Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Việt Nam không phải là Philipines!


Một trong những công cụ truyền thông hung hăng nhất cố súy cho tư tưởng Đại Hán, kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, và nổi tiếng với những trò vu cáo, “gắp lửa bỏ tay người”, đó chính là tờ Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm phụ của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng CS Trung Quốc.
Với tinh thần đó thì Việt Nam, đương nhiên là đối tượng truyền thông của họ và người Việt Nam cũng đã quen tai với những lời lẽ láo xược, hung hăng, đe dọa lâu nay của Thời báo Hoàn cầu (TBHC).
Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama thì khẩu khí của TBHC cũng vậy thôi, nhưng có một bài xã luận nhan đề: "Obama không có cách nào biến Việt Nam thành Philippines" của TBHC khiến dư luận ngạc nhiên vì cái nhan đề ấy là đúng và chính xác.
Tất nhiên, nội dung của bài xã luận đó được nhìn qua một “lăng kính mang bản sắc của TBHC” đã bị báo chí trong nước Việt Nam đả phá. Ở đây, chúng ta cũng bàn đến nội dung của nhan đề đó nhưng từ góc nhìn thẳng: "Tại sao Việt Nam không phải là Philipines?" hay, "vì sao Obama không có cách nào biến Việt Nam thành Philipines?" mà thôi.
Sai lầm không thể khắc phục của Philipines
Trên Biển Đông, Trung Quốc hành động rất hung hăng, quyết đoán với lời lẽ rất hiếu chiến khiến cho các nước nhỏ trong khu vực lo sợ. Philipines cũng không loại trừ, khi đã nhiều lần bị Trung Quốc chèn ép, nhưng họ chơi với Trung Quốc kiểu “bám theo nước lớn để hưởng lợi”:
Năm 2004, biết rằng Trường Sa đang là khu vực tranh chấp quyết liệt. Việt Nam đã từng phải đổ máu để bảo vệ chủ quyền. Thế nhưng Philipines vẫn ngang nhiên ký tay đôi với Trung Quốc để cùng khảo sát địa chấn tại quần đảo Trường Sa-Việt Nam. Họ coi như Trường Sa chỉ là của Trung Quốc và Philipines, bất chấp Trường Sa là của Việt Nam.
Hành động này của Philipines chứng tỏ họ “đi đêm”, bắt tay với thế lực có ý đồ bành trướng lớn nhất, tham vọng lớn nhất mà không cần đếm xỉa gì đến quyền lợi nước khác.
Năm 2009 Philipines từ chối tham gia một bản báo cáo chung với Việt NamMalaysia trong việc xác lập thềm lục địa và vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ). Theo đó, Việt NamMalaysia không coi các vị trí ở Hoàng Sa, Trường Sa là các đảo và do đó không có các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, mà chỉ có tối đa 12 hải lý lãnh hải như UNCLOS quy định.
Hầu như mọi nước ASEAN ven Biển Đông đều thống nhất với quan điểm này, nó tạo thành lập trường chung của ASEAN nhưng, Philipines đi ngược lại, họ cùng chung lập trường với Trung Quốc.
Philipines đã đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc, bức thư phản đối quan điểm chung của Việt NamMalaysia.
Sự phản đối của Philipines đã dẫn đến các hậu quả vô cùng tai hại, mà trước hết bị ngay với chính mình.
Một là, Philipines đã vô tình tiếp tay, công nhận bản đồ “chín khúc” mà Trung Quốc vẽ ra chiếm hơn 80% Biển Đông. Vì Trung Quốc coi Hoàng Sa và Trường Sa là “chủ quyền không thể chối cãi” của họ. Và nếu thế, cho nên vùng EEZ rộng 200 hải lý sẽ trùm hết 80% Biển Đông.
Hai là, do vậy, cơ sở nào, khi chỉ dựa trên quan hệ song phương, để Philipines nói rằng bãi cạn Scarborough là của riêng mình khi nó cũng thuộc vùng EEZ của Trường Sa (còn gần hơn cả Philipines nữa)?
Và đương nhiên, Trung Quốc dại gì mà không tuyên bố là của họ khi Philipines chỉ là “con muỗi”, khi mà lực lượng “răn đe” của Philipines quá yếu và quá thiếu, chủ yếu dựa vào Mỹ, trong khi Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền?
Có thể nói, chỉ có Trung Quốc mới có quyền và khả năng lợi dụng Philipines chứ làm sao Philipines lợi dụng được nước lớn luôn có tư tưởng bàng trướng như Trung Quốc. Philipines đã phải trả giá: Mất Scarborough.
Đây là một sai lầm mà giờ đây Philipines có kiện cáo gì, tòa có phán quyết ra sao tới đây thì Trung Quốc vẫn y án: Scarborough là của họ.
Việt Nam không phải là Philipines
Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến sự khác nhau trong mối quan hệ hợp tác với Mỹ mà không phân tích sự khác biệt trong những vấn đề khác.
Trước tiên, Philipines là đồng minh quân sự với Mỹ. Có nghĩa là khi Philipines bị tấn công thì Mỹ sẽ can thiệp. Vì thế Philipines đã cho Mỹ triển khai các căn cứ quân sự trên lãnh thổ để đối phó với Trung Quốc, nhưng họ quên một điều: Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền.
Do dựa vào Mỹ để bảo vệ chủ quyền nên khả năng tự lập của Philipines rất yếu, biểu hiện là lực lượng hải quân, không quân không được đầu tư đúng mức, họ không có khả năng để buộc Trung Quốc phải trả giá.
Tổng thống mới đắc cử Rodrigo Duterte đã cay đắng: “Mỹ sẽ không bao giờ chết vì chúng tôi. Nếu Mỹ quan tâm, họ lẽ ra đã gửi các tàu sân bay và tàu khu trục tên lửa vào thời điểm Trung Quốc bắt đầu tuyên bố chủ quyền ở vùng lãnh thổ tranh chấp, song điều như vậy đã không xảy ra”.
Và, ông ta lại “hờn dỗi”: “Mỹ sợ tiến hành chiến tranh. Chúng ta tốt hơn hết nên kết bạn với Trung Quốc”.
Động thái của vị tân Tổng thống Philipines đã khiến cho giới quan sát cho rằng đây là một “ẩn số địa chính trị khu vực”, nghĩa là Philipines sắp tới chưa biết sẽ thực hiện chính sách đối ngoại thế nào. Ông ta sẽ làm gì với các căn cứ Mỹ để kết bạn với Trung Quốc?...
Với Việt Nam, thay vì dựa vào Mỹ để bảo vệ chủ quyền như Philipines thì Việt Nam quan hệ tốt với Mỹ kể cả hợp tác quân sự, để nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền.
Việt Nam bảo vệ độc lập, chủ quyền của mình bằng sức lực, trí tuệ và máu của chính mình, chứ không hoang tưởng bằng máu của người khác. Vì thế, quan hệ hợp tác Việt Nam-Mỹ dựa trên cơ sở nền tảng bình đẳng, đôi bên cùng có lợi.

Với tinh thần đó, cơ sở nền tảng đó, thì Việt Nam đâu phải là Philipines và ông Obama làm sao có thể biến Việt Nam, một quốc gia luôn có nền đối ngoại độc lập, tự chủ, thành Philipines.
 Một nền đối ngoại độc lập, tự chủ, chỉ có thể là đường lối của một quốc gia độc lập, tự do.

6 nhận xét: