Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

MỤC TIÊU CHÍNH CỦA TÀU NGẦM VIỆT NAM: sÂN BAY VÀ TÀU SÂN BAY.

“Chống lưng” cho không quân Việt Nam.
Sự xuất hiện đúng lúc của lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam sẽ có tác dụng rất lớn trong việc “chống lưng” cho không quân Việt Nam. Điều nghe vô lý, khập khểnh, nhưng hoàn toàn thực tế.
Nhiều chuyên gia quân sự nước ngoài cho rằng Việt Nam xây dựng lữ đoàn tàu ngầm theo “chu trình ngược”. Nghĩa là thay vì phải xây dựng một lực lượng săn ngầm mạnh thì Việt Nam lại xây dựng lữ đoàn tàu ngầm, bởi 6 chiếc tàu ngầm Việt Nam không thể đối đầu với hơn 70 chiếc tàu ngầm đủ loại của Trung Quốc…
Nhưng, thứ nhất là, Việt Nam thành lập lữ đoàn tàu ngầm không phải để đối đầu hay tấn công Trung Quốc mà chỉ để phòng thủ trên “sân nhà”, nơi có địa thế lợi hại trong một khu vực có vị trí chiến lược quan trọng.
Thứ hai là , giả sử Việt Nam có mua sắm nhiều phương tiện săn ngầm hiện đại như P1 của Nhật Bản, P-8A của Mỹ…cùng các tàu săn ngầm hiện đại nhất thế giới thì liệu những phương tiện đó có không gian để săn ngầm đối phương hay không? Chắc chắn không vì khi đó vùng trời đã bị đối phương khống chế, làm chủ thì P1 hay P8…đều trở thành kẻ bị săn.
Như vậy, đối tượng tác chiến chủ yếu của tàu ngầm Việt Nam không phải là hơn 70 chiếc tàu ngầm Trung Quốc là rõ ràng.
Chiếm ưu thế tác chiến trên không của vùng biển để làm chủ hoàn toàn vùng trời trên vùng biển nơi xảy ra tác chiến của lực lượng không quân, không quân hải quân là nhiệm vụ trọng yếu mang tính chiến lược mà lực lượng tàu ngầm Việt Nam phải bằng mọi cách để đạt được.
Địa lợi vốn dĩ đã tạo ra cho Việt Nam ưu thế đó và tàu ngầm Việt Nam phải tác chiến để duy trì ưu thế đó.
Chúng ta thừa biết cho đến thời điểm này, ngoài Mỹ ra chưa có một quốc gia nào có thể có ưu thế tuyệt đối khi tác chiến trên vùng trời của vùng biển quần đảo Trường Sa trừ Việt Nam. Bởi lẽ, chỉ có Mỹ mới có tàu sân bay còn quốc gia nào không có tàu sân bay thì quần đảo Trường Sa nằm ngoài tầm bay của máy bay họ, kể cả Trung Quốc, ít nhất sau năm 2016 mới có thể có tàu sân bay đúng nghĩa (Vì thế, cho nên dù rất muốn nhưng Trung Quốc cũng chưa thể tuyên bố ADIZ trên Biển Đông là vậy, tuy nhiên, cũng có nhiều học giả Trung Quốc đã quá sốt ruột, họ hô hào Trung Quốc cho tàu sân bay Liêu Ninh xuống Biển Đông để khống chế vùng trời thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tiếc thay các học giả quá khích, “vô tích sự” này đâu biết rằng hiện tại cái gọi là tàu sân bay Liêu Ninh của họ chưa đáp ứng được một phần trăm điều họ kỳ vọng).
Không quân, Hải quân Việt Nam còn ít về số lượng, nếu không quân địch chiếm ưu thế trên vùng trời quần đảo Trường Sa, tức là gần hơn ta, nhiều hơn ta, điều này chỉ xảy ra khi chỉ khi tàu sân bay ngang nhiên hoạt động mà khộng bị trừng trị, lúc đó “thế” bị mất, “lực” thì yếu, Việt Nam sẽ gặp vô vàn khó khăn.
Vì vậy, sân bay và tàu sân bay là mục tiêu chính, hàng đầu của tàu ngầm KILO Việt Nam nhắm tới.
Tiêu diệt tàu sân bay, đánh phá sân bay địch đồng nghĩa với duy trì lợi thế cho không quân làm chủ vùng biển, quần đảo, bảo đảm cho không quân phát huy sức mạnh quyết định của tác chiến không đối hạm.
Chúng ta đã quá hiểu biết về sự thống trị vùng trời, yếu tố quyết định thành bại trong chiến tranh hiện đại vũ khí công nghệ cao. Bởi vậy, chừng nào không quân và không quân hải quân của Việt Nam còn có ưu thế khi tác chiến trên vùng trời của vùng biển xa, đảo xa như trên quần đảo Trường Sa chẳng hạn thì chưa phải là lúc địch dám liều lĩnh tấn công.
Và, đó có lẽ cũng chính là sức mạnh răn đe mà tàu ngầm Việt Nam tạo ra lớn hơn bất cứ lực lượng nào có thể.
Có thể tiêu diệt được tàu sân bay hay không?
Để tiêu diệt một tàu sân bay Mỹ, mạnh như Hải quân Trung Quốc cũng phải mất toi 40% lực lượng.
Xem ra, tiêu diệt được một chiếc tàu sân bay (trên giấy tờ, tính toán) hiện nay ở vùng khơi xa là một bài toán khó, phức tạp chưa có lời giải.
Tuy nhiên, tàu sân bay Mỹ kéo đến eo biển Đài Loan thử xem hay tàu sân bay Liêu Ninh đi sâu vào phía Nam Biển Đông thử xem…lúc đó thì bài toán sẽ bớt phức tạp hơn và chắc chắn sẽ có lời giải.
Điều đó có nghĩa là không gian địa lý chật hẹp sẽ hạn chế rất nhiều khả năng bảo vệ của tàu sân bay.
Chẳng hạn, cái khó khăn đầu tiên để xác định tọa độ tàu sân bay đã được đơn giản bởi một hệ thống quan trắc, chỉ thị mục tiêu tầm gần luôn có độ chính xác và hiệu quả cao. (Chắc chắn khi tàu sân bay Mỹ đi đâu thì Nga, Trung Quốc luôn có lực lượng bám theo để chỉ thị mục tiêu và đương nhiên khi chiến tranh xảy ra thì chúng là lực lượng tế thần đầu tiên. Nhưng khi tàu sân bay Liêu Ninh đến Biển Đông thì Việt Nam chẳng cần vậy.)
Hoặc do phải chống lại hay phải tránh đòn đánh từ đất liền (điều kiêng kị của bất kỳ hạm đội tàu sân bay nào) cho nên cái “ma trận” khủng khiếp, bất khả xâm phạm của nó khi ở ngoài khơi dứt khoát buộc phải thay đổi…
Đó cũng chính là cơ sở cho Việt Nam “đặt bút” giải bài toán này dù rằng lực lượng không nhiều. (Nếu như Trung Quốc đang có ý đồ sử dụng tàu sân bay để khống chế vùng trời quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì chẳng ai ngạc nhiên và thắc mắc “giả thiết của bài toán” mà Việt Nam “đặt bút” và may sao, chắc chắn nó đơn giản hơn nhiều lần cái hạm đội tàu sân bay Mỹ.)
Nguyên tắc cơ bản trong ý đồ tác chiến của Việt Nam là phát huy địa lợi, kết hợp chặt chẽ giữa chiến thuật và công nghệ, những gì công nghệ chưa thể thì chiến thuật bổ sung nhằm tạo ra một phương án tấn công khả thi.
Mới đây Hoàn cầu Thời báo cho rằng Việt Nam chi tiền khủng xây dựng lữ đoàn tàu ngầm KILO hiện đại, tiên tiến hơn KILO của Trung Quốc để có được một “con bài” chơi với Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khi đó, Tân Hoa xã thì cho rằng Việt Nam đang xây dựng “khu mai phục tàu ngầm” để hướng đến “cổng vào” eo biển Malacca”…
Tất cả những điều đó về mục đích thì còn tùy, chưa thể khẳng định đúng sai, nhưng về nội dung thì có vẻ như hoàn toàn trùng hợp với tư tưởng, nghệ thuật quân sự mà Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo đã dạy cho con cháu Việt Nam là “quân cốt tinh, không cốt đông” hay “lấy ít đánh nhiều thường dùng mai phục” thì chẳng cần phải bàn.
Tiêu diệt một tàu sân bay là vô cùng khó khăn, gian nan và sẽ bị nhiều tổn thất với giá đắt theo như tính toán về mặt lý thuyết. Thực tế là từ khi kết thúc chiến tranh thế giới đến nay, lực lượng bảo vệ cho tàu sân bay hiện đại, tiên tiến gấp nhiều lần nhưng lại chưa có cuộc tấn công nào vào hạm đội tàu sân bay cả, thậm chí ngay Trung Quốc trong hai lần khủng hoảng eo biển Đài Loan, chưa đánh đã phải khuất phục khi nó tiến vào, chứng tỏ nó rất đáng sợ, nguy hiểm.
Tuy nhiên, với Việt Nam, bất kỳ hạm đội tàu sân bay nào mà xâm phạm chủ quyền biển đảo thì dù chúng có sức mạnh khủng khiếp “bất khả xâm phạm” đến cỡ nào, Việt Nam cũng dám đánh, quyết đánh và sẽ có cách đánh.
Chẳng phải Điện Biên Phủ mà cả Pháp lẫn Mỹ trước khi chưa bị quân đội Việt Nam tấn công đều khẳng đinh, tự hào, khoe khoang là cứ điểm “bất khả xâm phạm”, là “cối xay thịt bộ đội Việt Nam” đó sao?
Chẳng phải Mỹ, không những thế,ngay cả các cường quốc cũng đã từng cho rằng "B-52 là pháo đài bay bất khả xâm phạm" đó sao?

