Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

VIỆT NAM MUA GÌ ĐẦU TIÊN KHI MỸ BỎ CẤM VẬN?



Việc hiệp định 123 về hạt nhân dân sự của Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết thì vấn đề dở bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam là vấn đề không thể khác.
Tuy nhiên, khi đó, Mỹ không thể cho không mà Việt Nam phải trả bằng USD. Vấn đề là, muốn, cần thì nhiều, nhưng có tiền để mua hay không mới quan trọng, đặc biệt mua loại vũ khí nào cho phòng thủ hữu hiệu mới là quyết định.
Có lẽ có 2 thứ mà Việt Nam cần nhất mà có nó Việt Nam sẽ có thêm tự tin.
Vũ khí âm thanh chính hiệu Hoa Kỳ.
Trong thông cáo được phát đi vào ngày 16/12/2013, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trợ giúp này đáp ứng trực tiếp các ưu tiên đã được nêu trong Biên bản chung về Hợp tác Hàng hải-Cảnh vệ Duyên hải giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ký ngày 1/10/2013 giữa Thiếu tướng Cảnh sát Biển Việt Nam (VCG) Nguyễn Quang Đạm và Đô đốc Tư lệnh Cảnh vệ Duyên hải Hoa Kỳ (USCG) Robert J. Papp, để nâng cao năng lực của các đơn vị tuần tra biển nhằm triển khai nhanh các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, ứng phó thảm hoạ, và các hoạt động khác, bao gồm cả việc cung cấp 5 tàu tuần tra cao tốc vào năm 2014 cho lực luợng Cảnh sát Biển Việt Nam. Viện trợ cho Việt Nam 5 con tàu tuần tra cao tốc cho lực lượng CSB Việt Nam này chắc chắn không thể thiếu LRAD chính hiệu.
Điều ngạc nhiên thú vị là không hiểu tại sao trên các tàu hiện đại của CSB Việt Nam đều trang bị LRAD của Mỹ, thiết bị có thể tạo ra âm hưởng tối đa 146 dB, cao hơn giới hạn gây đau đớn cho con người (120-130 dB) và gây thủng màng nhĩ.
Đây là vũ khí “phi sát thương” được dùng trên biển để chống hải tặc hữu hiệu nhất mà ít khi và không dùng để giải tán biểu tình. Vì vậy, với Việt Nam, dùng để đối phó với “50.000 vũ khí công nghệ cao” của Trung Quốc trên Biển Đông khi chúng cậy đông, ồ ạt xông vào vùng EEZ đánh bắt trái phép là một sự răn đe khủng khiếp sắp tới. 
Trong sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, có lẽ CSB Việt Nam giấu bài, hoặc LRAD chỉ có ở tàu lớn như 8001, nhưng dẫu sao CSB đã có loại vũ khí này.
Như vậy, vũ khí đầu tiên mà Việt Nam cần ở Mỹ với số lượng nhiều là đây, với chất lượng chính hãng và phạm vi tác chiến lớn hơn. Tất nhiên, Việt Nam vẫn có thể mua vũ khí này từ Pháp, nhưng độ tin cậy không cao vì chưa qua “trận mạc” so với LRAD của Mỹ như đã từng.
Mua 6 chiếc P-3C4 Orion đời mới của Mỹ.
Sự xuất hiện của P-3C4 trên Biển Đông sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc còn hơn cả hạm đội tàu ngầm Việt Nam sắp tiển khai. Rõ ràng, kế hoạch tác chiến của Hạm đội Nam Hải trên Biển Đông buộc phải hoàn toàn thay đổi.
Đây là điều Trung Quốc không bao giờ muốn, rất lo ngại, bởi lẽ, khi lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc trên Biển Đông bị “phơi lưng” thì không những có lợi cho Việt Nam (đương nhiên) mà Mỹ vẫn được lợi khi  lực lượng săn ngầm của Mỹ không có điều kiện hoạt động tại đây.
Trong khi đó, chống ngầm trong phòng thủ biển của Việt Nam cực kỳ quan trọng, mang tầm chiến lược. Phải xây dựng 4 lực lượng gồm: mìn, thủy lôi chống ngầm; tàu mặt nước săn ngầm; tàu ngầm chống ngầm và máy bay chống ngầm là then chốt.
Do vậy, không có gì là ngạc nhiên khi Việt Nam có ý định mua của Mỹ hay Nhật Bản loại máy bay này từ trước và nếu thành công thì chắc chắn đây chẳng phải là lần cuối cùng Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam.
Hải quân Việt Nam có 6 chiếc tàu ngầm và cần có thêm 6 chiếc P-3C4 Orion đời mới do Mỹ sản xuất là bảo đảm có một “vùng biển sạch” cần thiết nếu muốn cho nhu cầu tác chiến trên Biển Đông.

Thế là đủ. Trong tay Việt Nam có thêm 2 loại này nữa thì chẳng khác nào Rồng lửa Việt Nam có móng vuốt của Nga và lửa của Mỹ.

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

SỰ KIỆN NGÀY 2/8/1964: HÃY NHỚ LẤY!



Đừng nghi ngờ Việt Nam có dám đánh hay không dám đánh để bảo vệ chủ quyền mà vấn đề là giới hạn của sự chịu đựng Việt Nam đến đâu.
Đêm 31-7-1964, tàu khu trục SS Maddox của Hải quân Mỹ vượt qua vĩ tuyến 17 và ngược lên phía Bắc, tiến vào vùng biển Quảng Bình, sau đó tiếp tục đi sâu vào vùng biển Nghệ An để điều tra hệ thống bố phòng của Hải quân Việt Nam ở ven biển miền Trung. Tàu SS Maddox có lúc đã vào gần bờ tới 5-6 hải lý khiến cho các đài quan sát có thể nhìn rõ số hiệu 731 qua ống nhòm.
Sáng 1-8, tàu SS Maddox bắn vào Hòn Mê, Đèo Ngang của Việt Nam.
Trước sự ngang ngược, khiêu khích trắng trợn, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, ngày 2/8/1964, 3 tàu phóng lôi của Hải quân Việt Nam xuất kích tấn công...
Đây là trận hải chiến đầu tiên của Hải quân non trẻ Việt Nam với Hạm đội 7 Hải quân Mỹ trên Biển Đông.
Kết quả là, sau khi đối đầu với một ý chí quật cường, hành động dũng cảm quyết liệt, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, tàu khu trục SS Maddox đã phải rút chạy ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Và, chiến dịch ném bom của không quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam, một chiến dịch ném bom hung bạo, ác liệt nhất trong lịch sử, hòng đưa dân tộc Việt trở về “thời kỳ đồ đá” mở màn.
Sự kiện ngày 02/8/1964 nói lên điều gì?
Về so sánh lực lượng. Nếu như nói rằng lúc đó, so sánh về lực lượng không quân và hải quân, Mỹ hùng mạnh như thế nào thì không cần đặt ra con số, chỉ biết rằng, Việt Nam chẳng có gì để so sánh với Mỹ. Vùng trời, vùng biển Việt Nam bị Mỹ khống chế, Mỹ như “múa gậy vườn hoang”.
Về tình thế. Mỹ đã lập sẵn kế hoạch và chuẩn bị đầy đủ mọi cơ sở vật chất, kỹ thuật để ném bom miền Bắc Việt Nam. Vấn đề là cần có cớ để ra tay và tàu khu trục SS Maddox được giao thực hiện nhiệm vụ đó. Chúng đã hành động như đã nói trên.
Quyết định của Việt Nam. Hà Nội quá rõ âm mưu này nhưng vẫn quyết định tấn công vào Maddox. Thực ra, đánh đuổi tàu Maddox ra khỏi vùng biển chủ quyền hay thậm chí đánh chìm nó với Việt Nam không phải là điều gì quá to tát, hệ trọng, bởi lẽ, tàu Maddox trong cuộc đối đầu sắp tới của Việt Nam và Mỹ trên bầu trời miền Bắc, chỉ là “con tép riu”, là chuyện nhỏ. Cả miền Bắc Việt Nam phải đối đầu với cuộc tấn công của không lực Mỹ, của hạm đội 7 Hải quân Mỹ mới là hệ trọng, mới là chuyện vô cùng lớn mang tính sống còn.
Việt Nam quyết định tấn công tàu Maddox có nghĩa là chấp nhận cuộc đối đầu đó.
Điều rút ra từ quyết định của Việt Nam là, thứ nhất, về quan điểm quân sự, Hải quân Việt Nam dám đánh bất cứ lực lượng Hải quân nào dù về lý thuyết là không ai dám. Thứ hai, về quan điểm chính trị, đụng đến chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thì dù có bị trở về “thời kỳ đồ đá”, dù phải hy sinh tất cả, dân tộc Việt cũng không bao giờ khuất phục, quyết bảo vệ toàn vẹn giang sơn.
“Dám đánh”, “Không khuất phục trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào”…là tính cách, là nét văn hóa, đã trở thành bản chất, truyền thống, gen di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của dân tộc Việt, quân đội Việt.
Sự chịu đựng của Việt Nam là có giới hạn.
Tình hình Biển Đông thời gian qua và đặc biệt khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong EEZ và thềm lục địa Việt Nam, thì lịch sử có vẻ như lặp lại nhưng hơi trớ trêu khi Mỹ và Trung Quốc đổi vai cho nhau.
