Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Vụ nổ Thiên Tân dưới góc nhìn An ninh-Quốc phòng


Vụ nổ đã phơi bày những tử huyệt chiến lược, thách thức nguy hiểm đến an ninh-quốc phòng không chỉ Trung Quốc mà còn của các quốc gia khác.
23 giờ 30 ngày 12 tháng 8, khu Tân Hải, thành phố Thiên Tân, đã xảy ra một vụ nổ lớn. Vụ nổ phát sinh tổng cộng hai lần, lần thứ nhất có sức công phá tương đương với 3 tấn thuốc nổ TNT, 30 giây sau lại tiếp tục phát sinh một vụ nổ thứ hai với sức công phá tương đương 21 tấn TNT.
Theo bản tin của truyền thông Trung Quốc, đến ngày 16/8, vụ nổ đã tạo ra cái chết của 112 người, làm bị thương 722 người, 95 người mất tích, trong đó có 85 cảnh sát PCCC, trong số những người bị nạn chỉ xác định được thân phận của 24 người. Vụ nổ đã phóng thích hàng trăm tấn hóa chất độc hại gây ra thảm họa môi trường chưa lường hết được.
Đây là một vụ nổ mà thế giới đánh giá như một “Chernobyl thứ hai” của Liên Xô. Đương nhiên, để tránh gây hoang mang, sợ hãi, trong dân chúng, nhà đương cục sẽ không thông báo rõ sự thật về những thất thiệt…Tuy nhiên, ở góc nhìn an ninh-quốc phòng, vụ nổ tại Thiên Tân Trung Quốc đã phơi bày những tử huyệt tầm chiến lược mà không chỉ tại Trung Quốc.
Trước hết là về an ninh.
Khi một vụ nổ lớn xảy ra, thì một câu hỏi đặt ra ngay và luôn là là do lỗi kỹ thuật hay do cố ý (khủng bố)? Nổ mìn hay đánh bom tự sát…thì đã rõ ràng khẳng định, nhưng nổ lớn ở các trung tâm công nghiệp, kho chứa nguyên liệu dễ cháy nổ, kho hóa chất, đạn dược, thậm chí nhà máy hạt nhân…thì rất khó để kết luận nhanh và chính xác.
Chẳng hạn như vụ nổ kho hóa chất Thiên Tân theo như truyền thông Trung Quốc là do sai lầm, thiếu hiểu biết của cảnh sát PCCC…(Nhưng cũng có thể, vụ nổ trước chỉ cách vụ nổ sau 30 giây (cảnh sát PCCC chưa kịp xuất hiện) đã kích nổ vụ nổ thứ 2 và sau đó cảnh sát PCCC xuất hiện cứ tưởng đám cháy là bình thường nên dùng nước dập lửa mà đâu biết chẳng khác nào “dùng xăng dập lửa”, cùng với sự phát tác của chất độc mới khiến nhiều cảnh sát PCCC chết nhiều như thế). Rằng, thiệt hại lớn là do kho hóa chất đặt quá gần khu dân cư 600m thay vì 1000m…rồi thì do liên minh ma quỷ giữa chính quyền và doanh nghiệp…
Liệu có sự liên quan gì không khi ngày 12/8 nổ kho hóa chất Thiên Tân; ngày 17/8 nổ mìn tại thủ đô Thái Lan và mấy ngày sau lại nổ kho hóa chất ở Liêu Ninh Trung Quốc? Đưa Thái Lan vào “dây chuyền” này bởi vì nhóm chiến binh cánh hữu Grey Wolves của Thổ Nhĩ Kỳ đã rất tức giận sau khi Thái Lan trả lại Trung Quốc 109 người Duy Ngô Nhĩ vào ngày 9/7 và dấu vết của nhóm Grey Wolves trong các vụ tấn công vào tòa đại sứ quán Thái Lan ở Istanbul, trong khi đó người Duy Ngô Nhĩ với Trung Quốc thế nào thì ta đã hiểu…
Tất nhiên đó là chuyện nội bộ của Trung Quốc, chúng ta không quan tâm. Chắc chắn sẽ có rất nhiều việc để chính quyền Trung Quốc kết luận, nhưng ở đây, vấn đề an ninh đã phơi bày tử huyệt không thể che đậy, là mục tiêu cho bọn khủng bố quốc gia, thế giới nhắm vào mà thành công thì gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng trên nhiều mặt cho an ninh quốc gia, từ chính trị, kinh tế cho đến thảm họa môi trường. Sự hoang mang lo sợ, náo loạn trong dân chúng, sự mất lòng tin về chính quyền…, “quả bom bất ổn” tiếp theo này, khi nổ còn hủy diệt chế độ nhanh hơn bom hạt nhân.
