Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Nước cờ bí hiểm của Việt-Nga trên Biển Đông


Dư luận thế giới và các nhà bình luận quân sự đã râm ran lên chuyện đối đầu quân sự của Mỹ-Trung trên Biển Đông, thậm chí vẽ ra các tình huống xung đột quân sự một khi Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc...Có điều đa phần nghiêng về kết luận Mỹ và Trung Quốc không bao giờ xung đột quân sự với nhau và chuyện Mỹ tăng cường lực lượng quân sự trên Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc, thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông cũng chỉ là mới chủ yếu là dự định.
Tuy nhiên, có một điều thực sự thách thức trực tiếp “ngay và luôn” đến tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông của Liên bang Nga thì ít bị để ý đến.
Biển Đông là nơi tranh chấp quyết liệt giữa Việt Nam và Trung Quốc, là nơi đụng độ chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang xảy ra rất gay gắt, là nơi mà Nhật Bản cũng sẵn sàng can thiệp bằng quân sự khi an ninh quốc gia bị nguy hại…thì ai cũng biết, vậy Liên bang Nga ở đâu trên Biển Đông? Nga đang ngồi yên nhìn các cường quốc tranh chấp một khu vực có tầm chiến lược toàn cầu?
Lợi ích quốc gia Nga trên Biển Đông
Trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Liên Xô cũ kết hợp với Việt Nam thành lập công ty góp vốn, cùng liên thủ khai thác mỏ Bạch Hổ ở Biển Đông, sản lượng khai thác chiếm một nửa tổng sản lượng dầu thô của Việt Nam. Đến nay, đây vẫn là mỏ dầu lớn nhất của Việt Nam.
Theo thống kê, đến nay Nga đã trở thành đối tác hợp tác nước ngoài lớn nhất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Nga đã trở thành chỗ dựa lớn nhất của cộng đồng kinh tế do Việt Nam liên kết với các cường quốc trên thế giới tạo nên trên vấn đề Biển Đông. Các công ty dầu mỏ phương Tây khác như Exxon Mobil, BP, TOTAL những năm gần đây mới góp vốn với Việt Nam khai thác dầu khí.
Nga hợp tác với Việt Nam bởi Nga được chia sẻ lợi ích kinh tế to lớn tại Biển Đông, đồng thời đảm bảo được lợi ích an ninh, mang tính chiến lược toàn cầu của Liên bang Nga thời Putin trước một Trung Quốc hung hăng đang trỗi dậy.
Quân cảng Cam Ranh đã từng là căn cứ quân sự của Nga đến năm 2001 phục vụ cho chiến lược toàn cầu của Nga thì ngày nay với quan hệ truyền thống, thủy chung, tin cậy lẫn nhau giữa 2 nước, Nga được Việt Nam ưu tiên sử dụng theo thỏa thuận đã ký.
Với Mỹ, từ khi Trung Quốc trỗi dậy, không che đậy mưu đồ bá chủ thế giới thì Mỹ chính thức nhảy vào Biển Đông bằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton vào tháng 7/2010 tại Hà Nội “Mỹ có lợi ích quốc gia tại Biển Đông” đã khiến Trung Quốc nhảy dựng, phản đối quyết liệt.
Xét ở góc độ chiến lược thì “lợi ích quốc gia” của Mỹ tại Biển Đông chủ yếu là để ngăn chặn Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà”, thành khu “đặc quyền quân sự”, tiến xuống phía Nam thách thức vị thế, quyền lực của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khống chế tuyến hàng hải trên Biển Đông và đe dọa an ninh của đồng minh Nhật Bản, Úc…
Chiến lược “xoay trục” sang châu Á-TBD của Mỹ mới chỉ trên giấy tờ, do đó, về lợi ích thực tế trong cấu trúc hiện nay ở Biển Đông, Mỹ là kẻ đến sau Nga, kể cả Trung Quốc cũng vậy thôi.
Nhưng, tuy đến sau Nga nhưng lợi ích an ninh của Mỹ trên Biển Đông lại có tính “sống còn”, cấp thiết, hơn Nga. Nếu Trung Quốc chiếm được Biển Đông thì Nhật Bản, đồng minh của Mỹ sớm muộn gì cũng trở thành chư hầu và Mỹ đã quá muộn khi nhận lời đề nghị “chia đôi TBD”, bởi lúc đó Trung Quốc muốn nhiều hơn nữa. Vì thế, Biển Đông hiện giờ được coi như là khu vực “quyết chiến chiến lược” của 2 cường quốc Trung-Mỹ, nhưng loại Nga hay không để ý đến Nga trên khu vực này là một sai lầm chiến lược.
Chắc chắn Mỹ và phương Tây đã có bài học về bất chấp lợi ích Liên bang Nga, cảm giác an ninh Nga sẽ bị Nga giáng trả như thế nào. Chính Mỹ cũng đang phàn nàn, lo ngại khi các máy bay chiến lược của Nga đi tuần tra được tiếp dầu ở quân cảng Cam Ranh.
Nga “tuyên bố” gì trên Biển Đông?
Nga không tuyên bố gì mà chỉ hành động.
Khi việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang bắt đầu mưng mủ trước âm mưu bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, Nga bán cho Việt Nam những trang bị vũ khí đời mới lợi hại, chuyên dùng cho xung đột tại Biển Đông. Những hệ thống vũ khí tiên tiến, bao gồm tàu ngầm lớp Kilo 636, máy bay chiến đấu Su-27, máy bay Su-30 và nhiều tên lửa đối hải, radar…loại vũ khí nào mà Nga bán cho Việt Nam cũng có tính năng tiên tiến hơn hẳn các vũ khí cùng loại bán cho các nước khác. Có loại vũ khí như Bastion-P thì ngoài quân đội Nga ra chỉ có Việt Nam, điều này nói lên độ tin cậy, lòng tin chiến lược của 2 nước Nga-Việt…
Các loại vũ khí lợi hại này đã nhanh chóng hình thành sức chiến đấu và hoạt động khắp nơi thuộc vùng Biển Đông và biển phía Đông Trung Quốc, tạo ra sự đe dọa khá lớn đối với các thế lực bành trướng, nhằm đảm bảo an toàn cho việc khai thác các mỏ dầu của Việt Nam-Nga, đồng thời kìm Trung Quốc “lăm le” tại vùng Viễn Đông của Nga.
Mỗi lần Biển Đông có dấu hiệu nóng lên là mỗi lần Nga xuất hiện theo cách riêng mà chỉ Nga và Việt Nam mới hiểu. Những chiếc tàu ngầm, những chiếc Gepard chống ngầm xuất hiện đúng lúc, trước thời hạn, đã tạo ra một sức mạnh có tính răn đe lớn trên Biển Đông.
Nga tận tâm “đầu tư công nghệ” giúp Việt Nam biến quân cảng Cam Ranh, một căn cứ quân sự có vị trí, địa thế lợi hại bậc nhất trên thế giới, tạo ra một sức mạnh răn đe lớn và…tất nhiên, Nga và Việt Nam đầu tư bao nhiêu tiền của vào Cam Ranh không phải để biến Cam Ranh “hữu danh vô thực”, không phải để ngồi nhìn các thế lực khác khống chế toàn bộ Biển Đông…Một hạm đội tàu ngầm của Việt Nam đã xuất hiện “làm thay đổi cuộc chơi trên Biển Đông” như các nhà quân sự nước ngoài đánh giá…có sự giúp đỡ to lớn, quý báu của Nga.
Vì vậy, trong mối quan hệ Nga-Trung, Tiết Lý Thái, nghiên cứu viên Trung tâm an ninh và hợp tác quốc tế Đại học Stanford đã đánh giá rất chính xác rằng: “Hiện nay, Nga ngoài mặt vẫn giữ thái độ tươi cười với Trung Quốc, trong ngoại giao thì nói ý cay bằng lời ngọt, trong hành động thì chỉ làm không nói. Nga giống như “con vịt đạp nước”, trên mặt nước thì dường như không có động tĩnh gì nhưng dưới nước lại giở võ chân”.
 Tuy thế, chúng ta thừa hiểu rằng, nếu Trung Quốc gây ra xung đột với Việt Nam thì quan hệ Nga-Việt sẽ có ít nhiều bị tác động. Chắc chắn là như vậy, Nga sẽ trung lập trong việc tranh chấp trên Biển Đông, nghĩa là không đứng về Trung Quốc hay Việt Nam, không ra mặt giúp Việt Nam như thời chống Trung Quốc năm 1979…
Nhưng…bởi vì, Việt Nam đã đủ “lớn”, bởi vì, cái Việt Nam cần ở Nga thì đã có, đang có và sẽ có.
Chúng ta cú thử tưởng tượng, nếu như một quả tên lửa Iskander có thể hủy diệt một trung đoàn bộ, thì đảo nào lớn nhất ở quần đảo Trường Sa cũng chỉ cần không quá 2 quả. Vậy thì bất cứ đảo nào trên quần đảo Trường Sa dù là nhân tạo hay tự nhiên, làm căn cứ quân sự thì không có tuổi thọ khi xung đột quân sự xảy ra trên Biển Đông.
Thật ngây thơ khi cho rằng Việt Nam chỉ có mấy thứ vũ khí như máy bay, tàu ngầm, tên lửa…mà báo chí đăng tin. Do đó, những bước đi, những thực thi, trong hợp tác quân sự Việt Nam-Liên bang Nga mới thực sự là những nước cờ bí hiểm trên bàn cờ chiến lược Biển Đông.
Có thể nói, sự xuất hiện của Mỹ trên Biển Đông với hành động thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đã trở thành một “đồng minh chiến thuật” tự nhiên của Việt Nam. Sự xuất hiện này cùng với những tuyên bố cứng rắn trong việc thực thi chiến lược “xoay trục” của Mỹ đã bóp chết âm mưu tuyên bố ADIZ trên Biển Đông của Trung Quốc tuy quá muộn với việc xây dựng đảo nhân tạo làm hỏng “phong thủy” trên Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành.
Không chỉ có Mỹ mà nhiều nước khác cũng có lợi ích quốc gia trên Biển Đông đã chứng tỏ “tính quốc tế” của Biển Đông là hiện thực, rõ ràng. Do vậy, tham lam muốn chiếm trọn Biển Đông là điều không thể và bị quốc tế phản đối, ngăn chặn là tất yếu.

Việt Nam, lợi ích quốc gia, không những thế cả an ninh quốc gia cũng gắn chặt với Biển Đông, Việt Nam sẽ không ngồi nhìn khi điều đó bị xâm hại bởi bất cứ ai.

4 nhận xét:

  1. Mỹ không có tuyên bố chủ quyền gì ở BĐ, và không có tranh chấp lãnh thổ với TQ. Nên sẽ luôn có chỗ để thỏa hiệp.

    Trả lờiXóa
  2. Muốn giữ biển đảo ta cần có những Diên Hồng có một Trần Hưng Đạo. Những người ăn lộc nước mà như Trần Nhật Hiệu thì mua Iskander hay gì gì nữa kẻ cướp đều không sợ mà tôi sợ tốn tiền thuế của dân thôi, anh Lê Ngọc Thống ạ

    Trả lờiXóa
  3. bài viết phân tích rất sâu sắc

    Trả lờiXóa