Vào tối thứ Tư, ngày 18/12/2019, cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một cuộc họp bí mật với các nhà lãnh đạo phe phái kiểm soát Idlib do "Mặt trận Al-Nusra" lãnh đạo, đã diễn ra bên trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ ở bang biên giới Urfa.
Lãnh đạo Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo các chỉ huy của Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) liên kết với al-Qaeda và Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NFL) về một cuộc tấn công quy mô lớn vào Greater Idlib của quân đội Syria vào ngày 19/12.
Lãnh đạo tình báo Thổ Nhĩ Kỳ nói với các chỉ huy của phe phái rằng đất nước của họ chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng với Nga về Idlib, và các phe phái [HTS và NFL] nên chuẩn bị để đối đầu với lực lượng chế độ Syria và đồng minh của Nga,
Theo nguồn tin này, tình báo Thổ Nhĩ Kỳ nói với các chỉ huy rằng, hiện Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang có bất đồng trong thời điểm hiện tại và Quân đội Ả Rập Syria (SAA) và các lực lượng Nga “khăng khăng” quyết tâm đánh chiếm miền Đông Idlib…
Tin này được đăng, biết, từ hôm thứ Tư 18/12 thì ngày 19/12 chiến dịch nổ ra, điều dó chứng tỏ đây là tin chính xác và như vậy, rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức thông báo cho HTS và NFL rằng, các anh tự lo liệu lấy. Nga và SAA đã “khăng khăng” như vậy thì quyết tâm của họ Thổ Nhĩ Kỳ không thể lay chuyển nổi…”
Như vậy, chỉ cần một tín hiệu đặc trưng đó thì có thể biết được bản chất của sự việc, của tình thế. Tuy nhiên, đây là một vấn đề lớn, rất lớn, ảnh hưởng đến sự sống còn của lực lượng phiến quân tại Idlib, đến chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria trong tương lai, đến cục diện chiến trường Syria và Libya cho nên, không thể vội vàng, đơn giản…
Khi hết tác dụng thì bán kiếm lợi…
Tín hiệu vẫn chưa đủ mà phải cần thêm dấu hiệu thực tế. Thực tế chiến trường, thực tế những “mặc cả” giữa những người chơi chính…Và thật may mắn, tình hình Idlib đang rất có lợi cho chính quyền Assad…
1, Trên chiến trường.
Mở màn chiến dịch giai đoạn 2 (đánh chiếm tuyến đường cao tốc M5) quân đội của chính quyền Assad (SAA) đánh đâu thắng đó và thắng như chẻ tre. Chỉ trong hơn 100 giờ, SAA đã giải phòng 45 làng mạc, thị trấn, tiến sát Maarrat Al-Numan, Saraqib - là hai trung tâm đô thị lớn nhất ở miền Nam Idlib.
Đã có tin về sự thỏa thuận “bàn giao” Maarrat Al Numan cho chính phủ, nhưng không thành công. Dù không thành công, nhưng nó đã chứng tỏ một điều rằng, phiến quân Idlib đã trong tình thế vô vọng…
Lực lượng phiến quân chính ở đây là HTS và Al-Nusra đã rất vô vọng và trở nên cảnh giác với Thổ Nhĩ Kỳ, họ tự giải quyết theo cách riêng bởi cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi nước đôi, có các “giao dịch độc hại với Nga”. Lúc này, các chiến binh Al-Nusra, HTS cũng không hành quân sang khu vực của SNA (thân Thổ Nhĩ Kỳ) kiểm soát.
2, Trên chính trường…
Vào ngày 23/12, một phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ đã đến thăm Moscow để hội đàm về tình hình ở Syria và Libya. Chuyến thăm diễn ra nhanh chóng khi Quân đội Syria đang tiến vào các vị trí của các nhóm chiến binh, bao gồm cả những người được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, tại Idlib của Syria, và tại Libya khi Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường hỗ trợ quân sự cho Chính phủ Hiệp định Quốc gia thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya (GNA).
Cái cớ chính thức cho chuyến thăm là những thất bại gần đây của các chiến binh thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Kể từ khi bắt đầu tiến quân vào ngày 19/12, HTS liên kết với al-Qaeda (có liên hệ với tình báo Thổ Nhĩ Kỳ) và Mặt trận Giải phóng Quốc gia (SNA) (do Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ và tạo ra) đã mất tới 45 ngôi làng và thị trấn. Maarat al-Numan, trung tâm đô thị trọng điểm ở Idlib có nguy cơ thất thủ.
Trước đó 1 ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố, rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thể xử lý nổi dòng người tỵ nạn từ Idlib và sẽ không mang gánh nặng di cư này một mình.
Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng tình hình Idlib để tăng cường đàm phán với Nga về các tình huống ở Syria và Libya, đồng thời để gây áp lực cho Liên minh châu Âu vì lợi ích của mình. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga bàn gì tại Mosscow không được công khai, nhưng sau đó có những dấu hiệu lạ…
Đầu tiên là các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ vốn trước đây thường đưa ra nhưng tuyên bố, chỉ trích gay gắt về hoạt động quân sự của Nga-Syria tại Idlib như sát hại dân thường…nhưng nay im ắng, vẫn ở mức trước ngày 19/12, tức trước khi SAA tấn công Idlib giai đoạn 2.
Ngay cả đài quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ ở Surman, nơi bị quân đội Syria bao vây, cũng nằm ngoài chương trình nghị sự chính thống của Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã không cố gắng triển khai thêm quân đội ở Idlib để ngăn chặn quân đội Syria tiến lên…như trong giai đoạn 1 đã bị không quân Nga-Syria ngăn chặn.
Tiếp theo, đồng thời, tình hình ở phía Đông Bắc Syria, nơi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận “vùng an toàn” cũng vẫn ổn định, không có vụ đụng độ hay sự cố lớn nào được báo cáo trong khu vực. Điều này cho thấy một thành công chiến thuật trong các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ - Nga để giải quyết tình hình ở đó, bất chấp những mâu thuẫn hiện có.
Từ các tín hiệu và dấu hiệu thực tế trên chiến trường, chúng ta có thể phán đoán định dạng của thỏa thuận mới Thổ Nhĩ Kỳ - Nga về Syria và Lbya trong chuyến thăm Nga ngày 23/12 như sau:
Trong những năm qua, các nhóm chiến binh Idlib (trước hết là HTS và Al-Nusra) đã chống lại các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm áp đặt toàn quyền kiểm soát chúng vì không muốn trao toàn bộ sinh mệnh cho Thổ Nhĩ Kỳ mà muốn giữ ít nhất một nửa độc lập để có được nhiều tiền hơn từ nhiều nguồn khác nhau và đảm bảo tương lai của họ nếu Ankara quyết định từ bỏ chúng.
Nhưng, “cái kim giấu cũng lòi ra”, việc tăng cường hợp tác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực đã tiết lộ một số lỗ hổng trong đối sách này, khiến cho HTS, Al-Nusra cảnh giác, thiếu độ tin cậy với Thổ Nhĩ Kỳ. Và, đương nhiên, đã đến lúc Ankara quyết định “định giá" các đối tác cơ sở của mình tại Idlib để đạt được các mục tiêu chiến lược đặt ra.
Bằng cách gián tiếp hoặc buộc “té nước theo mưa” chấp nhận Quân đội Syria mặc sức tấn công, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cải thiện mối quan hệ với Nga hơn nữa và mở ra một hành lang cho một giải pháp chính trị có thể có của cuộc xung đột ở các định dạng hiện có liên quan đến Ankara, Moscow, Tehran và Damascus.
Giải pháp này là không thể trong khi nắm giữ phe đối lập, thế lực chính trong Idlib là những kẻ khủng bố HTS, Al-Nusra. Lực lượng này còn là liên hệ “5 cha 7 mẹ” với Châu Âu – EU và Mỹ (thay vì SNA chỉ phụ thuộc vào mỗi Thổ Nhĩ Kỳ), cho nên, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng “bán” để kiếm lợi tại Libya.
Lợi ích gì của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya?
Đối với Libya, Ankara và Moscow đã đồng ý với nhau để tiếp tục liên lạc trong chương trình nghị sự của Libya, bao gồm cả khả năng cung cấp hỗ trợ cho việc giải quyết nhanh chóng cuộc khủng hoảng tại quốc gia. Nói cách khác, các bên đã thiết lập một kênh giảm leo thang ở Libya.
Trong cuộc xung đột này, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Chính phủ Hiệp định quốc gia (GNA) có trụ sở tại Tripoli. Đối thủ chính của GNA là Quân đội Quốc gia Libya (LNA) kiểm soát phần lớn đất nước. LNA nhận được hỗ trợ từ Ai Cập, UAE, Ả rập Xê út...
Với Nga, ông Lavrov – Ngoại trưởng Nga ủng hộ công khai GNA còn ông Shoigu – Bộ trưởng Quốc phòng Nga ủng hộ LNA của Tướng Haftar. Lavrov và Shoigu là 2 “cánh tay” của “cái đầu” Putin. Tổng thống Putin không ủng hộ ai, ông chỉ là một nhà “trung gian hòa giải”.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, không cần biết LNA chiếm bao nhiêu lãnh thổ, mỏ dầu…điều mà Thổ Nhĩ Kỳ cần là bảo vệ, duy trì được sự tồn tại của GNA (giống như Nga bảo vệ được chính quyền Assad tại Syria). Nhưng, để bảo vệ được GNA trước đòn tấn công mạnh của LNA vào Tripoli thì Tổng thống Erdogan cần nhờ ông Putin “nhắc nhở” ông Shoigu kiềm chế. Bởi thực tế là không chỉ có lính đánh thuê Nga (PMC) tại Libya mà người và “hàng” của ông Shoigu hỗ trợ cho LNA cũng không thiếu. LNA khó tiến vào được Tripoli khi không có sự hỗ trợ của ông Shoigu và PMC từ Nga.
Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết bảo vệ GNA đến vậy? Bởi vì GNA có trụ sở tại Tripoli vừa ký kết với Ankara một thỏa thuận kiểm soát đối với khu vực hàng hải chung và thỏa thuận hợp tác quân sự. Sự tồn tại của thỏa thuận này – là những yếu tố quan trọng để bảo đảm lợi ích to lớn, lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải (lớn hơn nhiều so với Idlib), lại đồng thời với sự tồn tại của GNA.
Do đó, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thỏa thuận với “nhà trung gian Putin” ngay khi ông Erdogan gửi quân đội sang Libya theo yêu cầu của GNA (cách của Nga ở Syria) thì sẽ gặp nhiều rắc rối có thể xung đột với ông Shoigu, khi đó mục tiêu chiến lược của ông Erdogan đổ bể.
Cho nên, bây giờ nếu như Ankara đã bán các proxy của mình tại Idlib (HTS, Al-Nusra) để “mua” điều gì đó từ Nga tại Libya, như kiềm chế hành động của LNA, làm ngơ hành động của Thổ Nhĩ Kỳ… thì chẳng có gì, chẳng có ai ngạc nhiên.
Té ra vị thế của một nhà trung gian hòa giải có rất nhiều “hoa hồng”. Chính vì thế mà tại Libya, Nga không ủng hộ ai, phe nào, công khai, quyết liệt như tại Syria. Tổng thống Nga Putin muốn là nhà trung gian hòa giải quả là thượng sách.