Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

CHIẾN LƯỢC “HÒA BÌNH CHỦ ĐỘNG” CỦA VIỆT NAM


Sự ủng hộ của bạn bè, dư luận trên thế giới cho chính nghĩa Việt Nam là chưa đủ. Việt Nam phải chủ động tham gia vào các cơ chế quốc tế về an ninh, chính trị mới có đủ sức mạnh bảo vệ hòa bình như mong muốn.


Hữu nghị viễn vông và nền hòa bình lệ thuộc.
“Thứ nhất, không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trên Nam Hải (Biển Đông); Thứ hai, không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa); Thứ ba, không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải; Cuối cùng là không được phá bỏ mối quan hệ Việt Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ”.
 Đây là “4 không” mà Tân Hoa xã đưa ra trước chuyến đi của Dương Khiết Trì sang Việt Nam mang theo một thông điệp cứng rắn, ngang ngược, không thiện chí, trong các sai phạm của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đương nhiên, thái độ, giọng điệu láo xược của đại Hán khi chưa bị “no đòn” qua giới truyền thông Trung Quốc (như Tân Hoa xã nêu trên…) và các học giả, tướng lĩnh khi “chưa thấy quan tài…” thì Việt Nam đã nghe quen tai từ lâu mà chúng ta không cần quan tâm. Vấn đề rất quan trọng ở đây là chúng ta nghe, hiểu, để biết được “nền hòa bình Trung-Việt” là nền hòa bình kiểu gì, mối quan hệ hữu nghị Việt-Trung là hữu nghị kiểu gì…để căn cứ vào thế, lực của chúng ta hiện nay đến đâu mà phấn đấu gìn giữ hay dứt khoát loại bỏ.
Từ năm 1949 đến năm 1979, quan hệ “hữu nghị” Việt-Trung đã quá rõ trong sách trắng “30 năm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc”. Và từ đó đến nay sự “hữu nghị” của Việt Nam-Trung Quốc cũng quá rõ dù chưa viết thành sách. Vậy, một nền hòa bình trên nền tảng của mối quan hệ “hữu nghị” như thế sẽ là một nền hòa bình kiểu gì?
Tư tưởng đại Hán này của Trung Quốc chúng ta được biết qua “4 không” nêu trên là qua báo chí, nhưng chưa hết, chắc chắn sẽ còn phát tiết qua cấp “vĩ mô” mà người dân không được nghe, không biết…nhưng   
    như thế là đã quá đủ cho một nhận thức.
Thủ tướng Việt Nam tuyên bố: “…Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Đây là tuyên bố mà dân tộc Việt đã phải kiên trì, nhẫn nhịn, chờ đợi, là tuyên bố mà đồng bào Việt Nam, nhân dân Việt Nam  ai cũng hiểu sâu sắc nhất mà không cần giải thích, không cần thông tư, nghị định hướng dẫn nào hết. Không nghi ngờ gì nữa, dân tộc Việt đã kết thành một khối.
Có thể nói đây là một tuyên bố khẳng định tính minh bạch, ý chí và nguyện vọng, nguyên tắc nhất quán của Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc-một nước lớn láng giềng đầy duyên nợ.
Đừng có đặt vấn đề tại sao không phải là trước đây mà để đến tận bây giờ, bởi vì, nếu như đó là một cuộc cách mạng, một sự thay đổi…thì tất cả đều phải có sự chuẩn bị về lượng, có đủ lượng mới thay đổi được chất, phải có “giọt nước cuối cùng” để chuyển hóa… Cho nên, tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đã xuất phát từ cơ sở vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, từ thế và lực của Việt Nam trong khả năng giữ vững nền độc lập tự chủ, khả năng xây dựng, duy trì một “nền hòa bình chủ động”…trong tình thế “giọt nước cuối cùng làm tràn ly” là giàn khoan Hải Dương 981 đã ngang ngược bất chấp hạ đặt trong thềm lục địa sâu trong EEZ của Việt Nam. Đó chính là thời cơ là vận nước đã đến.
Đã đến lúc Việt Nam phải chấp nhận “phẫu thuật” khối u dù phải đau và tốn kém.
Phải, không đau sao được khi nhìn một quả dưa hấu mà trâu bò ăn không hết ở cửa khẩu phía Bắc, không đau sao được khi những quả vải đỏ au của người dân đang nghẹn chật con đường, không đau sao được khi lúa của người nông dân bị mua với giá rẻ…Đau lắm, tốn kém lắm, nhưng phải “phẫu thuật” để chúng ta sẽ có một cơ thể khỏe mạnh, tự chủ…để con tim Việt Nam không bao giờ ứa máu như đã từng trước hình ảnh của “Vòng tròn bất tử Gạc Ma”.
Láng giềng hữu nghị và hòa bình chủ động.
Việt Nam chỉ không chấp nhận một quan hệ “hữu nghị viễn vông” nhưng rất muốn có một mối quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc. Đó là mối quan hệ “sớm tối tắt lửa tối đèn có nhau, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn (láng giềng), đồng thời tôn trong độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác phát triển đôi bên cùng có lợi.
Đương nhiên, nền hòa bình dựa trên nền tảng hữu nghị đó là bền vững cho 2 dân tộc.
Trung Quốc là nước lớn, là cường quốc, là quốc gia có “núi liền núi, sông liền sông” với Việt Nam. Việt Nam muốn hòa bình (với Trung Quốc), nhưng bản chất của Trung Quốc là không thay đổi là bành trướng, cậy mạnh, để thôn tính Biển Đông thì không bao giờ có một một mối quan hệ hữu nghị láng giềng thực chất, và do vậy, nền hòa bình với Trung Quốc chỉ có được cho Việt Nam là theo “kiểu Trung Quốc”, là thụ động, lệ thuộc mà thôi.
Việt Nam yêu chuộng hòa bình nhưng một nền hòa bình không lệ thuộc thì chỉ còn cách là phải thực hiện chiến lược “hòa bình chủ động” để từ đó mới có được một nền hòa bình chủ động
Hòa bình chủ động là gì? Đó là, về đối nội phải tăng cường sức mạnh răn đe ngăn ngừa chiến tranh, về đối ngoại là sự chủ động tham gia vào các cơ chế quốc tế về kinh tế đồng thời quan trọng hơn, là về cả an ninh lẫn chính trị.
Nền hòa bình chủ động chúng ta có được là bằng sức mạnh răn đe ngăn ngừa chiến tranh, là ý chí, khả năng giáng trả để bảo vệ nó. Khác với nền hòa bình chủ động, nền hòa bình thụ động chỉ có được chỉ bằng sự nhân nhượng, đổi chác lợi ích.
Hãy xem Nhật Bản. Trên lý thuyết, được bảo vệ dưới cái ô an ninh của Mỹ, nước Nhật khó bị đe dọa, nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng với các yêu sách chủ quyền hung hăng từ Bắc Kinh khiến cho nước Nhật chắc chắn không bao giờ chấp nhận một vai trò thụ động và trông chờ vào người Mỹ, ngay dù Mỹ là đồng minh, huống chi, thụ động trông chờ vào Trung Quốc-đối tượng tác chiến trực tiếp, như Việt Nam, thì lại càng không bao giờ. Mối quan hệ Nhật Bản-Ấn Độ, Nhật Bản-Úc, Nhật Bản-Philipines, Indonesia, Việt Nam để “hòa bình chủ động” với Trung Quốc chứng tỏ điều đó.

