Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

SỚM MUỘN GÌ TRUNG QUỐC CŨNG PHẢI KÝ COC!


Đương nhiên, Bắc Kinh chẳng mấy vui vẻ, thậm chí tờ Nhân dân nhật báo hôm 16/8 đã khẳng định dù Trung Quốc có đồng ý COC, hòa bình chưa chắc đã có ở Biển Đông nếu không theo luật chơi của TQ…
Thực ra đây chỉ là biểu hiện một thái độ cay cú, hậm hực của một tờ báo hay thậm chí của giới quá khích, trước một chiến lược lớn đầy tham vọng của mình không thành công mà không phải là cái tầm, tư cách, của một quốc gia trong xã hội hiện đại. Chẳng ai, chẳng quốc gia nào ép Trung Quốc ký hay không ký COC mà chính căn cứ từ yếu tố chủ quan, khách quan tình hình khu vực, Trung Quốc biết phải làm gì để “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Khi đã ký COC là phải thực hiện, còn thực hiện nghiêm túc hay không thực hiện là quyền của Trung Quốc, nhưng nếu thế, ký mà không thèm thực hiện, hệ lụy, hậu quả của thái độ, hành động đó sẽ khôn lường.
Dù sao, sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ đồng ý COC mà các nước ASEAN đưa ra bởi có 2 nguyên nhân cơ bản buộc Trung Quốc phải thay đổi phương pháp thực hiện chiến lược.
Tình thế Biển Đông đã thay đổi.
Với Biển Đông (hay biển Nam Trung Hoa hay Biển Đông Nam Á), nếu như có đủ khả năng thì Trung Quốc có thừa ngạo mạn để vẽ cái gọi là “Bản đồ đường lưỡi bò” đến tận eo biển Malacca.
Eo biển Malacca và Biển Đông có thể nói là con đường “sinh mạng” của không những Trung Quốc mà còn là của Nhật Bản. Mỹ cũng tuyên bố có “lợi ích quốc gia” ở đây. Do vậy, bảo vệ an ninh hàng hải, an toàn cho hàng hải trên Biển Đông và eo biển Malacca là mong muốn không của riêng ai. Tuy nhiên, bất cứ quốc gia nào, tùy theo khả năng đều cũng muốn khống chế tuyến hàng hải này khi cần thiết. Đây chính là “cái núng đồng tiền của nữ thần chiến tranh” hay là mầm móng đầy quyến rũ nhưng vô cùng nguy hiểm.
Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực ĐNA, Biển Đông với họ vừa là chủ quyền bao đời nay sinh sống tồn tại, vừa có quyền chủ quyền theo UNCLOS…
Như vậy có thể nói, Biển Đông không phải của riêng ai, cho nên, ý tưởng chiếm trọn một mình là sẽ gặp vô vàn khó khăn, sẽ bị nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới chống lại. Tách Mỹ, Nhật Bản, Nga…ra khỏi Biển Đông, cũng như tách Trung Quốc ra khỏi eo biển Hormuz vì không liên quan là không hợp logic trong thời buổi toàn cầu hóa.
Chiếm trọn Biển Đông bằng cách vẽ trên bản đồ thì chẳng có ý nghĩa gì, chỉ khi nào Trung Quốc áp đặt được luật của Trung Quốc trên Biển Đông mà bất cứ quốc gia nào cũng phải tuân thủ, mới coi như chiếm trọn được Biển Đông. Nhưng, muốn như vậy thì phải bằng sức mạnh, mà trong tình hình hiện nay, đối đầu với một ASEAN đoàn kết đã là khó khăn, không thể ngày một ngày hai làm chủ được tình hình, trong khi nền kinh tế lại quá nhạy cảm với 29/39 tuyến đường của Trung Quốc trên Biển Đông, huống chi gồm cả Mỹ, Nhật Bản sẽ can thiệp thì Trung Quốc chưa thể. Sẽ là duy ý chí nếu Trung Quốc quyết tâm thực hiện bằng được chiến lược này.
Cục diện địa chính trị ĐNA đã thay đổi.
Ở đây, Myanmar là điểm nóng mà chúng ta cần quan tâm nhất trong chiến lược của Trung Quốc.
Trong thời kỳ bị cấm vận, Myanmar đã trở thành cái sân sau hoàn toàn của Trung Quốc như thuộc địa. Với vị trí địa lý, tài nguyên năng lượng, Myanmar có một địa chiến lược cực kỳ quan trọng với Trung Quốc mà biểu hiện rõ nhất là 2 đường ống dẫn dầu và khí đốt được khởi công từ năm 2004. Nó gồm 2 đường song song, một cho dẫn dầu từ Trung Đông với công suất 22 triệu tấn và một cho dẫn khí đốt sản xuất tại chỗ với công suất 12 tỷ m3. Cả 2 đường ống dẫn này có chiều dài 739 km, bắt đầu từ các mỏ khí tự nhiên ở bang Rakhine chạy qua Vân Nam và Quảng Tây là điểm cuối cùng.

Tương lai u ám của đường ống chiến lược của Trung Quốc xây dựng tại Myanmar gây khó khăn cho chiến lược biến Biển Đông thành “ao nhà”.

Ngày 28/7/2013 dòng khí tự nhiên bắt đầu vận chuyển qua đường ống nhưng thấp hơn nhiều so với dự kiến. Do bạo lực leo thang dọc theo đường ranh giới giữa bang Shan và Kachin nơi có đường ống chạy qua Vân Nam đến Quảng Tây có khả năng bị trì hoãn thay vì hoàn thành vào tháng 9/2013, trong khi dầu chưa thể vận chuyển cho tới tháng 6/2014 (New York 7/8).
Việc xây dựng đường ống dẫn năng lượng trên đất liền Trung Quốc-Myanmar giúp cho Trung Quốc an toàn hơn thay cho tuyến vận chuyển đường biển qua eo biển Malacca và Biển Đông khi chiến sự nổ ra.
Hơn ai hết Trung Quốc đã biết rõ ngón đòn này khi đã cho Nhật Bản nếm sự lợi hại bằng cách cắt nguồn cung đất hiếm.
Đa dạng hóa nguồn cung năng lượng…phòng tình huống xấu nhất xảy ra cho kinh tế, an ninh quốc gia là sách lược không chỉ của Trung Quốc áp dụng. Chính vì thế mà 2 đường ống Trung Quốc-Myanmar có tầm chiến lược rất quan trọng với Trung Quốc, đến mức khiến người ta cho rằng, hơn 20 năm qua, Trung Quốc đã thực dân hóa dần dần khu vực mà có 2 đường ống này đi qua.
Nhưng, do chủ quan, đánh giá thấp trào lưu dân tộc chủ nghĩa trong ban lãnh đạo quân sự ở Myanmar mà Trung Quốc đã nhận được những bài học đầu tiên về hành động thực dân hóa của mình. Đó là tiến trình dân chủ hóa ở Myanmar.
Từ khi Myanmar tiến hành chuyển đổi chính trị, lực lượng đối lập đã phát triển mạnh mẽ. Sự phản đối mạnh mẽ với dự án đập thủy điện Myitsone buộc Myanmar dừng dự án “theo ý nguyện của người dân” khiến Trung Quốc nổi giận. Lo ngại với 2 đường ống chiến lược của mình là có cơ sở khi những nhà hoạt động xã hội lưu vong có mối quan hệ với Đảng phát triển dân tộc vùng Rakhine nơi đường ống dẫn dầu khí bắt đầu đã ra thông báo chỉ trích dự án vào ngày dòng khí được bơm vào đường ống đầu tiên, ngày 28/7.
Đảng này cho rằng, khu vực này không nhận được lợi ích gì từ đường ống này.
Đây là miếng đất màu mỡ cho Mỹ “gieo giống” dân chủ để có thể khiến cho ít nhất đường ống phải “đàm phán lại”.
Khó khăn, mất an toàn cho 2 đường ống chiến lược của Trung Quốc chưa dừng ở đó. Trước năm 2010, do muốn bảo đảm an ninh cho đường ống, Trung Quốc đã hậu thuẫn cho các tổ chức chống nhà nước Myanmar như Kachin, Shan, Wa. Hiện nay, Myanmar đang quyết tâm củng cố quyền kiểm soát với các nhóm thiểu số này để khẳng định chủ quyền của mình ở khu vực. Myanmar đã dùng đường ống dẫn dầu, khí này để làm đòn bẩy nhằm hạn chế sự can thiệp của Trung Quốc (đã có lúc xung đột xảy ra khiến Trung Quốc phải điều quân đến biên giới). Lúc này, Trung Quốc dù theo bên nào thì hậu quả đường ống chiến lược của mình cũng đều bị lãnh đủ.
Đài tiếng nói nước Nga có một câu bình luận khá hay về đường ống Trung Quốc-Myanmar: “Trung Quốc vòng tránh bãi đá ngầm Mỹ ở eo biển Malacca” nhưng chưa đủ. Phải là “tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa” mới đủ.
Đường ống chiến lược quan trọng của Trung Quốc chạy qua một môi trường an ninh bất ổn không theo luật lệ nào, khó dự đoán, khiến Trung Quốc sẽ vào thế bị động đối phó. Trong khi đó, hoạt động thương mại, vận chuyển năng lượng trên tuyến đường hàng hải qua eo biển Malacca và Biển Đông của Trung Quốc chưa quốc gia nào cản trở, phong tỏa nếu như Trung Quốc không buộc họ phải làm thế.
Myanmar, ván cá cược chiến lược lớn của Trung Quốc đã cho kết quả. Liệu Trung Quốc có đủ tự tin, bản lĩnh để cá cược “con đường sinh mạng” của mình?

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

THỔ NHĨ KỲ - BÀI HỌC CHO TRUNG QUÓC?