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

TẠI SAO TÀU NGẦM VIỆT NAM ĐÁNG SỢ?

Chào mừng tàu ngầm Hà Nội đã gia nhập vào quân đội Nhân dân Việt Nam. Bắt đầu từ đây Việt Nam đã có thứ vũ khí mới rất “vừa tay”, hợp lối đánh sở trường, hợp địa lợi để tự vệ chính đáng bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam trong quá trình chiến tranh giải phóng cũng như bảo vệ Tổ quốc thì giới quân sự đều phải công nhận Việt Nam lúc này có sự chuẩn bị kỹ càng nhất, bài bản nhất, thực lực khởi điểm mạnh nhất và thậm chí, có những lực lượng quân sự mang tính đột phá, lại còn chiếm ưu thế hơn so với đối tượng được coi là mối nguy cơ, thách thức đến an ninh chủ quyền Việt Nam.
Chưa xuất hiện nhưng đã có rất nhiều đánh giá, bình luận về việc 6 chiếc tàu ngầm mà Việt Nam sở hữu trong năm 2016. Nào là “tàu ngầm KILO thay đổi cán cân quân sự trên Biển Đông”; “sức mạnh Hải quân Việt Nam có bước phát triển nhảy vọt”…và ngay cả Trung Quốc, một cường quốc khu vực có lượng tàu ngầm gấp hơn 10 lần nhưng cũng tỏ vẻ lo ngại, thậm chí cho rằng nó “nguy hiểm đến an ninh quốc gia Trung Quốc!!!”…
Tại sao tàu ngầm Việt Nam được giới quan sự quan tâm?
Vì tàu ngầm KILO của Việt Nam quá hiện đại tiên tiến vượt trội các loại tàu ngầm khác trong khu vực chăng?
Không phải! KILO của Việt Nam chẳng là gì so với hơn 70 chiếc tàu ngầm lớp này lớp kia của Trung Quốc và đặc biệt chẳng thấm vào đâu so với tàu ngầm Soryu công nghệ AIP của Nhật Bản.
Vì do Hải quân Việt Nam sử dụng tàu ngầm quá tài giỏi chăng?
Cũng không phải! Kinh nghiệm chiến đấu và kinh nghiệm sử dụng tàu ngầm của Việt Nam chỉ là con số “0”, bởi đây là lữ đoàn tàu ngầm đầu tiên trong biên chế tổ chức của Hải quân Việt Nam.
Vậy thì sự đánh giá đó xuất phát từ cơ sở nào?
Chính xác, giới quân sự quan tâm đến tàu ngầm Việt Nam bởi 2 khía cạnh. Một là địa thế nơi nó hoạt động có tạo ra mối nguy hiểm cực kỳ, khó đối phó cho mục tiêu mà nó nhắm tới hay không và địa thế đó có một vị trí như thế nào trên Biển Đông và trong khu vực Châu Á-TBD. Hai là tư tưởng và hình thức tác chiến của tàu ngầm Việt Nam như thế nào.
Địa thế và vị trí Việt Nam trong tác chiến ngầm.
Rất đơn giản và dễ hiểu là vì tàu ngầm KILO được giới quân sự mệnh danh là “lỗ đen” trên đại dương, nghĩa là có tính bí mật rất cao, lại nằm trong tay Việt Nam, một quốc gia có vị trí chiến lược rất quan trọng trên Biển Đông với một địa thế quân sự rất hiểm hóc, công thủ đều lợi hại.
Với một “địa thế” như vậy chỉ cần có một “lực” nhỏ tối thiểu cũng tạo ra được một sức mạnh đáng nể, một thế trận vững chắc.
Với một địa thế như vậy thì tàu ngầm KILO sẽ phát huy hết sở trường, ưu thế vốn có của nó và do vậy độ nguy hiểm mà nó đem đến cho kẻ thù là cực cao.
Với một địa thế như vậy lại nằm trong một vị trí có tầm quan trọng chiến lược, đó là án ngữ tuyến đường hàng hải huyết mạch từ Ấn Độ dương sang TBD là “con đường sống” cho nền kinh tế nhiều quốc gia, cường quốc…thì không quan tâm không được.
Sẽ ra sao nếu như eo biển Malacca bị một chiếc tàu ngầm của Malaisia hay của Singapo cùng với mấy quả thủy lôi bịt lối?...
Đó là lý do vì sao khi Việt Nam chỉ mới sở hữu một số lượng tàu ngầm ít ỏi mà đã khiến cho ai đó có sự lo ngại và giới quan sát, quân sự lại quan tâm.
Tư tưởng và hình thức tác chiến của tàu ngầm Việt Nam.
Sẽ chẳng bao giờ có một tờ báo nào, bài báo nào có thể, có khả năng nêu được cái nghệ thuật tác chiến ngầm của Hải quân Việt Nam, bởi lẽ những tài liệu đó bao gồm như: Chiến thuật ngầm trong phục kích, rải thủy lôi; chiến thuật ngầm trong bí mật vận động bám sát mục tiêu; chiến thuật ngầm trong hợp đồng đưa đón đặc công nước; chiến thuật ngầm trong tấn công vào sân bay bến cảng; vân vân và vân vân thì đang có ở Phòng tác chiến-Bộ Tham mưu Hải quân với dấu tuyệt mật đỏ chót.
Nhưng về tư tưởng tác chiến (cũng như tư tưởng quốc phòng) thì chúng ta chẳng có gì phải giấu giếm.
Quả thật là với hơn 3000 km đường bờ biển, với hơn 1 triệu km vuông phải bảo vệ thì với 6 chiếc tàu ngầm chỉ là “muối bỏ bể”. Chúng ta không hy vọng tàu ngầm KILO sẽ thực hiện chiến thuật “giăng mành”…để tiêu diệt tàu ngầm đối phương hay vận động tấn công vào các khu trục hạm của địch…các lực lượng khác sẽ chia xẻ nhiệm vụ này.
Do đó, tư tưởng chỉ đạo tác chiến là tàu ngầm Việt Nam đã đánh là phải tổ chức đánh hiểm, ưu tiên những mục tiêu mang tầm chiến lược, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, quân sự của đối phương.
Chẳng hạn tấn công vào các đoàn tàu vận tải quân sự, các tuyến đường hàng hải quan trọng của đối phương; tấn công vào tàu sân bay địch…
Thứ hai trong tư tưởng tác chiến thì lấy hình thức phục kích (dấu hiệu cơ bản của phòng thủ, tự vệ, không đe dọa tấn công ai) là lối đánh sở trường, chủ yếu.
Con Hổ rượt đuổi để vồ mồi (rượt-vồ) bao giờ cũng tốn sức và có kết quả thấp hơn con Hổ ngồi rình chờ con mồi đi qua để vồ (rình-vồ). Hình thức “rượt-vồ” chỉ xảy ra trên một khu vực rộng mênh mông mà không thể dùng trên một khu vực chật hẹp, có nhiều độc đạo…là nơi chỉ hợp với cách “rình-vồ”. “Rình-vồ” ở những khu vực đó thì xác suất thành công gần như 100%.
Biển Đông đã trở nên quá chật hẹp khi có quá nhiều KILO và các chủng loại tàu ngầm khác nên rất phức tạp khi xác nhận bạn, thù mà sai lầm có thể gây ra thảm họa. Vì thế tàu ngầm hoạt động tác chiến trong khu vực đó càng đơn lẻ, có tính độc lập cao bao nhiêu càng có hiệu quả bấy nhiêu.
Mặt khác, bề dày kinh nghiệm hoạt động tàu ngầm Việt Nam còn mỏng, cho nên việc vận động tiếp cận, tấn công mục tiêu cần phải có thời gian để thuần thục. Trong khi đó, với địa thế “đắc địa” của Việt Nam thì tàu ngầm chúng ta có rất nhiều vị trí để “rình” (phục kích), những vị trí đó là những vị trí mà “con mồi” phải đi qua và buộc phải đi qua.
Chính vì thế mà “rình-vồ” là hình thức tác chiến tối ưu nhất và nguy hiểm khó lường nhất của lực lượng tàu ngầm Việt Nam gây ra cho đối phương.
“Rình-vồ” trong thời chiến là tàu ngầm Việt Nam bí mật chờ đợi trong vùng “biển sạch”, khi mục tiêu xuất hiện đúng tầm hỏa lực là ấn nút.
“Rình-vồ” trong thời bình là tàu ngầm Việt Nam bí mật bám sát thường xuyên các mục tiêu chiến lược như tàu sân bay, các tuyến hàng hải quan trọng của đối phương…để khi chuyển sang trạng thái chiến tranh, có lệnh là ấn nút.
Địa lợi, vị trí chiến lược và tư tưởng chỉ đạo sử dụng chúng là điều duy nhất khiến cho giới quân sự đối phương lo sợ trước việc xuất hiện tàu ngầm Việt Nam trên Biển Đông dù cho số lượng và chất lượng chẳng thấm vào đâu với họ.
Nếu như chuyên gia quân sự của Nga nhận xét rằng: “Tàu ngầm KILO chỉ cần một quả tên lửa thì tàu sân bay cỡ Liêu Ninh của Trung Quốc chìm nghỉm” là đúng, thì…coi thường 6 chiếc tàu ngầm KILO của Việt Nam chỉ gồm những kẻ “diều hâu không tỉnh táo”.
Tuy nhiên, tàu ngầm Việt Nam chỉ phòng thủ, tự vệ, trong chủ quyền biển đảo Việt Nam mà không đe dọa, không đủ sức đe dọa đến chủ quyền biển đảo của quốc gia nào.

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

ADIZ CỦA VIỆT NAM TRÊN BIỂN ĐÔNG, TẠI SAO KHÔNG?



Điều khẳng định chắc chắn là nếu quốc gia nào lập khu nhận dạng phòng không trên Biển Đông thì sẽ có nhiều vùng chồng lấn rộng lớn lên chủ quyền, quyền chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.

Ngay tại khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc trên biển
Hoa Đông cũng đã chồng lấn lên chủ quyền và quyền chủ quyền của 2 quốc gia là Hàn Quốc và Nhật Bản, còn Đài Loan thì chúng ta không quan tâm ở đây tuy rằng họ hô hào phản đối và cũng thay lời muốn nói cho Trung Quốc dọa dẫm các nước ĐNA, chẳng hạn họ cảnh báo rằng Hoa Đông chỉ là đòn nghi binh, Biển Đông mới thật sự đòn chính của Trung Quốc, rồi thì dọa dẩm, khuyên răn theo kiểu “Đài Loan phải báo cáo kế hoạch bay với Trung Quốc cho an toàn”…
Nếu ADIZ trên Biển Đông thì ngoài Việt Nam sẽ có nhiều quốc gia khác như Philippin, Malaisia, Brunei, Indonesia…cũng bị rơi vào hoàn cảnh tương tự.
ADIZ của Trung Quốc trên biển Hoa Đông bị phá như thế nào?
Việc 2 chiếc B-52 bay vào ADIZ của Trung Quốc khiến giới quan sát vỡ vạc ra nhiều vấn đề.
Mỹ không sử dụng F-22 vì F-22 hay B1, B2 gì đó là vì đây là những loại máy báy tàng hình, nếu sử dụng hóa ra Mỹ sợ Trung Quốc nên chỉ lén lút mà không dám công khai . Trong khi đó B-52 không phải là máy bay tàng hình (thế giới công nhận như vậy) thì bay vào đó là bay vào công khai cho đồng minh và thế giới biết.
Điều đáng buồn là Trung Quốc không phát hiện ra B-52 mà chỉ biết khi Mỹ công bố sau đó 7 tiếng đồng hồ.
Nên nhớ rằng khi Trung Quốc đã tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông thì Bộ quốc phòng của họ đã chuẩn bị đầy đủ mọi phương tiện cần thiết chứ không phải suông vì đây là tuyên bố tầm quốc gia của một siêu cường đang cố chứng minh cho thế giới biết sức mạnh của mình. Khi đó, bất kỳ một chiếc máy bay nào vào đó đều bị phát hiện và nhắc nhở ngay để thể hiện uy danh cường quốc chứ không phải chuyện đùa.
Nhưng cũng nên hiểu rằng, phát hiện ra máy bay B-52, trên thế giới này chỉ có Việt Nam. Việt Nam phát hiện được B-52 không phải chỉ bằng kỹ thuật đơn thuần mà bằng cả chiến thuật và rất nhiều máu xương…chứ không dễ dàng như mấy ông tướng diều hâu tưởng tượng.
Vì thế Mỹ dùng B-52 là đắc sách là nước cờ cao, vừa kiểm tra năng lực “nhìn” của Trung Quốc, vừa đề phòng khỏi mất mặt nếu bị Trung Quốc phát hiện ra rồi phát lời cảnh báo.
Phát hiện ra B-52 Mỹ bay vào không phận hay không hay chỉ thấy trên màn hình radar bị nhiễu nặng, là cách mà B-52 thường tạo ra, thì chỉ Trung Quốc biết. Chỉ biết rằng, khi không phát hiện được B-52 bay vào lãnh hải, lãnh thổ, thì…coi như xong. Trung Quốc đừng huênh hoang và còn rất nhiều việc để làm.
B-52 còn chưa phát hiện ra thì máy bay ném bom hiện đại B-2 của Mỹ sẽ làm mưa làm gió bất cứ đâu trên không phận Trung Quốc.
Theo hành động của Mỹ, Hàn Quốc cũng không thèm “báo cáo”, bay vào ADIZ như chưa hề có tuyên bố của Trung Quốc. Trong khi đó thì Nhật Bản hành xử còn rắn hơn…nhưng Trung Quốc chưa có hành động nào cứng rắn để thực thi, ngoại trừ có nhiều hãng hàng không trình kế hoạch bay với Trung Quốc do vì tiền, vì an toàn cho hành khách.
Điều này chứng tỏ Trung Quốc chưa đủ khả năng sức mạnh để trấn áp buộc các quốc gia khác phải thực thi trên ADIZ của mình trên biển Hoa Đông.
Việt Nam và ADIZ trên Biển Đông.
Khu vực nhận dạng phòng không của quốc gia nào đó lập ra là buộc các máy bay của các hãng hàng không báo cáo kế hoạc bay, các máy bay quân sự cũng phải vậy. Nếu có hướng, hành động ảnh hưởng đến an ninh của quốc gia thì lập tức sẽ dùng biện pháp phòng không khẩn cấp.
Điểm đăc biệt của ADIZ trên Biển Đông là do Biển Đông là hẹp nên ADIZ luôn chồng lấn lên chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia xung quanh, ngoại trừ do chính các nước xung quanh tự lập ra trong khu vực EEZ của mình.
Điều khẳng định chắc chắn là nếu như có quốc gia nào đó lập khu nhận dạng phòng không trên Biển Đông thì sẽ có nhiều vùng chồng lấn rộng lớn lên chủ quyền, quyền chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
Khu “nhận diện phòng không” và khu vực “cấm đánh bắt” về hình thức khác nhau, nhưng về tính chất thì không khác nhau là đều buộc các quốc gia khác thực thi yêu cầu của mình trong khi chính mình lại không nằm trong phạm vi điều chỉnh (đương nhiên) trên khu vực đó.
Việt Nam đã có kinh nghiệm và đối sách có hiệu quả trong khu vực “cấm đánh bắt” mà Trung Quốc tuyên bố (phi lý, phi pháp), nhưng Philippin, theo khả năng của mình, cũng có sách lược khá hay, đó là lập tức tuyên bố khu vực mà Trung Quốc tuyên bố cũng là khu vực “cấm đánh bắt”.
Điểm duy nhất khiến ta chú ý trong cách này của Philippin là “anh cấm tôi thì tôi cũng cấm anh”, nghĩa là trong khu vực đó anh cũng phải và cũng bị trấn áp nếu không tuân thủ.
Bởi vậy, nếu như quốc gia nào tuyên bố ADIZ xâm hại đến chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta thì Việt Nam cũng tuyên bố ADIZ của mình ngay và lập tức tại khu vực đó, đồng thời, được mở rộng để phục vụ yêu cầu của chiến thuật phòng thủ khẩn cấp.
Tại sao không? Điều này vừa khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền hợp pháp nhưng cũng khẳng định quyền tự vệ chính đáng của chúng ta.
Việt Nam từ xưa tới nay, khi bất kỳ kẻ thù nào xâm phạm đến chủ quyền thì dù chúng hung bạo bao nhiêu cũng không sợ, dù có phải tiến hành chiến tranh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng cũng sẵn sàng.
Trước việc Trung Quốc lập ADIZ trên biển Hoa Đông, dư luận đang lo ngai Trung Quốc sẽ tiến hành lập các ADIZ khác mà chủ yếu là trên Biển Đông khiến dư luận quốc tế lo ngại.
Điều đặc biệt nguy hiểm là khi Mỹ phát hiện và khẳng định khả năng của Trung Quốc sau vụ B-52 thì Mỹ có khả năng sẽ “chơi con bài Trung Quốc” mạnh dạn hơn, sâu hơn.
Đó là, Mỹ đánh vào tâm lý của chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Trung Quốc, “bật đèn xanh”, khuyến khích để Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông gây căng thẳng trong khu vực để Mỹ trục lợi.
Việt Nam và Trung Quốc quá hiểu nhau và quá hiểu Mỹ, cho nên, chắc chắn đôi bên sẽ có những tham vấn cần thiết, những đối sách cần thiết để Biển Đông ổn định, hòa bình, phát triển thịnh vượng.

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

LIỆU TRUNG QUỐC LẬP ADIZ TRÊN BIỂN ĐÔNG HAY KHÔNG?