Trong khi đó, Việt Nam không có ô an ninh nào, nói cách khác là Việt Nam chưa có tham gia vào một “cơ chế” an ninh, chính trị nào trong khu vực. Nếu sức mạnh (tổng hợp) răn đe ngăn ngừa chiến tranh hạn chế, chưa đủ sức làm cho kẻ thù phải trả giá đắt không chịu đựng nổi thì một nền hòa bình Việt Nam có được với Trung Quốc cũng chỉ là thụ động mà thôi, không thể khác được, trừ phi Trung Quốc thay đổi bản chất. (Tiếp theo: Cơ chế an ninh nào phù hợp cho Việt Nam?)

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

CÓ GAN ĂN CƯỚP MÀ KHÔNG CÓ GAN CHỊU ĐÒN!

Có gan ăn cướp thì có gan chịu đòn, nhưng Trung Quốc muốn cướp của người mà không muốn bị đòn nên...khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã chứng kiến đủ các chiêu trò của Trung Quốc khi tranh chấp và chiếm đoạt chủ quyền trên biển của các quốc gia khác. Trung Quốc có 3 bước thực hiện chiến lược chiếm Biển Đông.
Một là xác định khu vực chiếm đoạt bằng một loạt kế sách từ biến không thành có, từ khu vực không có tranh chấp biến thành khu vực có tranh chấp và cuối cùng là đánh dấu khu vực bằng bản đồ do mình tự vẽ…
Sau một thời gian triển khai với nhiều mưu mô chước quỷ, Trung Quốc đã trắng trợn tuyên bố cái “bản đồ chín khúc” mà theo đó toàn bộ Biển Đông thuộc Trung Quốc.
Hai là khẳng định chủ quyền bằng biện pháp phi quân sự như tuyên bố khu vực cấm đánh bắt, dùng tàu cá được bảo kê của các tàu chấp pháp tràn vào vùng biển nước khác ngang nhiên đánh bắt, hạ đặt giàn khoan vào sâu trong thềm lục địa của nước khác…
Tất cả 2 bước trên đều dựa trên một nền tảng là nước lớn cậy mạnh nên Trung Quốc tỏ ra rất hung hăng, ngang ngược, bất chấp.
Khi trên Biển Đông còn tồn tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì giải quyết vấn đề bằng phi quân sự của Trung Quốc với một Việt Nam kiên cường, có truyền thống chống xâm lược là không thể đạt được. Chính vì thế Trung Quốc buộc phải thục hiện bước thứ ba: Gây xung đột quân sự hạn chế hay thực hiện một cuộc chiến tranh với quy mô hạn chế để thôn tính hoàn toàn Biển Đông.
Chiến tranh hạn chế kiểu Trung Quốc.
Không phải bây giờ mà ngay từ đầu triển khai chiến lược biến Biển Đông thành “ao nhà” tư tưởng, quan điểm này của giới cầm quyền Trung Quốc đã biểu hiện rõ qua những tuyên bố của các học giả, tướng tá diều hâu và cơ quan ngôn luận của Đảng CS Trung Quốc như Hoàn Cầu thời báo…Họ cho rằng “thế năng chiến tranh trên Biển Đông là rất lớn nên đánh một trận nhỏ để không có trận lớn” hay "Trỗi dậy hòa bình không mâu thuẫn với sử dụng vũ lực, bảo vệ chủ quyền có thể nổ súng"…Và trong vụ hạ đặt giàn khoan phi pháp vừa qua, Trung Quốc đã cho tàu pháo áp sát tàu chấp pháp Việt Nam với độ sẵn sàng chiến đấu rất cao, nghĩa là có thể bắn vào tàu Việt Nam bất cứ lúc nào.
Như vậy có thể thấy rằng, vấn đề xung đột quân sự trên Biển Đông không phải là có xảy ra hay không mà trước sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc ngày càng tăng thì vấn đề chỉ là khi nào xảy ra xung đột mà thôi.
Chiến tranh hạn chế thực chất là một cuộc tấn công phủ đầu bằng quân sự chớp nhoáng đánh chiếm một mục tiêu mà buộc đối phương lựa chọn khắc nghiệt “mất nhiều hay mất ít” trước khi có hành động đánh trả.
Chiến tranh hạn chế được thực hiện khi Trung Quốc có khả năng gây áp lực rất lớn về kinh tế, chính trị, lên đối thủ, đồng thời có sức mạnh răn đe quân sự, mở rộng chiến tranh, là 2 đầu vào chính cho đối phương giải bài toán “mất nhiều hay mất ít”.
Đối phương chấp nhận sự “mất ít” là Trung Quốc thắng lợi và ngược lại thì Trung Quốc sẽ bị rất nhiều rủi ro, sa lầy hoặc trả giá đắt cho hành động quân sự gây ra. Vì thế, đương nhiên, khi hành động, Trung Quốc phải tính toán kỹ sức mạnh và đặc biệt là ý chí quyết tâm của đối thủ trong bảo vệ toàn vẹn chủ quyền…để ra tay.
Với Việt Nam, liệu Trung Quốc có tiến hành một cuộc chiến tranh hạn chế hay không?
Trên Biển Đông, mục tiêu chủ yếu và duy nhất cho Trung Quốc thực hiện học thuyết chiến tranh hạn chế này chính là các đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thực tế là ngày 14/3/1988, Trung Quốc dùng 12 tàu chiến bất ngờ tấn công vào 3 tàu vận tải của Hải quân Việt Nam. Với cuộc đối đầu không cân sức này, Trung Quốc đã chiếm được đảo Gạc Ma và một số đảo khác của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.
Có thể nói, đây là một kinh nghiệm bổ ích nhất cho Trung Quốc trong học thuyết chiến tranh hạn chế mà Trung Quốc đang hung hăng đe dọa áp dụng với các nước khác trong đó có Việt Nam. Quả thật lúc đó Việt Nam đang ở trong một tình cảnh cực kỳ khó khăn mà nếu như không phải là người dân Việt Nam thì sự chịu đựng trong thế ngặt nghèo đó là không thể, đất nước đại loạn, sụp đổ là không tránh khỏi. “Vòng tròn bất tử Gạc Ma” còn đó, dân tộc Việt Nam không bao giờ quên.
Giờ đây, nếu Trung Quốc dùng vũ lực tấn công đánh chiếm một số đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì có 2 sự lựa chọn xảy ra.
Một là Việt Nam chấp nhận “mất ít” mà không muốn chiến tranh vì phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Nguồn hy vọng của Việt Nam là đòi lại bằng “biện pháp hòa bình”.
 Đây là lựa chọn không thể xảy ra vì thế và lực của Việt Nam đã khác. Mất đảo là sự mất mát quá lớn đến chủ quyền thiêng liêng của quốc gia. Nếu Việt Nam cứ bám víu vào cái hữu nghị viễn vông, cái nền hòa bình lệ thuộc, chọn sự “mất ít” có nghĩa là “mất dần” thì Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam sẽ không được lòng dân tộc và đây cũng là cơ hội cho Trung Quốc thôn tính tiếp Biển Đông là điều mà lịch sử chống phong kiến phương Bắc từng cho ta một bài học.
Vì vậy, Việt Nam chỉ có lựa chọn cách thứ hai là, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không để biển đảo rơi vào tay Trung Quốc xâm lược. “Không đánh đổi chủ quyền bằng thứ hữu nghĩ viễn vông hay nền hòa bình lệ thuộc” là tuyên bố của lãnh đạo Việt Nam làm nức lòng dân tộc, được toàn dân nhất trí, ủng hộ.
Liệu Trung Quốc dùng “chiến tranh hạn chế” để buộc Việt Nam chọn sự “mất ít” như trước đây hay không thì qua vụ hạ đặt phi pháp giàn khoan trong thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc có thể nhận thức được vấn đề, song, cậy mạnh, chủ quan coi thường đối thủ là bản chất của kẻ xâm lược, cho nên, chúng ta không bao giờ nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không gây xung đột quân sự đánh chiếm đảo của Việt Nam. Hàng loạt cuộc tập trận đánh chiếm đảo trên Biển Đông (đảo nào? nếu như không phải là Trường Sa?) không phải là để chơi. Trung Quốc sẽ hành động bất cứ khi nào mà Việt Nam mất cảnh giác, mất đoàn kết và khi “trái tim để lầm chỗ trên đầu”.
Tại sao Trung Quốc muốn chiến tranh hạn chế?
Nếu Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm đảo của Việt Nam thì Việt Nam kiên quyết tự vệ, bảo vệ bằng được chủ quyền mà không chịu khuất phục. Tình thế đó buộc Trung Quốc không thể đánh nhanh, thắng nhanh và không hạn chế được phạm vi khu vực xảy ra tác chiến. Điều này có nghĩa là không có chuyện “đánh một trận nhỏ để không có trận lớn” như họ tưởng và tất nhiên, chiến tranh hạn chế bị phá sản.
Một cuộc chiến tranh không kiểm soát trên Biển Đông sẽ có 3 điều bất lợi xảy ra cho Trung Quốc. Một là, khuất phục được cả một dân tộc Việt đồng lòng là điều không thể cho bất cứ kẻ thù nào dù hung hãn đến đâu, cho nên, chiến tranh sẽ kéo dài là vô cùng nguy hiểm cho sự ổn định chính trị của Trung Quốc. Hai là, dòng hàng hóa, năng lượng khổng lồ qua Biển Đông sẽ gián đọan hoặc bị cắt đứt, Trung Quốc buộc phải phân tán lực lượng để bảo vệ hoặc chấp nhận nền kinh tế bị thảm họa là 2 tử huyệt mà Trung Quốc không có và chưa đủ khả năng chống đỡ. Ba là, sự gián đoạn hàng hải thương mại trên Biển Đông khiến Nhật Bản, Mỹ, Úc…phải ra tay can thiệp để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình sẽ tạo ra cho Việt Nam có nhiều đồng minh tự nhiên.
Đây là 3 lý do quyết định khiến Trung Quốc không muốn hay không dám tiến hành một cuộc chiến tranh lớn trên Biển Đông với Việt Nam.
Đánh chiếm đảo trên Biển Đông bằng một cuộc “chiến tranh hạn chế” hay “xung đột quân sự hạn chế” thực chất là một cuộc chiến tranh xâm lược, nó có 2 nội dung cơ bản là đánh chiếm và bảo vệ thành quả, trong đó bảo vệ thành quả có ý nghĩa quyết định.
Các đảo trên Biển Đông và ngay quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư thì khi tác chiến, bên phòng thủ không có lợi thế bằng bên tấn công. Bởi vậy, bất ngờ dùng vũ lực đánh chiếm được một hoặc hai đảo…trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đồng thời ngăn ngừa hay làm triệt tiêu ý chí phản công của Việt Nam bằng một loạt đối sách về kinh tế, ngoại giao, chính trị…là mục đích, yêu cầu, của cuộc “chiến tranh hạn chế” kiểu Trung Quốc là bước leo thang cuối cùng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đương nhiên, Trung Quốc muốn là một chuyện, còn ý chí, bản lĩnh của dân tộc Việt mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng lại là chuyện khác.