Mỹ ủng hộ Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trở về nguyên trạng trước ngày 1/5 thì Trung Quốc lại đang thực thi chiến lược “phi quân sự” để xâm hại chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của Việt Nam với một hành động hung hăng, bất chấp có tính chất khiêu khích trắng trợn, nguy hiểm trên vùng EEZ sâu trong thềm lục địa Việt Nam.. Sự nguy hiểm đến mức một tính toán sai lầm, thiếu kiềm chế của 2 bên thì sẽ gây ra xung đột quân sự lớn. Trung Quốc đang “nắn gân” và thử thách quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Thành phần hiếu chiến, “diều hâu” và các học giả quá khích ở Trung Quốc cứ mở miệng là dạy cho nước này, nước kia một bài học, chắc chẳng quan tâm đến sự kiện ngày 02/8 cách đây 50 năm về trước trên vịnh Bắc Bộ. Nên nhớ rằng, sự kiện ngày 02/8/1964 đến nay vẫn tươi nguyên giá trị.
Đừng nghi ngờ Việt Nam có dám đánh hay không dám đánh để bảo vệ chủ quyền mà vấn đề là giới hạn của sự chịu đựng Việt Nam đến đâu.
Trong lịch sử giữ nước hiện đại, tính đến thời điểm này, chưa lúc nào dân tộc Việt có một quân đội hùng mạnh như vậy. Đã không còn cảnh “gậy tre, chông tre, chống lại sắt thép của quân thù”. Mặc dù vũ khí hiện đại số lượng không nhiều, nhưng chất lượng và địa thế thuận lợi…quân đội Việt Nam đủ sức đương đầu với kẻ thù xâm lược. Do vậy, nếu phải đánh giặc thì đây là lần đánh giặc “nhàn” nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Dám đánh là quyền tự vệ chính đáng, bắt buộc của dân tộc trước quân xâm lược. Dám đánh có nghĩa như lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định rằng, từ “lo sợ” không có trong tư duy quân sự Việt Nam.
Sự chuẩn bị sẵn sàng từ tổ chức, xây dựng, bố trí lực lượng của Quân đội Việt Nam đã chứng tỏ không những quân đội Việt Nam dám đánh mà còn biết đánh để khiến cho kẻ thù phải trả giá đắt.
Vậy thì đâu là giới hạn chịu đựng của Việt Nam?
Việt Nam yêu chuộng hòa bình, quyết không bỏ qua một cơ hội hòa bình nào dù là mỏng manh, vì thế, khi quyết tâm xâm lược của kẻ thù không từ bỏ, bóng dáng của chiến tranh hiện hữu khiến không còn một cơ hội nào cho hòa bình, đó chính là giới hạn chịu đựng cuối cùng của Việt Nam.
Sẽ có người đặt ra câu hỏi trong tình hình căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc thì khi nào Việt Nam “không có một cơ hội nào cho hòa bình”(nghĩa là khi nào Việt Nam sẽ đánh nhau với Trung Quốc)?
Đây là một câu hỏi có tính thời sự mà rất nhiều người quan tâm, nhưng không đúng đối tượng, bởi lẽ, dân tộc Việt, bao đời nay luôn luôn không biết trả lời cho câu hỏi này. Tại sao ư? Nếu như trước tháng 12 năm 1946, nhiều người hỏi rằng, Việt Nam muốn hòa bình nên đã nhân nhượng, vậy nhân nhượng đến bao giờ? Bằng hành động lấn tới với một quyết tâm xâm lược Việt Nam, thì, “lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời đã chính thức kết thúc sự nhân nhượng. Vậy thì ai trả lời câu hỏi này đã rõ, chính là người Pháp.
Vì thế, câu trả lời này muốn biết thì hãy hỏi nhà cầm quyền Bắc Kinh. Họ sẽ có câu trả lời nếu như quyết tâm chiếm biển đảo của Việt Nam là không thể thay đổi, đã leo lên nấc thang cuối cùng.

Tất nhiên, quyết tâm xâm lược là một chuyện, kết quả ra sao lại là chuyện khác. Nếu như Thoát Hoan biết phải chui vào ống đồng, Liễu Thăng biết cửa ải Chi Lăng bị rơi đầu…thì chẳng kẻ nào dám quyết tâm xâm lược Việt Nam. Nhưng, đáng tiếc, đó là một căn bệnh di truyền của những kẻ luôn cậy thế hung hăng, ngang ngược.