Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Tàu sân bay dùng để răn đe hay tác chiến trên biển Đông?

Tàu sân bay, cái tên nó đã nói lên tất cả. Nó là một phương tiện mà các quốc gia sử dụng để cho không quân của họ tác chiến xa căn cứ.
Trong chiến tranh hiện đại, bên nào làm chủ vùng trời của khu vực tác chiến là bên đó chiếm ưu thế và sẽ thắng, bởi lẽ, không quân là lực lượng cơ động cực nhanh, có thể tấn công bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu (đất liền, mặt biển, trong lòng biển) và với vũ khí trang bị cực kỳ hiện đại nên tấn công tiêu diệt dễ dàng bất cứ mục tiêu nào, trong khi tiêu diệt nó thì khó khăn.
Trên thế giới chưa có quốc gia nào tuyên bố đã thành công trong việc dùng tên lửa bờ tiêu diệt được tàu sân bay. Liên Xô đã bỏ cuộc ý tưởng này với tàu sân bay Mỹ thời “chiến tranh lạnh”. Tên lửa đạn đạo tấn công các tàu trên biển là một nhiệm vụ rất khó khăn đòi hỏi phải có sự tham gia của một số các hệ thống cảm biến trên không, trên biển và trong không gian, các hệ thống định vị và công nghệ điều khiển tấn công chính xác. Rất tiếc, khả năng này không phải là điểm mạnh của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Vì vậy, việc Trung Quốc “hư hư, thực thực” cho rằng họ đã chế ra loại tên lửa DF-21D có thể tiêu diệt tàu sân bay của Mỹ...chưa có nhiều người tin. Nhưng, phương án chống tiếp cận hay chiến lược tác chiến phi đối xứng của Trung Quốc đối với tàu sân bay Mỹ nói riêng và Hải quân Mỹ nói chung để bảo vệ vùng biển của mình đã trở thành phương án tối ưu khiến Mỹ không dám coi thường.
Việt Nam cũng đã sử dụng chiến lược chống tiếp cận này trong khu vực biển Đông và thực sự chiến lược này càng trở nên lợi hại, hết sức nguy hiểm cho cụm tàu chiến đấu sân bay nào hoạt động trong vành đai phòng thủ biển.
Rõ ràng, khu vực phòng thủ trên biển Đông của Việt Nam thì hẹp, lại có nhiều đảo ở những vị trí hiểm yếu. Cho nên, cụm tàu chiến đấu sân bay tham gia tác chiến trong khu vực biển Đông sẽ tồn tại một mâu thuẫn không thể khắc phục. Đó là mâu thuẫn nội tại giữa tàu sân bay và máy bay trong chức năng tác chiến. Nếu như biển Đông là một khu vực quá hẹp cho tàu sân bay khiến cho nó dễ bị ăn đòn tên lửa, ngư lôi từ trong bờ thì ngược lại đây là một khu vực quá rộng cho máy bay phải xuất phát từ căn cứ tác chiến nơi những hòn đảo xa xôi mà không có tàu sân bay. Chấp nhận cho máy bay tác chiến thuận lợi thì phải chấp nhận nhiều rủi ro đến với tàu sân bay.
Bởi vậy, tàu sân bay tác chiến ở biển Đông xem ra quá mạo hiểm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là kẻ địch không dám mạo hiểm. Tàu sân bay là biểu tượng sức mạnh quốc gia, nhưng khi mà có quá nhiều sự bất lợi trong tác chiến trên biển thì kẻ địch sẽ dùng hết bài sức mạnh để áp đảo, sẵn sàng liều lĩnh để giành chiến thắng. Chỉ khi nào biểu tượng sức mạnh bị đánh sập, giá phải trả quá đắt như “thần tượng B-52 Mỹ rơi trên bầu trời Hà Nội”, kẻ thù mới chịu suy nghĩ lại. Có thể nói, tàu sân bay, tên lửa hành trình...là những thứ kẻ địch không chỉ dùng để hăm dọa, uy hiếp mà chúng nhất định sẽ đem ra thi thố. Đó chính là bản chất cậy mạnh, hung hăng của quân xâm lược bao đời nay. Tàu sân bay hoạt động không phải đơn lẻ mà trong sự bảo vệ vòng trong vòng ngoài của cụm tàu chiến các loại. Tấn công nó có thể dùng chiến thuật “bóc vỏ” hay thọc sâu của chiến thuật đặc công…bởi các phương tiện ta có. Nhưng thế nào và kiểu gì thì việc xác định chính xác tọa độ mục tiêu trên biển của các lực lượng phòng thủ biển là hết sức quan trọng. Đành rằng máy bay, tàu tên lửa, phóng lôi và các hệ thống tên lửa bờ đều có khả năng tự phát hiện và tiêu diệt mục tiêu, nhưng do tầm phát hiện của radar hạn chế nên khi phát hiện ra mục tiêu thì mục tiêu cũng phát hiện ra mình. Lúc này chỉ có tính đối kháng mà không có tính bất ngờ, chưa chắc anh đã thoát khỏi bị tiêu diệt của lực lượng bảo vệ hùng hậu tàu sân bay. Tọa độ mục tiêu trên biển là dữ liệu đầu vào của hệ thống chỉ thị mục tiêu và tính toán tự động các tham số bắn cho tên lửa đối hải. Tham số bắn cho hệ thống tên lửa đối hải cũng từ đây, tên lửa phóng hết tầm ngoài khả năng của radar hỏa lực cũng từ đây và đặc biệt đòn tấn công tập trung, bất ngờ của nhiều phương tiện mang tên lửa vào một mục tiêu cũng từ đây, từ dữ liệu mục tiêu này. Đến đây rõ ràng là bên phòng thủ hay bên tấn công, bên nào nhìn xa hơn, bắn xa hơn thì bên đó có lợi thế rất lớn. Có thể nói đây là hình thức tác chiến chống tiếp cận hay phòng thủ từ xa hiệu quả nhất. Sẽ là không hồ đồ khi nói rằng, nếu như các tàu ngầm KILO của Việt Nam cũng nhận được các tham số mục tiêu, dữ liệu, từ hệ thống này thì…chắc chắn, tàu sân bay không dùng hay dùng để tác chiến trên biển Đông là điều chúng ta chẳng quan tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét