Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

LUẬT BIỂU TÌNH, NÊN CHĂNG?



Có luật biểu tình thì:
- Phân biệt được ai là người đi biểu tình, ai là người không phải đi biểu tình.
- Phân biệt được những cuộc biểu tình và những cuộc không phải là biểu tình.
Từ cơ sở đó Nhà nước xử lý rất dễ dàng. Nếu là cuộc biểu tình thì không việc gì phải sợ. Để nhân dân phản ánh theo kênh riêng của mình với Nhà nước, Chính phủ và thậm chí với cả Đảng. Vì Mặt trận Tổ quốc không phải là tất cả, không phải cái gì cũng đến tai họ và không phải cái gì đến tai họ cũng đến được địa chỉ cần phải đến để được giải quyết. Còn nếu sự tập hợp đông người đó mà không phải là biểu tình thì sẽ được coi là bất hợp pháp. Mà khi được coi là bất hợp pháp thì Nhà nước có quyền thẳng tay trừng trị. Có thể bắt người, dùng bạo lực để giải tán… nghĩa là vì an ninh quốc gia mà không sợ một thế lực nào xuyên tạc, bóp méo. Vì vậy nhất định phải có Luật biểu tình.
Tự do là gì? Đó là phải tuân thủ theo khuôn khổ, không có tự do nào ngoài khuôn khổ.
LUẬT "MẠI DÂM", LUẬT "CHẠY CHỨC CHẠY QUYỀN".
Ngày xưa thời nhà Trần chẳng hạn, thì không thể và chưa cần có luật giao thông, luật chứng khoán…nhưng ngày nay thì khác. Cùng với sự phát triển của xã hội, hoạt động của con người ngày càng đa dạng phong phú, phức tạp hơn nên bắt buộc xã hội phải có quy định, thống nhất cho con người hoạt động do giai cấp thống trị đề ra và làm trọng tài phân xử, tránh sự lộn xộn, mất trật tự, khó quản lý. Đó chính là Luật, là ý chí chính trị của giai cấp thống trị kết hợp với tập tục.
TUY NHIÊN không phải hễ khi có sự lộn xộn, mất trật tự trong xã hội giai cấp thống trị xã hội lại phải luật hóa vấn đề đó.
LUẬT là những quy định, chế tài dùng để bảo vệ cho cái tốt, cái đẹp được phát triển trong một môi trường có tổ chức, quản lý nhà nước chứ tuyệt nhiên không phải bảo vệ cho cái xấu, cái phi văn hóa được phát triển với bất kỳ ai, hình thức quản lý nào.
Như vậy, luật “gái mại dâm”, luật “chạy chức chạy quyền” mà nhiều vị chức sắc tai to mặt lớn, nổi tiếng đề xuất, là với mục đích quản lý được gái mại dâm, quản lý được chạy chức chạy quyền và đặc biệt THU ĐƯỢC NGÂN SÁCH VỀ CHO NHÀ NƯỚC.
Trước hết, đề xuất của các vị đồng nghĩa với việc tạo điều kiện thuận lợi cho gái mại dâm và kẻ chạy chức chạy quyền hoạt động mà không bị lên án. Vì sao bị xã hội lên án? Vì đó là điều xấu. Mua quan bán chức là tốt sao? Làm đĩ là tốt sao? Vậy thì cớ gì lại tạo điều kiện thuận lợi cho chúng hoạt động?
Còn “thu được ngân sách”. Xin lỗi các vị, tiền mà các cô gái “bán trôn nuôi miệng” của họ nếu thu được thì dùng để “nuôi miệng” của các vị chứ chúng tôi, những người lính không cần.
ngocthong19.5@gmail.com

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

NHỮNG RUNG CHẤN QUANH VIỆT NAM VỚI 6 “P-3C ORION” ĐỜI MỚI CỦA MỸ.


Sự xuất hiện máy bay P-3C Orion của Mỹ sản xuất trên Biển Đông chắc chắn sẽ thay đổi địa chính tri và địa quân sự khu vực nếu như điều đó xảy ra.
Máy bay P-3 Orion đã phục vụ trong Hải quân Mỹ từ những năm 1960 với nhiệm vụ chủ yếu là tuần tiễu chống ngầm. Qua nhiều lần nâng cấp P-3 Orion trở thành P-3C4 Orion là loại máy bay đời mới nhất trong Hải quân Mỹ và Nhật Bản. Ngoài các nhiệm vụ chống ngầm, một số máy bay P-3C4 được nâng cấp để hỗ trợ mặt đất trên chiến trường gồm radar địa hình, cảm biến quang-điện tử với khả năng kết nối thời gian thực cho các nhiệm vụ trinh sát, tuần tiễu.
Có thể nói, đối tượng tác chiến của loại máy bay này là lực lượng tàu ngầm Nga, trong khi đó nếu như công nghệ tàu ngầm của Trung Quốc đang lạc hậu so với Nga 20 năm thì P-3C4 Orion vẫn dùng tốt, là khắc tinh 20 năm nữa với đối tượng là tàu ngầm của Trung Quốc.
Nhưng hiện nay, trước sự phát triển của tàu ngầm Hải quân Nga, hải quân Mỹ buộc phải nghiên cứu chế tạo ra loại máy bay chống ngầm mới, hiện đại hơn, đó là loại P-8 Poseidon (Thần biển). Nhật Bản cũng tự chế tạo máy bay P-1 để thay thế cho P-3C…cho nên P-3C4 trong hải quân Mỹ, Nhật Bản trở nên không cần thiết. Trong khi đó, máy bay chống ngầm, tuần tra trinh sát loại này Nga, châu Âu không sản xuất, cho nên P-3C của Mỹ, Nhật Bản là sự lựa chọn duy nhất của Việt Nam nếu cần mua.

Đây là loại máy bay tuần tra trinh sát, tác chiến chống ngầm P-3C Orion mà sự xuất hiện của nó trên Biển Đông có thể tạo nên một sự thay đổi địa chính tri, địa quân sự khu vực.

