Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

ĐÒN “TẬP KÍCH CHIẾN THUẬT” CỦA TRUNG QUỐC VÀO MỸ.



Trung Quốc đã lợi dụng đúng thời cơ ngấm ngầm tập kích Mỹ. Tuy nhiên, coi chừng, phải cẩn thận, bởi nếu không, sẽ giống như “dùng bật lửa để soi bình xăng”.
Lâu nay, trong vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, dư luận và giới quan sát luôn nhận định Mỹ đã trục lợi để trở lại châu Á-TBD mà không làm Trung Quốc phản ứng. Rõ ràng là thế, bởi người ta chỉ thấy trong khi Triều Tiên sẵn sàng chiến tranh “bằng miệng” thì Mỹ đáp lại bằng hành động có thật với quy mô vượt trội bao gồm việc triển khai vũ khí trang bị và xây dựng củng cố các mối liên minh quân sự Mỹ-Hàn-Nhật …
Nhưng chẳng lẽ những bộ óc thông thái ở Bắc Kinh lại không biết?.
Giới lãnh đạo Bắc Kinh thừa biết, có điều, điều khiển Bình Nhưỡng làm theo ý mình không dễ dàng, Bình Nhưỡng không “ngây dại” như vậy.
Vấn đề là do Trung Quốc và Triều Tiên đang còn phụ thuộc nhau, cần đến nhau để đeo đuổi mục đích riêng của mình.
Với Triều Tiên, đã đến lúc Bình Nhưỡng táo bạo chuyển hướng đi mới, đó là cải cách kinh tế, hội nhập quốc tế, độc lập, không phụ thuộc vào Trung Quốc. Để làm được điều đó Bình Nhưỡng coi Mỹ vừa là nguyên nhân vừa là điều kiện, cho nên đàm phán trực tiếp với Mỹ là mục đích cuối cùng cho mọi hành động của Triều Tiên trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un.
Với Trung Quốc, rất không muốn Triều Tiên hung hăng gây nên cuộc khủng hoảng hạt nhân trước ngay cửa ngõ Bắc Kinh, bởi trong trường hợp leo thang xung đột tại Triều Tiên xảy ra, thì như Tổng thống Nga Vladimir Putin nói, Chernobyl chỉ là "câu chuyện cổ tích dành cho trẻ em", rất bực tức với sự bướng bĩnh, khó bảo của Triều Tiên nhưng không thể từ bỏ Triều Tiên bằng cách cắt viện trợ…đồng nghĩa với mất quyền kiểm soát Triều Tiên.
Trung Quốc quá hiểu nếu từ bỏ Triều Tiên ngay bây giờ để gây sức ép là mắc mưu Mỹ và phương Tây, là chẳng khác nào trao Triều Tiên cho Mỹ và phương Tây đang sẵn sàng đưa tay ra chờ đợi sẵn.
Chẳng có gì là mâu thuẫn khi chính Mỹ khiêu khích Triều Tiên, “ chọc giận” Triều Tiên đồng thời lại kêu gọi Trung Quốc phải gây áp lực ngăn cản Triều Tiên không được leo thang.
Bởi khi đã cùng đường, Bình Nhưỡng lập tức mở cửa, hội nhập và sẽ có “hậu hĩnh” hơn nhiều so với cái được từ Trung Quốc. Nhưng điều đặc biệt nguy hiểm là kho hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên sẽ trở thành “đồ chơi không lịch sự” tý nào với kẻ mà Bình Nhưỡng cho là phản bội. Đó chính là vấn đề cốt tử mà Trung Quốc cần quan tâm.
Khi đó (khi Trung Quốc mất sự kiểm soát Triều Tiên), việc thống nhất Triều Tiên chỉ là vấn đề thời gian và sẽ là thảm họa cho Trung Quốc nếu theo kịch bản này.
Chính lẽ đó mà Trung Quốc buộc phải sống chung với Triều Tiên như “sống chung với lũ”. Sử dụng con bài Triều Tiên như thế nào để tiền của đổ vào đó không uổng thì phụ thuộc vào sự khôn khéo của Bắc Kinh.
Và, sự căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không phải chỉ có Mỹ trục lợi mà Trung Quốc cũng không chịu tay trắng.
Trong chiến tranh hiện đại, hủy diệt lớn, không có chỗ cho chủ quan, coi thường đối phương. Trong khi Mỹ chưa chắc chắn Triều Tiên có khả năng đến đâu thì việc chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra, không được “mất tập trung” là điều nước Mỹ không thể không làm.
Do đó, đừng vội cho rằng căng thẳng càng leo thang với động thái hung hăng của Triều Tiên chỉ là “võ mồm” đối với Mỹ, chỉ nhằm mục đích cho ngoại giao...cẩn thận vẫn hơn đối với Mỹ.
Và, đây là điều kiện để Trung Quốc trục lợi.
Trung Quốc đã chớp thời cơ mở một “đòn tập kích chiến thuật” vào Mỹ . Trung Quốc ra đòn không phải là đòn quân sự mà là năng lượng, không phải chiến trường bán đảo Triều Tiên mà tại Iran.
Đến đây cũng cần nói rõ một chút về cấm vận dầu mỏ của Mỹ với Iran
Ngày 23/3/2012 Mỹ và EU đã đề xuất cấm toàn diện giao dịch thương mại dầu mỏ với Iran, cấm vận với Ngân hàng trung ương Iran và cấm vận toàn diện dầu mỏ Iran từ ngày 01/7/2012. Theo đó, tất cả các quốc gia phải ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Iran và quan hệ tài chính với Iran. Nếu bất kỳ một tổ chức tài chính nước ngoài nào có quan hệ tài chính, đặc biệt là giao dịch về dầu mỏ với Iran thì đều phải rút khỏi thị trường Mỹ, hoặc Mỹ sẽ áp dụng biện pháp hạn chế hết sức nghiêm ngặt đối với những tài khoản liên nào quan đến ngân hàng trung ương Iran.
Trung Quốc buộc phải lựa chọn và đã phải “thực thi” khi ngân hàng Côn Lôn của Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt. Năm 2012, Trung Quốc phải giảm lượng dầu nhập từ Iran và các hợp đồng làm ăn với Iran cũng bị đổ bể.
Vậy nhưng, cùng với sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, năm 2013 Trung Quốc nhập khẩu dầu của Iran tăng và đặc biệt ngày 21/3 tàu chở dầu 2 triệu lít, lớn nhất của Trung Quốc đã cập cảng Iran, bất chấp lệnh cấm của EU và Mỹ. Đó là đòn tập kích chiến thuật vào Mỹ.
Đằng sau đòn tập kích chiến thuật này là gì?
Trước hết phải khẳng định là động thái này của Trung Quốc không phải là sự thách thức một cuộc chiến tranh kinh tế với Mỹ, bởi lẽ tuy Trung Quốc và Mỹ rất cần nhau để phát triền kinh tế nhưng thực tế là Mỹ, EU và Nhật Bản không có Trung Quốc vẫn tồn tại nhưng ngược lại Trung Quốc không có Mỹ EU và Nhật Bản thì sụp đổ. Mỹ sẵn sàng hy sinh quyền lợi kinh tế để bóp chết Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không thể.
Do vậy đằng sau đòn tập kích chiến thuật này, Trung Quốc muốn đạt được 2 mục đích.
Thứ nhất là nắn gân Mỹ, xem trong lúc dính vào căng thẳng Triều Tiên thì Mỹ sẽ phản ứng như nào, qua đó đánh giá được khả năng sức mạnh, sự can thiệp của Mỹ trong giai đoạn mà ngân sách quân sự bị cắt giảm.
Thứ hai là gửi đến cho Mỹ một nhắc nhở rằng, đừng gây khó cho Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, nếu không, Iran cũng sẽ là vấn đề khó cho Mỹ.
Như vậy có thể nói, thời gian qua, Trung Quốc và kể cả Nga đã dùng vấn đề sản xuất VKHN của Iran và Triều Tiên để mặc cả với Mỹ và đã có những sự nhường nhịn nhau nhất định. Nhưng trong tình hình hiện nay đã xuất hiện Nhật Bản và Hàn Quốc, nếu Trung Quốc cứ dùng con bài này thì lỗi thời và cực kỳ nguy hiểm cho Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ xử lý thế nào nếu như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ chế tạo VKHN khi mà đối với họ, không giống như Triều Tiên và Iran, chẳng có gì là khó khăn về công nghệ? Và VKHN của họ mỗi khi sản xuất ra còn tiên tiến, hiện đại hơn cả Trung Quốc?
Tại sao Trung Quốc biết dùng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Iran để mặc cả với Mỹ trong khi Mỹ lại không biết “làm ngơ” để Nhật Bản, Hàn Quốc có được VKHN để chọi trực tiếp với Trung Quốc?
Có lẽ tình thế chưa đến lúc và chưa đến mức Mỹ phải sử dụng bài này, nhưng điều kiện cần và đủ của vấn đề này cũng giống như một bồn xăng lớn, Trung Quốc đừng dại dùng bật lửa soi.

4 nhận xét:

  1. Cảm ơn đã ghé thăm. Đơn giản đó chỉ là góc nhìn của người lính thôi. Khỏe nhé.

    Trả lờiXóa
  2. Các bài viết của bác Thống làm nhiều người phải đọc đi dọc lại câu từ của bác lý luân sắc bén vẫn đề cao tinh thần yêu nước> Cám ơn bác chúc bác nhiều sức khỏe để viết nhiều bài hay nữa.Lê ngọc Thống 1 tên rất hot trên Google

    Trả lờiXóa
  3. Tuần mới bình yên nhé Cá Mập ơi ! Ngoài đó rêt nàng Bân đã hết chưa, bảo trọng nhé !

    Trả lờiXóa
  4. Mỹ, EU và Nhật Bản không có Trung Quốc vẫn tồn tại nhưng ngược lại Trung Quốc không có Mỹ EU và Nhật Bản thì sụp đổ.

    Trung Quốc có nhận định được như thế này không nhỉ?

    Trả lờiXóa