Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Đưa bộ binh vào Syria, Mỹ, Nga ai dám?


Sa lầy là một thuật ngữ chiến tranh mà hơn ai hết Nga và Mỹ đã từng nếm trải và đã trở thành một ác mộng kinh hoàng cho cả 2 trong những cuộc chiến mà họ đã tiến hành trong những thập niên trước. Afganixtan gắn liền với Liên Xô-Nga và Việt Nam gắn liền với Mỹ…
Vì vậy, “sa lầy” luôn ám ảnh và làm thế nào để không bị sa lầy trong cuộc chiến địa chính trị hiện đại luôn là một phương án đầu tiên mà Nga, Mỹ nghĩ tới khi can thiệp quân sự vào một quốc gia khác.
Sa lầy có nhiều mức độ và do đó có nhiều mức khả năng để rút ra bãi lầy, trong đó, sa lầy khi có hàng ngàn, hàng trăm ngàn lính mặt đất ở đó là mức độ nặng nhất, nguy hiểm nhất, khó rút ra trọn vẹn nhất.
Có sự tác động nào mạnh hơn khi chiến tranh cứ kéo dài và hàng ngày người lính của họ trở về trong quan tài phủ quốc kỳ…?
Nếu như “nhà giàu đứt tay bằng người nghèo sổ ruột” thì người dân chính quốc sẽ không thể chịu đựng nổi, chấp nhận nổi một chính phủ tội đồ như thế. Và, Tổng thống và chính quyền của ông ta bị hất ra khỏi vũ đài chính trị chỉ là vấn đề thời gian.
Chính vì lẽ đó nên việc đưa quân đội, đặc biệt là lực lượng mặt đất tham gia vào cuộc chiến đâu đó buộc Tổng thống-Tổng tư lệnh phải cực kỳ cẩn trọng, hoặc là chắc thắng hoặc là điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia.
Syria được coi là một bãi lầy chiến tranh, nơi có sự đối đầu giữa Mỹ và Nga. Cả 2 đã có lực lượng quân sự tham chiến nhưng không có lực lượng mặt đất (trên nguyên tắc) tham chiến, nhưng mới đây đã tuyên bố sẽ đưa lực lượng mặt đất vào Syria
Điều gì khiến Nga, Mỹ quên đi 2 từ “sa lầy”?
Mỹ có dám đưa bộ binh vào Syria không?
Nếu như Mỹ đưa bộ binh vào thì đối tượng tác chiến của Mỹ là ai? Rõ ràng đối tượng tác chiến của Mỹ là IS (trên nguyên tắc công khai) và tất nhiên là Quân đội Syria (SAA).
Nếu tác chiến với IS, bộ binh Mỹ sẽ đứng chân tại khu vực phía Đông Bắc Syria nơi có đồng minh của họ là người Kurd Syria (YPG) để nhằm vào Raqqa-thủ phủ của IS.
Quả thật điều này không hợp với tính cách người Mỹ. Mỹ thừa bom đạn để ném xuống Raqqa và vũ khí để viện trợ cho YPG xông lên chứ Mỹ không dùng máu của mình để thay thế máu của YPG. Bộ binh Mỹ không dại chơi với kẻ “cố cùng liều thân” đang cố thủ tại Mosul và Raqqqa là IS.
Nếu tác chiến với SAA thì điểm đứng chân của bộ binh Mỹ sẽ là phía Nam Syria giáp với Jordan. Nhưng sẽ rất vô lý bởi lúc đó Mỹ sẽ trở thành kẻ xâm lược, đồng thời, lại trực tiếp đối đầu với VKS Nga…Dính vào SAA có VKS Nga hỗ trợ thì còn tệ hơn với IS nhiều lần…
Như vậy, ở góc nhìn quân sự, tuyên bố của Mỹ đưa hàng ngàn bộ binh vào tham chiến ở Syria là hoàn toàn phi logic. Vừa bất lợi về chính trị vừa rất dễ bị sa lầy. Cho nên, Mỹ sẽ không đưa bộ binh vào Syria tham chiến như đã tuyên bố. Tất nhiên thông điệp gì sau tuyên bố đó ta không quan tâm.
Nga có dám?
Cũng như Mỹ, Nga tuyên bố sẽ đưa bộ binh vào Syria khi chính quyền Assad yêu cầu…(Nói vậy thôi chứ chính quyền Assad lúc nào mà chẳng muốn có bộ binh Nga cùng SAA tấn công IS và phiến quân nổi dậy)
Đối tượng tác chiến của bộ binh Nga trước hết là phiến quân và IS. Tuy nhiên tình thế chiến trường để bộ binh Nga xuất hiện lại rất khác với bộ binh Mỹ xuất hiện…
Một là, VKS Nga đang làm chủ vùng trời trong khi các lực lượng phiến quân đã bị đánh cho tan tác buộc phải co cụm. SAA là một lực lượng mặt đất được chứng tỏ là mạnh nhất trên chiến trường.
Hai là, chiến tranh giữa lực lượng nổi dậy (phiến quân) với SAA đang dần về giai đoạn cuối chỉ chờ một trận quyết chiến cuối cùng. Do đó, SAA cần phải tập trung toàn bộ lực lượng thiện chiến, tinh nhuệ cho chiến dịch (nếu như có, chẳng hại tại Idlib).
Vì thế việc xuất hiện bộ binh Nga tại Syria là rất hợp với logic quân sự khi đáp ứng được yêu cầu chiến thuật, nhưng đặc biệt quan trọng hơn là không bị sa lầy bởi 2 lý do sau:
Thứ nhất, SAA và NDF đang rất mỏng, nếu như có một trận cuối quyết định thì khả năng bảo vệ vùng giải phóng mà NDF đảm nhiệm là không an toàn, họ chỉ là lực lượng địa phương ý chí, bản lĩnh không cao, thường bỏ chạy khi bị những kẻ liều chết tấn công… Chiến dịch Aleppo và chiến dịch Hama đã là bài học quý giá.
Vì vậy, bộ binh Nga chỉ làm nhiệm vụ chốt giữ, thay thế NDF bảo vệ an toàn các địa bàn chiến lược quan trọng tạo điều kiện cho SAA tập trung toàn lực cho trận cuối cùng.
Thứ hai, đây là một gáo nước lạnh dội vào những cái đầu nóng, hiếu chiến nào có ý đồ lăm le, mạo hiểm cứu nguy cho lực lượng nổi dậy các loại mà họ tài trợ, nuôi dưỡng lâu nay đang được quyết định trong trận cuối cùng.

Hãy để người Syria tự giải quyết chuyện của họ, đừng manh động can thiệp vào mà mang họa. Lính dù Nga, xe tăng chính hiệu Nga…không phải là chuyện đùa, không phải là đối tượng tác chiến cho bất cứ ai mạo hiểm.

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Ý kiến người lính!

