Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2020

Nga–Mỹ húc nhau, Saudi bị dính đòn oan?


Ngày 13/3/20
Đám phiên quân, lính đánh thuê được nuôi từ nguồn tiền bán dầu của các quốc gia xuất khẩu dầu lớn từ vùng Vịnh có nguy cơ mất nguồn cung...


Vào lúc 10:16 sáng thứ Sáu, ngày 6 tháng 3, Alexander Novak, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga đã vào tòa nhà trụ sở của OPEC tại trung tâm thành phố Vienna với mệnh lệnh của Tổng thống Nga Putin để sẵn sàng để đảo ngược thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Alexander Novak nói với người đồng cấp Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, rằng Nga không còn muốn giảm sản lượng dầu. Điện Kremlin kết luận rằng những nỗ lực duy trì giá cả trong bối cảnh dịch coronavirus vốn đã khiến nhu cầu giảm mạnh, sẽ là một món quà thực sự cho ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ. Các công ty dầu mỏ đá phiến của Mỹ đã ném hàng triệu thùng vào thị trường toàn cầu trong khi các công ty Nga không hoạt động để tăng giá, giữ giá dầu là không thể, không công bằng.
Các nguồn tin cho hay, các bộ trưởng OPEC+ đã bị sốc đến nỗi, họ không nói nên lời về những gì khác có thể được nói. Đột nhiên, bầu không khí tại cuộc họp này bắt đầu giống như một sự thức tỉnh sau cơn mê màng...
Sau năm giờ đối thoại lịch sự nhưng không có kết quả, trong thời gian đó Nga nêu rõ chiến lược của mình, các cuộc đàm phán đã thất bại. OPEC phải hoạt động, nghe theo lời Mỹ chứ Nga thì KHÔNG. Ả rập Saudi chính thức tuyên chiến giá dầu với Nga…Ngay lập tức giá dầu đã giảm hơn 10%...
1, Nga và Ả rập Saudi, ai chớp mắt trước?
Lịch sử đã xảy ra 2 lần cuộc chiến giá dầu giữa nhà Saudi và người Nga. Lần 1 vào năm 1985 và lần 2 năm 2014 và bây giờ năm 2020.
Lần 1, Liên Xô thua thảm và đó chính là nguồn cơn cho sự tan rã. Lần 2, Nga đã trụ được, trong khi ngành dầu mỏ đá phiến của Mỹ phải “chớp mắt” trước, buộc nhà Saudi đàm phán để nâng giá. Và, lần này…nhà Saudi tuyên chiến nhưng Nga lại là người … mở đầu. Nói cách khác cuộc chiến giá dầu “viết bằng tiếng Nga”.
So sánh thực lực.
Đây là cuộc chiến về kinh tế, không phải là quân sự (phụ thuộc nhiều vào ý chí, tinh thần, vũ khí trang bị, vào lợi thế địa thế…mà nhiều hơn, đông hơn chưa chắc đã thắng) cho nên, kẻ nào có thực lực về tiền, tài chính, năng lực…thì thắng. Thắng hay bại trong cuộc chiến kinh tế được biết chắc qua phán đoán, tính toán chứ không như trong chiến tranh quân sự.
Trước hết chúng ta xem giá dầu ảnh hưởng như nào với nền kinh tế Nga và Saudi.
* Với Nga, nguồn thu của xuất khẩu dầu chiếm 35% GDP, trong khi đó với nhà Saudi thì chiếm 100% GDP (Mỹ chỉ có 9,7% GDP).
* Căn cứ vào chi phí sản xuất một thùng dầu, trung bình Nga 16-18 và Saudi 8-10 USD/thùng (Mỹ từ 50-70 USD/thùng), do đó với giá thấp mức 33 USD/thùng thì Nga vẫn đủ khả năng trang trải chi phí (đầu tư + sản xuất) nhưng nhà Saudi, do phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu dầu, thì không thể.
