Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Mỹ vạch “làn ranh đỏ” cho Trung Quốc trên Biển Đông


Mỹ đã ra tay sớm trên Biển Đông khiến Trung Quốc chỉ có thể lùi đến “làn ranh đỏ” mà Mỹ đã vạch ra…
Mâu thuẫn Mỹ-Trung Quốc trên Biển Đông là không thể thỏa hiệp.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông trên bản đồ “đường lưỡi bò” họ đưa ra. Cơ sở của cái “lưỡi bò” này là Trung Quốc cho rằng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là chủ quyền của họ, do đó, 200 hải lý bao quanh 2 quần đảo này là khu vực đặc quyền kinh tế, đặc quyền quân sự của Trung Quốc.
Tuyên bố đầy tham vọng của Trung Quốc vấp phải 2 vấn đề lớn. Thứ nhất là về chủ quyền. Đây là điều không thể chấp nhận được đối với những quốc gia đang tranh chấp, đã bị Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm. Đồng thời, Trung Quốc đã bất chấp UNCLOS mà chính họ là thành viên nên tính pháp lý của tuyên bố, của hành động, là phi pháp.
Thứ hai là Biển Đông có “tính quốc tế” vô cùng lớn. Biển Đông không những là “đường sinh mạng” của Trung Quốc như chính họ đánh giá mà Biển Đông còn là khu vực tạo nên “hành lang an ninh” của nhiều quốc gia châu Á-TBD trong đó có Việt Nam. Biển Đông lại là một khu vực địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế rất quan trọng mang tính toàn cầu. Do đó, xung đột lợi ích quốc gia với các cường quốc như Mỹ là không thể tránh khỏi.
Đối với Mỹ. Khi Trung Quốc chiếm trọn Biển Đông thì có 3 vấn đề trầm trọng lớn về chiến lược xảy ra với Mỹ.
Một là: Mỹ bị Trung Quốc đánh bật ra khỏi Biển Đông không chỉ về quân sự mà lớn hơn là vai trò, ảnh hưởng đến khu vực địa chính trị quan trọng nhất của châu Á-TBD là khối ĐNA cũng bị “bật bãi”. Lúc này, chiến lược “xoay trục” của Mỹ sang châu Á-TBD bị phá sản.
Hai là: Tuy Mỹ không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông nhưng lợi ích quốc gia của Mỹ trên Biển Đông là tự do hàng hải, hàng không, cũng như cam kết bảo vệ tự do hàng hải, hàng không của một cường quốc quân sự số 1 thế giới là Mỹ bị thách thức.
Có 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông…
Ngay với Australia, tưởng như “miễn nhiễm” với sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng hơn 2/3 hàng hóa xuất khẩu và 1/2 lượng nhập khẩu cũng đều phải qua tuyến hàng hải Biển Đông…
Với số liệu lạnh lùng đó, chứng tỏ an ninh hàng hải với Nhật Bản, Úc...trên Biển Đông là sự sống còn của nền kinh tế, do đó cũng là sự sống còn của an ninh quốc gia. Và, điều gì sẽ xảy ra khi Trung Quốc khống chế, kiểm soát toàn bộ Biển Đông? Không khó để đoán biết một loạt các nước đồng minh với Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…hoặc trở thành chư hầu của Trung Quốc hoặc bị Trung Quốc bắt làm “con tin”.
Ba là:  Khi Mỹ không chấp nhận “chia đôi cai quản Thái Bình Dương” với Trung Quốc thì Biển Đông là tuyến xuất phát tấn công “chia đôi TBD” với Mỹ thuận lợi nhất. Lúc này tuyến phòng thủ ngăn chặn Trung Quốc trên biển Hoa Đông của Mỹ-Nhật Bản về cơ bản không còn ý nghĩa khi Hawai của Mỹ bị đe dọa trực tiếp từ phía Tây, có nghĩa là an ninh nước Mỹ ở phía Tây bị đe dọa.
Như vậy, đây là 3 vấn đề có tính chiến lược sống còn tại châu Á-TBD của Mỹ mà Biển Đông được coi như tâm điểm, là khu vực “quyết chiến chiến lược” giữa 2 thế lực do Mỹ đứng đầu và Trung Quốc. Đương nhiên, Trung Quốc không bao giờ chấp nhận chiến lược thù địch của Mỹ đối với một cường quốc kinh tế và quân sự mà không cố gắng hành động để chống trả.
Chính vì thế, tính chất sự đối đầu Mỹ-Trung Quốc tại Biển Đông là không thể thỏa hiệp, khoan nhượng với Mỹ.
Sự xuất hiện của Mỹ trên Biển Đông chính là nhu cầu tất yếu bởi chiến lược Mỹ về châu Á-TBD bị Trung Quốc thách thức, xâm hại. Sự xuất hiện này không phải vì Việt Nam, để ngăn chặn Trung Quốc cho Việt Nam…đương nhiên, có sự trùng hợp nhất định trong lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông.
Trên Biển Đông, Mỹ hay Trung Quốc, ai sẽ lùi?
Trong 3 lần (thế giới gọi là 3 lần khủng hoảng eo biển Đài Loan) hành động của Trung Quốc bị Hải quân Mỹ, với sức mạnh vượt trội, răn đe, can thiệp đều phải xuống thang, từ bỏ ý định.
Đặc biệt, cuộc khủng hoảng lần thứ 3 từ 7/1995 đến 11/3/1996. Trung Quốc tiến hành tập trận quanh đảo Đài Loan và phóng tên lửa bay qua hòn đảo này. Lập tức Mỹ điều 2 nhóm tàu sân bay chiến đấu đi vào eo biển Đài Loan khiến Trung Quốc lùi bước, xuống thang để “tránh xung đột với Mỹ” và cũng trong năm đó, năm 1996, Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS.
Hiện nay, liệu có xung đột quân sự của Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông không?
Trước hết, Đài Loan chỉ có ý nghĩa về chính trị với Trung Quốc mà thôi trong khi Biển Đông nó gồm cả ý nghĩa quân sự và kinh tế. Biển Đông quan trọng hơn Đài Loan. Vì thế quyết tâm của Trung Quốc có thể cao hơn so với tình thế Đài Loan.
Các “hỏa lực mồm” từ Hoàn Cầu thời báo đã nổ ầm ầm, nhưng về khả năng, thực lực Hải quân Trung Quốc PLAN vẫn chưa đủ tuổi để đối đầu với Hải quân Mỹ.
Đánh giá của chuyên gia quân sự Nga trước đây, giờ vẫn chưa thay đổi là: Muốn diệt 1 hạm đội sân bay Mỹ, PLAN phải mất 40% lực lượng. Với một giá đắt như vậy, giới quân sự Trung Quốc sẽ không mạo hiểm. Không những thế, trên Biển Đông Mỹ không chỉ có một mình, vừa có lợi thế địa lý khi các căn cứ quân sự tại Philipines, Singapo, Úc…vây quanh, còn Trung Quốc thì có gì? Các đảo nhân tạo đang dở dang, nhưng dù đã hoàn thành thì không ai hiểu “tuổi thọ” của nó bằng Mỹ và…Việt Nam.
Điểm nóng của sự căng thẳng trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu từ việc tàu chiến, máy bay tuần tra của Mỹ bị Trung Quốc tố cáo là xâm nhập vào “không phận”, “lãnh hải” Trung Quốc trên mấy cái đảo Trung Quốc đang xây dựng.
Bản chất của sự đối đầu căng thẳng Trung-Mỹ là nếu Mỹ chấp nhận sự xua đuổi của Trung Quốc có nghĩa là Mỹ chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông như đường “lưỡi bò” đã vẽ. Khi đó Trung Quốc có được Biển Đông, tuyên bố ADIZ, thì hậu quả với Mỹ như phân tích ở trên. Mỹ không thể chấp nhận tình huống này nên bất chấp các cảnh báo của Trung Quốc điều lực lượng sang Biển Đông cùng với các đồng minh như Nhật Bản, Úc, Philipines hành động.
Nếu Trung Quốc không làm gì ngăn cản được các hành động tuần tra của Mỹ và liên minh thì tuyên bố về chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc là vô giá trị. Nghĩa là Trung Quốc chỉ có các đảo đá với vùng lãnh hải là 12 hải lý mà thôi, là thứ mà Mỹ tôn trọng, còn đương nhiên, lúc đó, cái đường “lưỡi bò” sẽ trở nên vô nghĩa.
Đây cũng chính là “làn ranh đỏ” mà Mỹ vạch ra cho Trung Quốc là Trung Quốc phải tuân thủ UNCLOS mà chính Trung Quốc là thành viên.
Tuân thủ UNCLOS (Công ước và luật biển năm 1982) có nghĩa là các đảo trên quần đảo Trường Sa dù tự nhiên hay nhân tạo đều không có vùng đặc quyền kinh tế EEZ rộng 200 hải lý, chỉ có lãnh hải 12 hải lý.

Chúng ta chờ xem ai sẽ lùi trên Biển Đông.

6 nhận xét:

  1. Bình luận của LNT hay, rõ về thế trận Mỹ - Trung, trước mắt mình nghĩ 2 bên tạm chấp nhận 12 hải lý để tránh đối đầu. Thợ tui đang lo ở QĐ Trường Sa còn nhiều bãi ngầm chưa nước nào kiểm soát, TQ sẽ làm như vừa qua, chiếm và xây. LNT có thể giải thêm khả năng này có thể xảy ra không và đối sách của Hải quân VN?

    Trả lờiXóa
  2. Tôi nghĩ khả năng Mỹ TQ thật sự đối đầu bằng "Người Thật Việc Thật" thay vì "đối đầu" bằng các phát ngôn cấp Thượng nghị sỹ là thấp hơn 1%. Khả năng dễ xảy ra hơn là cả hai sẽ đi đến thỏa hiệp như bao lần trước trong quá khứ.

    Ngày xưa Mỹ Trung như nước lửa mà còn thỏa hiệp được thì không lý gì ngày nay không thể, khi hàng vạn doanh nghiệp lớn của hai nước đang làm ăn với nhau và có lợi ích cộng sinh. Ít nhất về kinh tế. Mà kinh tế quyết định chính trị. Không thỏa hiệp lĩnh vực này thì thỏa hiệp lĩnh vực khác bù lại. TQ đang có trăm nghìn lợi lộc có thể cho Mỹ.

    TQ là chủ nợ hàng đầu của Mỹ trong nền kinh tế thị trường. Bao nhiêu lợi ích chứng khoán lên hay xuống của doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào sắc mặt của Cp TQ.

    Như đã biết các chính sách Mỹ không phụ thuộc từ Tổng thống mà phụ thuộc từ giới thế lực tài phiệt với các quỹ tài trợ Tranh Cử khổng lồ và các chiến lược vận động hành lang dài hạn tới Quốc hội.

    Còn "tự do hàng hải" nếu không phải là cái cớ như vấn đề tự do dân chủ nhân quyền thì Trung quốc hoàn toàn có thể thỏa hiệp cho Mỹ quyền tự do đi lại trong những vùng BĐ mà chúng nó kiểm soát. Tàu Mỹ muốn đi đâu thì đi. Áp dụng chính sách Hòa Mạnh Hiếp Yếu. Dầu sao cũng là biển chùa và là đồ ăn cắp chứ chả phải biển của chúng nó.

    Bây giờ Mỹ vào đây tranh giành địa kinh tế, địa chính trị, tầm ảnh hưởng quyền lực với TQ. Mỹ vừa mới làm phá nát Ukraina và bao nhiêu lần khác trên thế giới, thì không lý gì giờ Mỹ vào BĐ thì trở thành cứu tinh.

    Tôi nghĩ không thể trông cậy chờ gì vào Mỹ. Như bác Vịnh nói là phải tự lực thôi. Mỹ TQ thế nào thì xem chúng nó choảng nhau rồi tính. Nhưng khả năng chúng nó choảng nhau thật là dưới 1%.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Việt Nam mình luôn xác định không dựa vào nước nào cả

      Xóa
  3. Có khi nào Mỹ làm nóng biển đông để Trung Quốc xung đột với các quốc gia trong khu vực...

    Trả lờiXóa
  4. Mỹ chỉ làm những gì mang lại lợi ích cho Mỹ mà thôi

    Trả lờiXóa