Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Đừng có đùa với Karasukha-4 và S-400!


Điều khiến nhiều người tự hỏi là tại sao hơn một năm trời làm mưa làm gió trên vùng trời Syria, nhưng khi Nga xuất hiện thì có vẻ như Mỹ “nhường” không gian tác chiến cho Nga? Chưa hết, Nga xuất hiện thì tất cả lực lượng “con rơi”, “con đẻ” của Mỹ bị Nga “dần cho te tua”, không thương tiếc thì Mỹ chỉ biết tố cáo, phản đối, trong khi sự đáp trả tương xứng của một cường quốc nổi tiếng hung hãn, số 1, lâu nay như Mỹ lại rất mờ nhạt, lén lút?
Chẳng lẽ chính quyền Tổng thống Obama không xót con, xót của, không muốn ngăn cản sự hung hăng của con gấu Nga? Đương nhiên là không.
Nội bộ nước Mỹ đã phản đối nhau, các nghị sĩ, ứng viên tổng thống thì hô hào nào là “phải lập vùng cấm bay ở Syria” (H. Clinton); “Mỹ phải ném bom vào quân Assad nếu Nga ném bom vào lực lượng “ôn hòa” (J.Mc Cain)…khiến ông đương kim Tổng thống Obama phải nổi xung, cho rằng, “ứng viên tổng thống khác với Tổng thống”, rằng, “tuyên bố vùng cấm bay như bà H.Clinton hô hào là trò trẻ con”…
Đúng thế. Chỉ có Tổng thống mới biết và rõ những gì tại Syria. Mỹ có những âm mưu, hành động ở Syria là “không nghiêm túc” vì thế không thể công khai và hành động minh bạch như Nga được.
Mỹ không thể hợp tác với Nga để không kích kẻ thù chung là LIH mà theo logic là hoàn toàn trở thành đồng minh của nhau. Mỹ tố Nga chỉ tập trung không kích vào lực lượng “ôn hòa” mà thay vì IS nhưng khi Putin chỉ trích, yêu cầu Mỹ cho biết lực lượng đó là ai, ở đâu để Nga “tránh” thì Mỹ im lặng. Nga yêu cầu Mỹ chia xẻ thông tin tình báo về IS đang ở đâu để tấn công, Mỹ cũng im lặng. Đến đây, thế giới đều quá dễ hiểu sự im lặng của Mỹ.
Trong khi đó Nga phân biệt lực lượng khủng bố và “ôn hòa” bằng một sự ví von rất hài hước sau đây: “Hiện nay các loại bom đạn của chúng tôi (Nga) sử dụng ở Syria cũng được phân chia thành hai loại thông thường và ôn hòa. Chúng tôi dùng bom đạn thông thường để tiêu diệt khủng bố thông thường và bom đạn ôn hòa để chống khủng bố ôn hòa. Bom đạn thông thường của chúng tôi khác bom đạn ôn hòa cũng tương tự như sự khác nhau giữa khủng bố thường với khủng bố ôn hòa ở Syria vậy thôi. Nghĩa là, hai loại này được sơn màu sơn khác nhau. Một loại được sơn màu sáng hơn, còn loại kia được sơn màu ôn hòa hơn”.
Rõ ràng trong một đất nước như Syria mà tồn tại những hơn 40 tổ chức “đối lập” bắn giết tranh giành nhau… thì đây là những toán trộm cướp, khủng bố, chứ không thể gọi là đối lập đúng nghĩa. Đây là sự hỗn loạn trong một đất nước mà chính quyền hiện hành cần ngăn chặn, dẹp loạn để ổn định tình hình, đất nước. Chính quyền hợp pháp mời Nga không kích, Nga sẵn lòng, quân đội Assad tấn công dẹp loạn là quyền chính đáng của nhà nước Syria…Tất cả các hành động của Mascow, Damascus là hợp luật pháp quốc tế, “danh chính, ngôn thuận”, Mỹ im lặng là phải rồi, khôn nữa là khác.
Vấn đề tại sao Mỹ không lập vùng cấm bay? Ý định của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là đã từ lâu nhưng… Putin của Nga là người thực hiện ý định đó.
Hiện tại, Mỹ-NATO lập vùng cấm bay để cấm bay ai? Cấm Nga chăng? Đúng thế, là trò trẻ con.
Nga đã thần tốc, bất ngờ, tạo lập một vùng bất khả xâm phạm trên bầu trời phía Tây Syria bởi 3 lực lượng: lực lượng phòng không rất mạnh từ S-400 cho đến hệ thống tác chiến điện tử hiện đại nhất; không quân với Su-30SM và một Hạm đội đang trấn giữ ở Địa Trung Hải.
Trong trận không kích phủ đầu ngày 30/9, Nga tập trung nhiều vào Homs, Hama, Latakia…là những vùng quanh Damascus để tiêu diệt và làm tan rã lực lượng đối lập chống Assad đang chiếm cứ tại đây nhằm mục tiêu cao nhất là tạo ra một vùng lãnh thổ thống nhất không bị tình cảnh “da báo” cho chính quyền Assad ở phía Tây đất nước.
May mắn cho IS là không có mặt tại đây, nhưng với Nga thì bất kể lực lượng nào ở khu vực này cũng bị không kích, cũng cần phải tiêu diệt toàn bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật căn cứ…để hỗ trở cho Assad thống nhất lãnh thổ phía Tây, làm bàn đạp cho trận quyết chiến chiến lược giải phóng Aleppo.
Khách quan, phải công nhận Mỹ tố Nga chỉ không kích lực lượng “ôn hòa” trong đòn phủ đầu 30/9 để giúp Assad là đúng, chính xác.
Vậy thì Mỹ trả đũa như cách của ngài J.McCain là không kích vào quân Assad bằng cách nào đây khi Nga đã tính sẵn, tạo ra một chiếc ô che toàn bộ cho Assad tại khu vực phía Tây? Đừng có đùa với Karasukha-4 và S-400.
Rốt cuộc, tại Syria hiện nay, Mỹ đang thực hiện một sách lược rất khôn khéo kiểu của Trung Quốc là “thao quang dưỡng hối” tức “giấu mình chờ thời”. Mỹ biết rằng, Nga sớm muộn gì cũng phải kết thúc chiến dịch quân sự của mình nhường chỗ cho một giải pháp chính trị, vì thế, Mỹ đang cố tạo lực lượng để “ăn chia”.

Với Nga hay bất kỳ quốc gia nào, mở chiến dịch quân sự dễ dàng bao nhiêu thì kết thúc nó khó khăn bấy nhiêu. Vấn đề kết thúc chiến dịch, chiến tranh, như thế nào là thuộc phạm trù nghệ thuật. Người Nga luôn hiểu, biết “kẻ đi xa nhất là kẻ biết dừng lại đúng lúc nhất”, do đó, Nga sẽ đến lúc dừng chiến dịch. Nhưng khi và chỉ khi trận quyết chiến chiến lược tại Aleppo thắng lợi, ít nhất, toàn bộ khu vực lãnh thổ phía Tây Syria đều thuộc quyền quản lý của chính quyền Assad.

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Syria-bước đột phá chiến lược toàn cầu của Nga (Tiếp theo)

2- Thực chiến cuộc “chiến tranh không tiếp xúc” với Mỹ-NATO.
Dù tác chiến ở chiến trường Syria với quân khủng bố hồi giáo, nhưng bắt đầu của chiến dịch thì Nga phải tác chiến trực tiếp với Mỹ-NATO mà giới quân sự ngày nay gọi nó bằng cái tên cuộc “chiến tranh không tiếp xúc”, tức là tác chiến điện tử.
Tác chiến điện tử hay chế áp điện tử: Là toàn bộ các biện pháp và hoạt động làm tê liệt hoặc hạn chế hiệu quả sử dụng các phương tiện điện tử của đối phương. Gồm 2 hình thức tiến hành là chế áp cứng và chế áp mềm.
Chế áp cứng là phá huỷ một phần hoặc hoàn toàn phương tiện điện tử bằng hỏa lực, bằng xung lực hoặc các năng lượng khác.
Chế áp mềm là sử dụng năng lượng điện từ trường phát xạ hoặc phản xạ lại, đánh lừa điện tử để ngăn cản, loại trừ hoặc làm giảm hiệu quả hoạt động các phương tiện điện tử của đối phương với các biện pháp như gây nhiễu, tao mục tiêu giả… 
Tác chiến điện tử được coi như yếu tố quyết định sự thành bại của cuộc chiến tranh, chiến dịch quân sự.
Trong các cuộc chiến mà Mỹ tiến hành vừa qua thì do đối tượng tác chiến của Mỹ là một quốc gia mà ban đầu có đầy đủ lực lượng quốc phòng, cho nên đòn tấn công đầu tiên để chế áp điện tử là chế áp “cứng”. Mỹ dùng tên lửa hành trình mở màn sau đó tiếp tục dùng không quân không kích để đánh sập hệ thống thông tin chỉ huy, phòng không, không quân của đối thủ nhằm mục đích là làm chủ không phận tác chiến.
Tại Syria thì khác, vì quân khủng bố không có hệ thống phòng không, không quân, cho nên, nhiệm vụ của tác chiến điện tử Nga ngoài việc gây nhiễu phá hoại thông tin liên lạc của quân khủng bố như đã từng tại Ukraine thì đối tượng tác chiến chính của Nga lại là Mỹ-NATO và cũng nhằm mục đích là khống chế làm chủ không phận tác chiến. Chỉ có làm chủ không phận tác chiến thì trên chiến trường Syria Nga mới không bị lực lượng phòng không quân khủng bố đe dọa gây tổn thất như ở Afghanixtan.
