Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

SU-24 Nga bị bắn hạ: Chỉ là hành động hoảng loạn.


Đây là hành động quân sự, nhưng thực chất chỉ là hành động chính trị cuồng loạn của Thổ Nhĩ Kỳ không hơn không kém.
Người Nga đang hành động rất bình tĩnh, tỉnh táo, trước vụ việc máy bay ném bom S-24 của mình bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hôm qua. Nó được coi như là hành động hèn hạ, “đâm sau lưng” người Nga của Thổ Nhĩ Kỳ mà Tổng thống Vladimir Putin đánh giá.
Chỉ có thể là hành động cuồng loạn.
Đây không thể coi là hành động tỉnh táo, mặc dù đã tính toàn từ lâu của Thổ Nhĩ Kỳ để bắn rơi máy bay Nga.
Thứ nhất, Nga không đe dọa an ninh chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, như Putin nói thì Thổ Nhĩ Kỳ là bạn bè thân thiện.
Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ muốn “nắn gân” Nga để lập một vùng cấm bay, vùng an toàn trên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ có chiều sâu trên lãnh thổ Syria là 50 km?
Sau khi bắn rơi chiếc SU-24 Nga (Chiếc SU-24 này tác chiến độc lập không được SU-30MS bảo vệ), Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố 3 điểm:
1- Tất cả các máy bay ném bom của không quân – Vũ trụ Nga chỉ thực hiện không kích khi có các máy bay tiêm kích yểm trợ.
2- Sẽ thông qua các biện pháp nhằm tăng cường phòng thủ trên không. Theo đó, tàu tuần dương hạm mang tên lửa Moscow được trang bị hệ thống tên lửa phòng không “Fort” tương tự hệ thống S-300 vào trực chiến, gần khu vực ven biển Latakia. Bất cứ mục tiêu, đại diện cho một mối nguy hiểm tiềm tàng đối với Nga xuất hiện trong khu vực phòng thủ sẽ bị phá hủy.
3- Nga chấm dứt liên lạc quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều chúng ta quan tâm là hành động “ngay và luôn” của Nga.
Sau tuyên bố này, thì chiều tối ngày 24.11, theo Cont.ws: Một nguồn tin không chính thức từ Syria cho biết, không quân Nga ở căn cứ Hmeymin đã tiến hành một cuộc không kích dữ dội chưa từng có vào khu vực chiếc Su-24 bị bắn rơi. Toàn bộ các phần tử khủng bố bị dìm trong biển lửa. Nguồn tin cũng cho rằng, kể cả những chiến binh đã tấn công chiếc Mi-8 cứu hộ cũng không còn tồn tại. May mắn, theo RusVesna.su, các phi công bị bắn rơi của Nga Su-24 đã được cứu sống bởi quân đội Syria sau một sứ mệnh giải cứu đặc biệt trong vòng vây của kẻ thù đã đưa về căn cứ không quân tại Latakia.
Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận rằng, máy bay Nga, nếu có xâm phạm không phận quốc gia này thì cũng chỉ trong vòng 17 giây. 17 giây là con số mà NATO cũng công nhận và với 17 giây thì khả năng của không quân Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể là thúc thủ, chịu trận. 
Rốt cuộc, ngay chiều tối 24/11, Thổ Nhĩ Kỳ thay vì sử dụng đường dây liên hệ với Bộ QP Nga để giải quyết sự cố thì lại viện dẫn điều 4 của NATO triệu tập NATO để họp khẩn…Phải chăng, Thổ Nhĩ Kỳ hoảng loạn và lo sợ khi Nga đang ra đòn khủng khiếp tại biên giới Thổ-Syria sẽ mở rộng sang Thổ Nhĩ Kỳ để trả đũa? Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ chưa có khả năng sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự với Nga. “Đâm sau lưng” người này và trốn sau lưng người khác, một hành động yếu hèn.
Thứ 3, Thổ Nhĩ Kỳ muốn Nga và NATO xảy ra xung đột quân sự nên bất chấp hệ lụy xấu về chính trị và quân sự.
