Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013
TẬP KÍCH - ĐÒN ĐÁNH SỞ TRƯỜNG CỦA HẢI QUÂN VIỆT NAM
Thật ra không có gì là bí mật bởi lẽ với một địa-quân sự như vậy thì bất kỳ quốc gia nào cũng đều phải tổ chức thực hiện cách đánh này. Đó là: Dùng lực lượng nhỏ, cơ động nhanh, hợp đồng chặt chẽ, bất ngờ tập kích vào đội hình hoặc vào tử huyệt “bất khả kháng” của địch… Ai mà chẳng biết.
Tuy nhiên, biết là một chuyện, tổ chức thực hiện ra sao là chuyện khác, đặc biệt, bày mưu, cài thế hay là chuẩn bị chiến trường như thế nào cho đòn đánh này “có đất dụng võ”, phát huy hiệu quả… lại mang tính quyết định còn là chuyện khác nữa.
Trên biển Hoa Đông tranh chấp xảy ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc hay trên Biển Đông giữa Trung Quốc với Philipines quanh mấy hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Philipines tuyên bố chủ quyền trái phép, giới quân sự rất dễ dàng dự báo được quy mô, mức độ cuộc xung đột có thể xảy ra. Nhưng xung đột quân sự nếu xảy ra giữa Trung Quốc với Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thì do vị trí địa lý của Việt Nam khác với Nhật Bản và Philipines cho nên khó dự đoán được quy mô và mức độ. Tình huống xấu nhất là như Thủ tướng Việt Nam đã cảnh báo tại hội nghị Shangri-La: “…trên 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua Biển Đông. Chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường”.
Cho đến giờ phút này, chẳng ai, trừ Trung Quốc, khẳng định không có xung đột quân sự trên Biển Đông tại Trường Sa, Hoàng Sa…Vì thế cho nên nghiên cứu, bàn luận về đòn đánh này chỉ trong phạm vi nhỏ như là “một lát cắt” trong hệ thống phòng thủ biển đảo của Hải quân Việt Nam khi Trường Sa, Hoàng Sa xảy ra xung đột.
Việt Nam chuẩn bị cho đòn đánh sở trường ra sao?
Lực lượng. Phục vụ cho lối đánh tập kích này yêu cầu phải tạo ra 3 tầng tấn công gồm: trên không, trên biển và trong lòng biển. Đương nhiên lực lượng đó là tàu ngầm KILO, tàu phóng lôi cánh ngầm, tàu tên lửa Molniya và máy bay chuyên đánh biển SU-22M4.
Tàu ngầm KILO, tàu PL, tàu TL là đúng rồi, nhưng tại sao không phải là SU-30 mà là SU-22M4? Bởi vì máy bay SU-22M4 được trang bị tên lửa diệt hạm Kh-31 hiện đại, chúng có thể bay tốc độ lớn ở độ cao gần sát mặt biển nên rất khó phát hiện nên phù hợp với đòn đánh này.
Với hệ thống thông tin, trinh sát, chỉ thị, quản lý mục tiêu. Chỉ cần biết có một Trung đoàn radar của Hải quân được công khai, đóng trên đỉnh núi Sơn Trà-Đà Nẵng, các phương tiện thông tin, trinh sát điện tử khác kết hợp cùng với các khí tài quan sát, thông tin ở bán đảo Cam Ranh thì có thể nói một khu vực từ Hải Nam (TQ) đến Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam hoàn toàn xác định chính xác vị trí một con tàu với độ tin cậy cao và chính xác hơn vệ tinh. Tất nhiên đó không phải là tất cả, ngoài ra còn các vị trí, phương tiện khác…mà không nhất thiết chỉ phục vụ cho đòn đánh này.
Về thế trận. Vị trí xuất phát tấn công quyết định thành bại của đòn tập kích. Nếu như trong lối đánh đặc công, vị trí xuất phát tấn công là phải phía trong hàng rào kẽm gai thì trên biển, vị trí xuất phát tấn công (mà địch không phát hiện được) càng gần với tầm bắn của phương tiện bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
Thông thường tàu chiến địch luôn có tầm bắn xa hơn, nếu vị trí xuất phát tấn công quá xa tầm bắn thì thời gian vận động tiếp cận mục tiêu quá dài, địch có đủ thời gian đối phó ngăn chặn, tiêu diệt.
Nhưng muốn có một vị trí xuất phát tấn công thuận lợi, chủ động, thì lực lượng tấn công phải được tổ chức triển khai trong một “vùng biển sạch” có được bởi một thế trận phòng thủ liên hoàn từ các lực lượng như TT-400TP, Bastion-P, Gerpad 3.9, tàu ngầm KILO và các phương tiện chống ngầm…
Chúng ta không đề cập đến “bầu trời sạch” vì khả năng địch khống chế hoàn toàn không phận trên hải phận hay tạo ra được một “vùng cấm bay” là điều không thể, ngoại trừ đối tượng tác chiến của Việt Nam là Mỹ.
SU-22M4 với đôi cánh ma thuật trang bị tên lửa chống hạm hiện đại Kh-31 là một trong 3 lực lượng thực hiện đòn đánh sở trường từ trên không
Để chuẩn bị cho lối đánh, Việt Nam mua, sắm không thừa một phương tiện trang bị nào mà có thể nói đủ để phòng thủ, chúng bổ sung sở trường sở đoản cho nhau để triệt tiêu các sai số hệ thống, tạo nên một sức mạnh tổng hợp, hoàn chỉnh từ thế trận.
Chẳng hạn như TT-400TP, khi tàu chiến đối phương mang tên lửa diệt hạm bắn xa hàng trăm km, liệu có để cho TT-400TP với tầm bắn xa nhất 15km tiếp cận để tiêu diệt không? Không, vậy thì đóng nhiều làm gì khi mỗi chiếc giá hơn 1 triệu USD?. Rất may, TT-400TP không phải làm việc đó, nó là tàu tuần tiễu để tiêu diệt, ngăn chặn, các máy bay săn ngầm của địch bảo vệ cho KILO trên tuyến phòng thủ chống ngầm. Với tính năng kỹ chiến thuật của TT-400TP, chỉ cần vài chiếc tuần tiễu trên một khu vực biển nào được chỉ định là KILO Việt Nam yên tâm làm nhiệm vụ mà không sợ máy bay săn ngầm địch “gõ vào đầu”.
Không những thế, các tàu phóng lôi, tên lửa, yên tâm hơn về phòng không khi có nó trong đội hình,TT-400TP chỉ giỏi đối không chứ không phải đối hải.
Như vậy có thể nói, lực lượng, thế trận, trinh sát phát hiện, chỉ thị, quản lý mục tiêu đã có thì vấn đề quan trọng là hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng như thế nào, tổ chức triển khai vị trí xuất phát tấn công ở đâu, lựa chọn mục tiêu nào…đều thuộc vào mưu, kế nhà binh, là cột lõi của đòn đánh.
Bất kỳ ai có một ít kiến thức quân sự đều có thể hình dung được lực lượng trực tiếp thực hiện đòn tập kích là một đội hình bộ ba lý tưởng. Chúng có thể tấn công cùng lúc, từ nhiều hướng hoặc liên tục, dồn dập…trong một địa-quân sự, một thế trận như vậy thì sẽ là một thách thức lớn, khó đối phó cho một quốc gia nào chưa phải là cường quốc biển, chưa có một lực lượng Hải quân tầm xa đúng nghĩa.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh khi trả lời Tân Hoa xã đã trích dẫn lời của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tuyên bố với thế giới trên Diễn đàn Đối thoại Shangri-La hồi năm ngoái rằng, “Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo về chỉ để bảo vệ vùng biển của Việt Nam, gồm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của Việt Nam, không có mục đích sử dụng nào khác” và ông nói tiếp, “đó là một điều rất đặc biệt của lực lượng tàu ngầm trên thế giới”. Vậy thì điều “rất đặc biệt” ấy là gì?
Vai trò của tàu ngầm KILO trong đòn đánh sở trường.
Hãy thử điểm lại đội hình tấn công của Hải quân Việt Nam trước đây trong chiến tranh chống Mỹ.