Do đối tượng tác chiến của Nga là NATO nên Nga thực hiện đòn chế áp điện tử theo hình thức chế áp “mềm”. Nga đã đưa sang đó các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại để làm “mù” hệ thống “nhìn” của đối phương mà đặc biệt là máy bay của NATO và hệ thông vệ tinh quân sự phục vụ cho trinh sát điện tử của Mỹ. Chúng ta có cảm giác như trong tác chiến điện tử, Nga đã có bí quyết gì mới đi trước Mỹ-NATO và thế giới, một phát minh, hay công nghệ gì đó đột phá trong thế kỷ XXI này khiến họ rất tự tin.
Thực tế chiến trường Syria cho thấy, chế áp mềm của Nga đã rất hiệu quả và thành công trước Mỹ-NATO, luôn khiến Mỹ-NATO từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, có khi hoảng loạn. Tất nhiên là cùng với nó, có sự đóng góp không thể thiếu của yếu tố chiến thuật như nghi binh lừa địch để chuyền hướng chú ý của đối phương…kết hợp biện chứng dưới sự chỉ huy của Bộ tham mưu Nga để khiến cho đối phương không biết, không nghe, không thấy trước và trong chiến dịch.
Có thể nói, tạo ra được một vùng cấm bay bắt đầu từ bờ biển Địa Trung Hải với phạm vi gần 300 km trong lãnh thổ phía Tây Syria mà không sử dụng chế áp cứng, đòi hỏi trình độ khoa học kỹ thuật điện tử rất cao, rất độc đáo, rất lợi hại, mới khiến được máy bay Mỹ-NATO “bật trở lại” khi có ý định vào khu vực cấm bay Nga đã vạch ra, trong khi đó, thế giới này còn có sức mạnh nào có thể làm Mỹ-NATO, thế lực chuyên cấm bay người khác, chùn bước?
Tuy nhiên, liệu Nga có khả năng thực hiện chế áp cúng hay không?
Sự kiện 26 tên lửa hành trình Nga vượt 1500km đến đúng mục tiêu đã khẳng định khả năng chế áp cứng của Nga.
26 quả tên lửa Kalibr bay 1500 km với 142 lần thay đổi vị trí (độ cao, vận tốc, hướng) phóng lên từ 4 tàu nhỏ của Hạm đội Caspian—Hải quân Nga, về ý nghĩa chính trị và quân sự chúng ta sẽ phân tích sau, nhưng điều làm cho chuyên gia quân sự, giới quân sự Trung Đông, Mỹ-NATO…phải nhảy dựng lên, hốt hoảng, hoang mang, chính là ý nghĩa chiến thuật mà Nga đang thách thức và đang…đi trước.
Nga đang nhắm vào một tử huyệt của những con “khủng long Hải quân” từ một quy luật: “Bất kỳ một động vật nào mà nếu chúng không tiến hóa, kịp thích nghi với môi trường thì sẽ bị diệt vong. Những con khủng long thời cổ đại không như những loài vật bé nhỏ khác, do đó, chúng tồn tại chỉ là những “bộ xương hóa thạch”.
Rồi đây, Mỹ-NATO, Trung Quốc sẽ phải nhận thức khác về nghệ thuật tác chiến trên biển, cách sử dụng lực lượng và lâu dài hơn là phải tổ chức, xây dựng lực lượng như thế nào để kịp thích nghi.

Mặc dù vậy, tên lửa hành trình Kalibr chưa phải là khả năng cuối cùng của Nga trong chế áp cứng. Nga còn nhiếu “tùy chọn” từ tàu ngầm, máy bay chiến lược…với các loại tên lửa mạnh hơn Kalibr nhiều lần. Các tùy chọn đó đã được sắp xếp, bố trí để có thế bao trùm Trung Đông, châu Âu và Bắc Mỹ sau vụ phóng Kalibr đã là một thực tế không thể che dấu.

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Syria-bước đột phá chiến lược toàn cầu của Nga


Áp sát vào Thổ Nhĩ Kỳ, một mắt xích trọng yếu trong thế chiến lược của khối NATO, Nga như một lưỡi dao kề vào sườn phía Đông của NATO.
Chiến tranh lạnh kết thúc đồng nghĩa với chiến lược toàn cầu của Liên Xô hoàn toàn sụp đổ. Nga tiếp nhận hậu quả của Liên Xô để lại không gì ngoài cơ sở một tiềm lực quân sự hùng mạnh nhưng thế trận đã khác hẳn. NATO, khối quân sự tồn tại từ thời chiến tranh lạnh vẫn phát triển bằng việc kết nạp những quốc gia Đông Âu và các nước trong Liên Xô cũ. NATO đang tiến về phía Đông để bao vây Nga, quyết “bẻ răng gấu Nga”, xâu xé chiếm đoạt tài nguyên dồi dào, đất đai rộng lớn nước Nga…của Mỹ-NATO.
Đồng thời với ý đồ đó là Mỹ-NATO quyết thay đổi chế độ 7 quốc gia còn sót lại trong chiến tranh lạnh mà trong đó có 2 quốc gia Trung Đông là Iran và Syria.
Mốc son ghi dấu bước ngoặt đặc biệt nhất của nước Nga là sự kiện Trung tá KGB Vladimir Putin trở thành Tổng thống năm 2000. Đã 15 năm, dưới sự lãnh đạo của Putin, nước Nga đã nhẫn nhục chịu đựng, giấu mình để phát triển kinh tế, đặc biệt là quốc phòng…nhằm phá vỡ thế kìm kẹp của NATO, lấy lại uy thế của một cường quốc quân sự nhất nhì thế giới.
Cho đến trước năm 2014, Mỹ-NATO làm mưa làm gió trên chiến trường Trung Đông. Tấn công Iraq, tấn công Lybia và ra điều kiện ngang ngược, phi lý, phi pháp cho Tổng thống Bashar Al-Assad của Syria phải ra đi…khiến Trung Đông rơi và hỗn loạn, tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư, tị nạn đầy đau thương.
Đó cũng là khoảng thời gian Nga chỉ phòng thủ trước NATO. Liều thuốc “nắn gân Nga” tại Gruzia chưa đủ độ, Mỹ-NATO dùng “đòn đánh sở trường” tại Ukraine (Cách mạng màu, bạo loạn lật đổ chính quyền) để đẩy Nga ra khỏi Biển Đen.
Bắt đầu từ đây, giai đoạn phản công vào Mỹ-NATO của Nga bắt đầu.
Trên chiến trường Syria
Mục tiêu của Mỹ-NATO đặt ra tại Syria không khác gì Lybia, song chiến thuật thì khác. Đó là Mỹ lấy danh nghĩa tấn công IS, thành lập liên minh 60 quốc gia không kích vào Syria, hỗ trợ cho lực lượng đối lập thân Mỹ, mượn tay IS…nhằm mục đích cuối cùng là lật đổ chính quyền Assad.
Ngay sau khi đã “đóng băng” cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga đã chọn thời điểm thích hợp và bằng tất cả nguồn lực sức mạnh đè nén trong thập kỷ qua, Nga đã trực tiếp can thiệp quân sự vào Syria.
Đây là lần đầu tiên Nga tác chiến ngoài lãnh thổ không chỉ tấn công tiêu diệt các loại khủng bố (LIH) mà còn phản công vào Mỹ-NATO.
Đòn tấn công tiêu diệt các loại khủng bố…như thế nào thì đã rõ. Ở đây chúng ta quan tâm đến vấn đề là Nga đã phản công Mỹ-NATO như thế nào trên chiến trường Syria.
1-    Bố trí thế trận theo hướng tấn công.
Có thể nói trước đây Nga hoàn toàn bị động, chống đỡ, trước thế trận của Mỹ-NATO, Nga chỉ mới khôi phục lại một số tuyến tuần tra của máy bay chiến lược nhưng chưa triển khai lực lượng để tấn công trên các vùng chiến lược. Việc triển khai lực lượng ở Syria cho phép Nga áp sát vào sườn phía Đông của NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thuộc khối NATO có lực lượng lớn nhất sau Mỹ, bằng 2 căn cứ xuất phát tấn công rất hiểm, lợi hại, là Latakia và Tartus, chỉ cách Thổ Nhĩ Kỳ 30km.
Điều thú vị là, khi các nước như Ba Lan, vùng Bantic thuộc khối NATO đang lo lắng chuyện Nga tấn công, “xâm lược”, Mỹ-NATO đang điều lực lượng đến đó thì đột ngột xuất hiện một lưỡi dao sắc bén kề sát vào sườn phía Đông của khối NATO.
Nga, trong sách lược đối ngoại quân sự sẽ không bao giờ từ bỏ sự ủng hộ giúp đỡ lực lượng người Kurd gây áp lực mạnh với Thổ Nhĩ Kỳ và nếu như có cuộc chiến tranh nóng, thông thường, xảy ra giũa Nga và Mỹ-NATO thì Thổ Nhĩ Kỳ là mặt trận trọng yếu. Mất Thổ Nhĩ Kỳ, NATO hoàn toàn lộ sườn phía Đông trong khi chân trái, trước của “gấu Nga” được tự do ở hướng đó.
