Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Tấn công IS, Mỹ dập lửa bằng xăng!


Nuôi dưỡng các tổ chức thánh chiến để tạo ra lực lượng đối lập là phương thức can thiệp, lật đổ, hữu hiệu nhất trong trò chơi địa chính trị của Mỹ.
Đúng một thập kỷ kể từ khi Liên Xô tan rã, cũng là thời gian Mỹ trở thành siêu cường số 1 thế giới thì xảy ra sự kiện khủng bố tấn công nước Mỹ sát hại hơn 3000 người. Ngày 11/9/2001 là ngày khủng khiếp nhất của lịch sử nước Mỹ và cũng là thời điểm bắt đầu cho chiến lược chống khủng bố toàn cầu do Mỹ đứng đầu phát động.
Cho đến thời điểm này, quan sát đánh giá phương thức chống khủng bố toàn cầu của Mỹ, nói theo cách ví von của các nhà chính khách thì đây là một “trò chơi” địa chính trị, nhưng, “trò chơi” này thực chất là một cuộc chiến địa chính trị của Mỹ nhằm duy trì, củng cố vị trí bá chủ thế giới tuyệt đối của mình. Trong cuộc chiến này, Mỹ dùng cái mác “chống khủng bố” để lật đổ nốt những quốc gia nào có địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế quan trọng mà không theo cái gậy chỉ huy của Mỹ. Có thể nói, cuộc chiến vì dầu mỏ có vẻ như hợp lý, đúng bản chất nhất thay vì cái tên cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động trong thời gian qua.
Lợi ích của Mỹ trong sách lược “nuôi và giết thịt”.
Kẻ thù của của Mỹ trong cuộc chống khủng bố toàn cầu của Mỹ được xác định là các tổ chức khủng bố hồi giáo cực đoan, các quốc gia có liên can với tổ chức khủng bố, các quốc gia tài trợ chứa chấp khủng bố…Thế nhưng trớ trêu thay, những đối tượng đó trước khi trở thành “khủng bố” đều là bạn thân của Mỹ, được Mỹ hoặc là hà hơi tiếp sức, nuôi dưỡng như Bin Laden và tổ chức Al-Qeada, Taliban, hoặc là tạo ra mảnh đất màu mỡ để phát triển như IS, các tổ chức đối lập tại Syria, Lybia…
Năm 1979, Liên Xô đổ quân vào Afghanistan để cứu nguy cho chế độ thân Liên Xô thì Mỹ không ngồi yên. Mỹ cung cấp vũ khí trang bị hiện đại hàng tỷ USD cho Tổ chức thánh chiến cực đoan Taliban để chống lại. Liên Xô sa lầy rút quân năm 1989, Taliban lên nắm quyền và một nhà nước hồi giáo cực đoan ra đời. Có lẽ không ai tưởng tượng nổi giai đoạn cầm quyền của Taliban tại Afghanistan họ đã ban hành những đạo luật gì để áp đặt ý chí chính trị (hồi giáo cực đoan) lên toàn xã hội, chỉ biết rằng sau vụ khủng bố kinh hoàng tại nước Mỹ (11/9/2001) Bin Lade và al-Qaeda được coi là chủ mưu, trong khi đang được Taliban chứa chấp, che dấu…
Năm 2001, Mỹ-NATO tấn công Afghanistan vì dung túng, chứa chấp Bin Laden và tổ chức hồi giáo cực đoan al-Qaeda, nhưng, sự thật lấp ló đằng sau là Mỹ-NATO muốn khử chế độ Taliban bất trị và để kiểm soát hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan qua Afghanistan tới Pakistan và Ấn Độ.
Năm 2003, Mỹ tấn công trực tiếp vào Iraq vì Iraq có liên can với al-Qaeda và có “vũ khí giết người hàng loạt”, nhưng, sự thật lấp ló đằng sau là để kiểm soát các trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của Iraq khi ông Tổng thống Saddam Hussein đã tỏ ra không chịu nghe theo gậy chỉ huy của Mỹ. Có thể nói, mặc dù là một nhà nước hồi giáo, nhưng dưới sự cầm quyền của Saddam là một nhà nước hồi giáo ôn hòa, đã khống chế, kiềm tỏa rất chắc chắn các tổ chức hồi giáo khác trong nước. Chỉ đến khi Mỹ tấn công xóa bỏ chế độ này thì các tổ chức hồi giáo cực đoan được tháo cũi, “hưởng nền dân chủ” của Mỹ nhưng không theo kiểu Mỹ mà theo kiểu của “hồi giáo cực đoan”, dẫn đến tình hình Iraq như bây giờ…
Năm 2011, với lý do bảo vệ người dân Lybia bị chính quyền của Tổng thống Libya Muammar Gaddafi đàn áp, Mỹ-NATO tấn công Lybia, nhưng sự thật lấp ló đằng sau là, thứ nhất do Gaddafi không tiếp tục duy trì những quy tắc cũ vốn được xác lập giữa chính phủ các nước sản xuất dầu và các công ty dầu mỏ lớn của Mỹ, NATO, Gaddafi đã dám quốc hữu hoá phần lớn các cơ sở sản xuất dầu mỏ ở Libya và nắm quyền kiểm soát giá cả từ các công ty dầu khí ở đó để khẳng định quyền kiểm soát nguồn dự trữ dầu quốc gia mình. Thứ hai là đánh bật Trung Quốc ra khỏi Bắc Phi, Trung Quốc là nạn nhân và đau như hoạn về vụ này khi bị “bật bãi”. Thứ ba là dầu mỏ ở Lybia rất tốt (dầu thô ngọt), khai thác rất dễ và có trữ lượng thứ 7 của thế giới lại có một địa chính trị rất quan trọng. Và, kết quả tình hình chính trị, quân sự ở Lybia bây giờ là đã mất kiểm soát, chính phủ do Mỹ-NATO dựng lên đã tan rã, nội chiến xảy ra (tất nhiên là có sự tham gia của các tổ chức hồi giáo) khiến Mỹ và NATO bỏ của chạy lấy người.
Đến đây, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận sạch trơn việc chống khủng bố. Chúng ta hoàn toàn ủng hộ chống khủng bố và lên án hành động tàn ác vô nhân đạo của các tổ chức khủng bố, nhưng chúng ta không ủng hộ việc lợi dụng chống khủng bố để can thiệp, lật đổ, xâm lược các quốc gia khác vì mục đích chính trị và kinh tế.
Trên lục địa Bắc Phi, cuộc nổi loạn và sự trả thù các phiến quân nổi loạn ở Somalia là một ví dụ tồi tệ nhất. Cuộc thảm sát ở Rwanda năm 1994 khiến gần 1 triệu người thiệt mạng. Somalia là một chính quyền hỗn loạn, tan rã và thất bại, nước này không có chính phủ ổn định kể từ năm 1991. Vậy tại sao Mỹ-NATO không can thiệp cứu lấy cuộc sống của thường dân vì Somalia? Lòng căm thù và sự xung đột sắc tộc giữa người Hutu và người Tutsi gây ra tội ác diệt chủng kinh hoàng. Mỹ-NATO khoanh tay đứng nhìn bất chấp sự hiện diện vô vọng của quân LHQ, hay như Cộng đồng Kinh tế Tây Phi phải chi hàng tỷ USD vào việc giữ gìn hòa bình và ổn định cho Liberia và Sierra Leone, nhưng Mỹ-NATO không hề có gợi ý can thiệp quân sự để bảo vệ tính mạng cho thường dân vô tội ở đây? Phải chăng những nước này không giống LibyaIraq: không có dầu mỏ?
Rõ ràng là những tổ chức hồi giáo cực đoan hay là nhà nước hồi giáo cực đoan này với Mỹ luôn luôn đối đầu về ý thức hệ mà biểu hiện rõ nhất là họ không thể chấp nhận được dân chủ kiểu Mỹ, cho nên, dứt khoát và tất yếu sẽ phản bội lại nhau. Vấn đề là tại sao Mỹ lại thường chơi và cưu mang, nuôi dưỡng lực lượng này như chơi với dao? Tại sao biết việc “cưỡng dâm chính trị” các nước ở Trung Đông, Bắc Phi sẽ sinh ra những “đứa con hoang” hung hãn, thánh chiến cực đoan như IS…sẵn sàng khủng bố lại mình, nhưng Mỹ-NATO vẫn không ngại ra tay hành động?
Câu trả lời chính xác là lợi ích. Lợi ích chính trị, lợi ích kinh tế và là phương cách khả thi nhất để đạt được lợi ích, nên Mỹ bất chấp dù có thể bị đứt tay.
IS đã đến lúc “giết thịt”dễ dàng?
Iraq đã không có gì lạ đối với Mỹ khi tiêu diệt IS. Không ngăn chặn, diệt IS thì coi như công gây dựng hơn 10 năm trời tại Iraq của Mỹ mất trắng. Tuy nhiên điều chúng ta quan tâm ở đây là IS lại có căn cứ tại SyriaSyria thì…như một cái gai trong mắt, Mỹ cần phải nhổ. Vậy liệu Mỹ có nhân việc tiêu diệt IS trên đất Syria có thuận tay lật đổ luôn chính quyền hiện tại ở Syria hay không?
Điều đáng tiếc cho Mỹ là IS lại là lực lượng không đội trời chung với chính quyền của TT Syria Bashar al-Assad, vũ khí hóa học tại Syria đã được thu hồi, giải giáp, thì liên minh Mỹ và hơn 40 quốc gia trên thế giới để chống IS không có cớ để đánh hội đồng vào Syria. Hơn nữa, Syria là đồng minh thân cận của Nga, trong khi Nga đang ở trong tình thế rất dễ “bức xúc” thì đụng vào Syria không khéo lại xảy ra chuyện lớn với Trung Đông và thế giới như các nhà phân tích đã nhận định.
Trên chiến trường, chiến thắng đầy đủ ý nghĩa khi chỉ khi người lính xuất hiện và làm chủ, do vậy, thay vì người lính Mỹ, hay liên minh chống IS chưa xuất hiện chỉ là những trận không kích thì với lực lượng IS chỉ là như “nước đổ đầu vịt”, hãy khoan nói đến chiến thắng, hãy khoan nói đã tiêu diệt hết IS.
Đối tượng tác chiến của Mỹ và liên minh không bạc nhược như họ thường gặp, IS là một tổ chức khủng bố lại có tính nhà nước nên rất linh hoạt và có ý chí chiến đấu rất khác với tổ chức al-Qaeda. TT Mỹ Obama đã cay đắng thừa nhận đã đánh giá thấp khả năng, sức mạnh của IS, tướng Mỹ cũng thừa nhận IS đã thích nghi rất nhanh bởi cuộc không kích…điều đó có nghĩa là bằng không kích thì chẳng “giết thịt” được IS.
Bin Laden từng khẳng định: “Khi người ta nhìn thấy một con ngựa khỏe thì họ sẽ thích con ngựa đó”. Làm gì để người ta thấy đó là “con ngựa khỏe”, IS đã khiêu khích Mỹ, Anh, Pháp…bằng cách chặt đầu công dân của 3 nước này, đe dọa tấn công khủng bố…Việc được đối đầu với Mỹ, Anh, Pháp đã khiến một tổ chức cực đoan Hồi giáo trở nên mạnh mẽ, IS đã thu hút hơn 2.000 người châu Âu và 100 người Mỹ. Rõ ràng, một cuộc chiến chống Mỹ sẽ là công cụ tuyên truyền hiệu quả để giúp IS vận động sự ủng hộ đông đảo hơn của người Hồi giáo cực đoan trên phạm vi toàn cầu.