Phải kể đến đầu tiên là trận ngày 02/8/1964 của ba tàu phóng lôi đánh đuổi tàu Ma-đốc Mỹ. Có thể nói 3 tàu phóng lôi, do vị trí xuất phát tấn công quá xa nên thời gian để 3 tàu PL công kích tiếp cận mục tiêu phóng lôi dưới làn hỏa lực của tàu và không quân địch thừa đủ cho địch đối phó, tiêu diệt. Đòn tập kích này giống như lính đặc công bị lộ ngay từ ngoài hàng rào kẽm gai nên buộc phải tấn công, rất nguy hiểm mà hiệu quả thấp.
Trận thứ 2 ngày 19/4/1972 gồm 2 máy bay MIG-17 đánh nhau với Hạm đội 7 Hải quân Mỹ gồm 01 tuần dương hạm, 02 khu trục hạm và 01 hộ tống hạm tại vùng biển Quảng Bình. Đây là lần đầu tiên sau thế chiến lần thứ 2, Hạm đội 7 Mỹ bị không quân tập kích.
Trong trận này, địch hoàn toàn bất ngờ và chỉ trong 17 phút lịch sử, tàu tuần dương và một khu trục bị trúng bom te tua, trong khi MiG-17 về căn cứ an toàn. Một hiệu suất chiến đấu cao.
Điều rút ra từ 2 trận này là Việt Nam tổ chức tấn công khi vùng trời, vùng biển bị địch khống chế, trang bị vũ khí lạc hậu so với địch, trong khi đó lực lượng tấn công thì đơn độc, thiếu sự hỗ trợ bảo vệ cho nhau. Nhưng, tuy thế chính nhờ lối đánh, nhờ địa-quân sự có lợi mà nó đã cho kết quả.
Giá như hồi đó chỉ cần “tàu HQ 333 của cụ Bột” có được trang bị như bây giờ, 2 chiếc MIG-17 là 2 chiếc SU-22M4 (thế trận vẫn giữ nguyên) thì tàu Ma-đốc đã thành “ma” còn 4 tàu của hạm đội 7 Mỹ đã thành bãi san hô ở đáy biển Quảng Bình là chắc chắn.
Tất nhiên, lịch sử không có “giá như”, nhưng đưa ra cái “giá như” để chứng tỏ một điều là đòn đánh tập kích của Hải quân Việt Nam khi đang còn sơ khai mà đã toát lên được một “thế võ hiểm” thì ngày nay, đòn đánh đó được coi như “gia truyền” mang tính sở trường, lực lượng tham gia không những nhanh, mạnh, hiện đại mà còn tạo thêm hướng tấn công mới bởi Lữ đoàn tàu ngầm KILO Việt Nam.
Phải công nhận rằng tàu ngầm KILO Việt Nam xuất hiện tạo ra một hướng tấn công dưới lòng biển nhưng hướng tấn công này không hẳn quyết định sự thành bại của đòn đánh gồm có cả tấn công trên không và trên mặt biển. Điều đó có nghĩa là tàu ngầm KILO chưa chắc luôn được Bộ TM Hải quân Việt Nam chọn là mũi tấn công chính.
Tuy nhiên, nếu như vị trí xuất phát tấn công (VXT) quyết định thành bại của đòn đánh thì chính tàu ngầm KILO là thành phần bắt buộc không thể thiếu để tạo ra VXT thuận lợi nhất có thể có.
Một VXT thuận lợi phải đảm bảo trước hết không bị địch phát hiện trước khi công kích (yếu tố bất ngờ) và sau hết là VXT phải gần nhất có thể với vị trí sử dụng hỏa lực hoặc trong tầm hỏa lực càng tốt.
Để đạt yêu cầu đó thì việc bày mưu, lập kế như nghi binh, ngụy trang, lừa địch của chỉ huy… và việc tổ chức, triển khai lực lượng đều phải được tiến hành trong một vùng biển, hướng biển “sạch”. Nếu không, VXT sẽ không còn tính bất ngờ, khi không có tính bất ngờ thì không còn là đòn tập kích và lúc đó diễn biến của đòn đánh sẽ như trận ngày 02/8/1964 nêu trên.
Như vậy trong đòn đánh sở trường của Hải quân Việt Nam, phải chăng KILO tham gia với vai trò chỉ tạo ra một “sân chơi” cho tàu PL, tàu TL và SU-22M4 hoạt động hay chỉ thực hiện đòn đánh này một cách độc lập như đúng bản chất sở trường của KILO mà giới quân sự gọi là “lỗ đen”?
Câu trả lời cho chúng ta là: Tàu ngầm KILO được Việt Nam đặt hàng theo yêu cầu chiến thuật của riêng mình khi trong tay Quân đội Việt Nam thì mọi điều đều có thể.
Một lữ đoàn tàu ngầm gồm 6 chiếc KILO không là gì so với hơn 60 chiếc tàu ngầm đủ loại của Trung Quốc trên đại dương hay trên Biển Đông. Nhưng trong vùng biển Việt Nam, trong thế trận phòng thủ biển đảo liên hoàn nhiều tầng, nhiều lớp và chỉ dùng cho một “mục đích duy nhất là bảo vệ vùng biển Việt Nam…” thì KILO Việt Nam sẽ “rất đặc biệt”.
Rất đặc biệt về tình thế. Tàu ngầm Việt Nam không rơi vào tình thế “tứ phía thọ địch” mà chỉ canh giữ một hướng duy nhất “trước cửa nhà”, còn đằng sau, hai bên và trên không thì được bảo vệ. Tự do nào cho phép máy bay săn ngầm đối phương bay săn trên vùng biển Việt Nam? Tự do nào cho phép tàu săn ngầm đối phương “cày xới” trên vùng biển Việt Nam? Vùng biển Việt Nam, vùng trời Việt Nam ngày nay chứ không phải thời chống Mỹ.
Rất đặc biệt về chiến thuật. Chẳng hạn, khi hệ thống kính tiềm vọng sử dụng cho nhiệm vụ tấn công của tàu ngầm KILO Việt Nam được lắp đặt thêm thiết bị đo cự ly bằng tia la de và hệ thống quan trắc TV, IR thì trong vùng biển Việt Nam tác chiến ngầm hay nổi mức kính tiềm vọng lại không thành vấn đề mà quan trọng là tác chiến độ sâu nào đạt hiệu quả cao hơn mà thôi.
Rất đặc biệt về bản thân tàu ngầm. KILO kiểu Việt Nam khác KILO Trung Quốc là chỉ để bảo vệ vùng biển Việt Nam nên “cốt tinh, cốt chuyên” chứ không “cốt đông”.
Sức mạnh của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc nói riêng và PLAN nói chung trong thế trận bảo vệ vùng biển của mình là khủng khiếp khiến không ai dám xâm lược kể cả Mỹ là cường quốc biển, cường quốc quân sự số 1 với sức mạnh hải quân có thể nói là vượt trội.
Tuy nhiên, khái niệm sức mạnh này, khi trong một thế trận khác nó sẽ thay đổi, như Việt Nam-Trung Quốc thì cũng giống như Trung Quốc-Mỹ.
Sức mạnh tổng hợp để chiến thắng trong chiến tranh không có được chỉ từ một yếu tố là vũ khí trang bị. Lịch sử đã chứng minh nhiều lần.
ngocthong19.5@gmail.com
Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013
TÀU NGẦM KILO TRONG CHIẾN LƯỢC "VÙNG BIỂN SẠCH”
Đó là một khu vực, một hướng, mà dưới đó “sạch”, không có tàu ngầm địch và ngư lôi địch uy hiếp tàu chiến mặt nước của Hải quân Việt Nam.
Trước hết phải khẳng định rằng tàu ngầm KILO của Việt Nam không phải là “chiếc nỏ thần” như của An Dương Vương. Bởi vì không những nó ít ỏi mà đằng sau nó đang còn nhiều thách thức từ việc điều động tàu cho đến sử dụng trong tác chiến…mà đòi hỏi bản lĩnh và trí tuệ cao.
Cần lưu ý là cả hai cuộc chiến thế giới đều kết thúc với thất bại chính thức của ý tưởng chiến tranh tàu ngầm. Sau Thế chiến I là bởi việc ứng dụng hệ thống các đội tàu có áp tải và thiết bị thủy âm ASDIC, trong Thế chiến II là sự ứng dụng radar và máy bay…đã làm cho tàu ngầm trở thành “con mồi” thay vì “kẻ đi săn”.
Ngày nay, dù tầu ngầm được phát triển vượt bậc thì các phương tiện săn ngầm cũng không kém, khiến cho tàu ngầm phải thêm một chức năng sống còn nữa là lẫn trốn. Cho nên, theo logic đó thì hy vọng hoàn toàn về tàu ngầm trong tương lai là điều xa xỉ.
Nhưng tại sao tàu ngầm vẫn là “thực đơn” không thể thiếu, rất quan trọng của Hải quân các quốc gia ven biển?
Tại vì thứ nhất là, nói gì thì nói, tất cả những gì thuộc về tàu ngầm và lực lượng săn ngầm đều là lý thuyết suông. Thế giới hơn 68 năm nay lực lượng tàu ngầm, lực lượng săn ngầm chưa có cuộc chiến đấu nào cùng nhau hoặc đối đầu nhau, trong khi những gì thu được từ cuộc chiến trên quần đảo Manvinat đã trở nên quý hiếm mà chưa đủ đô để kiểm nghiệm.
Thứ hai là tàu ngầm tỏ ra quá nguy hiểm, lợi hại đối với những quốc gia và các phương tiện lưu thông trên biển mà khả năng chống ngầm hạn chế khiến rất dễ bị tổn thương.
Cuối cùng là, mỗi quốc gia có cách sử dụng tàu ngầm khác nhau cho mục đích khác nhau. Như tuyên bố của tướng Phùng Quang Thanh-Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam là “tàu ngầm KILO chỉ để bảo vệ vùng biển của Việt Nam, gồm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của Việt Nam, không có mục đích sử dụng nào khác”.
Tình hình hiện nay, với vũ khí trang bị phòng thủ biển hiện có thì Việt Nam đủ sức làm chủ mặt biển và không hải phận. Còn lòng biển và đáy biển?
Sự xuất hiện lữ đoàn tàu ngầm KILO của Việt Nam cũng không nằm ngoài bối cảnh đó và dĩ nhiên được kỳ vọng là phải hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao phó, trong đó nhiệm vụ ngăn chặn, tiêu diệt tàu ngầm địch trong vùng biển của ta đồng nghĩa với việc bảo vệ cho tàu chiến mặt nước của chúng ta không bị tàu ngầm địch uy hiếp là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất mang tính sống còn.
Nếu chúng ta không ngăn chặn được tàu ngầm địch, để chúng lọt vào tuyến phòng thủ thì chiến lược chống tiếp cận bị phá sản, đặc biệt khi đó coi như phần “mềm” hải chiến du kích đã bị “virus” tấn công, thế trận phòng thủ mất liên hoàn, không hỗ trợ được cho nhau nên sẽ rất khó khăn để các lực lượng thực hiện nhiệm vụ.
Chẳng hạn, khi tàu ngầm địch được tung hoành chỉ cần ở vùng giáp lãnh hải thì nó hoàn toàn ngăn chặn hoạt động của tàu mặt nước chúng ta triển khai đến vị trí xuất phát tấn công (một tiền đạo nhận bóng để tấn công ở giữa sân và ở sát cầu môn thì vị trí nào tấn công sẽ nguy hiểm cho đối phương hơn?). Các tàu phóng lôi, tên lửa Việt Nam giống như cánh tay nối dài của Bastion-P và được hệ thống này bảo vệ không sợ tàu chiến mặt nước của địch tấn công trong phạm vi 300 km tính từ bờ. Nếu lực lượng này mà bị tàu ngầm địch uy hiếp, triệt hạ thì coi như hệ thống Bastion-P không còn tác dụng cho bảo vệ Trường Sa. Khi Trường Sa bị tấn công thì sự hỗ trợ của tàu chiến mặt nước bị cắt đứt, kẻ địch được rảnh tay chỉ đối phó với Không quân Việt Nam và đương nhiên Không quân Việt Nam sẽ phải một mình thực hiện nhiệm vụ khó khăn, nặng nề hơn.
Đó là lý do vì sao Việt Nam còn sắm thêm 2 chiếc Gerpad chuyên về chống ngầm và nếu như không nhầm thì trong mỗi chiếc tàu ngầm KILO Việt Nam tính năng chống ngầm được ưu tiên nhất, cấp thiết nhất.
Chống ngầm hiệu quả nhất là dùng tàu ngầm để chống tàu ngầm, vì vậy, ít nhất có 2/6 KILO chuyên về chống ngầm. Và, nếu như Việt Nam mua thêm máy bay chống ngầm của ai đó thì không có gì thắc mắc.
Đương nhiên trên một khu vực bảo vệ rộng hơn 1 triệu km vuông biển đảo thì không nhất thiết phải “sạch” hết, tức là không có tàu ngầm địch, không có thủy lôi địch…vì chúng ta không có khả năng, nhưng trên một khu vực cần thiết thì nhất thiết phải tạo ra một khu vực biển “sạch”. Tại sao phải “sạch” thì chúng ta đã hiểu, còn đó là khu vực nào, hướng nào…thì chúng ta không cần biết vì đó là việc của Bộ TM Hải quân.
Như vậy, tàu ngầm Việt Nam xuất hiện cùng với các phương tiện chống ngầm khác sẽ tạo ra được một khu vực biển “sạch” mà ở đó trời của ta, mặt biển của ta, lòng biển của ta. Khu vực biển “sạch” mà ở đó xuất hiện một thế trận như sau:
Thứ nhất, các lực lượng được bảo vệ nhau liên hoàn. Ví dụ: tàu ngầm hoạt động không sợ máy bay săn ngầm địch vì đã có tàu mặt nước và không quân phía trên, tàu chiến cơ động không sợ tàu ngầm và tàu chiến lớn của địch vì có tàu ngầm KILO ở dưới, không quân ở trên và Bastion-P từ bờ…
Các lực lượng này như những dầm chịu lực, cái thì chịu lực nén, cái thì chịu lực xoắn…liên kết với nhau trong một khối-khu vực nên không ngại va chạm. Như vậy có thể nói, độ an toàn khi triển khai tấn công của các lực lượng của ta rất cao.
Thứ hai là cho phép phía phòng thủ hoàn toàn nắm quyền chủ động tác chiến. Nghĩa là Việt Nam có thể sẵn sàng đối đầu một trận khi xác định chắc thắng như kinh nghiệm đánh trận Điện Biên Phủ hoặc có thể chọn trận mà chơi, chọn nơi mà đánh theo cách tập kích hay phục kích.
Không còn nghi ngờ gì nữa, tàu ngầm KILO của Hải quân Việt Nam xuất hiện là nhu cầu tất yếu của thế trận phòng thủ biển đảo. Trong “sơ đồ chiến thuật” này, tàu ngầm KILO không phải là tất cả nhưng là một yếu tố không thể thiếu. Thiếu nó trong khi hệ thống chống ngầm hạn chế thì chiến lược chống tiếp cận bị phá sản. Thiếu nó hải chiến du kích sẽ gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt là bảo vệ Trường Sa.
Vậy, tàu ngầm KILO Việt Nam trong hải chiến du kích sẽ thể hiện như thế nào với các lực lượng khác? Thế nào là đòn “3 đánh 1” hay lực lượng phân tán hỏa lực tập trung?
Năm 2011 trong bài viết “Tàu ngầm Việt Nam, nguy cơ mới cho quân xâm lược”, tôi đã nêu một quan điểm: “…như vậy trong tay Việt Nam tàu ngầm hoạt động rất ít giống với quy ước, nó được sử dụng, biến đổi thành rất nhiều chiêu thức nguy hiểm. Nhà sản xuất cũng không nghĩ ra là có lúc nó sẽ như thế. Cũng là giống Hổ, Hổ ở châu Phi có cách săn mồi với những pha rượt đuổi đầy ngoạn mục nhưng Hổ ở Việt Nam không săn mồi như thế vì không có đồng cỏ rộng để rượt đuổi, không có hàng trăm con mồi mà tha hồ lựa chọn. Hổ Việt Nam chỉ rình mồi ở những vị trí mà con mồi hay đi qua và bắt buộc phải đi qua. Và khi con mồi đã trong “tầm vồ” thì ... mới gọi là Chúa sơn lâm”. Rõ ràng rình mồi ở nơi con mồi hay đi qua thì ai cũng biết nên khó thành công, còn rình mồi ở nơi con mồi bắt buộc phải đi qua thì chắc ăn, nhưng làm sao để con mồi “buộc phải đi qua” là cả một nghệ thuật bày mưu, tính kế nhà binh.
Thủy lôi chống ngầm, 24 quả mà KILO mang theo, rải xuống trên tuyến chống ngầm cũng it nhất là làm cho tàu ngầm địch “khựng” lại buộc chúng phải “đi theo lối khác”.
