Thế trận của Nga vẫn là thế trận buộc chính quyền Kiev phải tan rã
hoặc là liên bang hóa, nhưng tiếc thay, tính “liên bang” hiện tại rất mong
manh.
Có thể nói, ngày 22/2/2014 là ngày cuối cùng của Cộng hòa
Ukraine thống nhất với 44,8 triệu dân trên một vùng lãnh thổ rộng đến 603.700
km2.
Đến nay, tháng11/2014, chỉ chưa đầy 9 tháng, Ukraine đã chính
thức bị xén mất khu vực Donetsk và Lugansk với 64.618 km2 và 9,4 triệu dân. Nếu
tính cả Crimea khi bán đảo này từ ngày 18/3 đã trở thành một phần của nước Nga,
Ukraine bị xén mất nốt 26.100 km2 khỏi lãnh thổ cùng 1 triệu dân trở thành dân
Nga, thì vị chi, Ukraine mất gần 90.000 km2 và hơn 10 triệu dân (gần bằng số dân
của 3 nước vùng Bantic).
Đây là điều không thể chấp nhận ngay được của chính quyền tổng
thống Poroshenko và là một sự thật đau lòng cho những người có lương tâm, lương
tri, trên toàn thế giới trong đó có nhân dân Việt Nam. Ukraine không những mất
đất, mất dân mà còn rơi vào cảnh nội chiến, đầu rơi máu chảy của hàng nghàn
người dân vô tội.
Ai chịu trách nhiệm?
Đắng cay sao. Phương Tây, sau cuộc bầu cử quốc hội Ukraine ngày
26/10 vừa qua đã không ngừng rêu rao chiến thắng, nào là Putin đã đẩy Ukraine
vào phương Tây, nào đây là thắng lợi của các Đảng thân phương Tây…Vâng, họ chỉ
biết chính quyền Kiev thân họ, theo họ…còn hậu quả tang thương mà Ukraine phải
gánh chịu thì không cần quan tâm. Và, cuộc bầu cử ngày 2/11 thì sao?
Cũng như cuộc bầu cử ngày 26/10, cuộc bầu cử ngày 2/11, kết quả
ai thắng cử, cầm quyền, không quan trọng, vì nhắm mắt cũng biết kết quả, quan
trọng là cuộc bầu cử 2/11 vừa qua đã chính thức xác nhận, đánh dấu ngày mà
Ukraine mất Donetsk và Lugansk.
Kiev đã hết thời cơ, cạn kiệt nội lực để tuyên bố mạnh mẽ “quân
ly khai hàng hay là chết” như trước kia. Chỉ cần một chuyến xe “cứu trợ”, Kiev
buộc phải vội vàng ký hiệp định đình chiến, mà nay đã 6 đoàn xe như vậy thì quân
ly khai đang là “bất khả trị” của Kiev, thậm chí đang sẵn sàng để vẽ lại bản đồ
khu vực.
Đây là một biến đổi khủng khiếp hơn cả một cơn ác mộng. Tội lỗi
này, sai lầm này không phải của người dân Ukraine và hãy khoan đổ tội cho thế
lực Nga hay EU. Rõ ràng, thế lực cầm quyền ở Ukraine, bất luận có giải thích
kiểu gì thì việc đất nước bị bên bờ vực phá sản, kiệt quệ, bị chia cắt, huynh đệ
tương tàn, nhân dân bị cảnh đầu rơi máu chảy…là phải chịu hoàn toàn trách nhiệm
chính trước đất nước.
Bất kỳ một chính quyền, nhà nước nào cũng có đường lối đối nội,
đối ngoại, nhằm xây dựng đất nước mạnh về kinh tế, vững về an ninh quốc phòng
thì chính quyền Ukraine cũng vậy. Thân phương Tây, gia nhập EU và khối quân sự
NATO là quyền độc lập, tự chủ của Ukraine, nếu được cho là đúng đắn thì việc để
mất và phải mất Crimea là cái giá phải trả với Nga.
