Giải quyết tranh chấp trên Biển Đông khi không tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS thì chỉ có thể là biện pháp quân sự.
Luật pháp quốc tế trên biển có “tính lịch sử và truyền thống phải được tôn trọng” như tuyên bố của Mỹ, đó chính là UNCLOS.
Tranh chấp trên Biển Đông, tự do an toàn hàng hải trên Biển Đông phải luôn lấy UNCLOS để giải quyết mà ngay cả Mỹ-cường quốc quân sự, kinh tế số 1 thế giới, dù không phải là thành viên của UNCLOS cũng đã, đang tôn trọng, tuân thủ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu như, Trung Quốc, một nước lớn thuộc bên tranh chấp, một nước lớn có sức mạnh quân sự hùng hậu, có tư tưởng bành trướng lại bất chấp luật lệ trong phương cách giải quyết?
UNCLOS dưới góc nhìn an ninh chủ quyền
Tuyên bố lãnh hải quốc gia là tuyên bố chủ quyền trên biển của quốc gia đó. Đây là mấu chốt vấn đề mà nhiều quốc gia từ việc tuyên bố lãnh hải của mình rộng bao nhiêu hải lý đến việc phê chuẩn để trở thành thành viên của UNCLOS hay không.
Trước khi có UNCLOS, tùy theo khả năng quốc phòng mà các quốc gia ven biển tuyên bố vùng lãnh hải của mình. Những nước có lực lượng hải quân hùng hậu thường tuyên bố lãnh hải hẹp, những nước yếu thì tuyên bố rộng hơn.
Với Trung Quốc. UNCLOS trước đây luôn là điều kiện và phương tiện để Trung Quốc bảo vệ an ninh chủ quyền.
Trong tình hình thế đang bị đẩy vào cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai khiến Mỹ đưa Hạm đội 7 tiến vào eo biển Đài Loan, can thiệp và đe dọa Trung Quốc thì ngày 4/9/1959, Bắc Kinh ra tuyên bố chính thức về hải phận của họ, bao gồm 12 hải lý.
Cuộc khủng hoảng lần thứ 3 từ tháng 7/1995 đến ngày 11/3/1996. Mỹ cũng lập tức điều 2 nhóm tàu sân bay chiến đấu đi vào eo biển Đài Loan sẵn sàng quyết chiến, khiến Trung Quốc lùi bước, xuống thang để “tránh xung đột với Mỹ”.
Và chính thời điểm này, năm 1996, không còn cách nào khác, Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS, dù rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc thời đó thừa biết tại sao Mỹ không phê chuẩn UNCLOS và rất muốn cũng như Mỹ, bởi tư tưởng bành trướng, cậy mạnh vốn có của mình.
Như vậy, tuyên bố lãnh hải 12 hải lý và tiếp theo là phê chuẩn UNCLOS năm 1996 của Trung Quốc xảy ra chỉ khi khả năng quân sự của Trung Quốc không đủ sức ngăn cản được Mỹ trên eo biển Đài Loan, vùng biển này có nguy cơ mất an toàn khi Hải quân Mỹ tự tung tự tác.
Việc Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS, dùng nó làm vũ khí đấu tranh, hạn chế được sự “tự do hàng hải” của Mỹ hoặc ít nhất làm cho Mỹ do dự, tính toán khi muốn “tự do hàng hải” kiểu Mỹ trong vùng biển thuộc điều chỉnh của UNCLOS mà Trung Quốc đã phê chuẩn.
Việt Nam cùng các quốc gia khác trên Biển Đông không muốn chiến tranh, muốn giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên có sở luật pháp quốc tế và do đó cũng như Trung Quốc trước đây, UNCLOS chính là phương tiện và điều kiện để đấu tranh bảo vệ an ninh, chủ quyền.
Chính UNCLOS ngăn chặn dã tâm bành trướng chủ quyền của Trung Quốc về mặt pháp lý, nên thế lực diều hâu trong giới cầm quyền Bắc Kinh, khi cảm thấy có chút cơ bắp, lập tức phê phán các bậc tiền bối đã phê chuẩn UNCLOS, cho rằng đây là công ước “kiềm chế lợi ích” của Trung Quốc.
Sự “kiềm chế lợi ích” của Trung Quốc mà UNCLOS tạo ra chỉ có thể là bành trướng chủ quyền biển đảo.
Tình thế Biển Đông khi Trung Quốc rút khỏi UNCLOS
Vụ kiện của Philipines đang sắp đến giờ phán quyết có lợi cho Philipines, có nghĩa là cơ sở về tuyên bố “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là không có giá trị. Đây là một thắng lợi về mặt pháp lý và tất nhiên sẽ là trọn vẹn, lý tưởng hơn nếu như Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa.
Đáng tiếc là Trung Quốc đã cho thấy họ không bao giờ tuân thủ. Trung Quốc đã dùng rất nhiều cách để chống phá, trong đó đe dọa là sẽ rút khỏi UNCLOS.
Tàu sân bay Mỹ đến Biển Đông để “làm chỗ dựa cho Philipines” hay là để “làm mồi” cho Trung Quốc rút khỏi UNCLOS?
Việc Trung Quốc rút khỏi UNCLOS lợi, hại với Trung Quốc như thế nào là việc tính toán của Bắc Kinh. Ở đây, chúng ta chỉ quan tâm là tình thế Biển Đông khi Trung Quốc rút khỏi UNCLOS.
Rút khỏi UNCLOS, Trung Quốc sẽ như Mỹ, không thuộc điều chỉnh của UNCLOS, lúc đó, Trung Quốc liệu có hành xử như Mỹ hay không?
Thực tế cho thấy, Mỹ không có tranh chấp vùng biển, đảo với ai và do đó chưa có quốc gia nào kiện Mỹ vi phạm UNCLOS. Không những thế, “Lập trường của Mỹ rất rõ ràng, rất đúng với luật biển. Mỹ muốn sự tự do hàng hải, hàng không, mang tính lịch sử truyền thống phải được tôn trọng” (Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ tại Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ ngày 7/6/2016).
Trong khi đó, Trung Quốc đang có tranh chấp trên biển với Nhật Bản, Việt Nam…ở Tây TBD thì liệu có biện pháp nào để giải quyết tranh chấp bằng hòa bình nếu như không có cơ sở pháp lý chung (UNCLOS) để xử lý?
Trong một cuộc tranh chấp mà không có luật lệ thì “ai mạnh nấy được” là cách thức, biện pháp giải quyết duy nhất buộc kẻ yếu chỉ có 2 sự lựa chọn hoặc là chiến tranh hoặc là đầu hàng. Vì vậy, rút khỏi UNCLOS là nguy cơ Trung Quốc sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự để giải quyết tranh chấp.
Có thể nói, đây mới là sự nguy hiểm nhất, nguy cơ đe dọa đến an ninh chủ quyền của các quốc gia trong khu vực nhất, trong tình thế Trung Quốc tuyên bố rút khỏi UNCLOS.
Rút khỏi UNCLOS ngay sau phán quyết có nghĩa Trung Quốc tuyên bố chính thức công khai rằng, sẽ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp quân sự mà bước đi đầu tiên rất dễ đoán là tuyên bố ADIZ trên Biển Đông.
Đến đây, chúng ta có thể hiểu rằng, khi có sự hung hăng, bất chấp, sẵn sàng dùng biện pháp quân sự của Trung Quốc thì các quốc gia trong khu vực, đặc biệt những quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông sẽ làm gì, đầu hàng hay đoàn kết liên minh với nhau, với Mỹ…?
Mỹ đã xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương mà Biển Đông được coi như là một khu vực trọng điểm quyết chiến chiến lược cả về địa chính trị lẫn địa quân sự với Trung Quốc.
Càng hung hăng, bất chấp, Trung Quốc càng cô độc, càng dễ bị Mỹ đưa vào tròng.
May thay, Trung Quốc chưa đủ khả năng và thừa khôn ngoan để không mạo hiểm thách thức tất cả như vậy.
Trung Quốc không rút khỏi Unclos là rất khôn ngoan
Trả lờiXóaBài viết hay quá anh Thống ơi
Trả lờiXóa