Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Bỏ cấm vận vũ khí của Mỹ trong góc nhìn của lính.



Bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam là hành động mang tính quân sự của Mỹ, nhưng ý nghĩa quân sự lại nhỏ hơn rất nhiều so với ý nghĩa chính trị.

Mấy ngày qua, việc Mỹ chính thức tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam đã khiến dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm. Có thể nói, cách đây 20 năm, Mỹ tuyên bố bỏ cấm vận (trừ vũ khí sát thương), bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ chưa khiến dư luận quan tâm đến thế, bởi lẽ, trong tình thế hiện nay thì việc bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam của Mỹ nó có ý nghĩa đặc biệt.
Khẳng định vị thế Việt Nam.
Việt Nam hoan nghênh quyết định của chính phủ Mỹ, “dư luận khu vực vui mừng, trừ Trung Quốc” như giáo sư Carl Thayer bình luận. Tuy nhiên, có 3 điều mà chúng ta cần lưu ý.
Điều thứ nhất, đừng cho rằng: Khi Mỹ bỏ cấm vận vũ khí thì Việt Nam sẽ “khuân” hết các loại vũ khí hiện đại của nước Mỹ về nhà để bảo vệ Tổ quốc. Bởi vì, một là Mỹ không bao giờ cho không; hai là, ngay như Nga là đối tác truyền thống, tin cậy, nhưng không phải muốn mua cái gì là Nga bán cho cái đó, thì với Mỹ…đừng có mơ xa; ba là, vũ khí trang bị cho quân đội Việt Nam còn phụ thuộc vào tư tưởng quân sự và nghệ thuật quân sự của Việt Nam, cho nên, tốt với Mỹ, nhưng với Việt Nam thì không.
Điều thứ hai, đừng cho rằng khi có vũ khí hiện đại của Mỹ là Tổ quốc vững như bàn thạch, không ai dám động đến. Hãy xem Iraq hiện nay đấy, họ có vũ khí Mỹ hiện đại trang bị đến tận răng, quân số đông gấp 10 lần, thế nhưng IS vẫn chiến thắng; hoặc như Afganistan, không những vũ khí Mỹ mà còn có Mỹ-NATO trực tiếp chiến đấu nhưng có thắng nổi Taliban đâu…Rồi ngay như miền Nam Việt Nam trước năm 1975, Vũ khí của Mỹ trang bị cho chế độ Sài Gòn, hiện đại, hùng hậu hơn nhiều lần bộ đội ta nhưng vẫn thất bại. Tất cả điều đó chứng tỏ vũ khí là quan trọng, nhưng con người mới quyết định thành bại của cuộc chiến.
Điều thứ ba là, Việt Nam đã từng đối đầu với vũ khí Mỹ trên chiến trường, Việt Nam đã tồn tại trong các cuộc chiến tranh khốc liệt và có được như ngày nay mà chưa từng sử dụng vũ khí của Mỹ. Điều đó có nghĩa là Việt Nam mới được biết đến vũ khí của Nga, Trung Quốc và các nước bạn bè khác chứ chưa được sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, có được vũ khí của Mỹ, một cường quốc quân sự số1 thế giới là điều tốt, nhưng không có vũ khí Mỹ thì Việt Nam vẫn đã, đang và sẽ đưa thẳng không quân, Hải quân…lên hiện đại, hiện đại hơn, đến nay, Việt Nam đã có một khung lực lượng tác chiến tầm xa đảm bảo đủ sức đương đầu với kẻ thù tiềm tàng trong tình hình mới mà đâu phải ngồi chờ Mỹ bỏ cấm vận vũ khí.
Cách đây hơn 1 năm báo Đất Việt đã đăng bài “Những rung chấn quanh việc Việt Nam với P-3C ORION của Mỹ” và cách đây hơn 2 tháng báo Đất Việt cũng có bài: “Việt Nam sẽ mua gì đầu tiên khi Mỹ bỏ cấm vận vũ khí”, ở đó, bằng giác quan của người lính, tôi đã phân tích sự lợi hại của máy bay P-3C của Mỹ trên lính vực chống ngầm của Việt Nam. Nhưng, đương nhiên, thực tế là “sân chơi” này của Việt Nam luôn “mở cửa” chứ không đóng cửa, ngồi nhìn, trông chờ vào vũ khí P-3C của Mỹ đâu nhé.
Như vậy, từ 3 điều thực tế trên đã không cho phép và các nhà quân sự Việt Nam vốn không bao giờ thần thánh hóa vũ khí nói chung và vũ khí của Mỹ nói riêng. Do đó, về quân sự, việc bỏ cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ với Việt Nam, ý nghĩa không lớn, nhưng, ý nghĩa về chính trị lại rất lớn mà chúng ta nhận thấy sau đây.
Đã 20 năm nay quan hệ Việt-Mỹ có điều bất bình thường, là sự cấm vận vũ khí của Mỹ với Việt Nam. Đây, thực chất là sự thù địch giữa 2 nước chưa được gỡ bỏ, giống như một một dãy đá ngầm nguy hiểm, cản trở dòng chảy quan hệ Việt-Mỹ.
Ở  khu vực châu Á-TBD và ven Biển Đông, mọi quốc gia có tiền đều có thể mua vũ khí Mỹ, trừ Việt Nam và Trung Quốc bị Mỹ cấm vận vũ khí.
Nếu Mỹ sẵn sàng bán vũ khí cho Việt Nam thì có nghĩa Việt Nam được Mỹ coi như không làm hại đến lợi ích an ninh Mỹ. Và do vậy, ở một góc độ nào đó, những ai được Mỹ bán vũ khí thì là có cùng mục đích an ninh chung, có sự tin cậy lẫn nhau. Vì thế, dễ hiểu tại sao Trung Quốc không bán vũ khí cho Việt Nam, Philipines, Nhật Bản…hay nói chung là các nước có tranh chấp với Trung Quốc trên biển và quả thật những quốc gia đó, Trung Quốc có cho không, họ cũng không lấy.
Không ai đi bán, cung cấp vũ khí cho kẻ thù, Mỹ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam chứng tỏ, Mỹ không coi Việt Nam là thù địch, ít nhất là về mặt ngoại giao (Đương nhiên, Việt Nam luôn muốn là bạn với Mỹ, đó là đường lối đối ngoại của Việt Nam). Đây là ý nghĩa chính trị rất lớn mà 2 nhà nước Việt-Mỹ, phấn đấu, vượt qua bao chướng ngại, mới đạt được sau sự “bất bình thường” kéo dài 20 năm qua.
Ý nghĩa chính trị lớn tiếp theo không kém phần quan trọng nữa là khẳng định vị thế Việt Nam.
Ukraine có vị trí địa chính trị, quân sự trong góc nhìn của Mỹ như thế nào, thì thời gian qua Mỹ trực tiếp cấm vận chống Nga, còn EU thì cắn răng chịu đau cùng Mỹ vào cuộc…chúng ta đã rõ. Thế nhưng, Tổng thống Ukraine đã sang Mỹ, kêu gào Mỹ viện trợ, cung cấp vũ khí, nhưng Mỹ “nói không” với Ukraine. Rõ ràng là trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, Ukraine chưa có vai trò gì lớn, nếu như không muốn nói là một con tốt thí chống Nga.
Việc bỏ cấm vận cũ khí với Việt Nam, chứng tỏ Việt Nam đang trở thành đối tác chiến lược của Mỹ dù chưa thành văn, bởi vì, khi làm điều gì đó thỏa mãn lợi ích chiến lược cho cả đôi bên thì là gì nếu không phải là đối tác chiến lược?
Như vậy, có thể sau này Việt Nam không mua, chưa mua, loại vũ khí nào của Mỹ thì ý nghĩa chính trị của vấn đề cũng không vì thế mà mất đi. Bỏ cấm vận vũ khí của Mỹ với Việt Nam là một nhu cầu tất yếu của thực tế khách quan. Không những nhân dân Việt Nam vốn có tính hòa hiếu, hoan nghênh, vui mừng mà các quốc gia khu vực cũng vững dạ khi Việt Nam ngày càng có một năng lực phòng thủ hùng mạnh. Điều đó chứng tỏ Việt Nam có một vị thế, vai trò lớn trong việc bảo đảm ổn định, hòa bình trong khu vực trước các thế lực gây bất ổn.


Việt Nam luôn muốn là bạn với bất kỳ quốc gia nào tôn trọng toàn vẹn chủ quyền, lãnh hải Việt Nam và cũng không và chưa sợ bất kỳ quốc gia nào khi xâm phạm điều đó.

Vũ khí Mỹ trong góc nhìn của lính.
Một điều rất thú vị là vũ khí của Mỹ đã từng là đối đầu với quân đội Việt Nam, cho nên, đánh giá sự lợi hại của vũ khí quân đội Mỹ không ai chính xác bằng quân đội Việt Nam. Chỉ có Việt Nam mới đánh giá chính xác độ ưu việt của vũ khí Nga và Mỹ khi đã từng đối đầu khốc liệt với nhau trong chiến tranh. Do vậy, khi các vị tướng lĩnh cao cấp của quân đội Việt Nam được sinh ra trong cuộc đối đầu với vũ khí Mỹ thì, yên tâm đi, kinh nghiệm của cha anh để lại cùng với học phí bằng xương máu, họ mua thứ nào là “chắc như cua gạch” thứ đó.
Quả thật, không ai có thể phủ nhận là vũ khí của Mỹ có những thứ rất cần thiết và phù hợp với quân đội Việt Nam. Chẳng hạn như máy bay săn ngầm P-3C Orion. Dù không có vũ khí trên đó thì nó vẫn rất "thú vị" với Việt Nam. Đây là loại máy bay chống ngầm trên đại dương, tầm xa chiến lược của Mỹ và do đó chỉ có tầm cỡ như Mỹ, Nhật Bản mới có đủ năng lực bảo đảm an toàn cho nó hoạt động. Nhưng với Việt Nam thì P-3C Orion chỉ cần hành trình trinh sát trong không hải phận và thậm chí trong không phận Việt Nam là đủ, Biển Đông trước mặt Việt Nam mà. Và, với cung đường, khu vực quan sát, phát hiện mục tiêu như vậy, P-3C Orion hoàn toàn hoạt động trong sự che chở của hệ thống lưới lửa phòng không và lực lượng tiêm kích của không quân Việt Nam, cho nên, P-3C Orion thừa sức hoàn thành nhiệm vụ.
Hiện tại Mỹ chỉ mới bỏ cấm vận vũ khí phục vụ cho "an ninh hàng hải", nếu như dỡ bỏ toàn bộ thì có một loại máy bay của Mỹ nữa mà một người lính như tôi cũng thích có nó chỉ vì một thời, bộ đội Trường Sơn đã rất "tôn trọng" đối thủ này và một loại pháo nữa rất cần cho Trường Sa là pháo M-109A5, thế là đủ.
Quân đội Việt Nam rất biết những thứ gì cần cho mình và lặng lẽ chuẩn bị từ nhiều nguồn khác nhau. Sử dụng vũ khí sáng tạo, một nghệ thuật chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc bất khả chiến bại luôn là một thách thức lớn cho bất kỳ kẻ thù nào.

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Tấn công IS, Mỹ dập lửa bằng xăng!


Nuôi dưỡng các tổ chức thánh chiến để tạo ra lực lượng đối lập là phương thức can thiệp, lật đổ, hữu hiệu nhất trong trò chơi địa chính trị của Mỹ.
Đúng một thập kỷ kể từ khi Liên Xô tan rã, cũng là thời gian Mỹ trở thành siêu cường số 1 thế giới thì xảy ra sự kiện khủng bố tấn công nước Mỹ sát hại hơn 3000 người. Ngày 11/9/2001 là ngày khủng khiếp nhất của lịch sử nước Mỹ và cũng là thời điểm bắt đầu cho chiến lược chống khủng bố toàn cầu do Mỹ đứng đầu phát động.
Cho đến thời điểm này, quan sát đánh giá phương thức chống khủng bố toàn cầu của Mỹ, nói theo cách ví von của các nhà chính khách thì đây là một “trò chơi” địa chính trị, nhưng, “trò chơi” này thực chất là một cuộc chiến địa chính trị của Mỹ nhằm duy trì, củng cố vị trí bá chủ thế giới tuyệt đối của mình. Trong cuộc chiến này, Mỹ dùng cái mác “chống khủng bố” để lật đổ nốt những quốc gia nào có địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế quan trọng mà không theo cái gậy chỉ huy của Mỹ. Có thể nói, cuộc chiến vì dầu mỏ có vẻ như hợp lý, đúng bản chất nhất thay vì cái tên cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động trong thời gian qua.
Lợi ích của Mỹ trong sách lược “nuôi và giết thịt”.
Kẻ thù của của Mỹ trong cuộc chống khủng bố toàn cầu của Mỹ được xác định là các tổ chức khủng bố hồi giáo cực đoan, các quốc gia có liên can với tổ chức khủng bố, các quốc gia tài trợ chứa chấp khủng bố…Thế nhưng trớ trêu thay, những đối tượng đó trước khi trở thành “khủng bố” đều là bạn thân của Mỹ, được Mỹ hoặc là hà hơi tiếp sức, nuôi dưỡng như Bin Laden và tổ chức Al-Qeada, Taliban, hoặc là tạo ra mảnh đất màu mỡ để phát triển như IS, các tổ chức đối lập tại Syria, Lybia…
Năm 1979, Liên Xô đổ quân vào Afghanistan để cứu nguy cho chế độ thân Liên Xô thì Mỹ không ngồi yên. Mỹ cung cấp vũ khí trang bị hiện đại hàng tỷ USD cho Tổ chức thánh chiến cực đoan Taliban để chống lại. Liên Xô sa lầy rút quân năm 1989, Taliban lên nắm quyền và một nhà nước hồi giáo cực đoan ra đời. Có lẽ không ai tưởng tượng nổi giai đoạn cầm quyền của Taliban tại Afghanistan họ đã ban hành những đạo luật gì để áp đặt ý chí chính trị (hồi giáo cực đoan) lên toàn xã hội, chỉ biết rằng sau vụ khủng bố kinh hoàng tại nước Mỹ (11/9/2001) Bin Lade và al-Qaeda được coi là chủ mưu, trong khi đang được Taliban chứa chấp, che dấu…
Năm 2001, Mỹ-NATO tấn công Afghanistan vì dung túng, chứa chấp Bin Laden và tổ chức hồi giáo cực đoan al-Qaeda, nhưng, sự thật lấp ló đằng sau là Mỹ-NATO muốn khử chế độ Taliban bất trị và để kiểm soát hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan qua Afghanistan tới Pakistan và Ấn Độ.
Năm 2003, Mỹ tấn công trực tiếp vào Iraq vì Iraq có liên can với al-Qaeda và có “vũ khí giết người hàng loạt”, nhưng, sự thật lấp ló đằng sau là để kiểm soát các trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của Iraq khi ông Tổng thống Saddam Hussein đã tỏ ra không chịu nghe theo gậy chỉ huy của Mỹ. Có thể nói, mặc dù là một nhà nước hồi giáo, nhưng dưới sự cầm quyền của Saddam là một nhà nước hồi giáo ôn hòa, đã khống chế, kiềm tỏa rất chắc chắn các tổ chức hồi giáo khác trong nước. Chỉ đến khi Mỹ tấn công xóa bỏ chế độ này thì các tổ chức hồi giáo cực đoan được tháo cũi, “hưởng nền dân chủ” của Mỹ nhưng không theo kiểu Mỹ mà theo kiểu của “hồi giáo cực đoan”, dẫn đến tình hình Iraq như bây giờ…
Năm 2011, với lý do bảo vệ người dân Lybia bị chính quyền của Tổng thống Libya Muammar Gaddafi đàn áp, Mỹ-NATO tấn công Lybia, nhưng sự thật lấp ló đằng sau là, thứ nhất do Gaddafi không tiếp tục duy trì những quy tắc cũ vốn được xác lập giữa chính phủ các nước sản xuất dầu và các công ty dầu mỏ lớn của Mỹ, NATO, Gaddafi đã dám quốc hữu hoá phần lớn các cơ sở sản xuất dầu mỏ ở Libya và nắm quyền kiểm soát giá cả từ các công ty dầu khí ở đó để khẳng định quyền kiểm soát nguồn dự trữ dầu quốc gia mình. Thứ hai là đánh bật Trung Quốc ra khỏi Bắc Phi, Trung Quốc là nạn nhân và đau như hoạn về vụ này khi bị “bật bãi”. Thứ ba là dầu mỏ ở Lybia rất tốt (dầu thô ngọt), khai thác rất dễ và có trữ lượng thứ 7 của thế giới lại có một địa chính trị rất quan trọng. Và, kết quả tình hình chính trị, quân sự ở Lybia bây giờ là đã mất kiểm soát, chính phủ do Mỹ-NATO dựng lên đã tan rã, nội chiến xảy ra (tất nhiên là có sự tham gia của các tổ chức hồi giáo) khiến Mỹ và NATO bỏ của chạy lấy người.
Đến đây, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận sạch trơn việc chống khủng bố. Chúng ta hoàn toàn ủng hộ chống khủng bố và lên án hành động tàn ác vô nhân đạo của các tổ chức khủng bố, nhưng chúng ta không ủng hộ việc lợi dụng chống khủng bố để can thiệp, lật đổ, xâm lược các quốc gia khác vì mục đích chính trị và kinh tế.
Trên lục địa Bắc Phi, cuộc nổi loạn và sự trả thù các phiến quân nổi loạn ở Somalia là một ví dụ tồi tệ nhất. Cuộc thảm sát ở Rwanda năm 1994 khiến gần 1 triệu người thiệt mạng. Somalia là một chính quyền hỗn loạn, tan rã và thất bại, nước này không có chính phủ ổn định kể từ năm 1991. Vậy tại sao Mỹ-NATO không can thiệp cứu lấy cuộc sống của thường dân vì Somalia? Lòng căm thù và sự xung đột sắc tộc giữa người Hutu và người Tutsi gây ra tội ác diệt chủng kinh hoàng. Mỹ-NATO khoanh tay đứng nhìn bất chấp sự hiện diện vô vọng của quân LHQ, hay như Cộng đồng Kinh tế Tây Phi phải chi hàng tỷ USD vào việc giữ gìn hòa bình và ổn định cho Liberia và Sierra Leone, nhưng Mỹ-NATO không hề có gợi ý can thiệp quân sự để bảo vệ tính mạng cho thường dân vô tội ở đây? Phải chăng những nước này không giống LibyaIraq: không có dầu mỏ?
Rõ ràng là những tổ chức hồi giáo cực đoan hay là nhà nước hồi giáo cực đoan này với Mỹ luôn luôn đối đầu về ý thức hệ mà biểu hiện rõ nhất là họ không thể chấp nhận được dân chủ kiểu Mỹ, cho nên, dứt khoát và tất yếu sẽ phản bội lại nhau. Vấn đề là tại sao Mỹ lại thường chơi và cưu mang, nuôi dưỡng lực lượng này như chơi với dao? Tại sao biết việc “cưỡng dâm chính trị” các nước ở Trung Đông, Bắc Phi sẽ sinh ra những “đứa con hoang” hung hãn, thánh chiến cực đoan như IS…sẵn sàng khủng bố lại mình, nhưng Mỹ-NATO vẫn không ngại ra tay hành động?
Câu trả lời chính xác là lợi ích. Lợi ích chính trị, lợi ích kinh tế và là phương cách khả thi nhất để đạt được lợi ích, nên Mỹ bất chấp dù có thể bị đứt tay.
IS đã đến lúc “giết thịt”dễ dàng?
Iraq đã không có gì lạ đối với Mỹ khi tiêu diệt IS. Không ngăn chặn, diệt IS thì coi như công gây dựng hơn 10 năm trời tại Iraq của Mỹ mất trắng. Tuy nhiên điều chúng ta quan tâm ở đây là IS lại có căn cứ tại SyriaSyria thì…như một cái gai trong mắt, Mỹ cần phải nhổ. Vậy liệu Mỹ có nhân việc tiêu diệt IS trên đất Syria có thuận tay lật đổ luôn chính quyền hiện tại ở Syria hay không?
Điều đáng tiếc cho Mỹ là IS lại là lực lượng không đội trời chung với chính quyền của TT Syria Bashar al-Assad, vũ khí hóa học tại Syria đã được thu hồi, giải giáp, thì liên minh Mỹ và hơn 40 quốc gia trên thế giới để chống IS không có cớ để đánh hội đồng vào Syria. Hơn nữa, Syria là đồng minh thân cận của Nga, trong khi Nga đang ở trong tình thế rất dễ “bức xúc” thì đụng vào Syria không khéo lại xảy ra chuyện lớn với Trung Đông và thế giới như các nhà phân tích đã nhận định.
Trên chiến trường, chiến thắng đầy đủ ý nghĩa khi chỉ khi người lính xuất hiện và làm chủ, do vậy, thay vì người lính Mỹ, hay liên minh chống IS chưa xuất hiện chỉ là những trận không kích thì với lực lượng IS chỉ là như “nước đổ đầu vịt”, hãy khoan nói đến chiến thắng, hãy khoan nói đã tiêu diệt hết IS.
Đối tượng tác chiến của Mỹ và liên minh không bạc nhược như họ thường gặp, IS là một tổ chức khủng bố lại có tính nhà nước nên rất linh hoạt và có ý chí chiến đấu rất khác với tổ chức al-Qaeda. TT Mỹ Obama đã cay đắng thừa nhận đã đánh giá thấp khả năng, sức mạnh của IS, tướng Mỹ cũng thừa nhận IS đã thích nghi rất nhanh bởi cuộc không kích…điều đó có nghĩa là bằng không kích thì chẳng “giết thịt” được IS.
Bin Laden từng khẳng định: “Khi người ta nhìn thấy một con ngựa khỏe thì họ sẽ thích con ngựa đó”. Làm gì để người ta thấy đó là “con ngựa khỏe”, IS đã khiêu khích Mỹ, Anh, Pháp…bằng cách chặt đầu công dân của 3 nước này, đe dọa tấn công khủng bố…Việc được đối đầu với Mỹ, Anh, Pháp đã khiến một tổ chức cực đoan Hồi giáo trở nên mạnh mẽ, IS đã thu hút hơn 2.000 người châu Âu và 100 người Mỹ. Rõ ràng, một cuộc chiến chống Mỹ sẽ là công cụ tuyên truyền hiệu quả để giúp IS vận động sự ủng hộ đông đảo hơn của người Hồi giáo cực đoan trên phạm vi toàn cầu.

Như vậy, việc “cưỡng dâm chính trị” Iraq đã sinh ra đứa con IS ngoài ý muốn. Nếu Mỹ tiêu diệt IS cùng với mục tiêu lật đổ TT  Syria Bashar al-Assad để kiếm lợi, thì tình hình càng vô cùng hỗn độn, không lường trước được, điều chắc chắn là là sẽ xuất hiện thêm nhiều IS khác mà mức độ còn nguy hiểm hơn. Còn dốc sức vào chỉ một mục tiêu là diệt IS thì kết quả lời lỗ được tính vào Iraq, đơn giản Mỹ chỉ giải quyết hậu quả mà thôi. Tuy nhiên, với phương cách tiêu diệt khủng bố của Mỹ như từng áp dụng xảy ra, tư duy quân sự trên chiến trường Syria bị ràng buộc bởi chính trị như hiện nay là bất hợp tác với Iran, Syria, nếu không thay đổi, Mỹ  không thể đánh bại IS. Hành động quân sự của Mỹ như "dập lửa bằng xăng".