Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

LIỆU TRUNG QUỐC LẬP ADIZ TRÊN BIỂN ĐÔNG HAY KHÔNG?


Rõ ràng là không ai có thể nghi ngờ ý định tham vọng của Trung Quốc, nhưng không phải lúc nào muốn cũng được. Điều kiện khách quan, chủ quan có cho phép hay không mới là quyết định...
Tại sao Trung Quốc lập khu nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông trước Biển Đông?
Sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự xoay trục của Mỹ sang châu A-TBD đã tạo ra trên khu vực này một cuộc chiến địa chính trị khốc liệt, căng thẳng. Đồng thời tranh chấp vùng biển giàu tài nguyên, đường hàng hải quan trọng đã khiến cho các nước trong khu vực với Trung Quốc có nguy cơ xảy ra xung đột cao trước hành động đơn phương, đề cao sức mạnh của Trung Quốc…
Có thể nói khu vực châu Á-TBD đã như là một chiển trường của cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới rất căng thẳng. Trung Quốc đang rất bức bối khi đang cố thoát ra khỏi sự bao vây của Mỹ và đồng minh trong chuỗi đảo thứ nhất.
Trong tình thế đó, Trung Quốc tuyên bố khu nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên, Trung Quốc lập quy tắc chơi trong khu vực không tiếp giáp trực tiếp với lãnh thổ quốc gia của mình và được coi như một thách thức rất nghiêm trọng với Mỹ bởi lẽ 70 năm nay, chỉ có Mỹ, Nhật Bản nêu quy tắc ở đây.
Tất nhiên Trung Quốc đã tính rất kỹ khi chọn khu vực này.
Trước hết về vị trí địa lý, đây là khu vực gần trước cửa nhà nên Trung Quốc có điều kiện (lợi thế) để có thể dùng lực lượng không quân và các phương tiện khác trấn áp buộc đối phương thực thi những điều kiện do mình áp đặt, xuất phát từ đất liền mà không cần tàu sân bay hay máy bay tiếp dầu…khi thực thi nhiệm vụ, trong khi Nhật Bản cách xa Senkaku Điếu Ngư hơn Trung Quốc khoảng 200km. Nếu Nhật Bản không khuất phục, đụng độ có xảy ra thì Trung Quốc có đủ tự tin chiến thắng.
Thứ hai là, đối tượng mà Trung Quốc nhắm tới trực tiếp là Nhật Bản, một quốc gia có năng lực quân sự, kinh tế tương đương, đồng minh của Mỹ, một liều thuốc thử cực mạnh.
Nếu sau khi triển khai thành công (Nghĩa là Nhật Bản phải xin phép, cúi đầu khuất phục, còn Mỹ làm ngơ…), thì chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc không đánh mà thắng, lúc đó Trung Quốc tự nhiên có 2 thông điệp hoành tráng cho các nước ASEAN:
Thông điệp thứ nhất, Nhật Bản mạnh như thế, đồng minh quan trọng, lâu đời với Mỹ như thế mà Trung Quốc ra tay là cúi đầu, Mỹ cũng phải thúc thủ.
Và, thông điệp thứ hai, nếu quốc gia nào còn phản đối khu nhận diện phòng không của Trung Quốc, còn nghe theo Nhật, Mỹ thì… hãy coi lại thông điệp thứ nhất.
Phải công nhận rằng Trung Quốc tuyên bố khu nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông là đã chọn đúng tử huyệt để ra đòn phản công. Nói là tử huyệt bởi lẽ khi bị điểm sẽ gây ra sự rung động toàn cục, toàn chuỗi đảo được coi như là để bao vây Trung Quốc bị mất sự không chế vùng trời. Khi Trung Quốc làm chủ vùng trời thì có nghĩa là làm chủ tất cả, là quy luật của chiến tranh hiện đại.
Tuy nhiên, tìm ra hay nhìn thấy được tử huyệt là quan trọng nhưng năng lực tổ chức thực hiện để ra đòn dứt điểm mới quyết định vấn đề. Nếu ra đòn vào tử huyệt, là đòn hiểm mà không dứt điểm được có nghĩa là người ra đòn đã chơi với tử thần.
Trung Quốc tuyên bố lập khu nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông là đòn hiểm nhằm vào tử huyệt, nhưng tiếc thay chưa đủ lực để làm cho đối phương tê liệt.
Điều bất ngờ xảy ra là trong khi Nhật Bản tỏ ra hết sức kiềm chế thì Mỹ, có vẻ như ngoài cuộc mà Trung Quốc không nhắm tới, lại lao vào chơi rất rắn, không ngại va chạm mà thế giới theo dõi đã biết.
Hành động của Mỹ một mặt là cảnh cáo Trung Quốc, sẵn sàng tham gia trực tiếp để bảo vệ lợi ích quốc gia. Mặt khác, Mỹ muốn chứng tỏ cho đồng minh biết Mỹ có thừa khả năng nói “không” với Trung Quốc, đồng thời, ngăn ngừa Nhật Bản tái vũ trang quá đà, khó kiểm soát.
ADIZ trên Biển Đông, lúc nào và nơi đâu?
Trước tình thế này, nếu Trung Quốc lập khu nhận dạng phòng không trên Biển Đông chẳng hạn như trên không phận của cái gọi là thành phố Tam Sa…thì sao?
Trên khu vực đó thì không quân Trung Quốc chưa đủ khả năng để phòng thủ khẩn cấp khi cần thiết, họ còn đang chờ có tàu sân bay.
Khu vực nhận dạng phòng không này nếu lập ra sẽ đụng tới nhiều bên tranh chấp rất quyết liệt và hầu như nằm ngay trước cửa nhà của họ mà máy bay, các phương tiện phòng không khác đều đủ sức thực thi chủ quyền của mình. Chưa hết, khu vực này còn liên quan đến lợi ích quốc gia của nhiều cường quốc khác nữa như Nga, Ấn Độ...mà Trung Quốc phải suy nghĩ nhiều lần.
Nhật Bản đang chờ Trung Quốc tuyên bố thành lập khu vực nhận dạng phòng không trên Biển Đông để ra đòn. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết nước này “sẽ xử lý vấn đề ADIZ của Trung Quốc một cách bình tĩnh và kiên quyết, bằng cách phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế”. Đó là gì nếu như không phải là thành lập khối các nước phản đối khu vực nhận dạng phòng không phi pháp của Trung Quốc?
Đây là điều mà Trung Quốc chẳng bao giờ muốn, bởi vì có nghĩa là Trung Quốc đã đẩy ASEAN vào vòng tay Nhật Bản trong khi thực chất cái gọi là Khu vực nhận dạng phòng không cũng chẳng có ý nghĩa gì với các nước này, nó cũng như các vùng cấm đánh bắt trên biển mà Trung Quốc đơn phương đặt ra thôi nhưng mà cái mất thì quá lớn.
Khi nước cờ trước bị lộ, bị phá thì nước cờ sau sẽ khó lòng tồn tại, và nếu cứ cố tình đi tiếp nước cờ sau thì vô nghĩa. Cho nên, tuyên bố khu nhận dạng phòng không trên biển Đông chỉ có thể là sản phẩm của những viên tương diều hâu nhưng “không tỉnh táo” mà thôi.
Với diễn biến ngày càng bất lợi, ngày càng núng thế, không lường trước khi tuyên bố khu nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông của Trung Quốc, chúng ta nhận thấy có 2 khả năng có thể xảy ra:
Trong tương lai gần, Trung Quốc chưa tuyên bố khu nhận dạng phòng không của họ trên Biển Đông, bởi lẽ cuộc chiến địa chính trị giữa Mỹ và Nhật Bản với Trung Quốc xảy ra trên khu vực ĐNA này cũng mang tính chiến lược sống còn của Trung Quốc và chiến lược xoay trục sang châu Á-TBD của Mỹ. Mất khu vực này Trung Quốc không có hy vọng gì khi đối đầu với Mỹ, Nhật Bản.
Tuy thế, khi Trung Quốc tuyên bố khu vực nhận dạng phòng không dù ở đâu thì cũng đều là nguy hiểm không trước mắt thì lâu dài cho khu vực. Khu vực đó trước mắt không thực thi được thì khi mạnh lên Trung Quốc sẽ thực thi. Có ai nghĩ rằng cái đường lưỡi bò mà chính quyền Tưởng vạch ra năm 1946 mà bây giời Trung Quốc cũng lấy đó để biến Biển đông thành ao nhà…
Vì thế, các quốc gia phải cảnh giác, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những đòi hỏi, áp đặt phi lí, phi pháp nếu xảy ra là không phải không nghĩ đến.

2 nhận xét:

  1. Hai cái đường ADIZ, mà người Mỹ vẽ ra cho Nhật Bản và Nam Hàn trên Biển Hoa Đông ! Nó gây cay đắng cho Trung Hoa trong đầy ba phần tư thế kỷ. Sau thế chiến thứ hai, ngũ cường mà Đài Loan là một, chứ không phải là Lục Địa, thi đua nhau chia xẻ dành phần. Trung Quốc là một, Việt Nam là hai, ông thứ ba là Đại Hàn nằm trong phần chia cắt...////...///
    Cái đường lưỡi bò mười mấy đoạn trên Biển Đông, mà nhà nước Tưởng Giới Thạch vẽ ra thời ấy. Tự bản thân, cùng tính chất với thời gian, mang một giá ngang hàng và toàn phần với hai đường ADIZ nói trên. Và đó là sự thật.

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa