Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Đẳng cấp BTV!

Xem BTV của người ta mới thấy BTV của VTV nhà mình quá cứng, quá diễn. 






Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Sau vụ không kích Palmyra, Nga và Israel đang đe dọa lẫn nhau?


 Nga không cam kết bảo vệ Syria khỏi Israel và không muốn gây nguy hiểm cho mối quan hệ rất tốt của mình với Israel.
Rất nhiều tin tức, bình luận, suy đoán xoáy quanh sự kiện không quân Israel không kích vào Palmyra. Rằng tại sao Nga không trả đũa Israel, Nga đang bất lực khi không quân Israel cứ “phẫu thuật” Syria hết lần này đến lần khác?, rằng có phải S-300, S-400 của Nga chỉ là sự đồn đại? vv…vv
Israel đang đe dọa thách thức Nga?
Giới truyền thông đưa ra lời của thủ tướng Israel, ông Netanyahu sau vụ không kích, rằng:
“Khi chúng tôi xác định những nỗ lực chuyển vũ khí tiên tiến cho Hezbollah, chúng tôi sẽ ngăn chặn nó”. “Đó là cách chúng tôi đã hành động và sẽ tiếp tục hành động...Tất cả mọi người cần phải tính đến điều này. Mọi người”. Ông nói thêm. (RT 18/3)
Nếu đúng là phát ngôn của ông Netanyahu thì đây là một lời đe dọa bóng gió của Israel với Nga. “Tất cả mọi người phải tính đến điều này. Mọi người”. Điều này là gì nếu như không ám chỉ Nga cũng sẽ nằm trong số đó nếu như…
Nhưng đáng tiếc là RT cũng bị lừa vì không có một cơ sở nào để cho rằng ông Netanyahu nói như vậy. Và đặc biệt một chính trị gia tầm cỡ như Netanyahu không bao giờ phát ngôn như vậy với Nga, một cường quốc có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh Israel.
Thử nghĩ xem, không phải tình cờ khi trước một tuần Nga tham chiến tại Syria, Netanyahu đã thăm Nga và đã thỏa thuận một cơ chế điều phối quân sự giữa Nga và Israel (9/2015). Và mới đây, tháng 3/2017 “ông và Tổng thống Nga đã đạt được thỏa thuận rõ ràng về cách quân đội Nga và Israel hợp tác tại Syria” - phát biểu của Ngoại trưởng Nga, Lavrov.
Lưu ý: Tổng thống Putin đã công khai và tự hào tuyên bố trong một cuộc họp báo chung với Netanyahu vào tháng 6 năm 2016:
"Chúng tôi đã nói về sự cần thiết để cùng nhau chống lại khủng bố quốc tế. Israel đã có kinh nghiệm trực tiếp về chống lại khủng bố. Theo nghĩa này, chúng tôi là đồng minh thực sự. Chúng tôi sẽ thúc đẩy mối liên hệ với các đối tác của Israel trong lĩnh vực này”.
Như vậy, Nga và Israel không chỉ là đồng minh, mà còn là “đồng minh thực sự”, và họ “cùng nhau chống lại khủng bố quốc tế”...
Và, do vậy, Nga tin rằng việc Israel coi Hezbollah là “nhóm khủng bố” và cho phép không quân Israel “tấn công phẫu thuật” vào nó chứ không phải vào quân đội Syria mỗi khi xâm phạm không phận Syria???
Hiểu sao tùy, nhưng nếu Israel hiểu đúng và nếu tuyên bố của Netanyahu trên như RT đưa là sự thật thì sự bóng gió “mọi người” ở đây chẳng có chút nào ám chỉ Nga cả.
Việc Israel coi Hezbollah là khủng bố cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng người Kurd Syria (YPG) cũng là nhóm khủng bố…trong khi Hezbollah và YPG lại là đồng minh của quân đội Syria chống khủng bố LIH mà Nga cần loại bỏ…
Cho nên, trong bối cảnh Syria là một chiến trường hỗn độn, đích ai nấy ngắm, “hồn ai nấy giữ”…thì cớ gì Israel lại bóng gió thách thức đe dọa Nga?
Nói thật, Israel chọc giận Gấu Nga thì chỉ cần một vài chuyến bay vận chuyển vũ khí hiện đại cho lực lượng Hezbollah là Israel mất ăn mất ngủ…nhưng tình thế Nga-Israel đang rất tốt nên sẽ không bao giờ điều đó sẽ xảy ra và tất nhiên Israel chẳng có dại dột.
Vậy thì tại sao Nga triệu tập đại sứ Israel lập tức sau vụ không kích tại Palmyra?
Nga đang răn đe, cảnh cáo Israel?
Ông Bashar Jaafari, đại sứ Syria tại LHQ trên truyền hình Syria, rằng:
“Putin đã gửi một thông điệp rõ ràng, khi đại sứ Israel tại Nga đã được triệu tập cho một cuộc trò chuyện chỉ một ngày sau khi ông trình quốc thư và đã được nói dứt khoát rằng trò chơi này đã kết thúc”. “Xung đột quân sự trong vụ Palmyra đã làm thay đổi các quy tắc trò chơi”. Syria sẽ không đứng yên trong mối đe doạ của Israel”. Ông nói thêm.
Có rất nhiều “thuyết âm mưu” sau phát biểu này, tựu chung lại đều cho rằng Nga đang răn đe, cảnh cáo Israel, ám chỉ rằng Nga sẽ như thế này thế kia mà có dịp chúng ta sẽ phân tích cụ thể sau.
Không thể phủ nhận rằng Nga rất không hài lòng với vụ không kích tại Palmya, vì thế Nga mới triệu tập đại sứ. Có điều, chẳng ai biết rõ cặn kẽ nội dung buổi gặp đại sứ Israel là gì, nhưng chắc chắn một điều rằng, Nga là một cường quốc, nên họ muốn răn đe ai, cảnh cáo ai không cần phải lén lút, bóng gió qua một nhà ngoại giao nước ngoài như Syria.
Hãy xem các xử sự của Nga trong vụ Mỹ “ném bom nhầm” giết chết hơn 100 lính Syria. Ngay lập tức, không thèm triệu tập đại sứ Mỹ, Nga trình lên HĐBA và, một loạt tên lửa Nga phóng vào khu vực chỉ huy tác chiến của phiến quân làm cho hơn 30 “chuyên gia” nước ngoài tan xác.
Như vậy, ở đây Nga chẳng có gì quá tồi tệ để phải cảnh cáo, răn đe Isreal cả, nhưng nếu như có điều gì cần nói thì đó là Israel phải kiểm tra lại thỏa thuận với Nga vì tại Palmyra không có Hezbollah.
Sau vụ không kích tại Palmyra, Israel tiếp tục thực thi 4 phi vụ không kích vào lãnh thổ Syria, khiến cho rất nhiều người cho rằng Israel coi Nga không ra gì, hệ thống phòng không S-300, S-400 của Nga chỉ là quảng cáo…Vậy sự thật là thế nào?
Trước hết hãy đọc, hiểu tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Lavrov vào đầu tháng 5/2016:
“Assad không phải là đồng minh của chúng tôi. Vâng, chúng tôi ủng hộ ông trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố và bảo vệ nhà nước Syria. Nhưng ông ấy không phải là một đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Hoa Kỳ”.
Tuyên bố được hiểu trên 2 vấn đề cốt lõi:
1, Nga không giúp chính quyền Assad chống quân xâm lược nước ngoài như Thổ Nhĩ Kỳ, Israen hay Mỹ…Do đó S-300, S-400…của Nga không để tấn công Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Mỹ.
2, S-300, S-400 hay các loại phương tiện khác trong hệ thống phòng không không quân hiện đại của Nga chỉ phục vụ chống khủng bố và bảo vệ Nga không bị những kẻ khác làm phiển trong nhiệm vụ tác chiến với quân khủng bố.