Vấn đề quan trọng là bán cho ai, bán như thế nào, bán để làm gì…Mỹ, Nhật Bản đều tính toán.
Nếu Mỹ hoặc Nhật Bản bán cho Việt Nam loại máy bay này dù không trang bị vũ khí thì đó là một chấn động lớn trên địa chính trị và địa quân sự khu vực.
Trước hết là địa chính trị.
Ở khu vực châu Á-TBD và ven Biển Đông, mọi quốc gia có tiền đều có thể mua vũ khí Mỹ, trừ Việt Nam và Trung Quốc bị Mỹ cấm vân vũ khí.
Nếu Việt Nam có được vũ khí Mỹ thì có nghĩa Việt Nam được Mỹ coi như không làm hại đến lợi ích an ninh Mỹ. Và do vậy, ở một góc độ nào đó, những ai được Mỹ bán vũ khí thì là có cùng mục đích an ninh chung, có sự tin cậy lẫn nhau. Vì thế, dễ hiểu tại sao Trung Quốc không bán vũ khí cho Việt Nam, Philipines, Nhật Bản…hay nói chung là các nước có tranh chấp với Trung Quốc trên biển và quả thật những quốc gia đó, Trung Quốc có cho không, họ cũng không lấy.
Có thể nói ý định và khả năng mua bán được loan báo từ hãng sản xuất máy bay chiến đấu Lockheed Martin trong một cuộc phỏng vấn với Janes cùng với thời điểm Nhật Bản tuyên bố cứng rắn, không khoan nhượng với Trung Quốc, tập hợp lực lượng có cùng mối quan tâm an ninh chung, bắt tay với Đài Loan…trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hành động bành trướng trên Biển Đông là những dấu hiệu cho thấy địa chính trị sẽ thay đổi không có lợi cho Trung Quốc. Trong khu vực sẽ xuất hiện nhiều đồng minh, liên minh tự nhiên chống lại hành động biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc.
Tiếp theo là địa quân sự.
Việc tuyên bố bản đồ đường lưỡi bò để chiếm trọn Biển Đông vì tài nguyên dầu khí, khoáng sản…chưa phải là mục tiêu chính của Trung Quốc. Mục tiêu chính của Trung Quốc là vì quân sự.
Nếu Biển Đông thành “ao nhà” thì đó là nơi tập kết, xuất phát tấn công của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc đe dọa an ninh Mỹ mà Mỹ, Nhật Bản rất khó phát hiện. Đây chính là lối xuất phát từ phía Nam của tàu ngầm Trung Quốc mà Mỹ, Nhật Bản rất khó kiểm soát và không dễ dàng kiểm soát chặt chẽ như biển Hoa Đông. Đây mới thực sự là con đường “sinh mạng” của tàu ngầm Trung Quốc.
Vì thế, đối với Trung Quốc, khi họ tự cho rằng đã trở nên mạnh mẽ có thể “muốn là được” thì không có chuyện “Tự do hàng hải trên Biển Đông” mà Trung Quốc muốn chiếm tất cả Biển Đông.
Nhưng, muốn Biển Đông thành “ao nhà” để phá vỡ thế bao vây của Mỹ, Nhật Bản thì Trung Quốc trước tiên phải loại bỏ hải quân của các quốc gia có chủ quyền trên Biển Đông, trong đó có Hải quân Việt Nam-một lực lượng không dễ chơi.
Tàu ngầm Trung Quốc với một số lượng lớn, không vùng vẫy ở Biển Đông như trong “ao nhà” thì có nghĩa hơn 70% năng lượng vận chuyển qua Biển Đông sẽ bị cắt bất cứ lúc nào và Mỹ không phải lo lắng nhiều khi nơi trú ngụ và con đường tuần tra của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc bị thu hẹp lại.
Chính lẽ đó, việc Mỹ bán P-3C4 cho Việt Nam, tiền thu được chưa quan trọng bằng lợi ích về quân sự và là điều có thể xảy ra.
Tàu ngầm, bản thân nó là bí mật. Khi không còn là bí mật như đi đâu, ở đâu bị đối phương định vị tọa độ thì coi như hết tác dụng. Vì vậy, khi trên Biển Đông dù không trang bị vũ khí, máy bay tuần tra trinh sát tác chiến chống ngầm loại P-3C4 của Mỹ sản xuất thực hiện nhiêm vụ thì với tính năng kỹ chiến thuật của nó (như quảng cáo) và với khả năng tàng hình của tàu ngầm Trung Quốc (như đã đánh giá), chúng luôn luôn là “khắc tinh”, sát thủ.
Sự xuất hiện của P-3C4 trên Biển Đông sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc còn hơn cả hạm đội tàu ngầm Việt Nam sắp tiển khai. Rõ ràng, kế hoạch tác chiến của Hạm đội Nam Hải trên Biển Đông buộc phải hoàn toàn thay đổi.
Đây là điều Trung Quốc không bao giờ muốn, rất lo ngại và theo dõi sát sao tình hình mua bán này.
Chống ngầm trong phòng thủ biển của Việt Nam cực kỳ quan trọng, mang tầm chiến lược. Phải xây dựng 4 lực lượng gồm: mìn, thủy lôi chống ngầm; tàu mặt nước săn ngầm; tàu ngầm chống ngầm và máy bay chống ngầm.
Do vậy, không có gì là ngạc nhiên nếu Việt Nam có ý định mua của Mỹ hay Nhật Bản loại máy bay này và nếu thành công thì chắc chắn đây chẳng phải là lần cuối cùng Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam.
Việt Nam có 6 chiếc tàu ngầm là chắc chắn và sẽ có thêm 6 chiếc P-3C4 Orion do Mỹ sản xuất? Tại sao là 6 KILO, 6 P-3C4 mà không phải 5 hay 7…? Do đồng tiền quyết đinh số lượng hay vì lý do gì khác? Chúng cùng loại hay khác loại?...
Nếu như đặt vấn đề rằng, tại sao cái kiềng chỉ có 3 chân mà không nhất thiết phải có 4 hay 6 chân thì phần nào chúng ta không cảm thấy quá khó khi trả lời câu hỏi trên..

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

SỰ THẬT VỀ “DIỀU HÂU TỈNH TÁO” MÀ ÔNG TƯỚNG VỀ HƯU LA VIỆN TỰ PHONG



“Diều hâu” là một từ xuất phát tại Mỹ dùng để chỉ các phần tử hiếu chiến. Sau này “diều hâu” được sử dụng rộng rãi để chỉ các nhân vật, phe nhóm hoặc thế lực chủ trương dùng các thủ đoạn cứng rắn về chính trị, quân sự hay ngoại giao. Từ “diều hâu” nó đi liền với các khái niệm như “dã man”, “gian manh” nên rất nhiều người né tránh từ này. Tuy nhiên, La Viện thì khác. Viên tướng “học giả” này tự đắc: “Tôi đón nhận cái từ “diều hâu” này một cách hết sức vui vẻ! Diều hâu tỉnh táo”. Điều đó La Viện muốn cho mọi người hiểu rằng ông ta là không phải là tướng (nghỉ hưu) “hữu dũng vô mưu” như tiền nhân Trương Phi thời Tam quốc, ông ta có dũng có mưu.
Vậy thực sự cái gọi là “diều hâu tỉnh táo” của La Viện bộc lộ như thế nào? Trước hết là tính ‘diều hâu”.
Trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, La Viện thường giữ một lập trường hết sức hiếu chiến, hung hăng, độc ác, dã man, gian manh, phi lý để bành trướng trên Biển Đông.
Các tuyên bố của La Viện từ “đất thiêng” Hoàn cầu thời báo biểu hiện tính “diều hâu” thì vô số, nhưng đối tượng để La Viện thể hiện rõ tính “diều hâu” chỉ gồm các nước láng giềng mà ông ta đánh giá là nhỏ, yếu hoặc đã bị yếu như Nhật Bản chẳng hạn.
Nhật Bản dưới thời đảng Dân chủ cầm quyền, Trung Quốc có vẻ như có thể “ăn tươi nuốt sống” qua cuộc nắn gân ở Senkaku, lúc đó La Viện hí hửng hùa theo tuyên bố trên diễn đàn, kêu gọi Trung Quốc “xé bỏ các hiệp ước hòa bình thời Chiến tranh Thế giới thứ II và giành lại lãnh thổ đang bị Nhật Bản kiểm soát”. Rằng, "một quốc gia không có tinh thần thượng võ là một quốc gia không có hy vọng”…rất hùng hồn, hiếu chiến, đúng không?
Và đây, cái gọi là “tỉnh táo” của La Viện.
Từ tháng 01 năm 2013, tại Nhật Bản, đảng dân chủ tự do của thủ tướng Shinzo Abe lên cầm quyền, nước Nhật đã thay đổi. Sự thay đổi thế nào ai cũng biết, trong đó đặc biệt là quân sự, Nhật Bản muốn để chứng tỏ "một quốc gia không có tinh thần thượng võ là một quốc gia không có hy vọng” như lời La Viện răn dạy…
La Viện lúc này (bài viết đăng trên Hoàn cầu thời báo) tỏ ra hết sức hốt hoảng và lo sợ nếu như Điều 9 Hiến pháp hòa bình Nhật Bản bị xoa bỏ. La Viện cho rằng “Nhật Bản từng đưa ra 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, 3 nguyên tắc không sở hữu vũ khí hạt nhân và không thực hiện quyền tự vệ tập thể. Nhưng hiện nay Nhật Bản đều đang lặng lẽ “tháo bỏ” những “dây trói” này, hơn 80% các nghị sĩ được hỏi đều tán thành cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể, đặc biệt là ông Shintaro Ishihara kêu gọi, Nhật Bản cần sở hữu vũ khí hạt nhân, đây là một “tín hiệu rất nguy hiểm”, bởi vì Nhật Bản hiện là nước sở hữu plutonium “cấp vũ khí” lớn nhất thế giới, đồng thời đã nắm chắc công nghệ lò phản ứng tái sinh và công nghệ tên lửa đẩy tiên tiến”. La Viện kêu gọi Liên Hiệp Quốc không được nhắm mắt làm ngơ, phải “bóp chết từ trong trứng nước” khuynh hướng sở hữu vũ khí hạt nhân và mầm mống chiến tranh của Nhật Bản…
Tóm lại La Viện muốn LHQ “trùm chăn Nhật Bản” để cho Trung Quốc của La Viện “đấm” tự do.
Nếu như La Viện quốc tịch Philipines… thì bài viết đó của ông trên Hoàn Cầu thời báo được coi như sự khuyến cáo về tính nguy hiểm khôn lường của Nhật Bản gây nên sự bất ổn cho hòa bình trong khu vực và thế giới, nhưng La Viện là người Trung Quốc, mà hành động, mưu đồ của Trung Quốc trong thời gian qua với các quốc gia trong khu vực như thế nào đã làm cho lời nói, đánh giá, kêu gọi của La Viện mang một sắc thái, ý nghĩa khác, đó là gian manh và hoảng hốt lo sợ.
Như vậy, “diều hâu tỉnh táo” của La Viện được hiểu là: hung hăng, ngang ngược, hiếu chiến, độc ác dã man với kẻ yếu, nhưng với kẻ mạnh thì hốt hoảng, sợ sệt. Đó chính là tính cách “hèn”, không phải là trang hảo hán.
Người Việt có câu “chưa đụng đến người thì mặt đỏ như gấc, mà khi đụng đến người thì mặt vàng như nghệ” xem ra rất hợp với “diều hâu tỉnh táo” của La Viện.
Mới đây nhất, sau khi Trung Quốc tuyên bố sách trắng về quốc phòng thì La Viện còn “ăn theo, nói leo” bằng một phát ngôn có hàm ý dọa nạt các quốc gia không có VKHN. Nếu cho rằng đó là một phát ngôn của một kẻ ngu xuẩn thì không chính xác. Chính xác thì phát ngôn đó chỉ có thể là của một kẻ bệnh hoạn, thần kinh mà thôi.
La Viện phát ngôn trên tờ Văn Hối xuất bản tại Hồng Kông rằng: “sách trắng quốc phòng mới của Trung Quốc mặc dù nhấn manh "không sử dụng vũ khí hạt nhân trước" nhưng một khi an ninh, "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc bị uy hiếp thì vũ khí hạt nhân sẽ là một trong những lựa chọn của Bắc Kinh”.
Cái “bệnh hoạn thần kinh” trong phát ngôn này ở chỗ là thế giới không ai biết đích xác cái “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc là vô hạn hay hữu hạn. Lúc yếu thì khác, lúc mạnh thì khác và chưa biết chừng với La Viện thì chỉ cần quốc gia nào như Myanmar hủy bỏ dự án thủy điện với Trung Quốc cũng bị coi là uy hiếp “lợi ích cốt lõi” và sẽ ăn ngay tên lửa hạt nhân.
Tiếp theo là cái định nghĩa thế nào là “uy hiếp” để sử dụng VKHN, La Viện cũng buộc phải vòng vo vì thật ra cũng không giải thích được (vì nói leo).
Rốt cuộc theo La Viện thì Trung Quốc của La Viện sẽ sử dụng VKHN tùy thích giống như kẻ máu lạnh sát hại người hàng loạt mà không có lý do bên Mỹ. Chỉ Trung Quốc của La Viện mới có VKHN và mới có quyền sử dụng VKHN tùy thích, các nước khác thì cấm và không được sản xuất…
La Viện đã từng hốt hoảng, run sợ khi Nhật Bản tái vũ trang, đòi bóp chết tiềm lực hạt nhân Nhật Bản mà có ý tưởng sử dụng VKHN như vậy, lúc đó không chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc…mà Campuchia cũng muốn có VKHN thì thế giới sẽ ra sao?
Vậy, đây là tỉnh táo hay ngu xuẩn? Hơn cả ngu xuẩn, đó là gì nếu như không phải là bệnh hoạn, thần kinh?
May thay, La Viện chứ không phải, không bao giờ là ông Tập Cân Bình và bộ tham mưu của ông ấy. La Viện ở Trung Quốc cũng chỉ thuộc loại “phọt phẹt”, “diều hâu” gì ông ta, “tỉnh táo” gì ông ta.

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

LIÊN MINH PHÒNG THỦ CÁC NƯỚC VEN BIỂN ĐÔNG NAM Á TRONG HIỆP HỘI ASEAN ĐÃ ĐẾN LÚC?


Chúng ta không bất ngờ nhưng thất vọng vì ngày 11/4 vừa qua, hội nghị các ngoại trưởng ASEAN nhóm họp tại Brunei để chuẩn bị cho hội nghị cấp cao không ra được một bản tuyên bố chung về vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Trung Quốc “đấm rồi xoa”.
Không bất ngờ, bởi ASEAN là một tổ chức mà tuyên bố của tổ chức này có được hay không dựa vào sự đồng thuận. Nghĩa là, chỉ cần 1/10 quốc gia không đồng thuận là không bao giờ có tuyên bố chung.
ASEAN là một tổ chức mà rất dân chủ nhưng không có cơ chế, nguyên tắc tập trung. Tập trung và dân chủ, mối quan hệ của nó giống như “cái bì đựng khoai tây”, khi không có tập trung (cái bì) thì dân chủ (củ khoai tây) sẽ lăn đi mỗi củ mỗi đường. Bởi vậy khi không có nguyên tắc tập trung, ít nhất là thiểu số phục tùng đa số chẳng hạn, thì một tổ chức, một tập thể…sẽ không thống nhất, không đoàn kết, không kỷ luật, dễ bị chia rẽ, lợi dụng…nên không mạnh là đương nhiên.
Không bất ngờ, bởi ASEAN chỉ là những quốc gia nhỏ, yếu có những quyền lợi kinh tế với Trung Quốc khác nhau, trong khi Trung Quốc có rất nhiều cách để làm lóa mắt một số quốc gia bằng đô la…thì làm sao có chuyện 10/10 quốc gia đồng thuận ra tuyên bố chung không có lợi cho Trung Quốc trong tham vọng chiếm hơn 80% Biển Đông.
Cỡ như Malaisia cũng bị “lóa mắt” đến nỗi 4 tàu chiến Trung Quốc kéo đến bãi ngầm James chỉ cách lãnh thổ mình 80 km tuyên bố chủ quyền mà “không thấy”, “không biết”… thì như Campuchia, Lao…không liên quan gì đến chủ quyền Biển Đông, thực hiện sách lược ngậm miệng, thậm chí đồng tình ủng hộ Trung Quốc để “nhận viện trợ” thì có gì lạ.
Cho nên, hội nghị các ngoại trưởng khối ASAN vừa rồi không ra được tuyên bố chung về việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc là thực tế và kết quả hội nghị cấp cao ASAN sắp tới cũng vậy thôi, chẳng có gì mà hy vọng.
Rõ ràng là, Trung Quốc rất hả hê với cú đấm của mình mà ASEAN không thể đỡ được. Nhưng cứ “đấm” mãi, bắt đầu từ lúc Campuchia làm Chủ tịch khiến cho lịch sử tồn tại ASEAN lần đầu tiên không ra được tuyên bố chung trong hội nghị cấp cao… thì nhất định ASEAN sẽ quỵ, sẽ tan và như vậy thì Trung Quốc lấy đâu ra tổ chức nào để lợi dụng, khống chế, dễ dàng hơn ASEAN?. Một tổ chức khác có tính chất, nội dung, cơ chế nguyên tắc hoạt động… vì chủ quyền biển đảo sẽ ra đời liệu có dễ chơi cho Trung Quốc hay không?
Do vậy, phải “xoa” để cho ASEAN có chút hy vọng, có chút thể hiện vai trò của mình mà tồn tại là điều Trung Quốc phải làm. Và họ đã làm.
Phát biểu với báo giới tại hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Brunei, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa thông báo rằng, ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Cuộc gặp này do Trung Quốc đề xuất và tất cả các nước ASEAN đã đồng ý tham dự.
Quá tốt, quá thiện chí của Trung Quốc và có vẻ như quan điểm giải quyết bất đồng tranh chấp lãnh hải của Trung Quốc đã thay đổi, thay vì chỉ đàm phán song phương thì nay là đàm phán đa phương là hướng đi mới.
Nhưng, Trung Quốc đề xuất một cuộc gặp, mà thực chất là triệu tập các ngoại trưởng ASEAN, như vậy để chứng tỏ Trung Quốc có thiện chí, vì Trung Quốc biết chắc vấn đề DOC chẳng bao giờ giải quyết được trong cuộc gặp này khi mà Trung Quốc đã biết chắc có kẻ nội ứng ủng hộ mình.
Thử hỏi, một hội nghị các ngoại trưởng ASEAN chỉ trong nội bộ mà còn không ra được một tuyên bố chung về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc thì khi có “ông lớn” chủ tọa cuộc họp thì liệu có hơn gì, hy vọng gì ở cuộc “triệu tập” này?
Quả thật, nếu như tin vào khả năng ASEAN đứng ra ngăn cản hành động bành trướng, lấn chiếm trên Biển Đông với tham vọng đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc là mù quáng và hoang tưởng.
ASEAN thật ra, với thành phần, cơ chế, nguyên tắc hoạt động như vậy đã không đảm nhận được sứ mạng lịch sử giao phó trong tình hình nhiệm vụ mới nổi lên của khu vực, đó là sự bành trướng ngày càng trắng trợn, ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, cậy mạnh hiếp yếu, đe dọa dùng vũ lực để thực thi đường lưỡi bò phi pháp.
Đã đến lúc những quốc gia ven Biển Đông phải hoạt động, đấu tranh có tổ chức và bởi một tổ chức thống nhất, đoàn kết trên mọi lĩnh vực vì một mục đích thiêng liêng là bảo vệ chủ quyền biển đảo theo luật pháp quốc tế.
Liên minh các quốc gia trong ASEAN có chủ quyền biển đảo.


Đường lưỡi bò ngang ngược của Trung Quốc gây nên sự uất ức cho
Việt Nam, Philipines, Malaisia, Brunei, Indonesia

Tại sao Việt Nam, Philipines, Indonesia, Malaisia, Brunei và Singapo lại không liên minh lại với nhau để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trên cơ sở Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982?
Tuy có khó khăn là chính bản thân 6 nước này vẫn có tranh chấp với nhau như Việt Nam, Philipines, Malaisia nhưng đều là thành viên tham gia Công ước LHQ về Luật biển 1982 và đều lấy Công ước làm thước đo để giải quyết tranh chấp thì chẳng có gì khó khăn để giải quyết. Hơn ai hết chúng ta thừa hiểu, thà rằng có thể mất, thiết thòi một chút với nhau còn hơn là bị nước lớn chèn ép, dùng vũ lực, mất sạch.
Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta xây dựng một hiệp ước phòng thủ chung để bảo vệ vùng biển của mình trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982? Chắc chắn sẽ tạo nên thế và lực rất lớn mà các nước lớn không thể coi thường, đặc biệt là thế trận.
Với thế địa lý của những nước chúng ta, nó tạo ra một thế trận phòng thủ, tấn công vô cùng hiểm hóc, liên hoàn không những trên phương diện quân sự mà cả kinh tế khiến cho bất kỳ một nước lớn nào cũng sẽ không dám mạo hiểm.
Chỉ một quốc gia vì chủ quyền biển đảo mà họ vẫn sẵn sàng đương đầu thì chúng ta có gì phải sợ.
Tuyên bố của chính phủ Brunei cho biết, tại cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tổ chức tại thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei) ngày 11/4, ASEAN mới chỉ đưa ra được lời kêu gọi các bên kiềm chế “trong việc tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp”.
Nhưng, ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, cho rằng, sự tự kiềm chế của ASEAN đã được thử thách trước “hành động đơn phương cố gắng thay đổi hiện trạng tranh chấp” của Trung Quốc, và “như thế là đủ rồi”.
Đúng vậy, như thế là đủ rồi, tình thế đã buộc chúng ta đến lúc phải liên minh lại với nhau trước khi quá muộn.