Như vậy, việc “cưỡng dâm chính trị” Iraq đã sinh ra đứa con IS ngoài ý muốn. Nếu Mỹ tiêu diệt IS cùng với mục tiêu lật đổ TT  Syria Bashar al-Assad để kiếm lợi, thì tình hình càng vô cùng hỗn độn, không lường trước được, điều chắc chắn là là sẽ xuất hiện thêm nhiều IS khác mà mức độ còn nguy hiểm hơn. Còn dốc sức vào chỉ một mục tiêu là diệt IS thì kết quả lời lỗ được tính vào Iraq, đơn giản Mỹ chỉ giải quyết hậu quả mà thôi. Tuy nhiên, với phương cách tiêu diệt khủng bố của Mỹ như từng áp dụng xảy ra, tư duy quân sự trên chiến trường Syria bị ràng buộc bởi chính trị như hiện nay là bất hợp tác với Iran, Syria, nếu không thay đổi, Mỹ  không thể đánh bại IS. Hành động quân sự của Mỹ như "dập lửa bằng xăng".

3 nhận xét:

  1. Vẫn bình yên chứ chàng Cá Mập ơi? Cuối tùn có đc nghỉ ngơi ko rứa ?
    Chúc vạn điều an lành nha (~_~)

    Trả lờiXóa
  2. Bạo lực sẽ sinh ra bạo lực, với cách thống trị thế giới của Mỹ và Nato hiện nay tất yếu sẽ còn sinh ra những vụ kinh khủng hơn vụ 11/9 và sinh ra những kẻ hơn cả Binladen. Nhưng đáng buồn thay đang tồn tại Nato là đang tồn tại kiểu săn mồi theo bầy đàn. "Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo" là phác đồ điều trị bất ổn theo phương pháp "thuốc ĐôngY" cần thời gian kèm theo kiêng kỵ nhưng trừ được gốc bệnh.

    Trả lờiXóa