Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

IS nên cẩn trọng, Nga chứ không phải Mỹ!

Ngày 14-9 vừa qua, các hãng tin phương Tây đưa tin, Nga đã đưa 7 chiếc xe tăng T-90 kèm với một số loại pháo đến khu vực sân bay Latakia, Syria. Khoảng 200 lính thủy đánh bộ Nga cũng được điều động tới sân bay nói trên và xây dựng các khu nhà tạm, một trạm kiểm soát không lưu di động và một hệ thống phòng không. Và rồi mới đây Mỹ phanh phui vụ Nga đưa tiếp 4 trực thăng chiến đấu hiện đại sang Syria…
Chuyện đó thì không có gì bất ngờ bởi Nga công nhận việc viện trợ vũ khí trang bị cho chính quyền Tổng thống Assad là “truyền thống lâu đời” mà không phải bây giờ. Có điều trong tình thế Syria bị nguy kịch bởi các vụ không kích của liên quân và các cuộc tấn công của quân khủng bố IS, lực lượng đối lập, được sự hỗ trợ của nước ngoài mạnh mẽ thì điều đó mới khiến ta quan tâm.
Ngày 16/9, Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bashar Ja'afari cho rằng Nga cần tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.
Ngày 17/9, Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem tuyên bố chính quyền Damascus có thể sẽ đề nghị Nga triển khai các lực lượng quân sự trên lãnh thổ nước này trong trường hợp cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ. Hiện nay Syria vẫn đang làm chủ tình hình và vấn đề cần nhất chính là đạn dược và các loại khí tài hiện đại để đủ năng lực đối phó với các loại vũ khí tiên tiến mà các nhóm khủng bố đang sử dụng.
Đây là những đề nghị cực kỳ nhạy cảm đồng thời là một cú sốc sợ hãi cho lực lượng IS trên lãnh thổ Syria.
Với khả năng không kích “ngay và luôn” của không quân Mỹ thì lực lượng IS “diễu hành” như này là tự sát.
Với khả năng không kích “ngay và luôn” của không quân Mỹ thì lực lượng IS “diễu hành” như này là tự sát.
Đối đầu với Nga là đánh nhau thật chứ không phải đánh trận giả như với Mỹ và liên quân lâu nay. Không có cảnh quân khủng bố mà hành quân trên xe Toyota cờ dong trống mở đi hàng trăm km mà vẫn vô sự.
Khả năng không kích của Nga có thể không “ngay và luôn” như Mỹ, nhưng kinh nghiệm tiêu diệt khủng bố tại Chechnya và sự phát triển vũ khí Nga, đặc biệt, quyết tâm chiến đấu của Nga khác Mỹ.
Hình thức tác chiến: không kích Nga+lực lượng bộ binh Syria+vũ khí Nga+cố vấn Nga, chắc chắn sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho IS.

Giờ đây, nếu như khi Nga và Iran tham gia không kích chống IS (không nằm trong liên minh do Mỹ chỉ huy) thì cuộc chơi địa chính trị tại Trung Đông đã đi vào thực chất hơn. 
IS nên cẩn trọng, đối đầu với Nga chứ không phải với Mỹ.

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Ai phải nói lời "xin lỗi”?


Nếu xin lỗi mà Mỹ rút 37 ngàn quân khỏi Hàn Quốc và Bắc-Nam Triều Tiên thống nhất, hòa bình thì Bắc Triều Tiên có thể xin lỗi hàng ngàn lần.

Mỹ nợ Triều Tiên…ngàn lời xin lỗi!
Hầu hết mọi người dân Mỹ đều coi Triều Tiên là một quốc gia hiếu chiến, hung hăng, đe dọa an ninh toàn cầu và sau ngày 9/11/2001 thì Mỹ lại đưa Triều Tiên vào “trục ma quỷ” như một “nhà nước bất hảo”…Đó là “thành công” lớn của hệ thống truyền thông khổng lồ của Mỹ và PT khi có thể biến đen thành trắng, xấu thành tốt…theo ý muốn khiến cho ít người biết rằng, chính Mỹ mới là kẻ phạm tội “diệt chủng” dân tộc Triều Tiên trong cuộc chiến từ năm 1950-53.
