Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

Một chiến thắng Pyrros hoặc thảm họa nếu Trung Quốc thu hồi Đài Loan bằng vũ lực!

 


Trong bài phát biểu ngày 1/7/2021 đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCS Trung Quốc. Tổng bí thư ĐCS – Chủ tịch CHND Trung Hoa, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Giải quyết vấn đề Đài Loan và hiện thực hóa sự thống nhất hoàn toàn của Trung Quốc là một sứ mệnh lịch sử và cam kết không thể lay chuyển của ĐCS Trung Quốc”.

Trong bài diễn văn đó, đồng chí Tập Cận Bình hứa sẽ “làm nứt sọ” và “đổ máu” những kẻ cản đường… 

Có thể nói, không phải tự bây giờ mà từ thời Mao Chủ tịch, vấn đề Đài Loan như là một “khúc xương mắc trong cổ họng” người Trung Quốc Đại lục. Đã có ít nhất nhất 2 lần Trung Quốc định sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan, song không thành, khi bị các hạm đội tác chiến tàu sân bay (CGS) của Mỹ ngăn chặn, buộc phải xuống thang…

Giờ đây, khi Mỹ-Trung đang xác định nhau là đối tượng tác chiến, trong khi Mỹ có dấu hiệu giảm sút sức mạnh, thế giới chuyển sang đa cực và Trung Quốc đã trỗi dậy thì liệu ĐCS Trung Quốc thu hồi Đài Loan bằng vũ lực hay không?

Đài Loan không phải là Crimea hay Nam Ossetia…

Bản thân vị thế của Đài Loan không hề đơn giản và đừng ai hời hợt so sánh nó với các quốc gia như Cosovo, Nam Ossetia, v.v. Mặc dù là người mang dòng máu Trung Quốc nhưng tại Đài Loan, hiện nay, chỉ có 2,7% coi mình là người Trung Quốc còn lại 63,3% coi mình là người Đài Loan.

Nên nhớ, cái tên Trung Hoa Dân Quốc, một trong những người sáng lập LHQ là ủy viên thường trực HĐBA LHQ. Ngày nay, vị trí Đài Loan trong LHQ, nó được chuyển giao cho CHND Trung Hoa sau khi thất bại trong cuộc nội chiến 1945-50, Quốc dân đảng bị ĐCS Trung Quốc đánh bại phải chạy ra đảo Đài Loan.

Ngày nay, Đài Loan, đại diện cho chính đảo Đài Loan và một số đảo nhỏ, chỉ được 15 quốc gia trên thế giới công nhận, nhưng thông qua các phái đoàn thương mại, nó duy trì mối quan hệ với toàn thế giới.

Đài Loan hiện được cai trị bởi Đảng tiến bộ dân chủ (DPP), mà bà Thái Anh Văn là nữ “Tổng thống” Trung Hoa Dân Quốc đang ở nhiệm kỳ thứ hai. Kể từ năm 1979, Mỹ đã thể hiện chính sách bảo trợ đối với Đài Loan. “Tổng thống” Thái Anh Văn và DPP của bà ấy kiên quyết phản đối việc thống nhất với CHND Trung Hoa.

“Độc lập hoàn toàn” của Đài Loan dưới sự bảo trợ của Mỹ không phải là điều mà Bắc Kinh đang muốn. Trung Quốc những năm 1979 và Trung Quốc ngày nay là hai điểm khác biệt lớn. Tuy nhiên, nói thì cứ việc nói, ĐCS Trung Quốc đã nói nhiều về quyết tâm thu hồi Đài Loan, nhưng làm hay không lại là chuyện khác…

Các vấn đề ngăn cản Trung Quốc thu hồi Đài Loan…

Thứ nhất: Hậu quả cuộc chiến.

Những người Cộng Sản Trung Quốc lo ngại nhất là một chiến thắng “Pyrros” (một chiến thắng mà bên thắng cuộc chịu một giá đắt khó chịu đựng nổi) khi sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan – một chiến thắng Pyrros cho sự ổn định hệ thống chính trị Trung Quốc.

Đài Loan là một đảo quốc có 23 triệu dân, lực lượng vũ trang tuy không thể so sánh với Trung Quốc nhưng Đài Loan có 2 lợi thế tác chiến: Phòng thủ chống đổ bộ và được Mỹ-Nhật Bản hỗ trợ bằng quân sự (có thể bằng cả binh lính).

Do đó, (1) nếu Trung Quốc tấn công phủ đầu bất ngờ mà sự can thiệp của Mỹ-Nhật hạn chế thì theo dự đoán của các nhà quân sự phương Tây, Trung Quốc phải mất ít nhất 50.000 phi công và lính thủy và (2) nếu sự tấn công không bất ngờ, Mỹ-Nhật hỗ trợ kịp thời thì Trung Quốc phải mất ít nhất 100.000 quân.

Thắng cuộc chiến nhưng 50 ngàn hoặc 100 ngàn bố mẹ có con trai độc nhất chết trận là điều không thể chấp nhận, vì thống nhất Trung Quốc, thu hồi Đài Loan…chỉ là quyết tâm chính trị của ĐCS Trung Quốc chứ không đem lại lợi ích cho gia đình có con ra trận. Quan điểm “người Trung Quốc không giết người Trung Quốc” trỗi dậy trong dân chúng, quan chức, sẽ xung đột với ý chí chính trị Đảng cầm quyền.

 Kết thúc cuộc chiến, nền kinh tế của Đài Loan được xếp hạng thứ 30 trên thế giới về sức mua tương đương (PPP), thứ 18 về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thứ 24 về GDP danh nghĩa, đầu tư và ngoại thương…tan hoang khiến Trung Quốc không chỉ phải nuôi “báo cô” mà còn chịu một cú “boomerang” cực mạnh, cụ thể:

Cốt lõi của nền kinh tế Đài Loan là sự giàu có của TSMC (Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan), chiếm khoảng 56% sản lượng chip bán dẫn của thế giới. Đây là một con số khổng lồ, để so sánh: GlobalFoundries (Mỹ) đứng thứ hai thế giới, chiếm 9,4%, United Microelectronics Corporation (lại Đài Loan) đứng thứ ba, 8,5%.

Trên thực tế, TSMC có cổ phần kiểm soát trong việc sản xuất chipset trên thế giới. Khách hàng của TSMC là HiSilicon, MediaTek, Huawei, Realtek, AMD, NVIDIA, Qualcomm, ARM Holdings, Altera, Xilinx, Apple, Broadcom, Conexant, Marvell, Intel. Đây là danh sách các khách hàng lớn nhất và có thể đưa ra kết luận về việc TSMC đã tham gia thị trường một cách vững chắc như thế nào.

Sự phát triển của đất nước CHND Trung Hoa đòi hỏi một số lượng lớn các con chipset, trong khi người Trung Quốc không thể tự tổ chức sản xuất, không tự mình phát minh ra nó. Trung Quốc chỉ sản xuất hoặc sao chép, nhưng ngay cả điều này cũng đòi hỏi sự đột phá của bộ vi xử lý và các vi mạch khác.

Do đó, Trung Quốc đơn giản là không thể chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong vấn đề này, mà Mỹ sẽ thực hiện thông qua Đài Loan. Xung đột hiện nay đang xoay quanh việc Mỹ đang cố gắng kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc bằng cách gây áp lực lên TSMC cố gắng siết chặt Huawei bằng các biện pháp trừng phạt và không cung cấp chipset.

Thứ hai: Không chắc thắng!

Rõ ràng thắng cuộc chiến thì đó là một chiến thắng Pyrros, nhưng nếu thất bại thì sẽ là một thảm họa cho ĐCS Trung Quốc là tất yếu. Đối đầu với Trung Quốc không chỉ là lực lượng đồn trú Đài Loan mà nguy hiểm lớn chính là liên minh Mỹ-Nhật và AUKUS. Liên minh này có can thiệp vào Đài Loan hay không quyết định thành bại cuộc chiến…

Vấn đề là Trung Quốc muốn thắng trọn vẹn, vững chắc thì phải thực hiện một phương án tác chiến chớp nhoáng, tức đánh nhanh thắng nhanh và kết quả tối ưu nhất là chính quyền Đài Loan đầu hàng. Do vậy, cuộc chiến càng kéo dài thì nguy cơ Trung Quốc chuốc thảm họa là không tránh khỏi…

Với tinh thần “bờ có vững thì đảo mới yên” thì rõ ràng “bờ” Mỹ-Nhật và AUKUS rất vững. Và, có lẽ Đài Loan là “làn ranh đỏ” cuối cùng của “sức mạnh bá chủ” của Mỹ, mất Đài Loan là hạ gục uy thế của Mỹ đã buộc 3 CGS của Mỹ-Anh xuất hiện tại Biển Đông. Liên minh quân sự Mỹ tại đây có can thiệp vào Đài Loan hay không đã có câu trả lời chính xác với Bắc Kinh.

Thứ ba: Tổ chức, sử dụng lực lượng cho tấn công Đài Loan…

Nếu Trung ương ĐCS Trung Quốc quyết định tấn công, thì tổ chức lực lượng ra sao, sử dụng lực lượng nào tham gia tưởng rằng dễ dàng nhưng hóa ra lại rất khó khăn với Bắc Kinh. Đó là một lực lượng rất lớn (hải - lục - không quân) tập trung vào một vị tướng – lịch sử và quá khứ đã không cho phép ĐCS Trung Quốc mạo hiểm, và không phải lực lượng nào cũng hăng hái tham gia “người Trung Quốc giết người Trung Quốc”.

Thực tế chúng ta chỉ nghe những lời hung hăng trên MXH, nhưng nhảy lên tàu đổ bộ, ngồi vào buồng lái máy bay, hành quân đến giữa đại dương bao la…lại là chuyện khác, nó tác động đến tinh thần vô cùng lớn nếu như người lính không có lý tưởng quyết tử cho Trung Quốc có thêm Đài Loan…

Kết luận: Với 3 vấn đề đã nêu trên nếu như tồn tại và là sự thật thì Bắc Kinh sẽ không bao giờ thu hồi Đài Loan bằng vũ lực. Họ sẽ dùng biện pháp hòa bình. Đài Loan không phải là Crimea và việc Nga không “giải phóng” luôn Ukraine năm 2014 là bài học có giá trị cho Bắc Kinh ngày nay với vấn đề Đài Loan.

Không phải Nga, Pháp sử dụng “Vũ khí năng lượng” đầu tiên giáng vào Vương quốc Anh!

 

Người châu Âu mặc dù sắp chết cóng đến nơi nhưng vẫn ngoan cố, cầm cự không cho Nord Stream-2 khởi động vì sợ Nga sẽ sử dụng “vũ khí năng lượng”, nhưng thật bẽ bàng, chính Cộng hòa Pháp là quốc gia đầu tiên sử dụng “vũ khí năng lượng” nhằm vào đồng minh là Vương quốc Anh.

Cảnh báo đỏ cho Jerrsey…!

Jersey - hòn đảo nhỏ nằm trong eo biển Manche ngăn cách Anh và Pháp, tuy không chính thức là một phần của Vương quốc Anh, khu vực này có các cơ quan tự quản riêng, nhưng London chịu trách nhiệm bảo vệ quân sự.

Vào đêm trước, ngày 8/5/202, Jersey, đã thu hút sự chú ý lớn của toàn bộ cộng đồng quốc tế, vì cả London và Paris cùng lúc điều động hai tàu chiến đến bờ biển của nó như một lý lẽ để giải quyết một tranh chấp kinh tế (thị trường đánh cá)… 

Lý do của việc sử dụng các phương pháp “văn minh” như vậy là hệ quả trực tiếp của quá trình “ly hôn” giữa Anh và EU mà một trong những vấn đề khó khăn nhất là quyền tiếp cận của ngư dân EU tới các vùng biển thuộc quyền của Anh.

Theo kết quả của “thỏa thuận ly hôn”, để đánh bắt cá ở phần này của eo biển Anh, các tàu của Pháp được cấp phép bởi chính quyền của đảo Jersey, nhưng lần này chỉ có 41 tàu của Pháp được cấp phép. Chính quyền Jersey giải thích điều này là “giấy phép được cấp phù hợp với các quy định của Anh-EU”. Các quy định này yêu cầu lắp đặt Hệ thống Giám sát Tàu thuyền (VMS) trên tất cả các tàu để xác nhận rằng tàu đã đánh bắt trong khu vực. Rắc rối nằm ở chỗ, thiết bị như vậy (VMS) chỉ tàu đánh cá loại lớn mới lắp đặt được, cho nên, Anh-Jersey đã loại bỏ hơn 80% tàu đánh cá loại nhỏ của ngư dân Pháp vì không có VMS.

