Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

Một chiến thắng Pyrros hoặc thảm họa nếu Trung Quốc thu hồi Đài Loan bằng vũ lực!

 


Trong bài phát biểu ngày 1/7/2021 đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCS Trung Quốc. Tổng bí thư ĐCS – Chủ tịch CHND Trung Hoa, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Giải quyết vấn đề Đài Loan và hiện thực hóa sự thống nhất hoàn toàn của Trung Quốc là một sứ mệnh lịch sử và cam kết không thể lay chuyển của ĐCS Trung Quốc”.

Trong bài diễn văn đó, đồng chí Tập Cận Bình hứa sẽ “làm nứt sọ” và “đổ máu” những kẻ cản đường… 

Có thể nói, không phải tự bây giờ mà từ thời Mao Chủ tịch, vấn đề Đài Loan như là một “khúc xương mắc trong cổ họng” người Trung Quốc Đại lục. Đã có ít nhất nhất 2 lần Trung Quốc định sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan, song không thành, khi bị các hạm đội tác chiến tàu sân bay (CGS) của Mỹ ngăn chặn, buộc phải xuống thang…

Giờ đây, khi Mỹ-Trung đang xác định nhau là đối tượng tác chiến, trong khi Mỹ có dấu hiệu giảm sút sức mạnh, thế giới chuyển sang đa cực và Trung Quốc đã trỗi dậy thì liệu ĐCS Trung Quốc thu hồi Đài Loan bằng vũ lực hay không?

Đài Loan không phải là Crimea hay Nam Ossetia…

Bản thân vị thế của Đài Loan không hề đơn giản và đừng ai hời hợt so sánh nó với các quốc gia như Cosovo, Nam Ossetia, v.v. Mặc dù là người mang dòng máu Trung Quốc nhưng tại Đài Loan, hiện nay, chỉ có 2,7% coi mình là người Trung Quốc còn lại 63,3% coi mình là người Đài Loan.

Nên nhớ, cái tên Trung Hoa Dân Quốc, một trong những người sáng lập LHQ là ủy viên thường trực HĐBA LHQ. Ngày nay, vị trí Đài Loan trong LHQ, nó được chuyển giao cho CHND Trung Hoa sau khi thất bại trong cuộc nội chiến 1945-50, Quốc dân đảng bị ĐCS Trung Quốc đánh bại phải chạy ra đảo Đài Loan.

Ngày nay, Đài Loan, đại diện cho chính đảo Đài Loan và một số đảo nhỏ, chỉ được 15 quốc gia trên thế giới công nhận, nhưng thông qua các phái đoàn thương mại, nó duy trì mối quan hệ với toàn thế giới.

Đài Loan hiện được cai trị bởi Đảng tiến bộ dân chủ (DPP), mà bà Thái Anh Văn là nữ “Tổng thống” Trung Hoa Dân Quốc đang ở nhiệm kỳ thứ hai. Kể từ năm 1979, Mỹ đã thể hiện chính sách bảo trợ đối với Đài Loan. “Tổng thống” Thái Anh Văn và DPP của bà ấy kiên quyết phản đối việc thống nhất với CHND Trung Hoa.

“Độc lập hoàn toàn” của Đài Loan dưới sự bảo trợ của Mỹ không phải là điều mà Bắc Kinh đang muốn. Trung Quốc những năm 1979 và Trung Quốc ngày nay là hai điểm khác biệt lớn. Tuy nhiên, nói thì cứ việc nói, ĐCS Trung Quốc đã nói nhiều về quyết tâm thu hồi Đài Loan, nhưng làm hay không lại là chuyện khác…

Các vấn đề ngăn cản Trung Quốc thu hồi Đài Loan…

Thứ nhất: Hậu quả cuộc chiến.

Những người Cộng Sản Trung Quốc lo ngại nhất là một chiến thắng “Pyrros” (một chiến thắng mà bên thắng cuộc chịu một giá đắt khó chịu đựng nổi) khi sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan – một chiến thắng Pyrros cho sự ổn định hệ thống chính trị Trung Quốc.

Đài Loan là một đảo quốc có 23 triệu dân, lực lượng vũ trang tuy không thể so sánh với Trung Quốc nhưng Đài Loan có 2 lợi thế tác chiến: Phòng thủ chống đổ bộ và được Mỹ-Nhật Bản hỗ trợ bằng quân sự (có thể bằng cả binh lính).

Do đó, (1) nếu Trung Quốc tấn công phủ đầu bất ngờ mà sự can thiệp của Mỹ-Nhật hạn chế thì theo dự đoán của các nhà quân sự phương Tây, Trung Quốc phải mất ít nhất 50.000 phi công và lính thủy và (2) nếu sự tấn công không bất ngờ, Mỹ-Nhật hỗ trợ kịp thời thì Trung Quốc phải mất ít nhất 100.000 quân.

Thắng cuộc chiến nhưng 50 ngàn hoặc 100 ngàn bố mẹ có con trai độc nhất chết trận là điều không thể chấp nhận, vì thống nhất Trung Quốc, thu hồi Đài Loan…chỉ là quyết tâm chính trị của ĐCS Trung Quốc chứ không đem lại lợi ích cho gia đình có con ra trận. Quan điểm “người Trung Quốc không giết người Trung Quốc” trỗi dậy trong dân chúng, quan chức, sẽ xung đột với ý chí chính trị Đảng cầm quyền.

