Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

Ai sẽ kéo cờ chiến thắng tại Deir Ezzor?


Liên minh Mỹ đã không thể về chiến thuật và không có lực lượng mặt đất đủ mạnh thì không còn hy vọng về Deir Ezzor…
Mỹ và phương Tây…đã tính lầm khi cho rằng các nhóm lực lượng “đối lập ôn hòa” ở mặt trận phía Tây-Bắc Syria chính là lực lượng quyết định trận cuối cùng cáo chung chính quyền Assad, nhưng, trên mặt trận phía Đông Syria, Deir Ezzor, mới là trận quyết định cuối cùng…khẳng định vị thế của chính quyền Assad.
Để hiểu một cách có hệ thống, logic những phân tích này, hãy đọc “Thế thua không thể gỡ của liên minh Mỹ ở Syria”ở bài trước.
Những bước đi chiến thuật
Một diễn biến mới xuất hiện tại khu vực Bắc và Đông Aleppo.
Phía Bắc Aleppo đã có sự xuất hiện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ giao tranh với YPG, một vài vị trí của YPG đã mất. Tình huống này đã gây áp lực mạnh mẽ với YPG. Trong khi đó, để làm dịu căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ tuyên bố sẽ thu hồi vũ khí mà họ đã viện trợ cho YPG sau khi giải quyết xong Raqqah.
Tình huống mới này cho thấy: Thứ nhất, khả năng dứt điểm Raqqah của SDF trong đó chủ yếu là YPG là rất khó khăn. YPG thiếu lòng tin vào Mỹ và tính toán cho lợi ích của mình, nên sẽ không dốc toàn lực vào Raqqah, hy sinh bao xương máu để rồi “bị tước vũ khí” là không thể chấp nhận với họ.
Thứ hai, mặt trận phía Tây Syria khả năng yên tĩnh khá cao bởi lực lượng phiến quân ở đây không dễ gây hấn lớn nếu như chưa có sự đồng ý của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi chắc chắn Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đã có thỏa thuận riêng, như trong chiến dịch “Lá chắn Euphrayes” trước đây.
Việc mặt trận phía Tây Syria ổn định, như đã phân tích trong bài trước, là cực kỳ quan trọng. Xác định được chắc chắn điều này đã tạo điều kiện cho SAA tập trung nguồn lực giải quyết nốt lực lượng IS đang chiếm giữ ở vùng nông thôn phía Đông Nam Aleppo trong vùng đồng bằng Khanasser.
Chính thế mà sau chiến dịch Hama, SAA đã rảnh tay điều lữ đoàn con Hổ Syria đến khu vực Đông Aleppo tấn công đánh chiếm Maskaneh phát triển tiếp đến thị trấn chiến lược Resafa.
Giải phóng Resafa, khống chế con đường Hama-Ithriya-Resafa, qua đó thu hẹp vùng chiếm đóng của IS từ 250 km còn lại 60 km (Đông Khanasser) tạo ra cho cánh quân Đông Aleppo này 2 phương án tấn công thuận lợi mà không sợ hở lưng: Bịt kín phía Nam Raqqah và cắt đứt con đường Raqqah-Deir Ezzor hoặc phát triển theo hướng Đông Homs, phối hợp với cánh quân Palmyra đánh vào Al Sukhanah.
Khả năng hợp lý là Bộ tham mưu SAA sẽ sử dụng cánh quân Đông Aleppo tấn công IS tại khu vực phía Đông Homs để không cho IS xây dựng củng cố vào sâu trong lãnh thổ phía Tây. Thực tế là 6 quả tên lửa Kalibr của Nga phóng hôm qua cũng nhằm vào mục tiêu ở khu vực này.
Tình thế có vẻ như đến hôm nay, “quả đấm” này đã đến vị trí xuất phát tấn công sau một quá trình hành tiến (đánh địch mà đi) rất cam go và anh dũng.


Tại hướng Đông Nam Syria.
Ý đồ của Liên minh Mỹ tại Nam Syria, biên giới Jordan-Syria…như nào ta đã phân tích trước. Với một lực lượng được huấn luyện đào tạo tại Jordan được gọi là Quân đội Syria tự do (FSA) chừng 8-10 ngàn quân, được trang bị vũ khí hiện đại, Mỹ muốn sử dụng lực lượng này đánh thốc lên phía Bắc dọc theo biên giới Syria-Iraq, “hóa giải” 2 vị trí chiến lược mà IS đang trấn giữ là Al Bukamal và Mayadin tạo ra một mũi tấn công vào Deir Ezzor từ hướng Tây Nam.
Cùng lúc đó, sau khi giải phóng Raqqah, cánh quân SDF sẽ tấn công Deir Ezzor từ hướng Đông Bắc. Hai mũi tấn công của liên minh Mỹ sẽ buộc IS rút sâu vào phía Đông Homs tạo ra một vùng đệm an ninh giữa họ và quân chính phủ và họ “duyệt binh” tại thủ phủ Deir Ezzor.
 Tuy nhiên, kế hoạch giải phóng Deir Ezzor của liên minh Mỹ có một chút trở ngại là tại Deir Ezzor đang còn có một lực lượng Vệ binh cộng hòa Syria trấn giữ, do đó Mỹ muốn IS loại bỏ lực lượng này trước khi tiếp quản để tránh rắc rối với Nga-Syria sau này…
Đây là lý do trong thời gian qua, IS từ Raqqah được tràn về với đầy đủ vũ khí hạng nặng tấn công dồn dập khiến cho quân Assad tại đây khốn đốn và nhiều lúc sắp thất thủ.
Phía liên quân Nga-Syria-Iran.
Bộ tham mưu Nga-Syria điều động Sư đoàn thiết giáp số 4 (có ít nhất 13.000 người, 350 xe tăng, 200 xe chiến đấu bộ binh, 54 khẩu tự hành, không bao gồm các đơn vị phòng không, thông tin, hậu cần, tình báo, trinh sát…), lữ đoàn 800 Vệ binh Cộng hòa và lực lượng tình nguyện Hezbollah.
Đối tượng tác chiến của SAA và NDF tại đây là FSA, và số ngoan cố của nhóm tàn tích Al Qeada không chịu rời bỏ vị trí về Idlib. Nếu so sánh về quân số và trang bị thì không là gì với SAA. Vì thế, SAA đã phát triển rất nhanh vùng quanh Damasucs và gần như làm chủ vùng biên giới Syria-Jordan ở Nam Syria.
Tuy nhiên SAA phải dùng lại trước Al Tanf bởi đây là căn cứ mà Mỹ ngang nhiên xây dựng, huấn luyện cho lực lượng FSA vì bị không quân Mỹ tấn công trong khi SAA muốn tránh đối đầu với Mỹ và liên minh.
Một cuộc đối đầu căng thẳng Nga-Mỹ đã xảy ra tại mặt trận này về cả việc đấu trí đấu mưu và nắn thần kinh nhau…và cuối cùng căn cứ Al Tanf của liên minh Mỹ như bị phong tỏa…
Giới quân sự đến nay vẫn không hiểu hết không biết Bộ tham mưu liên minh Nga-Syria-Iran nghi binh kiểu gì mà với một khoảng cách hơn 150 km trên sa mạc, một lực lượng chiến đấu với trang bị đầy đủ của SAA đã chiếm Al Bawdah cách phía Bắc Al Tanf 40 km mà Mỹ ngồi nhìn…
Cuộc hành quân đánh chiếm Al Bawdah thần tốc này cùng với lực lượng PMU thân Iran lần đầu tiên, 2 lực lượng đã giáp mặt nhhau tại biên giới Syria-Iraq đã cắt đứt hướng tiến công của FSA dọc theo biên giới…
Điều này có nghĩa là sẽ không bao giờ có mũi tấn công vào phía Tây Nam Deir Ezzor của liên minh Mỹ bằng FSA.
Ai kéo cờ chiến thắng tại Deir Ezzor?
Vậy đến đây, bên nào có lợi thế giành được Deir Ezzor? Nếu như nói rằng liên minh Mỹ thì họ sẽ giành được bằng lực lượng nào? Từ hướng nào?
Ai cũng biết Mỹ rất mạnh nhưng lực lượng họ tham gia trong trận quyết chiến này họ có gì khi lực lượng quyết định thành bại là bộ binh thì của họ quá mỏng và quá yếu so với Liên minh Nga-Syria-Iran?
Trong khi đó, chỉ trong một thời gian ngắn, Quân đội Syria, phát triển theo hướng Đông Aleppo đã chiếm giữ hơn 1.400 km vuông lãnh thổ từ IS ở tỉnh Raqqah. Ngoài ra, một số mỏ khai thác dầu và khí đốt chính đã được giải phóng. 
Sự đột ngột và nhanh chóng của toàn bộ cuộc tấn công theo hướng Đông Aleppo đã đến như là một bất ngờ tuyệt đối cho tất cả các nhà quan sát chiến tranh Syria. Cuộc tấn công không chỉ làm tăng tốc độ suy giảm nhanh chóng của IS, nhưng quan trọng hơn, còn ngăn chặn bất kỳ hoạt động nào khác mà SDF do Mỹ dẫn đầu có ý đồ mở rộng về phía Tây qua Tabaqah và nắm bắt các cơ sở hạ tầng dầu và khí đốt trọng điểm nằm rải rác các khu vực trung tâm của đất nước.
Cuộc đua về Deir Ezzor, ở góc nhìn chiến thuật thì hiện nay chỉ còn một bên là Nga-Syria-Iran bằng 2 cánh quân, một từ hướng Resafa, một từ hướng Palmyra, thực hiện chiến thuật đánh chắc, tiến chắc, đang dần dần hội tụ tại Deir Ezzor.