Vì thế, Nga lập kế hoạch, hạch toán cho phát triển sản xuất, xây dựng, chi tiêu…với giá dầu ở mức 40-42 USD/thùng. Tức là ở mức giá đó, Nga bảo đảm tốt cho các hoạt động kinh tế, quân sự, chính trị xã hội…Trong khi đó, với nhà Saudi thì kế hoạch chi tiêu, phát triển, xây dựng…hạch toán dựa trên cơ sở giá một thùng phải từ 70-80 dollar.
Như vậy, có thể nói, chi phí khai thác một thùng dầu bao nhiêu tiền đối với 2 quốc gia Nga và Ả rập Saudi không nói lên được ưu thế sức mạnh chung của nền kinh tế. Dầu khí của Saudi nuôi cả đất nước, nhưng Nga thì không mà chỉ một phần, cho nên, nền kinh tế của nhà Saudi phụ thuộc sống còn vào giá cả dầu xuất khẩu hơn rất nhiều Nga. Rõ ràng là chi phí khai thác chỉ quyết định tổng số lợi nhuận của ngành dầu khí chứ không quyết định sức sống, thực lực của cả một nền kinh tế.
(Đây là câu trả lời cho vấn đề là nếu có chết thì nghành khai thác dầu đá phiến của Mỹ chết chứ nền kinh tế của Mỹ không ảnh hưởng nhiều...)
Chính vì thế, điểm đặc biệt ở đây là, với Nga, nếu giá dưới 40 USD/thùng và với Saudi nếu giá dưới 70 USD/thùng, thì một số hoạt động của Nga và Saudi bị ngưng trệ hoặc tê liệt (nếu như không có quỹ dự phòng). Từ đây rút ra một kết luận: Nếu giá dầu lớn hơn hoặc bằng 40 USD/thùng và nhỏ hơn 70 USD/thùng thì Saudi chết mà Nga vẫn sống tốt và rất tốt.
Thế nhưng hiện tại, giá dầu đã giảm dưới 35 USD/thùng do cuộc chiến giá dầu đã mở ra thì theo lý thuyết, cả Nga và nhà Saudi đều bị chết, thiệt hại. Vấn đề là thời gian giá cả hạ thấp là bao lâu, nó kéo dài hàng tháng hay hàng năm và, ai là kẻ trụ vững sau khi kẻ kia ngả lăn ra chết…lại phụ thuộc vào vốn và nền tảng của nền kinh tế.
Điều lý thú ở chỗ là khi Nga nói KHÔNG với OPEC thì nhà Saudi ra đòn ngay theo tư tưởng “đánh nhanh, thắng nhanh”. Ả rập Saudi tăng khai thác lên 13 triệu thùng/ngày, giảm giá tiếp từ 6-8 USD/thùng cho đối tác…hòng buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán.
Đáp trả thái độ hung hăng, hiếu chiến này, Chính phủ Nga tuyên bố gây sốc: Nga vẫn sống tốt khi giá dầu giảm xuống chỉ còn 20-30 USD/thùng trong thời gian từ 6-10 năm. Không nợ nần ai, có 510 tỷ dollar dự phòng, chính phủ Nga kê cao gối ngủ.
(Nói không với OPEC+ khiến các công ty dầu khí Nga mừng rơn vì họ không bị hạn chế sản xuất, lại không lỗ, lại cạnh tranh được với các công ty dầu đá phiến Mỹ, dù thất thiệt do chính phủ Nga gánh...)
Vâng! Với giá dầu 20 USD/thùng duy trì trong 10 năm mà không phải trong 10 tuần hay 10 tháng thì nhà Saudi sẽ như thế nào đây khi giá dầu trên 70 USD/thùng mới “đáng sống”?