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

ĐÒN “TẬP KÍCH CHIẾN THUẬT” CỦA TRUNG QUỐC VÀO MỸ.



Trung Quốc đã lợi dụng đúng thời cơ ngấm ngầm tập kích Mỹ. Tuy nhiên, coi chừng, phải cẩn thận, bởi nếu không, sẽ giống như “dùng bật lửa để soi bình xăng”.
Lâu nay, trong vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, dư luận và giới quan sát luôn nhận định Mỹ đã trục lợi để trở lại châu Á-TBD mà không làm Trung Quốc phản ứng. Rõ ràng là thế, bởi người ta chỉ thấy trong khi Triều Tiên sẵn sàng chiến tranh “bằng miệng” thì Mỹ đáp lại bằng hành động có thật với quy mô vượt trội bao gồm việc triển khai vũ khí trang bị và xây dựng củng cố các mối liên minh quân sự Mỹ-Hàn-Nhật …
Nhưng chẳng lẽ những bộ óc thông thái ở Bắc Kinh lại không biết?.
Giới lãnh đạo Bắc Kinh thừa biết, có điều, điều khiển Bình Nhưỡng làm theo ý mình không dễ dàng, Bình Nhưỡng không “ngây dại” như vậy.
Vấn đề là do Trung Quốc và Triều Tiên đang còn phụ thuộc nhau, cần đến nhau để đeo đuổi mục đích riêng của mình.
Với Triều Tiên, đã đến lúc Bình Nhưỡng táo bạo chuyển hướng đi mới, đó là cải cách kinh tế, hội nhập quốc tế, độc lập, không phụ thuộc vào Trung Quốc. Để làm được điều đó Bình Nhưỡng coi Mỹ vừa là nguyên nhân vừa là điều kiện, cho nên đàm phán trực tiếp với Mỹ là mục đích cuối cùng cho mọi hành động của Triều Tiên trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un.
Với Trung Quốc, rất không muốn Triều Tiên hung hăng gây nên cuộc khủng hoảng hạt nhân trước ngay cửa ngõ Bắc Kinh, bởi trong trường hợp leo thang xung đột tại Triều Tiên xảy ra, thì như Tổng thống Nga Vladimir Putin nói, Chernobyl chỉ là "câu chuyện cổ tích dành cho trẻ em", rất bực tức với sự bướng bĩnh, khó bảo của Triều Tiên nhưng không thể từ bỏ Triều Tiên bằng cách cắt viện trợ…đồng nghĩa với mất quyền kiểm soát Triều Tiên.
Trung Quốc quá hiểu nếu từ bỏ Triều Tiên ngay bây giờ để gây sức ép là mắc mưu Mỹ và phương Tây, là chẳng khác nào trao Triều Tiên cho Mỹ và phương Tây đang sẵn sàng đưa tay ra chờ đợi sẵn.
Chẳng có gì là mâu thuẫn khi chính Mỹ khiêu khích Triều Tiên, “ chọc giận” Triều Tiên đồng thời lại kêu gọi Trung Quốc phải gây áp lực ngăn cản Triều Tiên không được leo thang.
Bởi khi đã cùng đường, Bình Nhưỡng lập tức mở cửa, hội nhập và sẽ có “hậu hĩnh” hơn nhiều so với cái được từ Trung Quốc. Nhưng điều đặc biệt nguy hiểm là kho hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên sẽ trở thành “đồ chơi không lịch sự” tý nào với kẻ mà Bình Nhưỡng cho là phản bội. Đó chính là vấn đề cốt tử mà Trung Quốc cần quan tâm.
Khi đó (khi Trung Quốc mất sự kiểm soát Triều Tiên), việc thống nhất Triều Tiên chỉ là vấn đề thời gian và sẽ là thảm họa cho Trung Quốc nếu theo kịch bản này.
Chính lẽ đó mà Trung Quốc buộc phải sống chung với Triều Tiên như “sống chung với lũ”. Sử dụng con bài Triều Tiên như thế nào để tiền của đổ vào đó không uổng thì phụ thuộc vào sự khôn khéo của Bắc Kinh.
Và, sự căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không phải chỉ có Mỹ trục lợi mà Trung Quốc cũng không chịu tay trắng.
Trong chiến tranh hiện đại, hủy diệt lớn, không có chỗ cho chủ quan, coi thường đối phương. Trong khi Mỹ chưa chắc chắn Triều Tiên có khả năng đến đâu thì việc chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra, không được “mất tập trung” là điều nước Mỹ không thể không làm.
Do đó, đừng vội cho rằng căng thẳng càng leo thang với động thái hung hăng của Triều Tiên chỉ là “võ mồm” đối với Mỹ, chỉ nhằm mục đích cho ngoại giao...cẩn thận vẫn hơn đối với Mỹ.
Và, đây là điều kiện để Trung Quốc trục lợi.
Trung Quốc đã chớp thời cơ mở một “đòn tập kích chiến thuật” vào Mỹ . Trung Quốc ra đòn không phải là đòn quân sự mà là năng lượng, không phải chiến trường bán đảo Triều Tiên mà tại Iran.
Đến đây cũng cần nói rõ một chút về cấm vận dầu mỏ của Mỹ với Iran
Ngày 23/3/2012 Mỹ và EU đã đề xuất cấm toàn diện giao dịch thương mại dầu mỏ với Iran, cấm vận với Ngân hàng trung ương Iran và cấm vận toàn diện dầu mỏ Iran từ ngày 01/7/2012. Theo đó, tất cả các quốc gia phải ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Iran và quan hệ tài chính với Iran. Nếu bất kỳ một tổ chức tài chính nước ngoài nào có quan hệ tài chính, đặc biệt là giao dịch về dầu mỏ với Iran thì đều phải rút khỏi thị trường Mỹ, hoặc Mỹ sẽ áp dụng biện pháp hạn chế hết sức nghiêm ngặt đối với những tài khoản liên nào quan đến ngân hàng trung ương Iran.
Trung Quốc buộc phải lựa chọn và đã phải “thực thi” khi ngân hàng Côn Lôn của Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt. Năm 2012, Trung Quốc phải giảm lượng dầu nhập từ Iran và các hợp đồng làm ăn với Iran cũng bị đổ bể.
Vậy nhưng, cùng với sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, năm 2013 Trung Quốc nhập khẩu dầu của Iran tăng và đặc biệt ngày 21/3 tàu chở dầu 2 triệu lít, lớn nhất của Trung Quốc đã cập cảng Iran, bất chấp lệnh cấm của EU và Mỹ. Đó là đòn tập kích chiến thuật vào Mỹ.
Đằng sau đòn tập kích chiến thuật này là gì?
Trước hết phải khẳng định là động thái này của Trung Quốc không phải là sự thách thức một cuộc chiến tranh kinh tế với Mỹ, bởi lẽ tuy Trung Quốc và Mỹ rất cần nhau để phát triền kinh tế nhưng thực tế là Mỹ, EU và Nhật Bản không có Trung Quốc vẫn tồn tại nhưng ngược lại Trung Quốc không có Mỹ EU và Nhật Bản thì sụp đổ. Mỹ sẵn sàng hy sinh quyền lợi kinh tế để bóp chết Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không thể.
Do vậy đằng sau đòn tập kích chiến thuật này, Trung Quốc muốn đạt được 2 mục đích.
Thứ nhất là nắn gân Mỹ, xem trong lúc dính vào căng thẳng Triều Tiên thì Mỹ sẽ phản ứng như nào, qua đó đánh giá được khả năng sức mạnh, sự can thiệp của Mỹ trong giai đoạn mà ngân sách quân sự bị cắt giảm.
Thứ hai là gửi đến cho Mỹ một nhắc nhở rằng, đừng gây khó cho Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, nếu không, Iran cũng sẽ là vấn đề khó cho Mỹ.
Như vậy có thể nói, thời gian qua, Trung Quốc và kể cả Nga đã dùng vấn đề sản xuất VKHN của Iran và Triều Tiên để mặc cả với Mỹ và đã có những sự nhường nhịn nhau nhất định. Nhưng trong tình hình hiện nay đã xuất hiện Nhật Bản và Hàn Quốc, nếu Trung Quốc cứ dùng con bài này thì lỗi thời và cực kỳ nguy hiểm cho Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ xử lý thế nào nếu như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ chế tạo VKHN khi mà đối với họ, không giống như Triều Tiên và Iran, chẳng có gì là khó khăn về công nghệ? Và VKHN của họ mỗi khi sản xuất ra còn tiên tiến, hiện đại hơn cả Trung Quốc?
Tại sao Trung Quốc biết dùng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Iran để mặc cả với Mỹ trong khi Mỹ lại không biết “làm ngơ” để Nhật Bản, Hàn Quốc có được VKHN để chọi trực tiếp với Trung Quốc?
Có lẽ tình thế chưa đến lúc và chưa đến mức Mỹ phải sử dụng bài này, nhưng điều kiện cần và đủ của vấn đề này cũng giống như một bồn xăng lớn, Trung Quốc đừng dại dùng bật lửa soi.