Rõ ràng đến đây chúng ta đã hiểu tại sao khi không quân Mỹ, Phần Lan hoành hoành trên bầu trời Deir Ez Zor gần 1 tiếng đồng hồ mà Nga chỉ thông báo tình hình cho Mỹ và liên quân biết nhưng không khai hỏa S-300 hay S-400. Không quân Israel trong không phận Syria cũng vậy thôi.

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

Triều Tiên không ngồi nhìn Mỹ-Hàn tập trận!


Khi tình hình chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đang ở tình trạng tạm đình chiến thì Triều Tiên càng không được phép lơ là mất cảnh giác.

Kể từ năm 2013, người tỉnh táo chỉ coi CHDCND Triều Tiên làm chứ không nghe họ nói.
Vào ngày 6/3, giới truyền thông lại một lần nữa nhanh nhạy đưa tin theo cảm giác cũ, cảm giác mà CHDCND Triều Tiên nói, “diễn” nhưng ít làm. Nhiều tin đã đưa, rằng: “Triều Tiên đã bất chấp LHQ phóng thử tên lửa ICBM, họ đã phóng 4 quả bay 620 dặm qua vùng biển Nhật Bản…” vân vân và vân vân.
Triều Tiên không thử nghiệm phóng tên lửa!
Trong quá khứ, Triều Tiên đã thử nghiệm phóng tên lửa rất nhiều lần tại một trung tâm phóng thử duy nhất ở Musudan-ri.

Musudan-ri nằm ở tỉnh Bắc Hamgyong, gần mũi phía bắc của biển Đông Triều Tiên. Khu vực này có tên cũ là Taepodong trong thời kỳ Triều Tiên bị Nhật Bản chiếm đóng, do đó tên lửa Taepodong hay No-dong là lấy tên theo địa danh này.
Từ những năm 1960, tên lửa Scud B do Liên Xô cũ chế tạo được chuyển giao cho Triều Tiên có tầm bắn từ 280–300 km, nó đã được cải tiến thành tên lửa Scud C. Cuối năm 1980,Triều Tiên đã chế tạo các tên lửa nhiều tầng, cứ sau 5 năm tên lửa thế hệ Scud mới lại ra đời.
Tháng 5/1990, Triều Tiên cho bắn thử tên lửa Nodong hay còn gọi là Taepodong thế hệ 1 đầu tiên nhưng đã thất bại. Vào cuối tháng 5/1993, Triều Tiên đã thử thành công quả tên lửa Nodong đầu tiên với tầm bắn khoảng 2000 km.
Một ngày cuối tháng 5/ 2006, vệ tinh gián điệp của Mỹ và Nhật Bản đều chụp được những bức ảnh cho thấy Triều Tiên đang nạp nhiên liệu lỏng vào một quả tên lửa lớn. Phân tích các dấu hiệu khác liên quan, các chuyên gia quân sự Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đi đến kết luận rằng, Triều Tiên đang chuẩn bị cho một cuộc thử tên lửa đạn đạo (ICBM) Taepodong-2.
Sự thật về năng lực tên lửa của Triều Tiên đến nay thế nào không ai dám nói chắc. Họ có thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân hay không và đã thử nghiệm thành công ICBM như họ nói hay chưa...Tuy nhiên có một điều mà ai cũng phải thừa nhận là Triều Tiên đã thành công tên lửa Taepodong-1 tầm bắn khoảng 2.000 km và nó đã biên chế vào tác chiến.
Điều cần lưu ý là, tất cả những lần thử nghiệm tên lửa các loại dù thành công hay thất bại thì cũng đều được tiến hành từ Trung tâm phóng thử nghiệm tên lửa Musudan-ri mà không bất cứ nơi nào khác.
Chính thế nên Musudan-ri là nơi các vệ tinh do thám của Mỹ-Nhật-Hàn đều chăm chú vào đó để phát hiện nhất cử nhất động tình hình tên lửa Triều Tiên, để tố cáo, để chống phá, để cấm vận…như đã từng.
Thế nhưng, việc phóng tên lửa ở nhiều vị trí khác nhau đã chứng tỏ rõ ràng là Triều Tiên không phải phóng thử nghiệm, bởi vị trí đó không phải là nơi đủ cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho thử nghiệm đúng nghĩa như trung tâm Musudan-ri.
Vậy đó là gì?
Tập trận tấn công phủ đầu?
Trong những năm gần đây, Triều Tiên phóng tên lửa từ rất nhiều vị trí khác nhau. Giới quân sự Mỹ-Hàn không như giới truyền thông, họ thừa biết Triều Tiên đang tập trận. Đương nhiên, tập trận phóng tên lửa và phóng thử tên lửa là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Đúng thôi, đã đến lúc Triều Tiên phải biết tấn công bằng tên lửa, phải biết thực hành tấn công bằng những bài tập với tình huống giả định sát thực…và họ không hề phủ nhận vấn đề này.
Năm ngoái sau cuộc tập trận, Triều Tiên công bố một bản đồ về tầm tác chiến của tên lửa, giới quân sự Hàn Quốc đã đọc vị được nội dung của cuộc tập trận là nó được tiến hành bằng cách “hạn chế tầm bắn trong điều kiện mô phỏng tấn công phủ đầu tại các cảng và sân bay trong khu vực tác chiến ở Hàn Quốc.
Và mới đây, vào ngày 6/3, tại một căn cứ quân sự phía Tây Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng phóng liền 4 quả tên lửa mà giới truyền thông đưa tin rầm rộ. chúng bay đi 620 dặm (hơn 1000 km) trước khi “hạ cánh” xuống vùng biển Nhật Bản.
Có thể nói, lần này Triều Tiên phóng tên lửa không hạn chế tầm bắn như trước mà được mở rộng khi 3 trong số 4 quả đã bay 620 dặm (chừng hơn 1000 km) “hạ cánh” trên một vòng cung trải dài xuống căn cứ không quân Corps gần Iwakuni của Nhật Bản.

Như vậy, tham gia vào cuộc tập trận của lực lượng pháo binh chiến lược Hwasong của Quân đội Triều Tiên, lực lượng tên lửa đã không chỉ lấy Hàn Quốc là đối tượng tác chiến mà khu vực tác chiến được mở rộng đến Nhật Bản và tất nhiên các căn cứ quân sự Mỹ-Nhật là đối tượng tác chiến.
Vậy tại sao Triều Tiên lại thực hành phóng tên lửa tấn công hủy diệt căn cứ quân sự Mỹ-Nhật Bản?
 Mỹ-Hàn đang tiến hành một cuộc tập trận được coi là lớn nhất mang tên Foal Eagle kéo dài 2 tháng với lực lượng tham gia hơn 300 ngàn quân Hàn, 17 ngàn quân Mỹ cùng với cụm tàu sân bay USS Carl Vinson, 10 tàu chở dầu khí, 10 máy bay S-3 Viking, 6 máy bay trực thăng SH-3H Sea King, 4 máy bay gây nhiễu EA-6B Prowler và 4 máy bay E -2 Hawkeye cảnh báo sớm. Ngoài ra, máy bay chiến đấu tàng hình F-35B tại căn cứ Iwakuni Nhật Bản lần đầu tiên sẽ được triển khai tham gia để tấn công đòn phủ đầu.
 Cuộc tập trận này là thực hành trên thực địa, thực hiện kế hoạch chiến tranh của Mỹ-Hàn được gọi là OPLAN 5015 được mô tả là một cuộc tấn công phủ đầu vào Triều Tiên bằng lực lượng không quân, hải quân và bộ binh, từ ngày 1/3 đến cuối tháng 4/2017.
Song song với Foai Eagle (Đại bàng non), từ ngày 13-24/3, Mỹ-Hàn tiến hành một cuộc tập trận khác mang tên “Giải pháp then chốt”. Đây là một cuộc tập trận đặc biệt được mô phỏng trên máy tính sử dụng không quân, tên lửa…tấn công phủ đầu hủy diệt lực lượng hạt nhân Triều Tiên.
Đương nhiên, Triều Tiên coi các cuộc tập trận trên của Mỹ-Hàn là một cuộc tổng duyệt cho xâm lược. Do đó, Triều Tiên đang làm chỉ đơn giản là counterprogramming (lập trình ngược) lại “Đại bàng non” và “Giải pháp then chốt” của Mỹ-Hàn.

