Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

Cảm hứng từ chiến thuật của Hải quân Iran trên eo biển Hormuz…Biển Đông

Chiến lược tác chiến phi đối xứng là nguyên nhân gây ra giá đắt không thể chịu đựng được của các thế lực cậy mạnh, hung hăng…

Có thể nói tuyên bố của Tổng TMT quân đội Iran, rằng “Iran, khi cần, sẽ đóng eo biển Hormuz bằng cách: thứ nhất là tuyên bố công khai và thứ hai là trên thực địa”. Rõ ràng đây là một tuyên bố rất tự tin, đầy bản lĩnh…
Và Iran, tuy chưa đến thời điểm “khi cần” đó, nhưng tình hình thực tế trên eo biển Hormuz trong thời gian qua khi đối đầu với Hạm đội 5 của Mỹ, 2 khu trục hạm của Hải quân Anh, đã cho thấy: Đừng có đùa, “nếu bạn muốn cuộc sống của bạn không gặp nguy hiểm…Đây là eo biển Hormuz!”.
Phần 1: Hải quân Mỹ chùn tay…
Phải nói rõ điều này, không chỉ Hải quân Mỹ chùn tay mà Hải quân các quốc gia châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha…cũng không gia nhập liên minh với Hải quân Mỹ để chống Iran, bảo vệ “tự do hàng hải” cho các tàu chở dầu của mình trên eo biển Hormuz.
Tại sao vậy?
Thứ nhất, tất nhiên các nước châu Âu, EU vì đang hợp tác làm ăn với Iran chỉ là một phần mà điều quan trọng hơn có tính quyết định là họ nhận thức được rằng, Iran không phải là Iraq hay Lybia mà cứ theo Mỹ đánh hội đồng là thắng là chia phần.
Thứ hai, ở góc nhìn quân sự hay góc nhìn chiến thuật thì tại đây, vịnh Oman trong đó điểm quyết chiến chiến lược là eo biển Hormuz, mặc dù Hải quân Iran không mạnh, chỉ là con muỗi, nhưng đáng tiếc là Hải quân Mỹ và liên minh (nếu có) lại không có lợi thế tác chiến…
Cụ thể: Hải quân Mỹ và liên minh là lực lượng hải quân “nước xanh” (HQNX) nên khi tác chiến trong một khu vực chật hẹp, độ sâu nông thì không phát huy hiệu quả, mất tính cơ động…
Trong khi đó, với sự phát triển của KHCN thì sự thách thức của “HQNX” và “Hải quân nước vàng” (HQNV) không phải là vũ khí, phương tiện…mà chủ yếu là lợi thế tác chiến. Không những thế, tệ hại hơn, nếu “HQNX” để cho đối phương phát huy tốt “chiến lược tác chiến bất đối xứng” thì nên dừng chiến dịch.
Hải quân Iran chưa phải là một lực lượng HQNV đúng nghĩa, nhưng nếu như tác chiến ở đây thì Iran sẽ có 3 lợi thế quyết định:
1, Các loại tên lửa bờ diệt hạm của Iran bố trí, hoàn toàn phát huy hiệu quả trong khu vực tác chiến. Điều đó có nghĩa là lực lượng HQNX phải dạt ra xa để tránh ăn đòn của lực lượng nguy hiểm không cân xứng này. Mà khi bạn đã dạt ra xa, ra khỏi khu vực tác chiến thì chiến dịch chẳng có ý nghĩa gì.
2, Iran có “hạm đội muỗi” bao gồm “những con muỗi độc”, cụ thể là những ca nô cao tốc được trang bị trên đó nhiều loại “vũ khí bất đối xứng” (đó là những loại vũ khí hiện đại, tiến tiến có sức công phá mạnh…) mà có thể đánh chìm những khu trục hạm hiện đại.
Về chiến thuật, “những con muỗi độc” này thực hiện rất nhiều lối đánh như bầy đàn, tập kích nhiều hướng hỏa lực tập trung…
3, Và đặc biệt sử dụng chúng là những người lính thuộc lực lượng hải quân thứ 2 mang tên “Hải quân Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGCN)”. Đây là những người lính cực kỳ anh dũng, có ý chí chiến đấu rất cao, sẵn sàng quyết tử vì quốc gia.
Như vậy, chỉ bàn về một cuộc chiến tranh hạn chế, tức là chiến tranh chỉ xảy ra trên vùng vịnh Oman và eo biển Hormuz mà không lan rộng ra toàn Trung Đông, có quốc gia nào dám thách thức với Iran tại eo biển Hormuz để bảo vệ tàu dầu của mình qua eo biển?
Thật thú vị là chính Mỹ đã giăng bẫy tại Hormuz nhưng chính mình lại loay hoay để thoát ra cái bẫy này khi chỉ Anh quốc dại dột lao vào, còn EU, NATO thì không dại. Tuy nhiên, không chỉ thế, tình hình thế trận trên eo biển Hormuz và khu vực vịnh Oman còn gây nhức nhối đến một quốc gia khác trên Biển Đông…
Nếu như trên vịnh Oman và eo biển Hormuz đang có một bầy “muỗi độc” thì trên Biển Đông lại có một bầy “ong độc”, nhưng nguy hiểm hơn, không chỉ  con ong độc “tàn độc” hơn con muỗi độc mà người sử dụng những “con ong độc” đó – biệt danh những con tàu tên lửa Molniya, lại là bậc thầy về “chiến thuật tác chiến bất đối xứng”.
Như chúng ta đã biết, Cộng hòa Hồi giáo Iran có 2 lực lượng Hải quân, đó là: Hải quân Cộng hòa Hồi giáo Iran và Hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGCN) nói trên. Nói chung thì chức năng nhiệm vụ của cả 2 cũng như Hải quân Việt Nam, nhưng ở đây, chúng ta chỉ quan tâm đến IRGCN, bởi IRGCN được hình thành từ “học thuyết tác chiến phi đối xứng” mà đối tượng tác chiến trực tiếp của IRGCN được xác định là lực lượng “Hải quân nước xanh” Mỹ-NATO.
Tại sao chúng ta quan tâm đến IRGCN và nó có bổ sung gì cho Hải quân Việt Nam về tổ chức xây dựng lực lượng, về kinh nghiệm thực chiến trong hải chiến hiện đại trên Biển Đông để bảo vệ chủ quyền trước một lực lượng “hải quân nước xanh” đông, mạnh của kẻ thù? Sự giống nhau và khác nhau giữa vịnh Oman – Hormuz với Biển Đông trong mục tiêu, nhiệm vụ...khi tác chiến xảy ra là gì?


Phần 2: Nếu Mỹ phải “suy nghĩ 2 lần” ở Hormuz thì Trung Quốc "suy nghĩ 3 lần" trên Biển Đông!
Một điều khá thú vị là “Học thuyết tác chiến phi đối xứng”  hay “chiến lược tác chiến phi (bất) đối xứng” mà IRGCN hình thành, phát triển nó chẳng có gì mới lạ với Việt Nam, có chăng chỉ là từ ngữ hay cái tên gọi.
So với người Ba Tư thì người Việt do sống bên cạnh một láng giềng phong kiến phương Bắc chuyên bành trướng, xâm lược bằng sức mạnh quân sự nên đã hình thành tư tưởng chiến thuật này và đã sử dụng nó thành thạo từ rất lâu, cả ngàn năm nay.
Hơn nữa, không chỉ có vậy, “chiến thuật tác chiến phi đối xứng” chỉ là một phần nhỏ của nghệ thuật quân sự Việt Nam từ “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn” đến “chiến tranh du kích” và thời đại Hồ Chí Minh được phát triển thành học thuyết “chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc”.
“Chiến lược tác chiến phi đối xứng”(CLTCPĐX) là sử dụng cách đánh bất ngờ, nhằm tiêu hao lực lượng sinh lực của đối phương.
Một trong những yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa quyết định là xương sống cho CLTCPĐX là các hệ thống vũ khí phục vụ cho CLTCPĐX phải đảm bảo được các yêu cầu: Hỏa lực mạnh, chi phí thấp, dễ sử dụng, tính linh hoạt cao trong bố trí tác chiến, trong vận chuyển và dễ dàng để ngụy trang nhằm tạo ra hiệu quả tác chiến tối ưu.
Thuật ngữ “CLTCPĐX” này xuất hiện mới đây. Thực chất đây là “chiến lược chiến tranh du kích công nghệ cao”, cho nên, trong “Nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam” thì nội dung của nó không mới.
Hải chiến vịnh Oman - Hormuz và Biển Đông…
Chúng ta hãy xem sự tương đồng giữa 2 khu vực tác chiến…
Trước hết, nếu eo biển Hormuz là tuyến hàng hải cung cấp cho thế giới 2/3 năng lượng dầu lửa thì tuyến hàng hải trên Biển Đông có hơn 5000 tỷ USD vận hành trên đó. Tuyến hàng hải trên Biển Đông bị cắt đứt gây ra không chỉ thảm họa kinh tế một số nước trong khu vực mà cả thế giới.
Ở góc nhìn quân sự, Vịnh Oman-Hormuz chúng ta đã nêu khá rõ ở phần trước, còn ở Biển Đông nếu xung đột (hải chiến) xảy ra thì khu vực tác chiến sẽ là các khu vực tranh chấp và trong vùng EEZ của Việt Nam. Vậy liệu Việt Nam có 3 lợi thế tác chiến như IRGCN hay không?
1, Do Biển Đông rộng hơn eo biển Hormuz cho nên hệ thống tên lửa phòng thủ bờ có những loại không vươn tới mục tiêu như ở Trường Sa, nhưng bù lại Việt Nam có một lực lượng không quân diệt hạm rất hiện đại có thể xuất kích bất ngờ, tại những sân bay trên bờ. Đây được coi là lực lượng “tên lửa sử dụng n lần”, điều mà Iran yếu kém.
2, Do Iran bị cấm vận thường xuyên nên IRGCN chỉ có hạm đội các tàu cao tốc là phương tiện vũ khí chính cho CLTCPĐX. Tuy thế, những “con muỗi độc” này đã tỏ ra rất nguy hiểm khiến nhiều khu trục hạm phải chùn tay, như trong vụ bắt tàu dầu của Anh, lúc đó khu trục hạm Foxtrot-236 của hải quân Anh đi bảo vệ mà không dám manh động…
Trong khi đó, vũ khí cho CLTCPĐX của Việt Nam được nâng cao hơn nhiều bậc, nó là những “con ong độc” biệt danh cho tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya trên Biển Đông.
Chẳng có gì bí mật về tính năng kỹ thuật, vũ khí trang bị của Molniya…Về chiến thuật thì nó là loại tàu cực kỳ nguy hiểm cho lối đánh phục kích và tập kích. Tuy nhiên, đây là điều bí mật: Khi phục kích thì nó ở đâu trên bờ biển, hải đảo của Việt Nam? Khi tập kích thì nó ở hướng nào? Đơn tàu hay biên đội? Nó hợp đồng tác chiến với tàu ngầm hay không quân?...
Những bí mật này sẽ luôn là những bài toán đau đầu cho các sỹ quan Tham mưu - Tác chiến của đối phương.
Bạn không tin? Từ buổi sơ khai, khu trục hạm Maddox của Mỹ bị 3 tàu (xuồng) phóng lôi HQVN đã dạy cho một bài học trong cái gọi là “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” ngày 2/8/1964. Và, trận tập kích của 2 MIG-17 không quân Việt Nam ngày 16/4/1972 vào 04 tàu chiến của hạm đội 7 Mỹ (1 tuần dương, 2 khu trục, 1 hộ tống), trên vùng biển Quảng Bình từ một sân bay dã chiến bí mật trên bờ biển hẹp Quảng Bình…
Chỉ trong vòng 17 phút lịch sử, 2 MIG-17 đã làm xé nát đội hình, gây thiệt hại nặng cho 1 tàu tuần dương và 1 khu trục bị trúng bom, trong khi 2 MIG-17 an toàn trở về.
Một vấn đề mở ra là nếu như không phải 3 xuồng phóng lôi mà là 3 con Molniya và không phải 2 MiG-17 mà 2 con Su-30, đồng thời, những con tàu của Mỹ cũng được trang bị hiện đại như ngày nay, thì kết quả sẽ ra sao? Chắc chắn kết quả sẽ cao hơn, bởi lối đánh hiểm này là đẳng cấp vĩnh viễn, là lợi hại vĩnh viễn của người Việt.
3, Thực tế hạm đội tàu cao tốc của IRGCN là nguy hiểm nhưng nguy hiểm hơn là những người lính sử dụng nó có ý chí chiến đấu rất cao, sẵn sàng cùng chết với kẻ thù. Ý chí chiến đấu của những người lính Hải quân Việt Nam cũng không kém, nhưng chúng ta “quyết chiến để quyết thắng”.
Việt Nam phải làm gì?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói, đại ý rằng, nếu quân đội Việt Nam căng ra đối đầu với quân đội Mỹ trên chiến trường theo chiến tranh quy ước thì chúng ta sẽ bị tiêu diệt trong một vài tuần, nhưng chúng ta thực hiện chiến tranh bất quy ước, nên chúng ta mới thắng.
Ngày nay, nếu như trên Biển Đông, đối phương cậy mạnh, đe dọa và sử dụng bạo lực trong tranh chấp và xâm hại chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam thì về so sánh lực lượng, địch vẫn đông và lớn hơn chúng ta. Vì thế, trong bất luận tình thế nào thì chúng ta vẫn phải “lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ đánh lớn”, phải thực hiện thất tốt CLTCPĐX.
Nghệ thuật quân sự để chiến thắng kẻ thù trong “Chiến tranh nhân dân BVTQ” là rộng lớn, nhưng qua thực tiễn xây dựng và chiến đấu của lực lượng thứ 2 của Hải quân Iran là IRGCN thời gian qua trên vùng vịnh Oman – Hormuz đã hun đúc, củng cố ý đồ chiến thuật, chiến lược của chúng ta.
Chúng ta đã, đang xây dựng và phát triển mạnh mẽ “xương sống” của CLTCPĐX đó là vũ khí phi đối xứng. Cụ thể: Nếu như trên vịnh Oman và eo biển Hormuz đang có một bầy “muỗi độc” thì trên Biển Đông lại có một bầy “ong độc” mệnh danh cho tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya của Hải quân Việt Nam.
Những con tàu tên lửa tấn công nhanh kiểu dạng Molniya đã lần lượt ra đời, những “con ong độc” này được trang bị một chủng loại tên lửa rất nguy hiểm: X-15 (Bản gốc X-35 E tầm bắn 130 km, thay vì 30 km của những “con muỗi độc”).
Loại tên lửa này giá rẻ, nhỏ, nhẹ, nên bố trí nhiều quả trên một phương tiện (“Ong độc” Monliya lắp 16 quả, rất phù hợp với chiến thuật “bầy đàn” lấy số lượng áp đảo, lấy nhỏ (nhưng nhiều) đánh lớn (nhưng ít) trong Nghệ thuật quân sự Việt Nam….
Loại tên lửa này hệ thống điều khiển gọn nhẹ, tổ hợp phóng đạn có kích thước nhỏ, do đó, tên lửa X-35 trên thực tế trở thành vũ khí phi đối xứng, có thể lắp được trong các container nhỏ 20’ trên các loại tầu, thuyền chở hàng, hoặc trên các căn cứ nhỏ ven biển, hải đảo nhỏ, nhà dàn DK1…
Chúng ta đã tự chủ được tên lửa X-35 đủ dùng trên Biển Đông và lắp đặt thành công trên các phương tiện phóng từ mặt nước, trên không và trên đất liền. Đặc biệt, chúng ta gọi “chủng loại tên lửa X-35” là bởi vì chúng ta đã tự sản xuất được ra những biến thể mới đối hạm, đối đất và nâng tầm bắn không hạn chế theo khả năng mà được bạn chuyển giao công nghệ.
Hầu như các tàu chiến chủ lực của Hải quân Việt Nam đều được trang bị loại tên lửa chủ lực này, riêng 10 con “ong độc” đã mang trên mình nó 160 quả X-35 mà tầm bắn hiệu quả của nó bao nhiêu km, biến thể loại gì đối hạm hay đối đất…là điều bí mật.
Rõ ràng, nếu chỉ so sánh trong một phạm vi hẹp về lối đánh, về trang bị phương tiện, vũ khí với Hạm đội cao tốc của IRGCN, thì hạm đội “những con ong độc” Molniya của Hải quân Việt Nam vượt hẳn đẳng cấp.
Tất nhiên, “muỗi độc” hay “ong độc” chỉ phát huy hiệu quả và sự lợi hại của nó trong một thế trận nào đó. Với chúng ta, lực lượng tinh nhuệ, ít mà tinh nói chung và lực lượng “ong độc” nói riêng hoạt động trong một thế trận chiến tranh nhân dân thần thánh, độc đáo, luôn là một đòn đánh cực kỳ nguy hiểm buộc kẻ thù phải “suy nghĩ 2 lần”.

2 nhận xét:

  1. Đọc bài thối không chịu được, ông này mang tư duy thời chiến tranh lanhk viết báo

    Trả lờiXóa
  2. Nội dung bài viết này rất hấp dẫn, cảm ơn tác giả đã chia sẻ

    Trả lờiXóa