Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013
BIỂN ĐÔNG SAU 45 PHÁT SÚNG CỦA PHILIPINES!
Ai sai, ai đúng, ai phải xin lỗi, xin lỗi trong phạm vi chừng mực nào, chúng ta chưa bàn đến, ở đây chúng ta chỉ ghi nhận một nguyên nhân-kết quả sau: Tàu cá Đài Loan vào đánh bắt trong khu vực chủ quyền của Philipines và một ngư dân Đài Loan bị bắn chết.
Sử dụng ngư dân làm công cụ bành trướng là độc ác, vô nhân đạo.
Từ trước đến nay, dù vì mục đích chính trị hay bành trường thì căn cứ tình hình, hễ khi có lợi, có thời cơ, có khả năng là Trung Quốc sẵn sàng gây chiến. Chiến tranh với Liên Xô (Liên bang Nga), với Ấn Độ và 3 lần tấn công Việt Nam đã chứng minh điều đó.
Trên Biển Đông, một khu vực giàu tài nguyên, một vị trí chiến lược trọng yếu về quân sự, một con đường huyết mạch, sống còn của nền kinh tế xuất nhập khẩu của Trung Quốc thì chiếm đoạt Biển Đông, biến thành “ao nhà” là mục tiêu chiến lược trọng yếu, cấp bách, đương nhiên Trung Quốc sẽ không bao giờ e ngại dùng vũ lực, đặc biệt, với sự trỗi dậy của mình, có một lực lượng quân sự đáng kể thì việc gây chiến, dùng vũ lực trên Biển Đông của Trung Quốc không ai có thể nghi ngờ.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này Trung Quốc vẫn chưa động thủ trên Biển Đông không phải vì Trung Quốc có thiện chí, yêu chuộng hòa bình mà nói rõ ra là Trung Quốc chưa đủ khả năng để làm việc đó.
Nên biết rằng, Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông. Điều gì xảy ra khi Biển Đông thành biển lửa (chiến tranh)?
Đánh chiếm được đảo nào đó khó khăn bao nhiêu thì việc giữ được nó còn khó khăn gấp bội, nhưng với Trung Quốc, khi gây nên “Biển Đông thành biển lửa” thì việc giữ đảo chiếm được không quan trọng bằng phải bảo vệ an toàn 29 tuyến đường hàng hải mà nếu bị cắt đứt thì nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng ngay tức khắc.
Trung Quốc liệu có làm chủ tình hình Biển Đông trước khi “cơn co giật” của nền kinh tế xảy ra? Câu trả lời cực kỳ quan trọng, sống còn này, rất đáng tiếc, không thuộc về Trung Quốc.
Rốt cuộc hạm đội Nam Hải lấy đâu ra lực lượng để bảo vệ và dù cả PLAN cũng chưa chắc đảm bảo an toàn trong khi chưa nói đến bị các đối thủ kình địch khác như Nhật Bản, Đài Loan đang chờ thời cơ để lợi dụng?
Đây là tình huống dễ dàng nhất dành cho Trung Quốc nhưng đã khó vượt qua, vậy, nếu như khi “Biển Đông thành biển lửa”, các nước lớn như Mỹ, Nga. Ấn, Nhật Bản có lợi ích quốc gia trên Biển Đông can thiệp bằng nhiều cách, các nước nhỏ trong khu vực đoàn kết lại…thì Trung Quốc có thành công không? Không, và đó là lý do khiến Trung Quốc không dám động thủ trên Biển Đông lúc này.
Nhưng, trong chiến lược biến Biển Đông thành “ao nhà” đầy tham vọng, Trung Quốc tiến hành thực hiện nhiều sách lược.
“Gác tranh chấp cùng khai thác” là sách lược đầu tiên bị thất bại bởi hành động của Trung Quốc như ngang ngược biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp…đã “lòi đuôi bành trướng” khiến chẳng ai “cùng khai thác” với Trung Quốc.
Sách lược tiếp theo đó là: Dùng lực lượng quân sự đằng sau phô trương sức mạnh, đe dọa, tạo điều kiện cho tàu Ngư chính có lượng giãn nước lớn xua đuổi tàu cá đối phương, hỗ trợ bảo vệ cho lực lượng tàu cá tràn vào chủ quyền của quốc gia khác đánh bắt (ăn cướp) hải sản nhằm hợp thức hóa chủ quyền (phi pháp).
Sách lược mới này đã thu được hiệu quả bước đầu trong vụ Scarborough khiến Bắc Kinh hết sức phấn khích và coi lực lượng tàu Ngư chính, tàu cá chính là lực lượng “hải quân thứ hai”, là công cụ bành trướng lợi hại nhất trong chiến thuật “không đánh mà thắng”.
Có thể nói, hải quân tập trận phô trương sức mạnh đằng sau, tàu Ngư chính hỗ trợ, bảo vệ cho tàu cá đánh bắt phía trước, ba lực lượng này là nguyên nhân chính đã khuấy động, gây căng thẳng trên Biển Đông.
Đã là bành trướng, xâm lấn thì bất chấp, ngang ngược, hung hăng, coi thường tất cả. Vì thế, tất yếu, các lực lượng thực hiện nhiệm vụ đó hành động cũng ngang ngược, hung hăng, càn quấy là điều không tránh khỏi.
Cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam, bắn cháy tàu cá, ban đêm đâm chìm tàu cá Việt Nam rồi bỏ chạy, cậy đông, tổ chức hàng chục, hàng trăm tàu cá lấy thịt đè người tràn vào EEZ của nước khác…đã khiến cho lực lượng tàu cá, Ngư chính Trung Quốc bị căm ghét nhất trên Biển Đông.
Vụ việc Philipines bắn hơn 45 phát súng vào tàu cá Đài Loan vì tưởng nhầm là Tàu cá Trung Quốc, làm một ngư gân 65 tuổi thiệt mạng khiến tình hình Biển Đông càng nóng lên.
Philipines phải chấp nhận một cái giá phải trả nào đó, tuy nhiên dư luận không ai là không cảm nhận được, hiểu được, đó chính là biểu hiện sự uất ức tột độ của Philipines không thể kiềm chế nổi khi sự hung hăng, ngang ngược càn quấy của tàu cá Trung Quốc đã chèn ép chiếm quyền kiểm soát Scarborough của Philipines vừa qua, khi sự ngang ngược, trắng trợn bởi lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương phi lý của Trung Quốc.
45 phát súng của Philipines có thể khiến Đài Loan và Philipines tạo ra một vùng đánh cá chung nhưng với Trung Quốc thì không.
Đó là lời cảnh báo cho chiến thuật đưa tàu cá lên tuyến đầu của Trung Quốc đã đến lúc phải suy nghĩ lại. Một quốc gia khi “tàu to, súng dài” còn không làm họ sợ, vẫn dám đánh để bảo vệ chủ quyền thì không lẽ lại lùi bước trước những con tàu cá, Ngư chính nghênh ngang?
Ngư dân Đài Loan đã 65 tuổi vẫn còn đi biển và có lẽ ngư dân Trung Quốc cũng vậy thôi, rất vất vả khó nhọc để mưu sinh. Lợi dụng họ, coi thường tính mạng của họ, biến họ thành công cụ để thực hiện mưu đồ sai trái là vô trách nhiệm, vô nhân đạo, độc ác với chính dân tộc mình.
Lối thoát nào cho căng thẳng Biển Đông?
Căng thẳng trên Biển Đông, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là tham vọng chiếm Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc.
Căng thẳng sẽ hết, Biển Đông sẽ “lặng sóng”, khi các quốc gia trong khu vực chọn cách giải quyết tranh chấp bằng hòa bình trên cơ sở Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) mà tất cả đều, đã là thành viên.
Điều mơ ước này xảy ra khi chỉ khi Trung Quốc từ bỏ tham vọng đó hoặc bị buộc phải từ bỏ tham vọng đó. Đây chính là lối thoát duy nhất cho tình hình căng thẳng trên Biển Đông
Trung Quốc sẽ tự nguyện từ bỏ tham vọng chiếm Biển Đông? Không bao giờ! Trung Quốc đang còn say sưa với “giấc mơ đẹp”, “chưa bao giờ gần với hiện thực như vậy”…mà ai đó hy vọng điều này là hoang tưởng nặng.