Thổ Nhĩ Kỳ có đường bờ biển với Địa Trung Hải dài cũng xấp xỉ như của Trung Quốc với Biển Đông.
Vào thế kỷ XVI, Thổ Nhĩ Kỳ của thời Đế chế Ốttôman hùng mạnh họ tuyên bố chủ quyền toàn bộ Địa Trung Hải cho đến eo biển Gibraltar. Theo đó, các nước quanh Địa Trung Hải như Croatia, Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Maroc, Angieri, Tuynidi…chỉ cần “bước chân xuống biển” là phải được phép của Hải quân Thổ.
Tuyên bố của Trung Quốc theo kiểu Thổ.
Ngày nay, trong thế kỷ XXI Trung Quốc trỗi dậy, họ tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông đến sát eo biển Malacca như bản đồ “đường lưỡi bò” họ đã công bố . Tại sao Trung Quốc lại ngang ngược bất chấp đến vậy?
Thứ nhất vì địa chiến lược Biển Đông.
Về địa kinh tế, Biển Đông chứa một nguồn năng lượng, tài nguyên khổng lồ chưa khai thác đảm bảo cho tương lai phát triển lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc
Về địa quân sự, chiếm được Biển Đông, Trung Quốc khống chế toàn bộ tuyến đường hàng hải từ TBD qua ÂĐD trong đó có eo biển Malacca. Toàn bộ lực lượng Hải quân của Philipines, Việt Nam, Malaisia, Indonesia…trở thành lực lượng “thủy quân”, ra biển là phải được phép Trung Quốc. Biển Đông là nơi dể cho tàu ngầm Trung Quốc hoạt động mà không bị Mỹ, Nhật Bản theo dõi chặt chẽ, đẩy hoạt động của Hải quân Mỹ ra xa khu vực.
Về địa chính trị, đây là một đòn giáng chí mạng vào Mỹ (nếu như chiếm trọn Biển Đông), đẩy Mỹ ra khỏi khu vực ĐNA, vai trò của Mỹ được thay thế bằng Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực sẽ đi theo quỹ đạo của Trung Quốc, chiến lược châu Á-TBD của Mỹ sẽ thất bại và ý tưởng “chia nửa Thái Bình Dương với Mỹ sẽ thành hiện thực. Khi đó Đài Loan như quả đã chín mùi tự rụng vào bị Đại lục, còn Nhật Bản sẽ như thế nào khi các tuyến đường hàng hải trên Biển Đông bị Trung Quốc phong tỏa, khống chế? Nga sẽ như thế nào nếu như các hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam bị Trung Quốc coi như bất hợp pháp vì trong chủ quyền của họ? và Mỹ, liệu có nhường một khu vực có địa chiến lược cực kỳ quan trọng như vậy cho Trung Quốc?
Thứ hai là Trung Quốc có tư tưởng cậy mạnh.
Khi yếu thì dù ham muốn mấy, Trung Quốc phải “giấu mình chờ thời” thôi, nhưng khi mạnh lên thì Trung Quốc bất chấp dù Biển Đông là của hơn 300 triệu cư dân của nhiều quốc gia nhỏ quanh đó làm ăn sinh sống lâu đời, dù Trung Quốc đã ký vào UNCLOS…vẫn đòi chiếm trọn.
Cậy mạnh là bản chất của bá quyền, bành trướng. Biểu hiện của cậy mạnh là hung hăng, ngang ngược bất chấp, hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Từ năm 2010 trỏ lại đây, khi Trung Quốc cho rằng mình đã mạnh thì họ đã đang gây hấn với hầu hết các quốc gia trên Biển Đông với tuyên bố biến Biển Đông thành “ao nhà” hết sức ngang ngược, thách thức tất cả theo kiểu hoặc nó là của Trung Quốc hoặc là phải đánh nhau với Trung Quốc. Trên biển Hoa Đông Trung Quốc đang đe dọa Nhật Bản, đẩy tranh chấp quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư lên cao có lúc thế giới phải thót tim.
Những điều Trung Quốc chưa lường hết
Không gian địa chính trị khu vực châu Á-TBD thay đổi nhanh chóng gây bất lợi cho Trung Quốc.
Điều khiến các quốc gia khu vực cảnh giác, lo ngại là sự trỗi dậy của Trung Quốc kéo theo hàng năm chi phí cho quốc phòng tăng nhịp độ 2 con số.
Sự tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vượt ra ngoài phạm vi phòng thủ cùng với những hành động, tuyên bố chủ quyền hung hăng, bất chấp khiến cho các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc buộc cũng phải tăng chi phí quân sự để bảo vệ chủ quyền của mình.
Việc tăng cường lực lượng dồn dập của Philipines, việc chuẩn bị lực lượng có trọng tâm, trọng điểm của Việt Nam, Indonesia…để sẵn sàng bảo vệ chủ quyền, đặc biệt là Nhật Bản, Trung Quốc đã tạo ra một kẻ thù hùng mạnh mà không thể khống chế, đánh bại được nó…khiến cho Trung Quốc phải lo lắng, suy nghĩ cẩn trọng.
Năm 2012, Mỹ đã đánh giá lại địa chính trị thế giới bằng “chiến lược châu Á-TBD”. Và, trong bối cảnh đó, khu vực châu Á-TBD, trừ Trung Quốc, phản đối chiến lược của Mỹ, khi bổng dưng dồn 60% lực lượng Hải quân vào khu vực đang nóng lên vì tranh chấp chủ quyền này mới đáng ngạc nhiên.
Một cuộc chiến địa chính trị tại châu Á-TBD đã diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc và không khó để nhận thấy “ván cờ” địa chính trị này Trung Quốc đã bị Mỹ “chiếu rút”. Mỹ rút chiếu, Trung Quốc mất Myanmar, Mỹ rút chiếu, Philipines trước “cửa nhà” Trung Quốc đầy quân và tàu chiến Mỹ và chưa biết chừng, Mỹ rút chiếu thì Bắc Triều Tiên không còn là vùng đệm của Trung Quốc nữa…
Ngay một tướng võ biền của Mỹ cũng nhận ra, rằng “Trung Quốc đã đẩy bạn bè, láng giềng của mình vể phía Mỹ” thì tại sao những nhà chính trị đầy mưu lược Trung Quốc không nhận ra? Tại sao Trung Quốc không nhận ra rằng với địa chiến lược Biển Đông như trên thì “đa phương hóa Biển Đông” là điều tất yếu sẽ xảy ra, ít nhất Nhật Bản và Mỹ sẽ không ngồi nhìn dù cho các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc buông xuôi?
Thời nào cũng tồn tại “cá lớn nuốt cá bé”, cậy mạnh, nhưng Trung Quốc đã mạnh chưa mà đã cậy vào mạnh hòng chia nửa TBD?
Trong 5 nước là UV thường trực HĐBA thì có nước nào đang phải đi mua vũ khí như Trung Quốc? Không có, họ chỉ bán. Nhật Bản tuy không là UVTTHĐBA nhưng cũng không thèm mua vũ khí của ai (họ chỉ buộc và hợp tác sản xuất với Mỹ) và chỉ cần cho họ xuất khẩu vũ khí thì chỉ có Nga, Mỹ may ra mới cạnh tranh nổi.
Trung Quốc cậy giàu có, tự hào là một trung tâm kinh tế, có GDP thứ 2 thế giới vượt Nhật Bản ư? Ông Hứu Nhất Lực, bình luận viên hàng đầu của kênh chứng khoán, CCTV có một đánh giá thú vị: “Nền kinh tế thế giới chưa thoát khỏi sự ràng buộc vào đồng USD thì Trung Quốc vẫn tiếp tục ở vị thế… ”người làm thuê của Mỹ”. Trung Quốc dùng vàng bạc thật để tạo ra sản phẩm, mang đi xuất khẩu và đổi lại những “tờ giấy lộn” (USD) được in ấn tinh xảo của Mỹ…”. Vậy, một “người làm thuê nhiều tiền (USD)” liệu có truất quyền “ông chủ” được không?
Đến lúc này có lẽ Trung Quốc đã kiểm chứng được rất nhiều vấn đề và đã bớt “cao giọng”.
Cục diện địa chính trị châu Á-TBD
Xu hướng xung đột.
Nhìn tổng thể đó là sự đối đầu giữa Trung Quốc với Mỹ và đồng minh ở châu Á-TBD, trong đó 3 điểm nóng dễ dẫn đến xung đột tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Philipines và Việt Nam.
Bất cứ một cuộc xung đột quy mô nào, Trung Quốc, một quốc gia đang trỗi dậy, đang đấu tranh thoát khỏi sự bao vây, kiềm chế của Mỹ đều khiến Trung Quốc bị tổn thương, yếu hơn trước Mỹ và các đối thủ khác. Bất kỳ kết quả diễn tiến ra sao thì Mỹ vẫn thắng và Mỹ thì luôn được lợi.
Xu hướng hợp tác hòa bình.
Tuy có nhiều nhân tố xung đột nhưng các nhân tố hợp tác phát triển đan xen nhau. Nếu sự tranh chấp của Trung Quốc với các nước được giải quyết hòa bình trên cơ sở UNCLOS thì khu vực châu Á-TBD - trọng tâm địa chính trị toàn cầu sẽ hòa bình, ổn định, phồn vinh và ngược lại sẽ là khiến cho thế giới chiến tranh, rối ren nghèo đói…Đương nhiên hòa bình, trong bất kỳ tình huống nào cũng là ý tưởng hay và tốt đẹp.
Trở lại với tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ đòi chủ quyền toàn bộ Địa Trung Hải trong thế kỷ XVI. Không cam chịu phải xin phép Hải quân Thổ khi “đặt chân xuống biển”, họ liên minh với nhau, giáng cho Hạm đội của Thổ ngạo mạn một thất bại đau đớn tại Lepante vào năm 1570.
Lịch sử không lặp lại, nhưng chân lý “Biển Trời không phải của riêng ai” thì không bao giờ thay đổi.
ngocthong19.5@gmail.com

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

PHÊ CHUẨN VÀ KHÔNG PHÊ CHUẨN UNCLOS, MỸ VÀ TRUNG QUỐC AI NGANG NGƯỢC, BẤT CHẤP?


Trong nội bộ Trung Quốc, một số nhà phân tích chính trị, đặc biệt là nhóm học giả tướng tá trong quân đội đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc lại phê chuẩn UNCLOS? Và đang công kích chính phủ nước này suy nghĩ về vấn đề có nên tồn tại hay không cái gọi là “công ước kiềm chế lợi ích”?.
Nếu như các bậc lãnh đạo tiền bối của Trung Quốc mà có thể ‘đội mồ” lên được thì chắc chắn các nhà phân tích chính trị, các học giả, tướng tá trên (gọi chung là nhóm diều hâu) sẽ được “ban cho thuốc độc” vì cái tội đã ngu dốt, vô mưu, không biết thế, thời…lại còn hỗn láo, “phạm thượng khi quân”.
Tại sao Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS?
Chỉ có Việt Nam, bán đảo Triều Tiên và những người yêu nước chân chính của dân tộc Trung Hoa mới thấm thía nỗi đau của sự chia cắt đất nước.
Với Trung Quốc, Đài Loan là vấn đề nổi cộm và khi đã lớn mạnh, là cường quốc thì nỗi đau đó càng nhức nhối. Thu hồi Đài Loan không phải là không có trong ý tưởng và hành động của giới lãnh đạo Bắc Kinh từ khi lập nước.
Tuy nhiên trong 3 lần (thế giới gọi là 3 lần khủng hoảng eo biển Đài Loan) hành động của Trung Quốc bị Hải quân Mỹ, với sức mạnh vượt trội, răn đe, can thiệp đều phải xuống thang, từ bỏ ý định.
Ngày 23/8/1958 Trung Quốc đột ngột nã pháo vào đảo Kim Môn tạo ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài loan lần thứ 2. Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh cho tàu chiến Hoa Kỳ đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài Loan đến 2 đảo tiền tiêu Kim Môn và Mã Tổ. Đồng thời, Hoa kỳ đã bí mật cung cấp cho Đài Loan 100 máy bay chiến đấu F86 Sabre trang bị tên lửa AIM-9 Sidewinder không đối không hiện đại nhằm đối đầu với các chiến đấu cơ Mig 15, Mig 17.
Trước tình hình cuộc chiến có thể leo thang gây bất lợi cho Đại Lục, ngày 4/9/1958, Bắc Kinh ra tuyên bố chính thức về hải phận của họ là 12 hải lý, trước hết là nhằm khẳng định chủ quyền trên biển của Trung Quốc trong tình thế bị đe dọa tại eo biển Đài Loan, đồng thời, quan trọng hơn là khiến Hải quân Mỹ phải do dự khi vào khu vực bờ biển mà Trung Quốc đã tuyên bố lãnh hải.
Cuộc khủng hoảng lần thứ 3 từ 7/1995 đến 11/3/1996. Trung Quốc tiến hành tập trận quanh đảo Đài Loan và phóng tên lửa bay qua hòn đảo này. Lập tức Mỹ điều 2 nhóm tàu sân bay chiến đấu đi vào eo biển Đài Loan khiến Trung Quốc lùi bước, xuống thang để “tránh xung đột với Mỹ” và cũng trong năm đó, năm 1996, Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS.
Giới lãnh đạo Trung Quốc thời đó thừa biết tại sao Mỹ không phê chuẩn UNCLOS và rất muốn cũng như Mỹ bởi tư tưởng bành trướng, cậy mạnh vồn có của mình.
Nhưng, có thể nói việc tuyên bố lãnh hải 12 hải lý và tiếp theo là phê chuẩn UNCLOS năm 1996 của Trung Quốc diến ra trong một tình thế khi khả năng của Trung Quốc không thể bằng quân sự, ngăn cản được sự tự tung tự tác của Hải quân Mỹ trên eo biển Đài Loan, khi vùng biển của Trung Quốc có nguy cơ mất an toàn nếu không phê chuẩn UNCLOS như Mỹ.
UNCLOS với Trung Quốc lúc đó như một chiếc phao cho người chưa biết bơi mà không có nó thì ai cũng hiểu sẽ ra sao.
Việc Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS, dùng nó làm vũ khí đấu tranh, hạn chế được sự “tự do hàng hải” của Mỹ hoặc ít nhất làm cho Mỹ do dự, tính toán khi muốn “tự do hàng hải” kiểu Mỹ trong vùng biển thuộc điều chỉnh của UNCLOS mà Trung Quốc đã phê chuẩn.
Chẳng hạn, ngày 08/03/2009, cách đảo Hải Nam 75 hải lý về phía Nam, 5 tàu Trung Quốc bao vây một tàu do thám không vũ trang của hải quân Mỹ, tiến tới cách tàu này 8 mét, cản đường tàu này và tìm cách phá hoại những thiết bị thuỷ âm mà tàu này đang kéo trên biển.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật biển quốc tế. Trung Quốc cáo buộc ngược lại là chính Mỹ mới vi phạm luật quốc tế và UNCLOS trong vùng đặc quyền kinh tế của họ…Điều đó cho thấy UNCLOS vẫn đang có giá với Trung Quốc, ít nhất là cho đến năm 2009.
Vậy mà, nhóm diều hâu, được nuôi lớn, tồn tại nhờ vào sách lược “nín nhịn chờ thời” và chiếc phao UNCLOS, mới cảm thấy có một chút “cơ bắp”, nhưng chưa làm được trò trống gì cho dù là tạo ra một cuộc “khủng hoảng” đã dám phê phán các bậc lãnh đạo tiền bối khi phê chuẩn UNCLOS thì đúng là không biết thế thời, “khi quân phạm thượng”.
UNCLOS “kiềm chế lợi ích” của Trung Quốc?
Giá như UNCLOS đã “kiềm chế lợi ích” của Trung Quốc dù chỉ “một chút do dự” thôi, thì đó là điều may mắn cho các quốc gia khu vực ĐNA có chung biển với Trung Quốc.
UNCLOS với Trung Quốc không những nó đáp ứng được tình thế của Trung Quốc khi “chưa biết bơi” mà hiện tại, Trung Quốc dựa vào UNCLOS theo “kiểu Trung Quốc” để tạo ra lợi ích phi lý, phi pháp của mình: Bản đồ đường lưỡi bò phi lý, phi pháp.
Rõ ràng, bản đồ “đường lưỡi bò” lấy cách giải thích khoa học dựa theo UNCLOS là phi lý. Nhưng Trung Quốc dựa theo UNCLOS để cải biên theo các giải thích của Trung Quốc hay theo luật của Trung Quốc.
Trung Quốc cho rằng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc (phi pháp) và do đó chúng có 3 vùng chủ quyền gồm nội thủy, lãnh hải 12 hải lý, vùng EEZ 200 hải lý (phi lý). Theo cách giải thích như vậy thì đó là một vùng biển rộng hơn 80% diện tích Biển Đông mà Trung Quốc đòi chiếm đoạt là vậy và định dạng đường lưỡi bò cũng từ đó mà ra.
Hiện nay, khi Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức địa vị thống tri toàn cầu của Mỹ thì không có cái gì, điều gì “kiềm chế lợi ích” của Trung Quốc huống chi là cái thứ giấy UNCLOS. Nếu UNCLOS “kiềm chế” được lợi ích Trung Quốc thì làm gì có chuyện Trung Quốc đánh dấu điểm cực nam của bản đồ “đường lưỡi bò” chỉ cách Malaisia 80 km trong khi cách mình hàng ngàn km?
Philipines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về Biển Đông ư? Mỹ vẽ đường cho Trung Quốc nên rút khỏi UNCLOS để tránh vụ kiện rắc rối nhưng Trung Quốc có coi UNCLOS có ý nghĩa gì đâu mà kiện.
Rút khỏi UNCLOS là mắc mưu Mỹ, nghĩa là, ý đồ của Trung Quốc trên Biển Đông không còn chỗ nào được che đậy, nghĩa là bất cần, Trung Quốc sẵn sàng thách thức công khai đe dọa tất cả.
Vậy, Trung Quốc đã đủ độ liều lĩnh đấy chưa? Chưa đâu.
Chính vì lẽ đó, con đường Mỹ vẽ ra, Trung Quốc không dại, Trung Quốc có con đường riêng của mình.
Mỹ không phê chuẩn UNCLOS vì có nhiều điều hại đến quyền lợi của Mỹ tuy vẫn có nhiều điều lợi. Hơn nữa, Mỹ không phê chuẩn vì khi đã phê chuẩn thì phải tuân thủ. Chứng tỏ Mỹ rất tôn trọng luật và rất quân tử, hại nhiều hơn lợi thì không ký dù là đương kim cường quốc số1 thế giới, có thể dùng sức mạnh để bẻ luật.
Trung Quốc khác Mỹ, Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS nhưng không nhất thiết phải tuân thủ, vì, thấy có điều lợi để khai thác, còn khi có điều hại thì bất chấp, sẵn sàng giẫm dưới chân, coi UNCLOS chỉ là mớ giấy lộn (thực tế hành xử trong thời gian qua trên Biển Đông đã quá rõ). Chứng tỏ Trung Quốc “uyển chuyển” hơn Mỹ và đương nhiên ngang ngược hơn Mỹ trong cách đối xử với luật quốc tế nói chung và UNCLOS nói riêng.
Với Trung Quốc, sức mạnh là luật, đề ra luật và Mỹ cũng vậy thôi. Tuy nhiên luật và sức mạnh là thuộc ý muốn chủ quan của con người, con người làm ra luật và sức mạnh. Nhưng QUY LUẬT là khách quan, ngoài ý muốn của con người. Con người vận dụng phù hợp thì tồn tại, làm trái nó là bị hủy diệt.
Chiến tranh, bành trướng, mộng bá chủ thế giới…của những quốc gia dù hùng mạnh, hung hăng, phát xít đến mấy nhưng bất chấp quy luật là tiêu vong và đã từng tiêu vong từ trước tới nay.

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

VŨ KHÍ VÀ LỐI ĐÁNH VIỆT NAM – MỘT GÓC NHÌN GẦN


Vũ khí tạo ra lối đánh.
Lối đánh hay chiến thuật là hoạt động có tổ chức, tính khoa học của một lực lượng quân sự nào đó khi tham gia tác chiến trong chiến tranh.
Lối đánh phụ thuộc rất lớn vào vũ khí trang bị.
Ngày xưa vũ khí chính của người lính bất kỳ quốc gia nào chỉ là cung, kiếm và phương tiện chỉ là ngựa, thuyền (Vũ khí, phương tiện có thể gồm giáo mác và voi…nhưng cũng thuộc tính chất như VK, PT chiến tranh nêu trên). Chính vì thế nên nghệ thuật quân sự của Tôn Tử được coi như có một bản sắc chung cho các quốc gia.
Tuy nhiên, khi các quốc gia có nền khoa học phát triển kéo theo sự phát triển của vũ khí, phương tiện, trang bị quân sự (VKTB) thì trong tác chiến, hình thành rất nhiều chiến thuật khác nhau. Chẳng hạn như chiến thuật đổ bộ đường biển, đường không…và ngày nay thì xuất hiện nhiều chiến thuật mới bởi sự ra đời của máy bay tấn công không người lái, máy bay tàng hình, vũ khí lade…
Lối đánh phụ thuộc vào khu vực xảy ra tác chiến. Chẳng hạn, trong điều kiện khu vực tác chiến có địa hình không thuận lợi cho cơ động lực lượng trên bộ, trong khi đối phương thông thạo khu vực, cơ động nhanh hơn thì muốn thực hiện lối đánh vào đằng sau hay vào bên hông của đối phương là không thể. Nhưng khi có máy bay trực thăng thì lối đánh đó là có thể và chiến thuật trực thăng vận ra đời…Đó là ý nghĩa thực tế chứng minh cho mệnh đề “khi chiến thuật không thể thì công nghệ có thể” là vậy. Ngược lại, khi Việt Nam quá xa căn cứ máy bay B-52 Mỹ ở Utapao-Thái Lan mà không có máy bay, tên lửa nào tấn công vào được chỗ đó thì bằng lối đánh đặc công, vẫn có thể tiêu diệt được B-52 tại căn cứ này. Đó cũng là ý nghĩa thực tế chứng minh cho mệnh đề “khi công nghệ không thể thì chiến thuật có thể” là vậy.

Tàu ngầm làm thăng hoa lối đánh đặc công hay lối đánh đặc công là lối đánh nguy hiểm nhất mà tàu ngầm KILO Việt Nam có được?
Như vậy, có thể nói VKTB là cơ sở để tạo ra chiến thuật, hỗ trợ cho chiến thuật, làm thăng hoa chiến thuật, VKTB nào đều tương ứng với chiến thuật ấy. VKTB có trước, chiến thuật hình thành sau.
Vì thế, nói rằng “Mua sắm VKTB để phục vụ cho lối đánh Việt Nam”…không có nghĩa là lối đánh Việt Nam đó đã có từ thời Trần Quốc Tuấn, Lý Thường Kiệt… để lại mà dựa trên cơ sở VKTB đã, đang và sẽ mua sắm, chế tạo, đồng thời dựa vào địa hình, địa vật của khu vực sẽ xảy ra tác chiến, lối đánh đó được nghiên cứu, xây dựng theo kiểu Việt Nam (tư tưởng, nghệ thuật quân sự Việt Nam, tư chất người lính, kinh nghiệm chiến tranh…) để có được lối đánh Việt Nam.
Với nhiều lối đánh độc đáo, sử dụng VKTB hiện đại sáng tạo, trong tay Việt Nam khi VKTB hiện đại bao nhiêu thì lối đánh Việt Nam càng thăng hoa bấy nhiêu.
Đối đầu với tàu chiến địch có tầm bắn xa hơn.
Trong chiến tranh hiện đại VKCNC, khi so sánh lực lượng thì số lượng không thành vấn đề mà chất lượng mới là điều quan tâm hàng đầu. Chất lượng VKTB cao hơn, chẳng hạn như tầm bắn xa hơn, độ chính xác cao hơn, sức hủy diệt lớn hơn…thì bên sở hữu nó có rất nhiều ưu thế khi tác chiến.
Nếu như giả thiết rằng độ chính xác, uy lực của VKTB và… của 2 bên là ngang nhau (vì chúng ta chỉ tập trung vào tầm bắn), khi VKTB của đối phương có tầm bắn xa hơn, thì rõ ràng, đây là một ưu thế lớn trong tác chiến.
Trên Biển Đông, Việt Nam, so sánh về chất lượng tàu chiến với đối thủ tiềm tàng thì chỉ có thể coi như cơ động nhanh hơn mà thôi. Ngoài ra, chấm hết.
Bắn xa hơn có nghĩa là tên lửa bay xa hơn, radar dẫn bắn nhìn xa hơn, có nghĩa là anh chưa thấy người ta thì bị tiêu diệt rồi. Nguy hiểm như vậy đấy và được dễ dàng phô trương cho người ta thấy nhất, đó là “cửa” đầu hàng hé mở cho ai hèn nhát, tê liệt ý chí chiến đấu.
Còn nhớ năm xưa, khi đối đầu với Mỹ có VKTB vượt trội về mọi mặt, Bác Hồ tuyên bố: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52, hay "Bê" gì đi chăng nữa thì ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng".
Lúc đó, mà bất luận thời nào cũng vậy thôi, che đậy sự hèn nhát của mình có người cho rằng “điếc không sợ súng” (ngôn ngữ mới là chém gió…) nhưng lời Bác là sự thật. Việt Nam thắng là bởi Bác và Bộ tham mưu Việt Nam đã có cơ sở (kế sách, lối đánh, bản lĩnh của dân tộc…) và đặc biệt người lính, người dân, dù chưa hiểu hết kế sách, lối đánh…nhưng tự tin, đặt trọn lòng tin và người chỉ huy, lãnh đạo quyết đánh, quyết thắng.
Ngày nay, trên Biển Đông, trước một kẻ địch có thực lực hùng hậu, VKTB hiện đại, Việt Nam dựa vào sự cơ động nhanh của tàu chiến hiện có, dựa vào địa lợi và sự hỗ trợ từ bờ…vẫn có nhiều lối đánh đủ sức đương đầu với ưu thế tầm bắn xa hơn của tàu chiến địch.
Những cơ sở sau đây để khẳng định điều đó:
Chiếm lĩnh vị trí xuất phát tấn công có lợi. Đó là vị trí mà chiến hạm của ta vận động tiếp cận mục tiêu đến tầm sử dụng hỏa lực với một thời gian ngắn nhất có thể (thời gian công kích).
Với việc sẵn sàng chiến đấu cao, quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ luôn là một yếu tố giành thắng lợi của quân đội và Hải quân Việt Nam, cho nên, ngay thời bình các đơn vị vẫn có những con tàu trực chiến tại những khu vực trực chiến.
Một con tàu khi trực chiến thì tên lửa đã vào bệ phóng, đạn dược đủ cơ số…và khu vực trực chiến đương nhiên, là nơi xuất phát tấn công có lợi nhất.
Khi SSCĐ được nâng cấp thì tùy theo, có thể có các lữ đoàn tàu, máy bay… vào trực chiến tại những khu vực trực chiến.
Biển của ta, trời của ta nên khu vực trực chiến dựa theo yêu cầu của chiến thuật, khu vực đó có thể là Trường Sa hay một nơi nào đó mà địch khó phát hiện…Như vậy, không có chuyện khi địch đã dàn đội hình tấn công, hoành hoành trên biển thì tàu chiến ta mới rời bến.
Tác chiến điện tử. Khi xung đột xảy ra, ta và địch đều hoạt động TCĐT, nghĩa là cả hai đều ra sức làm cho nhau “mù và điếc”.
Lúc đó, hệ thống chỉ thị, phát hiện mục tiêu của địch bằng radar trên tàu và vệ tinh quân sự dễ bị tổn thương hơn so với hệ thống chỉ thị, phát hiện mục tiêu quan trắc hiện đại chuyên sâu hơn trên bờ, đảo của ta. Điều đó có nghĩa là độ chính xác về mục tiêu mà hai bên thu nhận được thì địch sẽ không đáng tin cậy hơn, dẫn đến độ chính xác của tên lửa thấp buộc địch phải vào gần hơn hoặc ta có điều kiện vào gần địch hơn.
Lối đánh sở trường. Nếu như Việt Nam bị thất thế trong TCĐT thì dựa vào địa lợi, nghi binh, lừa địch, tập kích bằng nhiều lực lượng, nhiều hướng, liên tục cũng phát huy tác dụng.
Trên đây có thể coi là 3 giải pháp để hạn chế, triệt tiêu ưu thế tầm bắn xa của tàu chiến địch. Những nội dung cụ thể trong từng 3 giải pháp đó là một loạt bí ẩn mang tính bí mật quân sự mà những ai không có trách nhiệm chẳng cần phải quan tâm.
Cuối cùng là ý chí, bản lĩnh và trí tuệ người lính. Đây là yếu tố quyết định nhất.
Nếu như trong tầm hỏa lực của tàu mình, phóng tên lửa mà không diệt được mục tiêu, tàu đối phương vẫn né tránh tốt, băng băng lao tới thì bủn rủn tay chân, hoảng loạn là chỉ còn cách ôm phao cứu sinh. Ngược lại, khi biết tàu địch có tầm bắn xa hơn là hoang mang, không dám tiếp cận gần, tìm cách trốn chạy thì sớm muộn gì cũng bị tiêu diệt.
Bản lĩnh yếu là thiếu tự tin thì sự sáng tạo trong lối đánh bị triệt tiêu mà sáng tạo trong lối đánh hay vận dụng xử lý tình huống nhạy bén trong chiến đấu có tính quyết định thành bại của trận đánh. Điều này, chúng ta có quyền tin tưởng vào người lính của mình vì không phải nó chưa từng xảy ra.
Như vậy, vài ba tàu chiến được cho là hiện đại, tầm bắn xa…phô trương tập trận này nọ trên Biển Đông không khiến Việt Nam run sợ, hốt hoảng. Kế sách, lối đánh đã có sẵn, Việt Nam sẵn sàng chuẩn bị cho việc bảo vệ chủ quyền của mình với một tinh thần bình tĩnh, tự tin, ý chí quyết tâm cao và đầy trí não.

