Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

Bản lĩnh hay liều lĩnh của Iran trước Mỹ?



Iran không chỉ vuốt râu Hùm mà đã đốt râu Hùm…
Vào sáng ngày 20/6, 1 UAV MQ-4 Triton hiện đại bậc nhất của Hải quân Mỹ đã bị phòng không Iran bắn hạ. IRGC tuyên bố rằng UAV đã vi phạm không phận của đất nước trên quận Jask County. Tuy nhiên, quân đội Hoa Kỳ đã bác bỏ những tuyên bố này.
Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ viết 6 chữ “Iran made a very big mistake!” (Iran đã phạm một sai lầm rất lớn). Tiếp đó, trong cuộc gặp với người đồng cấp Canada Justin Trudeau tại Nhà Trắng, trả lời câu hỏi của nhà báo về khả năng tấn công quân sự vào Iran, ông Trump nói: “Bạn sẽ sớm biết câu trả lời”.
Như vậy sự kiện UAV của Mỹ bị bắn rơi có phải là “giọt nước cuối cùng” hay không? Hành động của Tehran là liều lĩnh hay đầy bản lĩnh?
Ý đồ táo bạo, bản lĩnh của Tehran
Kể từ khi Mỹ bắt đầu triển khai đòn trừng phạt khắc nghiệt nhất nhằm vào Iran, Tehran đã phải chịu một áp lực lớn chưa từng có và không chỉ thế, về quân sự Mỹ huy động hạm đội chiến đấu tàu sân bay, lính thủy đánh bộ, B-52 áp sát Iran.
Rõ ràng, trước áp lực mạnh này, nền kinh tế Iran và do đó sự tồn tại của chính quyền Tehran chỉ là vấn đề thời gian. Iran không đủ sức để chịu đựng áp lực mạnh, thường xuyên duy trì như vậy, trong khi Mỹ có thừa nguồn lực và thời gian để duy trì hành động đó, là ưu thế tuyệt đối của Mỹ.
Vậy Tehran sẽ đi nước cờ nào để phá thế trận đó của Mỹ?
Mỹ có muốn tấn công Iran không? Chắc chắn là không bởi không chỉ bằng lời nói của Trump và của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo hay của Jonh Bolton mà đó là logic của hành động…
Tại sao Mỹ lại lao vào bãi lầy đó trong khi sử dụng phương án mà mình có ưu thế tuyệt đối vẫn có thể bắt Tehran quỳ gối? Thực tế chúng tỏ trong tình thế này, Iran sẽ chết dần, chết mòn, sức sẽ tàn lực sẽ kiệt. Và may mắn là Tehran đã nhận ra nguy cơ đó…
Tehran cũng không trong mong gì ở Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và các cam kết của EU… Nếu ngồi im, tức là chấp nhận lối chơi mà Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối là chờ chết. Vì thế, con đường duy nhất để Iran thoát khỏi thế trận này là “kéo Mỹ vào vũng lầy” để hoặc cùng chết với Mỹ hoặc ngồi vào bàn đàm phán giảm áp lực…
Ngay khi đang còn sức lực, tức khi đòn trừng phạt khắc nghiệt mới bắt đầu thì Tehran hành động để buộc Mỹ chơi con bài Mỹ không muốn thay vì chơi con bài sở trường mà Mỹ có ưu thế tuyệt đối. Tehran muốn giải quyết càng sớm càng tốt áp lực căng thẳng với Mỹ…
Nếu Mỹ không muốn chiến tranh với Iran tức không muốn “đem xe đổi tốt”, không muốn sa vào “mẹ của các vũng lầy”, không muốn Nga và Trung Quốc “tọa sơn quan hổ đấu”…thì ngồi xuống nghe Iran trình bày, giảm bớt lệnh cấm vận đi, thế thôi.
Iran muốn chiến tranh với Mỹ? Nghe có vẻ phiêu lưu nhưng trong tình thế hiện nay đó là lối thoát tuy mạo hiểm nhất nhưng lại hay nhất, là cách giảm áp lực trừng phạt của Mỹ thượng sách nhất. Đó là cách mà Iran buộc Mỹ chơi theo lối chơi của Iran – lối chơi mà ít nhất trong giai đoạn này Mỹ không muốn.
Hành động chiến thuật của Tehran
Khi Mỹ thực hiện lệnh trừng phạt và triển khai quân lực quanh Iran thì đã có 5 sự kiện xảy ra. (1) tấn công 4 tàu chở dầu, (2) tấn công 2 trạm bơm dầu chính của Saudi sang Biển Đỏ, (3) tấn công 2 tàu chở dầu tại eo biển Hormuz, (4) tuyên bố gia tăng trữ lượng uranium và (5) là bắn hạ UAV của Mỹ.
Đây được coi như là những hoạt động chiến thuật hay biện pháp nghiệp vụ của Tehran nhưng hệ lụy có tính chiến lược. Hành động chiến thuật nhưng hiệu quả chiến lược là sách lược khôn ngoan, thông minh.
Tấn công tàu dầu thì xét về động cơ, lợi ích thì có nhiều thủ phạm, chẳng hạn như Mỹ, Iran, Israel, Saudi, UAE…nhưng tôi chắc chắn không phải là Mỹ vì nó không phù hợp với động cơ, mục tiêu của Mỹ.
Mỹ làm thế đổ tội cho Iran để làm gì? Để tấn công Iran trong khi Mỹ chưa sẵn sàng? Hay Mỹ muốn chuyển tải không công sự đe dọa của Iran cho các đồng minh rằng, Iran sẽ phong tỏa Hormuz? Vô lý.
Kẻ thù của Iran làm việc đó để đổ tội cho Iran xúi giục Mỹ ra tay? Có thể, nhưng Mỹ là cái đầu mà “cái đuôi không thể chỉ huy cái đầu”, đừng có coi thường nước Mỹ.
Cuối cùng thủ phạm là Iran? Có thể lắm chứ, vì động cơ, mục tiêu hoàn toàn phù hợp…Mục tiêu là “nếu Iran không được xuất khầu dầu thì các quốc gia khác cũng không được. Eo biển Hormuz sẽ bị phong tỏa”. Nhà Saudi muốn đi tắt tránh Hormuz à? Không được, 2 trạm bơm chính tuyến ống dầu sang biển Đỏ bị đánh sập. Rõ ràng chưa!
Còn động cơ? Mỹ đã tuyên bố trịch thượng rằng, Iran sẽ chấm dứt nếu tấn công đồng minh Mỹ, xâm hại lợi ích Hoa Kỳ, gia tăng làm giàu uranium chế tạo bom hạt nhân…Vậy thì nó đã xảy ra như vậy đấy, Mỹ đã đổ tội cho Iran…thì hãy tấn công ngay và luôn đi…
Tiếp tục, sau khi sắp hết hạn 60 ngày cho EU, vào ngày 17/6, Iran tuyên bố rằng, “Hôm nay, việc đếm ngược để vượt qua trữ lượng uranium đã làm giàu 300 kg đã bắt đầu và sau 10 ngày nữa chúng tôi sẽ vượt qua giới hạn này”.
Dự trữ uranium của Iran tốc độ tăng càng ngày càng nhanh hơn. Tehran cho biết nếu EU, chủ yếu là Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga không cứu được thỏa thuận thì đến 8/7 tốc độ sẽ gia tăng nhanh hơn nữa. Và, vấn đề Iran sở hữu VKHN không phải thời gian tính bằng năm mà chỉ bằng tháng.
Rõ ràng, Tehran cứ gia tăng áp lực ngược lại với Mỹ hết vụ này đến vụ khác hết sức logic, hợp lý khiến áp lực buộc Mỹ phải làm gì với Iran đã trở nên rất lớn. Jonh Bolton – Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - diều hâu với Iran nhất cũng tuyên bố: “Tất cả chúng ta cần cuộc đối thoại này ngay bây giờ - cần phải giảm bớt căng thẳng trong khu vực và càng sớm càng tốt”.
Nhưng Tehran xem ra việc gia tăng áp lực cho Mỹ không dừng lại và đòn bắn hạ UAV của Mỹ có vẻ như đến giới hạn max khiến Tổng thống Mỹ và các quan chức thân cận tập trung bàn cách đối phó…Nhà Trắng và Lầu Năm Góc như đang nổ tung…
Ha ha, té ra bây giờ chịu áp lực không phải là Tehran mà là Wasington, thật là thú vị…Người Ba Tư đã chuyền bóng đến chân người Mỹ…
Mỹ sẽ làm gì? Không làm gì mới là thượng sách, còn làm gì trong khi tư tưởng của Tehran là muốn giải quyết xung đột càng nhanh càng tốt là hạ sách, là mắc bẫy Tehran.
Cách hành xử của Iran là mạo hiểm, nhưng đó là sự liều lĩnh hay bản lĩnh táo bạo? Quả thật nhìn qua thấy đó là sự liều lĩnh là “lấy xăng dập lửa” nhưng không phải, đây là cách “lấy lửa dập lửa” thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của người Ba Tư.
Mỹ như một chiếc xe hơi đắt tiền đang chạy ngược hướng với Iran như chiếc xe Công nông trên đường cao tốc. Ai sẽ bẻ lái? Không cần là người thông minh vẫn đoán biết ai sẽ bẻ lái để tránh đâm va.

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

Lọ bột màu trắng không dùng được trên vịnh Oman!



Còn nhớ, tại HĐBALHQ, khi Ngoại trưởng Mỹ Colin Powen trưng ra một lọ bột màu trắng cáo buộc Iraq sản xuất vũ khí hóa học và thế là cuộc tấn công vào Iraq  mở màn…Thế giới cấm cãi vì Mỹ đang bá chủ thế giới, Mỹ luôn đúng.
Hôm nay, sau vụ 2 tàu chở dầu bị tấn công tại vịnh Oman, các phương tiện truyền thông lập tức phán ngay rằng 2 tàu đã bị tấn công bằng ngư lôi và  Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tuyên bố: “Chính phủ Hoa Kỳ tin rằng Cộng hòa Hồi giáo Iran chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công ngày nay vào hai tàu chở dầu ở Vịnh Ô-man”. Theo ông, tại Washington, họ đã đi đến kết luận này trên cơ sở dữ liệu tình báo, vũ khí được sử dụng, mức độ đào tạo , cũng như trên cơ sở các cuộc tấn công tương tự gần đây.
Nói thật, nếu Mỹ thấy cần ra tay ngay với Iran như đã từng với Iraq thì quyết ngay và luôn đi, dù không muốn, nhưng vị thế, uy lực của siêu cường Mỹ, trong mắt dư luận thế giới mới xứng đáng sợ, còn sử dụng lại chiêu “lọ bột màu trắng” là coi thường nhân loại, mà trong tình thế đa cực như này là hành động thiếu khôn ngoan.
Bị tấn công bằng ngư lôi hay vấp thủy lôi?
Nếu như thực sự 2 tàu chở dầu bị ngư lôi hoặc vấp phải thủy lôi thì thế giới đã có xuất hiện loại ngư lôi và thủy lôi “max ngu”. Nói là ngu cực đại vì lẽ ra thay vì tấn công vào phần chìm của tàu để gây sát thương lớn nhất thì lại ngoi lên mặt nước 2-3m để lao vào mạn khô của tàu.
Tất cả các hình ảnh từ tàu Front Altair cho thấy vụ nổ xảy ra trên mạn khô tức trên vạch mớm nước từ 2-3m (Ảnh 1).
Đặc biệt tại tàu Kokuka, người Nhật Bản chỉ trưng ra một bức ảnh cho thấy một vết hư hại cách mớm nước 2-3m và một vị trí được cho là có mìn mà Iran gỡ ra cũng các vạch mn 2-3m (Ảnh 2)
“Cuộc tấn công ngư lôi” lần đầu tiên được tuyên bố bởi trụ sở của công ty tàu Frontline, công ty sở hữu đội tàu gắn cờ Quần đảo Marshall và được một công ty hàng hóa của Na Uy thuê để chuyển đến Đài Loan, trong đó là tàu chở dầu Front Altair.  
Tuy nhiên, đến 11 giờ sáng, phiên bản thủ phạm đã thay đổi thành ít rõ ràng hơn, nhưng đến trưa, thì “dẹp loa”. Bởi vì thật đáng tiếc, chưa có quốc gia nào “đủ thông minh” để sản xuất ra một loại ngư lôi hay thủy lôi “Max ngu” như vậy.
Cơ sở nào Hoa Kỳ cáo buộc là do Iran?
Cơ sở dữ liệu tình báo mà mà Mỹ trưng ra là một video từ trên cao ghi lại cảnh tàu nhỏ của Iran áp sát tàu Kokuka gỡ mìn tại vị trí gần đuôi tàu ở Ảnh 2. Mỹ cho rằng chính Iran là thủ phạm khi gỡ mìn chưa nổ khỏi tàu để tẩu tán tang vật. (Ở trên video cho thấy tàu Iran tiếp cận ở vị trí sau hư hại lôi ra một quả mìn từ đó bị tình báo trên không của Mỹ phát hiện).
Từ dữ liệu đó, Mỹ cáo buộc Iran tấn công tàu chở dầu và gửi tàu khu trục USS Mason tới khu vực vùng Vịnh.
Phán đoán khách quan...
Rõ ràng là 2 tàu chở dầu tại vịnh Oman bị tấn công nhưng không phải bằng ngư lôi hay vấp phải thủy lôi cũ để lại. Đây là điều chắc chắn không bàn luận nhiều vì các trung tâm tung tin đã “dẹp loa” vì sự chứng minh không thể cãi.
Vậy, để phán đoán đúng chúng ta cần giải quyết câu hỏi này: Tại sao thủy thủ của 2 tàu gồm 23 của tàu Front Altair và 21 của Kokuka Courageous đều nhất loạt rời tàu để vào cảng Jask trên tàu tuần tra Naji của Iran?
Tôi không là thuyền trưởng 2 tàu chở dầu hiện đại kia, nhưng với tàu quân sự việc chế tạo các khoang, vách chống cháy để hạn chế thiệt hại tối đa khi một trong các khoang gặp nạn mà tôi từng biết thì sẽ không hiện đại hơn các tàu chở dầu chuyên dụng.
Với tàu chở dầu Kouka thì không nói vì nó “mất tích” sau sự cố, nhưng tàu Front Altair thì khác, chúng ta thấy ngọn lửa bốc cháy bên mạn tàu với rất nhiều ảnh, video. Đơn giản là con tàu chỉ cháy một ô, một khoang nào đó trong khi toàn bộ hệ thống chỉ huy, máy móc của con tàu không hề ảnh hưởng. Do đó, với khả năng tự cứu hộ, ngọn lửa bị dập tắt là không khó trong tầm khả năng của con tàu. Dự đoán không không quá 1 tiếng.
Vậy điều gì khiến họ bỏ tàu không cứu – một điều, một truyền thống không thể chấp nhận được với các thủy thủ nói chung?
Việc một con tàu Iran tiếp cận tàu Kokuka “lôi ra” một quả mìn, bị tình báo Mỹ nhanh mắt chộp được, chứng tỏ trên 2 con tàu này, trước khi rời bến đã được ai đó đặt mìn và nó ở đâu, số lượng bao nhiêu thì không biết.
Tàu bị tấn công bởi vũ khí gì, hơn ai hết chỉ có chỉ huy tàu biết rõ và nếu bạn là thuyền trưởng bạn có dám để cho toàn bộ thủy thủ mình ngồi lên một bồn xăng dầu mà có thể bùng lên bất cứ lúc nào bởi những quả mìn cài sẵn? Không! Vậy thì tốt nhất rời tàu để kiểm tra khi chưa biết con tàu trở thành một biển lửa lúc nào mà khi biết thì đã muộn.
Điều ngạc nhiên là cho đến nay chưa có thông tin nào chính thức việc 2 con tàu này có ở đâu, chìm hay nổi, đặc biệt là tàu của Na Uy. Nhưng dù sao, chúng ta hy vọng nó đang được kiểm tra mìn ở cảng Iran

Đánh giá thấp Nga – sai lầm địa chính trị khủng khiếp nhất!



Nga không chấp nhận hệ thống thống trị thế giới thịnh hành của Mỹ…
Vào ngày 7/6 tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg 2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin có một bài phát biểu được đi vào lịch sử như bài phát biểu thứ 2 (bài phát biểu thứ nhất tại Hội nghi an ninh Munich năm 2007 được coi một diễn văn chính trị có tính lịch sử quan trọng của thế kỷ 21...)
Nếu như tại Munich, sau bài phát biểu, không ai nghe Putin nói, báo chi truyền thông Mỹ phản ứng coi thường, chỉ coi đó là “tiếng gầm gừ của con rận”, là “ những lời hoa mỹ và vô lý của Putin, của một đế chế đang chết dần”… thì lần này tất cả im tiếng trong khi châu Âu “nhảy dựng lên”.
Bài phát biểu của Putin lần này không quá say mê và khinh miệt nhưng, Putin từ lâu đã nổi tiếng là một chính trị gia với nắm đấm sắt luôn đeo găng tay nhung, nên bản chất không thay đổi…
Tổng thống Nga Vladimir Putin, lần đầu tiên, tuyên bố trước toàn thế giới rằng, Nga không còn công nhận hệ thống thống trị thế giới thịnh hành của Mỹ. Nga đưa ra một thách thức hoàn toàn cho hệ thống này và hợp nhất với Trung Quốc và phần còn lại của thế giới trong cuộc đối đầu.
Đây là những ý chính trong bài phát biểu của Putin:
1, Nền kinh tế thế giới đã bước vào thời kỳ khủng hoảng
Chính thức, sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu được đặc trưng bởi các giá trị tích cực - trung bình 2,8% hàng năm trong giai đoạn 2011-2017. Nhưng, bất chấp sự tăng trưởng nêu trên, mô hình quan hệ kinh tế hiện nay đang gặp khủng hoảng toàn diện.
Đó là mô hình toàn cầu hóa được đề xuất vào đầu thế kỷ trước đã lỗi thời.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, kiến ​​trúc của nền kinh tế thế giới đã thay đổi. Mô hình toàn cầu hóa tự do Euro-Atlantic đã bắt đầu khẳng định vai trò toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia có thị trường mới nổi, có sức nặng trong nền kinh tế không ngừng tăng trưởng, có quan điểm riêng về quá trình toàn cầu hóa và hội nhập, và những quan điểm này không tương quan với các mô hình do các nước phương Tây đặt ra.
2, Nền kinh tế toàn cầu đã bước vào kỷ nguyên của chủ nghĩa bảo hộ trực tiếp.
Thương mại toàn cầu đã không còn là động lực của nền kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới trước đây, những người đã ủng hộ các nguyên tắc thương mại tự do, nay đã nói bằng ngôn ngữ của các cuộc chiến tranh thương mại, các lệnh trừng phạt và đột kích kinh tế ngay khi họ cảm thấy sự cạnh tranh gia tăng từ các nền kinh tế theo sau đến thời điểm này.
Một ví dụ là việc xây dựng đường ống Nord Stream 2. Dự án đáp ứng đầy đủ lợi ích quốc gia của tất cả những người tham gia - cả người châu Âu và Nga. Nhưng điều này không đáp ứng lợi ích của những người đã quen với sự độc quyền và cho phép. Thực hành phá hoại như vậy di cư sang các ngành công nghiệp mới. Tình hình xung quanh Huawei, đang bị đẩy ra khỏi thị trường toàn cầu, minh họa hoàn hảo cho điều này.
3, Niềm tin vào đồng đô la giảm
“Hệ thống tiền tệ Jamaica” (Hệ thống tiền tệ quốc tế được thông qua tại Jamaica năm 1976) với sự ưu tiên của đồng đô la Mỹ đã không giải quyết được các vấn đề của hệ thống tài chính. Vai trò của đồng đô la như một loại tiền tệ dự trữ cần phải được xem xét lại, bởi vì nó đã biến thành một công cụ gây áp lực của nhà phát hành đối với các quốc gia khác. Niềm tin vào đô la rơi xuống, và đây là một sai lầm của các cơ quan tài chính Mỹ.
  4, “Phi quân sự hóa” nền kinh tế thế giới.
Phi quân sự hóa nền kinh tế có nghĩa là loại bỏ khỏi các lệnh trừng phạt, khi chúng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hàng tỷ người trên thế giới và để bảo vệ khỏi các cuộc chiến cung cấp hàng hóa thiết yếu - thuốc men, thiết bị y tế, hệ thống cho các tiện ích và năng lượng.
5, Nga là một trong những nhà lãnh đạo thế giới về phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo
Trong thập kỷ tới, tăng trưởng GDP thế giới do sự ra đời của trí tuệ nhân tạo sẽ là 1,2% mỗi năm. Thị trường thế giới cho các sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo đó là công nghệ gen cho y học, nguồn năng lượng di động, vật liệu mới…sẽ tăng trưởng gần 17 lần vào năm 2024. 
Nga là một trong những quốc gia đầu tiên phát triển công nghệ này, đã chuẩn bị Chiến lược phát triển quốc gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, một nghị định về việc ra mắt sẽ sớm được ký kết. Các công ty có sự tham gia của nhà nước tiếp nhận các công nghệ này thì Nga đã sẵn sàng cho sự thay đổi và mời mọi người hợp tác bình đẳng.
Như vậy, cách đây 12 năm Putin đã tuyên bố “Mô hình đơn cực không chỉ không chấp nhận mà còn không thể. Những tuyên bố của Washington về vai trò bá chủ thế giới không chỉ là không có cơ sở - chúng cực kỳ nguy hiểm, bởi vì chính người Mỹ đã đặt mình lên trên tất cả các thể chế quốc tế và có quyền “giải quyết mọi vấn đề cho tất cả các quốc gia”. Lúc đó, không ai nghe.
12 năm chờ đợi, hôm nay, Putin tuyên bố với thế giới rằng, sự thật cái mô hình toàn cầu hóa trước hành vi thống trị, bá chủ của Mỹ đã lỗi thời. Đã đến lúc (thay bằng vàng?) phải loại bỏ bỏ đồng đô la dùng làm tiền tệ dự trữ quốc gia vì nó là công cụ của Mỹ gây áp lực lên các quốc gia khác.
Thế giới cần thiết phải xây dựng một cấu trúc, mô hình phát triển kinh tế mới bình đẳng mà Nga và Trung Quốc đồng nhất hành động.
Với Châu Âu, đằng sau xung đột lợi ích xung quanh đường ống dẫn khí là cuộc xung đột của toàn bộ các lợi ích quan trọng. Tranh chấp Mỹ với Châu Âu không phải là một sự hiểu lầm về vấn đề hiểu biết khác nhau về các nguyên tắc dân chủ, đó là tranh chấp tồn tại giữa kẻ săn mồi và nạn nhân.
Châu Âu bắt đầu hiểu điều này và Putin nói to cho cả thế giới nghe thấy. Tờ iarex.ru bình luận: “Lần đầu tiên trong sự nghiệp chính trị của mình, Putin tuyên bố ý định tách Châu Âu ra khỏi Hoa Kỳ”. Quả thật, phát biểu của Putin xoáy sâu vào mâu thuẫn gay gắt không thể hòa giải của Châu Âu với Mỹ-Anh đã nói lên điều đó.
Rõ ràng tuyên bố của Putin, về bản chất, Putin đã công bố một học thuyết mới về sự đối đầu toàn cầu với Hoa Kỳ, đưa Nga trở thành người dẫn đầu trong quá trình biến đổi toàn cầu. Putin nhận thấy, Nga có một cái gì đó, một loại “vũ khí” mới để đánh bại bá quyền Mỹ, đó là “trí tuệ nhân tạo, công nghệ gen cho y học, nguồn năng lượng di động, vật liệu mới”.
Một cuộc cách mạng về công nghệ? Hãy nghe Nga Putin nói: “chúng tôi đánh giá một cách tỉnh táo khả năng của mình để trở thành một nhà lãnh đạo thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, và chúng tôi sẽ đạt được”.
Chúng ta hãy chờ, có điều, đánh giá thấp khả năng người Nga là phạm phải sai lầm khủng khiếp nhất. Napoleon, Hitler và Clinton đã xác nhận.

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2019

Liệu Trung Quốc sẽ tung 3 “át chủ bài” đáp trả Mỹ?



Vấn đề là Trung Quốc có chấp nhận chịu đựng nỗi đau đớn để dạy cho Mỹ một bài học…

Trong cuộc chiến kinh tế leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, thực tế không mấy sáng sủa cho Trung Quốc là họ chỉ có ba “con át chủ bài” hay chỉ có 3 biện pháp phản đòn khả dĩ có thể làm Mỹ tổn thương. Đó là: (1) Cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. (2) Chặn các công ty Hoa Kỳ tiếp cận thị trường Trung Quốc, và (3) Sử dụng danh mục trái phiếu kho bạc của Trung Quốc để hạ thị trường nợ của chính phủ Hoa Kỳ.
Mỗi con át chủ bài này đều đáng để xem xét chi tiết, cả về tác động của chúng đối với nền kinh tế Mỹ và cả về sự trả đũa có thể có từ Hoa Kỳ và hậu quả cho toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.
1, Cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ
Cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ thực sự sẽ là một đòn nặng nề đối với các nhà sản xuất điện tử Hoa Kỳ và thực sự, các nhà sản xuất công nghệ cao của Mỹ nói chung. 
Điều này là do đất hiếm là nguyên liệu chính để sản xuất điện thoại thông minh, chip khác nhau và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao khác là những con bò tiền mặt lớn nhất của các công ty Mỹ như Apple và Boeing.
Chính vì lẽ đó nên Hoa Kỳ một lần nữa quyết định không áp thuế đối với đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác từ Trung Quốc, nhấn mạnh sự phụ thuộc vào quốc gia châu Á này đối với một nhóm vật liệu được sử dụng trong tất cả mọi thứ từ thiết bị điện tử tiêu dùng đến thiết bị quân sự.
Dù Trung Quốc không thực sự độc quyền về các vật liệu như vậy, nhưng thị trường chắc chắn sẽ bị thiếu hụt nếu không có hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Hơn nữa, có khả năng một số công ty, ngành sẽ có thể đóng cửa cho dù có bao nhiêu tiền.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều đơn giản. Nếu lệnh cấm như vậy được đưa ra, thì Bắc Kinh sẽ gặp một số khó khăn kỹ thuật nhất định. Cụ thể: 
Nếu các lệnh trừng phạt chỉ được áp dụng đối với các công ty Mỹ, thì họ vẫn có thể mua các vật liệu cần thiết thông qua người “bán lại” Nhật Bản hoặc châu Âu, khiến lệnh cấm vận trở nên vô nghĩa. 
Nhưng nếu Trung Quốc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn, thì đó sẽ không chỉ là các công ty Mỹ chịu thiệt hại mà còn là các công ty châu Âu, dẫn đến sự trả đũa của EU đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc sang châu Âu. Điều này sẽ rất đau đớn đối với Trung Quốc, đặc biệt là trong cuộc chiến kinh tế với Mỹ đang khiến việc tiếp cận thị trường châu Âu trở nên vô giá đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Có vẻ như lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm là một vũ khí mạnh mẽ, nhưng việc sử dụng nó sẽ đòi hỏi sự tinh tế tối đa và các nỗ lực ngoại giao nghiêm túc để tránh mọi tác dụng phụ cực kỳ khó chịu. Nó là một con dao 2 lưỡi nhưng lưỡi nào cũng rất sắc…
2, Chặn các công ty Mỹ vào thị trường Trung Quốc
 Mục đích của các biện pháp hạn chế như vậy không phải là gây ra thiệt hại không thể chấp nhận được đối với nền kinh tế Mỹ, mà là làm cho toàn bộ sức mạnh của bộ máy vận động hành lang của công ty Mỹ chống lại Donald Trump và hỗ trợ các đối thủ chính trị của Trump.
Đầu tiên, Trung Quốc là thị trường duy nhất (và cuối cùng) tăng trưởng doanh số cho nhiều công ty Mỹ. Vì vậy, nếu Trung Quốc đóng cửa, các biểu đồ tại các buổi thuyết trình kinh doanh sẽ không thể hiện bất kỳ sự tăng trưởng nào.
Thứ hai, Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong nhiều chuỗi sản xuất kết thúc bằng doanh số bán hàng ở Mỹ và các thị trường khác. Do đó, mất khả năng tiếp cận sản xuất của Trung Quốc sẽ làm tổn hại nghiêm trọng khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ trên thị trường thế giới (và thậm chí trên thị trường Mỹ), trong khi các đối thủ châu Âu và Nhật Bản tiếp cận hoàn toàn các cơ sở sản xuất của Trung Quốc vì Trump đang tiến hành chiến tranh thương mại với mọi người từ EU đến các đồng minh trung thành của Hoa Kỳ như Nhật Bản và Ấn Độ. 
Tuy có thể có thể bù đắp những vấn đề này bằng cách các công ty Mỹ chuyển sản xuất sang các nước châu Á khác với lao động rẻ và các điều khoản có lợi, như Việt Nam chẳng hạn, nhưng điều này không thể được thực hiện nhanh chóng, do đó, lợi nhuận của các công ty Mỹ và tương lai của thị trường chứng khoán Mỹ (vốn là một phong vũ biểu chính trị quan trọng cho rằng nhiều người Mỹ đã đầu tư tiền tiết kiệm vào cổ phiếu) sẽ gặp nhiều rủi ro. 
Trước vấn đề này, các công ty Mỹ sẽ có động lực rất lớn để ngăn Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, và Trump thừa biết khả năng vận động hành lang và chính trị của khu vực các công ty Mỹ đóng vai trò vai trò chính trong chiến thắng chính trị của các đối thủ của mình như thế nào.
Rõ ràng, các công ty Mỹ sẽ bị ​​con át chủ bài này tác động mạnh nhất.
Tuy nhiên, biện pháp này cũng như một con dao 2 lưỡi tác động ngược lại với Trung Quốc mà có lẽ Trung Quốc sẽ không dám sử dụng bởi nó gây nguy hiểm nhiều hơn cho chính Trung Quốc…
Thật vậy, bất ổn chính trị là một “quả bom nguyên tử” đe dọa sự tồn vong của bất kỳ xã hội nào, với Trung Quốc dân số gần 1 tỷ 500 triệu người thì sự bất ổn chính trị là vấn đề rất nhạy cảm và nguy hiểm.
Nếu Trung Quốc cấm vận các công ty Mỹ chỉ là để Donald Trump không tái đắc cử thì Trung Quốc sẽ phải chấp nhận có hàng triệu thậm chí hàng trăm triệu người mất việc làm khi các công ty Mỹ cuốn gói khỏi Đại lục. Nói rằng các công ty Nhật Bản, EU…sẽ nhảy vào chiếm chỗ thì không phải là nay mai trong khi họ chưa đủ mạnh để chống lại lệnh của Mỹ.
Nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu là xuất khẩu và thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ, nếu Mỹ đánh thuế cao, rất cao để ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng với đó các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc, thì khái niệm “đại công trường thế giới” sụp đổ…Đây là điều mà Bắc Kinh không bao giờ muốn và đó cũng là lý do chính mà con bài thứ 3 tuy nguy hiểm với Mỹ nhưng Trung Quốc cũng khó áp dụng…
Bán phá giá trái phiếu kho bạc Mỹ
Tờ Hoàn Cầu Thời báo viết: “Trung Quốc nắm giữ hơn 1 nghìn tỷ dollar trái phiếu kho bạc Mỹ. Trung Quốc đã đóng góp rất lớn để ổn định nền kinh tế Mỹ bằng cách mua nợ của Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hoa Kỳ sẽ khốn khổ nếu Trung Quốc đánh vào đó nó sẽ có tác động lớn nhất khi thị trường chứng khoán Mỹ đang trải qua cuộc khủng hoảng tiếp theo...”.
Vậy “Trái phiếu kho bạc Mỹ” mà Trung Quốc đang nắm giữ là cái gì?
Đây là tiền mà Trung Quốc cho các công ty Mỹ vay để đầu tư vào Trung Quốc thông qua việc mua trái phiếu Mỹ. Nói cách khác, các nhà đầu tư Mỹ sang Trung Quốc không cần mang tiền, họ chỉ có công nghệ, còn Trung Quốc cấp tiền, đất đai, công nhân giá rẻ cho họ (Mỹ phát hành trái phiếu không phải để chi cho nội địa mà chủ yếu là để đầu tư bên ngoài)…
Trung Quốc có học người Nga được không? Không thể! Bởi cái được của Trung Quốc không chỉ ở 1000 tỷ USD mà lớn hơn là một xã hội ổn định, tăng trưởng thông qua xuất khẩu. Nếu Mỹ ngừng đầu tư, ngăn chặn nhập khẩu thì tạo ra một biến động xã hội rất lớn tại Trung Quốc – điều mà giới lãnh đạo Bắc Kinh không muốn xảy ra bằng mọi giá.
Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, khác với sự hung hăng thường ngày đã viết: “Hầu hết người Trung Quốc đồng ý rằng Hoa Kỳ mạnh hơn Trung Quốc và Washington giữ thế chủ động trong cuộc chiến thương mại. Nhưng chúng tôi không muốn trốn vào và chúng tôi tin rằng không có cách nào Hoa Kỳ có thể đè bẹp Trung Quốc. Chúng tôi sẵn sàng chịu một số đau đớn để cung cấp cho Hoa Kỳ một bài học”.
Đúng thế! Khi Trung Quốc đặt 3 con át chủ bài lên bàn, nền kinh tế toàn cầu hóa của thế giới sẽ sụp đổ. Toàn cầu hóa đang đi lùi, và rất có thể chúng ta sẽ kết thúc với một hệ thống kinh tế hoàn toàn khác có nhiều chủ nghĩa bảo hộ hơn. Thay vì một thị trường toàn cầu, sẽ có một số thị trường lớn trong khu vực với các quy tắc riêng, tiền tệ thống trị, tiêu chuẩn kỹ thuật và hệ thống tài chính. Toàn cầu hóa sẽ chết trong thế giới đa cực!
Nhưng liệu Trung Quốc có dám chịu những đau đớn đó không?

Thụy Điển đã quên trận ném bom Stockholm năm 1944?



Làm một quốc gia trung lập là một chiến lược khôn ngoan, nhưng rất khó để thực hiện trong thời buổi thế giới hỗn loạn…



Những lý do cho cuộc không kích của Liên Xô vào Stockholm năm 1944 vẫn còn được tranh luận ngày hôm nay. Phiên bản chính thức của Thụy Điển nói rằng đó là một lỗi điều hướng, nhưng một số người tin rằng bằng cách ném bom thành phố, Liên Xô đã cố gắng đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc cho quốc gia trung lập này.
Ném bom
Vào ngày 22 tháng 2 năm 1944, buổi tối mùa đông lúc 8 giờ, bốn máy bay ném bom nước ngoài không xác định xuất hiện trên bầu trời Thụy Điển. Hệ thống phòng không của quân đội Thụy Điển hoàn toàn vô dụng…
Thụy Điển là nước trung lập, Thụy Điển đã không công khai tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột nào trong gần 150 năm, đã bị sốc nặng, họ có cảm giác rằng họ đang ở giữa cuộc chiến... 
Bom, lần đầu tiên trong lịch sử của thành phố, bắt đầu rơi vào các nơi của thủ đô Thụy Điển. Một quả bom nặng 100kg, phá hủy một nhà hát ngoài trời mới, để lại một miệng hố khổng lồ sâu 3 mét và rộng 5 mét. 
Không chỉ thủ đô Stockholm chịu đựng, thị trấn nhỏ của strangnas, vài dặm về phía tây, cũng bị tấn công…
Sau khi những quả bom cuối cùng rơi xuống lúc gần 1 giờ sáng, những chiếc máy bay ném bom bí ẩn đã bay về phía biển Baltic. May mắn thay, không có trường hợp tử vong trên mặt đất. Chỉ có hai lính Thụy Điển bị thương.
Khi mảnh đạn từ bom được xác định là của Liên Xô, một câu hỏi được đặt ra: đó có phải là một sai lầm hoặc có một cuộc xâm lược hoàn toàn bởi Liên Xô mới chỉ bắt đầu?


Bom rơi, đạn nổ là thế nào đối với một quốc gia yên bình gần 150 năm nay!
Bom rơi, đạn nổ là thế nào đối với một quốc gia yên bình gần 150 năm nay! 

Liên Xô không nhận lỗi…
Một cuộc kiểm tra đạn pháo cho thấy cuộc không kích vào Stockholm đã được thực hiện bởi máy bay Liên Xô. Tuy nhiên, nó đã sớm được khẳng định rằng không có cuộc xâm lược của Liên Xô sắp xảy ra. Nhưng câu hỏi vẫn còn cho đến ngày nay: mục đích của cuộc tấn công này là gì?
Vào tháng 2 năm 1944, không quân Liên Xô đã tiến hành các vụ đánh bom khổng lồ ở Phần Lan. Các cuộc tấn công đặc biệt khốc liệt đã được thực hiện ở Helsinki, Turku và Kotka, nhưng các máy bay ném bom cũng đã tới Mariehamn trên Quần đảo Aland từ Thụy Điển.
Cuối cùng, người Thụy Điển kết luận rằng cuộc không kích Stockholm là một sai lầm và các máy bay ném bom của Liên Xô chỉ đơn giản là lạc đường trong đêm mùa đông đen tối đó bởi những sự cố như vậy không phải là chưa từng có… 
Năm 1940, máy bay Liên Xô đã vô tình ném bom Pajala ở miền bắc Thụy Điển trong Chiến tranh Mùa đông. Tuy nhiên, Liên Xô không phải là người duy nhất. Không quân Hoàng gia Anh đã tấn công nhầm MalmoLund vào năm 1940 và 1943.
Chính thức, Thụy Điển đã nhận ra vụ tai nạn là lỗi điều hướng của không quân Liên Xô. Tuy nhiên, lãnh đạo của đất nước đã phẫn nộ rằng không giống như người Anh, đã xin lỗi, Liên Xô không muốn thừa nhận lỗi của mình.
Vậy tại sao Liên Xô không xin lỗi Thụy Điển như Vương quốc Anh?
Đơn giản là vì Liên Xô cố tình làm vậy để thứ nhất, cảnh báo cho Thụy Điển không được hỗ trợ và gửi quân đến Phần Lan như đã làm trong Chiến tranh Mùa đông và thứ hai, thả viên sỹ quan tình báo Nga đang bị họ bắt giữ.
Sĩ quan tình báo Liên Xô Vasily Sidorenko bị Thụy Điển bắt vào năm 1942 vì tội gián điệp. Nhiều lần Liên Xô yêu cầu Thụy Điển thả Sidorenko, nhưng người Thụy Điển từ chối và đã kết án ông 12 năm tù. 
Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, Molotov đã nói mạnh mẽ với đặc phái viên Thụy Điển, ông Wilhelm Assarsson rằng, “Bạn đang để Sidorenko chết vì đói và bị ngược đãi. Sidorenko tự do, đó là những gì chúng tôi đang đòi hỏi, trước hết và quan trọng nhất”.
Nếu cuộc không kích của Liên Xô có những mục tiêu như vậy (gần như chắc chắn), thì nó đã đạt được chúng: Thụy Điển đã không giúp đỡ cho Phần Lan và hơn thế nữa, Vasily Sidorenko đã được thả ra bốn ngày sau vụ đánh bom Stockholm.
Thực ra đây là một câu chuyện lịch sử nhỏ nhoi không đáng để kể ra làm mất thời gian bạn đọc, nhưng thật thú vị là có vẻ như mùi khét lẹt của khói bom, thuốc đạn năm đó cách đây 75 năm chưa tan khỏi bầu trời Stockholm, hay độ rung chấn từ bom đến nay vẫn chưa ngừng…
Bắc cực tan băng, Thụy Điển muốn chia phần…
Lần đầu tiên trong lịch sử của khối NATO, Thụy Điển, sau một thập kỷ rưỡi, đã trải qua toàn bộ chu trình chuẩn bị cho gia nhập NATO đã từ chối nó.
Thật khó để cho rằng những người Thụy Điển thân thiện với Liên bang Nga, vì ở đó cũng có sự tuyên truyền chống Nga giống như toàn bộ châu Âu, tuy nhiên, chính phủ Thụy Điển nhận thức được rằng “phong tỏa Nga là một mối đe dọa chính mình”.
Bạn không cần phải là một nhà chiến lược quân sự vĩ đại để hiểu rằng, việc gia nhập một quốc gia vào NATO gần biên giới Nga sẽ khiến nó trở thành một trong những mục tiêu đầu tiên của quân đội Nga trong trường hợp có xung đột xảy ra. Do dó Thụy Điển đã từng “hủy hôn” với NATO sau một thời gian dài chuẩn bị.
Tuy nhiên gần đây, khi Bắc Cực đã tan băng đã xuất hiện một tuyến hàng hải rất quan trọng, đồng thời đã vén lên tấm băng đá, làm xuất hiện dưới dáy đại dương một nguồn năng lượng khổng lồ khiến cho Thụy Điển mê mẩn, thèm muốn…
Mặc dù từ trước đến nay Thụy Điển và Phần Lan vẫn giữ vị trí trung lập với NATO, nhưng gần đây hai nước này đã nghiêng hẳn và NATO chống Nga. Họ tham gia ngày càng tích cực vào các cuộc tập trận quân sự chung với NATO được tổ chức ở khu vực Bắc Cực hàng năm trên không phận Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan kể từ năm 2013 mang tên Arctic Challenge Exercise.
Bắt đầu từ ngày 20/5 đến ngày 5/6/2019 với sự tham gia của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đan Mạch, Đức, Pháp, Na Uy và hai quốc gia trung lập Thụy Điển và Phần Lan. Mục tiêu của cuộc tập trận được tuyên bố công khai là chống sự gia tăng quân sự của Nga.
Vậy là đã rõ, Thụy Điển đã rời bỏ tính trung lập để nghiêng hẳn về NATO chống Nga và thật khó hiểu, nếu như không muốn nói là dại dột, trong khi Nga đã là một ông Vua ở Bắc Cực với đầy đủ sức mạnh, ưu thế vượt trội, đã đi trước 1 thập kỷ so với Mỹ-NATO.
Phải chăng, người Thụy Điển đã quên, đã không còn nghe được tiếng bom nổ tại thủ đô Stockholm năm nào vọng lại?…
Lịch sử không muốn dạy ai điều gì, nhưng không học nó thì sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.