Một viễn cảnh thực tế rằng tất cả các khu vực trung tâm Syria kéo dài từ Địa Trung Hải tới biên giới Iraq sẽ sớm một lần nữa nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Syria. Tuy một số vùng lãnh thổ như Al Tanf, Bắc Aleppo…đang nằm trong ảnh hưởng của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ…nhưng đây là thắng lợi to lớn, ngoạn mục của quân đội, nhân dân Syria.

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Thế thua không thể gỡ của Liên minh Mỹ trên chiến trường Syria


Trước một thế trận phòng ngự chắc, tấn công sắc của Nga-Syria-Iran thì liên minh Mỹ nên chấp nhận những gì mình có.
Có một xu hướng thú vị, vùng ảnh hưởng của các cầu thủ khác nhau ở Syria (chủ yếu là Nga, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ) có vẻ như cấu trúc của nó đang hình thành rất rõ nét…
Vùng ảnh hưởng của Mỹ: Bây giờ ở đây, ngay cả quân đội Syria (SAA) và thậm chí cả máy bay của SAA cũng không thể tiếp cận. Nếu tiếp cận là Mỹ tấn công như đã từng, chứ chưa nói đến việc tấn công vào lực lượng mặt đất của họ tài trợ, huấn luyện…
Vùng ảnh hưởng của Liên minh Nga-Iran: Thực ra dùng từ vầy cũng không đúng bởi chính quyền Assad là hợp pháp, là thành viên của LHQ, do đó, đây là vùng lãnh thổ của Cộng hòa Ả Rập Syria. Tại đây, sau ngày 19/6/2017, tính từ phía Tây sông Euphrates thì không quân Liên minh Mỹ không được xâm phạm.
Và cuối cùng là vùng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ. Vùng này chủ yếu được hình thành sau chiến dịch “Lá chắn Euphrates” và một phần tại Idlib như ta đã biết…
Ranh giới của cấu trúc này phụ thuộc chủ yếu vào cuộc chiến chống IS khi ngày tàn của IS sắp đến…
Tình thế kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ 2, Mỹ-Anh bắt tay, thỏa thuận với phát xít Đức ra sao để tạo cho Đức tập trung lực lượng còn lại, ngăn chặn Hồng quân Liên Xô tiến về Berlin như thế nào thì  tại Syria, liên minh Mỹ cũng thỏa thuận với IS để IS sống chết với Nga như thế…
Rõ ràng, IS bị biến mất chỉ là vấn đề thời gian, nhưng buồn thay cho chính quyền Assad, một dấu hiệu Syria bị chia cắt cũng đang rất thực tế, rõ nét.
Cuộc chiến thống nhất đất nước Syria có thể kéo dài, tuy nhiên, nếu như chỉ dừng lại tại đây thì cũng là một thắng lợi to lớn, vĩ đại của chính quyền Assad. Điều này cũng có nghĩa là một thất bại cay đắng, thảm hại của Liên minh Mỹ.
Mặt trận phía Tây-Những trận thắng lật ngược thế cờ
Như đã biết, trước khi Nga can thiệp, tình hình Syria đến ngày 30/9/2015 là “ngàn cân treo sợi tóc”. Lực lượng nguy hiểm nhất hay đối tượng tác chiến nguy hiểm nhất của chính quyền Assad không phải là IS mà là nhóm phiến quân hay như Mỹ đặt tên là “đối lập ôn hòa” do Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Saudi Arabia, phương Tây hậu thuẫn.
Chính vì thế trong đòn tấn công phủ đầu của Nga tại Syria ngày 30/9/2015 mục tiêu là phía Đông Homs và từ đó cho đến gần cuối năm 2016 VKS Nga cũng chỉ tập trung không kích vào vùng phía Tây Syria. Mỹ và Phương Tây tố cáo Nga chỉ tấn công vào quân đối lập ôn hòa của họ thay vì IS cũng không sai.
Cho đến khi giải phóng miền Đông Aleppo vào tháng 12, cuộc chiến Syria đã được tiến hành chủ yếu ở phía Tây Syria dọc theo một dải bờ biển Địa Trung Hải của Syria trong một cuộc chiến tranh tàn khốc giữa quân đội Syria và các nhóm đó đều xuất xứ từ Al –Qaeda (gọi chung là phiến quân)
Áp lực mạnh mẽ, cực kỳ nguy hiểm của nhóm phiến quân này buộc quân đội Syria rút lui khỏi hầu hết miền Đông Syria để bảo vệ các trung tâm chính của dân số và quyền lực của Syria ở các thành phố ven biển. Và, IS đã chớp lấy cơ hội tấn công đánh chiếm khu vực này, trừ thành phố Deir Ezzor.
Chiến thắng Aleppo trong tháng 12/2016 của Syria tạo ra một bước ngoặt thế trận. Phiến quân đã bị một đòn đánh quỵ, suy sụp ý chí chính trị và hết hy vọng trong việc lật đổ Assad.
Vào tháng 4/2017 từ căn cứ Idlib, họ bất ngờ mở chiến dịch Hama với lực lượng tham gia hơn 10.000 quân. Chiến thắng hay thất bại của chiến dịch Hama mang tính sống còn của phiến quân, đến mức Mỹ cũng phải dựng cớ, dùng tên lửa Tomahawk, bất chấp tất cả để hỗ trợ cho phiến quân.
Rủi thay, chiến dịch bị thất bại nặng nề, phiến quân bị mất thêm đất và nguy cơ Idlib cũng sẽ là nơi không an toàn nếu quân Assad phát triển tiếp… Có thể coi đây là cơn giãy chết cuối cùng của phiến quân “đối lập ôn hòa” muốn dùng biện pháp quân sự để lật đổ Assad.
