Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Hoa Kỳ nên coi Việt Nam là bạn


Nếu như cho rằng, Mỹ can thiệp ở Việt Nam từ năm 1954 là để ngăn chặn sự bành trướng của CNCS tại ĐNA thì sai lầm lớn ở đây là Mỹ đã nhầm tai hại điều đó khi ngăn chặn sự thống nhất giang sơn của dân tộc Việt.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn kết thúc có lợi cho dân tộc Việt Nam thì Mỹ nhảy vào can thiệp, hà hơi tiếp sức cho thực dân Pháp hòng duy trì và đè bẹp nhà nước công nông đầu tiên ở ĐNA. Nhưng sau trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, khiến quân đội Pháp không gượng dậy nổi tại chiến trường Việt Nam thì Mỹ chính thức nhảy vào thay chân thực dân Pháp hòng “ngăn chặn sự bành trướng của CNCS ở ĐNA” và chính thức tự biến mình thành kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm của dân tộc Việt Nam. Mỹ đã nhận định sai mục tiêu chiến tranh của Việt Nam và gặp họa lớn khi đã ngăn cản sự thống nhất giang sơn  của người Việt thay vì cuộc chiến “ủy nhiệm” như họ tưởng.
Giá như Mỹ không can thiệp và nhảy vào thay chân Pháp; giá như Mỹ hiểu đúng Việt Nam chỉ muốn độc lập, tự do, thống nhất giang sơn về một mối là mục tiêu tối thượng, chứ không đổ máu vì bất kỳ một sự “ủy nhiệm” nào của ai; giá như Mỹ quan tâm giải mã rõ ràng thông điệp của dân tộc Việt Nam qua lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Tổng thống Mỹ trước năm 1945 và lời mở đầu của bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì có lẽ dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chí Minh, xuất hiện ở Đông Nam châu Á một nước Việt Nam không theo Trung Quốc nhưng thân Mỹ và thân Nga… và đương nhiên không có ngày 30/4/1975.
Sự thù địch phi lý.
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã trôi qua 40 năm, một thế hệ tham gia vào đó gần như không còn tồn tại trên cõi đời, nhưng di chứng chiến tranh để lại trên đất nước Việt Nam và nước Mỹ thì đang còn tồn tại.
Với Việt Nam, chiến tranh đã đi vào lịch sử, thế hệ trẻ Việt Nam đã không quên quá khứ nhưng hướng tới tương lai, muốn là bạn với các quốc gia trên thế giới kể cả Mỹ, gồng mình phấn đấu hàn gắn những vết thương chiến tranh, trong đó vết thương nặng nề nề nhất là sự tụt hậu nền kinh tế, văn minh, so với các láng giềng.
Cũng như Việt Nam, Mỹ đã đi ra khỏi cuộc chiến tranh nhưng với tâm thế và vị thế của một cường quốc bá chủ thế giới nên vết thương chiến tranh không dễ lành. Sự thù địch với Việt Nam vẫn còn đó, bởi đã 40 năm qua, quan hệ hợp tác Việt-Mỹ dù “phát triển nhanh ngoài tưởng tượng” nhưng “lòng tin chiến lược”, lòng tin bè bạn vẫn chưa đến độ khi “cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam của Mỹ” vẫn chưa được bãi bỏ.
Cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam của Mỹ hiện tại là một biểu tượng có ý nghĩa về giá trị tinh thần hơn nhiều lần về giá trị vật chất. Cho rằng, khi bỏ cấm vận vũ khí sát thương là Việt Nam lập tức sẽ mua vũ khí Mỹ và chính thứ vũ khí Mỹ sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam trước bất kỳ kẻ thù nào là quá đề cao về vai trò của vũ khí nói chung và vũ khí Mỹ nói riêng. Hơn nữa Việt Nam không có quá nhiều tiền để mua vũ khí Mỹ và không phải bất kỳ vũ khí Mỹ nào cũng đều phù hợp với cấu trúc hệ thống phòng thủ, nghệ thuật quân sự của Việt Nam đã đang vận hành. Nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam cho rằng không có loại vũ khí Mỹ nào phù hợp với tình hình phòng thủ của Việt Nam là hồ đồ, duy ý chí. Việt Nam vẫn mơ ước nhắm đến những thứ vũ khí Mỹ mà nếu có sẽ làm tăng sức mạnh phòng thủ của Việt Nam lên nhiều lần và đó là chuyện khác.
Nếu như ai đó cho rằng, việc Mỹ chưa bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam là do chế độ Cộng sản ở Việt Nam, là do độc đảng, mất dân chủ (dân chủ kiểu Mỹ)…thì chưa hiểu rõ bản chất của vấn đề. Đảng cộng sản hay đảng cộng hòa, đảng dân chủ, đang cứu quốc….chỉ là những cái tên, có thể khác nhau về phương pháp luận, tư tưởng, nhưng mà bản chất của đảng cầm quyền là không khác nhau. Việt Nam đâu có bành trướng xuất khẩu CNCS, Việt Nam đâu có ý đồ tấn công thách thức vị thế nước Mỹ…như Trung Quốc, hay Nga.
Vấn đề ở đây là trên thế giới, Mỹ là bá chủ nên Mỹ không có bạn và không cần bạn mà chỉ có chư hầu. Việt Nam muốn là bạn với Mỹ chứ không muốn phụ thuộc, chư hầu của Mỹ (và bất kỳ kẻ nào) là điều chưa quen với hành động, cư xử của Mỹ, chưa có trong khái niệm của vị bá chủ Hoa Kỳ. Cho nên, quan hệ Việt Nam và Mỹ như một dòng chảy chưa được khơi thông khi còn có sự thù địch phi lý của chính quyền Mỹ.
Chừng nào “Cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam”của Mỹ chưa được dỡ bỏ thì chứng tỏ Mỹ đang thù địch Việt Nam, lòng tin với nhau chưa đến độ.
Đã đến lúc nước Mỹ cần có bạn bè.
Quốc gia chư hầu và quốc gia bạn bè có đặc điểm khác nhau căn bản, đó là, chư hầu thường hay phản bội, nhưng bạn bè thì không (đương nhiên khi bạn bè mà trở thành kẻ phản bội thì kẻ đó là kẻ được xem là bỉ ổi nhất). Quốc gia chư hầu thường bị khuất phục bởi uy vũ và bị quyến rũ bởi giàu sang, vì thế, trong tình hình thế giới đa cực như hiện nay, khi vị thế của Mỹ bị lung lay, không còn độc nhất thống trị thế giới nữa thì những quốc gia Mỹ coi như chư hầu thường “đổi chiều” nhanh chóng là phù hợp với quy luật cai trị muôn đời.
Nga nổi lên ở châu Âu với một sức mạnh hiện hữu thách thức vai trò bá chủ của Mỹ chẳng phải đã làm cho EU, NATO rối loạn sao? Trung Quốc nổi lên ở châu Á chẳng phải đã khiến cho địa chính trị của Mỹ bị tấn công, một vài quốc gia tưởng chừng như là thân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã trở giáo theo Trung Quốc, thậm chí có nước còn theo Nga bất chấp Mỹ đó sao? Khi một quốc gia đã thay đổi lịch sử thế chiến 2 để phục vụ mưu đồ chính chính trị như một số quốc gia Đông Âu hiện nay thì không ai có thể chắc họ sẽ không thay đổi tiếp theo.
Việt Nam chỉ bị bạn bè phản bội, hoặc bị kẻ mạo danh bạn bè phản bội “mặc cả trên lưng”…chứ Việt Nam chưa từng phản bội ai. Hãy còn đó mối quan hệ bạn bè Việt Nam-Lào, Việt Nam-Cu Ba, Việt Nam-Liên xô-Nga…mà thời gian, thử thách bới thăng trầm của lịch sử vẫn không hề thay đổi. Đơn giản là bởi vì Việt Nam “giàu sang không quyến rũ, uy vũ không khuất phục”, văn hóa dân tộc Việt Nam luôn coi trọng chữ ân và chữ nghĩa.
Có một quốc gia bạn bè như Việt Nam là quý hơn vàng. Với một vị trí có địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế, quan trọng trên khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Việt Nam nếu là bạn bè sẽ giàu có cho bất kỳ quốc gia nào.

Đã hơn 40 năm, Việt Nam và Mỹ đã đánh nhau đến “bươu đầu sứt trán” vì Việt Nam không muốn làm chư hầu và trước đó, trong hơn 4000 năm qua dân tộc Việt cũng vì không muốn làm chư hầu nên đã đánh nhau oanh liệt, chiến thắng vẻ vang với giặc phương Bắc… thì có gì khó khăn cản trở Việt Nam trở thành một quốc gia bạn bè của Mỹ. Việt Nam muốn là bạn với Mỹ (lưu ý: “muốn là bạn” chứ không phải “muốn làm bạn”) và Mỹ nên coi Việt Nam là bạn, Mỹ nên cần có quốc gia bạn bè. 

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Thế giới ám ảnh bởi hành động của nước Mỹ



Tại sao, không quân Mỹ càng dội bom IS càng mạnh? Phải chăng Mỹ bó tay, thất bại trước sự lớn mạnh của nhà nước hồi giáo IS?

Kể từ cuộc khủng bố nước Mỹ năm 2001, Mỹ đã dẫn đầu thế giới ráo riết chống khủng bố với những hành động, tuyên bố, mạnh mẽ của một cường quốc quân sự đứng đầu thế giới.Nếu như sự can thiệp của nước ngoài đã tạo ra một lực lượng ghê sợ là quân khủng bố và quy mô lớn hơn là nhà nước khủng bố (ISIS) thì hành động đó ngày nay còn khủng khiếp, nguy hiểm hơn khi làm sống lại lực lượng phát xít trong một nhà nước hỗn loạn…
Chống khủng bố và truyền bá tư tưởng dân chủ, tài trợ, hỗ trợ cho các cuộc cách mạng màu ở châu Âu, Trung Đông là 2 gam màu chủ đạo trong suốt 15 năm bá chủ thế giới của nước Mỹ.
Điều ngạc nhiên là Mỹ càng chống khủng bố thì quân khủng bố càng phát triển từ lực lượng cho đến quy mô, Mỹ truyền bá tư tưởng dân chủ đến các nước nào được coi là mất dân chủ thì coi như nước đó hỗn loạn, vô chính phủ, dân chúng chịu thảm họa.
“Chống khủng bố kiểu Mỹ”
Tại sao gọi là “kiểu Mỹ”, bởi vì, quân khủng bố chính do Mỹ đẻ ra, nuôi dưỡng, sử dụng để phục vụ cho mục đích chính trị riêng. Mối quan hệ giữa quân khủng bố với Mỹ giống như con chó và người đi săn.
Khi người đi săn cảm thấy con chó không còn tác dụng thì người đi săn phải giết chó. Tuy nhiên, khi chó đánh hơi thấy nguy hiểm thì chó cắn lại chủ là chuyện thường xảy ra.
Trước hết là quân khủng bố Al Qaeda. Một thực tế phũ phàng không thể chối cãi là chính Mỹ đẻ ra, nuôi dưỡng, sử dụng. Và bây giờ, không chỉ riêng Mỹ, một số nước, tùy theo chi nhánh al Qaeda, nếu al Qaeda nào có lợi cho ý đồ chính trị của họ thì họ sẵn sàng cung cấp vũ khí như vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ mà báo chí Đức đã phanh phui.
Tiếp theo là nhà nước hồi giáo IS. Chưa thể khẳng định là chính Mỹ, nhưng việc tấn công Iraq vì Iraq có “vũ khí giết người hàng loạt, là quốc gia khủng bố”, để rồi trên nền tảng chính trị Iraq sau đó, IS được sinh ra là một thực tế. Đặc biệt, xem cách chống IS của Mỹ với 19 quốc gia khác khiến chúng ta nghi ngờ rằng, Mỹ đang nuôi dưỡng, tiếp tay cho lực lượng này.
Kể từ tháng 8/2014 đến nay, theo Defense News, có hơn 16 ngàn cuộc không kích với danh nghĩa chống IS trong đó Mỹ chiếm 60% số phi vụ bởi lực lượng không quân hiện đại của Mỹ như F-16, F15 và cả máy bay tàng hình F-22.
Vậy tại sao, không quân Mỹ càng dội bom IS càng mạnh? Phải chăng Mỹ bó tay, thất bại trước sự lớn mạnh của nhà nước hồi giáo IS?
Không phải vậy! Nếu công nhận như thế là đánh giá quá thấp khả năng quân sự của nước Mỹ. Bởi vì, ngay từ đầu, mục tiêu chính của cuộc không kích không phải là IS mà là Syria.
Không tin? Trên chiến trường Trung Đông rất dễ triển khai vũ khí công nghệ cao thì nước Mỹ không chịu thua lực lượng nào. Nhớ lại lúc nước Mỹ săn lùng ráo riết quân khủng bố Al-Qaeda, Bin Laden…chỉ cần gọi một cú điện thoại di động là lập tức tên lửa Mỹ bay tới ngay lập tức.
Thế nhưng một lữ đoàn Hồi giáo IS hành quân ngạo nghễ bằng xe tải từ Syria qua một vùng sa mạc 200 km để vào Iraq mà không quân Mỹ không biết!
Hình ảnh trên đây cho thấy, dưới góc nhìn quân sự, lữ đoàn IS tổ chức hành quân 200 km trên vùng sa mạc không che chắn, ngụy trang gì hết, trong khi vệ tinh quân sự Mỹ chỉ cần một “ông râu xồm” giống Bin Laden đi bộ trên sa mạc cũng bị phát hiện, thì đây là hành động tự sát, chỉ trừ phi được sự đồng ý của không quân Mỹ.
Điều đó chứng tỏ Mỹ chưa muốn tiêu diệt IS, còn lý do vì sao thì không có gì là khó hiểu khi tình hình Trung Đông đang tồn tại những mâu thuẫn bùng nhùng. Vấn đề chúng ta quan tâm ở đây là cách chống khủng bố của Mỹ, “kiểu Mỹ” vì càng chống thì tổ chức khủng bố càng phát triển. Và mới đây, Iran đã phát hiện, tố cáo Mỹ tiếp tế lương thực, vũ khí cho IS qua các vụ thả dù “nhầm”…thì IS không hề “sợ” không quân Mỹ là không có gì đáng ngạc nhiên.
Như vậy, có thể khẳng định, ở Trung Đông, Mỹ cùng liên minh thực hiện khẩu hiệu không kích tiêu diệt khủng bố IS, nhưng mục tiêu lại nhằm vào hướng khác. Do đó, “người đi săn chưa đến lúc phải biết ăn thịt chó”.
“Cưỡng dâm chính trị”
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, cuộc chiến địa chính trị của Mỹ vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt. Nội dung chủ yếu của cuộc chiến này là Mỹ xây dựng, tài trợ cho lực lượng đối lập, truyền bá tư tưởng dân chủ kiểu Mỹ để tiến hành bạo loạn, lật đổ, hoặc can thiệp trực tiếp bằng quân sự…với những chính phủ nào không theo cái gậy chỉ huy của Mỹ.
Sau sự can thiệp của Mỹ, một chính phủ mới ra đời, có đường lối chính trị thân Mỹ, phụ thuộc Mỹ, hoặc cũng có thể tạo ra một nhà nước hỗn loạn, nội chiến…đó là hành động được coi như “Cưỡng dâm chính trị” hay là sự xâm lược kiểu mới.
“Cưỡng dâm chính trị” tất yếu sẽ đẻ ra những đưa “con hoang thiếu giáo dục”, tại Iraq thì đẻ ra IS, al Qaeda, tại Apgnixtan thì đẻ ra Taliban, tại Lybia thì đang hỗn loạn, đặc biệt, tại Ukraine thì đang đẻ ra một lực lượng phát xít tồn tại trong một chính phủ mất quyền kiểm soát đất nước…
Một câu hỏi đặt ra là tại sao những quốc gia nào có sự can thiệp của nước ngoài, bên trong nổi dậy, gây bạo loạn, lật đổ chính phủ…tạo ra một “chính quyền đường phố” thì luôn luôn bất ổn, đất nước hoặc là nội chiến, hoặc là chia cắt, hoặc lực lượng khủng bố, phát xít, nổi lên như nấm sau mưa rào?
Đến bây giờ câu trả lời được giải đáp sau khi giải thích rõ nguyên nhân thành bại của các cuộc “cách mạng màu” (biểu tình, bạo loạn, lật đổ).
Cách mạng màu muốn thành công phải cần 2 yếu tố bên ngoài (quan trọng) và bên trong (quyết định). Muốn có yếu tố bên trong thì phải có lực lượng đối lập đông, hung hăng, cực đoan…như Maidan chẳng hạn, và tất yếu, chính những lực lượng không thống nhất, cực đoan, hung hăng…này là nguyên nhân làm cho đất nước hỗn loạn mà dù muốn hay không thì các thế lực bên ngoài buộc phải chấp nhận để có lực lượng.

Như vậy có thể nói, cách mạng màu - quân khủng bố, quân phát xít - chống khủng bố, như là một “hệ thức trong tam giác lượng”. Hệ thức này buộc phải và luôn tồn tại nhằm mục đích gì, do ai, của ai thì khó mà chỉ mặt đặt tên, nhưng vì đồng DOLLARS là chắc chắn, bởi lẽ, chính trị chỉ là sự biểu hiện tập trung của kinh tế mà thôi.

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Chiến hạm tên lửa Sigma có phù hợp trong phòng thủ biển Việt Nam?


Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố việc Hải quân Việt Nam đã chính thức ký hợp đồng mua 2 chiến hạm lớp Sigma của Hà Lan, một chiếc được đóng tại Hà Lan và chiếc còn lại sẽ được đóng tại Việt Nam theo giấy phép chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Damen.
Không chắc chắn độ chính xác của tin này vì không phải công bố của Việt Nam, tuy thế, các trang tin quân sự báo chí trong nước đã bình luận, đánh giá tính năng kỹ chiến thuật của Sigma 9814 với tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 hiện có và cho rằng Sigma nổi trội hơn, như về radar, tên lửa phòng không, tên lửa diệt hạm (tầm bắn xa)...
Tuy nhiên, tính năng kỹ, chiến thuật của một loại vũ khí, phương tiện nào đó mới chỉ là một vấn đề. Điều quan trọng hơn nhiều, là tàu hộ vệ tên lửa Sigma có phát huy tác dụng trong hệ thống phòng thủ biển của Việt Nam hay không lại mang tính quyết định. Hơn nữa, do vũ khí ta không sản xuất được mà phải mua của nước ngoài, cho nên, yếu tố chính trị tác động cũng là vấn đề quan tâm lớn của an ninh quân sự.
Trong bài viết này, ở góc nhìn khác, chúng ta đánh giá Gepard 3.9 và Sigma 9814 theo góc nhìn chiến thuật và những tác động ảnh hưởng đến hoạt động chiến đấu của chúng, để từ đó rút ra liệu Sigma có tăng cường sức mạnh trụ cột cho Hải quân Việt Nam hay không.
Trước hết đánh giá về chất lượng vũ khí. Bất kỳ một loại vũ khí phương tiện nào, khi đánh giá chất lượng người ta đều căn cứ 3 tiêu chí: độ tin cậy, độ bền và cách sử dụng.
Độ tin cậy: Đó là vũ khí được thử lửa qua chiến tranh hay những cuộc thử nghiệm sát thực đã chứng tỏ độ chính xác, tính hủy diệt và sự lợi hại với đối phương.
Độ bền: Đó là sự hoạt động của nó trong điều kiện môi trường khắc nghiệt phải luôn đảm bảo. Môi trường khắc nghiệt ở đây có thể là thời tiết và chủ yếu là hoạt động chiến đấu luôn ở chế độ tối đa hoặc tối thiểu nhưng không hỏng hóc ảnh hưởng đến tính năng kỹ chiến thuật. Bảo quản dễ dàng, đơn giản.
Cách sử dụng: Đó là sử dụng dễ hay khó, tính cơ động, triển khai chiến đấu nhanh hay chậm.
Nếu như 3 tiêu chí này của vũ khí, phương tiện quân sự nào đó đều đảm bảo thì đó là loại vũ khí tốt, chất lượng, cho nên, Sigma 9814 được chúng ta quan tâm, vì có một số tính năng kỹ, chiến thuật nổi trội hơn Gepard 3.9. Tuy nhiên, đối với vũ khí công nghệ cao, quyết định mua sắm hay không phải hội đủ 3 yếu tố sau đây:
Thứ nhất, mua vũ khí là phải tính đến đối tượng tác chiến trực tiếp, trước mắt và lâu dài là ai, kẻ đó có liên quan gì đến người bán và đương nhiên, phải hiểu người bán là ai, độ tin cậy đến mức nào...Có như vậy mới tránh được yếu tố chính trị tác động vào chất lượng của vũ khí và hoạt động chiến đấu của vũ khí.
Có thể nói, tàu hộ vệ tên lửa Sigma hệ thống chỉ huy do Pháp sản xuất, tên lửa diệt hạm, radar cũng do Pháp, trong khi Pháp là nhà cung cấp vũ khí không đáng tin cậy, thường bị áp lực chính trị chi phối. Vụ Argentina điêu đứng bởi tên lửa diệt hạm Exocet, chúng ta đã biết; vụ Iraq, Tổng thống Saddam Hussein, từng mua các vũ khí Pháp, trong đó có hệ thống phòng không và radar. Vào thời điểm quan trọng, tất cả các thiết bị điện tử đều bị tắt từ xa thông qua một vệ tinh. Giống như vũ khí Pháp, vũ khí Mỹ…cũng có thể bị “tắt” từ xa; vụ tàu Mistral của Nga...Tất cả những điều này không ai có thể chắc rằng nó không bao giờ xảy ra với Việt Nam.
Còn nhớ trong cuộc chiến chống không quân Mỹ, khi Ai Cập đã để tên lửa SAM-2 của Liên Xô viện trợ, rơi vào tay Mỹ thì bộ đội tên lửa của chúng ta đã tổn thất không biết bao nhiêu xương máu mới phát hiện ra nguyên nhân tên lửa không phát huy hiệu quả, bắn lên là rơi... và cùng với chuyên gia Liên Xô phải khắc phục hơn 1 năm trời hậu quả lộ công nghệ, mới có được chiến thắng trên bầu trời Hà Nội.
Vì thế Sigma 9814 không có độ tin cậy về chính trị (không phải lý do về kỹ thuật), cho nên, về nguyên tắc là không mua.
Thứ hai, khi mua những loại phương tiện vũ khí chủ yếu tạo nên sức mạnh trụ cột của quân đội như tàu ngầm, máy bay, tên lửa…thì nhất thiết phải làm chủ được phần gốc của công nghệ để cải tiến kỹ thuật, tạo ra sự độc đáo, đồng thời đảm bảo đủ vật tư thiết bị kỹ thuật thay thế, sửa chữa, tự chủ được đạn dược…theo tinh thần “mua đứt bán đoạn”, hạn chế tuyệt đối không để an ninh quân sự bị nước ngoài khống chế.
Mua Sigma, Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ đóng tàu của Hà Lan, nhưng các sỹ quan, cán bộ kỹ thuật quân sự, muốn làm chủ công nghệ về tên lửa của Pháp để có cơ hội cải tiến, tạo ra sự bất ngờ, độc đáo là chuyện mơ giữa ban ngày.
Vũ khí chính của Sigma 9814 và Gepard 3.9 là tên lửa diệt hạm Exocet và Kh-35E, tuy nhiên, tên lửa Kh-35E có một vị thế tầm chiến lược cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam.
Trước hết, loại tên lửa này, Kh-35E hiện là loại vũ khí chống hạm chủ lực trên các tàu chiến mặt nước của Hải quân Việt Nam và Gepard 3.9. Việt Nam và Nga đang hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ. Và có thể nói, hiện tại chúng ta đã hoàn toàn tự chủ được tên lửa Kh-35 cho ý đồ chiến thuật.
Tiếp theo là loại tên lửa này giá rẻ, nhỏ, nhẹ, nên bố trí nhiều quả trên một phương tiện (dạng tàu hộ vệ tên lửa Monliya lắp 16 quả) và không cần nhiều phương tiện cùng một lúc, rất phù hợp với chiến thuật “lực lượng phân tán nhưng hỏa lực tập trung”, lấy nhỏ (nhưng nhiều) đánh lớn (nhưng ít) trong Nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Cuối cùng là, do hệ thống điều khiển gọn nhẹ, tổ hợp phóng đạn có kích thước nhỏ, do đó, tên lửa Kh-35 trên thực tế trở thành vũ khí phi đối xứng, phi tiêu chuẩn do có thể lắp được trong các container nhỏ 20’ trên các loại tàu, thuyền chở hàng cũng như du lịch, hoặc trên các căn cứ nhỏ ven biển, hải đảo nhỏ, nhà dàn, rất phù hợp với những lối đánh sở trường, độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Tuy nhiên, do Nga chế tạo ra tên lửa Kh-35 là để đáp ứng chiến thuật tác chiến nào đó trong nghệ thuật quân sự  Nga, nên khi xuất khẩu thì tất nhiên, sẽ tồn tại một số vấn đề chưa đáp ứng với yêu cầu chiến thuật của Việt Nam. Chẳng hạn như:
- Tầm bắn của tên lửa chưa đủ xa, do đó buộc các phương tiện mang tên lửa phải đi vào vùng hoạt động của hệ thống phòng không tầm xa của đối phương.
- Tốc độ bay của tên lửa tương đối thấp, do đó khả năng bị hỏa lực phòng không của tầu đối phương đánh chặn là tương đối cao.
- Hệ thống điều khiển tên lửa chưa cho phép tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu trên bờ biển và vào sâu trong đất liền.
Nhưng, tên lửa diệt hạm Kh-35 có một đặc điểm là nó cho phép cải tiến nâng cấp không giới hạn, như có thể sử dụng nhiên liệu có hiệu năng cháy tốt hơn để làm tăng tầm bắn của tên lửa… Nga đã phát triển biến thể cải tiến Kh-35UE có tính năng cao gấp 2-2,5 lần so với Kh-35E và tầm bắn 260 km, gấp đôi Kh-35E. Đây là điều mà khi hợp tác sản xuất với Nga, Việt Nam không thể không tính đến và Việt Nam cũng đã có thừa kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Còn tên lửa chống hạm Exocet của Pháp, có thể nổi trội hơn về một số tính năng, nhưng Việt Nam không tự chủ được nó, không khống chế được nó, thì đương nhiên sẽ không thể sáng tạo trong sử dụng, trong lối đánh, trong thế bố trí lực lượng.
Thứ ba, những loại vũ khí đó phù hợp với lợi thế địa lý, phù hợp với yêu cầu chiến thuật, làm thăng hoa lối đánh mà không làm thay đổi tư tưởng, nghệ thuật quân sự. Đây là yếu tố then chốt có tính quyết định.
Việt Nam là một đất nước có chiều dài và hẹp cho nên rất nhạy cảm bởi sự chia cắt chiến lược. Bởi vậy, đã qua rồi thời kỳ đón đợi giặc ở cửa sông, luồng lạch trong vùng nội thủy hay lãnh hải, chúng ta ngày nay phải tác chiến ngay ở vùng biển xa bờ, tạo cho đất liền một không gian phòng thủ đủ rộng, một thời gian chuẩn bị đối phó kịp thời. Đó cũng chính là tư tưởng, mục tiêu của chiến lược chống tiếp cận của Việt Nam,  một nước có bờ biển nhưng khả năng quân sự hạn chế, bị các nước có vũ khí, phương tiện, hiện đại hơn đe dọa dùng vũ lực. 
Nội dung của chiến lược chống tiếp cận là phòng thủ từ xa trên 3 khu vực: trên không, trên mặt biển và trong lòng biển trong đó phòng thủ từ xa trong lòng biển là then chốt. Ở đây chúng ta chỉ quan tâm đến phòng thủ từ xa trên mặt biển và Gepard, Sigma ở đâu trong chiến thuật đó.
Có thể nói, để phòng thủ từ xa trên mặt biển, thời gian qua Việt Nam đã mua sắm đủ một bộ khung các phương tiện vũ khí cho tác chiến tầm xa.
Trong tay Việt Nam đã có tàu Gepard, KILO, SU-30MK2, Bastion-P, S-300…Đây là những loại vũ khí của Việt Nam mà nếu như bố trí hợp lý, khoa học, trong các thế trận định sẵn thì có thể tác chiến có hiệu quả cao trong khu vực Trường Sa.
Với Gepard và cả Sigma, mặc dù nó có thể hoạt động độc lập, nhưng trước một đối tượng tác chiến trực tiếp đông, mạnh, như Hải quân Trung Quốc thì hình thức đó không phù hợp. Đó không phải là cách đánh trong nghệ thuật quân sự bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam.
Sức mạnh của hệ thống phòng thủ biển của Việt Nam cũng như trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp về thế, thế địa lý, tạo nên một thế trận vững chắc, liên hoàn, bí hiểm, lợi hại. Vì thế, Gepard 3.9 như con báo đen trên biển, luôn rình mồi và xuất phát tấn công luôn trong tầm bảo vệ của không quân, của hệ thống phòng thủ bờ và các tàu tên lửa, phóng lôi loại nhỏ. Do đó, hệ thống phòng không của Gepard mạnh hay yếu hơn Sigma chưa khiến Việt Nam lo lắng, vấn đề quan trọng là khả năng tiêu diệt tên lửa hành trình chống hạm tầm gần thì Gepard lại nổi trội hơn Sigma và đó mới là điều Việt Nam cần và đặc biệt là khả năng chống ngầm của 2 chiếc Gepard tiếp theo, với 6 Kilo và các phương tiện chống ngầm khác cùng hoạt động trong chiến lược chống tiếp cận, phòng thủ từ xa dưới lòng biển, lại mang yếu tố quyết định sống còn của hệ thống phòng thủ biển của Việt Nam...
Như vậy, nếu xuất hiện Sigma thì vị trí, phương thức hoạt động của Sigma cũng không thể khác hơn Gepard, nó chỉ tăng cường lực lượng chứ không thay đổi thế trận.
Tăng cường thêm lực lượng là tốt, nhưng nếu như lực lượng tăng thêm không kết nối được hoặc kết nối khó khăn vào hệ thống phòng thủ liên hoàn đã có sẵn, như hệ thống chỉ huy, thông tin liên lạc...thì việc tăng cường là không cần thiết. Khi đó, lực lượng này, Sigma 9814 cũng chỉ hoạt động độc lập mà hoạt động tác chiến độc lập... thì như trên đã nói chẳng là gì so với lực lượng của đối phương.
Sigma có mớn nước nhỏ thuận tiện cho hoạt động vùng lân cận Trường Sa? Không cần thiết, bởi tác chiến bảo vệ Trường Sa thì đó không phải là những vị trí đợi cơ hay xuất phát tấn công của Sigma hay Gepard.
Sigma có radar hiện đại, nhìn xa, nắm được nhiều mục tiêu nên quản lý được một vùng biển rộng? Không cần thiết, vì hệ thống quan sát biển trên bờ của Việt Nam chỉ cần một trung đoàn Radar trên đỉnh Sơn Trà cũng thừa sức làm việc này, trong khi Sigma kết nối, chia xẻ thông tin, với các phương tiện khác như Su-30, Gepard hay Bastion-P gặp rất nhiều khó khăn.
Thực tế không cần tăng cường Sigma, Gepard vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì tại sao chúng ta lại không dành khoảng hơn 1 tỷ USD đó mua sắm thứ khác cho nhiệm vụ chống ngầm – nhiệm vụ quyết định sự thành bại của phòng thủ biển?
Hiện nay, hầu như khung lực lượng tác chiến tầm xa tạo nên xương sống, trụ cột sức mạnh phòng thủ biển của Việt Nam đều là vũ khí mua sắm của Nga. Nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam coi KILO, Gepard, Bastion-P, Su-30...là nhất, “kịch trần” mà phải phát triển, mua sắm, chế tạo những loại vũ khí khác tiên tiến, hiện đại hơn để bảo vệ vũng chắc chủ quyền trong mọi tình huống. Vì thế, đa dạng hóa nguồn cung vũ khí là một việc cần thiết nên làm, nhưng khi chúng ta còn nghèo thì phải tính toán cẩn thận, hợp lý.