Do vậy, “phương án tác chiến” của quân khủng bố đã, sẽ thay đổi không chỉ đơn giản là đánh bom tự sát, đặt mìn vào chỗ đông người hay khủng bố máy bay…mà tấn công vào các khu công nghiệp, các kho tàng dễ cháy nổ, kho chứa hóa chất đặc biệt…của các doanh nghiệp trong, ngoài nước mà sự bảo vệ không ở cấp nhà nước là điều không thể không nghĩ đến.
Kho hóa chất hay kho xăng dầu, chất dễ cháy nổ… đặt ở xa khu dân cư bao nhiêu không quan trọng, bởi vì sự phát triển của một quốc gia không thể thiếu những kho hàng đại loại như thế mà quan trọng là an ninh của những khu vực đó được đảm bảo như thế nào. Chất độc từ vụ nổ Thiên Tân có thể bay sang Nhật Bản, Hàn Quốc và hiện tại đang lo ngại bay đến Bắc Kinh nơi đang sắp diễn ra duyệt binh… thì 1000m hay hơn chẳng là gì. Đó chính là nguy cơ thách thức an ninh trầm trọng mà không chỉ Trung Quốc, các quốc gia khác có sự bất ổn phải cảnh giác cao độ và sự quan tâm sát sao.
Về quốc phòng.
Đây thực sự là một vấn đề mà có thể thay đổi tư duy quân sự hiện đại sau vụ nổ tương đương 21 tấn TNT tại Thiên Tân.
Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài thì vụ nổ tương đương với gần 53 quả tên lửa Tomahowk nổ đồng thời, vậy đặt ngược lại vấn đề, chỉ cần 1 quả tên lửa Tomahowk hay loại khác kém hiện đại hơn bay vào đúng vị trí đó, thì đương nhiên, kết quả sẽ như nhau.
Trung Quốc tuy đất rộng, người đông nhưng phân bố không đều, hầu hết các trung tâm công nghiệp, thương mại, dân cư đông đúc đều nằm trên duyên hải phía Đông.
Giả sử có một cuộc chiến xảy ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản thì phía Nhật Bản chẳng cần có tên lửa hạt nhân cũng tạo ra được các vụ nổ trên đất Trung Quốc mà tác hại còn vượt xa thảm họa hạt nhân, trong khi đó, Trung Quốc không cần sử dụng vũ khí hạt nhân cũng đủ sức tạo ra một “Chernobyl toàn Nhật Bản”.
Như vậy, khi chiến tranh thông thường xảy ra giữa các quốc gia láng giềng có sức mạnh quốc phòng không hơn kém nhau nhiều như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…thì chắc chắn sẽ không có kẻ thắng hoặc cùng lắm sẽ có thắng lợi theo kiểu PYRRHIC.
Nói là “giữa các quốc gia láng giềng” vì gần nhau, nên khi xảy ra chiến tranh thì nhân dân 2 quốc gia đó đều phải ngửi mùi khói bom thuốc đạn. Khi anh ném vào nhà hàng xóm một viên gạch thì ít nhất anh sẽ bị ném lại một viên đá là điều không tránh khỏi. Cho nên, làm gì để răn đe, ngăn ngừa chiến tranh, buộc những cái đầu hiếu chiến của những quốc gia láng giềng phải “suy nghĩ 2 lần” trước khi gây chiến thì ngoài công việc, kế hoạch chuẩn bị sức mạnh phòng thủ, các nhà quân sự phải thay đổi tư duy tác chiến. Đó là giáng trả vào sào huyệt, “sân sau” của kẻ gây chiến.
“Nhà giàu đứt tay bằng nhà nghèo đổ ruột”, tuy nhiên, kẻ bị “đứt tay” có khi chết trước kẻ bị “đổ ruột” vì hoảng loạn tự chết. Xem ra, lý do vì sao Mỹ không tiếc tiền để lập ra lá chắn tên lửa và luôn hiếu chiến, “cổ vũ nhiệt tình” trong các cuộc chiến tranh ở rất xa cửa nhà mình trở nên dễ hiểu.

Thế kỷ XXI, chiến tranh lớn rất khó xảy ra, nhưng trên khả năng răn đe mạnh, xung đột quân sự hạn chế là ưu thế của các nước lớn, lại rất dễ xảy ra, bởi đó là cách mà họ không muốn đem chiến tranh đến cửa nhà mình, là cách tránh những “bãi lầy”. Tuy nhiên, tùy theo từng đối thủ, tránh được hay không lại là chuyện khác.

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Chiếc áo không làm nên nổi thầy tu!


Bành trướng, xâm lược là những hành động đã lỗi thời trong thế kỷ XXI, không xứng với danh một cường quốc hiện đại, văn minh, được tôn trọng.
Trung Quốc muốn giống Nga, vì họ rất giỏi làm nhái, rất giỏi “copy and paste” vũ khí Nga nhưng đáng tiếc, giá trị của thành phẩm luôn không bao giờ đạt tới hạn bản quyền. Vì thế mong muốn “duyệt binh mừng chiến thắng phát xít Nhật” giống như “Duyệt binh mừng ngày chiến thắng phát xít” của Nga là không thể vì vai trò, ý nghĩa, đẳng cấp khác nhau. Trung Quốc không phải là Nga.
Mua danh ba vạn…
Lần đầu tiên Liên Xô duyệt binh mừng chiến thắng Phát xít sau khi cắm lá cờ chiến thắng trên nóc nhà quốc hội Đức vào ngày 9/5/1945 tại Quảng trường Đỏ, Maxcova, nơi mà năm 1941, Hitler cũng có ý định sẽ duyệt binh tại đó khi quân Đức đã cách Điện Kremly một tầm ống nhòm.
Hàng năm vào các năm chẵn, Nga đều tổ chức duyệt binh để mừng chiến thắng, chiến thắng chung của hòa bình thế giới, của đồng minh chống phát xít. Ngày 9/5 được cả thế giới coi như là ngày chiến thắng và không có gì ngạc nhiên khi các quốc gia phương Tây, Mỹ…đều tập trung về Matxcova để dự hội.
Năm 2015, lễ duyệt binh mừng chiến thắng 70 năm lần này tại Nga có sự cố khi các nước phương Tây, Mỹ…tẩy chay vì Nga với liên quan trong cuộc khủng hoảng Ukraine…, tuy thế, những thông điệp mà Nga muốn cuộc duyệt binh chuyển tải là thành công khi Nga đã chứng tỏ cho thế giới biết vị thế nước Nga sau chiến tranh lạnh.
Với tinh thần ý nghĩa đó, Trung Quốc cũng tiến hành duyệt binh mừng chiến thắng phát xít Nhật vào ngày 3/9 sắp tới. Tuy nhiên, đằng sau cuộc duyệt binh của Trung Quốc có rất nhiều vấn đề khiến nhiều quốc gia có những cách nhìn nhận khác nhau.
Trước hết về ý nghĩa lịch sử. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức duyệt binh lớn với nhiều lời mời đến các quốc gia trên thế giới sau khi Trung Quốc đã trỗi dậy thành một cường quốc kinh tế đứng thứ 2 thế giới và sự hấp dẫn từ Trung Quốc là đáng kể, không thể phủ nhận. Tuy nhiên, dù có số người thiệt mạng lớn thứ 2 sau Liên Xô, nhưng đánh bại Nhật phát xít không phải là Trung Quốc. Chính Hồng quân Liên Xô sau khi đánh bại phát xít Đức đã tuyên chiến với phát xít Nhật và đánh tan 1 triệu quân Quan đông Nhật Bản mới buộc Nhật Hoàng đầu hàng trước khi Mỹ bồi thêm 2 quả bom nguyên tử. Phần Đông-Bắc Trung Quốc chỉ là được Liên Xô giải phóng khỏi ách chiếm đóng của phát xít Nhật mà thôi.
Tổ chức duyệt binh hoành tráng mừng 70 năm chiến thắng phát xít Nhật với ý định tất cả thế giới đổ dồn về Bắc Kinh như Quảng trường Đỏ Matxcova là rất mong manh. Điều đó chẳng khác nào Ukraine hay Ba Lan trở thành địa điểm cho toàn thế giới hướng về ngày chiến thắng 9/5.
Như vậy, ngày 3/9/2015 sắp tới, cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh không có ý nghĩa lịch sử với thế giới mà nó chỉ có ý nghĩa chính trị với Trung Quốc, họ làm tất cả mọi điều để “mua danh”.
Thông qua cuộc duyệt binh hùng hậu này, Trung Quốc muốn chứng tỏ cho thế giới biết Trung Quốc cũng là một trung tâm của thế giới. Trung Quốc khoe khoang sức mạnh quân sự của mình tương ứng với nền kinh tế thứ 2 thế giới, răn đe Mỹ, Nhật Bản. Biến sức mạnh quân sự thành nền tảng phát triển “sức mạnh mềm” lan tỏa khắp thế giới.
Tổ chức hoành tráng với các lực lượng tham gia mang theo nhiều vũ khí mới… cuộc “biểu diễn” này dĩ nhiên là thành công vì nó nằm trong tầm tay của Bắc Kinh. Nhưng mục đích cuộc “biểu diễn” có đạt được hay không, điều này lại phụ thuộc vào “khán giả khách mời” có ý nghĩa quyết định.
Nếu như các lực lượng tẩy chay đến Nga dự duyệt binh mừng chiến thắng 9/5 vừa qua là vì Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine chứ không phải họ không công nhận ý nghĩa lịch sử của ngày chiến thắng 9/5…thì với Trung Quốc lại là chuyện khác.
“Tổ chức duyệt binh kỷ niệm ngày lịch sử” như “kiểu Nga” trong khi mọi người không coi đó là ngày có ý nghĩa lịch sử thì đó là một hoạt động vô duyên, không có kết quả trong xây dựng, phát triển “sức mạnh mềm” của Trung Quốc.
…bán danh một đồng.
Duyệt binh luôn là một thông điệp hùng hồn và cứng rắn cho đối tượng mà quốc gia chủ lễ quan tâm.
Cuộc duyệt binh, diễu hành của Việt Nam kỷ niệm 40 năm chiến thắng 30/4, một chiến thắng vĩ đại của thế kỷ XX chỉ có cờ, hoa và nụ cười. Một thông điệp hòa bình, muốn là bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang rất hung hăng, bất chấp, đe dọa sử dụng vũ lực với các quốc gia tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông, Biển Đông, với những tuyên bố về chủ quyền hết sức phi lý, phi pháp…thì thông điệp của cuộc duyệt binh hùng hậu này phải chăng là một thông điệp hòa bình, là bạn với các quốc gia láng giềng, khu vực?
Trước hết, cuộc duyệt binh ngày 3/9 mừng chiến thắng phát xít Nhật là một sự răn đe, phủ đầu Nhật Bản cấp quốc gia thay vì những tuyên bố đầy hận thù dân tộc lẻ tẻ trước đây như báo chí truyền thông Trung Quốc đăng tải, trước tình hình Nhật Bản đã, đang tái vũ trang. Trung Quốc muốn chứng tỏ cho Nhật Bản thấy rằng, Trung Quốc bây giờ chứ không phải Trung Quốc của 100 năm trước…
Sự trùng hợp “rắc rối” là khi Trung Quốc đang rầm rộ duyệt binh thì Nhật Bản, dự Luật an ninh mới cũng chính thức trở thành Luật. Theo đó cho phép quân đội Nhật Bản tác chiến bất kỳ đâu với ai nếu như kẻ đó tấn công, đe dọa an ninh của đồng minh, bạn bè Nhật Bản.
Có thể nói Trung-Nhật đã bước vào cuộc chiến tập hợp, lôi kéo lực lượng mà Nhật Bản áp đảo về ưu thế. Một kẻ hung hăng, đe dọa dùng sức mạnh bành trướng lãnh hải với láng giềng, khu vực (các quốc gia nhỏ, yếu) và một kẻ sẵn sàng chiến đấu, giúp đỡ họ thì các quốc gia nhỏ yếu sẽ theo ai hoặc tin sẽ cậy vào ai?
Nếu như “Sức mạnh mềm” là khả năng đạt được điều mà bạn muốn thông qua sức hấp dẫn về văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia chứ không phải thông qua ép buộc hay mua chuộc, là loại sức mạnh có thể dễ dàng gây ảnh hưởng lên hành vi của quốc gia khác mà không cần phải sử dụng đến các loại sức mạnh có thể đong đếm được thì với tư tưởng, hành động của mình, Trung Quốc đã khiến cho khu vực lo ngại, cảnh giác, tăng cường năng lực quốc phòng…dẫn đến điều tất yếu, việc mở rộng “sức mạnh mềm” của Trung Quốc hoàn toàn phá sản.

Bành trướng lãnh thổ, lãnh hải, dùng sức mạnh để xâm lược là những hành động đã lỗi thời, không còn phù hợp trong thế kỷ XXI, không xứng với danh một cường quốc hiện đại, văn minh, đầy trách nhiệm. Nó không đáng một xu.