Vậy tàu ngầm KILO Việt Nam có cơ hội nào để rình đúng chỗ địch “bắt buộc phải đi qua”?
(còn tiếp) ngocthong19.5@gmail.com
Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013
TÀU NGẦM KILO CỦA HẢI QUÂN VIỆT NAM TRONG HẢI CHIẾN DU KÍCH HIỆN ĐẠI
(Phần 1)
Không ai, từ một vị thống soái cho đến anh binh nhì thích thú khi bảo vệ Tổ quốc bằng chiến tranh du kích. Bởi lẽ kiểu chiến tranh này chỉ thắng khi có một bản lĩnh, trí tuệ cao, người lính phải gan dạ, không sợ hiểm nguy, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, mất mát. Nhưng khi giặc ngoại xâm luôn có lực lượng đông, mạnh hơn nhiều lần thì Việt Nam chẳng còn sự lựa chọn nào khác.
Hải chiến du kích trong hải chiến hiện đại.
Chiến tranh du kích là một cuộc chiến tranh không cân xứng của những nước có địa hình rừng núi, sông ngòi hiểm trở nhưng tiềm lực quân sự yếu (bị xâm lược) vũ khí thô sơ đối đầu với một nước có đội quân hùng hậu, trang bị vũ khí hiện đại (đi xâm lược).
Chiến tranh du kích tạo ra một lối đánh riêng, đặc trưng, đó là lối đánh du kích. Lối đánh du kích là dùng lực lượng nhỏ lẻ tấn công vào nơi hiểm yếu của địch chủ yếu 2 hình thức: Tập kích và phục kích theo phương châm đánh nhanh, rút nhanh.
Chiến tranh du kích do đó, không có các trận đánh lớn mang tính tiêu diệt mà chủ yếu chỉ làm cho quân địch hoang mang, mất ăn mất ngủ, gây thiệt hại về người và của, làm cho địch chán nản, chiến tranh kéo dài không có lợi cho kẻ địch, trong khi ta càng đánh phải càng mạnh.
Chiến tranh du kích ngày nay khác xa rất nhiều ngày xưa, là sự kết hợp nhuần nhuyễn của vũ khí hiện đại công nghệ cao vào lối đánh du kích trong một trận hoặc trong một chiến dịch hợp đồng các lực lượng.
Việt Nam được coi như là một bậc thầy về tổ chức kiểu chiến tranh này và ngày nay, nó là đặc sản quý báu của nghệ thuật quân sự bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, “đặc sản” quý báu này có được từ cuộc chiến trên bộ thì liệu có thể áp dụng được cho cuộc chiến xảy ra trên không và trên biển, dưới lòng biển hay không? Tức là có tồn tại “không chiến du kích” và “hải chiến du kích” hay không?
Rõ ràng là đã xảy ra một lối đánh du kích trên không (không chiến du kích) của Không quân Việt Nam đối đầu với Không quân Mỹ hết sức gay cấn, oai hùng, đầy mưu trí, sáng tạo của chỉ những “con én bạc” so với “bầy quạ” mà lịch sử chiến tranh đã ghi nhận.
Vậy, nói gọn lại, Hải quân Việt Nam, lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền Biển Việt Nam, thì khi chiến tranh trên biển xảy ra liệu có thể thực hiện lối đánh du kích trên biển (hải chiến du kích) hay không? Và như thế nào?...
Chúng ta luôn nhớ rằng, khi đối đầu với quân xâm lược, thời nay, có thể chúng ta có nhiều loại vũ khí phương tiện ngang bằng với địch về chất lượng, nhưng về số lượng, quy mô thì bất luận thời nào chúng ta cũng đều thua thiệt. Do đó về đại thể, Việt Nam luôn luôn tiến hành chiến tranh chông xâm lược trong một tình thế bất lợi, đó là phải luôn luôn “lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ đánh lớn”.
Hải quân Việt Nam dù được hiện đại hóa đã vững mạnh, tinh nhuệ, thiện chiến, dù đã có thêm lực lượng tác chiến ngầm cũng không ngoại lệ, nghĩa là về so sánh lực lượng vẫn phải “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít đánh nhiều”. Cho nên, hải chiến du kích không những tồn tại mà còn phải được xây dựng, phát triển lên một tầm cao mới, phù hợp với vũ khí trang bị hiện có, theo phương châm: “Bí mật, bất ngờ, cơ động nhanh, tấn công nhiều hướng, nhiều chiều vào nơi hiểm yếu, tử huyệt của địch bằng nhiều lực lượng với trang bị vũ khí nhỏ gọn, hiện đại và uy lực mạnh, làm cho quân dịch thiệt hại nặng, mất sức chiến đấu, hoang mang suy sụp ý chí, hỗ trợ và tạo điều kiện cho những trận tấn công tiêu diệt lớn kết thúc chiến tranh”.
Như vậy có thể nói, là một nước nhỏ, Việt Nam không bao giờ xâm lược mà chỉ chuẩn bị lực lượng đủ để tự vệ, bảo vệ chủ quyền. Vì thế trong bất cứ cuộc tấn công nào của kẻ địch, Việt Nam cũng đều phải “lấy ít đánh nhiều” cho nên, ngoài việc xây dựng lực lượng và lối đánh đáp ứng nhu cầu của chiến tranh hiện đại, tất yếu phải tiến hành một cuộc chiến tranh du kích nói chung bao gồm trên không, trên biển, trong lòng biển nói riêng…Đó chính là nghệ thuật quân sự Việt Nam đối đầu với quân xâm lược hùng mạnh để buộc chúng phải sa lầy dẫn đến thất bại hoàn toàn.
Hải chiến du kích kiểu Việt Nam như thế nào?
Quả thật có rất nhiều người quan tâm đã tỏ ra băn khoăn liệu không biết trên biển nó trống trải, không rừng, không núi như vậy làm sao mà đánh du kích hoặc lo ngại, bi quan, khi sử dụng chiến thuật “hit and run” mà báo chí nước ngoài phân tích đề cập…
Trước hết, hải chiến du kích của Việt Nam không đơn giản như cách gọi của chuyên gia quân sự nước ngoài là kiểu đánh “hit and run” (đánh và chạy).
Hải chiến du kích của Việt Nam, về “phần mềm”, luôn được triển khai tiến hành trong một thế trận chiến tranh nhân dân phòng thủ BVTQ liên hoàn, nhiều tầng, nhiều lớp, có chiều rộng lẫn chiều sâu và được phối hợp bởi nhiều lực lượng. Đó là cơ sở, là căn cứ, là điều kiện cần và đủ cho hình thức tác chiến tập kích và phục kích.
Về “phần cứng” (địa hình, địa lý), có thể nói Trường Sa là mục tiêu bảo vệ xa đất liền nhất, tuy thế nhưng hoàn toàn nằm trong tầm tác chiến của nhiều loại vũ khí trang bị của ta. Trong khi đó với địch thì rất xa, đường hành quân, hướng tấn công của địch buộc phải gần với đất liền và hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ gần bờ của Việt Nam.
Địa lợi này, ngay cả lối đánh du kích truyền thống vẫn triển khai tốt, kết hợp với “phần mềm”, chắc chắn việc tổ chức thực hiện hải chiến du kích sẽ nhàn hơn, thuận lợi hơn rất nhiều so với “không chiến du kích”.
Tổ chức lối đánh du kích trên không khó khăn gấp bội, nhưng không quân Việt Nam trong chiến tranh vẫn tổ chức những trận phục kích để đời cho không quân Mỹ. Nhiều người ngạc nhiên lắm, nhưng, phục kích ở đâu đã không còn quan trọng, điều quan trọng mang tính quyết định là phục kích như thế nào.
Đã qua rồi thời kỳ các tàu phóng lôi nhỏ từ căn cứ lao ra dưới làn hỏa lực của địch, bất chấp hiểm nguy như trận đánh đuổi tàu Ma đốc của Mỹ. Đã qua rồi tàu phóng lôi, tên lửa của Hải quân Việt Nam chỉ có cách đánh hiệu quả duy nhất là đánh gần…và “hit and run”. Ngày nay hải chiến du kích của Việt Nam đã mang một hình thái, sắc thái mới.
Sự xuất hiện những con tàu ngầm KILO được mệnh danh là “lỗ đen” trong hải quân Việt Nam như là một cuộc cách mạng nâng cấp “phần mềm”, “phần cứng” của hải chiến du kích kiểu Việt Nam.
Vậy, tàu ngầm KILO Việt Nam có vai trò như thế nào trong “sơ đồ chiến thuật” hải chiến du kích của Hải quân Việt Nam?
ngocthong19.5@gmail.com
Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013
NƯỚC CỜ KHÔN NGOAN, ĐẦY BẢN LĨNH CỦA NHẬT BẢN Ở KHU VỰC CHÂU Á-TBD
Hòa bình trên khu vực châu Á-TBD đang bị thách thức nghiêm trọng khi đã có nước lớn trên khu vực trỗi dậy, “đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”. Theo logic đó, xung đột, chiến tranh chỉ là vấn đề thời gian, nếu như…
Khi “lòng tin chiến lược” không tồn tại.
Lịch sử thì không có “nếu như”, nhưng chúng ta thử “nếu như” một chút để qua đó đánh giá đúng vai trò, nhận thức đúng giá trị của “lòng tin chiến lươc” giữa các quốc gia với nhau như thế nào.
Nếu như trong chiến tranh Thế giới lần 2, vào tháng 12/1941, Nhật Bản tấn công vào vùng Viễn Đông của Liên Xô thì chắc chắn quân Đức đã diễu binh ở Maxcova và Liên Xô bị thất thủ. Nhưng Nhật Bản không làm vậy, rốt cuộc Đức bị Liên Xô đẩy lùi và làm cho thảm bại, còn Nhật Bản, kết quả cũng chẳng hơn gì Đức. Tại sao thì ai cũng biết.
Nếu như Mỹ tin Việt Nam tiến hành chiến tranh để thống nhất 2 miền chứ không phải vì Trung Quốc, Liên Xô thì không có 21 năm máu lửa. Quan hệ Mỹ-Việt sẽ không như bây giờ…
Còn bây giờ, nếu như ASEAN không có các thành viên “đã lựa chọn đứng về bên này hay bên kia vì lợi ích riêng” thì làm sao Trung Quốc có thể ngang ngược, bất chấp, ấp ủ tham vọng biến Biển Đông thành “ao nhà” được. Vân vân và vân vân.
Rõ ràng là, “lòng tin chiến lược” nếu tồn tại giữa các quốc gia trong khu vực thì hệ quả duy nhất là “cùng có lợi”.
Lòng tin chiến lược giữa các quốc gia nếu như ở mức độ cao hơn là “sự đoàn kết, tin cậy lẫn nhau” thì luôn luôn “cùng thắng”, khu vực luôn hòa bình, ổn đinh, phát triển thịnh vượng.
Như vậy có thể nói, trong bối cảnh khu vực đang căng thẳng, nếu như không muốn chiến tranh, không muốn “cùng thua” thi xây dựng lòng tin chiến lược giữa nước lớn với nước nhỏ, giữa các nước nhỏ với nhau là chiến lược đúng đắn duy nhất cho hòa bình, phát triển khu vực.
Ý tưởng của Việt Nam và hành động của Nhật Bản!
Việt Nam luôn hiểu ý nghĩa, giá trị lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết đại đoàn kết, thành công đại thành công” như thế nào, cho nên “lòng tin chiến lược” mà Thủ tướng Việt Nam nêu ra tại Shangri-La chỉ là một chỉ báo kinh nghiệm mang tính vĩ mô (khu vực) mà thôi.
Điều thú vị, trùng hợp, là Nhật Bản đã và đang triển khai thực hiện chiến lược này với một kết quả thu được hơn mong đợi.
Nhật Bản đang làm gì? Trước hết mở rộng địa chính trị.
Việc Trung Quốc hung hăng hiếu chiến gây hấn hầu hết với láng giềng trong đó có Nhật Bản…đã tạo ra một địa chính trị hết sức bất lợi cho Trung Quốc.
Đây là điều kiện cực kỳ thuận lợi để Nhật Bản gây dựng “lòng tin chiến lược” với các “nạn nhân” sau một thời gian dài đã “xin lỗi đủ” những gì họ gây ra trong thế chiến. Không khó để nhận thấy các quốc gia khu vực châu Á-TBD buộc phải quên hình ảnh nước Nhật Bản ngày xưa…khi chứng kiến một Trung Quốc hiện tại.
Nhật Bản và Nga đã “tan băng”. Lòng tin chiến lược giữa Nga và Nhật Bản đã xuất hiện trên vùng Viễn Đông, trong chuyến thăm của thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe. Đó là sự bắt đầu đầy khó khăn nhưng khi đã tin nhau thì kết quả tiếp theo sẽ vô cùng thuận lợi.
Với Ấn Độ thì kết quả dường như còn lớn hơn nhiều bởi đây đơn thuần chỉ là sự củng cố và phát triển lòng tin chiến lược để tạo nên một trục kinh tế, quân sự vững chắc hay không mà thôi.
Nhưng điểm nhấn chú ý nhất là lòng tin chiến lược mà Nhật Bản đã gây dựng được với một số nước trong ASEAN.
Trong mắt khối ASEAN, Nhật Bản như là một quốc gia anh dũng, không khoan nhượng, chống lại cường quyền. Sức mạnh kinh tế (chẳng kém gì Trung Quốc) cộng với vị trí “cùng là nạn nhân” đã tạo thuận lợi cho Nhật Bản mở rộng, xây dựng một địa chính trị không mấy khó khăn. Mối quan hệ đó được diễn ra một cách tự nhiên như là nhu cầu tất yếu của lịch sử, phù hợp quy luật phát triển của khu vực châu Á-TBD.
Tham vọng của Trung Quốc càng lớn, hành động càng ngang ngược, hiếu chiến càng đẩy Nga, Ấn Độ, Philipines, Việt Nam…càng có “lòng tin chiến lược” với Nhật Bản hơn. Việc Nhật Bản viện trợ, giúp đỡ Philipines tàu thuyền hiện đại để canh biển chống Trung Quốc và Philipines ủng hộ Nhật Bản tái vũ trang…cũng là đương nhiên và tự nhiên.
Bởi vậy khi Nhật Bản tạo ra được một “lòng tin chiến lược” với quốc gia láng giềng nào của Trung Quốc thì đương nhiên, địa chính trị của Trung Quốc bị thu hẹp, cô lập và bất lợi.
Đã có thời kỳ Trung Quốc (buộc phải) “dấu mình chờ thời”, gây dựng lòng tin chiến lược với láng giềng khu vực châu Á-TBD, ASEAN và thực tế là đã có được nhiều kết quả tốt đẹp. Nhưng, tiếc thay, Trung Quốc không củng cố và phát triển lòng tin chiến lược này bởi tư tưởng bành trướng nước lớn đã trỗi dậy. Thực chất của bành trướng nước lớn là hành động cậy mạnh luôn mang chiến tranh, đe dọa vũ lực, bắt nạt, chèn ép đến với láng giềng…Hành động đó, đương nhiên, không thể mang đến lòng tin cho bất kỳ quốc gia nào.
Sau khi tranh thủ cơ hội để xây dựng lòng tin chiến lược, mở rộng địa chính trị, Nhật Bản càng dễ dàng tái vũ trang để chống lại “sự áp đặt cường quyền”…mà không ai, từ láng giềng đến người dân trong nước phản ứng, thậm chí ủng hộ nhiệt liệt, điều mà trước đây giới lãnh đạo Nhật Bản có nằm mơ cũng khó khăn.
Phải công nhận rằng, dù Trung Quốc đã vượt Nhật Bản về GDP thì Nhật Bản vẫn là một thế lực lớn, giàu có, mạnh, trên khu vực châu Á-TBD. Dân số Trung Quốc gấp 10 lần Nhật Bản, nếu năm 2012 GDP của Nhật là 6000 tỷ USD thì để bằng Nhật Bản, GDP của Trung Quốc phải là 60.000 tỷ thay vì chỉ 8000 tỷ USD. Cho nên, Nhật Bản nếu cũng “chịu chơi chi cho quân sự” để đua với Trung Quốc thì Nhật Bản không ngán ngại, Nhật Bản gọn, nhẹ hơn nhiều lần Trung Quốc. Cuộc đua của 2 chiếc xe cùng mã lực thì phần thắng sẽ thuộc về chiếc xe nào nhỏ gọn, nhẹ.