Chừng nào một Bộ tổng tham mưu mà có hai hệ thống chỉ huy, tức là khoa học công nghệ quân sự của ta chưa có khả năng kết nối, hòa mạng, làm chủ các loại vũ khí Nga-Mỹ-Nhật-phương Tây mua được, thì đừng vội thấy tính năng kỹ, chiến thuật tiên tiến, hiện đại của thứ vũ khí nào đó mà ham. Chừng nào, một loại vũ khí nào đó của bất kỳ quốc gia nào, dù tiên tiến, hiện đại bao nhiêu, nhưng khiến cho ta phải rời bỏ lối đánh sở trường, thay đổi học thuyết, nghệ thuật quân sự, không phát huy được nghệ thuật chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc thì đó là những loại vũ khí không phù hợp với Việt Nam.

Tại sao châu Âu lại hoảng hốt, run rẩy?


Về lý luận quân sự, các nước trong khối NATO có ý nghĩ tấn công hay đe dọa tấn công vào lãnh thổ Nga bằng quân sự là sự điên rồ.
 Tập trận, quốc gia nào cũng tiến hành, mang ý nghĩa chính trị và quân sự rất lớn. Về chính trị thì qua đó nó gửi đến đối phương một thông điệp gì đó như răn đe hay gây áp lực…nhưng về quân sự, trong tình thế khu vực căng thẳng, xung đột quân sự cục bộ đã xảy ra thì tập trận là một hình thức hoạt động chiến đấu (trinh sát, cài thế, điều binh bố trí lực lượng và chuyển sang trạng thái tấn công phủ đầu khi cần thiết…).