Thưa tất cả các bạn! Tôi được biết có một số bạn vào Blog Góc nhìn của lính để đọc bài và xin cảm ơn các bạn đã quan tâm. Tôi rất mong các bạn nếu có thời gian thì góp ý, phản biện, nhận xét và có thể nói ý kiến...của mình trong một bài viết đăng luôn tại trang này. Tôi luôn theo dõi, quan tâm và đọc hết các ý kiến nhưng thật đáng tiếc là có ít thời gian để trả lời và nếu có lúc nào như thế thì mong các bạn thông cảm.
Bất kỳ người lính nào cũng có góc nhìn riêng đó chính là bản chất của dân chủ trong quân sự. Xin chân thành cảm ơn.
Email: ngocthong19.5@gmail.com

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Nga mạnh tay sử dụng vũ khí hủy diệt lớn: Trận chiến quyết định cho Syria!


Sẽ không bao giờ có một giải pháp chính trị nào được thực thi; sẽ không có một cuộc đàm phán tìm kiếm giải pháp hòa bình nào thành công dù tại Geneva hay thậm chí tại Astana khi chỉ có Nga-Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đồng bảo lãnh…
Bởi đơn giản là các thế lực bên ngoài, họ nuôi dưỡng, chỉ đạo, cho cái gọi là lực lượng đối lập kể cả IS và Al-Qeada, không phải là để tìm kiếm một Syria ổn định, độc lập tự chủ, phát triển…mà muốn một Syria vô chính phủ, hỗn loạn…
Vậy thì, thế lực đó liệu có chấp nhận một giải pháp chính trị mà khi chính quyền Assad, chính quyền họ muốn lật đổ, chiếm thế thượng phong trên bàn đàm phán? Liệu họ có muốn cùng với các bên, tổ chức, theo dõi, giám sát một cuộc bầu cử sòng phẳng, dân chủ tại Syria?
Không, không bao giờ, là logic của câu trả lời mà chẳng ai, ngoại trừ kẻ ngốc, trả lời rằng: Có.
Người Nga, người Syria và dư luận có lương tri đều cho rằng, việc Tổng thống Assad phải ra đi hay ở lại là do người dân Syria quyết định chứ không phải do Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia hay Qatar…đồng thanh hô hét, dội bom, khủng bố để buộc “Assad musst go”…
Thực tế Syria là như thế, cho nên hy vọng có một giải pháp chính trị để kết thúc chiến tranh tại Syria trong cục diện chiến trường như hiện nay là hy vọng hão huyền. Người ta đang cố tạo ra một cái “ô chính trị” cho phiến quân chứ không tìm kiếm một giải pháp chính trị.
Chính vì vậy, tình thế Syria phải có một trận chiến quyết định mà kết quả là đánh quỵ và làm tan rã một trong 2 bên: quân Assad hoặc phiến quân “nổi dậy”. Chỉ có như vậy, chỉ có một chiến thắng quân sự quyết định mới kết thúc được chiến tranh.
Cục diện chiến trường…
Quân đội Syria (SAA) và liên quân Nga-Iran-Hezbollah phải chiến đấu với 3 kẻ thù trực tiếp là lực lượng nổi dậy, Al-Qeada Syria và IS.
Lực lượng nổi dậy và IS + Al-Qeada tuy 3 nhưng như là một “liên minh” chiến đấu. Họ có cùng một nhà tài trợ, có cùng một mục tiêu là lật đổ Assad dưới sự chỉ huy của thế lực bên ngoài. Họ không chỉ được cung cấp vũ khí trang bị, tiền bạc mà còn hợp đồng tác chiến với NATO, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ…
Có thể nói, kể từ khi SAA thắng trận Aleppo thì chiến trường Syria đã chuyển sang một bước ngoặt mới. SAA mở rộng vùng giải phóng trong đó là những khu vực tại Homs, Hama và quanh Damascus với những vùng chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt như nguồn nước, các mỏ dầu, khí…
Rõ ràng, tình hình chiến sự hiện nay, lần đầu tiên chúng ta đã thấy SAA đang chiến đấu trên một mặt trận rộng và tất nhiên sẽ có những sự “co giãn” trong tác chiến là không tránh khỏi, nhưng thế trận của SAA là thế trận tấn công, thế trận buộc địch phải co cụm phòng ngự bị động.
Điều thuận lợi là Nga và SAA không phải tính toán, lựa chọn mục tiêu đâu là “ôn hòa”, đâu là khủng bố để tấn công mà bây giờ, tất cả đã lộ mặt. Chúng đều là quân khủng bố - đối tượng tác chiến trực tiếp, không thương tiếc của quân đội Syria và VKS Nga.
Idlib-Trận chiến kết thúc chiến tranh Syria?
Idlib, “khối ung nhọt” của Cộng hòa Ả rập Syria cần phải “giải phẫu”.

Trên chiến trường Syria, hiện có 3 tuyến chiến lược: Raqqa, Deir Ezzor và Idlib. Trong đó, Raqqa là “thủ đô” của IS, Idlib là căn cứ địa của cái gọi là phe đối lập và khủng bố HTS, còn Deir Ezzor là SAA kiểm soát nhưng đang bị bao vây chia cắt bởi IS.
Deir Ezzor là một thành phố chiến lược nằm ở phía Đông Syria và được bao quanh bởi một số lượng đáng kể các mỏ dầu, khí đốt và...IS. Liên minh do Mỹ đứng đầu đã, đang hỗ trợ cho IS để rất muốn SAA bị IS đánh bật ra khỏi khu vực này.
Tại Deir Ezzor và căn cứ không quân đang được bảo vệ bởi lực lượng Republican Guard (Cảnh sát Cộng hòa) rất thiện chiến và cực kỳ trung thành với Assad. Và, với tình thế này thì IS khó có thể vượt qua được lực lượng SAA đang phòng thủ với sự hỗ trợ của VKS Nga tại đây.
Idlib là một tỉnh lỵ không giống như Aleppo, chủ yếu đồng bằng, nông thôn và rừng núi, là khu vực giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Idlib đã hội tụ hơn 100 ngàn chiến binh của các nhóm phiến quân khủng bố, đối lập. Idlib được coi như là căn cứ địa của toàn bộ đối tượng tác chiến của SAA và VKS Nga, là nơi mà các thế lực bên ngoài tuồn lực lượng, vũ khí, hậu cần vào chiến trường Syria lật đổ Assad.
Khi SAA đang phát triển mạnh hướng tấn công về phía Đông Aleppo thì một số nhà quân sự cho rằng, Nga và Mỹ đã “chạy đua” thời gian để tranh dành nhau tại Raqqa. Và rằng, SAA chỉ tham gia tấn công Raqqqa chỉ sau khi SAA đã tập trung giải quyết Deir ez Zor…
Tuy nhiên, đòn tấn công bất ngờ của lực lượng tại Idlib vào Hama đã khiến giới quan sát phải thay đổi phán đoán...
Diễn biến không khó để nhận biết Idlib là “căn cứ địa” của trận tấn công này, nó thực sự là một nơi nguy hiểm trực tiếp đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ phía Tây của Assad và là trung tâm bất ổn chính trị, quân sự đối với chính quyền Assad.
Xét về đối tượng tác chiến thì lực lượng này còn nguy hiểm trực tiếp hơn IS bởi tính chất đối đầu và địa bàn đứng chân thay vì như IS ở cách xa và không được các thế lực tài trợ công khai.
Vì thế, nếu như Liên minh chiến đấu do Nga đứng đầu tại Syria có đủ lực lượng để mở một đòn quyết định kết thúc “nội chiến” thì hướng tấn công chiến lược chính là Idlib chứ không phải là Deir Ezzor hay Raqqa.
Chiến dịch giải phóng Idlib thành công là coi như cuộc “nội chiến” kết thúc. Nhưng, quy luật của chiến tranh là, những trận kết thúc, bao giờ cũng rất gay go và quyết liệt.
Idlib là hang ổ cuối cùng của phiến quân, cho nên lực lượng bên ngoài sẽ can thiệp mạnh, thậm chí là trực tiếp, không chỉ tại Iddlib mà các khu vực trọng yếu khác của Assad khi lực lượng mạnh, thiện chiến đã hút về đó. Do đó trận chiến sẽ ác liệt và xảy ra trên nhiều mặt trận.
May mắn cho SAA là tác chiến tại Idlib không phải hoặc rất ít “tác chiến đường phố” – yếu tố bất lợi cho bên tấn công. Phiến quân đông nhưng nhiều tổ chức, ô hợp, nên tính thống nhất không cao, không mạnh.
Điều nữa, căn cứ vào hậu quả, hoạt động tác chiến mà Mỹ và liên minh tại Mosul, Afganixtan đã tạo cho Nga và SAA nhiều tùy chọn phương án tác chiến, sử dụng vũ khí cho đòn tấn công vào Idlib…
Chiến dịch Idlib nó khác với chiến dịch Aleppo 2 điểm cơ bản:
Một là, về tính chất, đây được coi là trận quyết chiến cuối cùng có tính thành bại thay vì có tính bước ngoặt như Aleppo.
Hai là, về phương án tác chiến, nếu như Aleppo, mục tiêu tác chiến giải phóng là chủ yếu thì chiến dịch Idlib là bao vây, tiêu diệt gọn, tức là đặt thắng lợi quân sự lên hàng đầu và sau đó giải phóng.
Phương châm tác chiến là phải đánh nhanh thắng nhanh, không thể diễn ra vừa đánh vừa đàm, vừa bao vây lại “mở hành lang” như Aleppo…bởi vì IS và các thế lực khác sẽ không ngồi yên mà sẽ tấn công đánh chiếm vùng giải phóng như Deir Ezzor, Palmyra hoặc quanh Damascus
Nếu như thực hiện phương châm tác chiến này, thì cũng như Mỹ tại Mosul và đặc biệt tại Afganixtan mới đây, VKS Nga buộc phải sử dụng vũ khí có sức hủy diệt lớn nhất để thắng. Thắng về quân sự là phương án bắt buộc.
Đã có dấu hiệu cho thấy Nga và Assad đang chuẩn bị chiến dịch khi điều động lực lượng, đặc biệt có hàng ngàn lính từ vùng Chechnya, đội quân thiện chiến chuyên đánh vùng rừng núi, đã xuất hiện tại Syria.
Đã có dấu hiệu VKS Nga sử dụng rất mạnh tay vũ khí có sức hủy diệt lớn, khủng khiếp như Mỹ tại Afganixtan…

Rõ ràng, nếu không giải quyết Idlib thì chính Idlib sẽ khiến cho Nga sa lầy tại Syria là không thể khác.

Tại sao Mỹ luôn thù địch, khiêu khích với Triều Tiên?


Mỹ sẽ không bao giờ tự từ bỏ quyền thống trị, cai trị của mình với thế giới. Đó nguyên tắc bất di bất dịch.
Nếu như nhìn từ mối quan hệ quốc tế thông thường thì không thể giải thích được tại sao đã hơn 63 năm, trải qua không biết bao cuộc đàm phán 6 bên mà vẫn không thể giải quyết vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Kể từ năm 1953 tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn luôn trong tình trạng căng thẳng, chiến tranh sắp xảy ra…Logic của vấn đề này là khi ai đó bị đe dọa thì họ sẽ tăng cường tiềm lực quân sự, cho nên, cho rằng Triều Tiên tìm kiếm sở hữu VKHN là để đe dọa, tấn công Mỹ là không logic.
Tuy nhiên, vậy thì, Mỹ tại sao lại cứ khiêu khích Triều Tiên? Và, nếu như Triều Tiên và Hàn Quốc bổng nhiên bắt tay nhau thống nhất theo kiểu Đông Đức và Tây Đức sau chiến tranh lạnh thì Mỹ có đồng ý không hay là phá bằng được?…
Nhìn từ lợi ích quốc gia Mỹ hay quyền lợi của Mỹ thì vấn đề đã rõ ràng, đó là chiến lược duy trì quyền thống trị của Mỹ, của một siêu cường trỗi lên từ trong các cuộc chiến tranh.
NATO là cái gì của Mỹ sau chiến tranh lạnh?

NATO là của Mỹ, do Mỹ và vì Mỹ. Không có Mỹ, NATO chỉ là con số 0. Chỉ có Mỹ mới có quyền        giải thể NATO ngoài ra không ai dù rất muốn.
Tầng lớp tinh hoa chính trị Châu Âu họ thừa biết NATO là cái gì với họ, nhưng họ là kẻ bại trận trong thế chiến 2 nên họ phải bị kẻ mạnh khuất phục là Hoa Kỳ mà không thể khác. Đức không phải là dạng vừa nhưng cái gậy chỉ huy mang tên “NATO” trên đầu nên phải cúi đầu…
Cũng giống như các quốc gia trong hệ thống XHCN thời Liên Xô. Khi Liên Xô tan rã, các quốc gia trong khối xô viết ngày xưa đã tự xem như “chim sổ lồng” và thật đáng buồn là, nếu như họ cho rằng họ “thoát khỏi ách nô lệ của Kremlin” thì lại chui vào một cái lồng khắc nghiệt khác.  
NATO là gì khi tất cả vũ khí trang bị nòng cốt hiện đại là của Mỹ, chỉ huy NATO là Mỹ, hơn 75 % NATO là của Mỹ?. Bạn sẽ làm gì khi có một kẻ trang bị vũ khí đầy mình trong nhà của bạn? Chắc chắn là bạn phải “ngồi xuống, nói khẽ hoặc im lặng”.
Chính quyền Tổng thống Obama đã làm một sô quảng cáo thành công địa chính trị khi các nước Đông Âu đã nhao nhao gia nhập NATO để chống nước Nga đang trổi dậy “hung hăng đe dọa xâm lược châu Âu”…NATO tiến về phía Đông…
Chính quyền mới, Tổng thống Mỹ Donal Trump – nhà buôn nổi tiếng, tuyên bố gây sốc, rằng NATO đã lỗi thời…hoặc tồn tại hoặc phải trả tiền cho Mỹ, khiến các thành viên “tâm huyết” hoảng hốt trong khi các thành viên gạo cội thì cười thầm…
Trả tiền cho Mỹ bằng cách nào? Các thành viên phải tăng ngân sách quân sự lên 2% GDP mỗi quốc gia và số tiền đó tất nhiên sẽ vào túi các trùm chế tạo xuất khẩu vũ khí Mỹ. Đơn giản của nhà buôn là thế thôi.
Mỹ sẽ không bao giờ tự từ bỏ quyền thống trị, cai trị của mình với Châu Âu bằng việc xóa sổ NATO. Đó nguyên tắc bất di bất dịch.
Triều Tiên là gì với Mỹ?
Nếu như Châu Âu có hàng trăm căn cứ quân sự của Mỹ dưới hình thức NATO thì tại Châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ có gần 50 ngàn quân đang hiện diện tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhật Bản là kẻ thù của Mỹ trong thế chiến 2 và là kẻ bại trận đang chấp nhận “ô bảo vệ” của Mỹ bằng một “Hiến pháp hòa bình” biến Nhật Bản, một quốc gia sừng sỏ Châu Á năm xưa không có quân đội, một con Hổ bị bẻ răng và chặt hết móng vuốt.
Triều Tiên hòa bình, thống nhất với Hàn Quốc thì căn cứ quân sự và gần 50 ngàn quân Mỹ sẽ đi đâu? Điều đó có nghĩa là phương tiện để răn đe, cai trị của Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ bị mất. Đó chính là bản chất của vấn đề tồn tại căn cứ quân sự và gần 50.000 quân Mỹ tại đây.
Chỉ cần một khoảnh khắc “vùng lên”, “lỏng dây trói” của Nhật Bản khi bị Trung Quốc đe dọa, đã tạo ra một nước Nhật thời Thủ tướng Shinzo Abe khiến cho Trung Quốc chùn tay thì Triều Tiên là gì mà dám tấn công xâm lược Nhật Bản?
Chiến lược “hỗn loạn có kiểm soát” không phải lúc nào cũng thành công với Mỹ. Mỹ dùng Triều Tiên để duy trì, tăng cường tiềm lực quân sự tại Đông Bắc Á và qua đó duy trì sự cai trị, thống trị tại đây, nhưng đáng tiếc là Triều Tiên càng ngày càng tỏ ra bất trị, thoát ra khỏi sự kiểm soát của Mỹ.
Tên lửa Triều Tiên: Thật hay giả? Đừng dại đem búa thử kính!

Điều đặc biệt nguy hiểm cho Mỹ là không như những nơi khác, Mỹ chỉ gián tiếp mà tại đây Mỹ đã trực tiếp rơi vào vòng chiến, vòng “hỗn loạn”. Đó là, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản sẽ không bao giờ đánh Triều Tiên cho Mỹ mà Mỹ tự làm lấy nếu có đủ khôn ngoan.
Tất nhiên, Mỹ chẳng dại dột đi đánh nhau với Triều Tiên mà không biết tiềm lực quân sự hạt nhân của đối thủ thật giả như nào để cho Nga “Tọa sơn quan hổ đấu”. Mỹ và Triều Tiên có thể kéo nhau đến miệng hố chiến tranh, vờn nhau ở đó nhưng chẳng bao giờ họ để rơi xuống.
Tuy nhiên, có một căng thẳng thật sự là vấn để Triều Tiên đã đang tìm kiếm, sở hữu VKHN. Mỹ không muốn và quyết tâm ngăn chặn điều này, còn Triều Tiên không muốn mình là thứ “đồ chơi trong túi Mỹ” nên quyết tâm sở hữu bằng được.
Tình hình Đông Bắc Á đến đây, nếu như Triều Tiên có được dù chỉ 1/10 những gì họ nói thì coi như Mỹ đã tự chuốc họa vào thân. Vai trò Triều Tiên trong chiến lược Mỹ sẽ có lợi, hại, lời, lỗ, thế nào chưa rõ, nhưng ít nhất đó là một tử huyệt để kẻ thù của Mỹ khai thác sử dụng tấn công.
Có thể Trung Quốc đang lo lắng khi một cuộc chiến Mỹ-Triều Tiên xảy ra thì không chỉ gây bất ổn vùng biên giới Trung-Triều mà nguy hiểm là có thể 2 bên sử dụng VKHN…nhưng Nga thì không. Mỹ đang cấm vận, cô lập Triều Tiên, nhưng Nga thì không.
Hành động của Nga là đáp trả hành động thù địch của Mỹ. Kẻ thù của Nga là bạn của Mỹ và đương nhiên kẻ thù của Mỹ là bạn của Nga là mối quan hệ quốc tế tồn tại như một chân lý khách quan.

Như vậy, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO tồn tại ở Châu Âu là để chống khủng bố và chống Nga!? Liên minh quân sự Mỹ-Hàn-Nhật tại Đông Bắc Á là để chống Triều Tiên!? Tất cả chỉ là hiện tượng, bản chất của nó là để duy trì quyền thống trị và cai trị của Mỹ - siêu cường bá chủ thế giới.

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

EU đã “dương cờ trắng” trong cuộc chiến khí đốt với Nga!


Nước Nga của Putin không phải là các nước trong thế giới thứ 3 để EU khai thác kiểu thực dân!
"Đây là một dự án chính trị (Nord Stream-2). Chúng tôi yêu cầu Ủy ban Châu Âu khởi động một cuộc điều tra và dừng dự án chống lại châu Âu, chống Ukraina, chống Slovakia, chống Ba Lan " (Cựu TT Ucraine)
Trong khi dư luận đang tập trung chú ý vào những điểm nóng xung đột quân sự tại Trung Đông, Ukraine…thì trại châu Âu đã, đang tồn tại một cuộc chiến tuy âm thầm nhưng rất khốc liệt. Đó là cuộc chiến khí đốt giữa Nga và EU kéo dài hơn một thập kỷ qua.
Vào ngày 31/3, Ủy ban Châu Âu đã chính thức tuyên bố từ bỏ sự phản đối của mình đối với Nord Stream 2 - đường ống dẫn khí đốt khổng lồ mà Nga đang xây dựng đi qua Baltic để cung cấp khí đốt trực tiếp cho Đức - kết thúc một cách hiệu quả mọi đấu tranh căng thẳng trước đây về dự án.
Sự đồng ý của Ủy ban châu Âu đối với đường ống dẫn khí Nord Stream 2 đã đưa đến chiến thắng thuyết phục của Nga trong cuộc đấu tranh kéo dài để đảm bảo vị thế của nó là nhà cung cấp khí chính của Châu Âu trong khi vẫn kiểm soát các nguồn năng lượng của mình.
Âm mưu và thù hận!
Câu chuyện về xuất khẩu của Nga sang châu Âu là lý do quan trọng nhất cho sự sụp đổ trong quan hệ giữa Nga và phương Tây kể từ khi ông Putin lên nắm quyền vào năm 1999.
Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết vào năm 1991, phương Tây hý hửng rằng Nga, một quốc gia có đất đai phì nhiêu, khoáng sản lớn, sẽ bị “xẻ thịt”, đặc biệt sẽ biến nước Nga trở thành nguồn cung cấp béo bở dầu và khí lớn cho nền kinh tế châu Âu.
Điều này đi cùng với tham vọng là các mỏ dầu và khí đốt của Nga sẽ được các công ty năng lượng phương Tây khai thác và khai thác theo cùng cách mà các công ty này đã từng ở những nơi khác, một lối khai thác kiểu “thực dân” như châu Phi, Trung Đông…
Đây là thời kỳ cái gọi là "dash for gas" (Dùng khí sản xuất điện), đang phát triển khi ngành công nghiệp sản xuất điện bằng than ở châu Âu do bị ô nhiễm cao phải đóng cửa, và với dự đoán về một dòng chảy khổng lồ khí đốt Nga giá rẻ sẽ đến châu Âu.
Tuy nhiên, sau khi Chính phủ Nga thay đổi vào năm 1999, với Vladimir Putin trở thành lãnh đạo của Nga, trước hết là Thủ tướng và sau đó là Tổng thống, đã đặt đấu chấm hết cho ước mơ thực dân, tham vọng hão huyền của các nhà tư bản đế quốc EU-Châu Âu.
Không bao giờ Putin nhường quyền kiểm soát các nguồn năng lượng của mình cho các công ty năng lượng Phương Tây dù bất kỳ một hình thức mỹ miều nào như “Gói năng lượng thứ 3” vân vân…và vân vân.
Nếu như đây là một trong những lý do quan trọng nhất khiến nhiều người trong lãnh đạo Nga năm 1999 đã ủng hộ ông cho Tổng thống Nga cùng với việc Putin đã giải quyết gọn bọn khủng bố ở Chechnya thì với PT đây là điều ngược lại.
Có thể nói, sự thù địch, căm tức của phương Tây với Putin có nhiều nguyên nhân, nhưng, sự tức giận do vai trò đóng cửa mỏ dầu và khí đốt của Nga lên sự phát triển và khai thác không giới hạn của các công ty năng lượng phương Tây lại là một trong những lý do chính quan trọng nhất.
Putin luôn khẳng định rằng nhà nước Nga phải kiểm soát và điều tiết khoản đầu tư này, và ưu tiên của ông là thông qua hợp tác liên doanh với các công ty Nga, đặc biệt là Rosneft mà không bao giờ tư nhân hóa đối với 2 công ty này…
Tất nhiên, đây không phải là những gì các chính phủ phương Tây và các công ty năng lượng phương Tây đã có trong đầu. Quan niệm của họ về một cái gì đó gần gũi hơn với những gì xảy ra ở một số nước trong cái mà trước kia được gọi là Thế giới Thứ ba, nơi các công ty năng lượng phương Tây điều hành chương trình, khai thác tài nguyên giàu có của các nước này theo ý họ và lợi ích của phương Tây. 
Mỹ, Anh và đặc biệt là Ủy ban Châu Âu tại Brussels vô cùng căm tức, thù địch chính sách của Putin-Nga và đã cương quyết làm tất cả mọi thứ họ có thể để đưa người Nga quay trở lại, buộc phải tự do hóa ngành công nghiệp năng lượng của Nga.
Kết quả là cuộc chiến tranh năng lượng giữa Nga và phương Tây đã bắt đầu, với mục tiêu quyết chiến chiến lược là Gazprom của Nga, bằng 2 cú đánh mang tên “Gói năng lượng thứ 3” và “Đa dạng hóa khí đốt” mà chúng ta lần lượt nhận biết sau đây.
Như vậy, bản chất của cuộc chiến này là sự chiếm đoạt kiểu “thực dân” tài nguyên khoáng sản nước Nga, được tiến hành trong một chiến lược lớn là “bẻ răng Gấu Nga”, làm tan rã nước Nga của các thế lực phương Tây đứng đầu là Mỹ.
Những cú ra đòn và phản đòn ngoạn mục…
1, Gói năng lượng thứ 3 của EU
Để tấn công Gazprom làm tan rã Gazprom, EU sử dụng vũ khí là “Gói Năng lượng Thứ Ba” (GNLT3).
“Gói năng lượng thứ 3” mà EU đề ra nhằm mục đích tự do hóa thị trường năng lượng và ngành công nghiệp Châu Âu bằng cách mở rộng nó cho cạnh tranh. Ủy ban Châu Âu nhấn mạnh rằng điều này có nghĩa là Gazprom không thể kiểm soát độc quyền bất kỳ đường ống nào mà nó xây dựng hoặc hoạt động trên lãnh thổ EU.
Rốt cuộc, đòn mà “Gói năng lượng thứ 3” nhằm vào Nga là: Gazprom buộc phải tư nhân hóa theo cách EU đã chọn nếu như muốn bán sản phẩm cho EU.
Nếu như Nga chấp nhận phê chuẩn “Gói năng lượng thứ 3” này thì EU sẽ kịp thời mở rộng nó tới Nga bằng cách yêu cầu người Nga tự do hoá ngành năng lượng của mình ở thượng nguồn bằng cách tư nhân hoá Gazprom và mở ra các mỏ dầu khí của Nga cho các công ty năng lượng phương Tây khai thác để phù hợp với thị trường năng lượng châu Âu được tự do hóa bởi những quy định trong GNLT3 ở phần hạ lưu
Mỹ-EU đã tin tưởng vào chiến thắng bởi cơ sở mà theo họ là vững chắc, không thể đảo ngược, đó là, họ cho rằng, toàn bộ sự tồn tại của nền kinh tế Nga phụ thuộc vào việc Nga bán dầu và khí đốt cho châu Âu, họ coi Nga như là “cái trạm xăng”…
Tuy nhiên, vào tháng 12/2014, người Nga đã phản đòn bằng một cú mạnh đã gây sốc cho người tiêu dùng, gây ra những lời phản đối dữ dội trên khắp EU:
Nga đã hủy bỏ một cách đột ngột đường ống South Stream được cho là cung cấp khí đốt qua miền nam và đông Âu, sau khi Ủy ban châu Âu nhấn mạnh rằng “GNLT3” được áp dụng cho nó. 
Không chỉ hủy bỏ South Stream, Nga còn tuyên bố rằng họ sẽ không còn muốn xây dựng hoặc vận hành các đường ống dẫn khí đốt trên lãnh thổ EU, và thay vì South Stream, họ sẽ xây dựng một đường ống dẫn đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Cú phản đòn này, Nga đã sổ toẹt vào GNLT3 của EU và chứng minh rằng, toàn bộ giả định rằng Nga phụ thuộc vào châu Âu để bán khí đốt của họ là sai lầm. Ngược lại nó bật ra rằng, đó là EU phụ thuộc vào Nga vì khí đốt của họ, chứ không phải theo cách khác.