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

TRIỀU TIÊN "ÔM BOM VÀ CON TIN LIỀU CHẾT"



Trước lối chơi rắn và không tương xứng của Mỹ, trước thái độ tức giận của Trung Quốc khiến Triều Tiên phải chùn chân và bất an. Đừng dại đùa với kẻ thực dụng như Mỹ.

Triều Tiên đang hoảng hốt, run sợ?
Không những căn cứ vào những suy luận khoa học, biện chứng mà càng ngày đã có những dầu hiệu khẳng định chắc chắn rằng Triều Tiên không thể, không muốn châm ngòi cho cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Những lời tuyên bố, những động thái của Triều Tiên khiến thế giới “lạnh gáy” lo âu khi sắp chứng kiến một cuộc chiến tranh thảm khốc sắp xảy ra đã không thể thành hiện thực.
Điều ngạc nhiên là những lời tuyên bố, động thái của Triều Tiên dọa dẫm, răn đe mang tính chất “ảo, diễn” bao nhiêu và không quá khó để kiểm chứng thì Mỹ đối phó, đáp trả với quy mô vượt trội và đặc biệt là có tính chất “thật 100%” bấy nhiêu. Mỹ không “diễn”, Mỹ đang triển khai lực lượng.
Cụ thể như đã triển khai xong 14 hệ thống phòng thủ tên lửa ở phía Tây nước Mỹ (mà Triều Tiên còn lâu mới có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân bay được tới được đất Mỹ), tiếp theo điều động máy ném bom chiến lược B-52, tàng hình B-2, F-22.
Trong khi cuộc diễn tập hùng hậu mang tên “Đại bàng non” với Hàn Quốc đang diễn tiến cùng với sự điều động các phương tiện vũ khí chiến lược như trên, chứng tỏ Mỹ đã lên phương án tác chiến rất rõ ràng, tỷ mỹ để sẵn sàng bóp chết Triều Tiên tức khắc ngay cả khi có sự can thiệp của Trung Quốc nếu như Triều Tiên manh động.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 “rải thảm” là quá đủ với Triều Tiên, còn B-2, F-22 để làm gì nếu như không phải là để thực hiện chiến lược “tác chiến không-biển” của Mỹ nhằm đối phó với chiến lược “chống tiếp cận” của Trung Quốc đã từng vạch ra để chống lại hải quân Mỹ?
Sự “dửng dưng” của Trung Quốc khi Mỹ điều động B-52, B-2, F-22 sang Nhật Bản, Đông Bắc Á không phải vì không hiểu, không biết, mà lý do của nó, về bản chất cũng giống như Malaysia trong vụ Trung Quốc ở bãi cạn James cách thành phố biển của mình 80 km.
Triều Tiên đã đưa Trung Quốc vào chỗ khó, rất khó, bởi cũng như Triều Tiên, tuyên bố, hoênh hoang, phô trương thì dễ, nhưng để đối đầu thực sự với Mỹ, cường quốc quân sự số 1 thế giới thì không phải chuyện đùa, không dành cho những kẻ “yếu tim”.
Trung Quốc sẽ can thiệp khi Mỹ-Hàn và Triều Tiên nổ ra chiến tranh? Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho Trung Quốc thấy và không ngán ngại.
Theo MissileThreat.com, 6 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Mỹ lại đóng ở Bangor, ở trạng thái trực chiến với 156 tên lửa. Tại căn cứ hải quân ở vịnh King của Mỹ có 4 tàu nhầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo ở trạng thái trực chiến cùng với 96 tên lửa . Trong 500 đầu đạn hạt nhân có 130 đầu đạn có thể bay tới Trung Quốc trong vòng 10-15 phút. Ngoài ra còn các hệ thống phòng thủ tên lửa…tất cả, tất cả các thứ đó dùng cho Triều Tiên chẳng khác nào dùng búa tấn đập ruồi. Vậy thì để dành cho ai nếu không phải là Trung Quốc?
Trung Quốc sẽ bỏ rơi Triều Tiên? Tính nhạy cảm của vấn đề đến mức có một tờ báo nào ở Trung Quốc đăng tin như vậy thì TBT báo đã bị buộc thôi việc. Chắc chắn nếu Triều Tiên manh động thì Trung Quốc sẽ không bao giờ trực tiếp can thiệp quân sự như cách đây 60 năm.
Bởi vậy, trước áp lực quân sự cực lớn của Mỹ, trước thái độ của Trung Quốc, Triều Tiên đã tỏ ra hốt hoảng, lo sợ, nên đã sử dụng con bài cuối cùng, đó là tuyên bố vận hành trở lại nhà máy nguyên tử phục vụ cho điện năng và chế tạo bom hạt nhân.
Đây, thực ra là hành động “ôm bom cùng con tin chờ chết” của Triều Tiên. Nếu chiến tranh Mỹ và Triều Tiên nổ ra, dù là thông thường, thì khi nhà máy nguyên tử này nổ tung, hậu quả gây ra sẽ khủng khiếp cho khu vực, trong đó có Trung Quốc gánh chịu, như thế nào thì đã rõ.
Triều Tiên đã buộc Trung Quốc trở thành “con tin” của mình để Mỹ phải suy nghĩ lại và Trung Quốc cũng phải làm điều gì đó.
Khi Triều Tiên muốn cải cách mở cửa, khi Triều Tiên muốn dùng VKHN để ra giá , mặc cả đổi lấy những thuận lợi của Mỹ, phương Tây cho cải cách mở cửa…thì đương nhiên Triều Tiên không muốn để xảy ra chiến tranh. Nếu chiến tranh, cơ hội cải cách, mở cửa của Triều Tiên sẽ không còn bởi đơn giản là chẳng còn gì để mà cải cách, mở cửa khi chế độ bị sụp đổ.
Triều Tiên rất muốn giống với Myanma, họ đã quá tự tin vào những thứ mình có như VKHN, tên lửa, nhưng khi thứ mình có đã không có giá trị hữu hiệu thì sẽ dẫn đến lo lắng, bất an.
Đó chính là nguyên nhân khiến Triều Tiên hoảng hốt, lo sợ khi Mỹ ngày càng khiêu khích, thách thức Triều Tiên. Chỉ cần Triều Tiên có dấu hiệu điều động lực lượng cho chiến tranh thực sự được phát hiện là lập tức Mỹ-Hàn Quốc sẽ đánh phủ đầu như liên minh này đã tuyên bố.
Cơ hội nào cho thống nhất Triều Tiên?

Trên thế giới hiếm có một quốc gia nào văn minh, dân chủ, giỏi giang như dân tộc Triều Tiên mà lại bị cảnh chia lìa Nam, Bắc lâu như vậy. Đương nhiên, bán đảo Triều Tiên bị tác động lớn của thế lực nước lớn, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do nhà cầm quyền 2 miền gây ra và tội lỗi này họ phải gánh chịu trước dân tộc họ.
Cơ hội để thống nhất Triều Tiên nhanh nhất có thể là chiến tranh. Chiến tranh là huynh đệ tương tàn, nhưng, như một khối u nhức nhối muốn lành thì phải chịu đau đớn một lần để mổ. Tuy nhiên, đã là thế kỷ 21 rồi, dân tộc văn minh không ai dùng biện pháp đó mà chỉ dùng biện pháp hòa bình. Dân tộc Đức là một tấm gương cho dân tộc Triều Tiên noi theo.
Tới đây, sự căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ giảm, theo đó một nước CHDCND Triều Tiên bị rệu rã, kiệt quệ sau nguy cơ một cuộc “chiến tranh hạt nhân” chắc chắn sẽ có mối quan hệ khác hẳn. Quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nga và phương Tây… sẽ không còn và không thể như trước nếu như không muốn bị sụp đổ hoặc lệ thuộc mãi mãi vào Trung Quốc. Đó chính là ý đồ của Triều Tiên khi cố tình tuyên bố chiến tranh rầm rộ đẩy căng thẳng lên cao.
Tuy nhiên, “giá cả” sẽ không “cao” như mong đợi.
Triều Tiên như một “cây chuyền hai” của Trung Quốc, đương nhiên vậy, vì là đồng minh thân cận, duy nhất của Trung Quốc. Trung Quốc đổ không biết bao nhiêu tiền của vào đó dù như vào một thùng không đáy, không phải vì tình đồng chí, không phải để chơi. Đã bao lần nhờ Triều Tiên mà Trung Quốc ghi điểm có lợi khi đàm phán với Mỹ, Nhật Bản, Nga đó sao. Điều đáng buồn là gần đây, “cây chuyền hai” này luôn luôn “nêu” quá lố để cho Mỹ ghi điểm mà thay ra sân cũng dở, để lại cũng dở.
Mỹ thì lại rất thích “cây chuyền hai” này và do đó muốn có anh ta khi trận đấu chưa ngã ngũ hay khi chưa nắm chắc phần thắng.
Cho nên, ký với Triều Tiên một hiệp ước hòa bình với Mỹ là chưa thể.
Dù sao dư luận yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều mong muốn Triều Tiên cải cách, mở cửa, không sở hữu VKHN, độc lập, đi theo con đường mà mình đã chọn, tới một ngày nào đó sẽ cùng với Hàn Quốc thống nhất giang sơn bằng hòa bình. Thời gian có thể là 5, 10, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng so với lịch sử thì đó chỉ là một khoảnh khắc.

QUỐC GIA NÀO ÁN NGỮ “CON ĐƯỜNG SINH MỆNH” CỦA TRUNG QUỐC?


Một đoàn tàu chiến Trung Quốc 4 chiếc, hành quân một đoạn đường dài 1.800km, dẫn đầu là tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn đã tới bãi đá James Shoal – cách phố biển Bintulu của Malaysia khoảng 80km, cách Brunei chưa đầy 200km, nghênh ngang tuyên bố chủ quyền.