Mỹ sẽ trực tiếp ra tay bảo vệ hòa bình trên Biển Đông với tư cách là một cường quốc bá chủ thế giới ư? Hãy nghe và hiểu phát biểu của giáo sư Donald Weatherbee từ đại học South Carolina: “Mỹ sẽ không gửi hạm đội 7 đến để giải quyết các vấn đề về thuỷ sản hay san hô ở Biển Đông, đó không phải là lợi ích cốt lõi của nước Mỹ. Lợi ích cốt lõi quốc gia của Mỹ là tự do hàng hải. Trung Quốc chưa làm gì chứng tỏ họ sẽ đóng các tuyến đường biển qua lại của các tàu Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, hoặc nước nào khác. Thời điểm mà Trung Quốc thách thức chúng ta bằng cách đó, thì vấn đề không còn là lợi ích quốc gia của Philippines hay Indonesia, mà sẽ là vấn đề lợi ích quốc gia của Mỹ”.
Xem thế để thấy các quốc gia có “rắc rối” với Trung Quốc, trước chiến lược “xoay trục” sang châu Á-TBD của Mỹ mà vui mừng, hy vọng dựa hoàn toàn vào Mỹ để ngăn cản Trung Quốc về mặt quân sự thì đúng là ấu trĩ, mù quáng.
Về tư cách pháp lý, Mỹ càng không thể, bởi lẽ, nguyên tắc để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là phải căn cứ vào UNCLOS, trong khi Mỹ không phải là thành viên (thực chất Mỹ không chịu ký UNCLOS) thì Mỹ không có lợi thế nào, hoàn toàn là con số 0.
Trung Quốc không dám coi thường Mỹ, nhưng trên Biển Đông, Trung Quốc quá hiểu Mỹ, quá hiểu kiểu thực dụng của Mỹ, Mỹ chưa phải là vấn đề lớn cản trở trực tiếp ý đồ của Trung Quốc. Mỹ là đối tượng mà Trung Quốc còn có thể thương lượng và dễ thương lượng nhất.
Như vậy, khi Trung Quốc không bao giờ tự nguyện từ bỏ tham vọng đó thì muốn Biển Đông “lặng sóng” chỉ còn cách duy nhất là BUỘC Trung Quốc phải từ bỏ tham vọng chiếm Biển Đông thành “ao nhà”.
Chúng ta phải tỉnh táo để nhận biết rằng, trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng hiện nay, liệu có tồn tại những “vạch đỏ” mà Trung Quốc chưa dám vượt qua hay không? Nếu chúng ta nhận biết được những “vạch đỏ” đó, biết khai thác triệt để, tăng cường củng cố, xây dựng làm sâu sắc thêm những “vạch đỏ” đó…thì tin chắc rằng Biển Đông chưa và sẽ không bao giờ biến thành biển lửa.
Và, đây là những “vạch đỏ” mà Trung Quốc không muốn nhìn thấy và chưa dám vượt qua:
Thứ nhất, Biển Đông bị quốc tế hóa.
Trên biển Đông, Nga âm thầm có sẵn từ lâu, Mỹ thì đã, đang rầm rộ kéo sang và Nhật Bản thì đang tích cực triển khai lực lượng, ngay Ấn Độ thì thẳng thừng bác bỏ quan điểm của Trung Quốc coi chuyện tranh chấp trên khu vực châu Á-TBD là chuyện nội bộ…thì chứng tỏ Biển Đông…không phải là hẹp mà đủ rộng cho các nước lớn quan tâm và Trung Quốc cũng chỉ là một phần trong đó. Muốn “lộng quyền” ư? Không thể và không dễ “áp đặt lối chơi”.
Thứ hai, khả năng hình thành một liên minh chống Trung Quốc nếu Trung Quốc gây chiến.
Liên minh đáng ngại nhất là của các nước bị Trung Quốc bắt nạt, chèn ép với sự ủng hộ, hậu thuẫn của Mỹ, Nga, Ấn và Nhật Bản. Liên minh này tạo ra một địa quân sự vô cùng nguy hiểm cho Trung Quốc và chắc chắn gây nên thảm bại cho Trung Quốc nếu động thủ. Nếu dù không thảm bại thì cũng bị sa lầy trong khi các đối thủ kia nhởn nhơ…cũng khiến Trung Quốc không dại.
Cuối cùng, “vạch đỏ” nguy hiểm nhất là khả năng đương đầu của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam trước tình huống chủ quyền lãnh hải của mình nguy cơ bị xâm hại.
Bản lĩnh, tự tin, chủ động, chuẩn bị đủ để giáng trả của bất kỳ một quốc gia nào trước kẻ thù cũng đều là yếu tố để kẻ gây chiến phải suy nghĩ nhiều lần.
Ba “vạch đỏ” này liên kết với nhau sẽ tạo ra một chướng ngại “bùng nhùng” không thể vượt qua. Đó cũng chính là sự răn đe, ngăn ngừa chiến tranh trên Biển Đông và cũng là nguyên nhân chính buộc Trung Quốc phải từ bỏ tham vọng chiếm Biển Đông thành ‘ao nhà” của mình.
Đối với chúng ta, không còn cách nào khác là phải làm sâu sắc thêm những “vạch đỏ” này. Thực chất đây cũng là những vấn đề cụ thể trong chiến lược, sách lược lớn của Đảng, nhà nước ta trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nhưng, tổ chức thực hiện những vấn đề này vào lúc nào, như thế nào và ở đâu…để đạt hiệu quả cao nhất là nghệ thuật, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
Ít nhất cho đến lúc này, dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tài thao lược, nghệ thuật chỉ đạo, lãnh đạo một dân tộc bảo vệ Tổ quốc, bản lĩnh và trí tuệ với sự dầy dạn kinh nghiệm của Đảng, quân đội Việt Nam thì không ai nghi ngờ.
Thế giới đã từng chứng kiến mới đây, sự đụng độ giữa Đài Loan và Nhật Bản và được giải quyết ổn thỏa bằng một hiệp định đánh cá chung. Có thể 45 phát súng của Philipines sẽ như một mũi kim đâm vào khối u nưng mủ để tạo ra một kết quả không vui cho Trung Quốc nhưng lành cho mối quan hệ Phi-Đài là sẽ có một hiệp định đánh cá chung với Đài Loan.
Đằng sau những phát súng của Philipines, Trung Quốc phải suy nghĩ, lo lắng. Phải chăng Trung Quốc đã quá đà, dồn Philipines đến chân tường, quên mất câu “con giun xéo lắm cũng quằn”? Phải chăng tình thế hiện tại đã được Nhật Bản, Mỹ hà hơi tiếp sức khiến Philipines sắn sàng một mất một còn với Trung Quốc? Phải chăng có một “Bắc Triều Tiên” theo kiểu cách của Trung Quốc đang xuất hiện ở ĐNA?
Philipines khác Việt Nam, không có “núi liền núi, sông liền sông” với Trung Quốc nên họ bất chấp cuộc chiến trên biển có mở rộng đến đâu dù có yếu kém về lực lượng Hải quân khiến Trung Quốc rất dễ sa lầy.
Chưa biết chừng, một “giấc mơ Trung hoa” trong một giấc ngủ say nồng cũng có khi tan vỡ chỉ bắt đầu bằng “một con kiến đen”.
ngocthong19.5@gmail.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Biển đông vẫn ko bao chừ bình an
Trả lờiXóaChúc lão Cá Mập luôn bình an giấc nồng
Mọi kỷ niệm vẫn tươi màu hồng (~_~)
hay lắm chú, cho cháu mượn đăng lên facebook được k ạ?
Trả lờiXóaOK! Mong sao các góc nhìn đều tập trung vào một điểm.
Trả lờiXóaThanks !
Trả lờiXóa