Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

Tiếng kêu thất thanh của Anh khi Nga tiến vào Libya đã có người nghe…


Anh, Ý và Pháp không muốn “gấu Nga” thò chân vào Libya

Báo chí truyền thông, các quan chức Anh đã khẩn cấp kêu lên Thủ tướng Anh, rằng Nga đang can thiệp quân sự vào Libya, rằng hành động của Nga tại Libya sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nước Anh…
Đâu phải bây giờ, từ năm 2016, bộ trưởng QP Anh khi đó là Michael Fallon nói rằng, Phương Tây không muốn một tình huống trong đó “một con gấu sẽ chọc bàn chân của nó ở Libya”.
Đáp lại, Bộ trưởng QP Nga nói: Hình như trên phù hiệu của họ có một con sư tử ở đó, đúng không? Vì vậy có một câu nói cũ rằng, “Mỗi con sư tử là một con mèo, nhưng không phải mọi con mèo đều là một con sư tử”.
Với điều này trong tâm trí, chúng tôi khuyên các đồng nghiệp Phương Tây tự hiểu sở thú của họ trong khu bảo tồn châu Âu, vì chúng tôi thấy rằng có một con thú chưa trưởng thành có thể lại trỏ đến một con gấu…
Tuy nhiên giờ đây, tiếng kêu thất thanh đó đã có người nghe…khi sự “không muốn” của Anh và Phương Tây lại là điều Nga “muốn”, mà khi Nga thời đại Putin “muốn thì có vẻ như…là được”.
Nga đã chiến thắng tại Syria là rõ ràng, tình hình Syria là không thể đảo ngược, một tiến trình hòa bình cho Syria đã trong tầm tay; một loạt S-300 được kéo sang Syria để khuyên Israel, Mỹ, Anh và Pháp hoặc “ngồi yên” hoặc nên rời khỏi…
Đã đến lúc Nga thi triển bước đi tiếp theo: Libya – Tây Địa trung Hải.
Nước cờ liên hoàn
Chiến cuộc Syria là tâm điểm của cuộc chiến địa chính trị của Nga với Mỹ-PT trên bình diện khu vực Trung Đông và châu Âu. Do vậy làm chủ được cuộc chiến tại Syria là một thắng lợi cho bất cứ bên nào trong một sân chơi lớn: Kiểm soát Địa Trung Hải.
Bởi vậy, Địa Trung Hải là ở trung tâm của một trò chơi địa chiến lược rất lớn, nhiều mặt, xung quanh Syria.
Cuộc chiến Syria gần như đã hoàn thành với Nga, đã đến lúc Nga có thể “đóng băng” tình hình Syria như đã từng “đóng băng” tình hình Ukraine để đi nước cờ tiếp theo 
Khi chiến thắng tại Syria, Nga đã có bờ Đông Địa Trung Hải, muốn có bờ Tây Địa Trung Hải thì điểm đi đến là Libya.
Nếu bờ Đông, bờ Tây đã có sự hiện diện vững chắc căn cứ quân sự Nga thì Nga hoàn toàn không chế kênh đào Suez. Nếu như kênh đào Suez vì lý do gì đó bị đóng thì tuyến hàng hải duy nhất từ châu Phi, Trung Đông, châu Á đến châu Âu gần nhất, an toàn nhất là tuyến Biển Bắc do Nga quản lý.
Vì thế, vấn đề quan trọng là phải chiếm lĩnh bờ Tây Địa Trung Hải tức là phải tạo ra các căn cứ quân sự của Nga ở thành phố ven biển Benghazi và cảng sâu quan trọng Tobruk như Khmeimim và Tartus ở Syria.
Hiện tại, 2 căn cứ này được bảo vệ bởi Công ty quân sự tư nhân (PMC) của Nga, coi như người Nga đã hoàn thành bước một, chiến thuật “đánh chiếm đầu cầu” cho “chiến dịch đổ bộ” vào bờ Tây Địa Trung Hải.
Do Nga không thể công khai xuất hiện ở Libya như ở Syria, cho nên, có tin đồn là sự hiện diện quân sự của Nga ở đất nước này chỉ có thể gắn liền với hoạt động kinh tế của các tập đoàn nhà nước Nga nhằm mục tiêu: dầu và khí đốt, cũng như việc xây dựng đường sắt.
Chiến dịch Libya dễ hay khó hơn Syria?
Libya có tầm quan trọng hơn về mặt chiến lược với Syria, nhưng nước cờ Syria với Nga là nước bắt buộc, là nước cờ đầu mà Nga không thể dùng nước trước để đi cho nước sau.
Về địa chính trị và kinh tế:
- Libya là nơi hội tụ chính của những người di cư châu Phi chạy trốn sang châu Âu. Do đó, người có thể điều chỉnh các dòng chảy này sẽ nhận được một ảnh hưởng rất lớn đến chính trị châu Âu. Ngay như hành động của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã buộc EU phải “mềm” với Thổ Nhĩ Kỳ…
- Phương Tây có các khoản đầu tư lớn vào sản xuất dầu và khí đốt ở Libya, cho nên, nếu Nga chi phối Libya như Syria thì Phương Tây một lần nữa phải “đàm phán” với Nga.
- Từ Libya đến Ý có một đường ống dẫn khí Greenstream với công suất 10-11 tỷ mét khối khí. Nó cũng là một cách tốt nhất, rõ ràng nhất để ảnh hưởng đến châu Âu.
Về địa quân sự:
- Libya có một vị trí chiến lược rất quan trọng, từ đây cùng với 2 căn cứ tại Syria, Nga có thể kiểm soát toàn bộ Đông Địa Trung Hải và tất nhiên cả kênh đào Suez cũng trong tầm nhìn gần.
Về quan điểm tác chiến:
- Cuộc chiến ở Libya, không giống như Syria, có thể (và sẽ là) tự duy trì và thậm chí có lợi nhuận. Các Công ty quân sự tư nhân (PMC) có thể được có nguồn thu từ xuất khẩu dầu như IS đã từng tại Syria.
- Dân số của Libya chỉ là 6,2 triệu so với 20 triệu người ở Syria. Ở Libya, không có dải tôn giáo và quốc tịch như ở Syria. Đây là một quốc gia đồng nhất. Ngoài ra, địa hình sa mạc trong khu vực. Cho nên, chiến dịch quân sự xảy ra ở một đất nước như vậy thuận tiện hơn.
- Không có những người hàng xóm gây rắc rối, không giống như Syria (Thổ Nhĩ Kỳ và Israel), cho nên sẽ không cần thiết phải điều phối mối quan tâm của họ với họ.
Kết luận: “Nhờ” NATO đứng đầu là Pháp, tại Libya đang là một “nhà nước thất bại”, tạo ra một cuộc nội chiến rất quyết liệt giữa một bên là chính quyền Triboli (GNA) do Pháp-NATO dựng lên được LHQ bảo trợ và Quân đội quốc gia (LNA) thân Nga-Ai Cập do tướng Khalifa Haftar chỉ huy, đang kiểm soát phần lớn phía Đông Libya có Benghazi và Tobruk.
Với “quán tính” Syria, Nga + Ai Cập + LNA sẽ nhanh chóng lập lại hòa bình tại Libya nhưng Mỹ-Phương Tây sẽ không ngồi nhìn. Nhưng với lợi thế hơn hẳn, chiến dịch Libya của Nga sẽ chỉ là vấn đề thời gian.

Sốc? Không! Thế giới đang “rung lắc”!



Mỹ không cho không ai bao giờ, không có bữa trưa nào miễn phí.
Một sự leo thang ngoại giao bí ẩn xảy ra sau sự biến mất của nhà báo của Arabia Saudi Washington Post, Jamal Khashoggi, sau khi vào Lãnh sự quán Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Arabia Saudi, hay Ả Rập Xê út, trong bài sẽ viết tắt là Saudi để bạn đọc dễ theo dõi).
Tại sao Mỹ lại quan tâm sâu sắc đến sự biến mất của một công dân không phải người Mỹ và “đe dọa” chống lại Saudi?


Nhà báo của Washington Post, 59 tuổi người Saudi  Jamal Khashoggi

Mất tích bí ẩn…
Nhà báo kỳ cựu Jamal Khashoggi là người Saudi, là một nhà báo đối lập chống lại nhà Saudi. Sau khi “ngửi thấy mùi nguy hiểm”, ông trốn sang định cư tại Mỹ.
Ngày 2/10 ông được phép đến lãnh sự quán của Saudi tại Istanbul-Thổ Nhĩ Kỳ để lấy hồ sơ hoàn thành thủ tục ly dị vợ tại Saudi cho đám cưới với cô vợ người Mỹ. Và, kể từ đó không thấy ông trở ra.
Sai lầm của Saudi là không để ý đến chiếc đồng hồ deo tay của Khashoggi nên toàn bộ cuộc tra tấn, cắt xẻ của Lãnh sự quán đều được tự động truyền đến cô vợ chưa cưới bên ngoài. Điều đó cho phép Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Khashoggi bị giết tại Lãnh sứ quán Saudi.
Tuy nhiên, có một câu hỏi mở ra là liệu cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan hay không bởi sau khi hành sự xong hay sau khi vụ việc xảy ra thì 15 vị khách nhà Saudi đã rời khỏi lãnh sự quán an toàn mà không gặp bất cứ trở ngại nào…
Mỹ đang tống tiền nhà Saudi?
Nói thật, việc nhà Saudi sử dụng bắt cóc, ám sát những kẻ không ưa là chuyện “bình thường ở huyện”. Ngay cả Thủ tướng Lebanon cũng bị Saudi bắt cóc ép buộc từ chức như đã biết…thì chuyện nhà báo Khashoggi bị giết là chuyện nhỏ.
Saudi cũng giống như Israel có người bảo kê là Mỹ nên họ tự tung, tự tác như trong thời gian dài vừa qua thì người dân Trung Đông quá dễ hiểu…
Vấn đề là tại sao Mỹ “xé ra to” vụ này? Trong bối cảnh Trung Đông, chúng ta hãy quay ngược lại sự kiện…
Ngày 2/10, Khashoggi vào Lãnh sự quán Saudi tại Istanbul và bị giết ở đó.
Ngày 3/10, Tổng thống Trump vô cớ, nói rằng nhà Saudi sẽ không sống sót trong hai tuần của riêng mình mà không cần sự bảo vệ của Mỹ và yêu cầu Saudi nên lưu ý sự bảo vệ đó.
Ngày 5/10, Thái tử Mohamed Bin Salman nhanh chóng trả lời… Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg Thái tử đã nhắc lại rằng Saudi đã có từ năm 1744, 30 năm trước khi Hoa Kỳ ra đời. Saudi đứng trên đôi chân của mình trước khi bất kỳ liên minh với Mỹ…
Từ đó trở đi tình thế leo thang khá nhanh, Tổng thống Trump đang nói về các biện pháp khắc nghiệt chống lại Saudi, nhưng không đủ nghiêm trọng để hủy bỏ thỏa thuận vũ khí trị giá 110 tỷ USD. 
Việc đề cập đến thỏa thuận vũ khí cũng có thể là một gợi ý của Trump để nhắc nhở nhà Saudi tin rằng họ phụ thuộc vào nước Mỹ như thế nào, khi xét cho cùng, Saudi đang bị sa lầy trong một cuộc chiến với Yemen, rằng nó không thể thắng, không thể thoát khỏi nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ.
Ủy ban quan hệ đối ngoại Thượng viện lưỡng đảng, do TNS Corker đứng đầu, đã gửi một lá thư tới Trump yêu cầu ông điều tra sự biến mất của Khashoggi và báo cáo lại cho ủy ban trong vòng 120 ngày… 
Điều này có nghĩa là đảng Dân chủ đứng sau Trump trong nỗ lực chống Saudi của Tổng thống? Họ có vẻ như vậy. Có vẻ như các nhà lập pháp Mỹ, truyền thông, và Deep State đều thống nhất gia tăng áp lực với Saudi cho đến khi nó nhượng bộ và trả tiền… 
Mỹ không phải hủy bỏ thỏa thuận vũ khí trị giá 110 tỷ USD với Saudi nhưng Mỹ chỉ làm là giao hàng chậm trễ…Chắc chắn, sự gián đoạn dòng chảy của vũ khí Mỹ cho Saudi có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với nhà Saudi… trong tình thế khi ngày 8/10, quân đội Yemen đã tiến vào lãnh thổ Saudi.
Mỹ sẽ không cho không ai bao giờ! Chẳng phải Trump có lần tuyên bố rằng nếu muốn Mỹ ở lại Syria thì phải trả tiền cho Mỹ đó sao? Và thực tế trong thời gian qua, nhà Saudi đã có hiện tượng “bất tuân thượng lệnh” kể từ khi xuất hiện một ông lớn khác ở Trung Đông là Liên bang Nga.
Mỹ không thiếu dầu và sự phát triển khai thác dầu đá phiến cho Mỹ không cần dầu hay không quá phụ thuộc vào dầu của Saudi nhưng Mỹ cần tiền từ Saudi…
Sức mạnh quân sự của Mỹ trước sự gia tăng quân sự của Nga và Trung Quốc đã sụt giảm buộc Mỹ phải tìm kiếm nhưng phương án sử dụng sức mạnh bá chủ khác thay vì không có khả năng thực hiện biện pháp quân sự. 
Đây là lý do tại sao chính quyền Trump luôn thực hiện chế độ xử phạt thương mại, là một trong các phương án mà Mỹ chiếm ưu thế nhất so với Nga, Trung Quốc, Iran...hay những quốc gia nào đi ngược lại lợi ích Mỹ dù là đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ và có thể là Saudi.. 
Tuy nhiên, thực hiện biện pháp trừng phạt một mình là không đủ, và Mỹ có thể sẽ sử dụng câu chuyện Khashoggi như một lý do để tống tiền (thu tiền bảo vệ) Saudi.
“Nhà Saudi! Hãy trả tiền hoặc chúng tôi sẽ biến toàn bộ thế giới chống lại bạn, hay bạn muốn bị sa lầy trong cuộc chiến Yemen?”.
Đây có phải là câu trả lời của nhà Saudi?…
Ngay sau khi có sự đe dọa trừng phạt của Mỹ (đừng có nghi ngờ vì Saudi là đồng minh của Mỹ mà hãy xem Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bị đấy thôi) thì nhà Saudi đã trả lời bằng công bố biện pháp đáp trả bởi một danh sách có 30 hạng mục. Đây là 5 mục quan trọng:
1. Đầu tiên, Vương quốc Saudi sẽ giảm khối lượng sản xuất dầu - điều này sẽ ngay lập tức gây ra một sự gia tăng mạnh về giá từ $ 100 đến $ 200/thùng.
2. Dầu sẽ được tính bằng tiền quốc gia, ví dụ, bằng RMB (tức không dùng, không cần tiền USD, mọi quốc gia không bắt buộc phải mua dầu bằng USD, loại bỏ Petrodollar)
3. Saudi từ chối mua vũ khí của Mỹ, việc này tạo nên một sự mất mát của một thị trường vũ khí lớn của Mỹ, mức độ này sẽ tìm thấy một phản ứng tiêu cực ở Hoa Kỳ.
4. Điều quan trọng nhất là Saudi cho phép Nga lập căn cứ quân sự ở Tabuk ở phía Tây Bắc của đất nước. Đây chỉ là một lời đề nghị giật gân, nhưng mà nếu xảy ra thật thì có thể thay đổi toàn bộ, triệt để tình hình ở Trung Đông, cũng là những gì chính quyền Mỹ sợ nhất.
5. Saudi sẽ bán nợ của chính phủ Mỹ. Mặc dù số tiền không phải là rất lớn, nhưng vì tình hình trên thị trường khi Hoa Kỳ buộc phải tìm kiếm nhà đầu tư, bước này cuối cùng có thể kết thúc Washington.
Vì vậy, theo nhà Saudi, nếu Nhà Trắng quyết định sử dụng biện pháp trừng phạt Saudi thì đó là một hành động tự sát…
Tuy nhiên, nhà Saudi lưu ý, thay đổi một nhà lãnh đạo ở Trung Đông khi “bất tuân thượng lệnh” không phải là chuyện quá khó đối với Mỹ. Ngay như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan mà không có Nga cứu kịp thời thì cũng đã thành người thiên cổ, thì số má của nhà Saudi có cao hơn hậu duệ Ottoma?

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

Hai đòn thế của Nga khiến Mỹ-Israel "chôn chân"!



Khi “sương khói” sau vụ Il-20 của Nga bị bắn hạ mờ dần rồi khuất hẳn, giới quan sát thế giới mới nhận thấy, nhận thức được sự việc “chuyển giao S-300 cho Syria” chỉ là “phần nổi của một tảng băng”…
Không dễ gì đã hơn 3 tuần, kể từ khi Nga tuyên bố chuyển giao S-300 cho Syria thì Israel vốn kiêu ngạo phải nằm yên và mới đây 8/10, 4 chiếc F-16 bay đến biên giới không phận Syria đã quay ngoắt trỏ lại.
Đừng dại đem búa đi thử kính, bởi khi kính đã vỡ thì không lành lại được bao giờ.
1, Đòn “cược S-300”
Nhãn mác “S-300” là loại vũ khí sản xuất từ thời Liên Xô và có lẽ không quá bí mật với Mỹ, Israel vì Mỹ đã từng mua gọn S-300 từ thời Enxin làm tổng thống Nga giá 140 triệu USD/Tổ hợp, nhưng điều thú vị trong cuộc chơi cân não này là Nga vẫn dám “đặt cược S-300”…
Rõ ràng, bằng những tuyên bố mạnh mẽ với Israel khi chuyển giao S-300 cho Syria, như S-300 sẽ cắt cánh không quân Israel, S-300 sẽ làm cho những “cái đầu nóng” nguội lại…đặc biệt S-300 sẽ nhìn rõ các máy bay tàng hình của đối phương (F-22, F-35) thì chứng tỏ Nga thách thức Israel bởi S-300.
Một câu hỏi mở ra là tại sao Nga lại đặt cược vào S-300 tức thách thức không quân Isarel?
Trước hết, S-300 của Nga khác với S-300 của Liên Xô, đặc biệt, hãy chú ý về 3 bước thực hiện chuyển giao S-300 của Bộ QP Nga cho Syria mà theo đó S-300 được kết nối vào hệ thống chỉ huy, quản lý thống nhất trong hệ thống phòng không của Nga tại Syria.
Mặt khác, như Nga thông tin, người Syria sử dụng S-300 phải ít nhất 3-12 tháng nữa, do đó hiện tại sử dụng nó là người Nga hoặc có cố vấn Nga trong S-300 Syria. Có nghĩa là Nga sẽ tấn công ai đó bằng S-300, nhưng về mặt pháp lý thì người Syria chịu trách nhiệm.
Và cuối cùng, cửa hy vọng nhất để Israel diệt được S-300 là sử dụng F-35, cho nên, nếu S-300 tại Syria bị F-35 Isarel vượt mặt hoặc bị đánh sập thì có nghĩa hệ thống phòng không S-300 của Nga bị sụp đổ, uy tín chính trị, quân sự, kinh tế của Nga bị tổn thương nặng nề.
Chính vì lẽ đó, Nga sẽ sử dụng tất cả mọi phương tiện hiện đại nhất hiện có trong tay, các biện pháp tác chiến hiệp đồng để hỗ trợ cho S-300 giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với không quân Isarel chủ yếu là F-35 và F-22 nếu Mỹ tiếp tay.
Tuy nhiên, nếu tình huống xấu nhất xảy ra là F-35 và F-22 vượt qua được S-300, tức người Mỹ và Israel bỏ qua tuyên bố của Nga thì S-300 coi như là đồ bỏ, Nga không hết vốn, họ còn 2 con bài S-400, S-500 để tung ra tiếp tục cuộc chơi.
Trong khi đó, nếu F-35, F-22 bị thất bại khi đối đầu với S-300 thì Mỹ, Israel coi như là thất bại ngay từ vòng loại, họ sẽ hết vốn, hết cơ hội, lực lượng để  tiếp tục cuộc chơi.
Như vậy, trong cuộc chơi này, Nga đặt cược S-300 mà nếu thất bại vẫn còn cửa đi tiếp, còn Mỹ có dám đặt cược, “tố” với Nga bằng F-35 (cho phép Isarel sử dụng) và F-22 hay không là một vấn đề lớn bởi nếu bại thì thảm họa.
Chính sự nhạy cảm của việc đưa F-22 và F-35 vào thực chiến trên chiến trường Syria với Nga của Mỹ-Israel đã được Bộ Tổng hành dinh Nga khai thác triệt để trong ý đồ chiến thuật tiếp theo…
2, Con mồi nhữ S-300
Có thể nói, giới phân tích quân sự đã bình luận không sai, rằng việc Nga đưa S-300 sang Syria, chuyển giao cho quân đội Syria nếu như Israel bị áp lực 1 thì Mỹ bị áp lực 10, là vấn đề lớn với Mỹ hơn là Israel.
S-300 Syria chỉ là một con mồi nhữ hay chỉ là cái bẫy để sập F-35 và thậm chí F22 Rastor nếu như Mỹ nhảy vào là một trong những ý đồ chiến thuật của Nga thú vị, hiểm hóc, cân não nhất…
Người Nga thừa biết, muốn vượt qua được S-300 thì Israel chỉ còn cửa hy vọng duy nhất là sử dụng F-35 IA tàng hình mà Isarel cho là loại máy bay tốt nhất thế giới của họ khi đã cải tiến, thay đổi thiết bị điện tử trên F-35 bằng của riêng mình.
Và, do đó, đừng có ai nghi ngờ rằng tại sao Nga chuyển sang Syria cả S-400 hay thậm chí cả SU-57, và các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại nhất…Đương nhiên, Nga đã bày ra thế trận sẵn để chờ đón F-35 và F-22 của Mỹ…
F22 và F-35 là loại máy bay chiến đấu tương lai của Mỹ, chương trình sản xuất, thương mại, của F-35 đã tiêu tốn hàng ngàn tỷ USD cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Sự “tồn tại” của F-35 khiến Mỹ lo lắng đến mức mới chỉ dám cho F-35 lần đầu duy nhất tác chiến ở tại…chiến trường Afganixtan.
Ngay từ năm 2017, Israel muốn sử dụng loại máy bay này nhưng Mỹ cấm sử dụng, Syria đâu phải là Afganixtan. Và, bây giờ, trong tình huống hiện nay khi Syria có S-300 thì Mỹ càng quan tâm hơn trước việc Israel muốn tung F-35 ra để hủy diệt S-300, vì lo sợ 2 điều xảy ra:
1, Mỹ sợ rằng các hệ thống EW của Nga sẽ có thể tấn công máy bay chiến đấu này và tìm hiểu bí mật của nó, điều này sẽ gây nguy hiểm cho tất cả các máy bay chiến đấu trong tương lai.
2, Chẳng may F-35 bị bắn rơi tại lãnh thổ Syria thì không chỉ bị Nga sẽ nắm được kỹ thuật F-35 mà nguy hại hơn là chương trình F-35 bị sụp đổ, Mỹ sẽ thiệt hại hàng ngàn tỷ USD. Chẳng phải Nga đã từng gửi “giấy báo tử Tomahawk” về các nhà sản xuất tên lửa Mỹ rồi đó sao.
Bởi hơn ai hết, giới tinh hoa quân sự Mỹ thừa hiểu, F-35 không chỉ đối đầu với S-300 mà cả S-400 cùng với các phương tiện khác của Nga như Su-35, Su-57…mà cuối cùng báo công dành cho S-300, cho nên, phần thắng cho F-35 là rất thấp.
Nếu F-35 bị bắn hạ thì có nghĩa là bởi S-300, người Nga đã nhân F-22, F-35 của Mỹ với số 0, nhưng nếu như S-300 bị vượt qua thì Nga vẫn còn S-400, S-500 và đổi lại các thông số về F-22, F-35 được EW của Nga nắm được khá nhiều dữ liệu…là điều mà Mỹ không muốn.
Vì vậy, Mỹ hiện đang trong tình trạng khó khăn, một mặt, họ cho rằng đây là loại máy bay hiện đại nhất sẽ vượt qua tất cả các hệ thống phòng không, nhưng đồng thời không dám cho Isarel sử dụng F-35 trong các hoạt động chiến đấu với Nga. 
Mỹ chưa đủ tự tin để sử dụng F-35 khiến Israel đang rất bối rối và họ có một câu hỏi: Tại sao họ lại mua chiếc F-35? Và mua chúng để làm gì?
Liệu F-35IA có bị sập bẫy?
S-300 chỉ là loại vũ khí phòng thủ, nhưng khi bố trí ở Syria để ngăn chặn hành động tự tung tự tác lâu nay của không quân Israel thì do địa thế quân sự, S-300 trở thành một loại vũ khí tấn công.
Israel giáp Syria, lại là một đất nước nhỏ nên S-300 nếu bố trí ở một nơi nào đó là có thể quan trắc toàn bộ hoạt động của không quân Israel chưa tính đến quan trắc của Hải quân Nga tại Địa Trung Hải thì S-300 có đủ khả năng tấn công ngay khi máy bay của Israel cất hạ cánh…
Như vậy, dù F-35 có tàng hình thật sự trước S-300, S-400 thì có rất nhiều các dễ dàng để chỉ thị mục tiêu khi F-35 cất cánh, chưa nói đến Nga sử dụng tên lửa để hủy diệt nó ngay trước khi cất cánh (nếu Israel thách thức Nga).
Kinh nghiệm của bộ đội tên lửa Việt Nam trong nắm bắt mục tiêu khi bị nhiễu nặng sẽ vô cùng có giá trị với người Nga tại đây…
Tất cả những cơ sở trên có thể khẳng định Mỹ-Israel sẽ không sử dụng F-35 hay F-22, nhưng Israel cố tình bỏ qua Mỹ, sử dụng F-35 thì chắc chắn sẽ có “giấy báo tử F-35” gửi về cho nước Mỹ.
Chính vì vậy, chẳng có gì bất ngờ nếu Mỹ cấm Israel sử dụng F-35. Đây là một quyết định chuẩn xác. Khi biết chắc quân bài trên tay mình thua đối thủ thì đừng dại đặt cược. Mỹ vẫn còn cơ hội chơi thắng ván khác và do đó, ván bài này tại Syria, Mỹ úp bài…
Quả thật, bây giờ chúng ta mới hiểu câu trả lời của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một cuộc họp báo ở New York sau cuộc gặp giữa Trump và Netanyahu, khi được hỏi về các hệ thống tên lửa S-300 của Nga là rất khôn ngoan: “Tôi không nghe về nó, chúng tôi vừa thảo luận về nó hai phút trước. Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định, chúng tôi sẽ tìm ra”.
Và nhận định của tờ báo The National Interest cũng rất chi là sáng suốt:
“Hoa Kỳ ngừng hoạt động. Trump không muốn đụng độ với Putin. Cuộc khủng hoảng này (vụ Il-20) thực sự là kết quả trực tiếp của việc Hoa Kỳ đã rút khỏi Syria, để lại “cánh đồng” này cho Nga”.

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Đừng kiêu ngạo! Những cái “đầu nóng” đã nguội và đang run vì lạnh!



Khi người Nga không chấp nhận giải pháp chính trị trong vụ Il-20 thì có nghĩa là họ sẽ thực hiện giải quyết khủng hoảng bằng giải pháp quân sự, có nghĩa là Israel bị đổ lỗi dù thật sự Israel có lỗi hay không, không quan trọng, không quan tâm.
Đó là cách xử lý của kẻ mạnh. 
Đó là chân lý thuộc về kẻ mạnh. 
Và rất không may cho Israel, người Nga đủ mạnh để đổ lỗi cho Israel.
Hơi lạnh từ móng vuốt của Gấu Bắc Cực đã không chỉ làm cho những cái “đầu nóng” nguội lại mà đang dần run lên vì lạnh.
S-300 chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Kẻ mạnh ra đòn…
Nga ngay và luôn chuyển giao tổ hợp phòng không S-300 cho Syria như đã biết, nhưng cái chúng ta chưa biết và cần biết là giới quân sự cao cấp Israel đã tuyên bố rất kiêu ngạo nhưng đầy nguy hiểm, rằng sẽ tấn công vào lực lượng vận chuyển đến Syria
Không cần đe, Nga vẫn phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc tác chiến, theo đó, một lực lượng gồm Su-30SM, Su-35, Il-20M và A-50U trực chiến 24/24 trên vùng trời, bảo đảm cho máy bay vận tải quân sự Il-76, An-124 "Ruslan", hạ cánh trên lãnh thổ của căn cứ không quân Nga ở Khmeimim.
Một “cuộc chiến không tiếp xúc” còn gọi là tác chiến điện tử EW với Israel được Nga tuyên bố công khai là Nga sẽ tiến hành đàn áp vô tuyến điện tử nhằm vào các máy bay tấn công những mục tiêu trong lãnh thổ Syria từ các khu vực giáp Syria và biển Địa Trung Hải.
Kế hoạch tác chiến này thực hiện cho đến hết ngày 5/10 tức cho đến khi cơ quan tham mưu, kỹ thuật Nga-Syria triển khai lắp đặt, bố trí, kết nối xong các tổ hợp S-300, đưa S-300 sẵn sàng vào trực chiến…
Như vậy, có thể nói Nga triển khai lực lượng không chỉ bảo đảm an toàn cho vận chuyển cơ động phương tiện mà bảo đảm luôn trong toàn bộ thời gian lắp đặt, kết nối…cho đến khi S-300 đi vào trực chiến.
Đây là câu trả lời cho câu hỏi tại sao về logic quân sự, thời điểm mà Israel ra tay để tiêu diệt S-300 Syria tốt nhất là từ ngày 24/9 đến 5/10, khi Nga-Syria đang vận chuyển, lắp đặt, kết nối thì lực lượng không quân, tên lửa Israel nằm im mà chỉ có những “hỏa lực mồm”.
Thật may mắn cho Nga, kể từ khi cơ động vận chuyển các phương tiện trang bị của tổ hợp S-300 từ Nga sang Syria bằng đường không, đường biển đã an toàn tuyệt đối. Sự đe dọa của Israel cũng chỉ bằng lời nói.
Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, tướng Shoigu đã chính thức báo cáo Tổng thông Putin và Hội đồng an ninh Liên bang Nga rằng, công việc tổ chức thực hiện việc chuyển giao, lắp đặt, bố trí, kết nối S-300 cho lực lượng vũ trang Syria đã hoàn tất và sẵn sàng trực chiến.
Israel sẽ làm được gì khi S-300 đã vào thế trận?
Sau khi Nga đã chuyển giao trang bị, tổ chức, bố trí lực lượng cho phòng không Syria, trong đó chủ công là các tổ hợp phòng không S-300 thì các nhà bình luận quân sự trên thế giới đã tốn nhiều lời để bình phẩm…
Rằng, Israel sẽ có nhiều cách để tiêu diệt S-300, nếu như chiến thuật không thể thì công nghệ có thể và ngược lại nếu công nghệ không thể thì chiến thuật có thể. Còn giới quân sự Israel thì hơi bị thiếu khiêm tốn…
Vậy, cơ sở nào mà tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu khi triển khai thực hiện chuyển giao S-300 cho Syria để làm “nguội” được những “cái đầu nóng” của những kẻ khiêu khích thù địch?
Ở góc nhìn quân sự, trước hết về đánh giá mục tiêu.
Các tổ hợp phòng không S-300, chỉ riêng nó, không phải là một hệ thống bất khả xâm phạm, cho dù chúng đã trải qua thực chiến đi nữa. Nếu tác chiến độc lập thì bảo đảm chắc chắn là Israel muốn là được. Tuy nhiên, sự nguy hiểm và phức tạp ở đây là S-300 không tác chiến độc lập.
Bảo vệ cho S-300 và chiến đấu ở vòng ngoài trên không là các hệ thống tên lửa khác cũng nổi tiếng và qua thực chiến như Pantser-S1, Buk-M2…và tất nhiên các máy bay chiến đấu đánh chặn siêu hạng của Nga cũng sẵn sàng tham gia.
Vòng ngoài trên mặt đất thì tất nhiên Syria không phải như Ai Cập để Israel cho các đơn vị đặc nhiệm sang tóm sống hoặc phá hủy các hệ thống tên lửa dễ dàng như ngày xưa. Bảo vệ cho S-300 không chỉ Tiger Force mà khi cần có đặc nhiệm Nga hỗ trợ.
 Một trường điện từ sinh ra bởi tác chiến điện tử theo phương thức “đàn áp mềm” của Nga với Israel đã xảy ra…
Như vậy, mục tiêu S-300 nó được bảo vệ cẩn mật như trên thì Israel muốn tiếp cận để đối đầu với S-300, thử xem S-300 là tin đồn hay tin thật thì phải tham gia tác chiến với các lực lượng mà S-300 sẽ hợp đồng tác chiến nói trên.
Tiếp theo về địa thế quân sự.
Isarel giáp với Syria nên thực hiện chiến thuật bất ngờ, đánh nhanh rút nhanh là rất nguy hiểm, được coi là đòn đánh sở trường của Israel. Bất kỳ đơn vị nào của Nga-Syria mà chủ quan, mất cảnh giác là dính đòn này của Israel với hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, do gần với Syria, Israel lại nhỏ nên hầu như toàn bộ vùng trời , vùng đất, vùng biển của Israel đều trong tầm nhìn rõ của các phương tiện trinh sát điện tử Nga nói chung và S-300 nói riêng.
Vì thế, dù Israel có F-35 tàng hình trước cả S-300 thì S-300 vẫn được chỉ thị mục tiêu chính xác từ khi F-35 cất cánh, hướng bay…bởi thông tin tình báo, từ các hệ thống quan sát khác…sát nách Israel
Tất nhiên, các chuyên gia Nga không quên kinh nghiệm của bộ đội tên lửa Việt Nam đã kết hợp các yếu tố trên để hạ B-52 Mỹ như thế nào khi bị nhiễu nặng…
Suy cho cùng thì chưa một ai có thể khẳng định được chắc chắn Israel có thể hay không thể vượt qua tổ hợp PK S-300PM, nhưng, cũng như tàu sân bay là biểu tượng sức mạnh của nước Mỹ thì S-300 hay S-400 là biểu tượng sức mạnh phòng không của nước Nga.
Khi chưa bị dồn vào chân tường thì có quốc gia nào dám đánh chìm tàu sân bay với 5000 quân nhân Mỹ không? Và nước Nga liệu có tiêu hóa nổi khi S-300, S-400 bị Israel hạ bệ không?
Vì thế, vấn đề ở đây không phải là Israel có hủy diệt được S-300 hay S-400 của Nga hay không mà Irael có dám đối đầu, chơi “tất tay”, thách thức “xấc xược” với cường quốc quân sự nhất nhì thế giới là Nga hay không.
Bị Nhật Bản “xúc phạm” trận Trân Châu Cảng, Mỹ dù rất không muốn, nhưng đã buộc phải nhảy vào cuộc chiến tranh thế giới lần 2 thì Nga, khi bị Israel “xúc phạm”, họ sẽ không ngồi nhìn…và chắc chắn Israel sẽ bị đại thảm họa.
Việc Nga đột ngột tăng cường phòng không cực mạnh tạo ra một vùng cấm bay trên thực tế (de facto) ở Syria để cảnh cáo Israel dừng lại trước vạch đỏ, thiết lập “quy tắc chơi” mới với Israel chỉ là một phần nhỏ, phần lớn hơn là chứng minh sự tồn tại của Mỹ-Pháp tại Bắc Syria là vô nghĩa.

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

Nga kiên nhẫn khiến Israel chủ quan đi sai nước cờ!


Lúc này dư luận thế giới và Trung Đông đã không nhìn về chiếc máy bay tác chiến điện tử Il-20 của Nga bị bắn hạ nữa mà người ta đang tập trung chú ý vào cảnh chính: Các đơn vị S-300 mới nhất của Nga đang “ùn ùn” kéo sang Syria “chuyển giao” cho Lực lượng vũ trang Syria (SAA).
Có bao nhiêu tổ hợp S-300 được chuyển đến Syria?
Thông tin đã xuất hiện số lượng các tổ hợp S-300 sẽ được chuyển đến Syria
Ở giai đoạn đầu tiên, sẽ có 2 Trung đoàn  S-300. Theo biên chế, mỗi trung đoàn có 2 tiểu đoàn (đơn vị), mỗi tiểu đoàn có 3 tổ hợp, mỗi tổ hợp có 4 bệ phóng. Như vậy tổng cộng sẽ có 48 bệ phóng sẽ xuất hiện tại Syria.
Trước đây, các chuyên gia quân sự ước tính số lượng các tổ hợp S-300 mà Syria cần là từ 3 đến 4 tiểu đoàn S-300 (36-48 bệ phóng) là đủ để bảo vệ các cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng. Nhưng để bảo vệ một khu vực rộng đến biên giới sẽ cần khoảng 5-6 Trung đoàn, tức từ 10-12 tiểu đoàn S-300.
Trong tình hình hiện tại, S-300 phải bảo vệ bờ biển Syria, cũng như biên giới với Lebanon, Israel, Jordan và Iraq. Do đó, có thể giả định rằng độ bão hòa với các phức hợp này sẽ đạt mức tối đa có thể.
Rõ ràng, các tổ hợp S-300 của Nga chuyển giao cho Syria không thiếu, nhưng điều quan trọng nhất trong chiến dịch tăng cường phòng thủ của Syria là trang bị cho các lực lượng phòng không của Syria theo 2 bước đã, đang triển khai thực hiện của Bộ QP Nga, đó là:
1, Các sở chỉ huy phòng không và các đơn vị phòng không Syria sẽ được trang bị các hệ thống điều khiển tự động, hệ thống điều khiển tự động này cho đến nay chỉ được cung cấp cho các lực lượng vũ trang Nga.
Điều này sẽ đảm bảo việc quản lý tập trung tất cả các lực lượng và cơ sở phòng không của Syria, theo dõi tình hình không khí và nhận lệnh nhanh chóng, chính xác các chỉ định mục tiêu.
Quan trọng nhất, việc xác định tất cả các máy bay của Nga bằng các phương tiện phòng không của Syria sẽ được đảm bảo (không có tình trạng “quân ta bắn quân mình” như vừa qua khi không có mã IFF).
2, Nga sẽ tiến hành đàn áp vô tuyến điện tử trong điều hướng vệ tinh, radar trên không và hệ thống thông tin liên lạc của máy bay tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Syria ở các khu vực giáp với Syria trên Biển Địa Trung Hải.
Vậy là xong! Nga đã cơ động lực lượng phòng không mạnh sang Syria với một số lượng, chất lượng đủ để cho Quân đội Syria phòng thủ trước bất kỳ kẻ thù nào xâm phạm không phận của mình.
Khi được hỏi bởi Tân Hoa Xã điều gì sẽ xảy ra nếu Israel tiếp tục tấn công Syria sau khi nhận được hệ thống S-300, ông Mekdad, Thứ trưởng Ngoại giao Syria nói: “Hãy để người Do Thái thử, và chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình như trước đây”.
Nga thiết lập vùng cấm bay de facto
Nói gọn là là sau vụ Il-20 bị bắn hạ thì có vẻ như Nga đã chuẩn bị sẵn cho tình huống xấu này nên không chấp nhận và không bao giờ có ý định giải quyết vụ việc bằng biện pháp chính trị, cho nên, Nga từ chối lời đề nghị của Thủ tướng Israel cử phái đoàn cao cấp của chính phủ sang…trình bày.
Trong khi đó Nga yêu cầu làm rõ vụ việc trên cơ sở của cơ quan chuyên môn là không quân, vì thế, chỉ Tư lệnh không quân Israel được sang Nga để tường trình, chứng minh Israel có lỗi hay không…
Kết quả, Nga đã tung ra con bài cuối là hồ sơ quản lý theo dõi của hệ thống phòng không S-400 trong khu vực xảy ra vụ việc khiến các nhà chức trách không quân Israel hết cãi, bào chữa cho hành vi thù địch của mình.
Nga chỉ chờ vậy và ra tay. Nói cách khác, người Nga đã chuẩn bị và chờ đợi để thực hiện phương án này lâu lắm rồi và vụ Il-20 có thể là một trong số các tình huống để chớp thời cơ mà thôi.
Căn cứ vào các bước triển khai tổ chức thực hiện của Bộ QP Nga theo mệnh lệnh của Tổng thống Nga Putin thì Nga-Syria đã thiết lập một khu vực cấm bay trên thực tế (de facto) mà không phải là một khu vực cấm bay chuẩn mực (de jure).
Điều này có nghĩa là Nga không tuyên bố một vùng cấm bay chính thức với những điều kiện, quy định rõ ràng (de jure) nhưng trên thực thế thì đã có một vùng được thiết lập theo tinh thần đó.
Việc thiết lập một khu vực cấm bay trên thực tế (de facto) hay có thể gọi là “một vùng cấm bay không chính thức” cho phép Nga có một sự linh hoạt trong phương án xử lý với từng quốc gia, từng loại máy bay và cách thức xử lý theo các tình huống như theo dõi, giám sát hoặc đàn áp…
Chính sự khôn ngoan này tạo ra cho Nga một thế đàm phán rất mạnh với các bên trong cuộc chiến tại Syria và Trung Đông.
Tại sao Nga đột ngột “chơi rắn” với Isarel?
Có một điểm chung trong vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi SU-24 và vụ Israel là tác nhân gây ra Il-20 bị hạ làm thiệt mạng 15 lính Nga là cách xử lý của Nga-Putin. Đó là, Nga ngay lập tức kéo S-300, S-400 đến Syria, tuyên bố vùng cấm bay và đề ra “quy tắc tham gia” mới.
Vụ Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã khiến cho ông Erdogan vốn “ngang tàng” phải nhũn như con chi chi, phải xin lỗi Nga và hiện giờ đã đi vào khuôn khổ, và thú vị nhất là Thổ Nhĩ Kỳ lại trở thành đối tác của Nga trong chiến trường Syria đầy phức tạp.
Còn vụ Il-20 bị bắn hạ? Nga muốn gì ở Israel? Thực ra Nga không muốn và không thể “truy cùng đuổi tận” Israel, nhưng khi triển khai chuyển giao S-300 cho Syria và thiết lập trên thực tế một khu vực cấm bay, Nga nhằm 2 mục đích:
Thứ nhất là cảnh cáo Israel khi đã bước qua giới hạn đỏ, yêu cầu Israel thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận đã có và thiết lập lại thỏa thuận mới theo điều kiện của Nga tức là thiết lập một “quy tắc chơi” mới giữa Nga và Israel.
Tình trạng Israel chỉ thông báo trước cho Nga 10% trong hơn 200 vụ không kích trên lãnh thổ Syria và thông báo sai vị trí tấn công phải chấm dứt. Israel phải theo một khuôn khổ mới hay quy tắc chơi mới, nếu không, Nga sẽ đáp trả tùy theo các tình huống có sẵn…
Thứ hai là tăng cường khả năng chiến đấu cho Nga-Syria trước các kẻ thù tiềm năng là Liên minh Mỹ-Anh-Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ trên chiến trường Syria trong tình hình căng thẳng đã, đang diễn ra.
Rõ ràng, độ tin cậy về thỏa thuận giữa Erdogan và Putin tại Sochi về vùng đệm ở Idlib không cao và Nga-Syria vẫn chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Idlib trong tình huống không quân Thổ Nhĩ Kỳ và không quân Mỹ-Anh-Pháp can thiệp.
Đồng thời, về lâu dài, việc lực lượng vũ trang Syria sở hữu S-300 đã tạo ra một sự bất mãn lớn, một nguy cơ đe dọa cho lực lượng Mỹ tại Syria…
Điều không lạ là Israel phản ứng (đương nhiên) và Mỹ coi đó là sự leo thang chiến tranh của Nga khi chuyển giao S-300 cho Syria, vì cả hai đều bất hợp pháp vi phạm chủ quyền của Syria khi tấn công vào lãnh thổ Syria với bất kỳ lý do nào.
Điều lạ là việc triển khai S-300 cho Syria đã có được sự tôn trọng của thế giới Ả Rập và bất ngờ nhất là Liên đoàn Ả Rập, từ trước đến nay luôn chống lại chế độ Assad thì nay lần đầu tiên lại ủng hộ quyết định này…
“Cảm ơn mẹ, Nga, vì đã hạn chế một đứa trẻ không ai bình định trong một thời gian dài” là lời cảm của tờ báo Haaretz Israel.
Như vậy có thể nói, lần đầu tiên trong một thời gian dài, một quyền lực khác (Mỹ) đã biểu hiện rõ ràng với Israel rằng, ảnh hưởng, sức mạnh của nó không phải là vô hạn và rằng Mỹ sẽ không thể bảo kê nó mãi mãi để khiến cho Israel luôn “kiêu ngạo”, vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Lần đầu tiên sau một thời gian dài, có một quốc gia đã chỉ thẳng vào Israel tuyên bố: Dừng ngay tại đó, ít nhất là Syria! Quốc gia đó là Liên bang Nga, sức mạnh Nga đã ra tay khép Israel vào khuôn khổ.