Tình thế trên khu vực châu Á-TBD hiện tại, Nhật Bản có một vai trò rất lớn, trực tiếp và quan trọng khiến cho tương quan quân sự, chính trị, không có lợi cho Trung Quốc. Sự “ảnh hưởng” của Nhật Bản, khả năng “là cờ đầu” của Nhật Bản trong khu vực chống tham vọng biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc đang hình thành một áp lực mạnh cho Trung Quốc.
Xem ra Nhật Bản vẫn là lời nguyền khó vượt qua của Trung Quốc vậy.
ngocthong19.5@ gmail.com
Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013
BÍ ẨN CỦA LỮ ĐOÀN TÀU NGẦM SỐ 1 HẢI QUÂN VIỆT NAM
Nhất cử nhất động của chiếc tàu ngầm đầu tiên mang tên Hà Nội đã được người Việt, thông qua giới truyền thông đặc biệt quan tâm với một tinh thần phấn chấn, khi biết “KILO của ta” hiện đại hơn, vũ khí “khủng” hơn KILO cùng loại…và, chẳng bao lâu, chỉ là một cái chớp mắt so với 57 năm tồn tại của Hải quân Việt Nam, trên vùng biển Việt Nam sẽ xuất hiện lữ đoàn tàu ngầm.
Tuy nhiên, đó chưa phải là điều cốt yếu mà giới quân sự quan tâm.
Lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam…như thế nào?
Tàu ngầm KILO Việt Nam đóng sau KILO Trung Quốc, Ấn Độ những gần 10 năm, cho nên công nghệ, tính năng kỹ chiến thuật tiên tiến hơn, vũ khí trang bị hiện đại hơn là chuyện đương nhiên.
Nếu như 6 chiếc KILO của lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam như báo giới phân tích, so sánh từng chi tiết vũ khí, phương tiện…(chắc là phỏng đoán) với KILO của Trung Quốc thì giới quân sự nước họ, coi Việt Nam là đối tượng tác chiến trực tiếp, đã ăn ngon, ngủ yên, không việc gì phải lo lắng.
Điều họ quan tâm nhất là những đặc điểm riêng biệt của 6 KILO Việt Nam mà Nga đang hoàn thành theo đặt hàng của Việt Nam là gì.
Chắc chắn, tàu ngầm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… là không bao giờ giống nhau, bởi, biểu hiện thứ nhất cho thấy, chẳng có một nguyên tắc tổ chức xây lực lượng quân sự nào như vậy cả và với Việt Nam thì lại càng không. Biểu hiện thứ hai, KILO mà Việt Nam đặt hàng giá cao hơn thực tế khi đang ở trong bối cảnh mối quan hệ chiến lược Việt – Nga đã tới mức tin cậy.
Hai biểu hiện này ít nhất cũng chứng tỏ một điều là lớp tàu KILO mà Nga đóng không những là đóng cho Việt Nam mà còn đóng theo yêu cầu tác chiến của Việt Nam.
Tại sao giới quân sự quan tâm những đặc điểm riêng biệt như vậy? Tại vì điều đó mới chính là yếu tố quyết định sự khác biệt giữa chủng loại KILO với nhau mà qua đó hình thành các phương án tác chiến sử dụng lực lượng tàu ngầm phục vụ cho các mục đích chiến lược, chiến dịch hay chiến thuật mà Bộ Tham mưu Hải quân Việt Nam lựa chọn triển khai.
Dễ thấy nhất như súng AK chẳng hạn, nếu nó là báng gấp thì đương nhiên để cho bộ đội đặc biệt tinh nhuệ như trinh sát, đặc công sử dụng và lối đánh của lực lượng đặc biệt tinh nhuệ như thế nào thì đã rõ.
Nhưng với tàu ngầm KILO thì đặc điểm khác biệt này không dễ thấy, chỉ Bộ tham mưu Hải quân Việt Nam và giới chức Nga được đặt hàng mới biết chắc và do đó nhiệm vụ, lối đánh của từng loại tàu ngầm KILO không phải là điều mà báo chí có thể khai thác, phát hiện.
Ngoài các loại vũ khí khác như ngư lôi, thủy lôi, tên lửa phòng không ra, nếu 6 tàu ngầm KILO Việt Nam được phân bố trang bị đủ 5 biến thể của tên lửa Club-S gồm:
- Tên lửa hành trình chống hạm 3M-54E tầm bắn 200km, vận tốc 2,9M, đầu đạn nặng 200kg.
- Tên lửa hành trình chống hạm 3M-54E1, tầm bắn 300km, vận tốc 0,8M, đầu đạn nặng 400kg dùng để diệt tàu sân bay.
- Tên lửa hành trình đối đất 3M-14E, đầu đạn 400kg, tầm bắn 275km.
- Tên lửa chống tàu ngầm 91RE1 có tầm bắn 50km.
- Tên lửa chống tàu ngầm 91RE2 có tầm bắn 40km.
thì 6 KILO Việt Nam sẽ hình thành 3 loại nhiệm vụ quan trọng và tất nhiên sẽ có 3 lối đánh (chiến thuật) tương xứng.
Thứ nhất là tiêu diệt tàu ngầm địch, tàu vận tải quân sự, phong tỏa bến cảng, căn cứ địch. Thứ hai là tiêu diệt tàu chiến mặt nước, tàu sân bay và các mục tiêu trên bờ của địch. Và nhiệm vụ thứ 3 có thể là đặc nhiệm.
Căn cứ vào tư tưởng, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc thì thường Quân đội Việt Nam không ưu tiên tính đa nhiệm trong vũ khí. Bởi lẽ, với một tiềm lực quân sự hạn hẹp thì muốn tạo ra được ưu thế khi tác chiến thì vũ khí phải có tính chuyên môn hóa cao, tính đa nhiệm của vũ khí không tạo ra được ưu thế tác chiến mà có khi trở nên lãng phi, thừa.
Vì thế, KILO Việt Nam với nhiệm vụ nào thì vũ khí phương tiện đó, dù rằng “ít mà tinh” hơn là nhiều (nhưng không bao giờ nhiều hơn họ) mà không có đặc điểm riêng biệt, độc đáo thì chẳng tạo nên sự khác biệt.
Vậy đặc điểm riêng biệt đó là gì? Một câu hỏi mà người biết không bao giờ trả lời. Đó là một trong vô vàn điều bí ẩn về Lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam.
Trong tay Việt Nam, KILO sẽ…ra sao?
Giới quan sát Trung Quốc thì cho rằng Việt Nam còn lâu mới sử dụng thành thạo tàu ngầm KILO như Hải quân Trung Quốc. Giới bình luận quân sự quốc tế thì xếp trình độ tàu ngầm Việt Nam nằm giữa Indonesia và Singapo.
May thay cho nhân loại, đã 68 năm nay thế giới không có một kinh nghiệm chiến đấu nào của tàu ngầm và rủi thay cho các quốc gia có tàu ngầm, kinh nghiệm chiến đấu là con số O. Trong lĩnh vực quân sự, chỉ có duy nhất thực tiễn mới là tiêu chí của chân lý, vậy, Việt Nam và Trung Quốc, Indo, Singapo có gì khác nhau?
Rốt cuộc, thành thạo trong sử dụng tàu ngầm mới chỉ là tiêu chí cao nhất đánh giá việc huấn luyện thời bình. Chỉ cần có thời gian hoặc phương tiện, phương pháp huấn luyện tiên tiến (chẳng hạn như mô phỏng huấn luyện tàu ngầm mà Nga xây dựng cho Việt Nam) là có thể sử dụng thành thạo.
Nhưng sáng tạo trong sử dụng tàu ngầm mới quyết định thành bại của cuộc chiến. Sáng tạo là tố chất chỉ có được từ truyền thống dân tộc, từ bản lĩnh và trí tuệ.
Sáng tạo trong đánh giặc bảo vệ Tổ quốc và sử dụng vũ khí của Việt Nam thực tế đã chứng minh. Đó là bản chất vốn có luôn tồn tại trong hình thái chiến tranh nhân dân.
Đây là điều bí ẩn mang tính chiến thuật mà Việt Nam cũng như Trung Quốc bắt đầu từ học thuyết quân sự của riêng mình và đều từ con số 0 của kinh nghiệm chiến đấu.
Dư luận, giới quân sự nước ngoài có những lời bình, nhận xét 6 tàu ngầm KILO của Việt Nam khi tác chiến như “sẽ thay đổi cuộc chơi trên Biển Đông”, “một sức mạnh mới cho phòng thủ của Việt Nam”…không phải là điều sáo rỗng.