Rõ ràng là không ai có thể nghi ngờ ý định tham vọng của Trung Quốc, nhưng không phải lúc nào muốn cũng được. Điều kiện khách quan, chủ quan có cho phép hay không mới là quyết định...
Tại sao Trung Quốc lập khu nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông trước Biển Đông?
Sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự xoay trục của Mỹ sang châu A-TBD đã tạo ra trên khu vực này một cuộc chiến địa chính trị khốc liệt, căng thẳng. Đồng thời tranh chấp vùng biển giàu tài nguyên, đường hàng hải quan trọng đã khiến cho các nước trong khu vực với Trung Quốc có nguy cơ xảy ra xung đột cao trước hành động đơn phương, đề cao sức mạnh của Trung Quốc…
Có thể nói khu vực châu Á-TBD đã như là một chiển trường của cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới rất căng thẳng. Trung Quốc đang rất bức bối khi đang cố thoát ra khỏi sự bao vây của Mỹ và đồng minh trong chuỗi đảo thứ nhất.
Trong tình thế đó, Trung Quốc tuyên bố khu nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên, Trung Quốc lập quy tắc chơi trong khu vực không tiếp giáp trực tiếp với lãnh thổ quốc gia của mình và được coi như một thách thức rất nghiêm trọng với Mỹ bởi lẽ 70 năm nay, chỉ có Mỹ, Nhật Bản nêu quy tắc ở đây.
Tất nhiên Trung Quốc đã tính rất kỹ khi chọn khu vực này.
Trước hết về vị trí địa lý, đây là khu vực gần trước cửa nhà nên Trung Quốc có điều kiện (lợi thế) để có thể dùng lực lượng không quân và các phương tiện khác trấn áp buộc đối phương thực thi những điều kiện do mình áp đặt, xuất phát từ đất liền mà không cần tàu sân bay hay máy bay tiếp dầu…khi thực thi nhiệm vụ, trong khi Nhật Bản cách xa Senkaku Điếu Ngư hơn Trung Quốc khoảng 200km. Nếu Nhật Bản không khuất phục, đụng độ có xảy ra thì Trung Quốc có đủ tự tin chiến thắng.
Thứ hai là, đối tượng mà Trung Quốc nhắm tới trực tiếp là Nhật Bản, một quốc gia có năng lực quân sự, kinh tế tương đương, đồng minh của Mỹ, một liều thuốc thử cực mạnh.
Nếu sau khi triển khai thành công (Nghĩa là Nhật Bản phải xin phép, cúi đầu khuất phục, còn Mỹ làm ngơ…), thì chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc không đánh mà thắng, lúc đó Trung Quốc tự nhiên có 2 thông điệp hoành tráng cho các nước ASEAN:
Thông điệp thứ nhất, Nhật Bản mạnh như thế, đồng minh quan trọng, lâu đời với Mỹ như thế mà Trung Quốc ra tay là cúi đầu, Mỹ cũng phải thúc thủ.
Và, thông điệp thứ hai, nếu quốc gia nào còn phản đối khu nhận diện phòng không của Trung Quốc, còn nghe theo Nhật, Mỹ thì… hãy coi lại thông điệp thứ nhất.
Phải công nhận rằng Trung Quốc tuyên bố khu nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông là đã chọn đúng tử huyệt để ra đòn phản công. Nói là tử huyệt bởi lẽ khi bị điểm sẽ gây ra sự rung động toàn cục, toàn chuỗi đảo được coi như là để bao vây Trung Quốc bị mất sự không chế vùng trời. Khi Trung Quốc làm chủ vùng trời thì có nghĩa là làm chủ tất cả, là quy luật của chiến tranh hiện đại.
Tuy nhiên, tìm ra hay nhìn thấy được tử huyệt là quan trọng nhưng năng lực tổ chức thực hiện để ra đòn dứt điểm mới quyết định vấn đề. Nếu ra đòn vào tử huyệt, là đòn hiểm mà không dứt điểm được có nghĩa là người ra đòn đã chơi với tử thần.
Trung Quốc tuyên bố lập khu nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông là đòn hiểm nhằm vào tử huyệt, nhưng tiếc thay chưa đủ lực để làm cho đối phương tê liệt.
Điều bất ngờ xảy ra là trong khi Nhật Bản tỏ ra hết sức kiềm chế thì Mỹ, có vẻ như ngoài cuộc mà Trung Quốc không nhắm tới, lại lao vào chơi rất rắn, không ngại va chạm mà thế giới theo dõi đã biết.
Hành động của Mỹ một mặt là cảnh cáo Trung Quốc, sẵn sàng tham gia trực tiếp để bảo vệ lợi ích quốc gia. Mặt khác, Mỹ muốn chứng tỏ cho đồng minh biết Mỹ có thừa khả năng nói “không” với Trung Quốc, đồng thời, ngăn ngừa Nhật Bản tái vũ trang quá đà, khó kiểm soát.
ADIZ trên Biển Đông, lúc nào và nơi đâu?
Trước tình thế này, nếu Trung Quốc lập khu nhận dạng phòng không trên Biển Đông chẳng hạn như trên không phận của cái gọi là thành phố Tam Sa…thì sao?
Trên khu vực đó thì không quân Trung Quốc chưa đủ khả năng để phòng thủ khẩn cấp khi cần thiết, họ còn đang chờ có tàu sân bay.
Khu vực nhận dạng phòng không này nếu lập ra sẽ đụng tới nhiều bên tranh chấp rất quyết liệt và hầu như nằm ngay trước cửa nhà của họ mà máy bay, các phương tiện phòng không khác đều đủ sức thực thi chủ quyền của mình. Chưa hết, khu vực này còn liên quan đến lợi ích quốc gia của nhiều cường quốc khác nữa như Nga, Ấn Độ...mà Trung Quốc phải suy nghĩ nhiều lần.
Nhật Bản đang chờ Trung Quốc tuyên bố thành lập khu vực nhận dạng phòng không trên Biển Đông để ra đòn. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết nước này “sẽ xử lý vấn đề ADIZ của Trung Quốc một cách bình tĩnh và kiên quyết, bằng cách phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế”. Đó là gì nếu như không phải là thành lập khối các nước phản đối khu vực nhận dạng phòng không phi pháp của Trung Quốc?
Đây là điều mà Trung Quốc chẳng bao giờ muốn, bởi vì có nghĩa là Trung Quốc đã đẩy ASEAN vào vòng tay Nhật Bản trong khi thực chất cái gọi là Khu vực nhận dạng phòng không cũng chẳng có ý nghĩa gì với các nước này, nó cũng như các vùng cấm đánh bắt trên biển mà Trung Quốc đơn phương đặt ra thôi nhưng mà cái mất thì quá lớn.
Khi nước cờ trước bị lộ, bị phá thì nước cờ sau sẽ khó lòng tồn tại, và nếu cứ cố tình đi tiếp nước cờ sau thì vô nghĩa. Cho nên, tuyên bố khu nhận dạng phòng không trên biển Đông chỉ có thể là sản phẩm của những viên tương diều hâu nhưng “không tỉnh táo” mà thôi.
Với diễn biến ngày càng bất lợi, ngày càng núng thế, không lường trước khi tuyên bố khu nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông của Trung Quốc, chúng ta nhận thấy có 2 khả năng có thể xảy ra:
Trong tương lai gần, Trung Quốc chưa tuyên bố khu nhận dạng phòng không của họ trên Biển Đông, bởi lẽ cuộc chiến địa chính trị giữa Mỹ và Nhật Bản với Trung Quốc xảy ra trên khu vực ĐNA này cũng mang tính chiến lược sống còn của Trung Quốc và chiến lược xoay trục sang châu Á-TBD của Mỹ. Mất khu vực này Trung Quốc không có hy vọng gì khi đối đầu với Mỹ, Nhật Bản.
Tuy thế, khi Trung Quốc tuyên bố khu vực nhận dạng phòng không dù ở đâu thì cũng đều là nguy hiểm không trước mắt thì lâu dài cho khu vực. Khu vực đó trước mắt không thực thi được thì khi mạnh lên Trung Quốc sẽ thực thi. Có ai nghĩ rằng cái đường lưỡi bò mà chính quyền Tưởng vạch ra năm 1946 mà bây giời Trung Quốc cũng lấy đó để biến Biển đông thành ao nhà…
Vì thế, các quốc gia phải cảnh giác, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những đòi hỏi, áp đặt phi lí, phi pháp nếu xảy ra là không phải không nghĩ đến.

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Góc nhìn của lính:

THẤT BẠI ĐAU KHÔNG THỂ KÊU
TRONG TRẬN “ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG”?

Trong chiến dịch Linebacker II (“Cứu bóng trước khung thành”) mà Mỹ tiến hành, do bóng không cứu được nên bị thủng lưới, Mỹ phải rời sân chịu thua.
Cứ lấy theo nghĩa của bóng đá thì Mỹ thua, cả thế giới đều rõ, nhưng còn có một kẻ thua đau hơn Mỹ nữa, đó là kẻ “bán độ”.

Trở ngược lại thời gian, chúng ta cần biết rõ hơn một chút về nguyên nhân chính trị để có cái Linebacker 2 này mà không cần quan tâm đến nguyên nhân quân sự.
Đó là, Mỹ muốn sau khi rút quân khỏi miền Nam Việt Nam thì ở đó tồn tại một thực tế giống như bắc và nam Triều Tiên. Do vậy sau khi rút, Mỹ cần hạn chế sức mạnh quân sự của Bắc Việt, đưa Bắc Việt vào “thời kỳ đồ đá” để tạo lợi thế cho Nam Việt, Mỹ đã thể hiện sức mạnh bằng chiến dịch Linebacker2.
Âm mưu này của Mỹ đã được thỏa thuận, trao đổi, mặc cả với Trung Quốc xong xuôi đâu vào đấy trong “Thông cáo chung Thượng Hải” mà Trung Quốc ký với Mỹ ngày 28/02/1972. Theo đó có 3 nội dung cần quan tâm, nói là quan tâm bởi vì 3 nội dung này Mỹ và Trung Quốc đều “thỏa thuận trên lưng nhân dân Việt Nam”:
Thứ nhất, Trung Quốc cam kết không can thiệp quân sự vào Đông Dương, đổi lại Hoa Kỳ cam kết cùng Trung Quốc chống bá quyền Liên Xô.
Thứ hai, Trung Quốc chấp nhận kiềm chế Việt Nam, đổi lại, Hoa Kỳ hạn chế, đi đến triệt tiêu các căn cứ quân sự, và quân đội Hoa Kỳ tại Đài Loan.
Thứ ba, Trung Quốc chấp nhận để Hoa Kỳ giữ nguyên chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, không ủng hộ việc thành lập Chính phủ Liên hiệp miền Nam sau khi có Hiệp định về hòa bình ở Việt Nam, đổi lại, Hoa Kỳ ủng hộ Trung Quốc giữ ghế thành viên cố định tại Hội đồng Bảo an liên hợp quốc, thay Đài Loan. (Thực chất duy trì tình trạng chia cắt 2 miền Nam-Bắc VN)
Đến đây, Bắc Việt chỉ còn Liên Xô thì chẳng còn gì để “băn khoăn” trong suy nghĩ của Mỹ, chiến thắng với Mỹ dễ như lấy đồ chơi trong túi. Mỹ “chỉ còn việc nhìn về Mátxcơva và nghiền nát Việt Nam”.
Rõ ràng Trung Quốc đã “bán đứng Việt Nam” để thu được một món lợi rất lớn mà bằng khả năng Trung Quốc không bao giờ có được. Ai mang ơn ai?
Nhưng Mỹ bị mắc 2 sai lầm nghiêm trọng dẫn đến bị “hố” trong “Thông cáo Thượng Hải”:
Một là, Mỹ không hiểu dân tộc Việt. Việt Nam từ cổ chí kim, đối với Trung Quốc, sách lược có thể mềm dẻo nhưng chưa bao giờ làm “chư hầu” cho Trung Quốc mà luôn luôn thực hiện một nguyên tắc bất di bất dịch “độc lập dân tộc”. Mỹ chẳng hiểu gì về lịch sử hơn 4000 năm giữ nước của Việt Nam, đánh nhau liên miên với ai chẳng lẽ vì điều khác sao?.
Hai là, Trung Quốc lúc đó chẳng ghê gớm gì như Mỹ tưởng. Trung Quốc có muốn cũng không thể giúp gì cho Việt Nam bắn rơi B52 và thậm chí nếu như Mỹ lúc đó đem B52 rải thảm ở Bắc Kinh thì đó mới là nơi biến thành “thời kỳ đồ đá” chứ không phải Hà Nội.
Rốt cuộc, đánh giá 3 nội dung trong Thông cáo Thượng Hải ta thấy, nội dung thứ nhất, Mỹ được lợi hơn Trung Quốc, vì không cam kết thì Mỹ vẫn chống Liên Xô ( và nay, đến giờ là Nga, Mỹ vẫn không tha), còn Trung Quốc thì việc chống Liên Xô hay Nga bây giờ là vấn đề tất yếu, Mỹ không cần khuyến khích, nhắc nhở.
Nội dung thứ hai thì cả hai đều có lợi, đã có kết quả như mong muốn. Trung Quốc chỉ cần cắt giảm viện trợhoặc gây khó khăn cho Việt Nam khi tiếp nhận hàng viện trợ từ Liên Xô thì coi như là kiềm chế sự tấn công của Bắc Việt. Điều này nằm trong tầm tay của 2 bên mà không phụ thuộc vào Việt Nam có muốn hay không.
Nội dung thứ ba thì Trung Quốc và Mỹ đều thất bại trong âm mưu duy trì tình trạng chia cắt 2 miền Nam-Bắc Việt Nam. Đương nhiên rồi, vì quyết định không phải do ý muốn chủ quan của Trung-Mỹ mà là do dân tộc Việt Nam quyết định.
Trong nội dung này, nếu như đặt “vấn đề Linebacker 2” ra một bên thì có vẽ như Trung Quốc được lợi lớn là “Hoa Kỳ ủng hộ Trung Quốc giữ ghế thành viên cố định tại Hội đồng Bảo an liên hợp quốc, thay Đài Loan”. Thực ra nội dung này, Mỹ, Trung không cần phải thỏa thuận vì cả hai có cùng một mục đích giống nhau. Vậy thì cái lợi thu được của Mỹ trong nội dung này nằm ở đâu? Nó nằm ở đây: Trung Quốc “im lặng” cho Mỹ muốn làm gì ở miền Bắc Việt Nam thì làm, miễn sao miền Bắc Việt Nam dưới trận đòn của Mỹ sẽ kiệt quệ không còn khả năng thống nhất 2 miền, dễ sai khiến, tạo lợi thế cân bằng cho miền Nam Việt Nam khi Mỹ rút.
Đây là câu kết trong nội dung thứ 3 mà Mỹ, Trung Quốc thỏa thuận ngầm, không đưa vào văn bản. Xem ra, tại thời điểm lúc ký thông cáo Thượng Hải, Mỹ cũng chả dại tý nào.
Và cái gì đến sẽ đến, chiến dịch Linbacker 2 đã được tiến hành với 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội. Bản lĩnh Việt Nam, trí tuệ Việt Nam đã tạo nên một danh từ “Điện Biên Phủ trên không”
Trận “Điện Biên Phủ trên không”, Mỹ đã thua cuộc. Ngay cả khi thua, Mỹ cũng rất minh bạch rằng, nếu tiếp tục thì máy bay B-52 sẽ tuyệt chủng. Vậy thì Mỹ dại gì, Mỹ vốn thực dụng mà.
Trong khi đó có kẻ khác, trong trận “Điện Biên Phủ trên không” này cũng thua lây, thua đau hơn Mỹ, khi âm mưu, chiến lược ngàn đời của họ bị hoàn toàn phá sản, nhưng không thể kêu, cho nên, họ chỉ biết nén đau để hành động trả thù bỉ ổi, dã man, tàn bạo, sau này mà thế giới đã đang và sẽ chứng kiến.
Còn giờ đây trên Biển Đông???

VIỆT NAM KHÔNG DỰA VÀO AI HẾT.