Rõ ràng là điều này đã gây ra sự phẫn nộ trong các ngư dân Pháp và ban lãnh đạo EU đã vô cùng ngạc nhiên vì không có thỏa thuận nào về những điều “kỳ quặc” như vậy ở phía London. Ngư dân Pháp biểu tình, Bộ trưởng Hàng hải Pháp, bà Annick Girardin tuyên bố:

“Về phần Jersey, tôi muốn nhắc các bạn rằng hòn đảo này, 95% nguồn năng lượng được cung cấp từ Pháp bởi một đường cáp dưới biển. Tôi sẽ rất tiếc khi phải nói đến điều đó, nhưng chúng tôi sẽ làm điều đó nếu chúng tôi phải làm…”

Đáp lại, người Anh đã gửi hai tàu chiến đến bờ biển Jersey, và người Pháp cũng chẳng vừa, điều hai chiếc tàu chiến của họ đến khu vực…như nói trên. 

Đây là cách cư xử đàm phán quen thuộc của “thực dân Đế quốc” cho một đối tượng chiến lược thuộc “thế giới thứ ba” khi mâu thuẫn về lợi ích không thể dung hòa. Tuy nhiên, có điều khiến chúng ta ngạc nhiên thú vị là ở đây, đối tượng cùng là “thực dân Đế quốc” với nhau: Pháp – Anh.

Thật ra việc Anh “ly hôn” với EU cũng giống như Mỹ xé bỏ các thỏa thuận đã ký với Liên Xô-Nga trước đây như INF, “bầu trời mở”…đều theo một nguyên tắc: “Khi không có lợi ích, lợi thế, thì xé bỏ mọi thỏa thuận” và phương châm: “Khi người đi săn cảm thấy con chó không còn tác dụng thì người đi săn phải biết ăn thịt chó”, thế thôi.

Chấp nhận rời khỏi EU, Vương quốc Anh đã chọn một con đường phát triển độc lập gây dựng lại một Đế chế Anh một thời lừng lẫy. Những tham vọng như vậy cần phải được hỗ trợ bởi lực lượng quân sự, và người Anh đã và đang làm điều này…Họ tăng cường sức mạnh quân sự ở nước ngoài để sẵn sàng cho việc phân chia lại thị trường, thuộc địa. Đức quốc xã đã từng trước thế chiến 2 mà châu Âu đã là nạn nhân.

Như vậy, về mặt khách quan, Vương quốc Anh đối lập với toàn bộ EU và không có gì ngạc nhiên khi EU cũng đang tìm cách đề phòng. Và, chẳng có gì khó hiểu khi dư luận Anh cho rằng “Đừng có chọc gậy vào “gấu Nga” mà bị “tát”, kẻ thù chính của chúng ta (Anh) không phải là Nga mà là EU”.

Pháp “nổ súng”, Anh nếm đòn đầu tiên…

Sự cố Jersey chỉ đơn giản là một triệu chứng của một căn bệnh thông thường. Rất nhiều bình luận của các chuyên gia coi “sự cố Jersey” có thể dẫn đến sự sụp đổ của nước Anh và cuộc chiến châu Âu…nhưng đã 5 tháng trôi qua thì sự cố có vẻ như lắng xuống. Bỗng nhiên…

Chỉ vài ngày sau khi các nước EU lên kế hoạch đề phòng chiến tranh thương mại với Anh, quan hệ giữa Paris và London lại căng thẳng. 

Paris kháng cáo một cách bài bản, về “vụ việc Jersey” với lý lẽ biện chứng, thuyết phục từ các giấy tờ đã ký…yêu cầu London phải giải quyết, nếu không, Anh sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt ở cấp độ châu Âu. Nhưng, London “phớt Ăngle”, đã từ chối đồng ý hạn ngạch và cấp giấy phép đánh bắt hải sản cho ngư dân Pháp.

Đến đây, sự chịu dựng của người Pháp đã cạn… Ngày 23/10/2021, Người phát ngôn chính phủ Pháp Gabriel Attal thông báo rằng các nhà chức trách Pháp đang chuẩn bị một gói trừng phạt chống lại Vương quốc Anh.

Đặc biệt chú ý là Bộ trưởng Hàng hải Pháp Annick Girardin tuyên bố ngắn gọn: “nếu bạn không mở cửa vùng biển của mình cho ngư dân của chúng tôi, chúng tôi sẽ tắt nguồn cung cấp điện qua cầu năng lượng”. Chấm hết.

Đừng có dại đùa với tuyên bố này. Để hiểu được mức độ nghiêm trọng của tuyên bố này, chúng ta cần hiểu nó nói về điều gì…

Hiện tại, 2 bờ của eo biển Manche được nối với nhau bằng hai cây cầu điện: IFA-1 và IFA-2, với công suất lần lượt là 2.000 và 1.000 MW, được vận hành bởi liên doanh Interconnexion France-Angleterre (IFA). Vào ngày 15/9, IFA-1 bị sự cố, ngừng hoạt động (trùng với ngày Mỹ-Anh-Úc tuyên bố liên minh AUKUS).

Ban đầu, dự kiến ​​rằng tuyến cáp của IFA-1 chạy từ Merville-Franceville-Plage của Pháp đến Farham của Anh sẽ được sửa chữa kịp thời xong trong tháng 10, dòng chảy 2.000 megawatt sẽ hoạt động trở lại…nhưng vụ khủng hoảng AUKUS, Mỹ-Úc với sự đồng lõa của Anh, đã đâm một nhát dao và lưng người Pháp khiến cho vụ tai nạn tại cầu điện IFA-1 “trở nên nghiêm trọng”…

IFA đã công bố IFA-1 sẽ đóng cầu dao thay vào tháng 10/2021 thì phải vào tháng 3/2022. Chính sự cố này, cùng với giá khí đốt kỷ lục, đã gây ra sự sụp đổ của hệ thống năng lượng Anh, buộc London phải đưa các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá vào để chống đỡ.

Có thể nói đây là cú đáp trả đầu tiên vào Vương quốc Anh. Và, nếu ghép các sự kiện Jersey - AUKUS mà người Anh đã cư xử với người Pháp thì đây có lẽ là cú phản đòn rất hiểm, đầu tiên của Pháp vào Anh.

Những sự kiện diễn ra trong những tháng gần đây đã cho thấy rõ ràng rằng nước Anh dễ bị tổn thương chính là tình trạng thiếu năng lượng và phụ thuộc vào nguồn cung cấp bên ngoài, riêng Pháp chiếm 80% trong tổng nguồn cung năng lượng điện cho Anh.

Vì thế, đã đến lúc người Pháp hỏi người Anh trống không: hoặc là công việc cho ngư dân Pháp, hoặc đóng băng và mọi bóng đèn, đèn đường và bảng hiệu cửa hàng sẽ biến mất ở Anh.

Diễn biến sự việc khiên chúng ta nhớ lại, mở màn cuộc chiến thế giới lần thứ 2 là Đế quốc nổ súng vào Đế quốc để giải quyết mâu thuẫn về thị trường, thuộc địa, lẫn nhau. Lịch sử liệu có lặp lại?

Lịch sử thường lặp lại vì có nhiều kẻ không chịu học, nhưng những dự đoán về những điểm nóng mở màn cho một cuộc chiến tranh thế giới thì luôn sai, từ thế chiến I rồi đến thế chiến II vì nó thường đến trong những tình huống, khu vực, thời gian… không ai ngờ…  

Đồng minh tình thế quan trọng của Nga - Putin: “General Frost”!

 


Đồng minh vĩnh viễn, duy nhất, tin cậy nhất của Nga là “Quân đội và Hải quân Liên bang Nga” mà hiện tại là đại diện bởi “General Shoigu” – Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng LB Nga. Tuy thế, Liên Xô nói chung và Nga bây giờ vẫn có một “đồng minh tình thế” rất quan trọng: “General Frost”.

Nói là “đồng minh tình thế” vì không ổn định và không phải lúc nào cũng là “đồng minh” mà có lúc là kẻ thù. Vậy, “General Frost” là ai, là gì?

General Frost - đồng minh quan trọng của Nga này có nhiều tên gọi: General Frost, General Winter, hoặc General Snow. Đây chính là Mùa Đông khắc nghiệt của Nga là vũ khí lợi hại mà Nga sử dụng để chống lại kẻ thù của mình, những kẻ được nuông chiều, ưu ái, bởi mùa đông ôn hòa của châu Âu.

Lần đầu tiên, năm 1812, “General Frost” là người Anh dùng để châm biếm người Pháp trong cuộc bại trận của Napoleon. Người Pháp đổ tội cho mùa Đông Nga đã khiến cho 600.000 quân khi trở về (tháo chạy) từ Nga chỉ còn lại vài chục ngàn, để bảo vệ thể diện. Tất nhiên, mùa Đông Nga năm đó cũng góp phần quan trọng cho hậu quả tồi tệ này của Napoleon.

Thời hiện đại, mùa Đông khắc nghiệt năm 1941 nhiệt độ -500C góp phần làm cho chiến dịch Matxcova của Hitler đại bại, rồi mùa Đông tại chiến dịch Stalingrad khiến cho Tập đoàn quân số 6 của quân Đức, ngoài ra, không có áo ấm chống rét, yếu tố quan trọng, đã đầu hàng…

 Nhìn chung, “Tướng mùa Đông” không phải lúc nào cũng đồng minh với người Nga, nhưng đại thể, cơ bản luôn hỗ trợ người Nga trong những chiến thắng mang tính quyết định đi vào lịch sử…mà kẻ thù của người Nga luôn phải “suy nghĩ 2 lần” khi nhắc đến nó: Mùa Đông!

Và, bây giờ, một lần nữa, tuy mùa Đông chưa đến, nhưng một cuộc khủng hoảng năng lượng nguy cơ làm cho Âu đóng băng xảy ra…

Trong khi Nga “xoa tay cười”, trong khi người Nga đang bật thử khí ga cho hệ thống sưởi ấm mùa Đông sắp đến gần, trong khi người Nga đang nhấm nháp ly vodka với bánh mì đen nhìn ngắm tên lửa siêu thanh từ tàu ngầm, tàu nổi, vút lên bầu trời…thì người châu Âu đang hoảng loạn…

Tại châu Âu, chính thức công cuộc sử dụng năng lượng xanh, chủ yếu là điện gió, điện mặt trời để thay thế năng lượng truyền thống là một kế hoạch quá vội vàng, duy ý chí, vì “không làm chủ được thần Gió, thần Mặt trời” nên không có gió, không có nắng, đã dẫn đến thất bại hoàn toàn.

Châu Âu từ bỏ điện hạt nhân, thực hiện chính sách khử cacbon, đóng cửa nhà máy nhiệt điện, nhà máy dầu đá phiến…để sử dụng năng lượng gió, nắng và nhiên liệu xanh là khí đốt. Khi điện gió, điện mặt trời bị sụt giảm thì họ chỉ chờ vào “nhiên liệu xanh” (khí đốt) để tạo ra điện năng là logic.

Nhưng “thị trường tự do khí đốt mua ngay bán lẻ” mà EU chủ trương thay vì hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn tầm quốc gia với Gazprom Nga, đã không chịu đựng nổi với giá cả khi đã tăng lên kỷ lục 1500 USD/1000 m3 đã phá sản, buộc châu Âu quay trở lại nguồn năng lượng rẻ hơn là THAN ĐÁ.

Thật lý thú, EU không mua khí đốt giá rẻ của Nga từ tuyến ống SP-2 và chỉ mua nó khi khí đốt qua đường ống của Ukraine và Ba Lan, nhưng Nga thì, hoặc mua tại SP-2 hoặc không, chứ không bao giờ bơm khí qua Ukraine và Ba Lan. Quả thật là một sự đối đầu “ai chớp mắt trước” rất ly kỳ…

Về sự đối đầu căng thẳng này, ai thắng? Đầu tiên hãy nói về Nga.

Người ta nói “nhân tính không bằng trời tính”, người châu Âu mà cụ thể là EU rất khôn khi đưa ra yêu cầu để ép giá khí đốt Nga. Theo đó họ yêu cầu Gazprom tính giá khí đốt trong các hợp đồng dài hạn phải cân đối với giá giao ngay. Nghĩa là khi giá giao ngay thấp thì các vị phải cũng phải giảm giá trong hợp đồng dài hạn và ngược lại.

Các nhà chính sách EU tại Brussel nhận thấy trong năm 2019 và 2020 giá giao ngay quá rẻ có thời điểm như năm 2019 chỉ có 50 USD/1000 m3. (Đây là lý do vì sao EU tập thể rút khỏi hợp đồng dài hạn với Nga năm 2020). Vì yêu sách đó của EU nên Gazprom đã lên giá trung bình cho HĐ dài hạn năm 2021 là 170 USD/1000 m3.

Nhưng than ôi, kể từ tháng 8/2021, giá giao ngay lên vùn vụt đỉnh là 1500 USD và chưa dừng lại, khiến cho giá trong các HĐ dài hạn tăng lên theo, thay vì 170 USD thì trong tháng 8 là 270 USD/1000 m3 (Nga “tuân thủ yêu cầu” của EU thôi). Giá của HĐ dài hạn đã tăng đến 60% và năm 2021 sẽ còn tăng mạnh nữa…

Như vậy, nếu như SP-2 hoạt động hết công suất thì giá khí giao ngay sẽ giảm (quy luật tất yếu) sẽ kéo theo giá HĐ dài hạn sẽ giảm, nhưng nếu như SP-2 không hoạt động thì giá HĐ dài hạn sẽ tăng, tăng mạnh. Khi đó, Gazprom và các công ty đầu tư vào nó như Shell, Wintershal Dea, Uniper và Engie lời khủng, đủ bù số tiền bỏ vào đầu tư.

Kết luận: (1) Gazprom không cần vội vàng “chạy giấy phép” hoạt động cho SP-2 vì EU cần SP-2 hơn Nga và (2) là, do đó, EU cần khí đốt bổ sung vào các hầm chứa cho mùa Đông khỏi đóng băng thì hãy xin Nga bơm qua SP-2, chứ Nga không bao giờ bơm qua Ukraine và Ba Lan.

Tiếp theo nói về EU. Như đã nói, quá trình chuyển đổi sử dụng năng lượng truyền thống sang năng lượng xanh đã thảm bại. Để có điện năng, người châu Âu chỉ có 3 cách (1) phải khởi động nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá, (2) điện năng từ nhiên liệu xanh và (3) là từ nhà máy điện hạt nhân.

Chỉ còn mấy tháng nữa là mùa Đông nên Điện hạt nhân thì không xây dựng kịp. Bây giờ chỉ còn trông chờ vào nhiên liệu xanh: Khí đốt dùng chạy máy phát điện và nhân sinh (dùng sưởi ấm mùa Đông)...Người châu Âu chỉ có 4 nguồn: Equinor, Sonatrach, SOCAR và Gazprom

 Các mỏ Equinor, Sonatrach của Na Uy thì không thể tăng thêm, Socar của Azerbaijan thì công suất quá nhỏ. Mỏ lớn nhất của Hà Lan thì tuyên bố sẽ đóng cửa vì sợ hút lên thì sẽ động đất…Về LNG thì Mỹ, Algeria, Qatar…đã bị châu Á và Brazin hút hết vì giá quá chênh lệch, cho nên, EU chỉ còn lại “con quỷ Gazprom” - có thừa khí đốt để cung cấp và giá rẻ.

Nhưng EU lại không muốn nhận, mua khí đốt Nga với giá rẻ và nhiều từ SP-2 vì sợ phụ thuộc Nga. Do đó, khi giá khí quá cao, EU quyết định sử dụng than đá thay cho khí đốt. Đó là lời chào tạm biệt cho năng lượng xanh vì “mẹ thiên nhiên” của tầng lớp thông thái, văn minh châu Âu.

Sự thông thái này quả thật không ai hiểu nổi và dạy bảo được, có chăng chỉ có “General Frost” ra tay thì mới “giảng bài” được cho họ. Và thật may mắn, General Frost đang đến gần!