Khi chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên mới tạm đình chiến; khi Mỹ-Hàn đang lăm le, chuẩn bị ráo riết đòn tấn công phủ đầu…thì Triều Tiên không thể ngồi nhìn. 

Mỹ đã tạo ra “quái vật” Triều Tiên?


Bất kỳ một chiến lược nào dù đã tốt đẹp, sáng suốt  thì nó cũng sẽ không tồn tại theo cùng với thời gian. Tất cả đều có tính lịch sử. Hôm nay là đúng nhưng ngày mai, ngày kia là lạc hậu và không thay đổi thì chính nó lại là nguyên nhân của sự sai lầm. Đó là chân lý, quy luật khách quan.
Hiệp ước đình chiến Mỹ- Triều Tiên ký với nhau năm 1953 (cũng như khối quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO), nó đã không phù hợp với tiến trình lịch sử, nó đã lỗi thời lạc hậu và là nguyên nhân chính cho cái gọi là sự bất ổn, căng thẳng…tại khu vực Đông Bắc Á.
Chừng nào Mỹ-Hàn Quốc vẫn đang còn trạng thái chiến tranh với Triều Tiên là chừng đó bất ổn vẫn tồn tại, nguy cơ chiến tranh nổ ra giữa 2 miền là đương nhiên.
Triều Tiên - nhân tố hỗn loạn có kiểm soát của Mỹ!
Vậy tại sao chưa có hiệp ước hòa bình? Bởi vì điều kiện tiên quyết Mỹ đặt ra là Triều Tiên (TT) phải dừng  nghiên cứu, chế tạo VKHN, trong khi TT, điều kiện tiên quyết của họ là Mỹ phải ký trước. Bởi lẽ TT đã rút kinh nghiệm từ tấm gương Iraq, Lybia…mà Mỹ đã đối xử.
Về tính logic, hay về yếu tố tích cực trong cuộc đàm phán thì ai có hơn, Mỹ hay TT?
Đương nhiên là TT, vì họ là nước nhỏ, không đủ khả năng để lật lọng với Mỹ. Trong khi Mỹ, ngay cho đến giờ đã hơn chục năm, Mỹ vẫn cho rằng VKHN của TT vẫn chưa có khả năng bay vào lãnh thổ Mỹ…thì tại sao lại đưa ra một điều kiện tiên quyết vô lý, trịch thượng để triệt tiêu sự đàm phán đến thế.
Đơn giản là vì Mỹ không muốn. Mỹ muốn khai thác sử dụng cái bất hợp lý của hiệp ước đình chiến. Bởi đó chính là cơ sở cho việc đồn trú  hơn 70 ngàn quân Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản mà Mỹ không muốn rút về nước.
Nói tóm lại là Mỹ muốn bất ổn, căng thẳng tại vùng Đông Bắc Á này. Một sự hỗn loạn có kiểm soát của Mỹ. Thế thôi.
Muốn có sự hỗn loạn, trước tiên Mỹ luôn khiêu khích TT bằng những cuộc tập trận.
Động thái của Triều Tiên trước, trong các cuộc tập trận của Mỹ-Hàn là dọa dẫm, răn đe mang tính chất “ảo, diễn” bao nhiêu và không quá khó để kiểm chứng thì Mỹ đối phó, đáp trả với quy mô vượt trội và đặc biệt là có tính chất “thật 100%” bấy nhiêu.
Mỹ không “diễn”, Mỹ đang triển khai lực lượng, đã triển khai xong 14 hệ thống phòng thủ tên lửa ở phía Tây nước Mỹ và mới đây đã triển khai xong hệ thống THAAD tại Hàn Quốc (TT còn lâu mới có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân bay được tới được đất Mỹ và THAAD không phải để chống TT).
Con bài TT đã đang có một “vị trí” xứng đáng trong trò chơi địa chính trị Châu Á-Thái Bình Dương như vậy thì Mỹ đời nào bỏ đi, không sử dụng cơ chứ! Tuy nhiên…Mỹ có đủ “phép thuật” để khống chế kiểm soát được CHDCND Triều Tiên không?
Mất kiểm soát Triều Tiên.
Người Mỹ coi khả năng chế tạo VKHN của TT là khá khiêm tốn khi liên tục cấm vận, trừng phạt…nhưng hiện nay theo The New York Times thì “Mỹ đã bất lực trong việc ngăn chặn TT làm chủ kỹ thuật bí mật của VKHN và quan trọng là Mỹ phải làm gì để ngăn chặn TT có ICBM”.

KN-08 tên lửa đạn đạo đã được diễu hành qua Bình Nhưỡng vào tháng 7 năm 2013 trên xe phóng di động có thể được ẩn trong các hang động hoặc dưới lòng đất, làm cho tên lửa khó để theo dõi và mục tiêu

Ba năm trước, Tổng thống Obama đã lệnh cho Lầu Năm Góc thực hiện tác chiến điện tử để chống lại chương trình thử tên lửa của TT bằng cách phá hoại các cuộc phóng thử trong vài giây đầu tiên tên lửa rời bệ phóng.
Thực tế đã có một số lượng lớn tên lửa TT đã bị phát nổ trước khi rời bệ phóng, bị nổ trên không trung hay rẽ ngoặt đâm xuống biển trong các lần thử.
Kết quả tự nhiên này khiến cho người Mỹ có cách tiếp cận mới về phương cách chống chương trình tên lửa của TT và yên tâm rằng phải cần nhiều năm TT mới có ICBM đe dọa Mỹ.
Tuy nhiên, những người không ủng hộ lại hoài nghi, cho rằng, việc phóng thử tên lửa không thành công chưa hẳn là do Mỹ phá hoại mà cũng có thể do lỗi chế tạo và thực tế trong 8 tháng vừa qua, TT đã thử thành công 3 tên lửa tầm trung. Việc ông Kim tuyên bố TT đang ở giai đoạn cuối của ICBM là không phải vô căn cứ.
Rõ ràng là Obama rời nhiệm sở đã để lại cho ông Trump những lựa chọn rất khó khăn để xử lý vấn đề hạt nhân TT.
Trump có thể ra lệnh cho Lầu Năm Góc leo thang nỗ lực chiến tranh điện tử để phá hoại…(cách mà Obama đã từng) nhưng điều đó không đảm bảo chắc chắn, không có độ tin cây cao khi kết quả không được xác định cụ thể.
Trump có thể chuẩn bị cho các cuộc tấn công tên lửa trực tiếp vào các vị trí  phóng, nhưng có rất ít cơ hội để diệt được mục tiêu vì TT không phải như Iran.
Mục tiêu tại Iran tương đối dễ dàng: một nhà máy làm giàu hạt nhân dưới lòng đất có thể bị tấn công nhiều lần. Trong khi ở  TT mục tiêu là thách thức hơn nhiều khi tên lửa được bắn từ nhiều vị trí và trên các bệ phóng di động ngụy trang nghi binh…
Trump có thể gây áp lực với Trung Quốc để cắt đứt mọi sự hỗ trợ, nhưng Trung Quốc không bao giờ vượt qua giới hạn mà có thể khiến Bình Nhưỡng sụp đổ. Và thậm chí Trump có thể đưa VKHN trở lại Hàn Quốc…nhưng để làm gì?
TT giờ đây đã đủ sức răn đe. Dù rằng chưa có ICBM vươn tới lãnh thổ Mỹ, nhưng các tên lửa tầm trung, đặc biệt 4 quả tên lửa được phóng vừa qua đã đưa toàn bộ căn cứ Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản vào tầm có hiệu quả.

Chính Mỹ đã “tạo ra một con quái vật mà mình không thể đánh thắng nó”. Con “quái vật” đó chính là Bắc Triều Tiên.
(Còn tiếp)

Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Đòn quyết định cuối cùng của Putin tại Ukraine


Có vẻ như Nga đang chuẩn bị sẵn sàng phương án tác chiến tại Ukraine như tại Syria khi tình huống dự kiến xảy ra…
Chắc chắn tình hình Ukraine trong tháng qua, sau những quyết định của Nga khiến cho Kiev chao đảo thì tâm trí mọi người sẽ cho rằng đã đến lúc DNR và LNR sẽ tuyên bố độc lập hoặc trưng cầu sáp nhập vào LB Nga và Nga sẽ công nhận những điều này…
Bởi lẽ đến lúc này, DNR và LNR đã hoàn toàn cắt đứt mọi quan hệ với chính quyền Kiev, có nghĩa là về nội dung, DNR, LNR đã là 2 quốc gia độc lập, họ có chính quyền, quân đội riêng, có nền kinh tế và sử dụng đồng tiền riêng…Do đó, chỉ còn tuyên bố để được thế giới công nhận về mặt hình thức là xong, là hoàn chỉnh.
Về phần nước Nga, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết “công nhận độc lập cho DNR và LNR là quyền quyết định của Tổng thống Putin”. Các phương tiện truyền thông thì đăng giật gân sau khi Putin ký sắc lệnh công nhận các giấy tờ văn bản của DNR, LNR rằng Nga phát tín hiệu cho Mỹ….
Nói chung dư luận cho rằng việc công nhận DNR và LNR độc lập chỉ là vấn đề thời gian.
Mục tiêu chính trị của Nga trong khủng hoảng Ukraine
Tuy nhiên, nếu như thế, thì ai đó đã đánh giá quá thấp hoặc chẳng hiểu hết được ý đồ của Tổng thống Nga Putin trong giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Tại thời điểm năm 2008 khi Nga đang còn yếu về thế và lực mà Nga vẫn công nhận nền độc lập của  Nam Ossetia và Abkhazia thì ngày nay việc công nhận độc lập cho DNR và LNR dễ như trở bàn tay. Nhưng Nga không làm vậy vì như thế, không giải quyết dứt điểm tận gốc cuộc khủng hoảng.
Thứ nhất, nếu như vậy thì vấn đề Crimea sẽ luôn luôn là một “dãy đá ngầm”, là một quả bom bất ổn, căng thẳng thường xuyên trong quan hệ lâu dài với nước láng giềng Ukraine.
Thứ hai, nếu ai coi DNR và LNR độc lập sẽ tạo ra một vùng đệm thì càng sai lầm vì Nga không thể đem khu vực lãnh thổ người Nga sinh sống làm một “vùng đệm” theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Bắc Triều Tiên hay Việt Nam là vùng đệm với Trung Quốc nhưng LNR và DNR với Nga thì không.
Vậy, với tình thế hiện nay giữa miền Đông Ukraine và chính quyền Kiev thì việc Nga công nhận độc lập hay không chẳng có ý nghĩa gì hết (nó vốn đã độc lập), trong khi lại gây căng thẳng địa chính trị với Mỹ-Phương Tây nếu công nhận.
Chính vì thế, tại Ukraine, Nga chỉ cần Crimea là đủ mà không muốn sáp nhập hay công nhận độc lập vùng miền Đông Ukraine. Nga muốn các bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận Minsk-2 mà theo đó sẽ hình thành một Ukraine thống nhất nhưng quyền lực chính trị bị phân tán…
Cho nên, có thể nói, Putin đang kiên nhẫn chờ đợi thời cơ chín mùi là ra đòn cuối cùng để giải quyết tận gốc rễ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Vậy đòn cuối cùng là gì?
Ai là tổng thống Ukraine sắp tới, Yanukovych hay…?
Chúng ta để ý quan sát 2 diễn biến đang xảy ra tại Ukraine:
Thứ nhất, hiện nay, chính quyền Kiev do Poroshenko làm Tổng thống có thể nói đang chuẩn bị đón nhận một Maidan lần thứ hai. Lực lượng cực hữu, phát xít trong chính phủ đang lũng đoạn, chống phá điên cuồng…
Chúng đã phong tỏa than từ vùng Donbass, chưa đủ chúng còn phong tỏa than ở các ngã đường từ Nga sang Ukraine…khiến chính quyền Kiev phải báo động tình trạng khẩn cấp về năng lượng. Kiev bị chúng “bắn vào chân” nhưng bất lực…
Chính quyền Kiev đã “chơi dao” khi sử dụng những lực lượng cực hữu, phát xít này từ Maidan để lật đổ Yanukovych, đồng thời tuyển mộ những phần tử cực đoan khắp nơi cùng với nhóm Right Sector để đàn áp dân miền Đông…giờ đã đang bị “đứt tay” khi chính lực lượng này đang chuẩn bị một Maidan mới có nghĩa là nội chiến đẫm máu sắp xảy ra…
Thứ hai, vào ngày 4/3/2014, Yanukovych đã gửi một bức thư lên HĐBA yêu cầu Nga như Tổng thống Syria Assad đã từng.
Mới đây, vào ngày 6/1/2017 Nga đã nhắc lại một bức thư đó, nội dung có đoạn “…Là chủ tịch hợp pháp được bầu của Ukraine tuyên bố: Các sự kiện trên Maidan, đã dựng lên một chính quyêng bất hợp pháp ở Kiev, dẫn đến thực tế rằng, Ukraine đang trên bờ vực của cuộc nội chiến. Có sự hỗn loạn và vô chính phủ, cuộc sống, sự an toàn và quyền lợi của người dân, đặc biệt là ở phía Đông và ở Crimea  bị đe dọa. Dưới ảnh hưởng của các nước phương Tây đã chúng đã bài xích khủng bố sử dụng bạo lực với những người dân vì lý do chính trị và ngôn ngữ. Trước tình hình này, tôi đề cập (đề nghị) đến tổng thống Nga  Putin sử dụng các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga để khôi phục lại sự cai trị của pháp luật, hòa bình, trật tự, ổn định và bảo vệ người dân Ukraine”.
Đương nhiên, không chỉ Nga mà toàn bộ những ai hiểu biết trên thế giới đều có cơ sở lý luận chắc chắn, có đủ bằng chứng xác đáng để chứng tỏ chính quyền Kiev sau Maidan là bất hợp pháp, một nhà nước khủng bố, giết người hàng loạt…Và, như tuyên bố của Putin tại FBS thì “Nga có quyền và sẵn sàng hành động một mình theo điều 51 Hiến chương LHQ”.
Tại sao bây giờ Nga mới nhắc lại bức thư này?
Tiếng la hét “Assad must go!” đã nín lặng tại Syria thì đã đến lúc Nga đủ sức mạnh, điều kiện để thực hiện lời đề nghị của Tổng thống hợp pháp của Ukraine Yanukovych khi lực lượng cực hữu, phát xít, khủng bố, bạo loạn lật đổ tạo ra một cuộc nội chiến đẫm máu tại Ukraine.
Cũng như tại Syria, VKS Nga đã đập tan lực lượng khủng bố LIH thì tại Ukraine VKS Nga phải đập tan lực lượng phát xít, cực hữu này để tìm một giải pháp hòa bình, ổn định cho Ukraine.
Ai sẽ là tổng thống tương lai Ukraine thì chưa biết nhưng hiện tại Nga cho rằng Yanukovych vẫn là tổng thống hợp pháp của Ukraine.
Một quốc gia Ukraine thống nhất trong liên bang, một nhà nước dân chủ không bị lực lượng phát xít lũng đoạn có chính sách đối ngoại độc lập, hữu nghị với láng giềng là mục đích của Nga và cũng là cách giải quyết tận gốc rễ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Giải thích cho can thiệp quân sự tại Syria, Nga cho rằng phải đánh chặn quân khủng bố từ xa và trong khi quân khủng bố đang ở tại Ukraine thì Nga sẽ xử lý ra sao?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã để một thời gian dài 2 năm cho Phương Tây và Kiev thực hiện Minsk-2, nhưng thực tế Minsk-2 bị phá hoại. Chính quyền Kiev cho thấy quyết tâm sử dụng vũ lực để tắm máu miền Đông hoặc bị Maidan lật đổ…thì rõ ràng cuộc nội chiến tàn khốc Ukraine đã diễn tiến đến một nấc thang mới nguy hiểm đến an ninh Nga.

Đó chính là lúc Nga sẽ tung đòn quyết định cuối cùng. Và nên biết rằng nếu như tại Syria, VKS Nga đã “đập” lực lượng khủng bố các loại tan nát như thế nào thì tại Ukraine, lực lượng phát xít, cực hữu chưa đủ tuổi để so với cùng loại tại Syria, trong khi đó VKS Nga tại Ukraine còn có lợi thế gấp hàng trăm lần tại Syria.

Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017

Cuộc chiên tranh biên giới phía Bắc Việt Nam: Góc nhìn thẳng!


Khi lịch sử đang còn ảnh hưởng đến hiện tại thì công bố hay không, lúc nào, công bố bao nhiêu…lại thuộc quyền hạn của nhà chính trị.
Đầu tiên phải khẳng định một điều chắc chắn là cuộc “xung đột quân sự” giữa Việt Nam và Trung Quốc xảy ra ngày 17/2/1979 trong lãnh thổ Việt Nam, đặt tên cho nó là gì? Ai thắng, ai bại?...không phải là vấn đề của Việt Nam mà là vấn đề của Trung Quốc hiện đại.
Tại sao đó không phải là vấn đề của Việt Nam?
 Cuộc họp báo tại Hà Nội sau chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược ngày 17/2/79. Ảnh tù binh Li Fu lính xe tăng trả lời phỏng vấn.

Đơn giản là nếu như bây giờ và thậm chí trước đây khi lượng thông tin còn ít, câu trả lời của bất kỳ người dân Việt Nam nào được hỏi về cuộc chiến đó tên gọi là gì, ai thắng, ai bại, thì đều có chung một đáp số mà không hề có sự phô trương, tuyên truyền của chính quyền Việt Nam.
Sự thật cuộc chiến là hiển hách nhất trong lịch sử chống giặc phương Bắc. Nói là hiển hách nhất bởi có mấy kết quả sau:
- Đánh tan một đạo quân đông nhất hơn 60 vạn tên cùng hàng trăm xe tăng, hàng ngàn khẩu pháo…(Vua Quang Trung cũng chỉ thắng 30 vạn quân Thanh mà thôi. Mỹ và chư hầu lúc đông nhất trên chiến trường miến Nam Việt Nam cũng mới gần 50 vạn quân)
- Nhanh nhất với chỉ 16 ngày (từ 17/2 đến 5/3/1979 lúc Trung Quốc tuyên bố rút quân).
- Lần đầu tiên chặn ngay địch thành công từ cửa ngõ biên giới.
- Giống Lý Thường Kiệt khi tấn công vào đất địch và giống Nguyễn Trãi khi mở đường cho địch rút chạy mà không tấn công truy kích.
- Giống Tổ tiên khi thực hiện nghệ thuật đối ngoại sau chiến tranh.
Lịch sử nó ràng ràng như vậy, nên nếu như có ai đó là người Việt Nam cho rằng Việt Nam khiêu khích Trung Quốc và bại trận thì kẻ đó hoặc là đần độn hoặc là kẻ điên.
Đơn giản là Việt Nam coi đây là một cuộc chiến tranh xâm lược vì nhận thức đó không chỉ bằng cảm tính, lý luận suông mà bằng sự đối đầu, nếm trải thực tế. Chiến thắng hay thất bại trong cuộc chiến này, Việt Nam không cảm nhận bằng tuyên truyền mà bằng những cái giá phải trả cho sự vững chắc của biên cương Tổ quốc.
Đơn giản là tự thời ông cha để lại, mỗi khi chiến thắng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước sự xâm lược của các triều đại PK Phương Bắc, Việt Nam đều luôn “quan tâm” đến lòng tự trọng tối thiểu của kẻ bại trận. Vì thế, Việt Nam không muốn nhắc đến quá khứ mà có thể khiến ai đó tổn thương, nhưng không quên quá khứ, đã làm tất cả những gì để “lịch sử không lặp lại”.
Xung quanh điều này một số kẻ thiếu hiểu biết hoặc chống phá chính quyền, chế độ, cho rằng Việt Nam đã quên cuộc chiến tranh, đã đối xử không công bằng với những người lính đã hy sinh trong cuộc chiến…có vẻ như tất cả luận điệu này họ nhằm mục đích là bôi nhọ chính quyền Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế là có ai phát hiện ra rằng những người lính hy sinh trên mặt trận biên giới phía Bắc và Tây Nam hay trong chống Mỹ, có sự phân biệt đối xử khác nhau không? Không bao giờ có.
Ai đó cho rằng, Việt Nam đã quên lãng cuộc chiến tranh này? Rằng đã đưa vào sách giáo khoa cho thế hệ trẻ quá ít… Nên nhớ, trong quan hệ quốc tế, trong nghệ thuật bang giao đối ngoại, đặc biệt với Trung Quốc, một người hàng xóm đông, mạnh, thì đó là công việc của những tinh hoa chính trị Việt Nam.
Lịch sử phải sự thật, phải biết gìn giữ, bảo quản. Đó là công việc của nhà  sử học. Nhưng, khi lịch sử đang còn có ảnh hưởng đến hiện tại thì công bố hay không, nhiều hay ít…là thuộc về nhà chính trị, không phải là quyền hạn của nhà sử học.
Tại sao đó mới là vấn đề của Trung Quốc?
Gần 40 năm qua, Chính quyền Bắc Kinh tuyên truyền cho người dân của họ rằng, đây là một cuộc “phản kích tự vệ”, tức là Việt Nam gây hấn trên biên giới, tấn công vào Trung Quốc, rằng Trung Quốc chiến thắng khi “các mục tiêu đề ra đều đạt được” và tuyên bố rút quân về nước.
Trung Quốc không lúc nào ngừng tuyên truyền trong nội bộ họ về cuộc chiến tranh biên giới. Các bài báo, các tác phẩm văn học, các tác phẩm điện ảnh… đều nêu lên một điều là họ đã thắng lớn trong cuộc chiến đó.
Cách đặt tên cho cuộc chiến tranh này của nhà cầm quyền đã lừa bịp người dân và người lính Trung Quốc suốt một thời gian dài khi trình độ dân trí của dân Trung Quốc còn thấp, mọi liên lạc thông tin với quốc tế bị hạn chế dù không cần phải bưng bít.
Ngày nay dân trí Trung Quốc đã khác, nếu chính quyền cứ dùng luận điệu rất lố bịch này để tuyên truyền thì dân Trung Quốc sẽ coi như chính phủ đã xúc phạm đến họ và sẽ phản tác dụng. Đã đến lúc người dân Trung Quốc tự hỏi tại sao lại lừa dối họ? Đây là câu hỏi cũng chính là vấn đề của Bắc Kinh phải giải quyết sự thật lịch sử.
Sự thật mà người dân Trung Quốc cần biết là tại sao lại tấn công vào lãnh thổ Việt Nam? Và, đây là sự thật:
1, Về quân sự, Trung Quốc cứu nguy cho tay sai của họ bị Việt Nam tấn công ở Tây Nam. Do đó, trong thuật ngữ quân sự, Trung Quốc gọi là “phản công tự vệ” là không sai. Nhưng như vậy có nghĩa là Trung Quốc đã nuôi dưỡng, hỗ trợ một “nhà nước Khme Đỏ”, coi nhà nước đó là đồng minh.
Khme Đỏ đã tàn sát hơn 2 triệu người dân Campuchia là tội diệt chủng, chúng tàn sát hàng chục ngàn người dân Việt Nam tại vùng biên giới là tội khủng bố cấp nhà nước. Những tên cầm đầu của Khme Đỏ hiện đang bị LHQ truy tố tội ác chiến tranh dù muộn nhưng đã chứng minh Việt Nam có công giúp Campuchia thoát khỏi diệt chủng.
Vậy thì hôm nay, Bắc Kinh giải thích thế nào với người dân Trung Quốc về mối liên hệ của mình với chế độ diệt chủng man rợ có một không hai trên thế giới? Rất khó.
Trung Quốc cho rằng “phản kích tự vệ” thắng lợi và rút quân về nước. Vậy thắng lợi như thế nào? Trong khi quân đội Việt Nam vẫn “y án” chế độ diệt chủng Khme Đỏ. Các quân đoàn chủ lực của Việt Nam chuẩn bị tham chiến ra đòn thì Trung Quốc đã tuyên bố rút quân nên “chẳng có cơ hội cho Trung Quốc tiêu diệt”? Rất khó.
2, Về chính trị, tấn công Việt Nam để chứng tỏ Trung Quốc cùng phe với Mỹ để được Mỹ đầu tư tài chính, kỹ thuật, phục vụ cho đường lối cải cách mở cửa của Trung Quốc.
Sự thật này nếu như giải thích theo lý luận chiến tranh cách mạng thì không sai, bởi hoạt động quân sự chung quy lại cũng chỉ nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị. Nhờ nó mà Trung Quốc mới cất cánh trỗi dậy như ngày nay.
Nhưng với người dân Trung Quốc khi đem gần 60 ngàn mạng người cùng với với hàng chục ngàn mạng người dân láng giềng vô tội để giải thích cho mục tiêu chính trị đạt được này là không thể nuốt nổi. Nó quá dã man, tàn độc và quá hèn mạt. Té ra Trung Quốc có khác chi tên lính đánh thuê cho Mỹ đâu!.

Như vậy, lịch sử cuộc chiến 17/2/1979, giải thích nó với người dân Trung Quốc thế nào cho đúng sự thật là một vấn đề rất khó với Bắc Kinh trong hiện nay, nó rất mâu thuẫn nếu như không giải thích bằng sự thật. Nhưng nói lên sự thật thì Trung Quốc không muốn.