Tàu ngầm cốt tinh, không cốt đông, tàu ngầm là bí mật, toàn bộ phải bí mật đó chính là yếu tố quyết định tạo nên bản năng sát thủ của tàu ngầm.
Việc xuất hiện lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc lo ngại một thế trận trên Biển Đông bất lợi nếu như có hành động dùng vũ lực chiếm Biển Đông, biến thành “ao nhà” của mình.
Không lo ngại KILO Việt Nam...không được.
Thực ra, 6 chiếc KILO Việt Nam đối với Trung Quốc thì chẳng là cái gì cả, Trung Quốc có hơn 70 chiếc, gấp hơn 10 lần Việt Nam, mà loại nào cũng có, kể cả tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Nhưng Trung Quốc dù có phô trương, hoanh hoang sức mạnh đến mấy vẫn rất lo ngại KILO Việt Nam khi chiếm Biển Đông để biến thành “ao nhà”.
Họ lo ngại không phải vì KILO Việt Nam tiên tiến, trang bị vũ khí khủng hơn KILO của họ, đâu phải trên Biển Đông Trung Quốc chỉ tác chiến bằng tàu ngầm KILO …mà lo ngại bởi trước hết là ưu thế và lợi thế của KILO của Việt Nam khi tác chiến. Tại sao?
Muốn chiếm Biển Đông, biến thành “ao nhà”, Trung Quốc gặp rất nhiều vấn đề lớn nguy hiểm, bất lợi, tồn tại trong thế trận mà không thể và chưa thể giải quyết trước mắt. Đó được coi như những “tử huyệt” của Trung Quốc mà khi phạm vi, mức độ, tính chất của cuộc xung đột quân sự trên biển càng lớn thì càng bộc lộ rõ nét, càng sâu sắc và “bất khả kháng”.
Thế trận Biển Đông này ngay hoặc thế trận khi tấn công đánh chiếm hết Trường Sa của Việt Nam khi không có KILO cũng đã làm đau đầu giới quân sự Trung Quốc khiến họ không thể mạo hiểm.
Mạo hiểm, bởi nếu không có tuyến sau hay tuyến sau bị đối phương cắt đứt thì tuyến trước (lực lượng đổ bộ và tàu hộ tống bảo vệ) không đủ khả năng đương đầu, tháo chạy hoặc bị diệt là vấn đề thời gian, cho nên, đòi hỏi kế hoạch tác chiến đảm bảo hậu cần, kỹ thuật (tuyến sau) của Hải quân Trung Quốc phải khả thi cao nhất và an toàn tuyệt đối.
Tuy nhiên, ý thức và thực tế là khác nhau, giới quân sự Trung Quốc chưa có, chưa tìm ra một khả năng nào để triệt tiêu một thực tế khách quan rành rành: “Bất kỳ một cố gắng nhỏ nào của phía Việt Nam cũng gây tác hại lớn cho hệ thống hậu cần, kỹ thuật (tuyến sau) của Trung Quốc”.
Để tổ chức cho 32 tàu cá xâm phạm đánh bắt trái phép tại phía Tây quần đảo Trường Sa thì Trung Quốc vẫn phải có 2 tàu Ngư chính đi sau phục vụ hậu cần và kỹ thuật. Huống chi, tổ chức một chiến dịch đánh chiểm Trường Sa thì không đơn giản một chút nào. Trong tình hình chiến sự xảy ra thời gian tính bằng phút, hoạt động, vận hành của các phương tiện ở mức độ tối đa thì sự cố xảy ra là không tránh khỏi (chưa bàn đến sự cố do bị đối phương giáng trả), chỉ cần một con tàu mất khả năng hay hạn chế khả năng cơ động, mất sức chiến đấu thì xử lý nó cần cả một dây chuyền, từ kỹ thuật cho đến bảo vệ an toàn…Liệu Trung Quốc có đủ khả năng bảo vệ trên một tuyến tấn công dài hàng ngàn hải lý không?
Rất nhiều học giả khuyên nhà cầm quyền Bắc Kinh rằng “cần thì cứ đánh, khỏi đàm”…nghe cứ dễ như thò tay vào túi lấy bật lửa. Cứ thấy vài chiếc tàu khu trục kéo ra Biển Đông gần Trường Sa tập trận, phóng tên lửa vun vút, xong, kéo nhau về căn cứ quay phim chụp ảnh lên truyền hình là GS Hàn Húc Đông của trường ĐH quốc phòng Trung Quốc phởn chí lên “cần thì cứ đánh”.
Nhưng, về, rút lui, không dễ như trong diễn tập đâu. GS Hàn Húc Đông không hiểu trong tay Việt Nam đang có nhiều máy bay đánh chặn trứ danh SU-22M với vũ khí diệt hạm hiện đại đang sẵn sàng trên nhiều sân bay bí mật trên bờ thì sẽ như thế nào. Chắc chắn, “ăn tục, nói phét”, “điếc không sợ súng” là những từ mà giới tham mưu-tác chiến của Trung Quốc cũng như Việt Nam dành cho những học giả già nua, lẩm cẩm, quá khích.
Bộ tham mưu Hải quân Trung Quốc lẽ nào không hiểu con đường hành quân, triển khai hậu cần, kỹ thuật phục vụ cho tấn công đánh chiếm đảo Trường Sa quá xa căn cứ mà lại gần và dọc theo chiều bờ biển Việt Nam? Chẳng lẽ không hiểu điều đó nghĩa là sẽ bị rất nhiều hướng tấn công và nhiều lực lượng có cơ hội tấn công? Lẽ nào họ không nhận thấy thế trận đó phù hợp với lối đánh sở trường của Hải quân Việt Nam: Bí mật, bất ngờ, tập kích nhiều hướng, nhiều tầng, dồn dập làm cho địch rối loạn đội hình…?
Trung Quốc quá hiểu, nhưng đây là “địa lợi” của Việt Nam là “rành rành định sẵn ở sách Trời”, Trung Quốc không thể thay đổi.
Tuy nhiên khi xuất hiện lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam thì vấn đề cắt đứt tuyến sau lại càng dễ dàng hơn. Chỉ cần bí mật rải thủy lôi gây thiệt hại và làm rối loạn đội hình địch hoặc buộc đường hàng hải hành quân của địch thay đổi (nếu bãi thủy lôi bị phát hiện) có lợi cho tầm hỏa lực bờ phát huy là đạt yêu cầu. Ngoài ra với chức năng đó còn phong tỏa hoàn toàn các tuyến đường vận tải thương mại của đối phương. Nhiệm vụ này, với KILO không mấy khó khăn.
Đặc công nước + Tàu ngầm KILO = Lối đánh kiểu Việt Nam (ảnh)
Tác chiến trên “sân nhà” KILO của Việt Nam có lợi thế hơn là đương nhiên và thậm chí ngay cả ưu thế chống ngầm, diệt hạm nổi…KILO Việt Nam cũng có thể vượt trội. Nhưng đó chưa phải là điều đáng ngại lắm cho Trung Quốc, điều lo ngại là các nhiệm vụ đặc nhiệm của tàu KILO như trinh sát, radar, chỉ thị mục tiêu, đặc biệt là phục vụ cho đặc công nước…
Nếu như ngày xưa, “đặc công nước” của Hải quân Việt Nam với lối đánh hiểm, độc đáo, chứng minh cho tư tưởng “nếu công nghệ không thể thì chiến thuật có thể”, đã giáng cho hải quân Mỹ, dù được bảo vệ cực kỳ cẩn mật, những đòn nhớ đời thì ngày nay hoạt động của KILO có thể nào không giúp được gì cho lối đánh này được thăng hoa? Sự dày dạn kinh nghiệm chiến trận được hỗ trợ bởi công nghệ tiên tiến khiến nhiệm vụ này trở nên nguy hiểm, khó lường.
Nói chung, do đã kinh qua nhiều cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc chống xâm lược nên Việt Nam biết chuẩn bị cho mình những gì cần thiết, đủ sức đương đầu. Sự lo ngại của Trung Quốc nếu có là hoàn toàn có cơ sở và khắc phục điều đó tốt nhất, hay nhất là không nên buộc Việt Nam phải sử dụng.
ngocthong19.5@gmail.com (Tàu ngầm Việt Nam-nguy cơ mới cho quân xâm lược, bài đã dăng trên Viet-studes)
ĐỪNG ĐÁNH GIÁ THẤP VIỆT NAM
Chưa có những cuộc duyệt binh hoành tráng với hàng không mẫu hạm, tên lửa đạn đạo hay máy bay không người lái thế hệ mới nhất, nhưng Việt Nam luôn là một ẩn số về tiềm lực quân sự.