Nga không bao giờ để cho NATO lấy Crimea, một vùng đất lịch sử,
đồng thời là một căn cứ chiến lược sống còn của mình, dễ dàng, không tốn một
viên đạn như vậy được. Nga không giành lại bằng cách này thì bằng cách khác, đó
là quyết tâm chiến lược của Nga.
Ukraine có thể dứt tình, ly hôn với Nga nhưng khi chia tay, phải
để “đứa con đẻ” của Nga là Crimea ở lại. Đây là một tác động khách quan, "cá lớn
nuốt cá bé", mà một quốc gia nhỏ yếu, đã phụ thuộc như Ukraine nói riêng, phải
gánh chịu trong cuộc chiến địa chính trị của các nước lớn, khi muốn thoát khỏi
sự ràng buộc.
Tuy nhiên, mất Crimea, vẫn chưa phải là tất cả với Ukraine,
Ukraine vẫn hoàn toàn có thể đi theo con đường mình đã chọn là theo phương Tây
và gia nhập NATO, nhưng, đáng tiếc, những người lãnh đạo cuộc “cách mạng màu”
sau vụ lật đổ tổng thống Yanukovych, đã không có nhạy bén về chính tri, thiếu
nhãn quan chiến lược, không nắm rõ đặc điểm tình hình tôn giáo, phân bố dân cư,
sự phân hóa vùng miền của đất nước…đã mắc sai lầm nghiêm trọng và chính do sai
lầm nghiêm trọng này đã khiến Ukraine mới thực sự sụp đổ như hiện tại.
Sai lầm đó chính là tư tưởng phát xít, bài Nga, của các thế lực
cực đoan trong giới cầm quyền, đã bộc lộ quá sớm và hành động quá quyết liệt
khiến cho miền Đông hoảng sợ, lo lắng, phải đòi liên bang hóa và cuối cùng đòi
ly khai. Ly khai thì tình hình sẽ như thế nào, diễn biến logic của nó ra sao,
hậu quả đã rõ. Tư tưởng và hành động này của thế lực cầm quyền Kiev, không những
khiến Nga sẵn sàng đối phó quyết liệt, thẳng tay, mà ngay người đỡ đầu cho Kiev
là EU cũng bất an, lo hậu quả không kém.
Tiểu đoàn Azov với lá cờ của họ, mang đâm tư tưởng chủ nghĩa phát xít mới, là lực lượng chính, đàn áp quân ly khai, cũng khiến phương Tây lo ngại, bất an. |
Nguy hiểm hơn, đất nước Ukraine, sự chia cắt chưa dừng ở đó.
Chính tư tưởng, hành động này đã khiến dân miền Tây Nam Ukraine cũng đang đòi
gia nhập vào Ba Lan, Hungary và Slovakia hay đòi tách khỏi Kiev vì họ cũng như
người gốc Nga đang lo sợ nguồn gốc không phải người Ukraine của mình. Bởi nếu
như xuất hiện những bài xích, khủng bố, kỳ thị sắc tộc, thì sẽ không có một dân
tộc thiểu số nào muốn cùng tồn tại trên một vùng lãnh thổ.
Chừng nào ở Ukraine còn có những nghị sỹ quốc hội cực hữu đòi
đưa quân đánh bom khủng bố nước Nga; chừng nào còn những hố chôn người tập thể,
chừng nào còn các lực lượng mang phù hiệu phát xít…chừng đó còn khiến họ lo sợ.
Đó chính là điều kiện cần và đủ cho các dân tộc thiểu số xuất hiện tư tưởng ly
khai. Ly khai, chống đối, đòi độc lập cho họ là tất yếu, vì đó là quyền sống,
quyền được sống tối thiểu của họ.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Hungary trở cờ với Kiev, thân Nga hơn
khiến Mỹ-EU lo ngại, chẳng phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch quốc hội Ba Lan “bật mí”
là Putin bàn với Ba Lan về chia chác lãnh thổ Ukraine; chẳng phải ngẫu nhiên mà
Hungary, Slovakia đồng ý với Nga về xây dựng “dòng chảy phương Nam”.