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

CHỦ QUAN, MẤT CẢNH GIÁC VỚI TRUNG QUỐC LÀ TỰ SÁT


Đối đầu với Trung Quốc về quân sự Việt Nam không và chưa bao giờ sợ, nhưng làm ăn kinh tế với Trung Quốc mới thật nỗi lo lắng thường trực nếu như không muốn nói là nỗi sợ.

“Diễn biến hòa bình” Made in China!.
Mỹ tấn công I răc, Apganixtan… rồi gần đây Pháp, Ý tấn công Ly-bi không phải là để chiếm đất đai, mở rộng lãnh thổ mà cái họ cần đạt được là đánh đổ chế độ hiện tại, dựng lên một chính phủ mới “thân” họ, sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu chiến lược kinh tế, quân sự của họ hiện tại và tương lai. Tuy nhiên việc sử dụng vũ lực cũng chỉ nhằm vào những quốc gia sợ chiến tranh, khả năng phản kháng của dân tộc thấp, còn thì thực hiện các “cuộc cách mạng màu” như thời gian gần đây tỏ ra vô cùng hiệu quả.
Việt Nam sau 1975 thực tế rõ ràng là có rất nhiều lực lượng thù địch hoạt động chống phá với mục đích là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, lật đổ chế độ. Việt Nam gọi đó là “Chiến lược diễn biến hòa bình”.
Với sự đổi mới tư duy, đa phương hóa trong các mối quan hệ, Việt Nam đã từng bước hòa nhập vào thế giới. Những nước trước đây được coi là thù địch nay trở thành đối tác, thậm chí còn là bạn. Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước trên thế giới khién áp lực “diễn biến hòa bình” giảm hẳn, nhưng có một sức ép khác-sức ép này nằm trong chiến lược thôn tính Việt Nam vô cùng thâm hiểm mà nhà cầm quyền Bắc Kinh từ xưa đến nay đã triển khai thực hiện từng giờ từng phút không bao giờ ngơi nghỉ.
Nếu như “chiến lược diễn biến hòa bình” nhằm mục đích lật đổ chế độ, xóa bỏ Đảng Cộng Sản Việt Nam thì chiến lược thôn tính Việt Nam của Đảng Cộng sản Trung Quốc thâm và hiểm ở chỗ nó không lật đổ chế độ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam mà nó duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi đã bị thao túng. Bắc Kinh thực hiện dưới một chiêu bài mà ai cũng bị lầm tưởng, khiến mất cảnh giác, đó là, quốc gia có chế độ chính trị “giống nhau” do một “Đảng Cộng Sản lãnh đạo”, gọi nhau là “đồng chí”…để lợi dụng nước lớn, lợi dụng tính nhân ái, nhường nhịn, hòa hiếu và lúc khó khăn của của dân tộc Việt Nam để chèn ép, bắt nạt, mặc cả trên xương máu người Việt Nam vì quyền lợi của dân tộc mình. Phá hoại, lũng đoạn nền kinh tế Việt Nam, bắt kinh tế Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc để khống chế chính trị, biến Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhà nước, chính phủ Việt Nam thành tay sai “đồng chí tốt”, thành một công cụ pháp lý cho dã tâm bành trướng của mình.
Dùng vũ lực, nếu thắng lợi cũng để đạt được mục đích này, vậy cần chi phải dùng vũ lực. Đó là “chiến lược diễn biến hòa bình mang màu sắc Trung Quốc” hay là chiến lược thôn tính Việt Nam của Bắc Kinh.
Cài thế chiến lược thôn tính Việt Nam
Một điều khẳng định là nếu Việt Nam không nghe theo sự điều khiển Trung Quốc là có chuyện, họ không để yên. Nói cách khác là nếu Việt Nam không thuần phục Trung Quốc là Trung Quốc gây căng thẳng, đe dọa và tiến hành chiến tranh, quy luật bao đời nay là vậy.
Năm 1979, Khơ me đỏ dưới sự chỉ đạo của quan thầy Trung Quốc dùng hàng chục sư đoàn quân hiếu chiến tấn công Việt Nam ở biên giới Tây Nam. Thật ra mà nói nếu như không để cho bọn Pol Pôt làm loạn ở Tây Nam của Việt Nam thì một ông Đặng chứ 10 ông Đặng ngay cả suy nghĩ cũng không dám nghĩ đến tấn công Việt Nam.
Thế 2 gọng kìm phía Nam và Tây áp sát Việt Nam là nước cờ rất hiểm cho nên từ thời ông cho đến thời cha giới cầm quyền Trung Quốc cứ nhăm nhe bám lấy để chơi nước cờ này mà không bao giờ từ bỏ. Campuchia, Lào hiện nay đang được Trung Quốc tìm mọi cách bành trướng và thôn tính để áp dao vào sườn Việt Nam.
Trong nước, Trung Quốc đã thuê đất “trồng rừng” ở những vị trí xung yếu biên giới như Lạng sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng. Tại Nghệ An họ thuê gần với đường 7, đường 8 sang Lào, những vùng như Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp được coi như phên dậu quốc gia cũng được thuê. Tại Quảng Nam họ thuê gần khu vực có đường thuận tiện lên Tây Nguyên và Căm pu chia… Bất kỳ người Việt Nam nào có chút hiểu biết về quân sự cũng đều hoảng hốt và toát mồ hôi hột. (trong khi đó điều lạ lùng khó tin là cấp chủ tịch tỉnh thông thường đều phải qua Học viện quốc phòng) Lưu ý là những khu vực mà họ thuê, người Việt Nam không được bén mảng vào thì…cả xe tăng Trung Quốc cũng có thể ém sẵn trong khu vực “trồng rừng” của họ.
Ngay bên cạnh quân cảng Cam Ranh trước khi tàu ngầm Việt Nam xuất hiện đã có người Trung Quốc nuôi cá bè và chắc là đã cài cắm hệ thống trinh sát, phát hiện tàu ngầm KILO mà không kịp thời đuổi đi thì cực kỳ nguy hiểm.
Vị trí Tây Nguyên, nơi mà các nhà quân sự cho rằng ai chiếm được nó là làm chủ toàn Đông Dương và Vũng Áng-Hà Tĩnh, điểm dễ đổ bộ chia cắt đất nước ra làm đôi thì Trung Quốc đã, đang tìm cách đặt chân vào và có sự hiện diện rất nhiều người Hán.
Về kinh tế. Quả thật, đối đầu với Trung Quốc về quân sự Việt Nam không và chưa bao giờ sợ. Nhưng làm ăn kinh tế với Trung Quốc mới thật nỗi sợ. Nếu Việt Nam cảnh giác với Trung Quốc như đã từng cảnh giác với phương Tây trong chiến lược diễn biến hòa bình thì không hề gì, đằng này Trung Quốc lợi dụng “16 chữ vàng và 4 tốt” để che đây dã tâm, một số quan chức bộ ngành Việt Nam vì quyền lợi cục bộ, cá nhân mà coi nhẹ an ninh quốc gia.
Tính đến năm 2011 đã có tới 90% các công trình khai khoáng, luyện kim, dầu khí, hóa chất đều do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Có tới 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Xét về điện đã có nhiều dự án tỷ đô la rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Tiêu biểu phải kể đến dự án điện Quảng Ninh 1, 2 với giá trị 400 triệu USD; điện Mỹ Tân 2 với số vốn 1,3 tỷ USD; điện Duyên Hải 1 là 4,4 tỷ USD.
Vấn đề cần đặt ra là: Tại sao và Trung Quốc muốn gì?. Trước hết phải hiểu vì sao các doanh nghiệp của Trung Quốc trúng thầu, vì họ bỏ giá rẻ. Bỏ giá rẻ là lỗ, chẳng có doanh nghiệp nào điên khùng như thế nhưng các doanh nghiệp của Trung Quốc thì không. Miễn sao trúng thầu, trúng thầu rồi, sau một thời gian thì họ báo đội giá (vậy thì đấu thầu có ý nghĩa gì?) rồi làm đến đâu là quyền của họ, ai dám phê phán để ảnh hưởng đến tình hữu nghị Trung-Viêt!
Việc một công trình, dự án có giá rẻ chỉ là cái lợi nhỏ và có thể lợi lớn cho các quan chức tham nhũng, nhưng cái giá mà xã hội và an ninh đất nước phải trả là quá đắt.
Thứ nhất là hầu như các dự án đó có tiến độ rất ì ạch, khi hoàn thành thì vận hành gặp rất nhiều trục trặc, phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.
Thứ hai là họ không thuê lao động là người Việt Nam mà họ đem người Trung Quốc sang hàng ngàn người nhằm thực hiện chính sách di dân. Nguyên ngoại trưởng Mỹ, bà H.Clinton chẳng đã từng vạch mặt gọi Trung Quốc là thực dân ở châu Phi đó sao!.
Đến đây chúng ta tự hỏi nếu như xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam thì các ngành công nghiệp quan trọng mà Trung Quốc trúng thầu có phát huy hết công suất để phục vụ cho chiến tranh hay là đóng cửa? An ninh năng lượng của Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc thì liệu Trung Quốc có “quên” không, khi chiến tranh nổ ra? Hàng ngàn lao động phổ thông trai tráng của Trung Quốc nó sẽ làm gì, trong khi chưa có chiến tranh mà đã ngỗ ngáo làm loạn lên, gây mất an ninh trật tự như ở phố Ninh Bình và một số nơi khác?
Trung Quốc đã, đang, tạo nên một sức ép rất lớn lên Việt Nam. Và, có thể nói, Việt Nam phải đối phó với rất nhiều mũi nhọn mà Trung Quốc chĩa vào chứ không phải chỉ riêng ở Biển Đông.
May thay, tất cả những âm mưu thủ đoạn của Trung Quốc không lọt qua con mắt cảnh giác ngàn đời của Việt Nam. Có được một thế và lực như hôm nay để sẵn sàng, tự tin, đối phó với Trung Quốc khi tình huống xấu nhất có thể xảy ra trên mặt trận kinh tế, quân sự...chứng tỏ không ai hiểu Trung Quốc bằng Việt Nam.
Rung chấn từ giàn khoan Hải Dương 981
Nếu như sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc khiến Nhật Bản thay đổi Hiến pháp hòa bình thì sự hung hăng, ngang ngược, bất chấp của Trung Quốc gần đây nhất trong vụ hạ đặt giàn khoan phi pháp trong thềm lục địa Việt Nam đã  như giọt nước cuối cùng làm đầy ly.
Thủ tướng Việt Nam tuyên bố: “Không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng bằng thứ hữu nghị viễn vông hay hòa bình lệ thuộc nào đó”.
Đây là một tuyên bố mà theo đánh giá của tôi thì nó có ý nghĩa đánh dấu lịch sử như bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, nó chấm dứt một giai đoạn đầy biến cố thăng trầm trong quan hệ Trung-Việt.
Nếu như Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam nhưng trong 30 năm dân chủ cộng hòa, Việt Nam luôn bị bóng dáng Trung Quốc đè nặng…thì hôm nay thế hệ con cháu của Người đã chính thức tuyên bố thoát ra khỏi cái ám ảnh phải lệ thuộc Trung Quốc, một láng giềng đầy dã tâm.