Tướng Curtis LeMay, người đứng đầu Bộ tư lệnh Không quân Chiến lược trong chiến tranh Triều Tiên, nói với báo The New Yorker vào năm 1995: “Trong một khoảng thời gian 1-3 năm hay lâu hơn, chúng tôi đã phá hủy 78 thành phố và hàng ngàn làng mạc Bắc Triều Tiên cùng với chừng 20% dân số (bị giết)”. Theo ông ta, “không có thường dân vô tội, bởi đối tượng tác chiến của không quân Mỹ là tất cả” và do đó, ông ta “không bị ám ảnh, phiền hà, động lòng trắc ẩn khi sát hại bất kỳ người dân Bắc Triều Tiên nào khi ném bom”. Sau khi san bằng các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng thành thị, máy bay ném bom của Mỹ phá hủy các đập thủy điện và thủy lợi ở giai đoạn sau của cuộc chiến, gây lũ lụt ở đất nông nghiệp và cây trồng bị phá hủy.
Có thể nói không có một quốc gia nào có tỷ lệ dân số bị chết trong chiến tranh cao như Triều Tiên. Không quân Mỹ cùng với B-29 bay vào Bắc Triều Tiên rải thảm bom cùng với bom napal như vào chỗ không người, tha hồ giết, phá một cách không thương tiếc mà không có sự đánh trả.
Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, Mỹ mất 0,32% dân số, Anh mất 0,94%, Pháp mất 1,35%, Trung Quốc mất 1,89% và Bắc Triều Tiên là 30% dân số (Nguồn tin chính phủ Hàn Quốc ước tính có đến 1.550.000 dân thường bị thiệt mạng).
Diệt chủng được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về phòng chống và trừng phạt các tội phạm diệt chủng năm 1948 như sau:
Sự phá hủy có chủ ý và có hệ thống, toàn bộ hoặc một phần, của một dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, hoặc quốc gia".  Theo đó, Công ước đã liệt kê năm hành động sau được coi là hành động diệt chủng: sát hại các thành viên của nhóm người đó; gây nên những tổn hại nghiêm trọng về thể xác và tinh thần đối với các thành viên của nhóm người đó; cố tình buộc nhóm người đó phải chịu những điều kiện sống được tính toán nhằm gây nên sự tiêu vong toàn bộ hoặc một phần nhóm người đó; áp đặt các biện pháp nhằm ngăn chặn việc sinh đẻ trong nhóm người đó; dùng vũ lực chuyển trẻ em trong nhóm người đó sang một nhóm khác”.
Như vậy, nếu như trong sự kiện Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản là không phạm tội diệt chủng thì trong cuộc chiến tranh Triều Tiên toàn bộ dân thường là mục tiêu của các vụ đánh bom có ​​chủ ý và không ngừng, nhằm phá hủy và giết chết một nhóm quốc gia, đó là hành vi diệt chủng.
Chưa có một lời xin lỗi, thậm chí “lấy làm tiếc” của Mỹ với Bắc Triều Tiên. Phải chăng do cuộc chiến đó vẫn đang còn tiếp diễn dưới sự chỉ huy của viên tướng 4 sao Mỹ làm tư lệnh và viên tướng 4 sao Hàn Quốc làm phó đối đầu với quân đội Bắc Triều Tiên?
Tổng thống Park Geun-hye và Tư lệnh lực lượng kết hợp CFC Tướng James D. Thurman (người đứng thứ hai từ trái), Phó chỉ huy CFC Tướng Kwon Oh-sung (người đứng thứ hai từ bên phải).
Tổng thống Park Geun-hye và Tư lệnh lực lượng kết hợp CFC Tướng James D. Thurman (người đứng thứ hai từ trái), Phó chỉ huy CFC Tướng Kwon Oh-sung (người đứng thứ hai từ bên phải).

 Tại sao Bắc Triều Tiên không nói “lời xin lỗi”?