Ít nhất với họ, Ukraine chẳng là cái gì hết, vì dân tộc, vì lợi
ích quốc gia, họ sẵn sàng làm tất cả.
Sự lựa chọn ngặt nghèo của Ukraine
Đương nhiên, sau cuộc bầu cử ngày 2/11, phương Tây phản đối
quyết liệt bằng ngôn ngữ và Kiev cũng vậy, không những thế còn đe dọa phá bỏ mọi
thỏa thuận, phong tỏa kinh tế…nhưng, Kiev đã, đang bất lực. Chẳng phải chính
quyền Kiev đã làm tất cả những gì có thế, kể cả biện pháp cuối cùng là dùng quân
đội đàn áp, mở hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, không từ sử dụng một
phương tiện, vũ khí nào, nhưng cuối cùng vẫn phải ký thỏa thuận 5/9…đó sao? Vậy
thì sự đe dọa, biện pháp nào có thể quyết liệt hơn nữa để đưa 2 vùng ly khai vào
khuôn khổ?
Tương lai toàn vẹn lãnh thổ Ukraine là vô cùng u ám. Thế lực cầm
quyền vùng Donbass như đang ngồi trên lưng hổ. Cho nên, chắc chắn với họ, thì
bản đồ của Donetsk phải cần có thêm sân bay Donetsk và bản đồ Lugansk cần có
thành phố cảng biển Mariupol…để nối với Crimea là mưu đồ trước mắt của 2 tân
tổng thống vừa đắc cử. Do đó, cuộc chiến chống “quân khủng bố” mà thực chất là
cuộc thanh trừng sắc tộc do chính quyền Kiev gây ra dù đã đình chiến trên danh
nghĩa, vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.
Tình thế đáng nói của Kiev là EU, Mỹ- NATO không giúp được gì,
trong khi 2 nước Cộng hòa Donetsk và Lugansk thì càng đánh càng mạnh. Trái ngược
với EU và NATO, Nga không tiếc thứ gì, không tiếc điều gì để chống lưng cho phe
ly khai. Đương nhiên thôi, vì đây là lợi ích an ninh sống còn của Nga chứ không
phải của NATO và Mỹ. Cho nên, Kiev không phải tiến hành cuộc chiến với phe ly
khai mà thực chất là chiến tranh với nước Nga như Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk đã
cay đắng xác nhận.
Như vậy Kiev tiếp tục tiến hành cuộc chiến “chống khủng bố”, để
có những hố chôn người tập thể mà không biết ai gây ra…hay không, đều nhìn về
phía Mỹ-NATO.
Sự trừng phạt của EU-Mỹ với Nga, chưa đủ độ để buộc Nga thay đổi
ý định. Sử dụng biện pháp quân sự với Nga của lực lượng NATO thì hoang
tưởng.
Vậy, nhà cầm quyền Kiev sẽ lựa chọn biện pháp nào?
Chỉ có thế 2 sự lựa chọn, hoặc là đưa phần còn lại vào EU hoặc
là liên bang hóa Ukraine.
Nếu chọn đưa phần còn lại vào EU, chấp nhận mất miền Đông thì sẽ
là một cuộc tự sát chính trị, chính quyền sẽ tan rã là vấn đề thời gian.
Rốt cuộc, thế trận của Nga vẫn là thế trận buộc chính quyền Kiev
phải tan rã hoặc là liên bang hóa. Có điều, liên bang hóa trong tình thế hiện
tại, tính chất “liên bang” đã khác xa thỏa thuận, ý tưởng của Nga cách đây 9
tháng. Liên bang bây giờ tính chất rất mong manh, rất dễ thành “độc lập” bất cứ
lúc nào. Quả thật, một sự lựa chọn nghiệt ngã.
bài viết rất hay phân tích sâu sắc
Trả lờiXóa