Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Nhật Bản “cởi găng tay” thách thức Trung Quốc?


Nếu như Luật an ninh mới của Nhật Bản đã chứng tỏ Lực lượng phòng vệ Nhật Bản bây giờ đã có tính chất, tầm vóc của một cường quốc quân sự. Họ, quân đội Nhật Bản, có thể tác chiến bất cứ nơi đâu, với bất cứ ai khi an ninh của Nhật Bản, của đồng minh, bạn bè của Nhật Bản bị tấn công, đe dọa...được coi như một “mũi tên đã lắp vào nỏ” thì Sách trắng quốc phòng Nhật Bản năm 2015 đã chỉ rõ “đích” mà mũi tên hướng đến.
Trung Quốc lo ngại, phản đối quyết liệt khi cho rằng, đây hành động trỗi dậy của “chủ nghĩa quân phiệt Nhật”. Nhưng ngược lại, khu vực châu Á-TBD lại không có thái độ như vậy.
Nước cờ chiến lược sai lầm của Trung Quốc
1-      Lấy nước sau để dùng nước đi đầu, tạo điều kiện cho Nhật Bản trỗi dậy.
Kể từ năm 2010, khi GDP của Trung Quốc chính thức vượt Nhật Bản cũng là lúc tranh chấp quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư cũng được Trung Quốc đẩy lên nấc thang cuối của xung đột. Thực ra, quần đảo này, về địa chính trị, quân sự và kinh tế đối với Trung Quốc không đến mức vì nó mà sẵn sàng xung đột, chiến tranh với liên minh hùng mạnh Mỹ-Nhật Bản, nhưng chủ nghĩa dân tộc như một con dao 2 lưỡi, quá lạm dụng thì như “cưỡi trên lưng hổ” cho bất cứ chính phủ nào. Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của nó, vì thế, chuyến “ra khơi” đầu tiên để thâu tóm Biển Đông lại bị “mắc cạn” tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Đây là một sai lầm tai hại của Trung Quốc mà từ đó, làm nên chiến thắng vang dội của Đảng LDP, đưa ông Shinzo Abe, một người được Mỹ ủng hộ và có bầu máu nóng “chủ nghĩa dân tộc” không kém gì người Trung Quốc, lên làm thủ tướng.
Vụ tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Senkaku vừa qua, Nhật Bản đã được Trung Quốc dạy cho 2 bài học giá trị.
Một là, một quốc gia giàu có chỉ là nhất thời, mạnh về quân sự mới là vĩnh viễn, giàu mà không mạnh thì bị đe dọa hay trấn lột bất cứ lúc nào. Chỉ có sức mạnh quân sự của quốc gia mới bảo đảm tính ổn định, bền vững và phát triển của nền kinh tế.
Hai là, mối hận thù dân tộc của Trung Quốc với Nhật Bản chưa bao giờ mờ phai. Nhật Bản luôn bị coi là mối thù quốc nhục 100 năm chưa trả hận.
Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông Shinzo Abe thừa nhận thức sâu sắc 2 bài học này và quyết tâm tái vũ trang, xây dựng một sức mạnh quân sự đủ sức răn đe Trung Quốc, đề phòng liên minh Mỹ-Nhật không có giá trị.
Thực hiện quyết tâm này, về mặt kỹ thuật thì không mấy khó khăn với Nhật Bản khi Nhật Bản có một nền công nghiệp tiên tiến hiện đại bậc nhất thế giới. Tàu ngầm, máy bay, tàu chiến, tên lửa…nói chung là những thứ vũ khí trang bị hiện đại, Nhật Bản muốn là họ tự sản xuất chế tạo. Tuy nhiên, khó khăn nhất với chính phủ của ông Shinzo Abe là cơ chế, cụ thể là “điều 9 hiến pháp” đã trói buộc, mà muốn xóa bỏ nó thì tác động của bên ngoài mang yếu tố quyết định. Trung Quốc đã làm rất tốt vai trò tác động này khi biến mình là nguyên nhân duy nhất, nguy hiểm nhất buộc Nhật Bản phải lựa chọn.
Chỉ chưa đầy 2 năm với từng bước đi cụ thể, chính phủ của ông Shinzo Abe đã có những cách giải thích về “điều 9 Hiến pháp”, tiến tới xóa bỏ bằng Luật an ninh mới.
Không rõ Trung Quốc đi nước cờ sai lầm ở Senkaku/Điếu Ngư hay là Nhật Bản, Mỹ lợi dụng Senkaku/Điếu Ngư để “cởi trói” Nhật Bản, cho phép Nhật Bản tham gia sâu, trực tiếp vào cấu trúc an ninh Tây-TBD, nhưng, điều mà Trung Quốc không muốn, không bao giờ muốn là đối đầu với Nhật Bản tại Biển Đông bất cứ hình thức nào, thì nó đã và đang đến.
Biển Đông, như Thủ tướng Việt Nam đã cảnh báo, “…chỉ cần gián đoạn dòng hàng hóa đi qua Biển Đông thì nhiều nền kinh tế lớn không chỉ trên khu vực mà cả thế giới đều gánh chịu hậu quả khôn lường…”. Trong khi đó, sự trùng hợp “lạnh sống lưng” giữa Trung Quốc và Nhật Bản là tuyến hàng hải trên Biển Đông đều là “đường sinh mạng”, cho nên, dễ hiểu là, Biển Đông chứ không phải là Senkaku/Điếu Ngư mới là chiến trường chính của cuộc đấu Trung-Nhật vì tính chiến lược sống còn của đôi bên trên đó.
Rõ ràng Trung Quốc đã đi lộn nước cờ khi phải đối đầu với một đối thủ mạnh, truyền kiếp quá sớm là Nhật Bản mà nguy cơ “bị loại khỏi vòng bảng” đang ám ảnh bởi “lời nguyền từ Nhật Bản” không phải là điều không thể.
2- Từ bỏ sách lược “giấu mình chờ thời”.
Phải khẳng định chắc chắn mục tiêu của Trung Quốc chiếm trọn Biển Đông, biến Biển Đông thành “ao nhà” là trước sau như một, không bao giờ thay đổi, không sớm thì muộn. Vấn đề là từng giai đoạn, bước đi thực hiện chiến lược này ra sao mà thôi.
Chiến lược thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc, đúng ra phải là nước cờ cuối sau khi đã đuổi Mỹ ra khỏi ĐNA, và Tây-TBD bằng “cuộc chiến địa chính trị” mà thời gian đầu khi Trung Quốc đang thực hiện chiến lược của ông Đặng Tiểu Bình “giấu mình chờ thời” đã tỏ ra rất hiệu quả.
Đáng tiếc, Trung Quốc bị cái tăng trưởng GDP liên tục làm mờ mắt, ảo tưởng sức mạnh của mình và với truyền thống ngạo mạn, bành trướng, Trung Quốc cho rằng không cần “giấu mình”, muốn “ăn” ngay Biển Đông béo bở mà bất chấp tất cả. Hành động của Trung Quốc trong các tuyên bố chủ quyền phi lý, phi pháp và chuẩn bị quân sự để đe dọa sử dụng sức mạnh… đã bộc lộ mục tiêu, ý đồ nguy hiểm nhất quán của họ đã khiến Việt Nam, Nhật Bản… và kể cả Mỹ phản kháng với một tinh thần ngay và luôn.
Như vậy, vội vàng từ bỏ sách lược “giấu mình chờ thời”, Trung Quốc đã phạm sai lầm lớn về xây dựng thế trận, thay vì để Biển Đông tạm thời là một vùng đệm chiến lược, mở rộng vòng vây thì lại biến nó thành vùng nóng, có thể trở thành vùng chiến sự bất cứ lúc nào. Chính Trung Quốc tự thu hẹp không gian chiến lược của mình.
Tại sao Trung Quốc phản đối quyết liệt Nhật Bản tuần tra trên Biển Đông?
Thực ra, việc tuần tra trên biển, đại dương đề bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải là vấn đề thường xuyên, không có gì ghê gớm của các cường quốc biển và tuần tra trên Biển Đông, một tuyến hàng hải rất quan trọng của thế giới, cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, Trung Quốc lại ngang nhiên tuyên bố Biển Đông là chủ quyền của họ nên không ai được quyền đưa máy bay, tàu chiến vào vùng này. Hành động “tuần tra” trên vùng biển mà Trung Quốc coi là “chủ quyền” là hành động thách thức, tuyên chiến.
Đó là lý do vì sao Trung Quốc và Mỹ trở nên căng thẳng quyết liệt đến mức mà báo chí Trung Quốc cho rằng “chiến tranh với Mỹ là không thể tránh khỏi…” khi Mỹ đem máy bay, tàu chiến tuần tra trên Biển Đông và khi Nhật Bản tuyên bố sẽ “tuần tra” trên Biển Đông với sự hậu thuẫn của Philipines khi dùng căn cứ Rubic tiếp tế hậu cần cho Hải quân Nhật Bản thì Trung Quốc giãy lên như đỉa phải vôi.
Như vậy, khi Mỹ-Nhật Bản “tuần tra” trên Biển Đông thì cán cân so sánh lực lượng trên khu vực Tây-TBD mà cụ thể là trên biển Hoa Đông và Biển Đông giữa Trung Quốc với Mỹ đã hoàn toàn nghiêng hẳn về Mỹ khi Nhật Bản tham gia vào thế trận với tư cách của một cường quốc kinh tế và quân sự. Không hồ nghi gì nữa, Nhật Bản đã sẵn sàng cùng Mỹ tham chiến tại Biển Đông nếu như Trung Quốc có ý đồ chiếm Biển Đông, biến thành “ao nhà”, tức là ngăn chặn, phong tỏa tuyến hàng hải sống còn của Nhật Bản trên Biển Đông và đe dọa an ninh Mỹ…


