Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

Houthis - Yemen đã chứng minh quy tắc chiến tranh thế kỷ XXI


THỐNG CHẾ Bernard Montgomery (1887-1976) là một danh tướng nước Anh, người đã từng gay gắt chỉ trích chiến lược của Mỹ ở Việt Nam. Ông đã nêu một quy tắc nhất định của chiến tranh rất thú vị mà Tây Âu, Đông Âu...nói chung những ai muốn gây chiến với Nga hãy đọc kỹ:
Quy tắc 1 trên trang 1 của chiến tranh là: “Đừng tiến về Moscow!”.
Napoleon, Hitler đã thử và chứng minh quy tắc này là đúng.
Và giờ đây, nước Nga thời Putin, chỉ có kẻ điên rồ mới dám thử và chứng minh lại quy tắc này, song, thế giới ta đang sống, trật tự quân sự đa cực sẽ bất ổn hơn trật tự đơn cực vì có nhiều điểm tương tác mà ở đó những tính toán về lợi ích xảy ra khiến một số quốc gia sẽ hành động và cư xử với nhau quyết liệt hơn…
Thật không may, khi ưu thế quân sự của Mỹ đã không còn thì trật tự quyền lực quân sự thế giới đã mang tính đa cực và đặc biệt, do đó, chiến tranh hôm nay đã không còn như trước, nó đã thay đổi nguyên tắc chơi, tư duy tác chiến mà thực tế được chứng minh từ lò lửa Trung Đông…
1, Đừng đốt nhà hàng xóm!
Quy tắc này thực ra Hoa Kỳ đã khôn ngoan “công nhận mà không chứng minh” cho nên Mỹ mới được như hôm nay, tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ muốn biến Idlib thành một tỉnh của mình, còn Ả Rập Saudi thì muốn biến Yemen thành một chư hầu thời trung cổ nên cả 2, bất chấp, ra sức chứng minh…
Hậu quả địa chính trị thì Thổ Nhĩ Kỳ sau khi “đốt nhà hàng xóm Syria” thì nơm nớp lo sợ Nga-Syria thẳng tay tại Idlib và biên giới phía Bắc, khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lãnh đủ hàng triệu người di cư tràn sang trong đó có hàng ngàn tay súng khủng bố được vũ trang tận răng.
Dẫu sao Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ mới gián tiếp thò bàn tay dơ bẩn vào Syria bằng đội quân pro của mình, trong khi đó Ả Rập Saudi lại trực tiếp tấn công vào nhà hàng xóm Yemen bằng không quân nhằm đưa Yemen vào “khuôn khổ” thuộc địa.
Với sức mạnh áp đảo bằng không quân, Ả Rập Saudi gần như san bằng Yemen, gây ra một thảm họa nhân đạo khủng khiếp nhất trên thế giới…Tại Yemen, một láng giềng có chung biên giới với Ả Rập Saudi, một đất nước nghèo nhất khu vực, lửa đã cháy và máu đã đổ…
Thật thú vị, nhà Saudi cứ tưởng rằng, bom ném từ trên trời, mà bom đạn của Mỹ-Anh không thiếu, chỉ có tiền là mua được tất cả, Ả Rập Saudi lại không thiếu tiền, cho nên, cuộc chiến trên chiến trường Yemen như là chơi Game, thế nhưng, không phải vậy, chiến tranh không phải trò đùa!
Ngay từ đầu, người Houthis-Yemen đã tấn công ngược lại vào lãnh thổ Ả Rập Saudi. Đã có hàng loạt tiền đồn biên giới của Ả Rập Saudi tháo chạy, có cả tiểu đoàn tăng bỏ của chạy lấy người…Không dừng lại đó, tên lửa, UAV của Houthis đã bay sâu vào trong lãnh thổ. Lửa từ nhà Yemen đã bén vào nhà Saudi…
Cú ra đòn hiểm đầu tiên của Houthis nằm vào 2 hệ thống bơm dầu sang Biển Đỏ để tránh eo biển Hormuz của nhà Saudi ngừng trệ, vừa là cảnh cáo nhưng chủ yếu là trinh sát hệ thống phòng thủ khi các UAV bay khoảng cách từ 700-1000 km, vẫn không khiến nhà Saudi nguội lạnh…
Và ngày 14/9, đòn đánh chính thức được tung ra.
Hậu quả về kinh tế, mất một nửa sản lượng dầu xuất khẩu của nhà Saudi, khiến giá dầu thế giới tăng vọt mà để khắc phục tốn hàng trăm triệu USD và thời gian vài tháng.
Hậu quả về an ninh chính trị: Đây mới chỉ là đòn mà Houthis - người Yemen nhằm vào kinh tế nhưng chưa gây thiệt hại về người như Ả Rập Saudi đã gây ra với người Yemen, nhưng cách đây 2 tháng, đã có 2 tên lửa của Houthis đã bay đến “bên ngoài” nhà máy khử muối cung cấp nước ngọt cho 50% dân Ả Rập Saudi.
Đánh vào cơ sở dầu là nhằm vào Hoàng gia Saudi, nhưng đánh vào Nhà máy khử muối là như một quả bom chính trị bất ổn. Có lẽ nhà Saudi đã hiểu được kể từ ngày 14/9. Houthis không có đùa nếu không quân Ả Rập Saudi không dừng lại…
Hậu quả quân sự: Phơi bày Quân đội nhà Saudi không mạnh, ý chí chiến đấu không có vì phi nghĩa; hệ thống phòng thủ chống đột kích đường không của Ả Rập Saudi chỉ là tin đồn. Do đó, Houthis với sự trợ giúp của Iran – “siêu cường UAV”, sẽ luôn gây ra những đòn khiến nhà Saudi sấp mặt.
Tại sao Ả Rập Saudi lại rơi vào cảnh chiến tranh như vậy trong khi chính mình chủ động gây ra? Đơn giản là vì gây chiến tranh với nhà hàng xóm láng giềng “tắt lửa tối đèn sớm tối có nhau” chỉ cách nhau một hàng rào nên chiến trường lan rộng là tất yếu trong khi mình thiếu khả năng “phòng cháy”.
Đây là quy tắc đầu tiên mà người Yemen đã viết lên trang chiến tranh thế kỷ XXI: Đừng đốt nhà hàng xóm! Nhà Saudi đã thử và có kết quả đúng.
Đừng có đùa với quy tắc này, bởi chính người Mỹ đã thực hiện rất tốt, đó là lý do vì sao, Mỹ phải “suy nghĩ 2 lần” cho 54 căn cứ quân sự của mình tại Trung Đông trước khi tấn công Iran dù nước Mỹ cách xa Iran vạn dặm…
2, Máy bay không người lái (UAV) – tương lai của chiến tranh!
Các cuộc tấn công gây sốc của UAV và tên lửa vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Ả Rập Saudi không chỉ làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự ở Trung Đông, mà cả bản chất của chiến đấu nói chung.
Đầu tiên phải khẳng định chắc chắn rằng, trong chiến tranh hiện đại thế kỷ XXI, thống trị vùng trời là yếu tố quyết định sự thành bại của chiến tranh.
Chính vì thế, để thống trị vùng trời, Mỹ phải xây dựng một cơ sở vật chất kỹ thuật cực kỳ đắt đỏ, tốn kém, từ tàu sân bay, các căn cứ không quân cho đến những loại máy bay tàng hình thế hệ này đến thế hệ khác…
Trong tình thế mà ưu thế trên không của Mỹ gần như là tuyệt đối thì UAV lại mở ra một hướng khác cạnh tranh với sự thống trị trên không của Mỹ hay các thế lực mạnh khác cho các quốc gia nhỏ, yếu như Iran, Triều Tiên và các lực lượng như Hezbollah, Hamas, Houthis…
Các thế hệ mới của UAV, tên lửa hành trình và tên lửa chiến thuật hoạt động có độ chính xác cao đã bắt đầu được chuyển tới Yemen Houthis và Hezbollah của Lebanon. Nếu như phiến quân Syria đã vũ khí tối tân của Mỹ-NATO thì Houthis, Hezbollah không chỉ có vũ khí của Iran
Đòn tấn công vào Ả Rập Saudi đã gửi một cảnh báo chiến lược rõ ràng: thời đại của ưu thế trên không của Mỹ trong vùng Vịnh Ba Tư và khả năng độc quyền về cuộc tấn công chính xác, nhanh chóng của Mỹ đã đi vào quá khứ.
Chỉ cần hơn chục chiếc UAV “giá rẻ 20.000 USD” đã gây ra một thảm họa kinh tế cho Ả Rập Saudi và thế giới. Điều gì sẽ xảy ra, Ả Rập Saudi, Israel và các căn cứ quân sự Mỹ, nếu như có hàng trăm, hàng ngàn UAV và tên lửa giá rẻ từ Houthis, từ Hezbollah?
Không thể phủ nhận Iran là “siêu cường UAV”, do đó gây chiến với Iran với đồng minh Iran, các lực lượng thân Iran thì sự đáp trả “không đối xứng” như vừa qua tại Ả Rập Saudi là không tránh khỏi.
Rẻ tiền nhưng hiệu quả, tấn công vào sào huyệt, trung tâm kinh tế, chính trị của kẻ gây chiến là ưu thế của UAV và các tên lửa của “con nhà nghèo”. UAV càng nguy hiểm hơn, khi mà các hệ thống phòng không đắt tiền, tiên tiến chỉ mới là “tin đồn”, không hiệu quả trong thực chiến.
Đây là cảnh báo cho bất cứ kẻ nào muốn “siêu cường khu vực”, cậy mạnh sử dụng vũ lực để nắn các quốc gia trong khu vực thành chư hầu hoặc bất chấp, ngang ngược xâm hại đến chủ quyền quốc gia láng giềng. Lửa chiến tranh sẽ táp vào chính họ.

2 nhận xét:

  1. "Đây là cảnh báo cho bất cứ kẻ nào muốn “siêu cường khu vực”, cậy mạnh sử dụng vũ lực để nắn các quốc gia trong khu vực thành chư hầu hoặc bất chấp, ngang ngược xâm hại đến chủ quyền quốc gia láng giềng. Lửa chiến tranh sẽ táp vào chính họ."
    ----
    Bài này của chuyên gia quân sự Lê Ngọc Thống viết về tình hình Trung Đông nhưng Lời cảnh báo trên đây là cảnh báo chung, cho cả Trung Quốc nữa!
    Việt Nam nên làm việc với Iran, thủ sẵn vài cái UAV!

    Trả lờiXóa
  2. Bạn nói rất chính xác, tôi cũng nghĩ như vậy

    Trả lờiXóa