Sách lược “Cháo nóng húp quanh” của Trung Quốc.
Dư luận thế giới và ngay cả chuyên gia người Anh cũng sửng sốt, ngạc nhiên trước hành xử “chưa bao giờ” như vậy của Trung Quốc, nhưng Việt Nam thì không.
Nếu có điều gì đó khiến Việt Nam ngạc nhiên thì điều đó là, tại sao hành động này của Trung Quốc đến bây giờ mới xảy ra mà thôi.
Ngay từ đầu năm 2011, khi vấn đề Biển Đông đang căng thẳng và chuẩn bị dấy lên một mức độ cao của bối cảnh Trung Quốc chuẩn bị cho chiến lược hợp lý hóa bản đồ đường 9 khúc (đường lưỡi bò) thì Indonexia đã cùng Trung Quốc lên kế hoạch “tuần tra chung”.
Tuần tra chung chỉ khi 2 quốc gia có vùng biển chung (chồng lấn), như Trung Quốc với Việt Nam, với Philipines, Nhật Bản…nhưng với Indonexia hoặc Malaixia, Bruney thì giữa họ có vùng biển chung không? Rõ ràng là không có. Vậy thì tại sao?
Theo Bộ trưởng QP Indonesia, với hình thức tuần tiễu hải quân hỗn hợp này, “một khi tàu đánh cá Trung Quốc lạc vào vùng biển của Indonesia, họ sẽ được nhắc nhở để quay trở ra”, rằng, “giúp tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh tại khu vực Biển Đông, nguồn gốc nhiều mối bận tâm của các nước trong khu vực”.
Té ra chỉ với hải quân Indonexia thì Hải quân Trung Quốc xông lên tuyến đầu để cản tàu cá của họ đừng đi vào vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia khác, còn đối với Mỹ, Nhật Bản, Philipines và Việt Nam thì không như vậy, tàu cá phải xông lên tuyến đầu…là một sách lược hợp lý, khoa học không có gì là mâu thuẫn của các nhà chiến lược Trung Quốc.
Thứ nhất là chiến thuật biển người không thể thực hiện với một khoảng cách quá xa và thứ hai là chiếm chủ quyền với khẳng định chủ quyền là 2 vấn đề khác nhau rất lớn.
Sự “hợp tác” này (được thống nhất ngày 24/5/2011), chẳng khác nào việc Indonexia dâng hải đồ lên để Trung Quốc “đánh dấu sơ bộ” cực nam của mình. Sự hợp tác này, người Việt Nam và những ai hiểu Trung Quốc đều chắc chắn rằng, Indonexia đã “cho sói để một chân trong nhà”, hậu quả sẽ khôn lường.
Năm 2012, chiến lược thực thi hóa “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc bắt đầu ráo riết với rất nhiều thủ đoạn, bị Việt Nam, Philipines và dư luận tiến bộ trên thế giới kể cả Mỹ, phản đối rất quyết liệt, trong khi đó một số quốc gia trong khu vực thì “dĩ hòa vi quý”, họ cho là không liên quan hoặc liên quan ít đến mình.
Và, cái gì đến đã đến, ngày 26/3/2013, một đoàn tàu chiến Trung Quốc 4 chiếc, dẫn đầu là tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn đã tới bãi đá James Shoal – cách phố biển Bintulu của Malaysia khoảng 80km, cách Brunei chưa đầy 200km nhưng cách bờ biển Trung Quốc 1.800km, nghênh ngang tuyên bố chủ quyền. Tin của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc hẳn hoi.
Vài ngày sau, Malaixia tỏ ra ngạc nhiên và cho rằng đó là “tin vịt” vì không thấy cái gọi là đoàn tàu chiến nào như Trung Quốc đưa tin cách họ 80 km.
Tuy nhiên, việc Malaixia có cho rằng đó là “tin vịt” hay là gì để chứng tỏ điều gì với dư luận trong nước và thế giới, không quan trọng vì Trung Quốc xong việc Trung Quốc về, bãi cạn James vẫn còn đó. Nhưng, với Trung Quốc quan trọng là đánh dấu cụ thể cực nam Trung Quốc và thông báo với toàn thế giới biết. Đường lưỡi bò không còn là “ảo” như bị phê phán nữa, nó đã có điểm cực nam. Thế thôi.
Tại sao ư? “Cháo nóng húp quanh”, Trung Quốc chẳng dại gì “húp” một chỗ trong khi biết rằng chỗ đó “cực nóng” và chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ giảm “độ nóng”.
Nhưng, một cái nhưng to tướng mà các quốc gia trong khu vực (ASEAN) cần hiểu: Trong chiến lược để Trung Quốc vươn tới thành cường quốc biển thì cái gọi là “đường lưỡi bò” mới chỉ là một nội dung gạch đầu dòng mà thôi.
Quốc gia nào án ngữ “đường sinh mệnh” của Trung Quốc?
Trung Quốc coi Biển Đông là “đường sinh mệnh” vì 70% dầu lửa đều được đi qua đó, nhưng eo biển Malacca mới là cửa chính, yết hầu, tử lộ của Trung Quốc.
Nếu như trước đây, bành trướng trên lãnh thổ thì Việt Nam được coi như quốc gia án ngữ phía Nam của Trung Quốc. Nhưng ngày nay, tình thế đã khác, để trở thành bá chủ thế giới trước hết phải là cường quốc biển.
Trung Quốc dù có được 80% Biển Đông như bản đồ “đường lưỡi bò” thì cũng chỉ mới tạo ra được bàn đạp quân sự, chiếm lĩnh một ít tài nguyên chưa được đánh giá trên Biển Đông, nhưng huyệt chính là eo biển Malacca mà chưa được “giải” thì không giải quyết được vấn đề then chốt. Do đó, không khó để nhận thấy các quốc gia ven eo biển Malacca chính là các quốc gia án ngữ “đường sinh mệnh” của Trung Quốc.
Đó chính là các quốc gia thân Mỹ và sẽ trở thành đồng minh với Mỹ bất cứ lúc nào quanh eo biển Malacca gồm Malaixia, Indonexia, Bruney, Singapo và cả Úc. Nếu mà chưa “bóc vỏ” được hay chưa buộc họ phải lựa chọn chỉ Trung Quốc chứ không phải Mỹ thì không thể mang tính đột phá cho chiến lược cường quốc biển.
Đến đây, đã đến lúc Indonexia, Malaixia, Bruney và Singapo phải tỉnh táo để nhận ra rằng, (Indonexia mới phản đối đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc mới đây, sau vụ ngày 26/3/2013) đường lưỡi bò không chỉ là gay gắt với Việt Nam, Philipines mà giờ đã hiện hữu, cụ thể hơn và sẽ gay gắt hơn tại Malaixia, Indonexia và Bruney trong thời gian tới khi mà Mỹ bị Trung Quốc cho rằng đã có dấu hiệu hụt hơi, bạc nhược, trong chiến lược trở lại châu Á-TBD. Trung Quốc nắm cơ hội đó hành động.
Vì vậy, quan hệ với Trung Quốc, thậm chí dù đã có tâm niệm rằng “hãy coi Trung Quốc làm chứ không nghe Trung Quốc nói” đi nữa thì cũng không có ý nghĩa, bây giờ chỉ là cảnh giác và tăng cường cảnh giác.
Trung Quốc chỉ có thể lợi dụng được các quốc gia nhỏ chứ các quốc gia nhỏ thì không thể lợi dụng được Trung Quốc hoặc chỉ có thể lầm tưởng mình lợi dụng được Trung Quốc mà thôi.
Trường Sa Việt Nam và Việt Nam được các thế thế lực mang nặng tư tưởng dân tộc cực đoan, võ biền, cay cú, ở Trung Quốc cứ cho rằng Việt Nam án ngữ “con đường sinh mệnh” của Trung Quốc…nhưng không phải như vậy.
Các nhà thông thái Trung Quốc thừa biết Việt Nam có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông chỉ một lí do duy nhất là chủ quyền, ngoài ra không vì mục đích quân sự. Thừa biết Việt Nam không có ý tưởng và chưa đủ khả năng để khống chế eo biển Malacca khi cần. Thừa biết Việt Nam muốn là bạn với Trung Quốc…Cho nên Việt Nam, vị trí Việt Nam trên Biển Đông chưa phải là quốc gia án ngữ “con đường sinh mệnh” của Trung Quốc.
Lịch sử chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam, truyền thống dân tộc Việt và một lối tư duy mới về thế giới… thì Việt Nam, trong chiến lược trở thành cường quốc biển, có thể là một nước cờ cuối mà Trung Quốc sẽ đi.
Trong một ván cờ lớn, sẽ như thế nào nếu như lấy nước cuối để đi vào nước đầu tiên?
Chiến lược trở thành cường quốc biển của Trung Quốc như một cơn bão lớn tràn vào các quốc gia ven biển châu Á-TBD. Nếu không nắm chặt tay nhau thì lần lượt bị tàn phá, nhưng ngược lại thì không sợ. Cơn bão đó buộc phải đổi hướng hoặc chỉ còn là vùng áp thấp.