Người Israel bất ngờ với các kỹ sư Việt Nam
Hệ thống quản lý vùng trời VQ2 đã được Viettel nghiên cứu thử nghiệm thành công là một bước tiến lớn trong lĩnh vực công nghệ an ninh quốc phòng.
Không chỉ là ẩn số từ quá khứ hào hùng ngày trước, mà còn vì sự nể trọng của những tập đoàn khí tài quân sự lớn của thế giới khi chứng kiến khả năng tự phát triển công nghệ mạnh mẽ trong lĩnh vực an ninh quốc phòng của Việt Nam, mà tập đoàn Viettel là một điển hình.
Từ sự bất ngờ của người Do Thái…
Cách đây hơn 10 năm, hệ thống thông tin quản lý vùng trời quốc gia (gọi tắt là VQ9801) đã được thiết lập. Hệ thống có nhiệm vụ xử lý, cung cấp thông tin cho các cấp lãnh đạo của lực lượng Phòng Không- Không quân nói riêng và Quân đội nói chung về mọi tình huống diễn ra trên không, nhằm đảm bảo cho việc ra quyết định một cách chính xác và hiệu quả. Hệ thống do các đối tác nước ngoài cung cấp toàn bộ phần cứng, phần mềm và đào tạo nhân lực. Trải qua hơn 10 năm khai thác, hệ thống đã hết thời hạn sử dụng và bộc lộ một số hạn chế khó khắc phục.
Trước tình hình đó, tháng 4/2012, Bộ Quốc phòng đã chính thức giao cho Tập đoàn Viettel- trực tiếp là Viện Nghiên cứu Phát triển Viettel (Viện CNPT Viettel) nghiên cứu chế tạo hệ thống duy trì và sẵn sàng thay thế cho hệ thống VQ9801, làm tiền đề cho chiến lược xây dựng hệ thống quản lý vùng trời hiện đại thế hệ thứ 2- VQ2. Cũng giống như hơn 10 năm trước khi giao cho đơn vị này thiết kế thi công đường trục cáp quang quân sự 1A, yêu cầu kiên quyết được đặt ra là phải làm chủ hoàn toàn, tức là không được phép có sự tham gia trực tiếp của nước ngoài…
Những người Do Thái, vốn được xem là vượt trội về chỉ số thông minh, nắm trong tay các công nghệ quân sự tiên tiến và mang đi bán khắp thế giới. Biết Viettel đang được giao nhiệm vụ này, họ đã đến để chào hàng chuyển giao công nghệ. Công nghệ Israel được xác nhận là tốt và phù hợp, nhưng cũng vì điều này mà giá thành đội lên rất rất cao. Điều Viettel yêu cầu là phải làm chủ hoàn toàn công nghệ này sau khi được chuyển giao.
Hàng loạt giải pháp được đưa ra một cách linh động và thực tiễn nhưng phản hồi của những nhà kinh doanh tài ba Israel vẫn luôn là giá cả. 100 triệu USD không phải là số tiền quá lớn cho đầu tư quân sự, nhưng cũng là nguồn kinh phí không nhỏ so với bình diện GDP của quốc gia. Cái giá đó không được chấp nhận và những người Do Thái chia tay trong sự tự tin với lời hẹn quay lại trong thời gian không xa. Còn những kỹ sư trẻ mới ngoài 30 tuổi của Viện NCPT Viettel bắt tay ngay vào công việc.
3 tháng sau, họ quay lại và thật sử sửng sốt. Không có một lời khen ngợi chính thức nào được đưa ra, không có lời bình luận nào về những bước đi mà Viettel có trong thời gian ngắn ngủi đó, chỉ có đề nghị giảm giá của người Do Thái là nói lên tất cả: “Chúng tôi đồng ý giảm xuống còn 60 triệu USD”.
Hiểu rằng mình đang đi đúng hướng, những kỹ sư Viettel lại bắt tay tạm biệt những người đi chào hàng. Hàng ngàn giờ làm việc lại diễn ra một cách âm thầm, và dự án “VQ made in Viettel” tiếp tục đi sâu, đi xa hơn để tiếp cận gần nhất với tất cả các yêu cầu khắt khe của thế giới công nghệ quân sự hiện nay.
3 tháng nữa trôi qua và những người Israel trở lại, vẫn với niềm tin sẽ bán được hàng. Nhóm nghiên cứu lại đưa ra những kết quả mới, dẫu chưa phải là tất cả những gì đã thực hiện được, tiếp tục làm đối tác lặng im. Cuối cùng, họ phá vỡ tiền lệ kinh doanh của mình khi đề nghị một mức giá mới: 20 triệu USD. Nhưng hình như đã quá muộn rồi. Những người lính kỹ sư trẻ của Viettel biết rằng họ đã gần đi tới đích.
….Đến một con đường mới
Còn đến bây giờ, chỉ sau 1 năm 3 tháng chính thức nhận nhiệm vụ, sản phẩm Hệ thống quản lý vùng trời quốc gia VQ1 đã đi vào những khâu hoàn thiện cuối cùng và sẵn sàng thay thế cho VQ9801 đã lỗi thời. 1 năm 3 tháng là nhanh hay chậm? Câu trả lời năm ở hơn 10 năm trước, hệ thông VQ9801 đã phải mất tới 5 năm mới chính thức đi vào hoạt động kể từ khi đặt đề bài với các đối tác nước ngoài. Đến khi đi vào vận hành, bất kể một thay đổi nào trên hệ thống ấy cũng phải có sự tham gia của đối tác đã cung cấp và phải mất ít nhất 14 tháng mới có thể đáp ứng được.
Một lãnh đạo của Quân chủng Phòng không Không quân còn tiết lộ, hệ thống do Viettel nghiên cứu sản xuất đã đáp ứng được tất cả các tính năng và yêu cầu tương đương với hệ thống VQ9801 đã có. Hơn thế nữa, sản phẩm đã được bổ sung một số thuật toán mới, làm tăng hiệu năng của hệ thống, đưa ra một số tính năng ưu việt mà hệ thống cũ chưa có, nâng cao khả năng quản lý và hỗ trợ tác chiến Đúng theo yêu cầu của lãnh đạo Quân đội, của chính các lãnh đạo Viettel, tất cả đã được làm chủ hoàn toàn mà không hề có bàn tay của bất cứ một chuyên gia, đối tác nước ngoài nào.
Nói đến sản xuất và cung cấp thiết bị quân sự, trên thế giới người ta nghĩ ngay đến các tổ hợp công nghiệp quốc phòng hùng hậu của các nước lớn như Mỹ, Nga và một số nước thuộc Liên Xô (cũ), một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Ixraen…. Tức là những nước có nền kinh tế, khoa học kỹ thuật phát triển nhất thế giời. Câu chuyện về dự án VQ cũng như hàng hoạt các dự án nghiên cứu sản xuất thiết bị quân sự của Viettel như máy bay không người lái, rada, các thiết bị thông tin quân sự…vẫn nhiều thông tin chưa được công bố. Nhưng một vài thông tin được hé lộ cũng đã minh chứng rõ ràng cho tiềm lực tự phát triển, tự hoàn thiện và tự hiện đại hóa trang thiết bị quân sự của Việt Nam.
Từ một quốc gia hoàn toàn phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài, Viettel đã trực tiếp đưa Việt Nam đứng vào danh sách một số rất ít các quốc gia có thể tự sản xuất được trang thiết bị quân sự công nghệ cao. Tiết kiệm tối đa cho ngân sách (có chuyên gia đã tính toán riêng khả năng tiết kiệm cho nhu cầu hiện đại hóa toàn bộ hệ thống rada của lực lượng Phòng không- Không quân lên tới hàng tỷ đô la), làm chủ được các yêu cầu tùy biến theo thực tế sử dụng, rút ngắn thời gian và gia tăng cơ hội hiện đại hóa quân đội, và đặc biệt là đảm bảo an ninh anh toàn nhờ loại trừ nguy cơ bị can thiệp từ bên ngoài trong mọi tình huống… Đó là những lợi ích chiến lược của khả năng làm chủ công nghệ quân sự. Và nữa, còn mở ra con đường hình thành nền công nghiệp quốc phòng công nghệ cao trong một tương lai không hề xa. Báo TPO
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)