Trước việc “tuần tra” của Mỹ và Nhật Bản trên Biển Đông, Trung Quốc chỉ có thể hoặc là bằng vũ lực, xua đuổi hay đánh đuổi lực lượng tuần tra của Mỹ-Nhật Bản ra khỏi Biển Đông hoặc là tôn trọng luật chơi chung. Trung Quốc chỉ có 2 đề chọn một.

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Mỹ đang “kích” Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông?



Trung Quốc tố cáo “Mỹ đang đẩy Trung Quốc vào cùng đường” hay Trung Quốc lợi dụng Mỹ để “đục nước béo cò”?
Nếu như nói rằng, từ động thái của Mỹ trong thời gian qua, đặc biệt là tuyên bố, hành động thị sát Biển Đông của vị Tư lệnh Hạm đội TBD của Mỹ đã được Trung Quốc đáp trả bằng cuộc diễn tập bắn đạn thật trên Biển Đông là khập khểnh, thiếu căn cứ.
Mỹ “tuần tra” Biển Đông bởi máy bay, tàu chiến, thậm chí kéo cả máy bay B-52 sang diễn tập ném bom…theo logic chính là thách thức tuyên bố chủ quyền (phi pháp, phi lý) toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc. Do vậy, về nguyên tắc thì Trung Quốc phải hành động để đáp trả tương xứng, cụ thể là phải tấn công, xua đuổi lực lượng này của Mỹ và đồng minh ra khỏi Biển Đông tức là phải đưa những lực lượng này của đối phương vào nội dung bài tập (mục tiêu giả định). Thế nhưng, cuộc diễn tập hùng hậu vừa qua của Trung Quốc trên  khu vực TN đảo Hải Nam và ĐB quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam chỉ là một cuộc diễn tập đổ bộ đánh chiếm đảo. Đây là một cuộc tập trận lớn theo phương thức tấn công đổ bộ đánh chiếm đảo hiện đại, kiểu 3 chiều thẳng đứng (lập thể) với tất cả những phương tiện đổ bộ hiện đại nhất mà Hải quân Trung Quốc hiện có.
Câu hỏi đặt ra là hành động “tuần tra” của Mỹ nhằm mục đích là chiếm đảo Hoàng Sa và Trường Sa…trên Biển Đông hay sao mà Trung Quốc phản ứng bằng tập trận đánh chiếm (lại) đảo? Hay Trung Quốc lợi dụng việc tuần tra của Mỹ để tập trận “nâng cao yêu cầu tác chiến, kiểm tra vũ khí trang bị” nhằm phục vụ mưu đồ đánh chiếm đảo Trường Sa của Việt Nam?
Chúng ta chưa quên, ngay khi trên biển Hoa Đông có sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, giới quan sát vẫn chứng kiến diễn ra các cuộc tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo của PLAN trên biển Hoa Đông, vậy, phải chăng mục tiêu giả định là quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, trong khi không có quân đội Nhật Bản đồn trú trên đó? Không phải vậy, Trung Quốc dù có là “hổ thật” chứ không phải “hổ giấy” đi nữa thì điều đó cũng không thể xảy ra vì Mỹ tuyên bố quần đảo này thuộc phạm vi tác chiến của Liên minh quân sự Mỹ-Nhật. Vì thế, mục tiêu tập trận giả định của Trung Quốc lúc đó vẫn là các đảo trên Biển Đông.
Rõ ràng là, tập trận “đổ bộ đánh chiếm đảo” có vẻ như là một bài tập “gối đầu giường” của PLAN, nó biểu hiện một âm mưu nung nấu là “đổ bộ đánh chiếm đảo trên Biển Đông” của giới quân sự Trung Quốc. Vấn đề là nó xảy ra lúc nào thì còn phụ thuộc vào thời cơ và đặc biệt là sức mạnh của đối thủ.
Tập trận trên Biển Đông bắn đạn thật 10 ngày trong vùng biển chủ quyền Việt Nam là hành động ngang ngược, gây bất ổn anh ninh khu vực, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải, hàng không. Vậy, Mỹ làm gì để ngăn chặn Trung Quốc hay chỉ kích động sự hung hăng của Trung Quốc khuấy đục Biển Đông? Đương nhiên, viên Tư lệnh Hạm đội TBD của Mỹ sẽ cho rằng, nó không ảnh hưởng gì đến tự do hàng hải của Mỹ và nếu xảy ra cuộc chiến tại Trường Sa thì cũng chẳng khác gì vậy, đúng không?
Như vậy, các vị Thượng nghị sỹ Mỹ dự đoán là Trung Quốc sẽ tuyên bố ADIZ trên Biển Đông là có lý bởi vì, nếu như vậy thì Mỹ cũng đưa máy bay B-52 bay vào khu vực đó để “thách thức” Trung Quốc như đã từng là cùng chứ gì?
Ai cũng biết, nếu Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông sẽ là một bước leo thang nguy hiểm cho an ninh khu vực. Điều này buộc các nước trong khu vực Biển Đông phải lựa chọn khắc nghiệt để bảo vệ an ninh chủ quyền. Chắc chắn, ADIZ trên Biển Đông là một cái bẫy nguy hiểm cho bất cứ ai, kể cả Trung Quốc, mà nếu không tỉnh táo sẽ đều bị mắc bẫy, nhưng…có vẻ như trừ Mỹ ra.
Hơn ai hết, Việt Nam quá rõ hoạt động của Trung-Mỹ trên Biển Đông đâu là phần “diễn”, đâu là phần “thật”. Việt Nam cũng sẵn sàng phát huy những “tương đồng” trong lợi ích chiến lược, lợi ích quốc gia, nhưng luôn “độc lập tự chủ” trong đối ngoại cũng như quốc phòng. 
Nguyên tắc nhất quán của Việt Nam là “càng căng thẳng (trên Biển Đông) Việt Nam càng độc lập tự chủ”; không liên minh quân sự, không theo bên nào chống bên nào.
Nếu như Mỹ hy vọng rằng khi Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông thì Việt Nam sẽ “tự di chuyển về cực Mỹ” là thiếu thực tế. Giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình mới là nguyện vọng của Việt Nam, còn như ai đó muốn giải quyết chuyện tranh chấp bằng biện pháp quân sự với Việt Nam thì họ đã có thừa thời gian, đã có thừa thông minh, đã có thừa bài học kinh nghiệm, để tính toán, chọn lựa cái giá đắt phải trả.
Không phải quốc gia nào nằm trong khu vực có cuộc chiến địa chính trị quyết liệt, hoặc trong khu vực có sự “cọ xát” lớn về lợi ích, quyền lợi giữa các cường quốc…cũng có một “nguyên tắc” độc đáo như vậy. Tại sao chỉ có Việt Nam? Bởi vì Việt Nam có đủ khả năng, tự tin, trí tuệ và bản lĩnh để thực hiện, giữ vững nguyên tắc đó.

Điều rút ra là, Trung Quốc và Mỹ cứ “diễn” với nhau bằng những “đường kiếm loang loáng, chan chát…” mà chẳng ai bị thương, để cùng làm điều gì đó; Trung Quốc cứ diễu võ dương oai bằng nhưng cuộc tập trận hoành tráng…để cho những ai yếu tim, yếu bóng vía, hồi hộp lo sợ…Nhưng Việt Nam vẫn luôn là cái “bãi lầy” với rất nhiều cọc Bạch Đằng, ải Chi Lăng và Điện Biên Phủ trong đó.

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

Chống đổ bộ-nhiệm vụ cuối cùng của tuyến phòng thủ.


Việt Nam chắc chắn sẽ không ngồi nhìn khi các thế lực hung hăng đang củng cố, xây dựng đảo nhân tạo hòng tạo ra ưu thế tác chiến, diễu võ dương oai bằng các cuộc tập trận...
Cách đây 40 năm, khi giao nhiệm vụ đánh chiếm quần đảo Trường Sa cho quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh: “Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, nếu không hành động sớm sẽ bị nước khác đánh chiếm”.
Biết bao nhiêu xương máu của thế hệ cha anh đã nhuộm đỏ vùng biển Trường Sa để cho con cháu có được thành quả như hôm nay. Nhưng nguy cơ “bị nước khác đánh chiếm” là tiềm tàng, đang thách thức quân và dân huyện đảo Trường Sa từng giờ từng ngày. Vì vậy, không ngừng cảnh giác, chuẩn bị đầy đủ mọi phương án giáng trả có hiệu quả để buộc kẻ thù phải trả giá đắt nếu cậy thế đông, mạnh.
Tác chiến đổ bộ trong chiến tranh hiện đại.
Trong phương án tác chiến phòng thủ biển, sau khi gây khó khăn cho địch ở các tuyến phòng thủ từ xa thì chống lực lượng đổ bộ đánh chiếm đảo, điểm đầu cầu ở đất liền…là nhiệm vụ mà thành bại quyết định sự mất còn khả năng phòng thủ biển.
Nghệ thuật tác chiến đổ bộ hiện đại sử dụng 3 lực lượng: tàu đổ bộ lưỡng thê, tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn và máy bay trực thăng tiến hành đổ bộ thẳng đứng mà giới quân sự coi là phương thức tác chiến 3 chiều (lập thể) đã tạo nên một thế "chân kiềng" vững chắc.
Bộ 3 lực lượng này đã đáp ứng các tiêu chí rất cơ bản trong tác chiến đổ bộ, đó là: tập trung, mạnh và nhanh.
Tập trung, vì cả 3 lực lượng trên đều có thể cập bờ, đảo, để triển khai tác chiến cùng một lúc.
Mạnh là vì hỏa lực của 3 lực lượng này đủ mạnh để đè bẹp mục tiêu từ cấp chiến dịch trở xuống mà không cần sự hỗ trợ của các lực lượng khác.
Nhanh là vì khả năng cơ động của chúng rất cao. Nếu đối phương có một sức mạnh vừa phải, một sự cảnh giác tối thiểu thì sẽ không có cơ hội trở tay.
Có thể nói bằng sự xuất hiện tàu đổ bộ cỡ lớn (LPD) và tàu đệm khí cỡ lớn (LCAC)... đã làm cho lực lượng đổ bộ của các cường quốc biển trở thành một lực lượng có tính răn đe cao, uy hiếp mạnh, là "dao găm kề cổ, súng gí mang tai" vào nạn nhân không chỉ là những hòn đảo trơ trọi giữa đại dương mà ngay cả những quốc gia nhỏ bé.
Rõ ràng, chính sự thay đổi công nghệ đã thay đổi lớn chiến thuật đổ bộ đường biển truyền thống.
Chiến dịch đổ bộ đánh chiếm Cô Công (Campuchia) cuối năm 1979 của hơn 30 tàu chiến của Hải quân Việt Nam với Lữ đoàn lính thủy đánh bộ 101 Vùng 5 Hải quân, kết hợp với không quân ném bom, thì có thể thấy, đó là một cuộc đổ bộ lớn nhất của Hải quân Việt Nam từ trước đến nay nhưng hình thức tác chiến truyền thống. (Trinh sát, tìm bãi đổ bộ; dọn bãi đổ bộ bằng hỏa lực; dùng lực lượng nhỏ, nhanh, đánh chiếm đầu cầu; cuối cùng đại quân tràn vào bờ). Thời đó, năm 1979, cuộc đổ bộ này đã khiến không ít quốc gia ĐNA và kể cả Trung Quốc giật mình, lo lắng, về mức độ và khả năng hợp đồng tác chiến của Hải quân Việt Nam.
Trong cuộc đổ bộ này, không có “máy bay trực thăng đổ bộ thẳng đứng” nên gánh nặng tập trung lên tàu LCM-8 chở đại đội đánh chiếm đầu cầu. Do khu vực Cô Công-Campuchia rộng, nếu như có trực thăng đổ bộ vào một khu vực nào đó rồi vận động tấn công đánh chiếm đầu cầu thì giảm tải rất nhiều cho tàu LCM-8. Và lúc đó, nếu quân Pol Pôt mà có ý chí chiến đấu thì đại đội đánh chiếm đầu cầu sẽ gặp khó khăn…khi lính trinh sát và đại đội đánh chiếm đầu cầu thay vì triển khai nhanh bám bờ thì phải đánh chiếm đầu cầu trong tư thế phải vượt sông dưới làn đạn của địch để tiếp cận bãi đổ bộ.
Ngày nay, đương nhiên, chiến thuật đổ bộ luôn là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại nhưng theo mức độ, nhiệm vụ và do đó sẽ có những hình thức tác chiến khác nhau.
Chẳng hạn, đổ bộ xâm chiếm một quốc gia khác là hình thức tác chiến đổ bộ kết hợp hiện đại với truyền thống với sự tham gia của tất cả các lực lượng quân binh chủng với toàn bộ sức mạnh đột phá.
Đổ bộ đánh chiếm các khu vực ven biển, các khu vực bàn đạp đầu cầu, các căn cứ hải quân ven biển, các hải cảng lớn, các đảo đơn lẻ hoặc các cụm đảo, quần đảo và giữ chúng, thì hình thức tác chiến khác đi. Bởi do mục tiêu chỉ có ý nghĩa về chiến dịch, chiến thuật nên thông thường được tiến hành bởi lực lượng của hải quân và lính thủy đánh bộ mà tác chiến đổ bộ hiện đại như "siêu nhanh, siêu xa, ngoài đường chân trời" thì phương thức tác chiến trực tiếp đoạt bến đổ bộ trước đây đã nhường chỗ cho sử dụng phương thức tác chiến ba chiều (lập thể).
Đây là hình thức tác chiến mà rất nguy hiểm đối với các mục tiêu là quần đảo, đảo nhỏ đơn lẻ rất dễ bị thất thủ. Đặc biệt trong tranh chấp biển đảo mà với lực lượng LPD, LCAC, ngày càng hiện đại thì hình thức tác chiến này càng tỏ ra ưu việt, khả thi, thách thức lớn cho các quốc gia nhỏ bé ven biển muốn bảo vệ chủ quyền.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn.
Cứ nhìn vào phương tiện, vũ khí trang bị, các cuộc diễn tập...đánh chiếm đảo trên Biển Đông của TQ thì hình thức tác chiến đổ bổ ngày nay khiến cho không ít các quốc gia "mất tinh thần" khi bị hù dọa, uy hiếp. Song, hình thức tác chiến đổ bộ hiện đại, kết hợp 3 lực lượng tàu đổ bộ lưỡng thê, tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn và máy bay trực thăng tiến hành đổ bộ thẳng đứng không phải là tuyệt chiêu, không phải có thế vững chắc như "kiềng 3 chân" mà chúng vẫn tồn tại những điểm yếu không thể khắc phục.
Chống địch đổ bộ đánh chiếm đảo, đầu cầu…thì tổng thể nhiều biện pháp với 2 nội dung gồm chống đổ bộ đường không, đường biển. Ở dây, chúng ta chỉ đề cập đến cách sử dụng 2 thứ vũ khí chiến thuật để tác chiến phi đối xứng của lực lượng hiện có được bố trí trên đảo.
Một là:
   .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................. Và, trong thời đại vũ khí công nghệ cao thì to lớn, đông chưa hẳn là lợi thế.