 Kết thúc cuộc chiến, nền kinh tế của Đài Loan được xếp hạng thứ 30 trên thế giới về sức mua tương đương (PPP), thứ 18 về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thứ 24 về GDP danh nghĩa, đầu tư và ngoại thương…tan hoang khiến Trung Quốc không chỉ phải nuôi “báo cô” mà còn chịu một cú “boomerang” cực mạnh, cụ thể:

Cốt lõi của nền kinh tế Đài Loan là sự giàu có của TSMC (Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan), chiếm khoảng 56% sản lượng chip bán dẫn của thế giới. Đây là một con số khổng lồ, để so sánh: GlobalFoundries (Mỹ) đứng thứ hai thế giới, chiếm 9,4%, United Microelectronics Corporation (lại Đài Loan) đứng thứ ba, 8,5%.

Trên thực tế, TSMC có cổ phần kiểm soát trong việc sản xuất chipset trên thế giới. Khách hàng của TSMC là HiSilicon, MediaTek, Huawei, Realtek, AMD, NVIDIA, Qualcomm, ARM Holdings, Altera, Xilinx, Apple, Broadcom, Conexant, Marvell, Intel. Đây là danh sách các khách hàng lớn nhất và có thể đưa ra kết luận về việc TSMC đã tham gia thị trường một cách vững chắc như thế nào.

Sự phát triển của đất nước CHND Trung Hoa đòi hỏi một số lượng lớn các con chipset, trong khi người Trung Quốc không thể tự tổ chức sản xuất, không tự mình phát minh ra nó. Trung Quốc chỉ sản xuất hoặc sao chép, nhưng ngay cả điều này cũng đòi hỏi sự đột phá của bộ vi xử lý và các vi mạch khác.

Do đó, Trung Quốc đơn giản là không thể chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong vấn đề này, mà Mỹ sẽ thực hiện thông qua Đài Loan. Xung đột hiện nay đang xoay quanh việc Mỹ đang cố gắng kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc bằng cách gây áp lực lên TSMC cố gắng siết chặt Huawei bằng các biện pháp trừng phạt và không cung cấp chipset.

Thứ hai: Không chắc thắng!

Rõ ràng thắng cuộc chiến thì đó là một chiến thắng Pyrros, nhưng nếu thất bại thì sẽ là một thảm họa cho ĐCS Trung Quốc là tất yếu. Đối đầu với Trung Quốc không chỉ là lực lượng đồn trú Đài Loan mà nguy hiểm lớn chính là liên minh Mỹ-Nhật và AUKUS. Liên minh này có can thiệp vào Đài Loan hay không quyết định thành bại cuộc chiến…

Vấn đề là Trung Quốc muốn thắng trọn vẹn, vững chắc thì phải thực hiện một phương án tác chiến chớp nhoáng, tức đánh nhanh thắng nhanh và kết quả tối ưu nhất là chính quyền Đài Loan đầu hàng. Do vậy, cuộc chiến càng kéo dài thì nguy cơ Trung Quốc chuốc thảm họa là không tránh khỏi…

Với tinh thần “bờ có vững thì đảo mới yên” thì rõ ràng “bờ” Mỹ-Nhật và AUKUS rất vững. Và, có lẽ Đài Loan là “làn ranh đỏ” cuối cùng của “sức mạnh bá chủ” của Mỹ, mất Đài Loan là hạ gục uy thế của Mỹ đã buộc 3 CGS của Mỹ-Anh xuất hiện tại Biển Đông. Liên minh quân sự Mỹ tại đây có can thiệp vào Đài Loan hay không đã có câu trả lời chính xác với Bắc Kinh.

Thứ ba: Tổ chức, sử dụng lực lượng cho tấn công Đài Loan…

Nếu Trung ương ĐCS Trung Quốc quyết định tấn công, thì tổ chức lực lượng ra sao, sử dụng lực lượng nào tham gia tưởng rằng dễ dàng nhưng hóa ra lại rất khó khăn với Bắc Kinh. Đó là một lực lượng rất lớn (hải - lục - không quân) tập trung vào một vị tướng – lịch sử và quá khứ đã không cho phép ĐCS Trung Quốc mạo hiểm, và không phải lực lượng nào cũng hăng hái tham gia “người Trung Quốc giết người Trung Quốc”.

Thực tế chúng ta chỉ nghe những lời hung hăng trên MXH, nhưng nhảy lên tàu đổ bộ, ngồi vào buồng lái máy bay, hành quân đến giữa đại dương bao la…lại là chuyện khác, nó tác động đến tinh thần vô cùng lớn nếu như người lính không có lý tưởng quyết tử cho Trung Quốc có thêm Đài Loan…

Kết luận: Với 3 vấn đề đã nêu trên nếu như tồn tại và là sự thật thì Bắc Kinh sẽ không bao giờ thu hồi Đài Loan bằng vũ lực. Họ sẽ dùng biện pháp hòa bình. Đài Loan không phải là Crimea và việc Nga không “giải phóng” luôn Ukraine năm 2014 là bài học có giá trị cho Bắc Kinh ngày nay với vấn đề Đài Loan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét