giúp đỡ lực lượng người Kurd gây áp lực mạnh với Thổ Nhĩ Kỳ và nếu như có cuộc chiến tranh nóng, thông thường, xảy ra giũa Nga và Mỹ-NATO thì Thổ Nhĩ Kỳ là mặt trận trọng yếu. Mất Thổ Nhĩ Kỳ, NATO hoàn toàn lộ sườn phía Đông trong khi chân trái, trước của “gấu Nga” được tự do ở hướng đó.
Từ chỗ chủ quan, coi Nga bị mắc kẹt trong khủng hoảng Ukraine, Mỹ-NATO đã quá sai lầm khi lợi dụng con bài IS để làm sụp đổ Assad, coi Syria như “đồ chơi trong túi” nên tạo ra những lỗ hổng chiến lược trọng yếu mà Nga đã “chiếm quyền kiểm soát” tình hình khi nhanh chóng triển khai lực lượng chiếm các lỗ hổng chiến lược đó. Cụ thể, khi Nga tuyên bố đòn tấn công phủ đầu mở màn chiến dịch không kích thì lực lượng Hải quân, Không quân Nga đã tạo ra một thế trận khép kín, liên hoàn, trên không cũng như trên biển không thể đảo ngược. Nga tung ra lực lượng mạnh, với trang bị vũ khí tối tân, hiện đại, mới, khiến cho giới quân sự Mỹ-NATO từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và cuối cùng là hốt hoảng.
Vùng biển phía Đông Địa Trung Hải, một hạm đội Nga đang án ngữ kết hợp với lực lượng không quân trên căn cứ Latakia đã tạo ra một vùng cấm bay từ 100 đến 250 km. Cùng với việc bố trí hệ thống phòng không hiện đại trên đất liền mà Nga đưa sang, đúng như viên tướng Tư lệnh NATO đã nhận định, rằng, “Nga đưa hệ thống phòng không hiện đại sang Syria không phải để chống IS, vì IS không có không quân mà để chống chúng ta”, người Nga ít nhất đã thiết lập một vùng cấm bay bảo vệ được lãnh thổ chính quyền Damascus mà không quân Mỹ, liên minh không thể lợi dụng không kích IS để làm hại quân đội Assad, Hezbollah, dân quân người Kurd. Thượng nghị sỹ Mỹ, ông Jon Mc Cain đe dọa “nếu Nga tấn công quân “ôn hòa” thì Mỹ trả đũa bằng không kích quân Assad là đã quá muộn khi Nga đã lường trước.
NATO phải họp khẩn khi máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ chỉ mấy giây và một MIG-29 được cho là của Nga quấy phá, làm mù hệ thống Radar của 8 máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ…không phải là chuyện đơn giản chỉ liên quan đến Syria mà là chuyện sống còn khi mắt xích trọng yếu của NATO là Thổ Nhĩ Kỳ bị đe dọa. Té ra, các nước vùng Bantic không gì so với Thổ Nhĩ Kỳ về vai trò, vị trí chiến lược
2- Thực chiến cuộc “chiến tranh không tiếp xúc” với Mỹ-NATO.

Cửa thoát hiểm của Nga trên chiến trường Syria


Hỗ trợ tối đa cho lực lượng mặt đất giành chiến thắng, thành lập một chính phủ liên minh và một khu tự trị cho người Kurd trong một nhà nước Syria thống nhất là kết quả có hậu của chiến dịch quân sự Nga tại Syria.
Một chiến dịch quân sự lớn của Nga tại Syria đã được tổ chức thực hiện 2 tuần nay với những tình huống, diễn biến “sốc và sợ hãi” mà thế giới đã chứng kiến. Nhưng một vấn đề là “điểm dừng” của chiến dịch quân sự là đâu, nghĩa là yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu (quân sự, chính trị) đạt được của chiến dịch mà Nga đặt ra là gì, đạt được đến đâu là kết thúc chiến dịch…thì đã đến lúc khiến rất nhiều người quan tâm bởi đó chính là cửa thoát hiểm của Nga trên chiến trường Syria.
Một vị tướng Nga, trước khi mở màn chiến dịch, tuyên bố, chỉ cần 2 tháng là Nga sẽ quét sạch IS, lúc đó, đương nhiên, tuyên bố đó đã được coi là “hỏa lực mồm”. Nga cũng tuyên bố (nhưng không chính thức) rằng, chiến dịch quân sự chỉ thực hiện trong 3-4 tháng.
Cũng như Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ tuyên bố cần 18 tháng là bình định xong miền Nam Việt Nam…thì tại Syria, Nga cũng đang đụng vào một khối bùng nhùng với rất nhiều phe phái lực lượng…do đó, Nga như Mỹ tại Việt Nam hay như chính Liên Xô tại Afghanixtan vẫn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, căn cứ vào sự điều động lực lượng, bố trí lực lượng, sử dụng lực lượng và diễn biến chiến dịch của Nga trên chiến trường Syria thì có vẻ như mục tiêu chiến dịch quân sự mà Kremlin đề ra bước đầu đã rất trôi chảy và thời gian thực hiện chiến dịch 3-4 tháng chắc chắn phải thành sự thật vì từ tháng 2-4/2016 là mùa những cơn bão cát ở Syria.
Mở một chiến dịch quân sự tầm cỡ như Nga vào Syria để tấn công các lực lượng khủng bố mà Nga cấm hoạt động (LIH), cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng. Nga xác định IS và các tổ chức khủng bố khác có chừng 70.000 tên, trong đó có chừng 5.000 tên người Nga, vì thế, nếu Syria bị thất thủ bởi IS thì sẽ trở thành căn cứ địa nguy hiểm cho những kẻ khủng bố này vào nước Nga, cho nên, việc Nga phải tiêu diệt lực lượng này dù chúng ở đâu, quốc gia nào (theo kiểu Mỹ) là chiến lược sống còn.
Như vậy, tấn công tiêu diệt IS, LIH với Nga không phải là vấn đề nên hay không mà là lúc nào và ra sao mà thôi. Và, do đó, tấn công tiêu diệt IS, LIH là mục tiêu đầu tiên hay giai đoạn 1 của chiến dịch.
Trong giai đoạn 1 của chiến dịch, có 2 điểm nhấn khiến Nga được Trung Đông tôn vinh, coi là quốc gia dẫn đầu chống khủng bố (nhưng bị Tổng thống Nga Putin từ chối hôm qua).
Một là về động cơ, thái độ. Nga tấn công khủng bố “nghiêm túc”, nhưng Mỹ thì “không nghiêm túc”.
Hai là sức mạnh quân sự của Nga trên chiến trường.
Có thể nói, 2 điểm nhấn này đủ dể tạo ra một chấn động địa chính trị, địa quân sự trên toàn Trung Đông.
Do Mỹ “không nghiêm túc” chống IS trong 1 năm qua nên những quốc gia bị IS đe dọa không còn tin Mỹ, đều muốn mời Nga tấn công IS. Đồng thời, với khả năng quân sự của Nga được biểu hiện thông qua các hình thức tác chiến của vũ khí công nghệ cao, rất hiệu quả, đã cho phép họ có sự lựa chọn thay vì duy nhất là Mỹ.
Nga chứng minh hùng hồn cho người Trung Đông thấy rằng, sức mạnh quân sự của Nga không kém Mỹ, không chỉ mỗi vũ khí hạt nhân. Việc Nga phóng 26 quả tên lửa hành trình bay 1.500 km làm rúng động giới quân sự nhiều quốc gia vốn lâu nay coi Mỹ là số 1 cũng mới chỉ là chuyện nhỏ, bởi một hạm đội tàu mặt nước nhỏ chưa phải là tất cả của Nga khi Nga có rất nhiều “tùy chọn” khác từ tàu ngầm, các khu trục tên lửa của các Hạm đội tên tuổi khác. Vì thế, nếu như trước đây phải theo Mỹ vì sợ, dù không thân, không thích…thì ngày nay họ còn có Nga, một thế lực mạnh như Mỹ, để lựa chọn. Iraq, Ai Cập và đặc biệt mấy ngày nay, đồng minh thân cận nhất của Mỹ là Saudi Arabia đang có dấu hiệu xích lại gần Nga về dầu mỏ, quan điểm về Syria, khiến Mỹ sững sờ.
Còn nhớ mấy ngày đầu của cuộc không kích, Saudi Arabia, Qata và Thổ Nhĩ Kỳ gần như tuyên bố thánh chiến với Nga, đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra hung hăng, kích động mạnh… bởi vì họ nghĩ rằng, “quả táo Syria” sẽ rơi vào tay họ khi chiến thắng sắp đến gần. Nhưng sự xuất hiện của Nga đã biến các tính toán của họ nhầm lẫn, Nga đã thay đổi nguyên tắc trò chơi: “Từ giờ trở đi, tất cả phải tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Nếu không tuân thủ, các bạn sẽ nhận được điều gì đó từ Nga” .Và, bằng sức mạnh quân sự, Nga đã, đang và sẽ đánh sập toàn bộ cơ sở hậu cần, kỹ thuật, căn cứ huấn luyện, kho tàng vũ khí, nhiên liệu, trung tâm chỉ huy đầu não của quân khủng bố, đồng thời răn đe có hiệu quả những quốc gia tiếp tay, nuôi dưỡng cho các tổ chức khủng bố bị đánh trước khi chuyển sang giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 của chiến dịch là dùng lực lượng mặt đất để giải quyết chiến trường. Rõ ràng, cuộc tấn công của không quân-vũ trụ Nga, cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình từ tàu mặt nước, dù ấn tượng đến mấy mà không có lực lượng mặt đất tham gia giải quyết khâu cuối cùng trên chiến trường thì cũng coi như không có hiệu quả. Điều đó có nghĩa rằng chiến thắng IS, LIH phụ thuộc vào chiến thắng trên mặt đất, nhưng chiến thắng trên mặt đất đều cần phải có sự hỗ trợ đắc lực của không quân Nga.
Lực lượng mặt đất chính là quân đội của Assad, Hezbollah, dân quân người Kurd và quân tình nguyện Iran…là lực lượng “đóng chiếc đinh cuối cùng vào quan tài” IS, LIH, hạ gục hoàn toàn lực lượng khủng bố Hồi giáo ở phía Bắc Syria.
Trước đòn tấn công bằng hỏa lực mạnh, khủng khiếp như vậy, IS, LIH buộc phải phân tán lực lượng hoặc chỉ có thể tháo chạy sang ẩn náu ở Thổ Nhĩ Kỳ, do đó, đóng chặt biên giới phía Bắc với Thổ Nhĩ Kỳ, chặt đứt dòng tài chính của nó bằng cách chặn đứng việc buôn bán dầu lậu và các kênh chuyển giao vũ khí…là nhiệm vụ trọng điểm của quân đội Assad và Hezbollah và đặc biệt là lực lượng dân quân người Kurd. Chắc chắn biên giới Thổ-Syria sẽ nổi danh với những cuộc giao tranh trong tương lai.
Giai đoạn 3 của chiến dịch là giai đoạn quyết định nhất của chiến dịch, nó được coi như chiến lược thoát hiểm của Nga sau khi phá hủy hoàn toàn tổ chức khủng bố có vũ trang, chính quyền Assad kiểm soát toàn bộ đất nước. Đó là đối thoại chính trị để giải quyết khủng hoảng lâu nay.
Những gì người Mỹ vấp phải ở Afghanistan, Iraq, Libya cho thấy: Từ một góc độ quân sự, họ đã giải quyết được vấn đề: lật đổ chế độ hiện hành. Nhưng không có một suy nghĩ về làm thế nào để xây dựng một cuộc sống yên bình hơn, không ai nghĩ về làm thế nào để giải quyết các vấn đề về giải pháp chính trị nên tạo ra một sự hỗn loạn mà thế giới đã chững kiến. Do tư tưởng chiến lược với Trung Đông của Nga khác Mỹ nên đã rút kinh nghiệm
Để chuẩn bị cho giai đoạn 3 này, Nga đang tích cực hợp tác với Assad, tuyên bố rằng đã sẵn sàng cho cuộc đối thoại quốc gia rộng lớn với phe đối lập chính danh như “Quân đội Syria Tự do”. Ông Assad thậm chí còn sẵn sàng từ chức Tổng thống, nếu có yêu cầu của người dân Syria. Tuy nhiên, ông Assad sẽ có ích cho sự thống nhất của Syria trong nhiều năm nữa mới kết thúc sứ mệnh chuyển tiếp chính trị của mình.
 Một chính phủ Syria hình thành từ chính quyền Assad, lực lượng đối lập “chính danh” và một khu vực tự trị người Kurd trong một nhà nước Syria thống nhất là kết thúc có hậu cho chiến dịch quân sự của Nga tại Syria.




Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Tình thế cuộc đối đầu Nga-Mỹ trên chiến trường Syria


Điều thú vị là cả hai, Nga và Mỹ đều cùng một lý do chính đáng là chống IS để can thiệp trực tiếp vào Syria.
Thực tế sau 1 năm, kể từ tháng 9/2014, cuộc không kích chống “Nhà nước hồi giáo” (IS) của liên minh 60 quốc gia do Mỹ đứng đầu đã thất bại ở cả 3 mục tiêu.
Mục tiêu chủ yếu đầu tiên là làm sụp đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Riêng mục tiêu này, Mỹ và đồng minh đã tiến hành từ năm 2011, đã 4 năm cho đến hiện giờ, thế nhưng như chúng ta đã thấy, thay vì ra điều kiện ông Assad phải ngay lập tức ra đi, thì ông Assad vẫn chưa ra đi và “phải ra đi nhưng không phải ngay bây giờ”…
Mục tiêu thứ 2 là xây dựng một lực lượng đủ mạnh, đủ uy tín chính trị để tiếp quản khi chính quyền Assad sụp đổ.
Chúng ta đã từng ngạc nhiên về sức mạnh, ý chí, của một nhà nước, quân đội do Mỹ xây dựng nên tại Iraq khi chỉ với 10.000 quân ở thuở mới ban đầu, lực lượng IS cũng đã đuổi đội quân gần 100.000 người của chính quyền Iraq chạy dài đến Baghdad, thế nhưng, so với việc xây dựng, đào tạo “Quân đội Syria Tự do” của Mỹ cho một Syria tương lai…thì vẫn chưa là gì, nghĩa là quân đội của Iraq vẫn còn hiệu quả chán, còn hùng mạnh chán.
Như vậy, hiện tại, Mỹ không có một lực lượng nào đủ khả năng đối trọng với chính quyền hiện hành ngoài kẻ thù là IS, Nusra-al Qaeda và Assad.
Mục tiêu thứ 3 là tiêu diệt IS.
 Không cần biết vì sao, chỉ thấy rằng IS ngày càng phát triển hùng mạnh, nguy cơ đe dọa an ninh toàn khu vực và thế giới thì chứng tỏ gần 7.000 cuộc không kích của Mỹ để chống IS là thất bại, như “ném đá ao bèo”.
Lực lượng IS và lực lượng Nusra-al Qaeda chiếm gần 70% lãnh thổ Syria, nguy cơ một “Nhà nước hồi giáo IS” ra đời là hiện thực và cuộc di cư, tị nạn lớn nhất kể từ WW2 đã diễn ra khiến châu Âu lao lý…Đây là điều kiện chính trị thuận lợi nhất để Nga can thiệp trực tiếp, công khai, trên danh nghĩa chống IS (như Mỹ) vào Syria.
Có thể nói, Syria là một đất nước có vị trí chiến lược tại Trung Đông, nằm phía Đông Địa Trung Hải gần kênh đào Sue của Ai Cập, là đồng minh còn lại của Nga ở Trung Đông. Vì thế Nga quyết giữ, do đó bảo vệ bằng được chính quyền của Tổng thống Assad, còn Mỹ và NATO quyết chiếm bằng việc lật đổ ông Assad. Điều thú vị là cả hai, Nga và Mỹ đều cùng một lý do chính đáng là chống IS.
Trong cuộc đối đầu này, Nga có 2 lợi thế lớn mà nó có tính quyết định thành bại cuộc chiến:
Thứ nhất là Nga có 2 căn cứ quân sự Hải quân và Không quân ngay tại Syria. Từ 2 căn cứ này, Nga có thể triển khai hoạt động quân sự ngay và luôn thay vì như Mỹ phải mượn căn cứ không quân tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ hai là, nếu như thực tế cho thấy, giải quyết chiến trường chỉ có thể bằng “lực lượng mặt đất” thì Nga có lực lượng mặt đất là quân đội Syria của Tổng thống Assad trung thành, thiện chiến, cộng với đội quân người Kurd, Hezbollah và quân đặc nhiệm Iran. Khi Nga trực tiếp vào Syria đã khiến quân đội Syria phấn chấn, tinh thần lên cao, ngược lại quân đối lập đâu đó đã hoảng loạn, họ biết rằng, mức độ ác liệt không như trước. Trong khi đó Mỹ chỉ lợi dụng IS và quân nổi dậy Syria để lật đổ chính phủ hiện hành, còn lực lượng mặt đất của Mỹ chỉ có lực lượng “Quân đội Syria tự do” như ta đã biết, lực lượng này chỉ biết đầu hàng và dâng vũ khí cho IS và Nusra-Al Qaeda khi về nước.
Đáng tiếc là liên minh do Mỹ đứng đầu không một ai dám đưa quân đội của mình đến SyriaIraq để tác chiến trực tiếp với IS cho nên Nga có lợi thế tuyệt đối về điều quyết định này.
Việc Nga xuất hiện, can thiệp tại Syria khiến Mỹ không ngờ và lúng túng.
Không ngờ vì cho rằng Nga đang bị kìm chân ở Ukraine, Nga đang “bị thương” trước cuộc trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây.
Lúng túng là không chấp nhận Nga vào Liên minh chống IS và Nusra-al Qaeda thì Nga cũng tự thành lập liên minh riêng để chống IS. Còn nếu chấp nhận Nga, có nghĩa là Mỹ “vô tình” bảo vệ chế độ Assad.
Vì Mỹ không có lý do gì để ngăn cản Nga chống IS, do đó, không kích IS với Nga chỉ là vấn đề thời gian. Cho nên, trong những điều tệ hại thì Mỹ sẽ phải chọn điều ít tệ hại nhất, đó là, đồng ý để Nga gia nhập liên minh chống IS và ra giá với Nga trong chính quyền Syria tương lai, nghĩa là coi chính quyền hiện hành của ông Assad là chuyển tiếp, ông Assad phải ra đi nhưng không phải bây giờ.
Thỏa hiệp này sẽ làm “tan nát cõi lòng” những quốc gia Trung Đông có ý muốn lật đổ ông Assad và gây hoảng loạn cho IS và Nusra-al Qaeda bởi cuộc không kích bây giờ bản chất đã khác.
Liệu Mỹ và IS có biết câu câu chuyện ngụ ngôn “Con chó và người đi săn”, rằng, “khi người đi săn cảm thấy con chó không còn tác dụng thì người đi săn phải biết ăn thịt chó” hay không? Liệu, Mỹ trong thế bí, sẽ bất chấp,  biến IS thành “lực lượng mặt đất” của mình hay không? Thời gian sẽ trả lời.

Với Nga tại Syria đã có đủ lợi thế về chính trị, quân sự, tuy nhiên, tiêu diệt và làm tan rã IS, một lực lượng đã được trưởng thành, đủ các thành phần vũ khí trang bị như xe tăng, đại bác, tên lửa… không phải là chuyện đơn giản như nói. Để không bị sa lầy thì nghệ thuật tác chiến, tìm ra các tử huyệt trên chiến trường Syria phải như thế nào…là một câu chuyện khác của Bộ Tham mưu quân đội Liên bang Nga.

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

IS nên cẩn trọng, Nga chứ không phải Mỹ!

Ngày 14-9 vừa qua, các hãng tin phương Tây đưa tin, Nga đã đưa 7 chiếc xe tăng T-90 kèm với một số loại pháo đến khu vực sân bay Latakia, Syria. Khoảng 200 lính thủy đánh bộ Nga cũng được điều động tới sân bay nói trên và xây dựng các khu nhà tạm, một trạm kiểm soát không lưu di động và một hệ thống phòng không. Và rồi mới đây Mỹ phanh phui vụ Nga đưa tiếp 4 trực thăng chiến đấu hiện đại sang Syria…
Chuyện đó thì không có gì bất ngờ bởi Nga công nhận việc viện trợ vũ khí trang bị cho chính quyền Tổng thống Assad là “truyền thống lâu đời” mà không phải bây giờ. Có điều trong tình thế Syria bị nguy kịch bởi các vụ không kích của liên quân và các cuộc tấn công của quân khủng bố IS, lực lượng đối lập, được sự hỗ trợ của nước ngoài mạnh mẽ thì điều đó mới khiến ta quan tâm.
Ngày 16/9, Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bashar Ja'afari cho rằng Nga cần tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.
Ngày 17/9, Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem tuyên bố chính quyền Damascus có thể sẽ đề nghị Nga triển khai các lực lượng quân sự trên lãnh thổ nước này trong trường hợp cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ. Hiện nay Syria vẫn đang làm chủ tình hình và vấn đề cần nhất chính là đạn dược và các loại khí tài hiện đại để đủ năng lực đối phó với các loại vũ khí tiên tiến mà các nhóm khủng bố đang sử dụng.
Đây là những đề nghị cực kỳ nhạy cảm đồng thời là một cú sốc sợ hãi cho lực lượng IS trên lãnh thổ Syria.
Với khả năng không kích “ngay và luôn” của không quân Mỹ thì lực lượng IS “diễu hành” như này là tự sát.
Với khả năng không kích “ngay và luôn” của không quân Mỹ thì lực lượng IS “diễu hành” như này là tự sát.
Đối đầu với Nga là đánh nhau thật chứ không phải đánh trận giả như với Mỹ và liên quân lâu nay. Không có cảnh quân khủng bố mà hành quân trên xe Toyota cờ dong trống mở đi hàng trăm km mà vẫn vô sự.
Khả năng không kích của Nga có thể không “ngay và luôn” như Mỹ, nhưng kinh nghiệm tiêu diệt khủng bố tại Chechnya và sự phát triển vũ khí Nga, đặc biệt, quyết tâm chiến đấu của Nga khác Mỹ.
Hình thức tác chiến: không kích Nga+lực lượng bộ binh Syria+vũ khí Nga+cố vấn Nga, chắc chắn sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho IS.

Giờ đây, nếu như khi Nga và Iran tham gia không kích chống IS (không nằm trong liên minh do Mỹ chỉ huy) thì cuộc chơi địa chính trị tại Trung Đông đã đi vào thực chất hơn. 
IS nên cẩn trọng, đối đầu với Nga chứ không phải với Mỹ.

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Ai phải nói lời "xin lỗi”?


Nếu xin lỗi mà Mỹ rút 37 ngàn quân khỏi Hàn Quốc và Bắc-Nam Triều Tiên thống nhất, hòa bình thì Bắc Triều Tiên có thể xin lỗi hàng ngàn lần.

Mỹ nợ Triều Tiên…ngàn lời xin lỗi!
Hầu hết mọi người dân Mỹ đều coi Triều Tiên là một quốc gia hiếu chiến, hung hăng, đe dọa an ninh toàn cầu và sau ngày 9/11/2001 thì Mỹ lại đưa Triều Tiên vào “trục ma quỷ” như một “nhà nước bất hảo”…Đó là “thành công” lớn của hệ thống truyền thông khổng lồ của Mỹ và PT khi có thể biến đen thành trắng, xấu thành tốt…theo ý muốn khiến cho ít người biết rằng, chính Mỹ mới là kẻ phạm tội “diệt chủng” dân tộc Triều Tiên trong cuộc chiến từ năm 1950-53.
Tướng Curtis LeMay, người đứng đầu Bộ tư lệnh Không quân Chiến lược trong chiến tranh Triều Tiên, nói với báo The New Yorker vào năm 1995: “Trong một khoảng thời gian 1-3 năm hay lâu hơn, chúng tôi đã phá hủy 78 thành phố và hàng ngàn làng mạc Bắc Triều Tiên cùng với chừng 20% dân số (bị giết)”. Theo ông ta, “không có thường dân vô tội, bởi đối tượng tác chiến của không quân Mỹ là tất cả” và do đó, ông ta “không bị ám ảnh, phiền hà, động lòng trắc ẩn khi sát hại bất kỳ người dân Bắc Triều Tiên nào khi ném bom”. Sau khi san bằng các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng thành thị, máy bay ném bom của Mỹ phá hủy các đập thủy điện và thủy lợi ở giai đoạn sau của cuộc chiến, gây lũ lụt ở đất nông nghiệp và cây trồng bị phá hủy.
Có thể nói không có một quốc gia nào có tỷ lệ dân số bị chết trong chiến tranh cao như Triều Tiên. Không quân Mỹ cùng với B-29 bay vào Bắc Triều Tiên rải thảm bom cùng với bom napal như vào chỗ không người, tha hồ giết, phá một cách không thương tiếc mà không có sự đánh trả.
Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, Mỹ mất 0,32% dân số, Anh mất 0,94%, Pháp mất 1,35%, Trung Quốc mất 1,89% và Bắc Triều Tiên là 30% dân số (Nguồn tin chính phủ Hàn Quốc ước tính có đến 1.550.000 dân thường bị thiệt mạng).
Diệt chủng được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về phòng chống và trừng phạt các tội phạm diệt chủng năm 1948 như sau:
Sự phá hủy có chủ ý và có hệ thống, toàn bộ hoặc một phần, của một dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, hoặc quốc gia".  Theo đó, Công ước đã liệt kê năm hành động sau được coi là hành động diệt chủng: sát hại các thành viên của nhóm người đó; gây nên những tổn hại nghiêm trọng về thể xác và tinh thần đối với các thành viên của nhóm người đó; cố tình buộc nhóm người đó phải chịu những điều kiện sống được tính toán nhằm gây nên sự tiêu vong toàn bộ hoặc một phần nhóm người đó; áp đặt các biện pháp nhằm ngăn chặn việc sinh đẻ trong nhóm người đó; dùng vũ lực chuyển trẻ em trong nhóm người đó sang một nhóm khác”.
Như vậy, nếu như trong sự kiện Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản là không phạm tội diệt chủng thì trong cuộc chiến tranh Triều Tiên toàn bộ dân thường là mục tiêu của các vụ đánh bom có ​​chủ ý và không ngừng, nhằm phá hủy và giết chết một nhóm quốc gia, đó là hành vi diệt chủng.
Chưa có một lời xin lỗi, thậm chí “lấy làm tiếc” của Mỹ với Bắc Triều Tiên. Phải chăng do cuộc chiến đó vẫn đang còn tiếp diễn dưới sự chỉ huy của viên tướng 4 sao Mỹ làm tư lệnh và viên tướng 4 sao Hàn Quốc làm phó đối đầu với quân đội Bắc Triều Tiên?
Tổng thống Park Geun-hye và Tư lệnh lực lượng kết hợp CFC Tướng James D. Thurman (người đứng thứ hai từ trái), Phó chỉ huy CFC Tướng Kwon Oh-sung (người đứng thứ hai từ bên phải).
Tổng thống Park Geun-hye và Tư lệnh lực lượng kết hợp CFC Tướng James D. Thurman (người đứng thứ hai từ trái), Phó chỉ huy CFC Tướng Kwon Oh-sung (người đứng thứ hai từ bên phải).

 Tại sao Bắc Triều Tiên không nói “lời xin lỗi”?
Hai miền Nam-Bắc Triều Tiên lại một lần nữa được Hàn Quốc đưa đến miệng hố chiến tranh khi Hàn Quốc yêu cầu Bắc Triều Tiên phải xin lỗi trong vụ 2 lính Hàn Quốc bị vấp mìn trên giới tuyến. Sau 43 giờ đàm phán, khi Hàn Quốc chấp nhận “lấy làm tiếc” của Bắc Triều Tiên như “lời xin lỗi” thì kíp nổ chiến tranh được tháo ra, quân đội mỗi bên về nơi tập kết… thì đột nhiên tình hình nóng trở lại khi Bắc Triều Tiên khẳng định là chỉ “lấy làm tiếc” chứ không nói lời “xin lỗi” như tuyên bố của Hàn Quốc khai thác, tuyên truyền.
Việc Bắc Triều Tiên không xin lỗi mà chỉ lấy làm tiếc là đúng mức độ và hợp logic.
Đã từng có “sự kiện vịnh Bắc Bộ”; đã từng có vụ bắn rơi máy bay gần 300 người thiệt mạng tại Ukraine…thì 2 người lính Hàn bị thương bởi mìn là chuyện quá nhỏ so với một âm mưu.
Đúng thôi, nếu Bắc Triều Tiên xin lỗi có nghĩa là chính họ đã đặt mìn gây thương tích cho lính Hàn và do đó những tố cáo về hành vi “khiêu khích”, đe dọa Hàn Quốc, “đe dọa an ninh toàn cầu”…của Bắc Triều Tiên mà Mỹ-Hàn đang tô vẽ trước đây…là chính xác, cho nên hành động quân sự của Mỹ-Hàn là tất yếu, minh bạch cho toàn thế giới và dân Hàn Quốc được rõ.
Bắc Triều Tiên tung ra với Mỹ những lời rùng rợn bao nhiêu thì Mỹ càng thích bấy nhiêu bởi 37 ngàn quân Mỹ yên tâm ở lại Hàn Quốc; Mỹ vô tư triển khai các loại vũ khí cho ý đồ chiến lược mà không sợ ai phản đối.
Người ta có thể “khép lại quá khứ” nhưng sự kiện 1950-53 đến nay trên bán đảo Triều Tiên không dừng lại để thành “quá khứ” mà luôn là sự tiếp diễn lúc cao lúc thấp có chủ định.
Làm sao coi là “quá khứ” khi hai bên mới có hiệp định đình chiến và do đó quân đội Bắc Triều Tiên là đối tượng tác chiến trực tiếp của quân đội Mỹ-Hàn đang ở trong tình trạng chiến tranh và tính ra đã có 12 lần dẫn đến tình trạng chiến tranh chuẩn bị bùng nổ? Làm sao coi là quá khứ khi Mỹ-Hàn hàng năm tổ chức các cuộc tập trận lớn để đe dọa CHDCND Triều Tiên? Không những thế, Mỹ và đồng minh lại dở trò cấm vận kinh tế, một chiêu độc ác vô nhân đạo mà người dân vô tội phải “vạ lây”?
Việc Bộ trưởng quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng Bắc Triều Tiên không có cơ hội thắng được Mỹ-Hàn…thì chuyện đó trẻ con thích chơi games cũng hiểu, cũng đoán biết được. Vì thế, Bắc Triều Tiên chưa đến nổi ngốc lại đi khiêu chiến với Mỹ-Hàn, họ muốn có hiệp định hòa bình trên bán đảo, họ muốn không bị cấm vận…nhưng ai cho họ điều đó?
Tình hình đã đến lúc khẳng định rằng, thống nhất 2 miền Nam-Bắc Triều Tiên là còn lâu lắm vì Mỹ không muốn như vậy. Bán đảo Triều Tiên phải là một vùng không có chiến tranh nhưng cũng không có hòa bình và cũng không được ổn định bởi đó là điều Mỹ muốn. Chẳng ai cho anh độc lập, tự do, chẳng ai cho anh thống nhất giang sơn nếu như không dám đấu tranh.
Đến đây chúng ta hơn ai hết mới hiểu được hòa bình, độc lập và giang sơn thống nhất, bắc nam liền một dải…
Kinh tế Việt Nam có thể đang bị tụt hậu so với các quốc gia khác thì bằng nghị lực Việt Nam có thể đề ra kế hoạch 5 năm, mười năm…là đuổi kịp và vượt, nhưng đề ra kế hoạch thống nhất đất nước khi đã bị phân chia 2 miền, khi đã bị ly khai, phiến quân tự tung tự tác…thì ngay Trung Quốc cũng chưa làm được với Đài Loan.