Như vậy, EU ra đòn GNLT3 với Nga dựa trên một cái thế EU là khách hàng duy nhất mà EU không mua thì kinh tế của Nga sẽ sụp đổ. Nga phản đòn và chứng minh rằng, Nga không bán khí đốt cho EU, vẫn sống tốt, nhưng không có khí đốt của Nga thì EU mới điêu đứng.
2, Đa dạng hóa khí đốt 
Lưu ý: Ở châu Âu hiện nay, khi Nga, Đức đã đồng ý điều gì đó thì nó sẽ xảy ra bất chấp ai nói khác hay nghĩ khác về nó.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk: Dự án Nord Stream-2 đã vi phạm các quy định của EU.
2, Đa dạng hóa khí đốt
Tất nhiên những tinh hoa chính trị Châu Âu không bao giờ ra đòn đơn lẻ, đề phòng thất bại, trong khi ra đòn bằng “Gói năng lượng thứ 3”, EU và không chỉ EU mà ngay cả Nga cũng đã tổ chức “phòng thủ” bằng chiến lược “Đa dạng hóa khí đốt”.
Với EU, đây là chiến lược nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc và sẵn sàng loại bỏ nhà cung cấp chính là Nga khi cần thiết. Một chiến lược hợp lý trong lĩnh vực cạnh tranh thị trường nhưng liên quan lớn đến cuộc chiến địa chính trị khốc liệt mà đã đang gián tiếp hoặc trực tiếp diễn ra xung đột quân sự.
Điều này đã dẫn đến nhiều kế hoạch khác nhau, bao gồm việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ Vịnh Ba Tư và Mỹ, xây dựng đường ống Nabucco trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Caucasus tới Azerbaijan, việc nhập khẩu khí đốt từ các mỏ khí đốt mới được phát hiện ở Đông Địa Trung Hải, và việc nhập khẩu khí từ Bắc Phi.
Đáng tiếc là chiến lược này của EU với sự hỗ trợ của Mỹ đã thất bại không thể cưỡng lại được mà chúng ta thấy rõ sau đây:
Thứ nhất, tại Syria.
Như mọi người đều biết, nguyên nhân chính, sâu xa của cuộc khủng hoảng Syria, chính là đường ống dẫn khí đốt. Đầu tiên, chính quyền Syria không chấp nhận một đường ống dẫn khí đốt đi qua lãnh thổ vì, Syria không muốn chính nó gây hại cho Nga.
Tất nhiên, không thể khác, chính quyền Syria bị Mỹ-Phương Tây coi là kẻ thù và họ dở hành động như đã thường thấy tại Iraq, Lybia…hòng loại bỏ chính quyền “thân Nga” này với câu thần chú “Assad must go!”.
Gần 5 năm gây ra bao nhiêu đau thương tang tóc cho nhân dân Syria và sắp đến ngày Assad sụp đổ thì Nga xuất hiện. Tình hình chiến sự, chính trị Syria bây giờ thế nào ta đã biết, chắc chắn, sẽ không có một đường ống khí đốt chạy qua Syria đến Châu Âu.
Thứ hai, các dự án “đa dạng hóa khí đốt” của EU đã gặp phải một vấn đề không thể giải quyết được là: Các dự án không cấp đủ khí đốt cho nhu cầu ngày càng tăng mạnh của EU, đồng thời nó quá đắt đỏ so với khí đốt giá rẻ của Nga.
Vậy thì, khí đốt Nga không chỉ là sự hấp dẫn tư bản không thể cưỡng lại được mà còn là sự lựa chọn bắt buộc.
Quốc gia trong EU bị ảnh hưởng đầu tiên và nhận thức được vấn đề đầu tiên chính là Liên bang Đức. Đức có ngành công nghiệp lớn không chỉ đòi hỏi nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ dồi dào mà còn trở nên phụ thuộc vào khí đốt hơn vì Đức đã đóng cửa các ngành công nghiệp than và hạt nhân.
Điều thú vị là mặc dù các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt lên Nga với sự quyết liệt của Đức vào tháng 7/2014, nhưng vào tháng 6/2015, chỉ vài tháng sau khi Nga hủy bỏ đường ống South Stream vào tháng 12/2014, với sự hỗ trợ đầy đủ của chính phủ Đức, “Dự án Nord Stream 2” được công bố.
Trong dự án này, Đức đã đồng ý với yêu cầu của Nga rằng nó sẽ không phải tuân theo Gói năng lượng thứ Ba của EU.
Tất nhiên, EU, đặc biệt là những quốc gia có đường khí đốt quá cảnh như Ukraine, Ba Lan…phản đối quyết liệt, tính ra có 7 quốc gia đệ đơn lên UB châu Âu để kiện, ngăn cản dự án này, nhưng cuối cùng EU cũng phải tuân thủ vì 2 lý do chính sau đây:
Một là, có một thực tế nên nhớ, ở châu Âu ngày nay, nếu người Đức và người Nga đồng ý về một cái gì đó thì nó sẽ xảy ra bất kể những gì người khác có thể nghĩ khác hay nói gì khác về nó. 
Chính phủ Đức có thể đã giết chết Nord Stream 2 vào bất cứ lúc nào nhưng họ đã chọn không vì điều đó sẽ làm cho ngành công nghiệp Đức lên cơn co giật, chứ thành thật Đức cũng chẳng thân thiện gì với Nga. Đức vẫn đang là quốc gia quyết tâm cấm vận, trừng phạt Nga.
Hai là, Ukraine đã lộ rõ là một kẻ sẵn sàng “bắt EU làm con tin” bất cứ lúc nào mà EU khiến Ukraine tổn thương.
Đến đây, chúng ta nên biết qua một chút về “trận chiến khí đốt” nhỏ hơn chỉ giữa Nga và Ukraine trong năm 2006, 2009, nhưng có tác động mạnh đến “cuộc chiến khí đốt Nga-EU”.
Chiến trường diễn ra trận chiến là mạng lưới đường ống hiện có giữa Nga và EU được Liên Xô xây dựng chủ yếu từ những năm 1960 đến những năm 1980, với nhiều đường ống đi qua Ukraine đang thuộc Liên Xô.
Sau khi Liên Xô tan rã, người Nga trong một thời gian tìm cách giữ cho Ukraine thân thiện về mặt chính trị bằng cách cung cấp cho Ukraine khí đốt giá rẻ và Ukraine được hưởng lợi từ phí vận chuyển Gazprom đã trả cho việc khí đốt châu Âu đi qua các đường ống của Ukraine.
Sau khi Putin trở thành Tổng thống, sự sắp xếp ấm cúng này đã chấm dứt. Nga đã bắt đầu nhấn mạnh rằng Ukraine phải trả giá thị trường cho Nga, và trong năm 2006 và 2009, các hợp đồng cung cấp khí đốt mà Nga đã tạo điều kiện cho Ukraine trước đó đã kết thúc.
Đồng thời, người Nga bắt đầu nhấn mạnh đến sự thanh toán kịp thời của Ukraine đối với khí đã cung cấp, và yêu cầu Ukraine thanh toán tất cả các khoản nợ chưa thanh toán.
Trong năm 2006 và 2009 Ukraine từ chối trả giá cao hơn theo yêu cầu của người Nga và không trả khoản nợ, khiến cho Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt của UkraineUkraine đã trả đũa cả hai lần bằng cách gạt bỏ khí đi qua các đường ống dành cho khách hàng châu Âu của Gazprom. 
Kết quả là sự thiếu hụt khí ở Trung và Đông Âu và còn nhớ Châu Âu gần như chết cóng trong năm 2009.
Rõ ràng Ukraine là một quốc gia trung chuyển khí đốt cho châu Âu không đáng tin cậy và sau cuộc cách mạng “Maidan” thì càng không đáng tin cậy hơn khi chính quyền Kiev đã sử dụng EU làm “con tin”…đe dọa sẽ rút bớt khí đốt của châu Âu qua đường ống nếu cần…
Hành động của Ukraine đã buộc EU phải lựa chọn…
Trong khi đó, với Nga, “đa dạng hóa khí đốt” cũng là chiến lược để thoát ra khỏi sự bao vây cô lập của EU.
Trong chiến lược này, Nga đã thành công hơn EU trong việc đa dạng hoá xuất khẩu khí đốt cho các khách hàng không thuộc châu Âu so với các nước châu Âu đang giảm nhu cầu nhập khẩu khí từ Nga. 
Cụ thể vào năm 2014, người Nga đã công bố các dự án lớn để xây dựng hai đường ống khổng lồ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc. 
Mặc dù các đường ống này đã bị các nhà phê bình tự do phương Tây và Nga cho là không có ý nghĩa về kinh tế bởi vì người Trung Quốc sẽ trả ít tiền hơn so với khách hàng châu Âu của Nga…nhưng ít nhất Nga sẽ kiếm được lợi nhuận từ một lượng lớn khí đốt bán cho Trung Quốc ngoài EU.
Kết quả cuộc chiến
EU-Mỹ tiến hành cuộc chiến nhằm đạt 2 mục tiêu quan trọng: Tư nhân hóa nguồn sản xuất năng lượng Nga và giảm sự phụ thuộc và năng lượng Nga, trong đó tư nhân hóa Gazprom là mục tiêu chính, quyết định.
Người Nga đã chứng tỏ cho Mỹ-EU thấy, các mỏ dầu, khí hay tài nguyên khoáng sản là của Nga do Nga quản lý, sử dụng chứ không phải là thứ trong túi của Mỹ-EU, Mỹ-EU muốn có như vậy thì chỉ có một cách duy nhất là đem quân đội sang như họ đã từng tại Iraq, Lybia…
Mỹ-NATO không làm được, cho nên Ủy ban Châu Âu đã buộc phải từ chối phản đối của mình đối với Nord Stream 2 và cho biết Nord Stream 2 không được đề cập trong Gói Năng lượng Thứ ba. Tất nhiên là vậy.
Khi Nord Stream 2 được xây dựng như người Nga muốn mà không phụ thuộc gói Năng lượng thứ Ba, thì không có gì ngăn cản người Nga xây dựng Nord Stream 3 hoặc Nord Stream 4…đi qua Baltic trên cùng một cơ sở.
Như vậy sau gần 15 năm chiến đấu, người Nga cuối cùng đã thắng trong cuộc chiến khí đốt với EU. Nga không chỉ đảm bảo vị thế của Nga trong vai trò nhà cung cấp khí đốt chủ yếu cho châu Âu trong tương lai gần, mà còn vẫn kiểm soát được nguồn năng lượng của mình.
EU đã kéo cờ trắng! Điều đương nhiên, thất bại luôn kéo theo hậu quả. Các quốc gia trung chuyển khí đốt như Ukraine, Ba Lan, hung hăng với Nga và bỏ lợi ích quốc gia nghe theo lệnh EU để cấm vận, trừng phạt Nga như Rumania…bị thiệt hại nghiêm trọng.
 Đặc biệt Ukraine, dù không phải là thành viên EU, nhưng bị thất bại bi thảm nhất vì chính ông chủ của nó EU, còn bị thua đau thì phận tự mình làm con tốt cho EU chống Nga mà không bi thảm mới là chuyện lạ.
Đương nhiên, người Nga cũng phải trả giá cho cuộc chiến này không ít cho quy mô chiến thắng của họ. Và tin rằng thời gian sẽ bù đắp.

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Áp dụng chiến thuật Việt Nam, Nga-Syria thu được kết quả không ngờ!


Kết quả của các chiến thuật mới đã vượt qua những kỳ vọng táo bạo nhất - trong vòng chưa đầy ba tuần quân đội Syria đã đạt được những thành công, mà trước đây đã mất hàng tháng trời.
Có thể nói, Syria là một chiến trường mà quân đội Syria SAA và Nga phải đối đầu với rất nhiều lực lượng được sự hỗ trợ, nuôi dưỡng bởi nhiều thế lực bên ngoài. Do đó dùng biện pháp quân sự đơn thuần, đơn độc để “dẹp loạn” là rất khó thành công, nếu như không muốn nói là không khả thi.
Vì vậy, muốn thắng thì phải tấn công tổng lực trên 3 mũi: chính trị, quân sự và binh vận, trong đó binh vận là một mũi rất quan trọng, thường được vận dụng trong các cuộc “nội chiến”, nó mang tính nghệ thuật mà sử dụng có hiệu quả thì đem lại thành công rất lớn.
Ở góc nhìn quân sự, chúng ta hãy chú ý đến chiến thuật của Nga-Syria kể từ khi Al Bab thất thủ trên 2 khía cạnh: Tấn công và binh vận.
Chiến thuật: Tấn công tổng lực.
Như đã biết lực lượng vũ trang của Syria có 2 thành phần: quân đội A Rập Syria (SAA) và lực lượng địa phương (NDF). Tuy nhiên ngay cả SAA cũng không như ta tưởng đó là một đội quân tập trung, thống nhất, chính quy như các quân đội thông thường.
Trước khi Nga can thiệp, SAA và NDF sau 4 năm chiến tranh đã rệu rã khiến cho Nga vừa tổ chức chiến đấu cho quân đội Assad vừa xây dựng lực lượng cho SAA từ tổ chức, trang bị đến chiến thuật.
Với tình hình như vậy, Nga-Syria buộc phải thực hiện chiến thuật: “tấn công điểm”, tức là chọn những khu vực tác chiến có tầm quan trọng de dọa nguy hiểm đến chính quyền Assad, dùng lực lượng chủ lực để đánh chiếm như: khu vực biên giới Latakia, Palmyra, Aleppo mà ta đã thấy.
Vì thế, hầu như các trận chiến mà SAA tiến hành đều phải được VKS Nga hỗ trợ và nếu không thì SAA không thể tổ chức chiến đấu độc lập. SAA quá ỷ lại VKS Nga nên rất thiếu chủ động tác chiến. Cho nên, khi SAA và VKS Nga tổ chức chiến đấu ở đây thì những nơi khác im bặt tiếng súng…
Có 3 cơ sở để thay đổi chiến thuật:
Một là, sau khi lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm Al Bab (có sự giúp đỡ của VKS Nga), Bộ chỉ huy Tham mưu Nga-Syria đã nhận thấy hướng Bắc Syria được bảo vệ và tập trung binh lực vào các hướng tác chiến khác.
Hai là, khi các lực lượng của SAA được tăng cường phát triển thêm (như quân đoàn 5), và với việc các cố vấn Nga trực tiếp tham gia tác chiến, đã thay đổi chất lượng SAA, từ tác chiến phụ thuộc vào số lượng trong những ngày đầu cuộc chiến thì nay họ tác chiến bằng kỹ năng.
Ba là, các lực lượng đối lập đã hoàn toàn mất ý chí chiến đấu khi mất sự ủng hộ bên ngoài, trong khi sức mạnh của Assad ngay cả Mỹ cũng thay đổi thái độ, “Assad not must go” thì tìm kiếm một giải pháp chính trị là sự lựa chọn tối ưu.
Vì lẽ đó, từ chiến thuật “tấn công điểm” hay “tấn công phẫu thuật”, Bộ chỉ huy Tham mưu Nga-Syria chuyển sang chiến thuật mới, đó là “tấn công tổng lực”, theo đó SAA thay vì phải cố gắng vượt qua hàng phòng ngự của kẻ thù thì  tạo thế bao vây để bức hàng.
Như vậy, nếu như chiến thuật “tấn công điểm” là để chứu nguy, giải vây cho Assad thì “tấn công tổng lực” không phải là tổng tấn công trên toàn mặt trận bằng quân sự mà bằng quân sự kết hợp với binh vận nhằm mục tiêu giải phóng và làm chủ lãnh thổ với tổn thất ít nhất.
Nội dung cốt lõi của chiến thuật tấn công tổng lực
Nội dung này thể hiện chiến thắng bằng quân sự không phải là ưu tiên hàng đầu của chiến dịch, nghĩa là SAA không cần thiết, cố gắng phải vượt qua tuyến phòng thủ của địch bằng mọi cách để tiêu diệt địch, chiếm lĩnh trận địa, mà đó chỉ là phương án cuối cùng. Có 3 điểm mấu chốt:
Một là SAA bình tĩnh, không vội vàng, phát hiện điểm yếu của kẻ địch để hình thành thế trận bao vây, chắc chắn và chặt chẽ, hạn chế những bước đột phá có thể gây tổn thất lực lượng.
Hai là, sau khi hình thành thế trận bao vây, hay đưa kẻ địch vào “nồi hơi” một cách chắc chắn thì lực lượng VKS Nga và hỏa lực và không quân SAA tấn công mạnh mẽ. Đây là bước quyết định để khiến kẻ địch hoảng loạn và tuyệt vọng buộc chỉ huy địch lựa chọn…
Ba là bước cuối cùng giải quyết chiến dịch, đưa ra cho kẻ địch 2 tùy chọn bắt buộc: Đầu tiên - rời khỏi, có thể mang theo vũ khí hạng nhẹ đến Idlid. Thứ hai - Ở lại, hạ vũ khí để được tận dụng lợi thế của các ân xá của tổng thống Assad.
Nếu như “kế” là điều động địch…thì đây là kế hay nhất của Bộ chỉ huy Tham mưu Nga-Syria khi thực hiện tốt việc “điều động phiến quân ra khỏi khu vực tác chiến” để làm chủ khu vực với tổn thất ít nhất có thể.
Tại mặt trận Homs vào ngày 27/3, dù mặt trận Hama nóng bỏng nhưng với phương án tác chiến đó, SAA đã thu phục thành phố Al-Warp khi hơn 500 phiến quân đã chọn tùy chọn thứ hai, chứng tỏ một phần đáng kể của phiến quân mong muốn một cuộc sống yên bình…
Tại thành phố chiến lược Deir-Khafir có một lực lượng khá lớn IS. Ở đó, không chỉ các IS rút lui từ Al Bab và phía Đông Aleppo đến, mà còn cả những người đến giúp đỡ họ. Như vậy, SAA phải đối phó với gần 5000 quân IS có kinh ngiệm chiến trận tại đây.
Nga sau khi kết thúc Al Bab, SAA tập trung binh lực giải phóng các vị trí lân cận bao gồm cả nguồn nước cấp cho Aleppo và đã dồn IS tập trung vào Deir-Hafir. Một “nồi hơi” Deir-Hafer đã hình thành.
Không thấy một trận công kích cuối cùng, nhưng ngày 23/3, Bộ chỉ huy Tham mưu Nga tuyên bố thành phố Deir-Hafer được giải phóng, lực lượng SAA và công binh Nga vào tiếp quản, dò mìn…Rõ ràng, IS đã rút về Raqqa khi sớm thấy sự nguy hiểm đang đe dọa trong “nồi hơi”.
 Tại Hama, có thể nói phiến quân đã mắc bẫy khi gặp phải một lực lượng chiến đấu đã thay đổi về chất, về chiến thuật. Lực lượng HTS và hơn 500 proxy Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia Euohrates Shield đã và đang bị đưa vào “nồi hơi” mà rất khó khăn để rút lui có tổ chức.
Với chiến thuật bao vây chặt, dùng không quân dội lửa thì phiến quân chỉ có hoặc là chết hoặc là đầu hàng. Hôm qua, 16 làng mạc và thị trấn đã được giải phóng mà không có một cuộc tấn công. Thậm chí cả xe tăng và xe bọc thép bị bắt sống.
Lần đầu tiên trong nhiều năm chiến tranh, quân đội Syria đã tỏ rõ sức mạnh của mình. Kết quả của các chiến thuật mới đã vượt qua những kỳ vọng táo bạo nhất - trong vòng chưa đầy ba tuần SAA đã đạt được những thành công, mà trước đây đã mất hàng tháng trời.

Bằng sự giúp đỡ trực tiếp của cố vấn Nga, VKS Nga, Quân đội Syria đã đủ tự tin để làm chủ chiến trường và, chính quyền Mỹ buộc phải thay đổi thái độ, “Assad not must go” là sự công nhận không thể có gì thuyết phục hơn.