Không phải trong hoàn cảnh nào điều 5 của NATO cũng được thực hiện bởi không dưới một lần NATO không thể theo đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ. Lần này, Mỹ tuyên bố thẳng “đó là việc của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ” thì việc hành động “đâm sau lưng Nga” của Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng tỏ rõ ràng là Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phe khủng bố mà cả Nga, NATO và thế giới lên án và tìm cách tiêu diệt. Về quân sự, Nga cũng có thể viện dẫn điều 51 Hiến chương LHQ để trừng trị Thổ Nhĩ Kỳ mà NATO không thể can thiệp, đó là Nga tự vệ chứ không chủ động tấn công trước Thổ Nhĩ Kỳ-một thành viên NATO.
Tuy nhiên, NATO cũng không dại đột lao vào cuộc chiến không có kẻ thắng với Nga vì cái quyền lợi ích kỷ của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng tỉnh táo không nóng vội trả đũa mạnh liệt Thổ Nhĩ Kỳ khi thắng lợi tại Syria ngày càng đến gần. “Đội tuyển Nga nín nhịn, không bị kích động khi đối phương chơi xấu, quyết bảo vệ cầu thủ trụ cột cho trận chung kết”.
Như vậy, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay SU-24 Nga vừa qua nhằm đạt được mục đích gì? Không gì cả, chỉ làm cho tình thế xấu thêm nghiêm trọng. Đây là hành động quân sự, nhưng thực chất đây chỉ là hành động chính trị cuồng loạn của Thổ Nhĩ Kỳ không hơn không kém.
Tại sao lại hành động cuồng loạn?
Sự xuất hiện của Nga tại Syria đã phá tan tành âm mưu của Thổ Nhĩ Kỳ với Cộng hòa Hồi giáo Syria.
Trước hết là phá tan âm mưu thành lập vùng an toàn vùng cấm bay của Thổ Nhĩ Kỳ. Thực chất tạo ra khu vực cấm bay trải dài từ biên giới Bab al-Salam xuống Aleppo là muốn bảo vệ nhóm nổi dậy thân Ankara đang kiểm soát, bảo vệ cửa ngõ lối vào Aleppo khi, đã bị mối đe dọa IS từ tháng 6/2014. Do tuyến đường từ thị trấn biên giới Thổ Nhĩ Kỳ Kilis tới Aleppo của Syria được coi như một yếu tố sống còn trong việc giữ vững chính sách thay đổi chế độ Assad của Ankara nếu bị rơi vào IS hay quân đội Assad thì những tham vọng ở Syria sẽ hoàn toàn trở nên vô nghĩa.
Tiếp theo, Nga và Syria xác định tấn công và đánh chiếm Aleppo nếu thành công có nghĩa là đã cắt đứt toàn bộ sự viện trợ của nước ngoài cho lực lượng nổi dậy. Lúc đó Homs, Hama và Palmyra đang bị lực lượng nổi dậy chiếm giữ không đánh cũng thắng….Thực tế, nhóm nổi dậy được Thổ Nhĩ kỳ hậu thuẫn đã hoàn toàn mất khả năng cơ động và đang bị quân đội Assad bao vây, tiêu diệt dần. Giải phóng Aleppo với Nga và quân đội Syria chỉ là vấn đề thời gian đồng nghĩa với chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, lực lượng người Kurd bị phá sản. An ninh, toàn vẹn lãnh thổ của THổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt nguy hiểm với lực lượng người Kurd.
Cuối cùng, là Nga đã chơi nước cờ hiểm là tập trung không kích vào “đường ống trên bánh xe” của IS, LIH không nương tay để đánh sập tuyến buôn dầu lậu mà Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng lợi rất lớn với tư cách là đầu mối duy nhất mà chủ nhân là con trai của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Tờ báo “Sự thật” Pravda.ru, đánh giá rất chính xác: “Bắn rơi máy bay SU-24 của Nga là nỗi kinh hoàng của Thổ Nhĩ Kỳ trước chiến thắng của Liên bang Nga”. Nói cách khác, những thắng lợi của Nga và quân đội Assad trên chiến trường Syria đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ cuồng loạn.

Không hoảng loạn, không bị kích động, không nhân nhượng với hành động khiêu khích, Nga tiếp tục làm tốt công việc của mình tại Syria vì chiến thắng chỉ là vấn đề thời gian, giải pháp chính trị đạt được cũng chỉ là vấn đề thời gian. Sự mất mát là không vô ích.

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

IS không ngu như các Ngài tưởng!


Có hơn 40 quốc gia tài trợ cho IS trong đó có một số quốc gia trong nhóm G-20.
Đây là tuyên bố của Tổng thống Nga Putin tại hội nghị G20-Thổ Nhĩ Kỳ. Sự thật đã khiến dư luận nhận rõ việc một số quốc gia “chơi con bài IS” nhằm thực hiện mưu đồ chính trị cho mình.
Lợi dụng và rủ bỏ như một chiếc áo rách!
Đầu tiên là lực lượng Taliban tại Afganixtan. Mỹ đã cung cấp, nuôi dưỡng cho lực lượng này để chống Liên Xô…Rốt cuộc, Tổ chức này là nơi ẩn náu của trùm khủng bố Al Qaeda Osama bin Laden-cũng là đứa con của Mỹ sau vụ khủng bố kinh thiên động địa vào nước Mỹ 11/9. Một thời gian dài, Mỹ và đồng minh đã lợi dụng chống khủng bố Al Qaeda đã làm đảo lộn cả thế giới bằng các cuộc chiến tranh “sốc và kinh hoàng” tại Iraq, Afganixtan, Lybia…
Như vậy, lợi dụng xong là rủ bỏ? Không vậy thì tại sao sao lại có sự kiện 11/9 và cuộc tấn công vào Afganixtan để tiêu diệt Taliban? Lẽ ra Taliban, Osama bin Laden phải là bạn của Mỹ, phương Tây chứ, đúng không?
Và hiện nay là lực lượng “nhà nước hồi giáo” (IS) đang là tâm điểm mà có thể tạo ra chiến tranh thế giới lần 3.
IS từ đâu mà ra? Rõ ràng là IS thoát thai từ Al Qaeda, từ sự can thiệp thô bạo vào Trung Đông và Bắc Phi để tạo ra các cuộc “cách mạng dân chủ” ở các quốc gia như Iraq, Lybia…và thậm chí ở Ukraine. Kết quả, IS phát triển mạnh bởi các cựu sỹ quan Iraq bị Mỹ loại bỏ trong trận chiến năm 2003 và tiếp tục được bổ sung lực lượng từ Lybia, đất nước đã bị phá hủy, hỗn loạn bởi cuộc tấn công của Mỹ-NATO năm 2011… Lẽ ra phải tiêu diệt IS ngay từ đầu khi mới hình thành thì người ta lại lợi dụng nó, nuôi dưỡng nó, cung cấp vũ khí cho nó để dùng nó chống lại những quốc gia “khó chịu”, chưa nằm trong sự điều chỉnh của “cách mạng dân chủ” cụ thể là Syria.
Nhưng IS đâu có ngây thơ, ngay khi thiết lập được vị trí đứng chân vững chắc tại IraqSyria, IS bắt đầu “tự lập”, hoạt động vì mục đích riêng của mình khi quá hiểu bụng dạ của những người đã sinh ra nó…
Đến bây giờ ai cũng rõ IS tồn tại, phát triển được như giờ là bởi 2 yếu tố: tài chính và người bảo trợ.
IS không thể nuôi hàng trăm ngàn quân khi không có tiền; không thể trang bị vũ khí hiện đại cho lực lượng khi không có kẻ bán, cung cấp.
IS không thể tồn tại phát triển đe dọa lật đổ chế độ Assad khi có các cuộc không kích “thiếu nghiêm túc” của Mỹ và liên quân; khi có quốc gia hỗ trợ, nuôi dưỡng….
Thế giới chung tay thì tiêu diệt IS không có gì là khó khăn. Nga, Mỹ chỉ cần một mình thừa sức vùi dập quốc gia nào tiếp tay, nuôi dưỡng IS, thừa sức ngăn chặn kẻ nào mua dầu lậu, cung cấp tài chính cho IS…nhưng tại sao chỉ Nga làm mà không ai hỗ trợ?
Thưa các ngài, các ngài lợi dụng IS nhiều rồi, IS đã làm bao nhiêu việc cho các ngài rồi, các ngài muốn IS thay thế lực lượng “mặt đất” trên chiến trường Syria thì IS cũng đã làm, đã đẩy khu vực kiểm soát của Assad chỉ còn 1/3 lãnh thổ. Bây giờ các ngài hãy làm gì đi khi Nga đang làm tan rã IS đã dày công dây dựng cơ sở hậu cần, kỹ thuật tại Syria, Iraq…thế nhưng không làm gì hoặc không có khả năng ngăn cản Nga tung hoành thì các ngài lại muốn “phản bội IS”, rủ bỏ IS như một chiếc áo rách khi hết tác dụng. Đương nhiên, IS đã và sẽ hành động như xử lý với một kẻ phản bội…cũng hợp với logic của “luật rừng”.
Nên nhớ rằng các ngài đang giao thiệp với một kẻ máu lạnh, giết người không ghê tay.
Khủng bố nước Pháp, IS không còn gì để mất!
Kết quả điều tra vụ máy bay Nga rơi tại Sinai khẳng định là do IS đặt bom, còn vụ 13/11 Paris thì cũng vậy, kết quả chính thức là do IS.
Nếu như IS khủng bố nước Nga thì sẽ không bao giờ làm Nga nhụt chí mà chỉ như “đổ thêm dầu vào lửa”, là sự dại dột, sai lầm lớn của IS như các chuyên gia đánh giá…là xác đáng, vì Nga và IS không đội trời chung.
Nhưng mối quan hệ IS với Mỹ, phương Tây, các quốc gia Ả Rập thì không đơn giản vậy. Khi IS khủng bố tại Paris thì chỉ đẩy IS vào con đường chết sớm, bởi lẽ Pháp buộc sẽ tấn công trả đũa mạnh mẽ…không phải như tuyên bố của vua Jordani là chắc chắn. Pháp đã tuyên bố “tình trạng chiến tranh với quân khủng bố” thì Pháp có thể kéo cả NATO vào để vùi dập IS theo điều 5 của NATO.
Vậy, phải chăng Bộ Tham mưu của IS là lũ ngốc, muốn tự sát?
Trên chiến trường Syria trước cuộc không kích và tấn công trên mặt đất của Assad thì Mỹ và NATO đã cố gắng ngăn chặn Nga nhưng không thể và một thực tế là quân đội Assad và đồng minh làm chủ Syria chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, Nga muốn kết thúc chiến dịch quân sự bằng một giải pháp chính trị mà khả dĩ 2 phía có thể chấp nhận, kể cả việc ra giá cuối cùng là Assad phải ra đi. Nga và Mỹ đang khoanh vùng, lập danh sách “tham dự bàn tiệc Syria” nhưng không có IS và lực lượng khủng bố mà Nga cấm hoạt động (LIH), mà dù có ngừng bắn thì Nga, Mỹ không ngừng bắn với các lực lượng này. Vì thế, nguy cơ IS, LIH bị rủ bỏ hay bị Mỹ và liên minh “mặc cả trên lưng” đang, sẽ xảy ra.
IS, LIH không khó nhận biết tình cảnh này, họ đâu có ngây thơ tập trung mọi lực lượng tại Syria và Iraq như bỏ “tất cả trứng trong một giỏ”, IS đã phân tán lực lượng từ các cuộc di cư khắp châu Âu và ngay cả Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang muốn chứa chấp IS để giáng đòn vào Nga…thì đã đến lúc IS, LIH nổi loạn, không theo ai…là đương nhiên.
Tấn công nước Pháp, IS muốn gửi một thông điệp duy nhất cho các quốc gia từng lợi dụng IS: Rủ bỏ IS là phải trả giá.
Tấn công nước Pháp, IS muốn kéo NATO cùng với Pháp sang tham chiến tại Syria.
Có thể nói, tấn công khủng bố nước Pháp, IS đã chơi một nước cờ liều lĩnh, nhưng khi đã ở trong một tình thế không còn gì để mất thì đó là một nước cờ “thông minh”.

Tổng thống Putin nói: “Tôi muốn nói với những người đang nghĩ và hành động như vậy rằng: Thưa các ngài đáng kính, các ngài đang giao thiệp với những kẻ rất tàn bạo nhưng hoàn toàn không ngu ngốc, không ngây thơ. Họ không ngu ngốc hơn các ngài và rõ ràng không biết ai đang lợi dụng ai”.

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Trung-Mỹ đang “làm tình” trên Biển Đông?


Mỹ tuần tra trên Biển Đông là vì quyền lợi của Mỹ. Hy vọng Mỹ bảo vệ chủ quyền biển đảo cho Việt Nam là hão huyền.
Sự kiện tàu chiến Mỹ USS Lassen tuần tra trên Biển Đông khi xâm nhập vào phạm vi 12 hải lí (M), quanh bãi đá Su Bi và Đá Vành Khăn của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng, đang xây dựng thành đảo nhân tạo…khiến thế giới, chăm chú đổ dồn về Biển Đông trước sự đối đầu căng thẳng giữa 2 cường quốc. Giới truyền thông thế giới, trong nước có những đánh giá gây sốc về chuyến tuần tra của USS Lassen, nào là “phép thử siêu cường”, nào là “thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”, nào là “tuần tra của Mỹ liên quan đến vụ HD981”…Có cảm tưởng như Trung-Mỹ đang xung đột với nhau đến nơi, thế giới đang “nín thở” theo dõi, lo sợ…
Tuy nhiên, quan sát kỹ thì chuyện chẳng có gì ghê gớm, to tát như người ta tưởng.
Tại sao Mỹ không xâm nhập vào khu vực 12 hải lý của 4 đảo khác trong 7 đảo mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1988 mà lại xâm nhập vào Su Bi, Đá Vành Khăn?
Bởi lẽ tất cả các đảo trên quần đảo Trường Sa, ngoại trừ những đảo nửa chìm nửa nổi không có vùng lãnh hải như UNCLOS quy định thì Mỹ xâm nhập vào khu vực 12 hải lý của đảo nào cũng phải thông báo trước và phải vô hại.
Do đó, việc Mỹ tuần tra trên Biển Đông vào 2 thực thể đảo chìm nổi mà Trung Quốc đang xây dựng căn cứ trong phạm vi 12 hải lý là Mỹ nhằm vào nơi thiếu tính pháp lý nhất của Trung Quốc để xâm nhập, tức là nhằm vào nơi mà “xâm nhập vào 12 hải lý cũng như không”. Cái gọi là đảo đá Su Bi, Đá Vành Khăn…mà Trung Quốc đang chiếm đóng, xây dựng trái phép làm gì có lãnh hải 12 hải lý. Vậy thì làm gì có chuyện Mỹ thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa? Không có. Chỉ khi nào Mỹ mạnh dạn, to gan, xâm nhập vào vùng 12 hải lý các đảo khác mà Trung Quốc đang chiếm trên quần đảo Trường Sa thì mới gọi là “thách thức chủ quyền Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa”, nhưng điều này thì Mỹ không dám hoặc không muốn. 
Vì thế, qua hành động tuần tra này, chúng ta chỉ thấy Mỹ tỏ ra tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa mà thôi. Điều này logic với đối sách của Mỹ trên Biển Đông là Mỹ trung lập trong vấn đề tranh chấp, không đứng về bên nào.
Vậy thì hành động này của Mỹ có thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông qua bản đồ “đường 9 đoạn” không? Nói cách khác dễ hiểu hơn là Mỹ có chấp nhận Trung Quốc chiếm toàn bộ Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quan trong bậc nhất của thế giới?
Ngay cả Nga dù không nói, nhưng hành động hợp tác với Việt Nam trong việc khai thác dầu trên Biển Đông đã sổ toẹt cái “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, huống chi khi Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng với an ninh (quân sự, kinh tế, chính trị) Mỹ và đồng minh là Nhật Bản, Hàn Quốc…như nhiều chuyên gia quân sự, kinh tế, đã phân tích…thì hành động của Mỹ tuần tra trên Biển Đông cũng chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là không bao giờ chấp nhận “đường 9 đoạn” như Nga, Ấn Độ mà thôi, chẳng có gì khác cả. Vả lại, khu vực châu Á-TBD này có quốc gia nào công nhận “đường 9 đoạn” của Trung Quốc vạch ra trên Biển Đông đâu.
Mở ngoặc, chúng ta cần phải lưu ý là tuần tra trong phạm vi 12 hải lý cách 500m đảo nhân tạo và tuần tra trong phạm vi 12 hải lý của các đảo không phải là nhân tạo hoàn toàn khác nhau về bản chất, tính chất, đóng ngoặc.
Vấn đề là tại sao Mỹ, Trung Quốc lại to chuyện việc tuần tra của tàu chiến Mỹ vào nơi “biển công” gần đảo nhân tạo của Trung Quốc đến vậy. Cơ quan tuyên truyền Trung quốc, giới truyền thông Mỹ có những tuyên bố hùng hồn, gây sốc đến mức như Trung-Mỹ sắp nổ ra chiến tranh, căng thẳng đã lên tột độ...Té ra làm vậy để có cớ cho 2 vị tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc kéo nhau đi đàm phán. Thế giới một phen "hú vía" khi Trung-Mỹ xuýt đánh nhau, may sao họ đã "thỏa thuận" với nhau để "xuống thang" ảo do họ dựng nên. Một kiểu quan hệ rất Mỹ. 
Lịch sử đã từng ghi nhận Trung-Mỹ đã “bắt tay nhau” sau lựng Việt Nam để gây hại cho Việt Nam và Liên Xô. Lần này không tránh khỏi Mỹ-Trung tiếp tục lấy Biển Đông và có thể Đài Loan để mặc cả, chia chác để gây hại cho Việt Nam và Liên bang Nga.
Lựa chọn một khu vực tuần tra “nhạy cảm”, khôn khéo, Mỹ phát đi thông điệp rằng, quần đảo Trường Sa, Trung Quốc có đủ khả năng thì muốn làm gì tùy. (Đương nhiên, với việc bật đèn xanh đó, Trung Quốc sẽ “té nước theo mưa”, quân sự hóa nhanh chóng các đảo chiếm được của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa). Riêng tuyến hàng hải trên Biển Đông, Mỹ răn đe Trung Quốc đừng có quá tham lam, muốn khống chế toàn bộ mà cùng với Mỹ, cả hai “tuần tra an ninh hàng hải, chống cướp biển”…nhằm đẩy Nga ra khỏi khu vực, vô hiệu hóa quân cảng Cam Ranh của Việt Nam.
Mỹ đang bị mất mặt tại Ukraine và bị muối mặt tại Syria bởi nước Nga và nguy cơ bị Nga đẩy ra khỏi Trung Đông. Vì thế, bao vây, cô lập Nga, chống Nga là mục tiêu của Mỹ. Cũng như trước đây, trong vấn đề Đài Loan, Mỹ công nhận “một nước Trung Quốc” là để Trung Quốc chống Liên Xô thì ngày nay, Mỹ có thể đưa ra miếng mồi ngon (Biển Đông, Đài Loan) để Trung Quốc chỉ có thể buộc phải trở mặt với Nga. Rõ ràng, khi nền quốc phòng Nhật Bản đã có sự thay đổi lớn về chất thì vị trí Đài Loan án ngữ trước “cửa họng” Trung Quốc là không còn quan trọng.
Kết luận vấn đề: Việt Nam không bao giờ tin tưởng, hy vọng Mỹ xuất hiện ở Biển Đông là bảo vệ chủ quyền cho Việt Nam. Mỹ tuần tra trên Biển Đông là vì quyền lợi của Mỹ, do đó, những gì phù hợp với đối sách của chúng ta thì chúng ta ủng hộ nhưng trên tinh thần cảnh giác cao độ. Hoàng Sa năm 1974, Scarborough của Philipines năm 2012 là minh chứng điển hình trên Biển Đông cho những ai có tư tưởng coi Mỹ là thần hộ mệnh.
Mỹ xuất hiện ở Biển Đông không phải là nguyên nhân khiến Trung Quốc hung hăng, bất chấp, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam mà đó chính là bản chất, âm mưu của nhà cầm quyền Bắc Kinh từ xưa tới nay. Vì vậy luôn luôn cảnh giác, chuẩn kỹ càng để đối phó với mọi tình huống, quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ.