Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Chiến hạm tên lửa Sigma có phù hợp trong phòng thủ biển Việt Nam?


Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố việc Hải quân Việt Nam đã chính thức ký hợp đồng mua 2 chiến hạm lớp Sigma của Hà Lan, một chiếc được đóng tại Hà Lan và chiếc còn lại sẽ được đóng tại Việt Nam theo giấy phép chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Damen.
Không chắc chắn độ chính xác của tin này vì không phải công bố của Việt Nam, tuy thế, các trang tin quân sự báo chí trong nước đã bình luận, đánh giá tính năng kỹ chiến thuật của Sigma 9814 với tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 hiện có và cho rằng Sigma nổi trội hơn, như về radar, tên lửa phòng không, tên lửa diệt hạm (tầm bắn xa)...
Tuy nhiên, tính năng kỹ, chiến thuật của một loại vũ khí, phương tiện nào đó mới chỉ là một vấn đề. Điều quan trọng hơn nhiều, là tàu hộ vệ tên lửa Sigma có phát huy tác dụng trong hệ thống phòng thủ biển của Việt Nam hay không lại mang tính quyết định. Hơn nữa, do vũ khí ta không sản xuất được mà phải mua của nước ngoài, cho nên, yếu tố chính trị tác động cũng là vấn đề quan tâm lớn của an ninh quân sự.
Trong bài viết này, ở góc nhìn khác, chúng ta đánh giá Gepard 3.9 và Sigma 9814 theo góc nhìn chiến thuật và những tác động ảnh hưởng đến hoạt động chiến đấu của chúng, để từ đó rút ra liệu Sigma có tăng cường sức mạnh trụ cột cho Hải quân Việt Nam hay không.
Trước hết đánh giá về chất lượng vũ khí. Bất kỳ một loại vũ khí phương tiện nào, khi đánh giá chất lượng người ta đều căn cứ 3 tiêu chí: độ tin cậy, độ bền và cách sử dụng.
Độ tin cậy: Đó là vũ khí được thử lửa qua chiến tranh hay những cuộc thử nghiệm sát thực đã chứng tỏ độ chính xác, tính hủy diệt và sự lợi hại với đối phương.
Độ bền: Đó là sự hoạt động của nó trong điều kiện môi trường khắc nghiệt phải luôn đảm bảo. Môi trường khắc nghiệt ở đây có thể là thời tiết và chủ yếu là hoạt động chiến đấu luôn ở chế độ tối đa hoặc tối thiểu nhưng không hỏng hóc ảnh hưởng đến tính năng kỹ chiến thuật. Bảo quản dễ dàng, đơn giản.
Cách sử dụng: Đó là sử dụng dễ hay khó, tính cơ động, triển khai chiến đấu nhanh hay chậm.
Nếu như 3 tiêu chí này của vũ khí, phương tiện quân sự nào đó đều đảm bảo thì đó là loại vũ khí tốt, chất lượng, cho nên, Sigma 9814 được chúng ta quan tâm, vì có một số tính năng kỹ, chiến thuật nổi trội hơn Gepard 3.9. Tuy nhiên, đối với vũ khí công nghệ cao, quyết định mua sắm hay không phải hội đủ 3 yếu tố sau đây:
Thứ nhất, mua vũ khí là phải tính đến đối tượng tác chiến trực tiếp, trước mắt và lâu dài là ai, kẻ đó có liên quan gì đến người bán và đương nhiên, phải hiểu người bán là ai, độ tin cậy đến mức nào...Có như vậy mới tránh được yếu tố chính trị tác động vào chất lượng của vũ khí và hoạt động chiến đấu của vũ khí.
Có thể nói, tàu hộ vệ tên lửa Sigma hệ thống chỉ huy do Pháp sản xuất, tên lửa diệt hạm, radar cũng do Pháp, trong khi Pháp là nhà cung cấp vũ khí không đáng tin cậy, thường bị áp lực chính trị chi phối. Vụ Argentina điêu đứng bởi tên lửa diệt hạm Exocet, chúng ta đã biết; vụ Iraq, Tổng thống Saddam Hussein, từng mua các vũ khí Pháp, trong đó có hệ thống phòng không và radar. Vào thời điểm quan trọng, tất cả các thiết bị điện tử đều bị tắt từ xa thông qua một vệ tinh. Giống như vũ khí Pháp, vũ khí Mỹ…cũng có thể bị “tắt” từ xa; vụ tàu Mistral của Nga...Tất cả những điều này không ai có thể chắc rằng nó không bao giờ xảy ra với Việt Nam.
Còn nhớ trong cuộc chiến chống không quân Mỹ, khi Ai Cập đã để tên lửa SAM-2 của Liên Xô viện trợ, rơi vào tay Mỹ thì bộ đội tên lửa của chúng ta đã tổn thất không biết bao nhiêu xương máu mới phát hiện ra nguyên nhân tên lửa không phát huy hiệu quả, bắn lên là rơi... và cùng với chuyên gia Liên Xô phải khắc phục hơn 1 năm trời hậu quả lộ công nghệ, mới có được chiến thắng trên bầu trời Hà Nội.
Vì thế Sigma 9814 không có độ tin cậy về chính trị (không phải lý do về kỹ thuật), cho nên, về nguyên tắc là không mua.
Thứ hai, khi mua những loại phương tiện vũ khí chủ yếu tạo nên sức mạnh trụ cột của quân đội như tàu ngầm, máy bay, tên lửa…thì nhất thiết phải làm chủ được phần gốc của công nghệ để cải tiến kỹ thuật, tạo ra sự độc đáo, đồng thời đảm bảo đủ vật tư thiết bị kỹ thuật thay thế, sửa chữa, tự chủ được đạn dược…theo tinh thần “mua đứt bán đoạn”, hạn chế tuyệt đối không để an ninh quân sự bị nước ngoài khống chế.
Mua Sigma, Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ đóng tàu của Hà Lan, nhưng các sỹ quan, cán bộ kỹ thuật quân sự, muốn làm chủ công nghệ về tên lửa của Pháp để có cơ hội cải tiến, tạo ra sự bất ngờ, độc đáo là chuyện mơ giữa ban ngày.
Vũ khí chính của Sigma 9814 và Gepard 3.9 là tên lửa diệt hạm Exocet và Kh-35E, tuy nhiên, tên lửa Kh-35E có một vị thế tầm chiến lược cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam.
Trước hết, loại tên lửa này, Kh-35E hiện là loại vũ khí chống hạm chủ lực trên các tàu chiến mặt nước của Hải quân Việt Nam và Gepard 3.9. Việt Nam và Nga đang hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ. Và có thể nói, hiện tại chúng ta đã hoàn toàn tự chủ được tên lửa Kh-35 cho ý đồ chiến thuật.
Tiếp theo là loại tên lửa này giá rẻ, nhỏ, nhẹ, nên bố trí nhiều quả trên một phương tiện (dạng tàu hộ vệ tên lửa Monliya lắp 16 quả) và không cần nhiều phương tiện cùng một lúc, rất phù hợp với chiến thuật “lực lượng phân tán nhưng hỏa lực tập trung”, lấy nhỏ (nhưng nhiều) đánh lớn (nhưng ít) trong Nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Cuối cùng là, do hệ thống điều khiển gọn nhẹ, tổ hợp phóng đạn có kích thước nhỏ, do đó, tên lửa Kh-35 trên thực tế trở thành vũ khí phi đối xứng, phi tiêu chuẩn do có thể lắp được trong các container nhỏ 20’ trên các loại tàu, thuyền chở hàng cũng như du lịch, hoặc trên các căn cứ nhỏ ven biển, hải đảo nhỏ, nhà dàn, rất phù hợp với những lối đánh sở trường, độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Tuy nhiên, do Nga chế tạo ra tên lửa Kh-35 là để đáp ứng chiến thuật tác chiến nào đó trong nghệ thuật quân sự  Nga, nên khi xuất khẩu thì tất nhiên, sẽ tồn tại một số vấn đề chưa đáp ứng với yêu cầu chiến thuật của Việt Nam. Chẳng hạn như:
- Tầm bắn của tên lửa chưa đủ xa, do đó buộc các phương tiện mang tên lửa phải đi vào vùng hoạt động của hệ thống phòng không tầm xa của đối phương.
- Tốc độ bay của tên lửa tương đối thấp, do đó khả năng bị hỏa lực phòng không của tầu đối phương đánh chặn là tương đối cao.
- Hệ thống điều khiển tên lửa chưa cho phép tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu trên bờ biển và vào sâu trong đất liền.
Nhưng, tên lửa diệt hạm Kh-35 có một đặc điểm là nó cho phép cải tiến nâng cấp không giới hạn, như có thể sử dụng nhiên liệu có hiệu năng cháy tốt hơn để làm tăng tầm bắn của tên lửa… Nga đã phát triển biến thể cải tiến Kh-35UE có tính năng cao gấp 2-2,5 lần so với Kh-35E và tầm bắn 260 km, gấp đôi Kh-35E. Đây là điều mà khi hợp tác sản xuất với Nga, Việt Nam không thể không tính đến và Việt Nam cũng đã có thừa kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Còn tên lửa chống hạm Exocet của Pháp, có thể nổi trội hơn về một số tính năng, nhưng Việt Nam không tự chủ được nó, không khống chế được nó, thì đương nhiên sẽ không thể sáng tạo trong sử dụng, trong lối đánh, trong thế bố trí lực lượng.
Thứ ba, những loại vũ khí đó phù hợp với lợi thế địa lý, phù hợp với yêu cầu chiến thuật, làm thăng hoa lối đánh mà không làm thay đổi tư tưởng, nghệ thuật quân sự. Đây là yếu tố then chốt có tính quyết định.
Việt Nam là một đất nước có chiều dài và hẹp cho nên rất nhạy cảm bởi sự chia cắt chiến lược. Bởi vậy, đã qua rồi thời kỳ đón đợi giặc ở cửa sông, luồng lạch trong vùng nội thủy hay lãnh hải, chúng ta ngày nay phải tác chiến ngay ở vùng biển xa bờ, tạo cho đất liền một không gian phòng thủ đủ rộng, một thời gian chuẩn bị đối phó kịp thời. Đó cũng chính là tư tưởng, mục tiêu của chiến lược chống tiếp cận của Việt Nam,  một nước có bờ biển nhưng khả năng quân sự hạn chế, bị các nước có vũ khí, phương tiện, hiện đại hơn đe dọa dùng vũ lực. 
Nội dung của chiến lược chống tiếp cận là phòng thủ từ xa trên 3 khu vực: trên không, trên mặt biển và trong lòng biển trong đó phòng thủ từ xa trong lòng biển là then chốt. Ở đây chúng ta chỉ quan tâm đến phòng thủ từ xa trên mặt biển và Gepard, Sigma ở đâu trong chiến thuật đó.
Có thể nói, để phòng thủ từ xa trên mặt biển, thời gian qua Việt Nam đã mua sắm đủ một bộ khung các phương tiện vũ khí cho tác chiến tầm xa.
Trong tay Việt Nam đã có tàu Gepard, KILO, SU-30MK2, Bastion-P, S-300…Đây là những loại vũ khí của Việt Nam mà nếu như bố trí hợp lý, khoa học, trong các thế trận định sẵn thì có thể tác chiến có hiệu quả cao trong khu vực Trường Sa.
Với Gepard và cả Sigma, mặc dù nó có thể hoạt động độc lập, nhưng trước một đối tượng tác chiến trực tiếp đông, mạnh, như Hải quân Trung Quốc thì hình thức đó không phù hợp. Đó không phải là cách đánh trong nghệ thuật quân sự bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam.
Sức mạnh của hệ thống phòng thủ biển của Việt Nam cũng như trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp về thế, thế địa lý, tạo nên một thế trận vững chắc, liên hoàn, bí hiểm, lợi hại. Vì thế, Gepard 3.9 như con báo đen trên biển, luôn rình mồi và xuất phát tấn công luôn trong tầm bảo vệ của không quân, của hệ thống phòng thủ bờ và các tàu tên lửa, phóng lôi loại nhỏ. Do đó, hệ thống phòng không của Gepard mạnh hay yếu hơn Sigma chưa khiến Việt Nam lo lắng, vấn đề quan trọng là khả năng tiêu diệt tên lửa hành trình chống hạm tầm gần thì Gepard lại nổi trội hơn Sigma và đó mới là điều Việt Nam cần và đặc biệt là khả năng chống ngầm của 2 chiếc Gepard tiếp theo, với 6 Kilo và các phương tiện chống ngầm khác cùng hoạt động trong chiến lược chống tiếp cận, phòng thủ từ xa dưới lòng biển, lại mang yếu tố quyết định sống còn của hệ thống phòng thủ biển của Việt Nam...
Như vậy, nếu xuất hiện Sigma thì vị trí, phương thức hoạt động của Sigma cũng không thể khác hơn Gepard, nó chỉ tăng cường lực lượng chứ không thay đổi thế trận.
Tăng cường thêm lực lượng là tốt, nhưng nếu như lực lượng tăng thêm không kết nối được hoặc kết nối khó khăn vào hệ thống phòng thủ liên hoàn đã có sẵn, như hệ thống chỉ huy, thông tin liên lạc...thì việc tăng cường là không cần thiết. Khi đó, lực lượng này, Sigma 9814 cũng chỉ hoạt động độc lập mà hoạt động tác chiến độc lập... thì như trên đã nói chẳng là gì so với lực lượng của đối phương.
Sigma có mớn nước nhỏ thuận tiện cho hoạt động vùng lân cận Trường Sa? Không cần thiết, bởi tác chiến bảo vệ Trường Sa thì đó không phải là những vị trí đợi cơ hay xuất phát tấn công của Sigma hay Gepard.
Sigma có radar hiện đại, nhìn xa, nắm được nhiều mục tiêu nên quản lý được một vùng biển rộng? Không cần thiết, vì hệ thống quan sát biển trên bờ của Việt Nam chỉ cần một trung đoàn Radar trên đỉnh Sơn Trà cũng thừa sức làm việc này, trong khi Sigma kết nối, chia xẻ thông tin, với các phương tiện khác như Su-30, Gepard hay Bastion-P gặp rất nhiều khó khăn.
Thực tế không cần tăng cường Sigma, Gepard vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì tại sao chúng ta lại không dành khoảng hơn 1 tỷ USD đó mua sắm thứ khác cho nhiệm vụ chống ngầm – nhiệm vụ quyết định sự thành bại của phòng thủ biển?
Hiện nay, hầu như khung lực lượng tác chiến tầm xa tạo nên xương sống, trụ cột sức mạnh phòng thủ biển của Việt Nam đều là vũ khí mua sắm của Nga. Nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam coi KILO, Gepard, Bastion-P, Su-30...là nhất, “kịch trần” mà phải phát triển, mua sắm, chế tạo những loại vũ khí khác tiên tiến, hiện đại hơn để bảo vệ vũng chắc chủ quyền trong mọi tình huống. Vì thế, đa dạng hóa nguồn cung vũ khí là một việc cần thiết nên làm, nhưng khi chúng ta còn nghèo thì phải tính toán cẩn thận, hợp lý.

Chừng nào một Bộ tổng tham mưu mà có hai hệ thống chỉ huy, tức là khoa học công nghệ quân sự của ta chưa có khả năng kết nối, hòa mạng, làm chủ các loại vũ khí Nga-Mỹ-Nhật-phương Tây mua được, thì đừng vội thấy tính năng kỹ, chiến thuật tiên tiến, hiện đại của thứ vũ khí nào đó mà ham. Chừng nào, một loại vũ khí nào đó của bất kỳ quốc gia nào, dù tiên tiến, hiện đại bao nhiêu, nhưng khiến cho ta phải rời bỏ lối đánh sở trường, thay đổi học thuyết, nghệ thuật quân sự, không phát huy được nghệ thuật chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc thì đó là những loại vũ khí không phù hợp với Việt Nam.

9 nhận xét:

  1. Chào anh N.Thống, tôi rất quan tâm các bài viết và bình luận của anh. Đọc bài này hay quá, T đã viết "còm" dài, ko hiểu sao bị xóa bay. Viết lại vậy: tôi rất đồng ý "khi chúng ta còn nghèo thì phải tính toán cẩn thận, hợp lý" và điều quan trọng hơn: Vũ khí phải phù hợp địa hình, địa thế VN, lối đánh sở trường, nghệ thuật CTND của VN. Tôi e rằng chiến lược phòng thủ bờ biển còn nhiều bất ổn, chưa hợp lý. Tôi thấy: các VK hiện đại VN mua thế là tạm đủ (lực ta có hạn, ko thể chạy đua...). Điều quan trọng hơn, là tìm lối đi thích hợp: Thay vì mua thêm 2, 3 SIGMA quá tốn kém, khó làm chủ kĩ thuật và dễ bị đối phương "khóa"bằng vệ tinh, hãy chuyển số tiền đó sang đủ làm 150- 200 tàu "lá tre" cao tốc quân sự, quy mô 1 tiểu đội, với 1 đại liên, và 3-4 tên lửa tầm gần (hoặc vác vai) đủ xuyên thủng tàu chiến thông thường. Loại này ta hoàn toàn làm được, cùng lắm là mua thiết kế và cải tiến, phù hợp đồn trú phân tán từng lữ đoàn (vài mươi chiếc) trong các vụng đảo trải từ Bắc-Nam. Khi tham chiến, mươi chiếc, hai muơi chiếc vây đánh, kết hợp tàu tên lửa tầm trung...sẽ hiệu quả hơn nhiều. Đó là chưa nói về kinh tế: VN đủ sức thiết kế, SX, cải tiến; tiền không cần bỏ ra 1 lúc, hàng nghìn CBCN, hàng chục Cty sẽ có việc làm thường xuyên. Tướng lĩnh VN rất nhiều, cũng từ nông dân nghèo mà ra, vậy sao không tập trung theo hướng này mà cứ muốn mua tàu to, tiền lớn...

    Trả lờiXóa
  2. Theo tin nước ngoài là vậy, nhưng mua hay không thì chưa có tin chính thức. Nếu mua thì chắc gì đã đúng. Gần 1 tỷ đô ta mua các thứ khác hay hơn. Đồng ý với bạn về quan điểm.

    Trả lờiXóa
  3. Cái quan trọng nhất ở đây là "bạn" Pháp hay chơi trò đâm sau lưng,mà "bạn" ấy vốn chẳng ưa gì ta ( vẫn còn cay cú chuyện xưa).Cho nên,có khả năng là Sigma sẽ tắt ngúm ngay khi ta oánh nhau với bạn của "bạn" ấy.Mua chi cho uổng tiền.

    Trả lờiXóa
  4. Tất nhiên Việt Nam không phải là nền kinh tế lớn để duy trì bộ máy quân sự lớn mang tính áp đảo. Điều này không ngăn chặn được những cái đầu nóng thèm muốn các điều kiện thuận lợi của Việt Nam.
    Quả thật vũ khí khi mua sắm phải cân nhắc giữa khả năng mua sắm, với khả năng duy trì sức mạnh và khả năng đáp trả bất kỳ nền quân sự nào - không loại trừ cả đồng minh (nếu có đồng minh). Chỉ như vậy thì khoản chi quốc phòng mới đúng giá trị, là răn đe kẻ thù để được yên ổn.

    Trả lờiXóa
  5. 1 máy bay có giá = 30,40 tên lửa, 1 tàu sigma = vài trăm tên lửa. Chúng ta lại phải xây cảng, hệ thống dịch vụ bảo trì, bảo vệ cho chúng. Theo em, từ Scud, 4K44, chúng ta cho ra lò vài trăm tên lửa bờ chống hạm tầm xa. Giá rẻ, đặt đâu cũng được, chi phí bảo trì thấp. Mỗi tàu địch đầu tư cho khoảng 5 tới 7 quả. Hiệu quả hơn nhiều.

    Trả lờiXóa
  6. Bài phân tích khá hay nhưng theo tôi nghĩ thì chúng ta không nên cứng nhắc trong việc mua vũ khí, nếu mua vũ khí từ ông bạn Nga thì sẽ lệ thuộc vào chú gấu ấy hoài. tất cả vũ khí ta mua từ Nga thèng TQ đều có thậm chí còn làm nhái không chỉ hàng chục mà lên cả hàng trăm, hàng....nó đã làm chủ được công nghệ vũ khí mà ta đã mua từ Nga. Bây giờ Mỹ giở bỏ cấm vận vũ khí cho VN thì đây là cơ hội tốt để ta đa dạng hoá vũ khí(những thứ mà TQ có mơ cũng không có được). VN mua vũ khí Mỹ, Châu Âu biết rằng phải cần có thời gian để làm chủ điều đó đương nhiên là phải chấp nhận như chúng ta đã từng tiếp nhận vũ khí từ Nga. Nếu ta mua vũ khí phương tây điều quan trọng nữa là tìm được tiếng nói chung và tình giao hảo với các nước, chúng ta không vì một chút cựu thù năm xưa mà vứt đi những thứ ta đang rất cần đó là sự đồng thuận đồng cảm của quốc tế đối với VN trước sự xâm lấn của TQ. Vài lời góp gió, mong các pác chém nhẹ cho =))))))

    Trả lờiXóa
  7. mua loại nào phải xem có phù hợp với Việt Nam hay không

    Trả lờiXóa