Hai miền Nam-Bắc Triều Tiên lại một lần nữa được Hàn Quốc đưa đến miệng hố chiến tranh khi Hàn Quốc yêu cầu Bắc Triều Tiên phải xin lỗi trong vụ 2 lính Hàn Quốc bị vấp mìn trên giới tuyến. Sau 43 giờ đàm phán, khi Hàn Quốc chấp nhận “lấy làm tiếc” của Bắc Triều Tiên như “lời xin lỗi” thì kíp nổ chiến tranh được tháo ra, quân đội mỗi bên về nơi tập kết… thì đột nhiên tình hình nóng trở lại khi Bắc Triều Tiên khẳng định là chỉ “lấy làm tiếc” chứ không nói lời “xin lỗi” như tuyên bố của Hàn Quốc khai thác, tuyên truyền.
Việc Bắc Triều Tiên không xin lỗi mà chỉ lấy làm tiếc là đúng mức độ và hợp logic.
Đã từng có “sự kiện vịnh Bắc Bộ”; đã từng có vụ bắn rơi máy bay gần 300 người thiệt mạng tại Ukraine…thì 2 người lính Hàn bị thương bởi mìn là chuyện quá nhỏ so với một âm mưu.
Đúng thôi, nếu Bắc Triều Tiên xin lỗi có nghĩa là chính họ đã đặt mìn gây thương tích cho lính Hàn và do đó những tố cáo về hành vi “khiêu khích”, đe dọa Hàn Quốc, “đe dọa an ninh toàn cầu”…của Bắc Triều Tiên mà Mỹ-Hàn đang tô vẽ trước đây…là chính xác, cho nên hành động quân sự của Mỹ-Hàn là tất yếu, minh bạch cho toàn thế giới và dân Hàn Quốc được rõ.
Bắc Triều Tiên tung ra với Mỹ những lời rùng rợn bao nhiêu thì Mỹ càng thích bấy nhiêu bởi 37 ngàn quân Mỹ yên tâm ở lại Hàn Quốc; Mỹ vô tư triển khai các loại vũ khí cho ý đồ chiến lược mà không sợ ai phản đối.
Người ta có thể “khép lại quá khứ” nhưng sự kiện 1950-53 đến nay trên bán đảo Triều Tiên không dừng lại để thành “quá khứ” mà luôn là sự tiếp diễn lúc cao lúc thấp có chủ định.
Làm sao coi là “quá khứ” khi hai bên mới có hiệp định đình chiến và do đó quân đội Bắc Triều Tiên là đối tượng tác chiến trực tiếp của quân đội Mỹ-Hàn đang ở trong tình trạng chiến tranh và tính ra đã có 12 lần dẫn đến tình trạng chiến tranh chuẩn bị bùng nổ? Làm sao coi là quá khứ khi Mỹ-Hàn hàng năm tổ chức các cuộc tập trận lớn để đe dọa CHDCND Triều Tiên? Không những thế, Mỹ và đồng minh lại dở trò cấm vận kinh tế, một chiêu độc ác vô nhân đạo mà người dân vô tội phải “vạ lây”?
Việc Bộ trưởng quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng Bắc Triều Tiên không có cơ hội thắng được Mỹ-Hàn…thì chuyện đó trẻ con thích chơi games cũng hiểu, cũng đoán biết được. Vì thế, Bắc Triều Tiên chưa đến nổi ngốc lại đi khiêu chiến với Mỹ-Hàn, họ muốn có hiệp định hòa bình trên bán đảo, họ muốn không bị cấm vận…nhưng ai cho họ điều đó?
Tình hình đã đến lúc khẳng định rằng, thống nhất 2 miền Nam-Bắc Triều Tiên là còn lâu lắm vì Mỹ không muốn như vậy. Bán đảo Triều Tiên phải là một vùng không có chiến tranh nhưng cũng không có hòa bình và cũng không được ổn định bởi đó là điều Mỹ muốn. Chẳng ai cho anh độc lập, tự do, chẳng ai cho anh thống nhất giang sơn nếu như không dám đấu tranh.
Đến đây chúng ta hơn ai hết mới hiểu được hòa bình, độc lập và giang sơn thống nhất, bắc nam liền một dải…
Kinh tế Việt Nam có thể đang bị tụt hậu so với các quốc gia khác thì bằng nghị lực Việt Nam có thể đề ra kế hoạch 5 năm, mười năm…là đuổi kịp và vượt, nhưng đề ra kế hoạch thống nhất đất nước khi đã bị phân chia 2 miền, khi đã bị ly khai, phiến quân tự tung tự tác…thì ngay Trung Quốc cũng chưa làm được với Đài Loan.

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Thỏa thuận Việt-Nga về Cam Ranh dưới góc nhìn của lính



Nga và Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận về việc đơn giản hóa các thủ tục cho phép tàu chiến Nga vào cảng Cam Ranh. Theo đó, “các tàu chiến của Nga nếu muốn đi vào cảng Cam Ranh chỉ cần thông báo trước với chính quyền sở tại. Tại đây, các tàu chiến Nga sẽ được bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Các thủy thủ có chỗ để được nghỉ ngơi…”.
Đơn giản là vậy, tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của một tảng băng. Để có được một thỏa thuận “đơn giản” như vậy phải có một nền tảng đồ sộ mà xây dựng nó vô cùng gian nan, tốn kém và đầy thử thách theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng của nó.
Phần nổi của tảng băng.
Trước hết phải biết căn cứ Hải quân Liên Xô ở Cam Ranh như thế nào?
Căn cứ bảo đảm hậu cần kĩ thuật số 922 (PMTO) của Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô là tên gọi chính thức của căn cứ hải quân Cam Ranh thời kì này. Căn cứ 922 phục vụ một đơn vị thường trực chiến đấu mang tên Liên đội tàu chiến đấu số 17 của Hạm đội Thái Bình Dương. Căn cứ 922 chức năng và nhiệm vụ chính sau:
- Đảm bảo nơi trú đóng cho các tàu thuyền của Hải quân Liên Xô trong cảng Cam Ranh; 
- Quản lý các tàu thuyền đóng trong khu vực trách nhiệm của mình và sử dụng hệ thống thông tin vô tuyến và truyền dẫn của căn cứ để đảm bảo sự liên lạc thông suốt giữa các tàu chiến với Sở Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương cũng như Sở Chỉ huy Hải quân Xô viết.
- Bảo trì và sửa chữa tàu của Hải quân Xô viết tại Nhà máy đóng tàu và sửa chữa tàu biển "Bason" tại TP Hồ Chí Minh (thời kỳ đó).
- Tiếp nhận, dự trữ, bảo quản các phương tiện vật chất kỹ thuật ; 
- Cấp phát cho các tàu của Hải quân Xô viết ghé qua các loại vật chất-kỹ thuật cần thiết (bao gồm cả các thiết bị  máy móc kỹ thuật tổng thành và các tài sản đặc thù khác); 
- Cung cấp cho các tàu trong thời gian trú đóng tại Cam Ranh điện, nước, nhiên liệu, thực phẩm; 
- Đảm bảo chăm sóc y tế, khám chữa bệnh, nơi nghỉ dưỡng cho thủy thủ đoàn các tàu ghé qua… 
Như vậy, căn cứ vào nhiệm vụ chức năng của PMTO 922 Cam Ranh thì so với thỏa thuận của Việt-Nga về tàu chiến Nga ra vào căn cứ Cam Ranh của Việt Nam vừa ký xong, không có sự thay đổi về bản chất với tàu chiến Nga. Nhưng, có mấy điểm khác biệt mà ta cần lưu ý:
 Thứ nhất là, nếu như PMTO 922 là để phục vụ tác chiến cho Liên đội tàu chiến đấu số 17 của Hạm đội Thái Bình Dương thì căn cứ Cam Ranh hiện nay bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho tàu chiến Nga vì thương mại, còn mục tiêu, đối tượng tác chiến của hải quân Nga là ai, Việt Nam không quan tâm. Do đó, về nguyên tắc Việt Nam vẫn tuân thủ với chính sách quốc phòng “3 không” đã đề ra.