Từ chỗ chủ quan, coi Nga bị mắc kẹt trong khủng hoảng Ukraine, Mỹ-NATO đã quá sai lầm khi lợi dụng con bài IS để làm sụp đổ Assad, coi Syria như “đồ chơi trong túi” nên tạo ra những lỗ hổng chiến lược trọng yếu mà Nga đã “chiếm quyền kiểm soát” tình hình khi nhanh chóng triển khai lực lượng chiếm các lỗ hổng chiến lược đó. Cụ thể, khi Nga tuyên bố đòn tấn công phủ đầu mở màn chiến dịch không kích thì lực lượng Hải quân, Không quân Nga đã tạo ra một thế trận khép kín, liên hoàn, trên không cũng như trên biển không thể đảo ngược. Nga tung ra lực lượng mạnh, với trang bị vũ khí tối tân, hiện đại, mới, khiến cho giới quân sự Mỹ-NATO từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và cuối cùng là hốt hoảng.
Vùng biển phía Đông Địa Trung Hải, một hạm đội Nga đang án ngữ kết hợp với lực lượng không quân trên căn cứ Latakia đã tạo ra một vùng cấm bay từ 100 đến 250 km. Cùng với việc bố trí hệ thống phòng không hiện đại trên đất liền mà Nga đưa sang, đúng như viên tướng Tư lệnh NATO đã nhận định, rằng, “Nga đưa hệ thống phòng không hiện đại sang Syria không phải để chống IS, vì IS không có không quân mà để chống chúng ta”, người Nga ít nhất đã thiết lập một vùng cấm bay bảo vệ được lãnh thổ chính quyền Damascus mà không quân Mỹ, liên minh không thể lợi dụng không kích IS để làm hại quân đội Assad, Hezbollah, dân quân người Kurd. Thượng nghị sỹ Mỹ, ông Jon Mc Cain đe dọa “nếu Nga tấn công quân “ôn hòa” thì Mỹ trả đũa bằng không kích quân Assad là đã quá muộn khi Nga đã lường trước.
NATO phải họp khẩn khi máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ chỉ mấy giây và một MIG-29 được cho là của Nga quấy phá, làm mù hệ thống Radar của 8 máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ…không phải là chuyện đơn giản chỉ liên quan đến Syria mà là chuyện sống còn khi mắt xích trọng yếu của NATO là Thổ Nhĩ Kỳ bị đe dọa. Té ra, các nước vùng Bantic không gì so với Thổ Nhĩ Kỳ về vai trò, vị trí chiến lược
2- Thực chiến cuộc “chiến tranh không tiếp xúc” với Mỹ-NATO.

Cửa thoát hiểm của Nga trên chiến trường Syria


Hỗ trợ tối đa cho lực lượng mặt đất giành chiến thắng, thành lập một chính phủ liên minh và một khu tự trị cho người Kurd trong một nhà nước Syria thống nhất là kết quả có hậu của chiến dịch quân sự Nga tại Syria.
Một chiến dịch quân sự lớn của Nga tại Syria đã được tổ chức thực hiện 2 tuần nay với những tình huống, diễn biến “sốc và sợ hãi” mà thế giới đã chứng kiến. Nhưng một vấn đề là “điểm dừng” của chiến dịch quân sự là đâu, nghĩa là yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu (quân sự, chính trị) đạt được của chiến dịch mà Nga đặt ra là gì, đạt được đến đâu là kết thúc chiến dịch…thì đã đến lúc khiến rất nhiều người quan tâm bởi đó chính là cửa thoát hiểm của Nga trên chiến trường Syria.
Một vị tướng Nga, trước khi mở màn chiến dịch, tuyên bố, chỉ cần 2 tháng là Nga sẽ quét sạch IS, lúc đó, đương nhiên, tuyên bố đó đã được coi là “hỏa lực mồm”. Nga cũng tuyên bố (nhưng không chính thức) rằng, chiến dịch quân sự chỉ thực hiện trong 3-4 tháng.
Cũng như Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ tuyên bố cần 18 tháng là bình định xong miền Nam Việt Nam…thì tại Syria, Nga cũng đang đụng vào một khối bùng nhùng với rất nhiều phe phái lực lượng…do đó, Nga như Mỹ tại Việt Nam hay như chính Liên Xô tại Afghanixtan vẫn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, căn cứ vào sự điều động lực lượng, bố trí lực lượng, sử dụng lực lượng và diễn biến chiến dịch của Nga trên chiến trường Syria thì có vẻ như mục tiêu chiến dịch quân sự mà Kremlin đề ra bước đầu đã rất trôi chảy và thời gian thực hiện chiến dịch 3-4 tháng chắc chắn phải thành sự thật vì từ tháng 2-4/2016 là mùa những cơn bão cát ở Syria.
Mở một chiến dịch quân sự tầm cỡ như Nga vào Syria để tấn công các lực lượng khủng bố mà Nga cấm hoạt động (LIH), cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng. Nga xác định IS và các tổ chức khủng bố khác có chừng 70.000 tên, trong đó có chừng 5.000 tên người Nga, vì thế, nếu Syria bị thất thủ bởi IS thì sẽ trở thành căn cứ địa nguy hiểm cho những kẻ khủng bố này vào nước Nga, cho nên, việc Nga phải tiêu diệt lực lượng này dù chúng ở đâu, quốc gia nào (theo kiểu Mỹ) là chiến lược sống còn.
Như vậy, tấn công tiêu diệt IS, LIH với Nga không phải là vấn đề nên hay không mà là lúc nào và ra sao mà thôi. Và, do đó, tấn công tiêu diệt IS, LIH là mục tiêu đầu tiên hay giai đoạn 1 của chiến dịch.
Trong giai đoạn 1 của chiến dịch, có 2 điểm nhấn khiến Nga được Trung Đông tôn vinh, coi là quốc gia dẫn đầu chống khủng bố (nhưng bị Tổng thống Nga Putin từ chối hôm qua).
Một là về động cơ, thái độ. Nga tấn công khủng bố “nghiêm túc”, nhưng Mỹ thì “không nghiêm túc”.
Hai là sức mạnh quân sự của Nga trên chiến trường.
Có thể nói, 2 điểm nhấn này đủ dể tạo ra một chấn động địa chính trị, địa quân sự trên toàn Trung Đông.
Do Mỹ “không nghiêm túc” chống IS trong 1 năm qua nên những quốc gia bị IS đe dọa không còn tin Mỹ, đều muốn mời Nga tấn công IS. Đồng thời, với khả năng quân sự của Nga được biểu hiện thông qua các hình thức tác chiến của vũ khí công nghệ cao, rất hiệu quả, đã cho phép họ có sự lựa chọn thay vì duy nhất là Mỹ.
Nga chứng minh hùng hồn cho người Trung Đông thấy rằng, sức mạnh quân sự của Nga không kém Mỹ, không chỉ mỗi vũ khí hạt nhân. Việc Nga phóng 26 quả tên lửa hành trình bay 1.500 km làm rúng động giới quân sự nhiều quốc gia vốn lâu nay coi Mỹ là số 1 cũng mới chỉ là chuyện nhỏ, bởi một hạm đội tàu mặt nước nhỏ chưa phải là tất cả của Nga khi Nga có rất nhiều “tùy chọn” khác từ tàu ngầm, các khu trục tên lửa của các Hạm đội tên tuổi khác. Vì thế, nếu như trước đây phải theo Mỹ vì sợ, dù không thân, không thích…thì ngày nay họ còn có Nga, một thế lực mạnh như Mỹ, để lựa chọn. Iraq, Ai Cập và đặc biệt mấy ngày nay, đồng minh thân cận nhất của Mỹ là Saudi Arabia đang có dấu hiệu xích lại gần Nga về dầu mỏ, quan điểm về Syria, khiến Mỹ sững sờ.
Còn nhớ mấy ngày đầu của cuộc không kích, Saudi Arabia, Qata và Thổ Nhĩ Kỳ gần như tuyên bố thánh chiến với Nga, đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra hung hăng, kích động mạnh… bởi vì họ nghĩ rằng, “quả táo Syria” sẽ rơi vào tay họ khi chiến thắng sắp đến gần. Nhưng sự xuất hiện của Nga đã biến các tính toán của họ nhầm lẫn, Nga đã thay đổi nguyên tắc trò chơi: “Từ giờ trở đi, tất cả phải tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Nếu không tuân thủ, các bạn sẽ nhận được điều gì đó từ Nga” .Và, bằng sức mạnh quân sự, Nga đã, đang và sẽ đánh sập toàn bộ cơ sở hậu cần, kỹ thuật, căn cứ huấn luyện, kho tàng vũ khí, nhiên liệu, trung tâm chỉ huy đầu não của quân khủng bố, đồng thời răn đe có hiệu quả những quốc gia tiếp tay, nuôi dưỡng cho các tổ chức khủng bố bị đánh trước khi chuyển sang giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 của chiến dịch là dùng lực lượng mặt đất để giải quyết chiến trường. Rõ ràng, cuộc tấn công của không quân-vũ trụ Nga, cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình từ tàu mặt nước, dù ấn tượng đến mấy mà không có lực lượng mặt đất tham gia giải quyết khâu cuối cùng trên chiến trường thì cũng coi như không có hiệu quả. Điều đó có nghĩa rằng chiến thắng IS, LIH phụ thuộc vào chiến thắng trên mặt đất, nhưng chiến thắng trên mặt đất đều cần phải có sự hỗ trợ đắc lực của không quân Nga.
Lực lượng mặt đất chính là quân đội của Assad, Hezbollah, dân quân người Kurd và quân tình nguyện Iran…là lực lượng “đóng chiếc đinh cuối cùng vào quan tài” IS, LIH, hạ gục hoàn toàn lực lượng khủng bố Hồi giáo ở phía Bắc Syria.
Trước đòn tấn công bằng hỏa lực mạnh, khủng khiếp như vậy, IS, LIH buộc phải phân tán lực lượng hoặc chỉ có thể tháo chạy sang ẩn náu ở Thổ Nhĩ Kỳ, do đó, đóng chặt biên giới phía Bắc với Thổ Nhĩ Kỳ, chặt đứt dòng tài chính của nó bằng cách chặn đứng việc buôn bán dầu lậu và các kênh chuyển giao vũ khí…là nhiệm vụ trọng điểm của quân đội Assad và Hezbollah và đặc biệt là lực lượng dân quân người Kurd. Chắc chắn biên giới Thổ-Syria sẽ nổi danh với những cuộc giao tranh trong tương lai.
Giai đoạn 3 của chiến dịch là giai đoạn quyết định nhất của chiến dịch, nó được coi như chiến lược thoát hiểm của Nga sau khi phá hủy hoàn toàn tổ chức khủng bố có vũ trang, chính quyền Assad kiểm soát toàn bộ đất nước. Đó là đối thoại chính trị để giải quyết khủng hoảng lâu nay.
Những gì người Mỹ vấp phải ở Afghanistan, Iraq, Libya cho thấy: Từ một góc độ quân sự, họ đã giải quyết được vấn đề: lật đổ chế độ hiện hành. Nhưng không có một suy nghĩ về làm thế nào để xây dựng một cuộc sống yên bình hơn, không ai nghĩ về làm thế nào để giải quyết các vấn đề về giải pháp chính trị nên tạo ra một sự hỗn loạn mà thế giới đã chững kiến. Do tư tưởng chiến lược với Trung Đông của Nga khác Mỹ nên đã rút kinh nghiệm
Để chuẩn bị cho giai đoạn 3 này, Nga đang tích cực hợp tác với Assad, tuyên bố rằng đã sẵn sàng cho cuộc đối thoại quốc gia rộng lớn với phe đối lập chính danh như “Quân đội Syria Tự do”. Ông Assad thậm chí còn sẵn sàng từ chức Tổng thống, nếu có yêu cầu của người dân Syria. Tuy nhiên, ông Assad sẽ có ích cho sự thống nhất của Syria trong nhiều năm nữa mới kết thúc sứ mệnh chuyển tiếp chính trị của mình.
 Một chính phủ Syria hình thành từ chính quyền Assad, lực lượng đối lập “chính danh” và một khu vực tự trị người Kurd trong một nhà nước Syria thống nhất là kết thúc có hậu cho chiến dịch quân sự của Nga tại Syria.




Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Tình thế cuộc đối đầu Nga-Mỹ trên chiến trường Syria


Điều thú vị là cả hai, Nga và Mỹ đều cùng một lý do chính đáng là chống IS để can thiệp trực tiếp vào Syria.
Thực tế sau 1 năm, kể từ tháng 9/2014, cuộc không kích chống “Nhà nước hồi giáo” (IS) của liên minh 60 quốc gia do Mỹ đứng đầu đã thất bại ở cả 3 mục tiêu.
Mục tiêu chủ yếu đầu tiên là làm sụp đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Riêng mục tiêu này, Mỹ và đồng minh đã tiến hành từ năm 2011, đã 4 năm cho đến hiện giờ, thế nhưng như chúng ta đã thấy, thay vì ra điều kiện ông Assad phải ngay lập tức ra đi, thì ông Assad vẫn chưa ra đi và “phải ra đi nhưng không phải ngay bây giờ”…
Mục tiêu thứ 2 là xây dựng một lực lượng đủ mạnh, đủ uy tín chính trị để tiếp quản khi chính quyền Assad sụp đổ.
Chúng ta đã từng ngạc nhiên về sức mạnh, ý chí, của một nhà nước, quân đội do Mỹ xây dựng nên tại Iraq khi chỉ với 10.000 quân ở thuở mới ban đầu, lực lượng IS cũng đã đuổi đội quân gần 100.000 người của chính quyền Iraq chạy dài đến Baghdad, thế nhưng, so với việc xây dựng, đào tạo “Quân đội Syria Tự do” của Mỹ cho một Syria tương lai…thì vẫn chưa là gì, nghĩa là quân đội của Iraq vẫn còn hiệu quả chán, còn hùng mạnh chán.
Như vậy, hiện tại, Mỹ không có một lực lượng nào đủ khả năng đối trọng với chính quyền hiện hành ngoài kẻ thù là IS, Nusra-al Qaeda và Assad.
Mục tiêu thứ 3 là tiêu diệt IS.
 Không cần biết vì sao, chỉ thấy rằng IS ngày càng phát triển hùng mạnh, nguy cơ đe dọa an ninh toàn khu vực và thế giới thì chứng tỏ gần 7.000 cuộc không kích của Mỹ để chống IS là thất bại, như “ném đá ao bèo”.