Việt Nam chủ trương từng bước hiện đại hoá quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng chỉ nhằm duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết để tự vệ. Việt Nam phản đối các hoạt động chạy đua vũ trang. Việt Nam chủ trương không đe doạ hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trước trong quan hệ quốc tế nhưng sẵn sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược.
Mấy ngày gần đây, sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin, tờ Hoàn cầu thời báo đăng bài rêu rao cho rằng: “Việt Nam dựa vào Nga để đối phó Trung Quốc”. Thực ra, lâu nay giọng điệu chủ nghĩa dân tộc cực đoan, quá khích của Hoàn cầu thời báo thì chẳng ai lạ gì, chẳng ai tin, chẳng dọa được ai và chẳng ai quan tâm như trước. Tuy nhiên chưa hết, Tân hoa xã thì lại khác, tờ báo chính thống này do nhà nước quản lý, cho rằng việc tàu ngầm Việt Nam xuất hiện sẽ tạo ra “mối de dọa cho an ninh Trung Quốc”…Tất cả những biểu hiện đó, có vẻ như truyền thông Trung Quốc cố tình xuyên tạc, kích động, hướng dẫn dư luận Trung Quốc hiểu sai Việt Nam, gây thù hằn dân tộc.
Việt Nam không dựa vào ai hết.
Thực hiện chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ, Việt Nam xây dựng sức mạnh quốc phòng bằng nguồn lực mọi mặt của đất nước và con người Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam chủ trương không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác. Điều này chứng tỏ Việt Nam chẳng dựa vào ai mà chỉ dựa vào chính mình.
Vần đề là, Việt Nam chú trọng phát triển quan hệ quốc phòng với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, cùng có lợi. Việt Nam coi trọng hợp tác quốc phòng với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống đồng thời phát triển quan hệ quốc phòng với tất cả các nước có chung mục tiêu vì hoà bình, độc lập và phát triển.
Việc Việt Nam và Nga hợp tác chặt chẽ, quan hệ thân thiết là vì cả hai đều tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và cùng có lợi cho sự phát triển đất nước. Việt Nam mua vũ khí Nga, có những thứ cần thiết của Nga trong tay… là phải bằng tiền, Nga chẳng “cho không” vì lý do nào, thuận mua vừa bán.
Điều quan trọng là khi đã tin cậy lẫn nhau, không bao giờ phản bội nhau…thì bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể chia xẻ được với nhau. Việt Nam và Nga là như thế và chẳng phải Trung Quốc và Nga đã có lúc như thế hay sao?
Khi lòng tin về nhau đã cao dày, không chỉ mua của Nga mà Việt Nam sẵn sàng mua cả công nghệ vũ khí của Mỹ. Liệu Hoàn cầu thời báo có cho rằng Việt Nam dựa vào Nhật Bản khi Nhật Bản bán cho Việt Nam dây chuyền công nghệ chế tạo vũ khí hay không khi điều đó xảy ra?
Như vậy Việt Nam quan hệ với bất cứ quốc gia nào để hiện đại hoá quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng chỉ nhằm duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết để tự vệ (đương nhiên là không chống nước thứ 3 nào đó) nếu quốc gia đó tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam.
Trung Quốc có gì mà phải đối phó!
Thật là điên rồ khi Việt Nam, một quốc gia nhỏ bé, đang phát triển vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh dài nhất thế giới lại chủ động đi chống một cường quốc đất rộng người đông có chung biên giới trên bộ, trên biển là Trung Quốc, một đất nước đang có GDP chỉ sau Mỹ, đang “trỗi dậy hòa bình”, hợp tác hữu nghị, thân thiện với các láng giềng trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau để cùng phát triển hòa bình ổn định!!!
Từ xưa tới nay, Việt Nam luôn bị Trung Quốc từ phương Bắc, Pháp, Mỹ từ phương Tây tấn công xâm lược chứ có bao giờ Việt Nam làm điều ngược lại và cũng từ xưa tới nay Việt Nam buộc phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, đối phó căng thẳng với những âm mưu thâm độc nhằm xâm hại chủ quyền, sẵn sàng giáng trả để giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ với một tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, chứ chưa bao giờ Trung Quốc nơm nớp lo sợ biên giới phía Nam bị xâm phạm như phía Bắc và phía Đông Trung Quốc.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, hãy thử soi xem thời gian gần đây nhất Trung Quốc làm gì nên nổi mà khiến Việt Nam phải đối phó?
Đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974.
Đánh chiếm vài bãi đá ngầm và đảo nổi tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988.
Từ năm 2010 trở lại đây tuyên bố Biển Đông là của Trung Quốc, là “ao nhà” của Trung Quốc, Trung Quốc chiếm toàn bộ Trường Sa của Việt Nam trên văn bản hành chính (chỉ có giá trị đối với họ) khi họ thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”…
Tiếp theo Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự, đặc biệt là Hải quân. Tổ chức các cuộc tập trận lớn, phô trương thanh thế, với giả định đánh chiếm đảo trên Biển Đông.
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan được “bật đèn xanh” hô hào tấn công Việt Nam để mở đường xuống phía Nam, đe dọa sử dụng vũ lực…
Với những diễn biến như vậy là rõ rồi, Nga, Nhật Bản hay Mỹ không làm vậy với Việt Nam. Nếu Trung Quốc là Việt Nam thì Trung Quốc sẽ làm gì?
Trước hết, mặc dù có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi đối với các vùng biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam vẫn sẵn sàng đàm phán hoà bình để giải quyết các tranh chấp dựa trên các quy định của Công ước 1982 về luật biển của Liên hợp quốc.
Và cuối cùng là phải chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cần thiết đủ để bảo vệ vững chắc các vùng biển đảo của mình đề phòng trường hợp đối phương sử dụng vũ lực để “thay đổi hiện trạng”.
Sự xuất hiện 6 tàu ngầm KILO thuộc Lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam (so với hơn 70 chiếc tàu ngầm lớn nhỏ của Trung Quốc) mà Tân hoa xã cho là “tạo ra mối nguy hiểm cho an ninh Trung Quốc” là chuyện siêu hoang tưởng, chỉ phục vụ cho kích động dân chúng Trung Quốc.
Rõ ràng tàu ngầm Việt Nam và các loại vũ khí hiện đại khác mà Việt Nam mua sắm, chế tạo là để phòng thủ, bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, không đe dọa tấn công xâm lược ai.
Vậy, phải chăng an ninh Trung Quốc được định nghĩa là “Đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”, cho nên, chống lại điều này (trong đó có nhiệm vụ của tàu ngầm Việt Nam) là thách thức đến an ninh Trung Quốc?
Nếu thế thì…cả thế giới này là của Trung Quốc, tiếc thay chưa phải.
Giá như không có ai đó đề cao sức mạnh đơn phương, không có những đòi hỏi phi lý, không có những hành động hung hăng, bất chấp...Giá như Biển Đông là một vùng biển ổn định, hòa bình, các tranh chấp đều được giải quyết bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, Biển Đông không có cái “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vạch ra…thì Việt Nam chẳng phải tốn tiền mua tàu ngầm.
Lịch sử không có “giá như”, nhưng những điều “giá như” này đang tồn tại trong hiện tại và tương lai cho nên nó có thể thay đổi bởi nhận thức của con người.
Việt Nam rất mong muốn như vậy và cố gắng làm mọi điều có thể, bởi đây là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên Biển Đông. Việt Nam chủ trương không đe doạ hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trước trong quan hệ quốc tế nhưng sẵn sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược.

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

3 SAI LẦM CỦA TRUNG QUỐC KHI LẬP KHU NHẬN DIỆN PHÒNG KHÔNG TRÊN BIỂN HOA ĐÔNG



Dư luận Trung Quốc đặc biệt giới quá khích, chủ nghĩa dân tộc cực đoan được phen hỷ hả ra mặt sau khi BQP Trung Quốc tuyên bố khu vực nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông. Mũi tên đã được Trung Quốc bắn đi và đã có kết quả ban đầu khi các hãng hàng không lớn của Hàn, Úc… chấp nhận báo kế hoạch bay cho Trung Quốc và ngay cả Cục Hàng không dân dụng Nhật Bản và Đài Loan cũng khuyến cáo “các hãng hàng không hết sức cẩn thận” trong khu vực trên.
Khu nhận diện phòng không của một quốc gia thực chất là các điều kiện buộc tất cả các quốc gia khác phải thực thi trên không phận khu vực đó.
Khu nhận diện phòng không là hợp pháp khi không phận thuộc chủ quyền quốc gia được thế giới công nhận.
Do vậy, để tuyên bố khu vực này, quốc gia tuyên bố phải đủ mạnh để dùng bạo lực khi cần thiết trấn áp quốc gia nào không thực thi luật pháp hay điều kiện của quốc gia mình trên đó. Và cũng có nghĩa là đối tượng mà quốc gia tuyên bố hướng tới là những quốc gia nhỏ, yếu hơn mình nếu như đó là khu vực đang tranh chấp.
Khu vực nhận dạng phòng không này thường xuất hiện trong tranh chấp lãnh thổ, còn trong chiến tranh, khu vực này được hiểu như là khu vực cấm bay…
Trung Quốc tuyên bố khu vực nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông (ECSADIZ) chồng lấn lên chủ quyền của 2 quốc gia khác là Nhật Bản và Hàn Quốc, cho nên, thực chất đây là hành động tranh chấp chủ quyền mà đối tượng duy nhất chủ yếu là Nhật Bản.
Có thể nói trong thời điểm này, việc Trung Quốc tuyên bố ECSADIZ chính là bước leo thang cực kỳ nguy hiểm, điều đó có nghĩa là sẽ có ẩn chứa những tính toán sai lầm mà hoặc là phải xuống thang hoặc là không kiểm soát tình thế dẫn đến chiến tranh tương tàn của 2 nước và thậm chí khu vực và thế giới.
Thứ nhất là Trung Quốc đánh giá quá thấp Nhật Bản.
Loại trừ trường hợp mục đích lập ECSADIZ của Trung Quốc là muốn thế giới công nhận có sự tranh chấp chủ quyền tại Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản mà bấy lâu nay Trung Quốc muốn Nhật Bản công nhận nhưng Nhật Bản gạt phắt, ngoài ra thì chỉ có thể là đánh giá thấp, quá thấp Nhật Bản.
Trên Biển Đông, Trung Quốc đã từng đơn phương cậy mạnh tuyên bố vùng cấm đánh bắt nhằm khẳng định chủ quyền (phi lý, phi pháp) trong tranh chấp với đối tượng là các nước yếu, nhỏ. Tuy nhiên, nếu áp dụng chiến thuật này với Nhật Bản là sai lầm lớn.
Nhật Bản là một cường quốc kinh tế, quân sự tại châu Á không kém gì Trung Quốc. Vậy cơ sở nào để Trung Quốc buộc Nhật Bản phải thực thi những điều kiện mang tính áp đặt cường quyền trên khu vực mà Nhật Bản coi là chủ quyền của họ? Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh quân sự hay sức mạnh kinh tế?
Trung Quốc chẳng có thể dùng được gì cả. Đụng vào Nhật Bản, chưa tính đến yếu tố Mỹ thì ít nhất cả 2 cùng bị tương tàn và chưa biết chừng “lời nguyền Nhật Bản”, Trung Quốc một lần nữa lại không thể hóa giải nổi.
Dĩ nhiên, Trung Quốc thừa biết ông Shinzo Abe tuyên bố coi ECSADIZ “hoàn toàn vô giá trị đối với Nhật Bản”. Sự kiện máy bay chiến đấu của Nhật Bản truy đuổi máy bay Trung Quốc ngay sau khi Trung Quốc tuần tra khu vực vừa tuyên bố đã chứng tỏ điều đó.
Nhưng nếu như Nhật Bản có hành động chiến tranh bằng tuyên bố sẽ bắn hạ UAV của Trung Quốc thì Trung Quốc tuyên bố ECSADIZ.
Đây có thể coi là hành động rất rắn của Trung Quốc không những để đáp trả xứng đáng hành động của Nhật Bản mà còn thách thức ngạo mạn đến 70 ngàn quân Mỹ cùng phương tiện chiến tranh quanh đó.
Có thể nói, lao lên tấn công để gỡ hòa, Trung Quốc đã mắc sai lầm thứ hai:
Khiến Mỹ xóa bỏ vai trò trung lập.
Thực tế khu vực Châu Á-TBD, Mỹ đã cố tỏ ra trung lập (vì thực dụng) trong vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Philipin (đồng minh của Mỹ) và Trung Quốc cũng không ngừng, không quên yêu cầu Mỹ phải “tránh xa”. Đành rằng có sự ràng buộc khá lớn kinh tế của Trung Quốc và Mỹ, nhưng khi lợi ích quốc gia, toàn cầu của Mỹ bị Trung Quốc qua mặt như muốn “thay đổi hiện trạng khu vực Châu Á-TBD” chẳng hạn là điều không thể.
Sau tuyên bố ECSADIZ của Trung Quốc thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngay lập tức nhắc nhở Trung Quốc rằng quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku nằm trong khu vực được Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, có nghĩa là Washington sẽ bảo vệ đồng minh Tokyo nếu khu vực này bị tấn công.
Cứng rắn hơn, ông Hagel cho biết 70.000 quân đội Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không tôn trọng tuyên bố của Trung Quốc.
Liệu khi Mỹ và Nhật Bản bay vào ECSADIZ thì Trung Quốc có dám dùng biện pháp phòng thủ khẩn cấp hay bắn hạ như ông Doãn Trác phán hay không?
Hành động theo đó của Mỹ là máy bay B-52 vẫn chao lượn trong khu vực ECSADIZ bất chấp tuyên bố của Trung Quốc nhưng chưa thấy hành động của Trung Quốc là gì để chứng tỏ khả năng trấn áp, thực thi luật của mình trên đó.
Còn nhớ, cũng chính Trung Quốc trong vụ khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ 3, Mỹ ra tay buộc Trung Quốc phải xuống thang, vậy lần này, tương quan lực lượng vẫn không thay đổi, Mỹ và Nhật Bản sẽ làm gì, bằng kinh tế hay quân sự để buộc Trung Quốc phải xuống thang?
Vậy là rõ ràng, yếu tố Mỹ được khẳng định trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, đó là cùng Nhật Bản giáng trả.
Điều này là rất quan trọng khiến cho Nhật Bản sẽ có những hành động, đối sách cụ thể “rắn” hơn với Trung Quốc trong nay mai về đối nội cũng như đối ngoại. Trung Quốc đã thay Nhật Bản nói lời muốn nói, đã buộc Mỹ lộ nguyên hình sách lược với Nhật Bản.
Cuối cùng làTrung Quốc lộ rõ bản chất bành trướng, bá quyền.
Tuyên bố ECSADIZ của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia bởi trước hết là ECSADIZ của Trung Quốc là không hợp pháp, là sản phẩm của sự cậy mạnh, ngang ngược.
Đồng thời với hành động này, Trung Quốc tuyện bố tiếp theo là sẽ lập cái gọi là những khu nhận dạng phòng không (phi pháp) khác nữa khi chuẩn bị đủ diều kiện. Trong khi đó, Biển Đông chưa phải giới hạn cuối cùng cái lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, các quốc gia thuộc khu vực châu A-TBD không phải quốc gia nào cũng mạnh như Nhật Bản…thì liệu vùng trời, vùng biển sẽ bị Trung Quốc làm chủ hết không, có quốc gia nào dám đối đầu với Trung Quốc
Có thể nói, tình hình khu vực châu Á-TBD hiện nay có thể xảy ra 2 khả năng.
Thứ nhất, nếu khu vực nhận dạng phòng không của Trung Quốc trên biển Hoa Đông được thực thi nghiêm túc bởi sự yếu kém của Nhật Bản và sự bất lực hoặc thực dụng của người Mỹ thì chắc chắn tạo thuận lợi và dung dưỡng tính hung hăng cho Trung Quốc để tuyên bố khu vực thứ 2, thứ 3…khi Trung Quốc muốn. Do vậy thì việc Mỹ bị Trung Quốc truất quyền chỉ là thời gian ngắn.
Thứ hai, Nhật Bản sẽ là lá cờ đầu của khu vực chống sự bành trướng, bá quyền của Trung Quốc được các nước trong khu vực kỳ vọng và tin tưởng.
Nếu khả năng thứ hai thành hiện thực thì đây sẽ là một thất bại vô cùng lớn của Trung Quốc trong cuộc chiến địa chính trị với Nhật Bản và Mỹ. Điều đó có nghĩa là, tuyên bố ECSADIZ của Trung Quốc là một sai lầm lớn mang tầm chiến lược chứ không phải là sai lầm chiến thuật.
Từ 3 sai lầm này Nhật Bản đang chuẩn bị ra đòn thứ 2 sắp tới.....