Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013
HÃY CÒN ĐÓ HOÀNG SA!
Phải làm sao để con cháu bây giờ và thế hệ mai sau khi nhìn lên bản đồ đất nước thân yêu thì luôn luôn được nhắc nhở từ hồn thiêng sông núi rằng: “Hãy còn đó Hoàng Sa!”.
Ngày 20 tháng 1 năm 1974, lợi dụng cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã bước vào giai đoạn cuối, Trung Quốc cho quân xâm lược Hoàng Sa.
Năm mươi tám (58) lính Hải quân của VNCH (từ giờ trở đi bài viết này xưng danh họ là 58 người con của dân tộc Việt Nam) đã ngã xuống. Máu của họ nhuộm đỏ một vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ Quốc, nhưng đau đớn thay, họ vẫn không bảo vệ được mãnh đất ông cha để lại cho con cháu. Bọn xâm lược đã cướp mất Hoàng Sa cho đến tận bây giờ.
Giá như hồi đó Hải quân Việt Nam chỉ cần 3 tàu phóng lôi cánh ngầm hay tên lửa thôi, từ Nghệ An xé gió lao vút ra (nhưng bấy giờ có được những con tàu như vậy là không tưởng)… Kết quả thế nào chưa rõ, nhưng một thông điệp gửi cho Trung Quốc và thế giới rằng: “Hai miền Bắc-Nam của Việt Nam có thể đánh nhau huynh đệ tương tàn đi chăng nữa thì Tổ Quốc VN vẫn là trên hết, dân tộc VN vẫn là trên hết. Một mét đất, một hòn đá mà ông cha để lại thì phải kiên quyết dành giữ bằng mọi giá.”.
Nhưng than ôi, lực bất tòng tâm.
Còn nhớ ngày 14 tháng 3 năm 1988, khi Trung Quốc dùng nhiều tàu chiến bất ngờ tấn công đánh chiếm Trường Sa trong lúc Hải quân Việt Nam chỉ có ở đó 3 tàu vận tải chở lính công binh ra xây đảo.
Những người lính Hải quân tàu chiến trong đất liền nghe tin, máu như sôi lên sùng sục. Lúc đó, tôi chỉ là quyền thuyền trưởng một con tàu chiến loại BGM của Mỹ vũ khí trang bị 2 khẩu 37ly 4 nòng, chỉ biết giậm chân lên sàn tàu kêu trời, bất lực nhìn đồng đội bị địch “tra tấn”, ức hiếp…mà không biết làm sao. Hơn ai hết tôi hiểu, mình với con tàu lạc hậu của mình, không thể ra được đến Trường Sa. Chỉ đến đó, tôi cùng đồng đội mới hiểu hết sâu sắc nỗi lòng của Trần Hưng Đạo khi viết hịch tướng sỹ có đoạn: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, ăn gan uống máu của quân thù….” mà hồi học trò cứ khơi khơi…
Nếu như hồi đó tàu chiến của Hải quân Việt Nam trực chiến ở đó thường xuyên như sau này thì không bao giờ xảy ra tình cảnh đó.
Bài học mà Trung Quốc nhận được là trí tuệ và lòng dũng cảm của những người lính Hải quân Việt Nam khi “tay không” đối đầu với sức mạnh được trang bị vũ khí đầy đủ là đã như thế nào. Đó chính là sức mạnh vô địch, sức mạnh của lòng yêu nước căm thù quân xâm lược, thà chết để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng.
Sức mạnh đó ngày nay được trang bị vũ khí hiện đại, tối tân không kém gì Trung Quốc thì sẽ vô cùng đáng suy nghĩ trước khi hành động.
Vậy là, Sáu mươi tư (64) chiến sỹ thuộc lữ đoàn 125 Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Trường Sa. Máu của họ – những người con của dân tộc Việt Nam cũng đã nhuốm đỏ một vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Họ được cả nước tôn vinh, Tổ quốc ghi công xứng đáng. Đó là nghĩa, là tình, là trách nhiệm của dân tộc đối với những người đã hy sinh xương máu của mình bảo vệ đất nước.
Nghĩ đến Hoàng Sa, đến 58 người con của dân tộc Việt Nam đã ngã xuống lòng bỗng dưng đượm buồn, xót xa…
Họ, rõ ràng không chết vì chống lại sự nghiệp thống nhất đất nước, họ chết vì bảo vệ Hoàng Sa-lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi “… bất cứ ai, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên bảo vệ nền độc lập dân tộc…”. Người không đồng ý với cách nói của một số cán bộ khi báo với Người về những trận thắng “tuyệt đẹp” nào đó, Người khuyên nên dùng từ thắng lớn thay vì tuyệt đẹp. Cảnh máu chảy, xương tan, nước mắt của mẹ khóc con, vợ khóc chồng thì có gì là hay là tuyệt đẹp cơ chứ, huống chi thảm cảnh đó là của đồng bào ta với nhau!
Nếu như năm 1974, Người còn sống thì với đạo đức, nhân cách, văn hóa của Người, chắc chắn, ít nhất Người cũng lén chùi những giọt lệ rơi khi hay tin 58 người con của dân tộc Việt vì bảo vệ Hoàng Sa đã vùi thây nơi biển cả.
Chỉ cần một giọt lệ thôi – lệ của một Con Người mà do “non sông Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã sinh ra” thì họ cũng đủ yên lòng nơi chín suối.
Lịch sử là những điều đã qua, nó không thể thay đổi theo ý muốn chủ quan của con người hiện tại. Xin chớ phủ nhận lịch sử. Phủ nhận lịch sử chẳng khác nào “bắn vào lịch sử một viên đạn, lập tức sẽ nhận lại một quả đại bác”.
Vì thế những gì cần quên như những mất mát, đau thương, tủi nhục… thì cố quên, còn những gì cần nhớ thì phải nhớ. Nếu sợ bị thời gian phôi pha thì phải khắc bia dựng tượng mà nhớ. Phải làm sao để con cháu bây giờ và thế hệ mai sau khi nhìn lên bản đồ đất nước thân yêu thì luôn luôn được nhắc nhở từ hồn thiêng sông núi rằng: “Hãy còn đó Hoàng Sa!”.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Nghe tin đồn có người đi thi hát, em chờ mãi mà nỏ chộ người mô, té ra đánh địch cũng phải đánh kiểu du kích hè ? dương đông kích tây rứa hè ? Hay lại giống các cụ dân quân Thanh Hóa ngày xưa bắn máy bay Mỹ
Trả lờiXóa.
Máy bay đằng đông, các cụ bắn đằng tây...
.
Hì hì ! Chúc anh mọi sự an lành nhé !
Nói xạo mà chả giống ai
Trả lờiXóaNên cứ mãi làm chàng Hải Quân
Chúc anh cuối tuần an lành nhé ! (~_~)