Lực lượng IS và lực lượng Nusra-al Qaeda chiếm gần 70% lãnh thổ Syria, nguy cơ một “Nhà nước hồi giáo IS” ra đời là hiện thực và cuộc di cư, tị nạn lớn nhất kể từ WW2 đã diễn ra khiến châu Âu lao lý…Đây là điều kiện chính trị thuận lợi nhất để Nga can thiệp trực tiếp, công khai, trên danh nghĩa chống IS (như Mỹ) vào Syria.
Có thể nói, Syria là một đất nước có vị trí chiến lược tại Trung Đông, nằm phía Đông Địa Trung Hải gần kênh đào Sue của Ai Cập, là đồng minh còn lại của Nga ở Trung Đông. Vì thế Nga quyết giữ, do đó bảo vệ bằng được chính quyền của Tổng thống Assad, còn Mỹ và NATO quyết chiếm bằng việc lật đổ ông Assad. Điều thú vị là cả hai, Nga và Mỹ đều cùng một lý do chính đáng là chống IS.
Trong cuộc đối đầu này, Nga có 2 lợi thế lớn mà nó có tính quyết định thành bại cuộc chiến:
Thứ nhất là Nga có 2 căn cứ quân sự Hải quân và Không quân ngay tại Syria. Từ 2 căn cứ này, Nga có thể triển khai hoạt động quân sự ngay và luôn thay vì như Mỹ phải mượn căn cứ không quân tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ hai là, nếu như thực tế cho thấy, giải quyết chiến trường chỉ có thể bằng “lực lượng mặt đất” thì Nga có lực lượng mặt đất là quân đội Syria của Tổng thống Assad trung thành, thiện chiến, cộng với đội quân người Kurd, Hezbollah và quân đặc nhiệm Iran. Khi Nga trực tiếp vào Syria đã khiến quân đội Syria phấn chấn, tinh thần lên cao, ngược lại quân đối lập đâu đó đã hoảng loạn, họ biết rằng, mức độ ác liệt không như trước. Trong khi đó Mỹ chỉ lợi dụng IS và quân nổi dậy Syria để lật đổ chính phủ hiện hành, còn lực lượng mặt đất của Mỹ chỉ có lực lượng “Quân đội Syria tự do” như ta đã biết, lực lượng này chỉ biết đầu hàng và dâng vũ khí cho IS và Nusra-Al Qaeda khi về nước.
Đáng tiếc là liên minh do Mỹ đứng đầu không một ai dám đưa quân đội của mình đến SyriaIraq để tác chiến trực tiếp với IS cho nên Nga có lợi thế tuyệt đối về điều quyết định này.
Việc Nga xuất hiện, can thiệp tại Syria khiến Mỹ không ngờ và lúng túng.
Không ngờ vì cho rằng Nga đang bị kìm chân ở Ukraine, Nga đang “bị thương” trước cuộc trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây.
Lúng túng là không chấp nhận Nga vào Liên minh chống IS và Nusra-al Qaeda thì Nga cũng tự thành lập liên minh riêng để chống IS. Còn nếu chấp nhận Nga, có nghĩa là Mỹ “vô tình” bảo vệ chế độ Assad.
Vì Mỹ không có lý do gì để ngăn cản Nga chống IS, do đó, không kích IS với Nga chỉ là vấn đề thời gian. Cho nên, trong những điều tệ hại thì Mỹ sẽ phải chọn điều ít tệ hại nhất, đó là, đồng ý để Nga gia nhập liên minh chống IS và ra giá với Nga trong chính quyền Syria tương lai, nghĩa là coi chính quyền hiện hành của ông Assad là chuyển tiếp, ông Assad phải ra đi nhưng không phải bây giờ.
Thỏa hiệp này sẽ làm “tan nát cõi lòng” những quốc gia Trung Đông có ý muốn lật đổ ông Assad và gây hoảng loạn cho IS và Nusra-al Qaeda bởi cuộc không kích bây giờ bản chất đã khác.
Liệu Mỹ và IS có biết câu câu chuyện ngụ ngôn “Con chó và người đi săn”, rằng, “khi người đi săn cảm thấy con chó không còn tác dụng thì người đi săn phải biết ăn thịt chó” hay không? Liệu, Mỹ trong thế bí, sẽ bất chấp,  biến IS thành “lực lượng mặt đất” của mình hay không? Thời gian sẽ trả lời.

Với Nga tại Syria đã có đủ lợi thế về chính trị, quân sự, tuy nhiên, tiêu diệt và làm tan rã IS, một lực lượng đã được trưởng thành, đủ các thành phần vũ khí trang bị như xe tăng, đại bác, tên lửa… không phải là chuyện đơn giản như nói. Để không bị sa lầy thì nghệ thuật tác chiến, tìm ra các tử huyệt trên chiến trường Syria phải như thế nào…là một câu chuyện khác của Bộ Tham mưu quân đội Liên bang Nga.