Một là quân đội Nga đã sẵn sàng rất cao
cho chiến tranh. Sự sẵn sàng sàng không chỉ về ý chí, tinh thần, vũ khí kỹ thuật…mà sẵn sàng cả thế trận.Qua các cuộc tập trận, Nga đã chứng tỏ và NATO-phương Tây đã nhận thức được 2 vấn đề cốt tử sau:
Hai là sau cuộc tập trận ngày 12/2, Tổng thống Nga Putin tuyên bố đã đưa toàn bộ vũ khí chiến lược vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Có nghĩa là Nga sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật với bất kỳ kẻ nào động đến lãnh thổ Nga và sẵn sàng đối đầu hạt nhân với Mỹ.
Với một quân đội đã sẵn sàng như vậy, với một nền công nghiệp quân sự đứng thứ hai thế giới, với một hệ thống vũ khí chiến lược không kém Mỹ…khi những miếng đòn kinh tế nhằm vào tử huyệt của Nga, được Mỹ-EU tung ra nhưng chỉ làm Nga “loạng choạng” và đã đứng vững, tiếp tục phát triển thần kỳ ngoài trí tưởng tượng (Bloomberg), khi nước Nga trong tay lèo lái của vị Tổng thống Putin “Đại đế” thì rất khó để đoán biết được tình thế sẽ đi đến đâu, nếu như châu Âu thiếu tỉnh táo, manh động, cậy Mỹ, coi thường cảm giác Nga. 
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng: “Diễn tập quân sự bất ngờ, đột ngột và không thể đoán trước của Nga luôn tạo ra sự bất ổn. Sự thống nhất mau lẹ Crimea cũng nằm trong vỏ bọc của một giáo án bất ngờ đó…” là không sai.
NATO đã vỡ vạc ra rất nhiều sau thất bại “đau không thể kêu”, một giấc mơ bị tan nát, khi Nga ra tay trước, lấy Crimea không tốn một viên đạn.
Để triệt hạ Nga của Putin có thể bằng nhiều cách, như dùng kinh tế, tiền tệ và cả “cách mạng màu”. Tất cả miếng đòn này dù khó khăn, nhưng còn có hy vọng mang lại chiến thắng, vì Nga không phải là vô địch thiên hạ, Nga vẫn có rất nhiều điểm yếu...nhưng, liệu có hy vọng chiến thắng bằng đối đầu quân sự-đối đầu với lĩnh vực mạnh nhất của Nga?
Về lý luận quân sự, các nước trong khối NATO có ý nghĩ tấn công hay đe dọa tấn công vào lãnh thổ Nga bằng quân sự là sự xuẩn ngốc, điên rồ.
Không ai chắc chắn tên lửa chiến lược của Nga đã triển khai tại Crimea và Kalinigrad như các tuyên bố úp úp mở mở của các nhà lãnh đạo Nga hay chưa, nhưng điều chắc chắn là nếu như chúng được triển khai thì mọi lá chắn tên lửa tại châu Âu đều vô tác dụng và quốc gia nào cho Mỹ xây dựng lá chắn là rước họa vào thân, là muốn tự sát.
Tuyên bố của đại sứ Nga tại Đan Mạch “…nếu Đan Mạch tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ đứng đầu thì các tàu chiến của Đan Mạch sẽ trở thành mục tiêu cho tên lửa hạt nhân của Nga” không phải là vô ý.
Gấu Nga đang nổi đóa khi cảm giác an ninh bị đe dọa, cộng với sự đồn thổi rằng, Nga sẽ tấn công xâm lược các nước vùng Bantic… khiến châu Âu hoảng hốt.
NATO không ngồi yên, họ cũng tiến hành các cuộc tập trận và Anh quốc cũng đã tổ chức một cuộc tập trận không quân lớn nhất từ 13 năm trở lại đây…tất cả đều bắt đầu từ cuộc khủng hoảng Ukraine và các cuộc tập trận có tính chất nghiêm trọng như "bên miệng hố chiến tranh" của Nga.
Những con “thiên nga” hay là “lưỡi hái của thần chết” đang trên đầu châu Âu?
Những con “thiên nga” hay là “lưỡi hái của thần chết” đang trên đầu châu Âu?
Hiện nay, giữa Mỹ-Nga và châu Âu đang tồn tại có 4 mâu thuẫn lớn. Mâu thuẫn Nga-Mỹ; Nga-châu Âu; Mỹ châu Âu và nội bộ châu Âu, trong đó mâu thuẫn Nga-Mỹ là chính. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã bộc lộ mâu thuẫn giữa Mỹ-châu Âu sâu sắc hơn khi càng ngày Mỹ đã bất chấp lợi ích của châu Âu để chống Nga, thu lợi nhuận cho các tập đoàn sản xuất vũ khí của mình…và thậm chí muốn biến Ukraine thành chiến trường để thử vũ khí với Nga. 
Chiến tranh với Nga, liệu có một nước nào trong NATO muốn làm điều đó với Nga không hay họ chỉ cậy nhờ vào Mỹ? Vậy thì nước Mỹ có muốn chiến tranh với Nga không? Rõ ràng Mỹ không bao giờ muốn chiến tranh trực tiếp với Nga, vì nếu xảy ra thì cả 2 đều không sống sót, nhưng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, triển khai các loại vũ khí hạng nặng sát biên giới Nga thì nhất định sẽ biến châu Âu thành chiến trường nếu xung đột xảy ra.
Thực tế đã chỉ ra rằng, khi lợi ích quốc gia, an ninh quốc gia Nga bị đe dọa nghiêm trọng…thì tình huống xảy ra như ở Gruzia hoặc Ukraine là không tránh khỏi. Nga sẽ không bao giờ cân nhắc xem Gruzia hay Ukraine có là thành viên của NATO hay không và chắc chắn lúc đó, theo logic, Mỹ sẽ sẵn sàng hy sinh một thành viên nào đó của NATO khi “bị gấu Nga cho ăn tát”.
Tư cách là cường quốc quân sự hạt nhân, Nga và Mỹ đều có “vạch đỏ giới hạn” về an ninh, lợi ích quốc gia, của mình để không ai xâm phạm. Nói cách khác là Mỹ có thể dùng quân cờ NATO chơi với Nga chứ không đời nào châu Âu có đủ tài để dùng quân cờ Mỹ để chơi với Nga. Cho nên, 28 thành viên NATO thừa đủ tỉnh táo để biết danh phận mình, thừa biết cái “vạch đỏ giới hạn” của Nga, họ vừa là “con tin hạt nhân” của Nga vừa bị Nga “tống tiền hạt nhân” nếu cứ theo đuôi Mỹ.
Ở trong một tình thế đó, không hốt hoảng, không run rẩy mới là chuyện lạ. Châu Âu không những hốt hoảng run rẩy bởi sự triển khai, bố trí lực lượng và tuyên bố rắn về sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga mà còn hơn thế nữa khi Mỹ bất chấp an ninh châu Âu, quyết "trừng phạt Nga đến người châu Âu cuối cùng".
Đây là lý do vì sao Đức, Pháp bỏ qua Mỹ đàm phán với Nga cho ra đời Minsk-2 và phản đối quyết liệt việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đây cũng là lý do vì sao châu Âu muốn thành lập quân đội riêng để tự bảo vệ, định đoạt an ninh châu Âu, thoát khỏi cái gậy chỉ huy của Mỹ thông qua NATO chỉ vì lợi ích Mỹ.
Để cấu trúc lại an ninh châu Âu, nếu như EU muốn thành lập quân đội EU thì Nga cũng đang "góp một tay" để đưa lính Mỹ rời khỏi châu Âu bằng những "đường chuyền vượt tuyến". Nước Anh cũng đang hốt hoảng tập trung binh lực để phòng thủ quần đảo Falkland khi Argentina đã chính thức có 12 chiếc SU-24 của Nga...

Khi Crimea đã về tay Nga cũng là thời khắc ghi nhận thế giới đơn cực đã kết thúc. Nga đã chứng tỏ cho châu Âu biết rằng cấu trúc an ninh châu Âu không thể thiếu Nga. Nga không phải là Lybia, Iran, Iraq… Nga là một cường quốc và trong tình thế hiện nay, không một quốc gia nào trong khối NATO có thể làm Nga của Putin thay đổi suy nghĩ.

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

NATO hoảng hốt trước các cuộc tập trận kiểu Nga


Với kiểu tập trung nhiều binh lực, cơ động nhanh, đột ngột, bất ngờ…thì tư tưởng tác chiến của quân đội Nga đã hiện rõ cho những ai cần phải rõ.
Trong nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, để tăng cường và nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội trong thời bình, đáp ứng với mọi tình huống…thì tập trận là một biện pháp có hiệu quả nhất mà thông qua đó, người chỉ huy kiểm tra, đánh giá sát thực nhất khả năng, sức mạnh của đơn vị mình.
Tập trận có 3 hình thức: Một là quân đội diễn tập theo các phương án tác chiến đã đề ra.
Thực chất đây là hình thức huấn luyện thuần thục trước những tình huống giả định dự kiến sẵn, là nhiệm vụ chính của đơn vị phải hoàn thành khi chiến tranh xảy ra nên không có tính bất ngờ.
Hai là, tập trận theo mệnh lệnh của chỉ huy cấp trên mà các tình huống giả định đề ra không báo trước. Hình thức tập trận này, độ khó của bài tập ở tính bất ngờ. Bất ngờ về thời gian, bất ngờ về tình huống, do đó, quân đội quốc gia nào không có trình độ thích ứng kịp thời với tình thế thì bộc lộ hoàn toàn những yếu kém về khả năng sẵn sàng chiến đấu và ngược lại.
Ba là, tập trận với tình huống giả định là thật, quân xanh là đối tượng tác chiến trực tiếp. Thông qua hình thức này để cài thế , bố trí lực lượng, trinh sát…
Tập trận kiểu Nga
Trong 2 năm 2013 và 2014, quân đội Nga dưới sự chỉ huy của Tổng thống Tư lệnh Tối cao Vladimir Putin đã tiến hàng hàng trăm cuộc tập trận với quy mô từ cấp chiến thuật cho đến cấp chiến dịch của hầu hết các quân binh chủng trong quân đội Nga.
Điều đặc biệt ở đây là những cuộc tập trận này, phần lớn luôn đột ngột, bất ngờ với những tình huống giả định buộc quân đội phải phát huy tối đa khả năng sẵn sàng chiến đấu mà “kể từ sau chiến tranh lạnh, NATO chưa bao giờ tổ chức được kiểu tập trận với những “giáo án” như vậy cho lực lượng của mình” theo đánh giá của ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO.
Những cuộc tập trận của quân đội Nga, sự khẳng định đầu tiên là tính thống nhất, ý chí và ý thức quốc gia cao, tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy trong mọi tình huống của quân đội Nga với tinh thần “ngay và luôn” đã trở thành điều xa xỉ với NATO.
Đây là điều cực kỳ không đơn giản với một liên minh quân sự chứa đựng nhiều lợi ích khác nhau và quen tác chiến với kẻ yếu như NATO, là điểm yếu cố hữu của một liên minh quân sự nói chung và NATO nói riêng.
Bản thân của một liên minh quân sự như NATO thì không có điều đó là đương nhiên, nhưng không những thế, khi NATO, hơn 70% kinh phí hoạt động là của Mỹ cho nên NATO chỉ phục vụ lợi ích của Mỹ…thì sự thua kém điều này còn có khoảng cách xa hơn nữa. Và điều này là một trong những yếu tố làm trầm trọng thêm sự suy nhược của :người lính già NATO” mà ta đã thấy rõ khi NATO hô hào điều 5000 quân phản ứng nhanh trong khủng hoảng Ukraine.
Thứ hai là, qua các cuộc tập trận, đã cho thấy sự vượt trội của quân đội Nga so với NATO về mức độ sẵn sàng chiến đấu. Từ công tác chỉ huy tham mưu, hậu cần, kỹ thuật đến xử lý các tình huống bất ngờ có tính đối kháng cao…có thể nói quân đội Nga đã sẵn sàng, thích ứng với chiến tranh.
Trung tướng Frederick Ben Hodges, chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu, nói với các phóng viên: “Tôi theo dõi sát sao những cuộc tập trận của Nga…Tôi quan tâm về việc họ có thể điều động 30.000 lính và 1.000 xe tăng đến một địa điểm nhanh đến mức độ nào. Và, họ làm điều đó rất nhanh, thật ấn tượng”.
Như vậy, sự cơ động lực lượng của quân đội Nga rất đáng nể, chất lượng vũ khí trang bị hoàn toàn bảo đảm, có độ tin cậy cao…là những đánh giá sát thực nhất cho Bộ tư lệnh Tối cao quân đội Nga hạ quyết tâm.
Nên biết rằng, cuộc tập trận Bắc Kiếm 2013 của Trung Quốc 9 ngày diễn ra ở Nội Mông, chưa đầy 48 giờ, toàn bộ 40 xe tăng tham gia đã bị hỏng, mất sức chiến đấu quá nửa…Do đó, chỉ trải qua chiến đấu hay tập trận sát thực như chiến đấu thì vũ khí trang bị mới bộc lộ chất lượng, và mới thấy rằng, quân đội Nga dưới thời Putin đã được chuẩn bị, xây dựng, hiện đại hóa ra sao mới có một năng lực như thế.
Trong khi đó, châu Âu đã chủ quan, sau chiến tranh lạnh đã coi thường quân đội Nga, ỷ lại vào ô an ninh ninh Mỹ mà thiếu tăng cường năng lực quốc phòng cho riêng mình, có quốc gia trong khối còn không có hệ thống phòng không…trong khi đó quân đội Nga đã âm thầm, cải tổ, hiện đại hóa mạnh kể từ sau cuộc chiến 2008 trở thành một quân đội mạnh nhất châu Âu và thế giới, chỉ sau Mỹ về tiêu chí lực lượng.
Thứ ba là các cuộc tập trận của quân đội Nga luôn bất ngờ, không đoán định trước, có tính chiến đấu rất cao theo kiểu “bên miệng hố chiến tranh”.
Trong lịch sử, năm 1979, Liên Xô lúc đó đã tiến hành một cuộc tập trận lớn nhất thế giới tính đến nay, để thực hiện nghĩa vụ trong Hiệp ước quân sự với Việt Nam. Tính chất, đối tượng, mục tiêu, của cuộc tập trận “sát thực”, nghiêm trọng, đến mức Trung Quốc không dám “cựa quậy”, nghĩa là không dám động quân ở biên giới giáp với Liên Xô kẻo sợ bị Liên Xô hiểu nhầm là thách thức Liên Xô thì lập tức cuộc tập trận sẽ trở thành đòn tấn công phủ đầu, Trung Quốc sẽ rơi ngay vào miệng hố chiến tranh. 
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg: Tập trận không báo trước của quân đội Nga là một mối quan tâm nghiêm trọng của NATO.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg: Tập trận không báo trước của quân đội Nga là một mối quan tâm nghiêm trọng của NATO.
 Hiện tại, hàng trăm chuyến bay của lực lượng không quân ném bom, tên lửa chiến lược tầm xa của Nga đã khiến cho NATO hoảng hốt điều máy bay “ngăn chặn”, theo dõi (thực chất là bay theo vì nếu chiến tranh thật thì máy bay ném bom chiến lược của Nga như TU-22M3 luôn có tiêm kích MIG-31 đánh chặn từ xa đi hộ tống). Nước Anh cũng không loại trừ tình cảnh này khi máy bay Nga áp sát không phận khiến không quân cất cánh…bay theo.
Phải hiểu điều này: Máy bay của không quân Nga, dù bay trong không phận quốc tế nhưng NATO vẫn cho máy bay lên “ngăn chặn” là có lý do của nó. Trước hết, vì đây là đường bay tấn công nguy hiểm của loại máy bay mang đầy mình bom, tên lửa hạt nhân chiến thuật…nó như “lưỡi hái thần chết” treo lơ lửng trên đầu châu Âu. Tiếp theo, đây là hoạt động chiến tranh của cuộc “chiến tranh phi tiếp xúc” đang xảy ra, tức là máy bay không quân Nga đang tác chiến điện tử.
Hơn 400 lần máy bay NATO phải cất cánh “ngăn chặn” (bay theo) không quân Nga, có nghĩa là hơn 400 lần bay đó, không quân Nga đều tắt radar chủ động và các “lỗ châu mai” của lực lượng NATO sẽ bị Nga đưa vào dữ liệu.
Cuộc tập trận đột ngột, bất ngờ của hầu hết lực lượng tên lửa chiến lược trên toàn lãnh thổ Nga. Hơn 30 trung đoàn tên lửa thuộc Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga đã đồng loạt tham gia vào cuộc tập trận tên lửa quy mô cực lớn trên tất cả 12 khu vực của Liên bang vào ngày 12/2/2015.
Cuộc tập trận lớn nhất hậu Xô viết là tại vùng Viến Đông của 160 ngàn quân của Hải-Lục-Không quân tham gia nhưng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergey nhận lệnh từ Tổng thống Vladimir Putin hồi 1 giờ sáng (giờ địa phương) ngày thứ Bảy.
Đặc biệt gần đây nhất có 2 cuộc tập trận bất ngờ sau 2 cuộc tập trận của NATO. Đó là cuộc tập trận ở Biển Đen Và Loạt cuộc tập trận rầm rộ được khởi động ngày hôm qua (16/3) của Nga thu hút gần 40.000 binh lính, 3.300 phương tiện chiến đấu, 41 tàu chiến, 15 tàu ngầm và 110 máy bay. Tổng thống Putin với tư cách là Tư lệnh tối cao của quân đội đã bất ngờ ra lệnh phát động cuộc tập trận lúc 8h sáng ngày hôm qua theo giờ Moscow (tức 12h trưa theo giờ Hà Nội).
Không ai biết mục tiêu giả định trong các cuộc tập trận của Nga là gì, nhưng với kiểu tập trung nhiều binh lực, cơ động nhanh, đột ngột, bất ngờ…thì tư tưởng tác chiến của quân đội Nga phần nào đã hiện rõ cho những ai cần phải hiểu rõ.