Bằng thỏa thuận giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran trong tháng 12/2016 và được bổ sung vào tháng 5/2017, trong đó thành lập khu vực “de-confliction”,  ngày 7/5/2017 thỏa thuận “de.confliction” (vùng an toàn) chính thức có hiệu lực. Nga tuyên bố “nội chiến Syria đã kết thúc”.
Sự kết hợp chiến thắng quân sự (phòng ngự và phản công trong chiến dịch Hama) với đàm phán, quân đội Syria tạm thời kết thúc chiến tranh với phiến quân tại mặt trận vùng phía Tây Syria, là một thắng lợi ngoạn mục và cực kỳ quan trọng.
Với Syria, đây là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, bởi bắt đầu từ đây, Bộ tham mưu SAA có điều kiện nguồn lực để quan tâm đến mặt trận phía Đông (Đông Aleppo, Palmyra và Deir Ezzor) và mặt trận phía Nam Syria (biên giới Syria-Jordan).
Mặt trận phía Đông: bao vây và thọc sâu…
Đương nhiên liên minh Mỹ không phải ngồi nhìn Nga-Syria thắng lợi dễ dàng. Ý đồ chiến lược của Mỹ tại SyriaIraq có những bước chính sau:
1, Mỹ mở chiến dịch giải phóng Mosul để đẩy hàng ngàn lính IS tràn sang Syria đối đầu với liên quân Nga-Syria-Iran.
2, Hỗ trợ người Kurd Syria và thành lập SDF để tấn công Raqqa, thủ phủ của IS, đẩy lực lượng này chiếm cứ tại Deir Ezzor và tràn sâu vào phía Đông Homs, lãnh thổ của chính phủ quản lý.
3, Đồng thời, từ căn cứ Jordan họ hỗ trợ, huấn luyện cho FSA…tấn công kiểm soát dọc theo biên giới phía Nam và phía Đông của đất nước xây dựng một vùng đệm chạy suốt toàn bộ biên giới Syria-Jordan, điểm cuối của tuyến “vòng cung” này là Deir Ezzor, tại đây FSA có kế hoạch kết nối với các đơn vị người Kurd của SDF.
Như vậy, chỉ bằng việc sử dụng IS và một ít việc với FSA, SDF, Liên minh Mỹ nhàn nhã biến 65% lãnh thổ Syria thành vùng ảnh hưởng của mình trong đó có Deir Ezor – vùng dầu mỏ bậc nhất Syria.
Phía liên minh Nga-Syria-Iran không lạ gì ý đồ của liên minh Mỹ. Vì thế, Bộ tham mưu Nga-Syria mở mặt trận phía Đông.
Vùng ảnh hưởng theo ý đồ của Mỹ sau khi giải phóng Raqqa và Deir Ezzor
Nga-Syria bằng mọi cách phải quét sạch IS tại vùng phía Đông Aleppo, tao ra một hành lang mà điểm đến chiến lược là thành phố Resafa nằm ở phía Tây Nam Raqqa, nhằm vây chặt Raqqa từ phía Nam ngăn chặn con đường tiến về Deir Ezzor của IS và của SDF nếu như SDF có ý định.
Nhiệm vụ thứ hai là tại Palmyra phát triển nhanh về hướng Đông Bắc tạo ra một mũi thọc sâu vào Deir Ezzor. Đến một thời điểm cho phép, mũi thọc sâu này và lực lượng tại Resafa sẽ như 2 gọng kìm tấn công vào Deir Ezzor.
Nhiệm vụ của cánh quân phía Đông Aleppo cực kỳ quan trọng nhưng vô vàn khó khăn mà hoàn thành chỉ có thể là lực lượng thiện chiến nhất, có bản lĩnh, kinh nghiệm chiến trường nhất không ai ngoài lữ đoàn con Hổ và lữ đoàn quân tình nguyện Palestin có tên là Al Quds
Khi mặt trận phía Tây ổn đinh, Bộ tham mưu Nga-Syria quyết định sử dụng lực lượng này. Rất may là họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khiến Mỹ cay cú, nóng mặt buộc phải dùng máy bay F-18 Super Hornet bắn hạ SU-22 Syria đang hỗ trợ lực lượng con Hổ tấn công đánh chiếm Resafa vào ngày 18/6 như đã biết.
Tuy nhiên ngày 19/6, Resafa cũng được giải phóng. Chiến dịch mà Bộ tham mưu Nga-Syria tổ chức đã thành công. Cùng một lúc họ đặt 2 mục tiêu: Ngăn chặn IS tràn vào Đông Homs và Deir Ezzor, đồng thời, khi IS bị không còn đường rút thì IS sẽ cố thủ, kìm chân SDF tại Raqqa
Syrian Army Captures Strategic Crossroad Town Of Resafa In Raqqah Province (Map)
Nhiệm vụ quét sạch IS tại phía Đông Aleppo đến Resafa là vô cùng nặng nề nhưng họ đã thành công.
Tại hướng thọc sâu Palmyra, lực lượng chủ yếu là quân đoàn 5 và lữ đoàn tình nguyện Palestin (Al Quds) của Nga-Syria đã gặp phải sự chống cự quyết liệt của IS nên phát triển chậm, nhưng chỉ còn chốt chặn kiên cố cuối cùng của IS là thành phố Al Sukhanah (đã chiếm được thị trấn chiến lược Arak). Nếu Al Sukhanah thất thủ thì SAA sẽ có một bàn đạp tấn công phá vỡ vòng vây IS tại Deir Ezzor rất thuận lợi.
ISIS Counter-Attacking In T3 Pumping Station Area Near Palmyra
Như vậy có thể nói, mục tiêu chiến lược tại phía Đông Syria quan trọng nhất là Deir Ezzor mà cả 3 bên đều chạy đua để chiếm giữ đó là IS, Liên minh Mỹ và liên minh Nga-Syria.

Bên nào có ưu thế vượt trội? Chúng ta sẽ có câu trả lời sau khi phân tích diễn biến, tình thế tại mặt trận phía Nam Syria. (Còn tiếp)
(Lưu ý bạn đọc là không biết tại sao đưa bản đò lên để thuyết minh nhưng không thể được. Sẽ khắc phục sau)

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

Nước cờ cuối của IS trên chiến trường Syria-Iraq!


Vị thế IS trên chiến trường
Có thể nói không sai rằng, ngoại trừ quân đội Ả Rập Syria (SAA, NDF) và đồng minh (Iran, Hezbollah và cả quân bộ Nga) thì lực lượng IS là một trong những lực lượng mặt đất mạnh nhất trên chiến trường Syria-Iraq.
Khi IS đã cố thủ thì ngoại trừ liên minh Nga-Syria-Iran-Hezboollah, không một lực lượng nào có thể chiến thắng IS. Mosul-Irraq là một dẫn chứng khi hơn một năm qua liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu cùng với quân đội Iraq đã không giải quyết được.
Tuy nhiên, tại Raqqa-Syria, nơi được coi là thủ đô của IS thì chiến dịch giải phóng trung tâm đầu não này của Liên minh Mỹ cùng với lực lượng mặt đất là YPG và SDF đang phát triển thuận lợi dù rằng YPG và SDF không mạnh hơn quân đội chính phủ Iraq.
Rõ ràng không ai phủ nhận sự liên quan của Mỹ, của phương Tây, của các nước vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ với IS, rằng Mỹ là nguyên nhân sinh ra IS, Mỹ hỗ trợ và lợi dụng IS…Mỹ và SDF thỏa thuận với IS tại Raqqa tạo hành lang phía Nam Raqqa cho IS rút lui an toàn…
Đó chỉ là một phần, nhưng nguyên nhân chính ở đây là phụ thuộc chủ yếu vào ý đồ chiến lược của Bộ tham mưu IS. IS muốn “rút bớt” lực lượng về cố thủ tại Deir Ezzor tạo ra một vùng lãnh thổ đến Đông HomsPalmyra.
Nếu thành công và sau đó, nếu được liên minh Mỹ hỗ trợ thì Syria bị phân mảnh rất nguy hiểm cho tình thế hậu chiến của chính quyền Assad và Nga khi họ đã mất toàn bộ khu vực giàu tài nguyên khí đốt và dầu mỏ vào tay IS và Liên minh Mỹ.
Nếu thất bại thì IS vừa mất Raqqa dễ dàng mà không chiếm được Deir Ezzor, lúc đó, IS không còn con đường sống. Vì thế, IS luôn chuẩn bị một tình huống xấu xảy ra, bởi hơn ai hết IS thừa biết dù được Mỹ hỗ trợ, lợi dụng nhưng Mỹ không phải đồng minh, nên khi không còn tác dụng thì…
Dễ thấy điều đó khi…tại sao IS không rút hết lực lượng tại Raqqa để tập trung sức mạnh ngay và luôn tấn công dứt điểm quân Assad tại Deir Ezzor  mà chỉ rút một ít, nếu như đã có thỏa thuận giữa IS và SDF?
Thế trận Raqqa không dễ dàng cho Mỹ và SDF
Nếu phải lựa chọn giữa Raqqa và Deir Ezzor thì IS sẽ chọn Deir Ezzor vi Deir Ezzor có một vị trí để cố thủ rất thuận lợi…
Phía Bắc có con sông Euphrates, giáp với vùng YPG của Mỹ, phía Đông giáp biên giới bất ổn Iraq, phía Nam là sa mạc với những cứ điểm vòng ngoài bao quanh. Bên trong Deir Ezzor là nhưng mỏ dầu, khí đốt mà IS lấy đó làm nguồn lực chính của sự tồn tại.
Nhưng Raqqa là đã có và đang có, trong khi Deir Ezzor thì còn phụ thuộc vào Nga và SAA nên IS sẽ không mạo hiểm.
Quả thật, độ tự tin của IS vào việc giữ được Raqqa trước sự tấn công của SDF là rất lớn không chỉ vào thực lực chính mình mà vào thực lực đối thủ và đặc biệt tình thế xung quanh có quân đội và lực lượng pro Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ thân IS và căm thù YPG và sẽ không muốn YPG chiếm được Raqqa. Một loạt cuộc tấn công của lực lượng pro Thổ Nhĩ Kỳ vào SDF phía Bắc Aleppo vừa rồi đã cho thấy điều đó. SDF mà chủ yếu là YPG hãy cẩn thận nếu lao vào Raqqa, một vị trí không cần thiết, sẽ để mất những vị trí trọng yếu hơn khác.
Chỉ trong một trận gần 40 phương tiện cơ giới cùng với 120 quân IS bị VKS Nga tiêu diệt khi rời Raqqa theo “hành lang an toàn” phía Nam.
Đối với liên minh Nga-Syria-Iran thì họ đã phát hiện ra ý đồ của IS. Bộ tham mưu SAA đã bố trí một lực lượng thiện chiến bậc nhất chiến trường là Lữ đoàn con Hổ đánh tạt về phía Nam Raqqa vừa chặn IS tràn về phía Đông Aleppo và Hama, đồng thời dự bị chiến lược phòng Idlib có biến.
Con đường rút lui chiến lược của IS nếu như được Mỹ và SDF dành cho một hành lang an toàn ở phía Nam Raqqa thì VKS Nga và SAA dành cho một con đường đi qua sa mạc không an toàn một chút nào. IS đã bị trinh sát đặc biệt, UAV theo dõi liên tục và từng bị dính đòn đau đớn…
Nếu như con đường rút lui chiến lược của IS về Deir Ezzor bị phong tỏa, bế tắc và nếu như hướng tiến của SAA tại Palmyra vượt qua được nút chặn cuối cùng của IS là thành phố As Sakhneh (họ đã chiếm Arak và sân bay T3 vào ngày 13/6) thì coi như IS hết hy vọng tại Deir Ezzor.
Nhìn về mặt trận hướng Đông Nam Syria có thể thấy lược lượng FSA của Mỹ đã không còn mối bận tâm quá lớn với SAA, trong khi đó SAA đã liên kết với lực lượng PMU Iraq đã làm chủ biên giới Iraq-Syria.
Rõ ràng Nga-Syria-Iran-Hezbollah đang tập trung lực lượng nhằm hướng Deir Ezzor như một trận chiến cuối cùng. Với họ Deir Ezzor quan trọng, cấp thiết, cần thiết gấp bội lần Raqqqa.

Vậy trong ngắn hạn, Bộ tham mưu IS sẽ chọn Raqqa hay Deir Ezzor?

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Khí tự nhiên – mồi lửa chiến tranh thế giới!


Đã có quá nhiều cuộc chiến tại Trung Đông, nơi được coi là “rốn dầu của thế giới”, đều bắt nguồn từ dầu mỏ, nhưng thế giới hiện đại lại đang nóng lên khi có một nguồn năng lượng khác là “Khí tự nhiên” cũng không kém chi dầu mỏ đã khiến thế giới loài người điên đảo…
Ai làm chủ được nguồn cung dầu mỏ là làm chủ được nền kinh tế toàn cầu là làm chủ thế giới…Vâng! Vậy ai làm chủ được nguồn năng lượng khí tự nhiên thì sao???

 1: Khủng hoảng Qatar, Nga cười thầm!!!
Qatar trở thành nhà máy khí đốt thiên nhiên lớn nhất trong khu vực, chỉ có Gazprom Nga có thể thách thức ảnh hưởng của Qatar.
Rõ ràng là Nga không là nguyên nhân, không là người đạo diễn vụ các nước vùng Vịnh “đánh hội đồng” Qatar, nhưng ở mối quan hệ quốc tế thì vụ khủng hoảng này đã tạo ra một liên minh kỳ lạ Iran-Thổ Nhĩ Kỳ-Qatar kéo theo Syria-Hamas-Hezbollah…trong đó được cho là mạnh nhất, kỳ lạ nhất là Iran-Syria-Hamas-Hezbollah.
Thông qua những tuyên bố chính thức của Saudi Arabia (Ả rập-Xê út) thì nguyên nhân chính khiến 8 quốc gia vùng Vịnh tạo ra cuộc khủng hoảng với Qatar là do Qatar tài trợ cho khủng bố và thân thiện với Iran.
Quân khủng bố, theo quan điểm, cách gọi, của Saudi là nhóm Hamas, Al Qeada và nhóm “anh em Hồi giáo” chứ không phải là IS (tất nhiên rồi, vì nếu thêm IS nữa thì hóa ra tự mình ghè đá vào chân).
Vụ khủng hoảng nổ ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rời khỏi Trung Đông đã khiến cho dư luận, đặc biệt là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, đều cho rằng Mỹ đã “thông qua kế hoạch”, họ lập tức đáp trả…
Thổ Nhĩ Kỳ kéo quân sang căn cứ quân sự của họ tại Qatar để bảo vệ Qatar còn Iran viện trợ lương thực, thực phẩm và cho phép mọi chuyến bay thương mại của Qatar được bay qua không phận…Như vậy, Qatar dù chỉ thiên về “phòng ngự” đã vô hiệu hóa đòn tấn công của Saudi Arabia…
Tình thế tiếp theo như nào thì phụ thuộc vào một biến số cực phức tạp là Mỹ mà chúng ta theo dõi tiếp. Ở đây chúng ta quay trở lại với Nga trong cuộc khủng hoảng này…
Nga quá rõ mối quan hệ Qatar, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Hamas…và sự tác động của nó ở Trung Đông, Syria, nhưng điều thú vị mà Nga “cười thầm” không phải là mọi con mắt đang đổ dồn về Nga-thế lực lớn có uy tín tại Trung Đông; không phải Bộ trưởng NG của Qatar đang có mặt ở Kremly trong lúc “dầu sôi lửa bổng…mà ở chỗ khác…
Qatar, con át chủ bài của Nga trong cuộc chiến khí đốt tại châu Âu!
Thực ra, đối tượng “cuộc chiến khí đốt” của Nga tại châu Âu chủ yếu là Ba Lan và Ukraine trong đó đặc biệt là Ba Lan.
Ba Lan từ lâu đã muốn lật đổ “Gazprom” của Nga ở châu Âu. Phương cách rất đơn giản:
Thứ nhất, mua đi bán lại kiếm lời. Theo đó, Warsaw có ý định bán lại LNG (khí hóa lỏng) cho những người hàng xóm sau khi mua LNG từ Qatar đi vào thiết bị đầu cuối rất lớn của họ ở Swinoujscie.
Thứ hai khống chế Gazprom trong tuyến cung cấp khí đốt cho các quốc gia Đông Âu.
Như vậy, lật đổ Gazprom Nga, Ba Lan đã đạt 2 mục tiêu. Về chính trị đã đâm Nga một dao sau lưng và về kinh tế Ba Lan thu được lợi nhuận cao.
Vì thế, cựu Thủ tướng Ba Lan, Chủ tịch hiện tại của EU, Donald Tusk đã viết thư cho Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, yêu cầu để ngăn chặn việc xây dựng các dự án của Nga “Nord Stream-2”. (Xem: EU “vẫy cờ trắng” trong cuộc chiến khí đốt với Nga đăng trên DVO).
Tuy “Nord Stream-2” được EU chấp nhận, hệ thống được tiến hành khởi công xây dựng từ dầu năm 2018 và hoàn thành cuối năm 2019 nhưng gặp không ít cản trở, gây khó từ một số thành viên EU khi mà chưa xảy ra sự cố Qatar
Khủng hoảng Qatar có thể làm cho những thay đổi lớn trong dịch vụ khi đốt không chỉ khu vực Trung Đông mà còn ở châu Âu. 
Rủi ro của việc chấm dứt việc giao hàng của LNG Qatar sang thị trường thế giới thông qua eo biển Hormuz tạo ra “cơn ác mộng của châu Âu”, không phải là rất lớn, bởi vì người có thể chặn eo biển – Iran, là một đồng minh của Qatar.
Biện pháp khóa eo biển Hormuz này chỉ xảy ra khi một cuộc chiến tranh lớn xảy ra tại Trung Đông kéo theo Iran vào cuộc mà thôi. Tuy nhiên, giả sử việc giao hàng LNG của Qatar bị dừng lại bởi xung đột quân sự với Saudi Arabia thì điều gì xảy ra? Ai cung cấp khí đốt cho châu Âu?
Và đây là 3 nhà cung cấp: Na Uy, Mỹ và Nga. Mỹ và Na Uy giá đắt như vàng, trong khi Nga rẻ như bèo, trữ lượng nhiều không bao giờ cạn, gần bên cạnh nhà…thì châu Âu tính sao?
Chưa hết, sự ổn định chính trị của khu vực Trung Đông là rất mong manh, Trung Đông chỉ là “khu vui chơi giải trí” cho các ông lớn phá phách…và do đó tin rằng có sự ổn định bởi các nhà cung cấp?
Vậy đã rõ, tình hình Qatar đã nâng cao vị thế có một không hai của Gazprom Nga. Chưa cần xảy ra tình huống khi mọi nguồn cung khí đốt từ Qatar bị ngừng thì châu Âu cũng đã, phải coi Gazprom là nguồn cung đáng tin cậy, ổn định là sự lựa chọn duy nhất...
Vụ khủng hoảng Qatar đã khiến tuyến đường ống “Nord Stream-2” đã trở nên cần thiết với Châu Âu hơn lúc nào hết mà Nga từ nay không cần phải tranh đấu, quảng bá…Nó làm nguội cái đầu nóng của Ba Lan, làm mọi lý lẽ chống lại Gazprom của Ba Lan trở nên thiếu sức thuyết phục.
Rõ ràng, vụ khủng hoảng Qatar dù xảy ra bất kỳ kết cục nào thì Nga vẫn hưởng lợi. Tất nhiên khi khí đốt tự nhiên đã trở nên quan trọng không kém gì dầu khí trong thế giới hiện đại thì các tinh hoa chính trị Nga sẽ biết kết hợp khí tự nhiên và chính trị ra sao.

Liệu “khí tự nhiên” trời ưu ái cho Qatar có biến Qatar thành biển lửa? Hay nó sẽ đốt cháy kẻ nào tham lam đòi chiếm đoạt? Thời gian sẽ trả lời.
2, Khí đốt chứ không phải chủ nghĩa khủng bố!
Hãy quên chủ nghĩa khủng bố đi, đằng sau cuộc khủng hoảng Qatar hiện nay là nguồn năng lượng khí đốt tự nhiên…
Cuộc chiến Syria đến nay đã hơn 6 năm đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà bình luận, phân tích thời cuộc…nhưng có một sự thật mà ai cũng công nhận là khí đốt tự nhiên là nguyên nhân của cuộc chiến tranh…
Năm 2009, chính quyền Syria, để bảo vệ đồng minh của mình là Nga, đã không cho phép tuyến đường ống khí đốt từ Qatar qua lãnh thổ mình đi đến châu Âu. Các quốc gia vùng Vịnh, Mỹ và phương Tây đã bắt đầu soạn thảo khẩu hiệu “Assad must go!”…
Năm 2011 cuộc chiến lật đổ Assad do Mỹ và Phương Tây chỉ huy với sự hỗ trợ về người và của, hò hét, của Qatar, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ…trên danh nghĩa chống khủng bố IS bắt đầu…
Năm 2015, trước tình thế chính quyền Assad không thể trụ vững, Nga đã ra tay can thiệp để bảo vệ chính quyền Assad, bảo vệ sự độc quyền của Gazprom tại châu Âu…
Đã 18 tháng trôi qua, kể từ khi Nga xuất hiện tại Syria, hôm nay, Nga tuyên bố cuộc nội chiến tại Syria đã kết thúc. Điều đó có nghĩa là một giải pháp chính trị sắp bắt đầu và những trận đánh đang diễn ra chỉ mang tính chất tấn công tiêu diệt quân khủng bố mà thôi.
Những người chơi cờ thông minh thì dù chưa kết thúc họ vẫn biết kết quả ra sao…nên chúng ta cứ coi kết luận của Nga mà Mỹ cũng đồng ý là có độ tin cậy cao, tình hình Syria đã có vẻ yên ổn sau một giải pháp chính trị khả dĩ các bên chấp nhận, đem lại hòa bình cho người dân Syria…
Lò lửa Syria có vẻ như đã nguội thì Trung Đông đã khiến thế giới bất ngờ khi Qatar đã trở thành tâm điểm của một cuộc đối đầu với Saudi Arabia và 7 quốc gia khác trong vùng Vịnh tham gia. Tất cả họ trước đây đã là đồng minh, đã đang cùng tham gia với nhau trong các chiến dịch quân sự tại SyriaYemen.
Qatar bị 8 quốc gia vùng Vịnh mà chủ trò là Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế vì tài trợ khủng bố (Al Qeada, “Anh em Hồi giáo”, Hamas) và có mối quan hệ thân thiện với Iran. Qatar đã chi 1 tỷ USD cho Al Qeada và Iran trong màn kịch chuộc người của Hoàng gia bị bắt con tin…
Vậy, nguyên nhân thật cuộc khủng hoảng này là gì?
Sự thống trị khí đốt tự nhiên khu vực của Qatar!
Qatar trước đây là chư hầu của Saudi Arabia nhưng Qatar đã sử dụng tài sản mà khí tự nhiên mang lại để tạo ra sự độc lập cho chính mình.
Nếu như Saudi Arabia giàu có bởi nguồn tài chính thu được nhờ vào dầu thô thì Qatar cũng vậy, nhưng họ lại giàu có hơn, giàu nhất thế giới với thu nhập bình quân 130.000 USD/người/năm nhờ vào xuất khẩu khí đốt tự nhiên LNG lớn nhất thế giới.
Với nguồn lợi khí đốt, Qatar tập trung vào xuất khẩu, tách khỏi sự phụ thuộc vào các nước láng giềng sản xuất dầu thô của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh khiến cho Qatar độc lập kinh tế, không phụ thuộc, bỏ qua sự điều khiển, thống trị của Saudi Arabia như các quốc gia vùng Vịnh khác.
Xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Qatar thay vì như dầu thô, phải phụ thuộc vào sự cho phép của OPEC, tập đoàn dầu mỏ mà Saudi Arabia chiếm ưu thế, thì xuất khẩu, sản xuất khí đốt tự nhiên lại không phụ thuộc vào áp lực nào.
Dù là một quốc gia nhỏ bé nhưng 2 thập kỷ qua, Qatar trở thành nhà máy khí đốt thiên nhiên lớn nhất trong khu vực, chỉ có Gazprom của Nga có thể thách thức ảnh hưởng của Qatar trong xuất khẩu LNG.
Tài sản khí đốt của Qatar cho phép nó phát triển các chính sách đối ngoại độc lập gây khó chịu cho các nước láng giềng. Qatar ủng hộ “Anh em Hồi giáo” ở Ai Cập, Hamas ở Dải Gaza và các phe phái vũ trang chống lại UAE Saudi Arbia, Libya và Syria. 
Tài sản khí đốt cho phép sự can thiệp của Qatar, đẩy mạnh cuộc nổi dậy của Ả Rập. Sự hỗ trợ tài chính cho cuộc cách mạng đã biến thành một cuộc nội chiến tồi tệ đã làm lu mờ sự ủng hộ của phương Tây đối với phe đối lập.
Khí đốt cũng trả tiền cho một mạng lưới truyền hình toàn cầu, Al Jazeera, mà ở những thời điểm khác nhau đã làm xấu hổ hoặc tức giận hầu hết các chính phủ Trung Đông…
Và trên tất cả, nguồn lợi khí đốt đã thúc đẩy Qatar thực hiện chính sách khu vực tham gia với Shiite Iran để bảo đảm, bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của mình.
Qatar chia xẻ khí đốt với Iran từ hồ chưa lớn nhất thế giới phía Bắc Field khiến Saudi Arabia căm tức, trong khi nhu cầu khí tự nhiên để sản xuất điện và công nghiệp điện đang tăng lên ở các quốc gia vùng Vịnh thì họ phải nhập khí đốt với một chi phí cao từ Qatar thay vì với giá chiết khấu…
Một quốc gia bán đảo nhỏ như móng tay, béo bở, như Qatar ở bên cạnh lại dám thân mật với kẻ thù không đội trời chung của Saudi Arabia…với nhà Saudi là không thể chấp nhận.
Liệu Saudi Arabia có đưa được Qatar vào khuôn khổ?

Nếu như năm kia, Iraq muốn tăng số phần trăm dầu mỏ trong OPEC để có tiếng nói quyết định về giá dầu, Saddam Hussein đã tấn công Kuwait thì Saudi Arabia cũng muốn nắm luôn nguồn khí đốt của Qatar.
Dư luận không có gì ngạc nhiên về ý đồ, hành động của nhà Saudi khi chính họ cầm đầu các quốc gia vùng Vịnh (GCC) cũng đã, đang làm thế với Yemen gây nên một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng…thì Qatar cũng không loại trừ.
 Vấn đề còn lại của các quốc gia vùng Vịnh là tìm kiếm một cơ hội để “bóp chết” Qatar. Cơ hội đã đến khi Donald Trump thăm Saudi Arabia tuyên bố thành lập “NATO Ả Rập” và, Qatar được chọn làm vật tế thần...
Saudi Arabia, UAE…đã ra đòn đầu tiên bằng việc cắt đứt quan hệ ngoại giao, kinh tế; phong tỏa đường không, đường biển, đường bộ; cấm hoạt động các cơ sở Al Jazeera.
Một quốc gia như Qatar chỉ sống bằng xuất khẩu dầu thô, khí đốt và ở vào một vị trí bất lợi, khi mọi nhu cầu về lương thực, thực phẩm và thậm chi nước ngọt đều qua biên giới đường bộ duy nhất với nhà Saudi thì đòn phong tỏa trên, Qatar chỉ có nước uống dầu mà sống…
May mắn cho Qatar là họ đã có Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và…Nga. Qatar như một cô gái đẹp quý phái, giàu sang…khi bị uy hiếp thì không thiếu gì “anh hùng cứu mỹ nhân”. Họ cung cấp lượng thực thực phẩm, nước uống cho Qatar, cho máy bay bay qua không phận…
Dù tình thế bị phong tỏa là khó khăn cho Qatar nhưng sự khó khăn chưa đạt đến ngưỡng khiến Qatar “bó giáo xin hàng”. Điểm phong tỏa duy nhất khiến Qatar bị vây chặt thật sự là eo biển Hormuz nhưng nhà Saudi, UEA, Bahrain chưa có gan tự sát và đặc biệt Iran không cho phép.
Đòn trả đòn, nhưng điều lạ là Qatar chỉ phòng thủ mà không trả đòn khi nguồn cung khí đốt cho UEA và các láng giềng vẫn không bị đóng, Qatar vẫn không trục xuất bất cứ lao động nào của các quốc gia vùng Vịnh có mặt tại Qatar…Qatar đang ngầm nhắc nhở láng giềng nên chơi đẹp bởi chơi xấu cũng chẳng làm gì được họ.
Vậy đòn tiếp theo của Saudi Arabia chỉ có thể là biện pháp quân sự như đã từng ở Yemen. Nhưng Mỹ sẽ không cho phép vì sự “hỗn loạn” này quá lớn vuột ra ngoài tầm kiểm soát, mà có cho phép thì nhà Saudi và UEA cũng không đủ bản lĩnh để đối đầu với Iran.
Có vẻ như người ta đã quên Tối hậu thư phải thực hiện trong 24 giờ mà nhà Saudi đã gửi cho Qatar.

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

Al Bawdah, bước ngoặt quyết định chiến dịch Deir Ezzor!