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Cục diện địa chính trị Tây-Thái Bình Dương sẽ biến chuyển lớn.


Cục diện địa chính trị là trạng thái quan hệ quốc tế của một nhóm quốc gia và nước lớn trụ cột chiến lược tạo ra trong một thời kỳ nhất định. Các cường quốc thực hiện chiến lược địa chính trị của mình trên khu vực nào đó bằng sức mạnh quân sự, kinh tế sẽ tạo ra một sự cọ xát lớn trong khu vực.
Mỹ, với chiến lược “xoay trục”, đã đưa 60% lực lượng Hải quân thường trực tại châu Á-TBD, củng cố, mở rộng các liên minh quân sự, chính trị và một Hiệp ước thương mại đối tác xuyên TBD (TPP) của 12 quốc gia trong đó có Việt Nam đang hình thành.
Những toan tính địa chính trị và mở rộng môi trường địa chính trị kiểu bành trướng lãnh hải của Trung Quốc đang diễn ra quyết liệt, hung hăng, đã tạo ra những mâu thuẫn lớn trong khu vực và Mỹ.
Thực sự, Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến địa chính trị với Trung Quốc ngay tại khu vực ĐNA và châu Á-TBD.
Trên Biển Đông, Việt Nam có một vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất ĐNA, là nơi giao thoa lợi ích quốc gia của nhiều cường quốc lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ… Trong bối cảnh tình thế đó, Việt Nam cũng không ngồi nhìn mà đã, đang mở rộng ảnh hưởng của mình để tạo ra một môi trường địa chính trị có lợi.
Đáng tiếc, sự “cọ xát” này diễn ra thay vì hình thức hợp tác hòa bình là sự hung hăng, ngạo mạn của cường quốc đề cao sức mạnh đang lên với những tuyên bố phi lý, áp đặt chính trị cường quyền khiến khu vực trở nên căng thẳng.
Hành động hạ đặt giàn khoan trong thềm lục đại Việt Nam; bồi lấp đảo chiếm được của Việt Nam xây dựng căn cứ quân sự đã khiến cho đối sách hòa bình với Trung Quốc của Việt Nam trên Biển Đông không thành công như: đường dây nóng thông qua kênh ngoại giao, quân đội, đảng mà 2 nước “xây dựng, hứa hẹn” trong thời gian qua đều không có tác dụng, khi tranh chấp căng thẳng xảy ra Trung Quốc từ chối hợp tác; hoạt động của ASEAN bị Trung Quốc khống chế, DOC, COC đều là thứ giấy lộn với Trung Quốc…buộc Việt Nam phải chuyển hướng chiến lược. Đó là tăng cường tiềm lực quốc phòng để sẵn sàng bắt kẻ xâm lược trả giá đắt, đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế đặc biệt là hợp tác song phương với Hoa Kỳ trên cơ sở những tương đồng về lợi ích trên Biển Đông.
Khi Việt Nam và Hoa Kỳ đã có nụ cười thân thiện

Tính “đặc biệt”, “lịch sử” trong chuyến công du sang Hoa Kỳ của TBT Đảng CSVN đã được giới truyền thông đề cập quá nhiều nên không cần nhắc đến. Ở đây chúng ta cần quan tâm vì sao có chuyến công du sang Hoa Kỳ.
Trước hết, chuyến công du Hoa Kỳ của TBT là nhu cầu chiến lược của đôi bên.
Quan điểm cho rằng Hoa Kỳ “ve vãn” Việt Nam để biến Việt Nam thành tiền đồn ngăn chặn Trung Quốc bành trướng xuống Biển Đông…mới chỉ là cái hiện tượng, là luận điệu tuyên truyền của thế lực thù địch, của báo chí Trung Quốc.
Đúng là có sự trùng hợp về mục tiêu chiến lược của Việt Nam và Hoa Kỳ trên Biển Đông là ngăn chặn Trung Quốc chiếm Biển Đông; đúng là Trung Quốc đang hung hăng bành trướng xuống Biển Đông bằng những hành động bất chấp luật pháp quốc tế... đã thách thức nguy hiểm đến an ninh, chủ quyền biển đảo Việt Nam…Nhưng coi đây là cơ sở cho Hoa Kỳ “ve vãn” và Việt Nam chấp nhận được “ve vãn” thì đó không phải là tầm nhìn của các nhà chiến lược Việt Nam và Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ thừa biết duy nhất trên Biển Đông chỉ có Trung Quốc là nhân tố đe dọa, thách thức đến chủ quyền, an ninh Việt Nam nhưng Việt Nam chẳng ngây thơ làm tiền đồn chống Trung Quốc nếu như Trung Quốc không bước sang “làn ranh đỏ” buộc Việt Nam phải “tuốt kiếm”. Điều đó có nghĩa là cùng hành động ngăn chặn, chống Trung Quốc bành trướng, nhưng nguyên nhân của Hoa Kỳ và Việt Nam hoàn toàn khác nhau. Nguyên nhân của Hoa Kỳ là vì Trung Quốc thách thức, đe dọa an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông và an ninh lợi ích quốc gia Hoa Kỳ khi Trung Quốc biến Biển Đông thành khu “đặc quyền quân sự” để “chia đôi TBD với Mỹ”…trong khi đó nguyên nhân của Việt Nam là vì Trung Quốc xâm hại đến chủ quyền biển đảo.
Như vậy, từ 2 nguyên nhân này có thể thấy rằng, bài toán địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là không có lời giải, vô nghiệm, nghĩa là mâu thuẫn tích tụ cho đến khi nổ tung. Trong khi đó giữa Trung Quốc và Việt Nam lại có lời giải với nghiệm số là nếu như Trung Quốc tôn trọng toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông, vì thật ra Biển Đông “đủ rộng cho Trung Quốc và Việt Nam”.
Tiếc thay Trung Quốc đã mắc phải những sai lầm chiến lược.
Một là chủ quan, đánh giá thấp Việt Nam. Sai lầm này là sai lầm chung cho nhưng kẻ xâm lược Việt Nam bao đời nay mắc phải.
Hai là đánh giá sai phản ứng của Việt Nam trước lợi ích quốc gia, dân tộc khi bị xâm hại. Hành động hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông (chủ yếu nhằm và Việt Nam), Trung Quốc thừa biết sẽ đẩy các quốc gia trên khu vực về phía Mỹ nhưng không tin Việt Nam sẽ thay đổi cách tiếp cận hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ bởi Việt Nam Hoa Kỳ là 2 cựu thù, xung đột ý thức hệ…
Trung Quốc cho rằng và dọa rằng, nếu Việt Nam xích lại gần Mỹ thì sẽ bị Mỹ lật đổ chế độ bằng diễn biến hòa bình, chính quyền Việt Nam sợ Mỹ lật đổ hơn sợ mất chủ quyền, cho nên, Trung Quốc thực hiện chiến thuật gặm nhấm, gây áp lực để buộc Việt Nam nhượng bộ để có “hòa bình trong lệ thuộc”.
Ba là hành động bất chấp ngang ngược bồi lấp đảo, xây căn cứ quân sự trên Biển Đông đã không tính đến phản ứng quyết liệt của Hoa Kỳ khi thách thức an ninh quốc gia của họ. Có thể nói, Trung Quốc đã quá đà và hành động này đã làm tăng cao độ tương đồng lợi ích chiến lược của Việt-Mỹ, như “giọt nước cuối cùng” làm thay đổi trạng thái quan hệ Việt-Mỹ.
Vì vậy chuyến công du của TBT Đảng CSVN sang Hoa Kỳ được coi là đúng lúc khi 40 năm qua Việt Nam và Hoa Kỳ đã chuẩn bị “đủ lượng” sẵn sàng cho sự thay đổi “chất”; được coi là đúng thời điểm, khi Trung Quốc bất chấp tiến hành bồi lấp các đảo chìm chiếm được của Việt Nam xây dựng thành căn cứ quân sự.

Chuyến công du tạo nên sự đột phá chiến lược, sẽ có sự thay đổi lớn cục diện địa chính trị trong khu vực Tây TBD.

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Chuyến công du của TBT dưới góc nhìn của lính.



Kể từ năm 1975 đến nay trong khu vực và Việt Nam không thiếu các cuộc viếng thăm của các nguyên thủ quốc gia với nhau trên thế giới. Đó là chuyện quá đổi bình thường của công tác đối ngoại, quan hệ, hợp tác quốc tế…trong một thế giới toàn cầu hóa. Tuy nhiên, việc các nguyên thủ quốc gia Việt Nam và Mỹ thăm viếng lẫn nhau lại khiến cho dư luận quốc tế, giới quan sát chính trị có sự quan tâm, chú ý đặc biệt trong thời gian qua.
Vì sao như vậy thì chúng ta đã quá hiểu khi Việt Nam và Mỹ vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh lâu dài, tàn khốc nhất trong lịch sử của đôi bên.
Chiến tranh Việt-Mỹ kết thúc năm 1975 nhưng “hậu chiến” vẫn tiếp tục căng thẳng, ác liệt cho đến năm 1995 khi Mỹ tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam sau 20 năm trời. Và cho đến hiện tại, tuy Mỹ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ nhưng mối quan hệ đó vẫn chưa được “bình thường” khi Mỹ vẫn còn cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, Mỹ vẫn còn gây khó dễ…với Việt Nam.

Đến nay, 40 năm sau chiến tranh Việt Nam, trong một bối cảnh, nhận thức, hiểu biết về nhau như thế, nhưng quan hệ Việt-Mỹ có được như bây giờ là một thành tựu mà “không có 2 quốc gia nào trên thế giới có thể làm thay đổi mối quan hệ sâu sắc trong một thời gian ngắn như thế”. Có vẻ như Việt Nam và Hoa Kỳ đang phấn đầu bù lại thời gian đã mất, lấy lại những gì đã mất, đã bỏ lỡ những cơ hội thời gian qua.
Tại sao không phải là Thủ tướng hay Chủ tịch nước mà là Tổng bí thư một đảng Cộng sản cầm quyền tạo nên biểu tượng đặc biệt?
Thứ nhất, việc Hoa Kỳ mời chính thức TBT Đảng CSVN sang thăm, chứng tỏ Hoa Kỳ đã đánh giá đúng mục tiêu, vai trò, địa vị của Đảng CSVN trong toàn bộ mọi thành bại của công cuộc dựng nước và giữ nước Việt Nam thời hiện đại, do đó, Hoa Kỳ sẽ tiếp đón trọng thị như một nguyên thủ quốc gia Việt Nam là không có gì phải bàn cãi. Quốc gia này có thủ tướng nắm quyền, tổng thống là danh nghĩa, quốc gia kia thì ngược lại…nhưng Việt Nam, Tổng bí thư là nguyên thủ lãnh đạo cao nhất.
Thứ hai, việc mời TBT Đảng CSVN, đảng cầm quyền, sang thăm, chứng tỏ Mỹ không còn coi trọng ý thức hệ mà đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Điều này lại rất tương đồng với nhận thức của Việt Nam, bởi vì Đảng CS Việt Nam ngoài lợi ích quốc gia, dân tộc ra không có lợi ích nào khác.
Quả thật, nhận thức và quyết định này không phải là dễ dàng, đơn giản từ phía Hoa Kỳ, bởi lẽ về phía Việt Nam, ngay từ thời chưa lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chủ trương là bạn với Mỹ và trong Bản tuyên ngôn độc lập thì dòng đầu tiên cũng trích ra từ bản tuyên ngôn của nước Mỹ, trong khi đó, Mỹ đối xử với Việt Nam như thế nào và khi hiểu ra rằng, Việt Nam tiến hành chiến tranh chống Pháp cũng như chống Mỹ là không vì sự “ủy nhiệm” của ai mà là vì độc lập, tự do, thống nhất giang sơn…thì đã muộn.
Lịch sử đã chứng minh Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam không phải Đảng CS cầm quyền hay sao nhưng tại sao Trung Quốc tấn công Liên Xô, Trung Quốc tấn công Việt Nam…và Nga hiện giờ, ý thức hệ có khác Mỹ và phương Tây hay không?...
Thứ ba là, Hoa Kỳ nhận thức được rằng, chỉ có Đảng CS Việt Nam, duy nhất dưới sự lãnh đạo của họ, Việt Nam mới đủ khả năng đương đầu với thách thức hiện tại trên khu vực, cho nên, xây dựng đối tác với Việt Nam là quan hệ với một quốc gia ổn định chính trị, có tiềm lực, có vị trí địa chiến lược quan trọng…sẽ có lợi cho lợi ích Mỹ mà trước mắt là Chiến lược “xoay trục” sang châu Á-TBD và ít nhất Việt Nam đã và đang là đối thủ đáng gờm nhất đủ sức ngăn chặn Trung Quốc chiếm trọn Biển Đông.
Đây chính là nguyên nhân tạo ra hệ quả tất yếu của việc công nhận, ghi nhận, tôn trọng chính thể, chế độ Việt Nam của Hoa Kỳ, là yếu tố quyết định cho nền móng “lòng tin chiến lược” Việt Nam-Hoa Kỳ.
Cuối cùng là tạo một hiệu ứng trong khu vực ĐNA-ASEAN. Rõ ràng trong 10 nước ASEAN chỉ có Việt Nam là quốc gia cộng sản. Việc Mỹ mời Việt Nam gia nhập TPP cùng với Brunei, Singapo và chuyến đi thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam muốn chứng tỏ cho ASEAN thấy ngoài vị trí địa chiến lược quan trọng của Việt Nam, hợp tác với Mỹ là một nhu cầu của sự phát triển kinh tế, an ninh, hòa bình ổn định cho khu vực…đồng thời “đánh thức” các quốc gia trong khối xây dựng “lòng tin chiến lược” vì lợi ích tương đồng.
Sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hoa Kỳ và Việt Nam có trở thành đối tác chiến lược hay không; Mỹ có bỏ toàn bộ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam hay không; Việt Nam có gia nhập TPP hay không…đó chỉ là vấn đề thời gian, nhưng điều chắc chắn là sự tương đồng sẽ tăng cao và sự khác biệt sẽ giảm dần.
Việc Thủ tướng Việt Nam thăm Mỹ, Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, rồi mới đây Chủ tịch nước Việt Nam thăm Mỹ, được xem như là những chương cuối trong lịch sử quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ, nhưng việc Tổng bí thư Đảng CS Việt Nam nhận lời mời thăm Hoa Kỳ của Tổng thống Mỹ B.Obama được coi như là dấu chấm hết cho chương cuối cùng.

Trang lịch sử mới tiếp theo sẽ và đang bắt đầu…Việt Nam và Hoa Kỳ phải đổi mới lý luận, nhận thức để tránh sai lầm và bỏ lỡ cơ hội, tránh vết xe đổ của lịch sử vì lợi ích của 2 quốc gia.

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Mỹ chuẩn bị “lật bài” với Trung Quốc.


Trong bài “Hai đòn cực hiểm của Mỹ buộc Trung Quốc phải lùi trên Biển Đông” thì tôi chỉ nêu vấn đề Đài Loan và vấn đề bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là 2 đòn hiểm như 2 lá bài mà Mỹ có thể lật ra bất cứ khi nào để chơi với Trung Quốc. Trong cuộc đối thoại chiến lược Trung-Mỹ vừa rồi, ngoài vấn đề Biển Đông, Mỹ còn tố cáo Trung Quốc hỗ trợ cho các cuộc tấn công mạng vào nước Mỹ. Mỹ không nói suông, không ngồi nhìn và đang “lật bài” chuẩn bị sử dụng 2 đòn hiểm này để trả đũa.
Đòn tập hậu mang tên Đài Loan
Nếu như bán vũ khí cho Đài Loan đã khiến Trung Quốc giãy lên như đĩa phải vôi thì vào ngày 25/6 Thượng viện Mỹ thông qua một đạo luật cho phép Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với Đài Loan, theo đó  Đài Loan được khuyến khích tham gia vào tập trận chung với Mỹ, bao gồm huấn luyện trên không cũng như huấn luyện nâng cao cho bộ binh, tấn công bằng trực thăng và huấn luyện máy bay do thám, theo Reuters.
Đây là lần đầu tiên kể từ vụ “khủng hoảng eo biển Đài Loan” năm 1996, Mỹ không chỉ tuyên bố bán vũ khí mà còn tập trận trong vùng “cấm địa” của Trung Quốc. Hành động này của Mỹ đã khiến Bộ Quốc phòng Trung Quốc vô cùng tức giận và phản đối quyết liệt.
Bán vũ khí cho Đài Loan tự vệ, tập trận cùng với Đài Loan là hành động thách thức rắn nhất, trực tiếp vào chính sách “một Trung Hoa” của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Đây được coi như là đòn tập hậu cực kỳ nguy hiểm buộc Trung Quốc phải co lực lượng từ tuyến đầu (trên Biển Đông) để đối phó với một thực tế bất ổn khi Mỹ và Đài Loan nghênh ngang trước mũi, trong vùng “cấm địa” của mình. Mỹ muốn chứng tỏ cho Trung Quốc thấy rằng, nếu Trung Quốc thách thức an ninh về tự do hàng hải, hàng không, thách thức lợi ích Mỹ trên Biển Đông thì Mỹ sẵn sàng thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không những trên Biển Đông mà cả Đài Loan.
Ly khai là một từ ngữ tối kỵ trên đất nước Trung Hoa vĩ đại thì sự tồn tại của Đài Loan là một biểu tượng xấu mà bấy lâu nay luôn như là một khúc xương mắc ngay tại cửa họng của Trung Quốc. Vì thế hơn ai hết, thu hồi Đài Loan là một nhiệm vụ mang tính lịch sử của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Đã có các cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc với mục tiêu giả định là tấn công Đài Loan, tuy nhiên, đó mới chỉ là tập trận diễu võ giương oai mang tính đe dọa. Tuy thế, không ai hiểu khả năng sức mạnh của Trung Quốc bằng chính họ. Hậu quả không lường hết của cuộc tấn công thu hồi Đài Loan đã khiến cho giới cầm quyền Bắc Kinh do dự, mất ý chí, không dám mạo hiểm, chính là Mỹ đằng sau Đài Loan.
Xem ra, đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông và khu vực địa chính trị quan trọng là ĐNA bằng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông và xây các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam với một thái độ hung hăng, bất chấp chỉ làm cho các quốc gia ven Biển Đông lo ngại nhưng chưa đủ để buộc Mỹ phải “cụp đuôi” thì Mỹ đã chuẩn bị ra đòn hiểm mang tên Đài Loan để buộc Trung Quốc phải “co vòi”.
Đòn chỉ điểm tàu ngầm
Trong rất nhiều bài viết, tôi đã từng cho rằng Biển Đông với Trung Quốc không chỉ là vùng đặc quyền kinh tế mà khi chiếm được, Trung Quốc sẽ biến thành vùng “đặc quyền quân sự” và là tuyến xuất phát tấn công thuận lợi của tàu ngầm các loại.
Trung Quốc có một căn cứ tàu ngầm lớn, hiện đại ở Tam Á. Để tránh làm mồi ngon cho tên lửa hành trình, không quân đối phương tấn công, thì khi có xung đột quân sự, về nguyên tắc chiến thuật, tất cả các tàu ngầm phải rời cảng, phân tán đến vị trí trú ẩn hoặc vị trí đợi cơ, xuất phát tấn công.

Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc có giấu được ai dưới lòng Biển Đông?
Biển Hoa Đông, Hoa Nam độ sâu nông lại gặp phải hệ thống săn ngầm hiện đại của liên quân Mỹ-Nhật Bản thì tàu ngầm Trung Quốc chẳng khác nào như cá nằm trên cạn. Do đó chỉ có Biển Đông là chỗ tốt nhất cho tàu ngầm trú ẩn, hay xuất phát tấn công. Nói là tốt nhất bởi độ sâu bảo đảm, phương tiện săn ngầm của các quốc gia ven Biển Đông như Philipines, Việt Nam, Malaysia…không có và có thì không hiện đại, nên tàu ngầm Trung Quốc vừa an toàn, vừa được bí mật.
Bởi vậy, chỉ điểm tàu ngầm Trung Quốc trên Biển Đông, nắm chắc “đường đi lối về” của nó là điều nguy hiểm, đáng sợ nhất của Trung Quốc.
Việc Philipines đã cùng với máy bay săn ngầm P3-C Orion Nhật Bản tuần tra trên Bãi Cỏ Rong thuộc Biển Đông khiến Trung Quốc lo lắng, bất an.
Chưa biết khả năng săn ngầm của Việt Nam ra sao với vũ khí, phương tiện hiện có, liệu Việt Nam có tự tin trong cuộc đối đầu với hàng chục tàu ngầm các loại của Trung Quốc trên Biển Đông hay không, cũng đã khiến các nhà quân sự Trung Quốc đau đầu. Nhưng nếu như Mỹ sẵn sàng bán cho Việt Nam loại máy bay săn ngầm hiện đại có thể phát hiện rõ ràng, nhanh chóng các tàu ngầm trong lòng Biển Đông mà Việt Nam có nhu cầu và yêu cầu thì Biển Đông không phải là nơi trú ẩn an toàn, bí mật cho tàu ngầm Trung Quốc như các nhà quân sự phân tích.
Có thể nói “phá tan” nơi trú ẩn, bí mật, an toàn của tàu ngầm Trung Quốc trên Biển Đông là đánh sập chiến lược quân sự của Trung Quốc vươn ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Máy bay săn ngầm Mỹ tuần tra trên Biển Đông cũng vì mục đích đó và nếu như các tàu ngầm này còn thách thức, đe dọa đến chủ quyền của Việt Nam, Philipines hay Malaysia…thì đương nhiên nó cũng sẽ trở thành đối tượng tác chiến được quan tâm theo dõi của các quốc gia này.
Với thế địa lý thuận lợi, được trang bị máy bay săn ngầm hiện đại thì các tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông có nguy cơ như “cá trong chậu” và chiến lược bành trướng về phía Biển Đông của Trung Quốc sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Hơn ai hết chỉ có Mỹ mới hiểu rõ vấn đề này (vì chỉ Mỹ mới biết khả năng phát hiện tàu ngầm Trung Quốc của máy bay P3-C Orion) và Mỹ có bán vũ khí sát thương cho Việt Nam hay không (Bỏ cấm vận toàn bộ) thì có thể sẽ xảy ra sau chuyến thăm Mỹ của TBT Đảng CSVN. Tất nhiên, mua hay không với Việt Nam lại là chuyện khác, nhưng dù sao Trung Quốc sẽ vô cùng bất an, không dám mạo hiểm, khi những quốc gia ven Biển Đông đều được trang bị máy bay săn ngầm hiện đại của Mỹ.