Khó khăn lớn sẽ đến với chúng ta, thậm chí chiến tranh có thể xảy ra, nhưng muốn tự do, muốn độc lập dân tộc, muốn có sự thay đổi, phát triển thì phải dứt khoát thay đổi tư duy. “Không có gì quý hơn Độc lập, tự do” thì sẵn sàng chấp nhận mọi giá để có độc lập, tự do.

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

TẠI SAO GIÀN KHOAN HẢI DƯƠNG 981 CHUYỂN VỊ TRÍ?



Trung Quốc tuyên bố giàn khoan Hải Dương 981 sẽ rời đi vào ngày 15/8 sau khi hoàn thành khảo sát. Tuy nhiên mới đến ngày 27/5 họ phài lùi ra xa dù còn trong thềm lục địa Việt Nam. Tiếp tục chưa đến một tuần, theo quan sát của tàu CSB Việt Nam, giàn khoan lại chuyển vị trí và có khả năng còn chuyển vị trí nữa.
Hạ đặt giàn khoan, chưa nói đến khoan thăm dò, phức tạp bao nhiêu thì khi rút khoan di dời đến vị trí khác thì cũng phức tạp bấy nhiêu. Hải Dương 981 được cố định bằng 12 chiếc neo với mỗi sợi xích neo dài 3000m thì khi thu neo buộc Hải Dương 981 phải lần lượt nhả bên này thu bên kia, do đó lực lượng chấp pháp của ta phát hiện giàn khoan dịch chuyển trong phạm vi 150-200m là chính xác.
Các nhà chuyên môn khẳng định chắc chắn là giàn khoan Hải Dương hạ đặt các vị trí trong thềm lục địa Việt Nam không phải để khoan tìm dầu mà vì mục đích tranh dành chủ quyền, cho nên, căn cứ vào vị trí di chuyển của giàn khoan vừa qua thì chứng tỏ chúng cũng không phải hạ đặt để khoan tìm dầu. Vậy, sự di chuyển vị trí này vì nguyên nhân gì, chính trị hay quân sự hay nguyên gì khác?. Và, đây là điều chúng ta mới quan tâm, tìm hiểu, nhận định, theo góc nhìn của người lính.
Thứ nhất, Trung Quốc ngang ngược, cậy mạnh, là đúng rồi vì Việt Nam ta đã hơn 20 lần làm việc với họ để yêu cầu họ rút giàn khoan nhưng họ bất chấp. Vậy tại sao khi chuyển vị trí giàn khoan, Trung Quốc lại không tiến sâu thêm vài hải lý mà lại lùi ra xa dù còn trong thềm lục địa Việt Nam có vẻ như phải xuống thang, có vẻ như không hợp logic với sự hung hăng cậy mạnh?
Rõ ràng là Trung Quốc, qua việc hạ đặt giàn khoan để chứng minh cho Việt Nam thấy là “Trung Quốc muốn khoan đâu cũng được”, cho nên, tiến sâu vào dù 1 hải lý thôi cũng mang ý nghĩa là tăng sức nặng cho “điều cần chứng minh” và tác động rất mạnh đến Việt Nam, nhưng, lùi ra xa bao nhiêu hải lý chăng nữa mà còn trong thềm lục địa Việt Nam cũng đều không có ý nghĩa gì với Việt Nam ngoại trừ khi giàn khoan lùi ra khỏi thềm lục địa Việt Nam.
Với hơn 100 tàu chiến , Hải giám, Hải cảnh và máy bay các loại bao quanh giàn khoan tạo ra một vành đai bảo vệ từ 6-7 hải lý thì tàu CSB, KN Việt Nam nhỏ, ít, là khó có thể áp sát giàn khoan và do vậy tiến vào sâu hơn 1 hải lý là không vấn đề với lực lượng phi pháp của Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc lùi giàn khoan ra phía ĐN đảo Tri Tôn 25 hải lý không phải vì thế giới lên án mạnh mẽ, dân Việt Nam biểu tình kết nối làn sóng yêu nước…hay như Trung Quốc nói là tiến hành giai đoạn 2…mà chỉ vì nguyên nhân an toàn cho Hải Dương 981.
Còn nhớ, phải có một Điện Biên Phủ, Pháp mới chịu ký vào Hiệp định Geneva, phải có một Điện Biên Phủ trên không, Mỹ mới chịu ký vào hiệp định Pari. Đối với vụ hạ đặt giàn khoan trái phép thì phải chăng trước đó, giàn khoan Hải Dương 981 đã bị có sự cảnh cáo nghiêm khắc, sự răn đe mạnh?. Và, chưa đầy 1 tuần sau khi chuyển vị trí thì HD 981 thay đổi tiếp vị trí đã chứng tỏ khả năng này là đúng.
Nhiều người đặt vấn đề là liệu tàu quân sự Trung Quốc mở tháo bạt che vũ khí thì có tấn công tàu chấp pháp Việt Nam khi tiến sâu áp sát giàn khoan hay không? Với nhãn quan của một người lính, tôi cho rằng, với tính hung hăng, ngạo mạn, “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, thì tàu chiến Trung Quốc có thể hành động như trong sự kiện Trường Sa năm 1988 khi nổ súng vào tàu vận tải Việt Nam, nhưng trong tình thế hiện nay, khi giàn khoan Hải Dương 981-số tiền cược quá lớn còn đó, trong tầm hỏa lực Việt Nam thì tàu quân sự Trung Quốc chỉ diễu võ dương oai. Nếu nổ súng trước bắn chìm tàu chấp pháp Việt Nam thì coi như tự sát giàn khoan tỷ USD của mình. Tất nhiên, Trung Quốc thừa biết là lượng lượng chấp pháp Việt Nam không chỉ một mình trên Biển Đông, đằng sau họ là lực lượng Hải quân, không quân và tên lửa đang chăm chú theo dõi với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao nhất
Vì vậy, với lực lượng chấp pháp Việt Nam thì tàu chiến, máy bay Trung Quốc lượn lờ, bay thấp, không làm họ cảnh giác cao độ và có thể nói chỉ chứng tỏ thói hung hăng cậy mạnh, đe dọa sử dụng vũ lực của Trung Quốc cho dư luận thế giới biết mà thôi.
Tuy nhiên, trong số tàu chiến Trung Quốc tung ra bảo vệ giàn khoan thì có 2 chiếc là tỏ ra có tác dụng, đó là 2 tàu rà quét mìn xuất hiện vào ngày 26/5 trước 1 ngày giàn khoan chuyển vị trí. Đây là điểm mà lính tráng chú ý nhất trong khi các chính khách thì ít để ý.
Tàu chiến Mỹ khi bị đặc công nước Việt Nam đã áp mìn vào thân tàu và khi hệ thống chống tháo gỡ của mìn đã kích hoạt thì dù phát hiện ra bao lâu trước khi mìn nổ thì cách tốt nhất, hợp lý nhất, vẫn là cách chuẩn bị phao cứu sinh. Hàng đêm, tàu chiến, tàu vận tải Mỹ nhổ neo thay đổi vị trí liên tục đã gây không ít khó khăn cho đặc công nước xác định mục tiêu…phải chăng là bài học cho giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trên Biển Đông?
Thứ hai là giàn khoan Hải Dương 981 sẽ di chuyển đến Trường Sa như một số chuyên gia nhận định?

VIỆT NAM LẠI XUẤT HIỆN MỘT “NGỌN NÚI LỬA PHỦ ĐẦY TUYẾT”?



Hai cuộc kháng chiến giải phóng đất nước, thống nhất giang sơn, hồn thiêng sông núi đã sinh ra một vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, một “ngọn núi lửa phủ đầy tuyết”. Nhớ thay, “ngọn núi lửa phủ đầy tuyết” đó đã vĩnh viễn ngủ yên trong lòng đất mẹ trong khi Tổ quốc đang bị quân thù nhòm ngó…
Có lẽ tôi, một người lính chiến, sẽ không viết bài này khi không đọc được trên trang mạng một số người hết kích động Việt Nam đánh nhau với Trung Quốc rồi chuyển sang khích bác ông Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam là “hèn”, “quan văn ngồi nhầm chỗ quan võ”…trong bài phát biểu của ông trên diễn đàn an ninh khu vực tổ chức tại Shingri-La vừa qua. Lính là phải bảo vệ lẽ phải, đó là danh dự.
Trên chiến trường, những vị tướng nào được quân lính yêu mến, kính trọng…ngoài tài năng ra thì tư tưởng quý trọng giọt máu của người lính như máu của con em mình quyết định nên điều “tướng lĩnh phụ tử hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.
Đánh nhau ai chết trước? Lính (thanh niên trai trẻ) và nhân dân chết trước vì thế càng tránh cho lính chết, dân chết mà vẫn bảo vệ được chủ quyền thì tìm mọi cách để tránh, đó là cái TÂM của người làm tướng, nói cách khác là “văn trong võ”. Còn khi không tránh được, đã bắt buộc thì mới phải đưa nhân dân và người lính của mình vào cuộc chiến tranh. “Các cậu, hết cách rồi, vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đánh nhau thôi”, lúc đó lính tráng sẽ dạ ran, toàn quân một lòng và coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.
Tướng Thanh hèn à? Ai dám chê tướng Thanh hèn? Các vị có biết danh hiệu “Dũng sỹ đường 9” là gì không? Các vị có biết, được phong danh hiệu Anh hùng LLVT khi mới giữ chức trung đội trưởng trong năm 1971 khi Mỹ đang làm mưa làm gió trên chiến trường miền Nam là như thế nào không? Tiểu sử của tướng Thanh đó, ông đi lên từ một anh binh nhì trên chiến trường khốc liệt mà chắc chắn là không ít lần vác xác đồng đội trên vai.
Đã từng là một trinh sát lính thủy đánh bộ trên chiến trường K, tôi hiểu nguy hiểm, ác liệt lúc đó so với chống Mỹ chỉ bằng một phần trăm, cho nên hết sức kính nể những vị tướng từng trải qua thời chống Mỹ.
May mắn cho Việt Nam ta, đất nước đang trong tình trạng quân thù nhòm ngó thì các vị tướng lĩnh cấp cao, lãnh đạo cấp cao đều đã kinh qua chiến tranh tàn khốc nhất, dày dạn kinh nghiệm và bản lĩnh
Trở lại bài phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh.
Trước hết mà nói, nếu như ai đó cho rằng bài nói của bà Phó Oánh hay của Phó tổng tham mưu trưởng PLA trên Shingri-La vừa qua là hoàn toàn theo ý của họ là cạn nghĩ, loại người có tư tưởng dân chủ quá trớn. Phó Oán nói, phó TTMT nói chính là Trung Quốc nói.
Còn bài phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng vậy thôi, đó là Việt Nam nói, là Đảng CSVN nói. Không thể có chuyện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội nói sai đường lối chủ trương của Đảng, Bộ chính trị.
Nhiều kẻ cố tình tung tin bịa đặt phỏng đoán là ông thủ tướng nói vậy mà ông Tổng bí thư, ông chủ tịch nước…im re chắc là có mâu thuẫn nội bộ…là kẻ đó muốn chia rẻ, kích động dân chúng thiếu lòng tin về lãnh đạo cao nhất để dâng nước cho giặc hoặc lợi dụng đục nước béo cò hoặc là những kẻ Việt gian. Tin điều đó là ngây thơ, ấu trĩ.
Bài phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh (Thực chất được thông qua Bộ thống soái tối cao rồi), theo quan điểm của tôi thì Việt Nam đã phán đoán đúng thái độ của Nhật Bản, Mỹ…trong diễn đàn sắp tới nên đã chọn nội dung chuyển tải rất hợp lý và khôn ngoan. Mà quả thật, sau vụ giàn khoan mới thấy cái gen chỉ đạo, lãnh đạo “toàn quốc kháng chiến” của Đảng CS Việt Nam, Nhà nước Việt Nam là có thật. Phối hợp rất nhịp nhàng, bài bản từ trên xuống dưới theo một nguyên tắc, tư tưởng định sẵn.
Thủ tướng Việt Nam tuyên bố “vì chủ quyền thiêng liêng quyết không chấp nhận đánh đổi hòa bình, hữu nghị viễn vông lệ thuộc”; “Việt Nam muốn hòa bình để phát triển nên còn một cơ hội hòa bình nào dù là mỏng manh để tránh khỏi chiến tranh thì Việt Nam vần không bỏ qua”; “giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình nhưng sẵn sàng tự vệ”; “chỉ cần dòng hàng hóa khổng lồ trên Biển Đông bị gián đoạn thì kinh tế khu vực và một số nước bị thảm họa”; “bảo vệ và tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư”…Đó là tư tưởng chỉ đạo và nguyên tắc bất di bất dịch của Đảng, Nhà nước và chính phủ.
Đấu tranh của Bộ Ngoại giao đã có sự đanh thép hiếm thấy với Trung Quốc, lên án mạnh mẽ sự ngang ngược vô nhân đạo, phi pháp xâm phạm chủ quyền quyền chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Trên nền đó, ngoại giao quốc phòng mà đại diện là tướng Nguyễn Chí Vịnh lại có nét đặc thù, khác biệt. Theo dõi các bài trả lời phỏng vấn trong nước, ngoài nước của tướng Vịnh người ta cảm thấy có sự khát khao cháy bỏng đến hòa bình, sự mềm dẻo như nhung lụa, nhưng ẩn chứa trong đó là những mạt kim cương rắn hơn sắt thép.
Tại diễn đàn an ninh khu vực Shingri-La, cứ như thái độ của tướng phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc “sùi bọt mép”, hiếu chiến, hung hăng, ngạo mạn, Bộ trưởng QP Việt Nam phản ứng đáp trả thì dư luận thế giới, giới kinh doanh, đầu tư sẽ nghĩ gì? Chắc là không còn “biện pháp hòa bình” nào nữa, Việt Nam và Trung Quốc đánh nhau sắp đến rồi. Nhưng giọng điệu, lời lẽ của Việt Nam, của vị Đại tướng đứng đầu một đội quân “bất bại” lại ôn hòa, mềm dẻo, nhưng ý chí lại kiên định trong mục tiêu yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa Việt Nam đã khiến cho dư luận, giới kinh doanh và các quốc gia khác tin rằng Việt Nam đã đang và sẽ phấn đấu bằng biện pháp hòa bình hay ít nhất là họ yên tâm với một vị tướng đã dạn dày chiến trận như vậy thì khó có thể để những “tính toán sai lầm xảy ra xung đột”. Sự nhạy cảm, khôn khéo của ngoại giao quốc phòng là vậy đó.
Trên Biển Đông, thực tế thì như ta thấy, Việt Nam đang thể hiện một ý chí quyết tâm cao độ, không chùn bước trước Trung Quốc có lực lượng đông mạnh hơn nhiều lần, hành động quyết liệt nhưng tỉnh táo, dù phải chịu nguy hiểm, hy sinh đến tính mạng, buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan. Lực lượng của ông Thanh cả đấy.
Trung Quốc đã rút lùi giàn khoan, tuy còn trong thềm lục địa Việt Nam thay vì tiến sâu thêm như thái độ ngạo mạn, hung hăng vốn có của họ. Thắng lợi trên chiến trường quyết định trên bàn đàm phán. Thắng lợi của Việt Nam là đánh sập ý chí, thái độ hung hăng, ngạo mạn, đó là không thể “muốn khoan đâu cũng được” của đối phương. Quân của ông Thanh làm cả đấy.
Ai đó có thể chê tướng Thanh có mưu lược kém, không bằng người này, người kia nhưng chê tướng Thanh-Bộ trưởng QP Việt Nam hèn trước kẻ thù thì đó là kẻ đã già nua bại não, những kẻ khác có đầu óc hơn thì chỉ vì không mấy thích thú chế độ này, luôn mồm ra rả trên RFA...với mục đích Việt Nam sắp đầu hàng Trung Quốc rồi, nhân dân ơi hãy đứng lên lật đổ chế độ này đi…Luận điệu đã “xưa như Diễm”, chẳng ai ngu mà tin.
Thời thế tạo anh hùng, đất nước trước họa xâm lăng đang xuất hiện “một ngọn núi lửa phủ tuyết” tiếp theo.

Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

VIỆT NAM TRUNG LẬP HAY LIÊN MINH?


Điều khẳng định chắc chắn là: Bất luận liên minh hay hợp tác với ai, như thế nào…thì để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam chỉ có thể và luôn luôn bằng máu của người Việt Nam.
Cục diện địa chính trị, quân sự khu vực biến chuyển mau lẹ bắt đầu từ sự kiện Trung Quốc đã lộ mặt bành trướng, bá quyền nước lớn, bất chấp pháp luật quốc tế khi ngang ngược hạ đặt giàn khoan sâu trong thềm lục địa Việt Nam; việc bắt tay của Trung Quốc và Nga sau sự kiện Ukraine đến việc xoay trục của Mỹ sang Châu Á-TBD của Mỹ…đang đặt Việt Nam vào những thế ứng xử ngoại giao vô cùng tế nhị và khó khăn.
Việt Nam phải làm gì để vừa bảo vệ được độc lập và các lợi ích dân tộc, vừa bảo vệ được hòa bình để ổn định phát triển? Đó câu hỏi có tính thời sự mang tầm quốc gia mà để trả lời vô cùng khó và khó có nghiệm đúng tuyệt đối trong bối cảnh thế giới đang vận động vô cùng nhanh chóng với rất nhiều quỹ đạo chính trị, kinh tế, quốc phòng...khác nhau.
Đối sách “trung lập” chỉ là “đi trên dây”.
Tại khu vực Châu Á-TBD mà Trung Quốc có tranh chấp và đe dọa vũ lực với Nhật Bản, Việt Nam…thì Trung Quốc luôn muốn Mỹ và các cường quốc khác như Nga, Ấn Độ… trung lập. Bởi vì họ là cường quốc mà ủng hộ bên nào thì so sánh lực lượng sẽ nghiêng về bên đó, cho nên, vai trò trung lập chỉ có thể dành cho các nước lớn và chỉ họ mới có cơ hội và điều kiện để sử dụng sách lược trung lập. Một nước nhỏ, yếu, mà thực hiện sách lược trung lập chẳng khác nào đi trên dây, rất nguy hiểm, nó chẳng có một chút giá trị, sức nặng gì với các nước lớn. Điều đó có nghĩa là nước nhỏ không quyết định được trung lập, không ai cho phép anh quyền đó. Campuchia của ông Hoàng Sihanouk là một ví dụ.
Ông Hoàng Sihanouk tự hào về chính sách trung lập khôn khéo để khỏi sa vào cuộc chiến tranh trên bán đảo Đông Dương. Nhưng đất nước Campuchia vẫn bị đưa vào cuộc chiến đẫm máu có tính diệt chủng, trước tiên bởi cuộc đảo chánh của Lon Nol vào năm 1970, khiến ông Hoàng mất ngôi. Rồi từ Bắc Kinh trở về nước hô hào ủng hộ Khmer đỏ, chẳng bao lâu phải chạy sang Bình Nhưỡng sống lưu vong trong khi hơn 3 triệu người dân bị Khmer đỏ sát hại.
Với Việt Nam, đương nhiên, về nguyện vọng thì Việt Nam thiết tha muốn được hòa bình, không theo ai để chống ai bằng đường lối đối ngoại muốn là bạn với các quốc gia trên thế giới và chính sách quốc phòng “ba không” mà Việt Nam đang phấn đấu hướng tới trong thời gian qua, bởi chiến tranh, Việt Nam quá hiểu nó như thế nào. Nhưng, ai cho Việt Nam thõa mãn được nguyện vọng đó?
Lịch sử đã chứng tỏ Việt Nam bị buộc phải tiến hành chiến tranh chống xâm lược liên miên. Từ bọn phong kiến phương Bắc cho đến chủ nghĩa đế quốc thực dân cũ, mới, dù rằng dân tộc Việt không hề khiêu khích, gây chiến với bọn chúng. Vì sao ư? Vì Việt Nam nằm ở một vị trí có địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế cực kỳ quan trọng trong khu vực Châu Á-TBD lại chưa giàu mạnh lắm nên bị các thế lực lớn ức hiếp, muốn chiếm đoạt.
Tình hình hiện nay, khi một đế chế thực dân kiểu cũ Trung Quốc trỗi dậy thì Việt Nam tiếp tục là nạn nhân. Trung Quốc muốn biển Đông Việt Nam thành “ao nhà” để phục vụ cho giấc mộng bá chủ khu vực, thách thức địa vị thống trị của Mỹ.
Vậy là Việt Nam một lần nữa lại “nằm giữa” 2 thế lực đối địch Trung-Mỹ, Trung-Nhật và các thế lực khác. Muốn là bạn với Trung Quốc ư? Muốn trung lập, không theo ai để chống ai bằng chính sách quốc phòng “ba không” ư? Thực chất, đó là chính sách hòa bình, nguyện vọng hòa bình, nhưng kẻ thù không muốn cho Việt Nam hòa bình, yên ổn vì chúng muốn xâm lược chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thì Việt Nam buộc phải lựa chọn biện pháp khác để tạo ra sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.
Rõ ràng, Việt Nam không bao giờ thực hiện được đối sách trung lập bới một khi Trung Quốc đã lộ nguyên hình đang rắp tâm đánh chiếm biển đảo của Việt Nam. Việt Nam chỉ còn một con đường là chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nếu quân thù xâm phạm bờ cõi.
Liên minh với ai, như thế nào và lúc nào?
Điều khẳng định chắc chắn là: Trong tình hình hiện nay, bất luận liên minh với ai, như thế nào…thì để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam chỉ có thể và luôn luôn bằng máu của người Việt Nam. Và, chỉ có Quân đội Nhân dân Việt Nam dưới sự tổ chức, chỉ huy, lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm chiến tranh của Đảng CSVN mới đủ sức đương đầu và đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Việc Trung Quốc đã lộ rõ dã tâm khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam trong khi Nga –Trung bắt tay nhau… thì có một số dư luận nghi ngờ mối quan hệ Nga-Việt, cho rằng Nga đã “phản bội Việt Nam”, muốn rằng phải liên minh ngay với Mỹ để chống Trung Quốc theo cách thức mong muốn là nếu Trung Quốc xâm lược chủ quyền biển đảo Việt Nam thì Mỹ “bảo vệ” và “cùng Việt Nam đánh Trung Quốc”(!). Nào là chỉ có Mỹ mới giúp Việt Nam chống được Trung Quốc(!) Nào là hăm hở hô hào vận động chữ ký để Mỹ cấm vận kinh tế Trung Quốc(!) trong khi kim ngạch thương mại Trung-Mỹ lên tới 500 tỷ USD, một con số khổng lồ(!).
Nhật Bản dù đã thành một cường quốc kinh tế nhưng với liên minh quân sự Mỹ-Nhật và để có một khẳng định “nửa vời” của Mỹ trong vấn đề Senkaku thì Nhật Bản cũng đã phải “câm lặng nuốt máu và nước mắt trộn lẫn đắng cay nhục nhã vào trong” suốt 69 năm qua. Mỹ chẳng cho không ai cái gì bao giờ. Mỹ có lợi ích gì để đổ máu đánh Trung Quốc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong khi có cùng 80% lợi ích với Trung Quốc? Vậy, muốn thế, đổi lại, Việt Nam phải “chia xẻ lợi ích” của mình cho Mỹ như thế nào để thỏa mãn lợi ích cân bằng?
Chỉ nói đến chuyện cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, điều kiện của Mỹ để bỏ cấm vận là “nhân quyền” mà thực chất sâu xa là “chế độ chính trị” Việt Nam, thì thử hỏi để được Mỹ đổ máu thì “lợi ích mà Việt Nam phải chia xẻ” là gì?
Việt Nam luôn xét tới tầm quan trọng của việc bình thường hóa, quan hệ tốt đẹp với Mỹ không phải bây giờ, sau vụ giàn khoan, mà từ trước nay. Nhưng kết quả mới đạt được như hiện tại chỉ những người có lòng tự trọng, tự tôn dân tộc mới thấm hiểu. Nên nhớ rằng, Việt Nam chẳng là gì hết trong mắt Mỹ so với Trung Quốc.
Hiện nay là thời điểm tốt cho phát triển quan hệ Việt-Mỹ và chỉ cần Mỹ ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong 20% xung đột lợi ích với Trung Quốc còn lại của Mỹ là quý lắm rồi. Chúng ta tin tưởng khi lợi ích chung của Mỹ và Trung Quốc giảm dần theo đà thách thức vai trò thống trị thế giới của Mỹ thì hợp tác Việt-Mỹ có cơ hội để phát triển.
Với Liên bang Nga, việc Nga bắt tay với Trung Quốc là tất yếu khác quan, là bước đi thích hợp để chống lại Mỹ và phương Tây đang cô lập, trừng phạt Nga. Tuy nhiên nếu nói rằng bắt tay với Trung Quốc thân thiết hơn để từ bỏ mối quan hệ truyền thống, đặc biệt với Việt Nam thì quả là hời hợt, rồ dại, đó chỉ là luận điệu gây chia rẻ, nghi ngờ mối quan hệ Nga-Việt. Nga im lặng khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan không có nghĩa là chống Việt Nam, không ủng hộ Việt Nam, cũng như Việt Nam bỏ phiếu trắng trong vụ Crimea mà thôi, Nga có cái khó của Nga.
Nga và Trung Quốc không phải là liên minh quân sự, nên họ đều có tính toán lợi ích quân sự khác nhau. Trung Quốc là đối tác nhưng Nga thừa biết sẽ là nguy cơ đối đầu trong tương lai. Vì thế, quan hệ Nga-Việt là có tính chất “đồng minh” nhất mà Nga phải hướng tới trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

“Lời nguyền” từ Nhật Bản
Rốt cuộc, hiện nay thì liên minh theo nghĩa hợp tác Việt Nam-Nhật Bản là hiện thực hợp lý nhất vì cả 2 đều cần nhau, cùng lợi ích và cùng kẻ thù chung. Sự hợp tác chặt chẽ về quân sự trên Biển Đông bằng cách chia xẻ thông tin tình báo, hỗ trợ vũ khí trang bị, công nghệ cho nhau…tạo ra cho Việt Nam một sức mạnh lớn trên Biển Đông.
Việt Nam bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông cũng là bảo vệ lợi ích quốc gia của Nhật Bản bằng máu của mình và sức mạnh kinh tế, kỹ thuật, công nghệ của Nhật Bản. Đồng thời, sự kết hợp khí phách của 2 dân tộc Việt, Nhật mãi mãi là “lời nguyền” không bao giờ vượt qua cho kẻ hung hăng. Đó là sự hợp tác cần thiết và là nhu cầu tất yếu.
Tuy nhiên, không có một liên minh nào, hiệp ước nào, một quốc gia nào…có thể bảo vệ được độc lập, toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam bằng chính bản lĩnh, trí tuệ và máu của người Việt Nam. Ông cha ta xưa, bằng sức mạnh dân tộc, đã từng một mình, đơn độc chống lại bọn phong kiến phương Bắc xâm lược đông mạnh, hết triều đại này đến triều đại khác để lại những chiến công hiển hách và các giá trị to lớn khác, thì ngày nay, sức mạnh dân tộc đó, kết với sức mạnh thời đại, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, thì Việt Nam không ngán ngại bất cứ kẻ thù nào.