Tiếp theo: Tại sao NATO hốt hoảng, run rẩy?

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Đức đang viết chương mới của lịch sử châu Âu: Thoát Mỹ?


Nếu như năm 1945, nước Đức của Hitler đã lật lịch sử châu Âu và thế giới sang trang mới thì 70 năm sau...
Có lẽ nào chính nước Đức lại lật sang trang mới tiếp theo?
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, đề nghị thành lập một quân đội thống nhất của Liên minh châu Âu.
Nếu như ý tưởng này thành hiện thực thì đây là cú chấn động địa chính trị không kém gì vụ chấn động địa chính trị khi Liên Xô tan rã.
Chủ tịch UB châu Âu: EU có thể thành lập quân đội riêng
Chủ tịch UB châu Âu: EU có thể thành lập quân đội riêng
Quân đội EU ra đời sẽ như thế nào?
Quân đội EU ra đời khi 28 nước thành viên EU trở thành một liên minh quân sự, chính trị, kinh tế lớn duy nhất trên thế giới. Đây là hình thái siêu quốc gia mà tất nhiên Đức là một trong những lãnh đạo chủ chốt của siêu quốc gia đó.
Vì vậy, Đức, ngay lập tức là nước tỏ ra sốt sắng và đồng tình với lời đề xuất của Jean-Claude Juncker về một đội quân chung của toàn EU. Bộ trưởng quốc phòng Đức đã hoan nghênh đề xuất của Juncker “tương lai của một châu Âu thống nhất sẽ được định hình với việc thành lập một quân đội chung”.
Chừng nào quân đội EU ra đời thì cũng chính là lúc NATO không còn ý nghĩa, vai trò, chế tài gì hết với EU, nó chỉ đơn thuần là quân đội Mỹ.
Quân đội EU dù trong ý tưởng nhưng cũng đã phản ánh rõ ràng cụ thể thái độ của nước Đức đối với NATO do Mỹ cầm đầu từ trước đến nay: lạnh nhạt và chống đối.
Trong NATO, từ năm1995-2013, tỷ trọng của Mỹ trong tổng chi tiêu của NATO đã tăng từ 59% đến 72%. 
Đó là lý do tại sao các nhà chức trách Mỹ tìm kiếm sự tái phân bổ lại chi tiêu giữa châu Âu và giảm tải từ ngân sách của mình. Mỹ hô hào đề nghị các thành viên NATO tăng ngân sách quốc phòng lên hơn 2% GDP nhưng Đức từ chối, chỉ 1,3%.
Rõ ràng là không bao giờ Đức đưa nguồn lực to lớn của mình cho một tổ chức mà Berlin không có quyền kiểm soát chúng và bị Mỹ điều động, quyết định.
Đức phản đối, không tham gia các hoạt động quân sự của NATO trong mười năm qua, bắt đầu với Iraq, kết thúc Ukraine. 
Ví dụ, trong năm 2011, trong khi các chiến dịch lấy danh nghĩa của NATO mà Anh, Pháp tham gia tích cực trong việc tạo ra các khu vực cấm bay vào các vị trí của quân Gaddafi tại Lybia. Đức không tham gia và từ chối cung cấp ngay cả một tàu vận tải chở nhiên liệu cho các máy bay chiến đấu trong khu vực cấm bay.
Tại cuộc khủng hoảng Ukraine, Thủ tướng Đức Angela Merkel thực sự đã vượt mặt Washington, độc lập tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng, đã đến Moscow và đồng ý tổ chức một vòng đàm phán ở định dạng Minsk Norman…
Như vậy, có thể nói việc ủng hộ sốt sắng thành lập quân đội EU chỉ là một động thái của nước Đức muốn giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ với châu Âu.
Bởi vì, về quân sự, quân đội EU không phải là đối thủ làm Nga hoảng sợ, lo lắng hơn NATO dưới sự chỉ huy của Mỹ, do đó, nếu như có ra đời quân đội EU thì mối quan hệ với Nga sẽ như thế nào để chính thức đưa Mỹ ra khỏi châu Âu là chuyện của Đức và đồng minh thân cận.
Trong thực tế, ý tưởng này đã chia châu Âu thành hai phe: những đồng minh thân cận của Đức và các đồng minh thân cận của Mỹ.
Chúng ta còn nhớ, ngày 17/3/1948, nhằm tập hợp “lực lượng thứ ba” với trung tâm là Anh, Pháp để thoát khỏi sự lệ thuộc và chèn ép của Mỹ trong kế hoạch Marshall, nhưng vẫn chống Liên Xô, Hiệp ước “Liên hiệp Tây Âu” đã được kí kết giữa 5 nước (Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Lucxembua) ở Brucxen.
Mỹ không thể tham gia vào khối liên hiệp Tây Âu nhưng khi Anh chiếm địa vị lãnh đạo trong khối này là điều Mỹ không thể chấp nhận. Do đó, Mỹ xúc tiến thành lập khối “Bắc Đại Tây Dương” (NATO) rộng lớn hơn, “nuốt chửng” khối Liên hiệp Tây Âu mà trong đó Mỹ giữ vai trò lãnh đạo.
Vậy, ngày nay liệu Mỹ có cho phép Đức làm cái điều mà trong thế chiến lần thứ 2 Đức không làm được ấy không? Chắc chắn là không. Có điều, đối đầu của Nga-Mỹ của thế kỷ XXI đã khác xa chiến tranh lạnh, bởi xuất hiện nhiều mâu thuẫn mới.
Đó là mâu thuẫn chủ đạo Nga-Mỹ; mâu thuẫn châu Âu-Mỹ; mâu thuẫn giữa các lợi ích của Nga-phương Tây, thì muốn đuổi Mỹ ra khỏi châu Âu để châu Âu là của người châu Âu độc lập không theo cái gậy chỉ huy của Mỹ trong gần một thế kỷ nay sẽ phải cần sự tham gia của Nga.

An ninh châu Âu không thể thiếu Nga, châu Âu muốn thoát Mỹ cũng không thể thiếu Nga. Nếu châu Âu và Nga hình thành 2 thế lực để đẩy Mỹ ra khỏi châu Âu là một cú chấn động địa chính trị lớn nhất của thế kỷ.