Thứ hai là, tại sao điều đó chỉ xảy ra với Hải quân Nga mà không phải với Mỹ, Ấn, Nhật Bản hay Trung Quốc…vì đây là hợp tác, thỏa thuận mà không ảnh hưởng nhiều đến địa chính trị khu vực. Nó không gây phiền toái cho Trung Quốc mà cũng không gây khó chịu cho Mỹ…bởi Nga gần như là một lực lượng đối trọng tại Biển Đông…
Giả sử Việt Nam chấp nhận cho Mỹ làm căn cứ quân sự thì Trung Quốc sẽ phản đối quyết liệt vì mục tiêu, đối tượng tác chiến tiềm tàng của Mỹ lại là Trung Quốc và ngược lại cho Trung Quốc thuê làm căn cứ quân sự cũng vậy, Mỹ sẽ phản đối không kém. Trong khi đó, Nga, ít nhất Trung Quốc vẫn cảm thấy dễ chịu hơn nếu như Cam Ranh là căn cứ quân sự của Nga thật sự.
Vậy, tại sao Việt Nam lại ký thỏa thuận này với Nga?
Khi Nga rời khỏi Cam Ranh năm 2001. Nga đã để lại:
- 7 doanh trại cho các thành viên của PMTO  và các thủy thủ đoàn tàu ngầm; 
- Nhà ăn cho các thủy thủ đoàn tàu ngầm  sức chứa 250 chỗ; 
- Một Trung tâm Thông tin liên lạc gồm cả cho tàu ngầm. 
- Một bệnh viện hải quân 100 giường; 
- Hệ thống kho dự  trữ  nhiên liệu lỏng công suất 14 nghìn tấn (12 bể chứa và các kho chứa); 
- Trạm phát điện diesel công suất 24 000 kW phục vụ cho tất cả các hạng mục công trình và doanh trại trong căn cứ và các công trình cũng như doanh trại các đơn vị quân đội và cơ quan Nhà nước Việt Nam đồn trú trên bán đảo, hệ thống  kỹ thuật  mạng truyền tải, trạm biến áp, đường dây điện cao áp; 
- Hai kho lạnh với tổng công suất 270 tấn hàng hóa thực phẩm dự trữ ; 
- Hai kho lương thực, hai  kho  hàng hóa hậu cần, 3  kho  thiết bị kỹ thuật; 
- Hai trạm xử lý và cấp nước khai thác từ 28 giếng khoan: một trạm cấp nguồn  nước cho doanh trại các đơn vị đồn trú, và một trạm cung cấp nước cho các tàu và các chiến hạm (Rất quan trọng bởi trước đây Mỹ phải mua nước ngọt tại Singapo)
- Hai kho tên lửa và mìn của  Trung đoàn  không quân; 
- Cơ sở dự trữ-bảo quản và sửa chữa bảo dưỡng kỹ thuật tên lửa và kho  vũ khí tiêu hao (xây dựng xong thì chuyển giao cho phía Việt Nam, phía Nga không tiếp nhận); 
- Bê tông nhựa hóa 119 km đường giao thông trên bán đảo. Hoàn thành hệ thống kênh thoát nước mưa khẩu độ lớn để thoat nước và chống ngập do mưa rào nhiệt đới…
Và rất nhiều hạng mục khác mà ở đây chỉ nêu ra những hạng mục chính và tất cả những hạng mục công trình trên Cam Ranh đều là sự nổ lực bằng mồ hôi và máu cả những công nhân, kỹ sư, sỹ quan Nga-Việt.
Do bối cảnh Nga lúc bấy giờ gặp nhiều thách thức, khó khăn, Nga đã rút khỏi Cam Ranh nhưng để lại tình cảm và những thứ đó cho Việt Nam tiếp quản.
 Đó là phần nổi của tảng băng mà ai cũng nhìn thấy từ quân cảng Cam Ranh.
Để có được một căn cứ cho tàu ngầm tuyệt diệu, lý tưởng như thế này, Cam Ranh phải trải qua ¼ thế kỷ
Phần chìm của tảng băng?
Thứ nhất, như chúng ta đã biết, căn cứ PMTO 922 Cam Ranh là để phục vụ cho hoạt động tác chiến của Liên đội tàu chiến đấu số 17 của Hạm đội Thái Bình Dương. Và đây là nhiệm vụ chính của nó:
- Theo dõi và giám sát các nhóm tàu sân bay, tàu tên lửa và các nhóm tàu khác của các đối thủ tiềm năng để sẵn sàng tấn công chúng khi khởi đầu chiến tranh; 
- Trinh sát lực lượng và phương tiện chiến tranh chống tàu ngầm của các đối thủ tiềm năng, phát hiện hoạt động do thám của các tàu ngầm và tàu mặt nước của các đối thủ tiềm năng tiếp cận bờ biển CHXHCN Việt Nam.
- Bảo vệ của các tàu dân sự của Liên Xô tại khu vực hoạt động của binh đoàn.
- Đảm bảo an toàn cho các chuyến bay của máy bay Liên Xô. 
- Bảo đảm lợi ích của Liên Xô và hỗ trợ cho các quốc gia thân thiện.
- Hỗ trợ Hải quân CHXHCN Việt Nam trong việc làm chủ các kỹ thuật mới, phát triển hệ thống căn cứ, hệ thống tổ chức huấn luyện chiến đấu.
Như vậy, hiện nay căn cứ Cam Ranh là của Việt Nam, chỉ phục vụ cho các lữ đoàn tàu ngầm, tàu tên lửa…của Việt Nam tác chiến. Tuy nhiên, nếu “tàu chiến Nga” vào Cam Ranh thì chắc chắn không thể một chiếc, Nga không thể đưa một chiếc tàu đơn độc hoạt động tác chiến trên đại dương mà là có thể một hạm đội, bao gồm đủ chủng loại…Hạm đội đó, được phép vào, ra, căn cứ Cam Ranh gần như là tự do và…nhiệm vụ của hạm đội đó, con tàu đó là gì…thì chắc chắn trong thỏa thuận Việt-Nga đã có. Chẳng hạn, với nhiệm vụ “Bảo đảm lợi ích của LB Nga và hỗ trợ bạn bè…” thì lợi ích quốc gia Nga trên Biển Đông là đâu, là gì, liên quan gì đến Việt Nam không…chúng ta thừa biết…
Thứ hai, từ vũ khí Nga, Việt Nam đã trang bị cho mình những quân binh chủng mới đặc biệt là tàu ngầm. Cam Ranh hiện nay, thực sự là một căn cứ có khả năng không chỉ bảo đảm hậu cần mà còn cả kỹ thuật, nhất là bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ và vừa các tàu chiến hiện đại cả Nga, Việt Nam. Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng có tính quyết định tầm vóc, sự lợi hại của căn cứ Cam Ranh. Sẽ như thế nào nếu không có một trung tâm huấn luyện tàu ngầm? Sẽ như thế nào nếu tại Cam Ranh không có khả năng bảo đảm kỹ thuật cho tàu ngầm hoạt động? Rõ ràng, khi bảo đảm chắc chắn cho một chiếc hoạt động tốt thì có 6 chiếc hay 60 chiếc chỉ phụ thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ mà thôi.
Sự hợp tác chặt chẽ Nga-Việt trên căn cứ Cam Ranh như củng cố, tư vấn phát triển, chuyển giao công nghệ trên nền tảng hiểu biết nhau, tin cậy nhau…đã khiến Cam Ranh trở thành một căn cứ tàu ngầm, tàu chiến, hiện đại nhất của Việt Nam và lợi hại nhất trên Biển Đông…đương nhiên, không thể thiếu được dấu ấn của Nga.
Thứ ba, vậy những yêu cầu công nghệ để đáp ứng yêu cầu chiến thuật phòng thủ, tấn công của các lực lượng ở căn cứ Cam Ranh đạt hiệu quả cao nhất có thể thì sao? Đương nhiên cũng không nằm ngoài thỏa thuận.

Đó chính là phần chìm của tảng băng và có thể nói, đây là một hoạt động đối ngoại quốc phòng rất khôn ngoan của Việt Nam.