Mỹ đã nhường cho Nga-Syria trong cuộc đua về Deir Ezzor khi lực lượng Assad đã triển khai tại Al Bawdah…
Chúng ta đã từng biết về ý đồ của Mỹ đứng đầu liên minh chống IS thành lập một vùng đệm chạy bao quanh biên giới Syria giáp Jordan và Iraq do lực lượng phiến quân được Mỹ hậu thuẫn, huấn luyện tại Jordan là FSA (Quân đội Syria tự do) kiểm soát.
Vùng đệm có nhiệm vụ cắt đứt mối liên lạc bằng đường bộ của Syria với Iran từ tuyến cao tốc Damascus-Iraq-Iran.
Vùng đệm sẽ tạo ra một gọng kìm ngăn chặn hợp đồng tác chiến giữa quân đội Syria và PMU (thân Iran), đồng thời bao vây Deir Ezzor, chặn đường tiến công của SAA từ hướng Đông Nam vào Deir Ezzor.
Vùng đệm sẽ kết nối với Raqqa của FSA và SDF, chiếm Deir Ezzor trước khi thỏa thuận với IS đẩy IS  tiến vào Đông HomsPalmyra buộc SAA phải dồn lực lượng đối phó, làm chậm hướng tiến của SAA vào Deir Ezzor.
Đòn đánh chặn đầu FSA của liên quân Mỹ!
Nhận thức được ý đồ này, liên minh Nga-Syria-Iran đã cơ bản phá tan khi khống chế gần hết biên giới Syria-Jordan và chính thức hôm qua, ngày 9/6, triển khai lực lượng đánh chiếm Al Bawdah cách Al-Tanf không xa đã “đóng chiếc đinh cuối cùng” cáo chung vùng đệm của Mỹ.
Trên bản đồ, vùng đệm của liên minh Mỹ chỉ còn lại một dải ngắn tại ngã 3 biên giới Syria-Jordan-Iraq. Vùng màu đỏ là của quân chính phủ kiểm soát và như vậy Al-Tanf là “thủ phủ” còn lại của lực lượng FSA đang án ngữ cao tốc Damascus-Baghdad.
Có thể nói kiểm soát, khống chế khu vực Al Bawdah nó tạo ra một bước ngoặt trong thế trận có lợi cho chính quyền Assad.
Ở góc nhìn chiến thuật thì đây là một đòn chặn đầu lực lượng FSA, không cho FSA phát triển theo hướng dọc biên giới Syria-Iraq.
Ở góc nhìn chiến lược thì đây là một đòn làm gãy xương sống kế hoạch kết nối từ biên giới Sirya-Jordan cho đến Raqqa của Mỹ.
Nga-Syria đã chặn đường FSA của liên quân Mỹ đến Deir Ezzor
Lần đầu tiên sau 3 năm, quân đội Syria mới tiếp cận được biên giới Iraq kể từ năm 2014 và kết nối được với lực lượng PMU đang tiêu diệt IS ở biên giới Iraq. Cả hai lực lượng sẽ bắt tay nhau dọn sạch biên giới và không khó để biết được mục tiêu tiếp theo là Al Bukaman (Syria), Al Qaim (Iraq).
Mặc dù liên minh Mỹ có điểm xuất phát tấn công vào Deir Ezzor từ hướng Bắc và Đông Bắc nhưng khi toàn bộ phía Đông Nam Deir Ezzor (nơi tập trung hầu hết các mỏ dầu) đã rơi vào tay quân chính phủ thì Mỹ “sẽ án binh bất động”, bởi lẽ, nếu tấn công thì áp lực của IS vào SAA sẽ giảm và khi đó SAA giải phóng Deir Ezzor càng nhanh hơn.
Tại sao liên minh Mỹ ngồi yên?
Rõ ràng việc triển khai bố trí lực lượng không chế Al Bawdah giáp biên giới Iraq của quân chính phủ là rất nguy hiểm cho ý đồ của liên minh Mỹ như trên đã phân tích, nhưng có vẻ như Mỹ không đáp trả như đã từng tại khu vực Al Tanf?
Dư luận bàn tán bởi 3 nguyên nhân:
Thứ nhất tình thế đã xuất hiện một thỏa thuận bí mật gì đó giữa Mỹ với Nga mà chúng ta chỉ thấy qua các biểu hiện sau:
Một là, quân Assad triển khai, không chế, dễ dàng tại khu vực Al Bawdah, điều này cho phép Nga-Syria giành chiến thắng trong cuộc chạy đua đến Deir Ezzor và không những thế, liên quân Mỹ “để” cho quân Assad phát triển tại Đông Nam biên giới rất thuận lợi mà Mỹ không phản ứng…
Hai là, Mỹ đã ngừng tấn công vào quân chính phủ Assad và có vẻ như họ đột ngột thay đổi cách tiếp cận về tình hình miền Nam Syria
Nguyên nhân thứ hai là sự trả đũa tương xứng của Nga.
Tôi đã phân tích nhiều về cách đáp trả đối xứng của Nga trong các “sự cố quân sự” mà Mỹ gây ra trên chiến trường Syria. Lần này sau mấy vụ không kích của không quân Mỹ vào quân Assad thì đã có sự đáp trả tương xứng…
Từ ngày 8/6 đã xuất hiện những chiếc máy bay lạ nhằm vào lực lượng SDF, người Kurd Syria (YPG) tại phía Bắc Raqqa tấn công. Nói là “máy bay lạ” vì không khẳng định được đó là không quân Nga-Syria hay là Thổ Nhĩ Kỳ.
Ai cũng biết Thổ Nhĩ Kỳ rất cay cú khi Mỹ cấp vũ khí cho YPG và không bao giờ muốn YPG giải phóng Raqqa. Do đó nếu được Nga bất đèn xanh thì Thổ Nhĩ Kỳ không ngại ngần triệt hạ SDF của Mỹ tại Bắc Raqqa. Nga đã khai thác tốt điểm yếu tồi tệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ và đã đưa Mỹ vào thế khó.
Đã có 3 lần “máy bay lạ” tấn công SDF tại Bắc Raqqa, do đó, nếu Mỹ tham lam, không không lượng sức thì Raqqa không thể chiếm được mà vùng đệm cũng không thành. Vì thế Mỹ buộc phải cắn răng nhường Deir Ezzor cho Nga mà không thể nào khác.
Và nguyên nhân cuối cùng là liên minh Mỹ đã “lực bất tòng tâm” khi lực lượng FSA quá mỏng và yếu không đủ sức hoàn thành nhiệm vụ đặt ra trong vùng đệm buộc phải lựa chọn một tình thế có lợi nhất vừa tránh đối đầu với Nga, vừa không bị Syria đối xử như với quân xâm lược…
Trong bài “Mỹ vạch giới hạn đỏ: Al Tanf 55 km” Tôi phán đoán rằng, “Khả năng là Assad và Bộ tham mưu liên quân Nga-Syria-Iran sẽ không tấn công vào Al-Tanf, nhưng sẽ thực hiện chiến thuật để đưa Al-Tanf thành “nồi hầm”. Với lực lượng đông vượt trội, họ sẽ chỉ bao vây để tránh Mỹ tấn công trực tiếp, nhưng sử dụng lực lượng còn lại phát triển quanh Al-Tanf theo hướng biên giới Iraq”...Rất may là phán đoán đúng.
Vậy thì nguyên nhân nào khiến Mỹ “ngồi nhìn”? Có lẽ có lẽ cả 3.

Với tình hình này, cho đến hôm nay người Nga mới mạnh miệng tuyên bố rằng “Nội chiến tại Syria chính thức kết thúc” không phải là “nổ cho vui”. Phải chăng đối tượng tác chiến của Nga, Mỹ trên Syria chỉ là quân khủng bố còn các bên thì đang thỏa thuận một giải pháp hòa bình???

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Mỹ làm được gì Trung Quốc trên Biển Đông?


Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và toàn vẹn chủ quyền chỉ có thể bằng trí tuệ, mồ hôi và khi cần cả máu của mình. Đó là chân lý mọi thời đại.
Có thể nói, tuyên bố của Mỹ nghe có vẻ là ghê gớm, quyết liệt trong việc hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông, rằng Mỹ như thế này, Mỹ thế kia…Một số tờ báo đặt Title rất hùng hồn như “Mỹ tuyên bố rắn tại diễn đàn Shingri-La”, Mỹ không chấp nhận, Mỹ quan ngại…khi trích dẫn một vài đoạn trong phát biểu của Bộ trưởng QP Mỹ tại diễn đàn Shingri-La ngày 2/6 vừa qua.
Tuy nhiên, khi vấn đề Triều Tiên và vấn đề Biển Đông được Mỹ đem ra “đưa đẩy” với Trung Quốc thì liệu Mỹ làm gì được Trung Quốc tại Biển Đông? Và cư dân vùng Biển Đông hy vọng bao nhiêu bao nhiêu phần trăm hành động Mỹ trong tuyên bố đó?
Hành động can thiệp trực tiếp của Mỹ…

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis: “…không thể chấp nhận việc Trung Quốc thực hiện các hành động vi phạm đến lợi ích của cộng đồng quốc tế, làm suy yếu một trật tự khu vực dựa trên các nguyên tắc, một trật tự mang lại lợi ích cho tất cả quốc gia, đặc biệt là chính Trung Quốc”.

Trước khi diễn đàn Shingri-La khai mạc, ngày 25.5, tàu khu trục USS Dewey của Hải quân Mỹ vừa tiến hành hoạt động đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.
Theo đó, tàu khu trục này đã vào phạm vi 12 hải lý gần Đá Vành Khăn của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Đây là “Chiến dịch đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump được thực hiện nhằm gửi tín hiệu đến Trung Quốc về ý định của Mỹ trong việc duy trì các đường vận tải biển trọng yếu ở Thái Bình Dương” (The Wall Street Journal).
Và điều này cũng được hiểu thì đây cũng là hành động thách thức chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông của Mỹ.
Vậy, tại sao hành động tuần tra của Mỹ lại “thách thức chủ quyền” Trung Quốc trên Biển Đông?
Trước hết, với Việt Nam, Việt Nam không coi các đảo trong quần đảo Trường Sa có khu vực đặc quyền kinh tế. Vì thế, việc Hải quân Mỹ hoạt động ngoài 12 hải lý với các đảo, kể cả đảo Đá Vành Khăn, là đúng luật biển UNCLOS.
Tuy nhiên, Trung Quốc coi diện tích trong khu vực “đường 9 khúc” (Đường lưỡi bò) là thuộc chủ quyền của họ vì thế Trung Quốc phản đối, tức giận và ngăn cản…khi tàu chiến Mỹ xuất hiện bất kỳ đâu trong cái “lưỡi bò” mà Trung Quốc đã vẽ.
Trong khi đó, Việt Nam coi cái đường “lưỡi bò” này không có giá trị, bởi ngư dân Việt Nam vẫn hoạt động bình thường, dầu khí Việt Nam vẫn khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của mình thuộc trong cái “lưỡi bò” này, cho nên, tàu chiến Mỹ tuần tra không khiến Việt Nam quá quan tâm.
Hành động tàu chiến Mỹ tuần tra trên Biển Đông khiến Trung Quốc khó chịu, tuy thế vẫn không làm Trung Quốc ngừng bồi lấp 7 thực thể thành các căn cứ quân sự, không ngăn được Trung Quốc kéo vũ khí ra Hoàng Sa, Trường Sa…để quân sự hóa khu vực đã chiếm đoạt.
Như vậy, Mỹ chẳng có thể làm gì hơn ngoài việc tuần tra mà luôn bị Trung Quốc ngăn chặn, áp sát “thiếu chuyên nghiệp” trên biển cũng như trên không trong vùng Biển Đông. Mỹ cũng chỉ có thể “tái cân bằng” và cũng chỉ đến thế để không đi đến miệng hố chiến tranh với Trung Quốc.
Can thiệp gián tiếp của Mỹ…
Khác với Nga-Mỹ, mối quan hệ Trung-Mỹ cho đến nay chưa một lần được coi nhau là kẻ thù từ phía Mỹ hay Trung Quốc. Tuy thế, không có nghĩa là sự bao vây, khống chế, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc đe dọa đến ngôi vị thống trị của Mỹ là chẳng diễn ra…
Kiềm chế hành động bất chấp, phi pháp, phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông là hành động phục vụ lợi ích của Mỹ thì hành động can thiệp gián tiếp của Mỹ là hành động khôn ngoan và đạt hiệu quả cao hơn, đó là hỗ trợ cho các quốc gia trong “chuỗi ngọc trai” Trung Quốc, mạnh hơn.

Chiến lược “chuỗi ngọc trai” hay chuỗi đảo thứ nhất của Trung Quốc đụng độ lợi ích, chủ quyền nhiều quốc gia trong đó quan trọng nhất là Nhật Bản, Đài Loan và đặc biệt là Việt Nam.
Dù ngôn ngữ ngoại giao thế nào thì không thể che đậy việc Trung Quốc và Việt Nam đang có những bất đồng và những mâu thuẫn khó giải quyết với nhau trên Biển Đông trong ngày một ngày hai…
Bởi vậy, một Việt Nam mạnh về quốc phòng, hải quân là một trở ngại cho Trung Quốc thực hiện chiến lược “chia Thái Bình Dương” của mình với Mỹ nếu như Trung Quốc có ý muốn giải quyết bất đồng bằng chiến tranh, bằng cậy mạnh…
Đó là lý do vì sao quan hệ Việt Nam-Mỹ phát triển mạnh mẽ, không ngờ trong lĩnh vực quân sự bất chấp là cựu thù, bất chấp thể chế chính trị…như chúng ta đã thấy, biết vừa qua…
Đừng hiểu lầm, như vậy có nghĩa là Việt Nam xoay trục sang Mỹ để chống lại Trung Quốc trên Biển Đông, có nghĩa là bắt đầu từ đây, Việt Nam trở thành một “lính xung kích” của Mỹ chống Trung Quốc…không bao giờ.
Sự phát triển mối quan hệ Việt Nam-Mỹ là kết quả của chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng CSVN muốn là bạn với mọi quốc gia trên thế giới, tôn trọng độc lập chủ quyền, thể chế chính trị, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau với phương châm lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết.
Chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông và bảo vệ nó là nguyên tắc bất di bất dịch của Việt Nam. Nếu như điều này có thể trùng hợp, tương đồng với lợi ích khu vực của Mỹ thì tất yếu 2 bên sẽ đến với nhau để 2 bên cùng có lợi.
Tất nhiên, Trung Quốc có “lạnh lùng” trước mối quan hệ Việt Nam-Mỹ hay không thì không rõ, nhưng khi Mỹ nâng tầm quan hệ với Đài Loan là sẽ nhận những phản ứng quyết liệt của Trung Quốc. Xem ra Đài Loan luôn là con bài độc mà Mỹ dành chơi với Trung Quốc.
Như vậy, các cư dân vùng Biển Đông hy vọng sự can thiệp trực tiếp của Mỹ để ngăn chặn sự trỗi dậy hung hăng, bất chấp, phi pháp , phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông như tuyên bố hùng hồn của ngài James Mattis, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ là hơi bị mơ màng.

Không ai có thể bảo vệ lợi ích, chủ quyền cho quốc gia mình. Đừng trông chờ, dựa bên này hay bên kia. Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và toàn vẹn chủ quyền chỉ có thể bằng trí tuệ, mồ hôi và khi cần cả máu của mình. Đó là chân lý mọi thời đại.