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

NHẬT BẢN ĐANG LÀM GÌ?

Tại Nhật Bản, trong buổi tọa đàm với các doanh nghiệp và giới học giả Nhật Bản tối hôm 26/4/2013, Thủ tướng Shinzo Abe đã bày tỏ mối lo ngại về việc Trung Quốc không ngừng bành trướng sức mạnh quân sự của mình và nói rằng: “Chỉ trong vòng 2 năm nữa thôi, tương quan sức mạnh quân sự Trung – Nhật sẽ bị phá vỡ triệt để”.
Nhiều người có thể quên câu nói của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhưng những người quan tâm đến thời cuộc thì không, vì đây là câu nói mang tính khẳng định về một vấn đề rất quan trọng sẽ xảy ra chứ không phải mang tính nhận định, câu nói của một người đứng đầu nước Nhật chứ không phải chuyện chơi.
Trung Quốc có câu “Vua không nói chơi” (quân vô hí ngôn), bởi vì lời nói của Vua mang tầm cỡ quốc gia hoặc liên quan đến sống, chết của một hay nhiều mạng người và phải được thực thi ngay lập tức. Điều gì sẽ xảy ra nếu những điều đó là “nói chơi”?. Hậu quả sẽ vô cùng tai hại, thảm khốc.
Nhưng đáng buồn là, tuy thế, người Trung Quốc thường “nói 10 mà làm chỉ được 1” và “làm được 1 mà nói thì 10”. Lịch sử cũng như hiện tại đã chứng minh rõ ràng đấy thôi…
Người Nhật Bản khác người Trung Quốc, họ “nói 1 nhưng làm 10” và “làm 10 nhưng nói chỉ 1”
Đương nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, một người Nhật chính thống thì… chắc tuyên bố của ông cũng thuộc loại “quân vô hý ngôn”. Có thể chính Trung Quốc hoặc chính Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của ông ta sẽ làm cho “tương quan quân sự Trung-Nhật bị phá vỡ triệt để”.
Vấn đề là lúc đó, lúc tương quan quân sự Trung-Nhật bị phá vỡ thì nó sẽ lệch về bên nào?
Ai trong Trung Quốc và Nhật Bản với thời gian 2 năm nữa có đủ khả năng để làm phá vỡ tương quan quân sự hiện tai?
Trong mắt dư luận và giới quan sát thì về vũ khí thông thường, Trung Quốc có bao nhiêu đã phô trương, khoe cơ bắp với bàn dân thiên hạ biết rồi nhưng mới chỉ vượt trội Nhật Bản về số lượng còn chất lượng thì ngược lại, Nhật Bản vượt trội. Và kể từ trước đó đến nay Nhật Bản đã hoàn thiện, phát triển hàng loạt vũ khí trang bị tiên tiến hiện đại như tàu ngầm, máy bay tuần tiễu chống ngầm, chiến hạm...với một tốc độ khiến Trung Quốc “ngỡ ngàng” và có chất lượng khiến Trung Quốc bi quan.
Tuy nhiên có 2 mục tiêu mà hiện tại Nhật Bản hoàn toàn không có “số liệu” để so sánh với Trung Quốc, đó là vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Do đó, khả năng gây ra sự “phá vỡ” này không đến từ Trung Quốc mà chỉ có thể đến từ Nhật Bản và có lẽ, vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo là một trong những mục tiêu “công phá” hàng đầu của Nhật Bản trong 2 năm tới.
Với Nhật Bản, sở hữu một nền khoa học kỹ thuật hiện đại vào loại nhất nhì thế giới thì sản xuất một loại vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo, hay một tàu sân bay là không khó, chỉ cần trong một thời gian ngắn Nhật Bản có thể làm được. Nhưng, cực thay, Nhật Bản giống như một vị thần trong chuyện thần thoại “Nghìn lẻ một đêm” bị nhốt vào trong chiếc lọ đồng mà nút lọ có dấu ấn của đấng tiên tri Xalomong, con vua Davit ngăn cản. Cơ chế, chính sách mà cụ thể là điều 9 Hiến pháp Nhật Bản như là dấu ấn của Xalomong, đã trói tay, trói chân, không cho Nhật Bản làm điều đó.
Vấn đề là ai, tác động nào, làm cho cái “nút lọ đồng” đó mở ra?.
Rõ ràng là nhân tố Bắc Triều Tiên và tác động của nó không đủ làm “nút lọ” tự mở, nhưng chỉ khi nhân tố Trung Quốc xuất hiện từ năm 2010 với tác động mạnh từ Senkaku đã làm cho “nút lọ” bung ra.
Có lẽ đối với ngài Shinzo Abe, Senkaku là cái tên còn linh thiêng hơn đền Yasukuni. “Thần đảo” Senkaku đã đưa Ngài lên làm Thủ tướng bởi ngài thủ tướng tiền nhiệm quá nhút nhát trước Trung Quốc và chính sự cứng rắn, cương quyết bảo vệ Senkaku của Ngài và LDP mà lần đầu tiên từ 6 năm nay đảng cầm quyền của Ngài đã nắm quyền lưỡng viện Nhật Bản từ ngày 22/7.
Từ nay đến năm 2016, Nhật Bản không phải qua một cuộc bầu cử nào nữa, điều này có nghĩa là ông Abe được rộng tay thực hiện các ý tưởng của mình mà không gặp cản trở trên nghị trường.
Ngoài việc phục hồi nền kinh tế, Nhật Bản sẽ phải đối phó với các thách thức an ninh hiện hữu, đặc biệt là sự hung hăng của Trung Quốc trong lúc Mỹ tuy “xoay trục” sang châu Á-TBD nhưng ngân sách bị cắt giảm buộc Nhật Bản không thể tự tin dựa dẫm vào ô an ninh của Mỹ.
Dầu hiệu cho thấy Nhật Bản dưới thời ông Abe có 3 thay đổi lớn để “công phá”:
Một là sửa đổi nguyên tắc trong chính sách quốc phòng. Theo đó, Nhật Bản sẽ dựa vào nền kỹ thuật hiện đại của mình chế tạo tên lửa tầm trung, tên lửa đạn đạo để đáp trả và khi cần thiết có thể tấn công phủ đầu.
Như vậy, dù vấn đề sản xuất chế tạo VKHN do nhạy cảm, Nhật Bản không nói đến nhưng qua sự thay đổi này đã cho thấy trong tương lai gần Nhật Bản sẽ có thứ để so sánh với Trung Quốc, đó là tên lửa tầm xa mang yếu tố tấn công, yếu tố chỉ phòng thủ đã bị loại bỏ và lúc đó Trung Quốc sẽ không có cơ hội đem tên lửa đạn đạo ra để răn đe, dọa dẫm Nhật Bản.
Nhật Bản có làm được như họ nói không? Rất dễ dàng, bởi chúng ta đã thấy trước khi “nói 1” họ đã “làm được 10” rồi.
Ảnh
Trung Quốc “rúng động” khi Hải quân Nhật Bản nhận bàn giao chiếc tàu ngầm thứ 5 lớp Soryu kiểu AIP mà Trung Quốc chưa chế tạo được. Trước đó, tuyên bố của Nhật Bản đến năm 2015 sẽ trang bị 10 tàu ngầm kiểu loại AIP thì Trung Quốc coi thường cho là không tưởng. Nhật Bản “nói 1 nhưng làm 10”.
Hai là nới lỏng và tiến tới xóa bỏ việc xuất khẩu vũ khí. Trong nhiều thập kỷ Nhật Bản đã dành kinh phí tài chính khổng lồ để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của mình. Trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật trong lực lượng phòng vệ Nhật Bản đều từ các tổ hợp công nghiệp quốc phong trong nước cung cấp với chất lượng kỹ thuật tiên tiến hiện đại nhất nhì thế giới. Tuy nhiên do quy mô không lớn của một đội quân gọi là Lực lượng phòng vệ Nhật Bản nên giá thành của vũ khí do Nhật Bản chế tạo bị đội lên cao hơn với các thứ cùng loại. Vì vậy, nếu xuất khẩu được vũ khí ra bên ngoài thì dây chuyền công nghệ sẽ phát huy hết công suất, sản phẩm nhiều, giá thành hạ và với kinh nghiệm, kỹ thuật hiện đại nổi tiếng, có uy tính thì “hàng” vũ khí Nhật Bản sẽ “đắt như tôm tươi”. Đương nhiên, các tổ hợp CNQP Nhật Bản sẽ là đối thủ cạnh tranh lớn của Nga, Mỹ…mà không sợ khách hàng cho là “nhái” như CNQP của Trung Quốc.
Khi một nền CNQP phát triển thì hưởng lợi và ưu tiên đầu tiên, tất nhiên là quân đội của mình. Quân đội sức mạnh sẽ có tất cả và không khó để đánh giá sức mạnh của quân đội Nhật Bản trong bối cảnh đó là ra sao.
Ba là, song hành với 2 điều trên Nhật Bản sẽ xây dựng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản thành một quân đội chính quy, hiện đại có đủ mọi chức năng như quân đội các quốc gia khác. Đó là bước đi cuối khi thay đổi điều 9 Hiến pháp hòa bình mà bị Mỹ ép buộc soạn thảo.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản với biên chế 280 nghìn binh sỹ, 740 xe tăng, 355 máy bay chiến đấu và 48 tàu chiến các loại. Mỗi năm, lực lượng phòng vệ Nhật Bản được đầu tư gần 60 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới. Tuy nhiên, lực lượng này lại không được phép tham chiến, tấn công.
Đây là điều hết sức vô lý nhưng xem ra, trước đây, lại có lý vì Nhật Bản được Mỹ bảo hộ trong cái ô an ninh của mình thì không cần phải tham chiến, tấn công…Nhưng, “nhờ” Trung Quốc trỗi dậy, còn Mỹ thì suy giảm nội lực buộc phải tăng cường sử dụng ngày càng nhiều hơn sức mạnh của các đồng minh để thực thi chính sách khu vực của Mỹ …đã làm cho cái vô lý này trở nên gay gắt không thể chịu nổi với Nhật Bản.
Hiện nay, với Nhật Bản, khi đảng cầm quyền LDP đã chiếm đa số ở Hạ viện và Thượng viện, khi đa số tầng lớp thanh niên được hỏi đều nhất trí phải thay đổi Hiến pháp, khi Mỹ đã có sự chia xẻ…thì không phải là có thể thay đổi điều 9 HP được không mà vấn đề là lúc nào.
Có thể nói 3 thay đổi lớn này tuy bây giờ có điều kiện để tiến hành thực hiện, nhưng dễ nhận thấy, đây chỉ là những điều kiện thuộc cơ chế, chính sách chứ không phải điều kiện kỹ thuật. Với Nhật Bản, những điều kiện kỹ thuật cho sự thay đổi này thực ra đã được tạo lập tích hợp trong chặng dài nhiều thập niên nay rồi.
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Itsunori Onodera khi tuyên bố: ”Trong quá khứ, Nhật Bản đã gây ra tổn thất và đau khổ triền miên cho dân chúng nhiều nước, nhất là các nước châu Á. Các chính phủ Nhật liên tiếp đã khiêm tốn thừa nhận các dữ kiện lịch sử đó và tỏ lòng hối hận sâu sắc và xin lỗi chân thành, chính phủ Abe cũng thế...”. Nhật Bản đã “xin lỗi đủ” và đã đến lúc “ngẩng cao đầu”.
Không hồ nghi gì nữa, Nhật Bản có đầy đủ mọi khả năng kỹ thuật và kinh tế để trở thành một cường quốc quân sự hùng mạnh bậc nhất trong vòng vài năm tới. Tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản ông Shizo Abe chắc chắn không sai. Quân vô hý ngôn.
ngocthong19.5@gmail.com