Người Nga đã quen với cấm vận, sức chịu đựng cao; người Nga có bản lĩnh chính trị, truyền thống bất khuất - lĩnh vực này nhà Saudi không phải là đối thủ. Người Nga xuất khẩu dầu chủ yếu trên đường ống, người nhà Saudi chủ yếu bằng tàu biển, người Nga có sức mạnh cường quyền, nhà Saudi chỉ là trọc phú…nếu Mỹ tấn công Iraq, Libya vì dầu thì khi bí thế, Nga sẽ dùng vũ lực để gây ách tắc giao thông tại Hormuz hay Sue thì nhà Saudi chỉ có cách uống dầu thay cơm hoặc chở dầu đi bán bằng máy bay.
Khi Ả rập Saudi yêu cầu Nga giảm sản xuất để tăng giá dầu, Nga nói không thì Saudi quyết định hạ giá bán mạnh hơn…đã thể hiện ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của Saudi, muốn trong một thời gian ngắn buộc Nga đầu hàng. Tình thế này đã lộ tẩy khả năng, thực lực, nói cách khác là Saudi đã bộc lộ rõ lực lượng, phương án tác chiến trước Nga.
Thật không may cho nhà Saudi, lối chơi này của Saudi đã rơi vào sở trường, nghệ thuật Judo của Putin. Nhà Saudi không phải là đối thủ. Sẽ đến lúc, sau khi ngành khai thác dầu đá phiến của Mỹ bị loại khỏi vòng chiến, nhà Saudi đến Moscow của Nga để soạn thảo lại văn bản OPEC bằng tiếng Nga.
Địa chính trị khi giá dầu giảm mạnh sẽ như thế nào?
Không còn nghi ngờ gì nữa, doanh số bán dầu tại Ả Rập Saudi sẽ giảm khoảng 30% do giá thấp hơn trên thị trường dầu toàn cầu. Nhà Saudi đã tính đến ngân sách 168 tỷ USD trong năm nay và kết quả là cuộc khủng hoảng có thể thúc đẩy nước này chấp nhận ý tưởng giải quyết chính trị cho cuộc xung đột Yemen, nơi Ả Rập Saudi đã tham gia kể từ tháng 3/2015.
Mặt khác, nhà Saudi không còn nhiều tiền để chi phí nuôi dưỡng lực lượng phiến quân của họ tại Syria như trước đây…Nếu không, Ả Rập Saudi sẽ bị kéo vào một cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài nhiều năm.
UAE tìm cách tập trung vào thương mại và dịch vụ thay thế cho dầu, nhưng xuất khẩu dầu vẫn là nền tảng của nền kinh tế. Ngân sách hiện tại được tính từ mức giá 60 USD/thùng. Nếu giá giảm 50%, Emirates sẽ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách, điều đó có nghĩa là nguồn tài trợ cho các biện pháp gây mất ổn định trong khu vực sẽ giảm, sẽ không dám mạo hiểm ngay cả khi số dư trong các quỹ có thể cho phép họ tiếp tục theo đuổi chính sách phá hoại trong ngắn hạn…
Nói tóm lại, với những quốc gia Ả rập ở vùng vịnh vốn đã từng chi nhiều tiền cho lính đánh thuê, cho các phiến quân để gây lộn với các chính phủ mà Mỹ căm ghét…mà tiền đó chủ yếu đến từ bán dầu thì nay bị hạn chế, tự lo lấy thân.
Đến đây, bạn đọc sẽ thắc mắc là tại sao bài viết không liên quan gì đến nhan đề đưa ra. Thực tế là trong cuộc chiến giá dầu này, mục tiêu chính chiến lược của Nga không phải là nhà Saudi mà nhắm vào ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến Mỹ trước hết và…mà nhà Saudi đã vô tình biến từ đối tác thành đối tượng của Nga…

Lê Ngọc Thống

2 nhận xét:

  1. Hai ông lớn là Nga và Mỹ đá nhau về vấn đề dầu mỏ làm cho Ả rập saudi bị dính đòn lây; để xem họ xử lý như thế nào nhé

    Trả lờiXóa
  2. Cuộc chiến về dầu mỏ diễn ra giữa Mỹ và Nga sẽ làm ảnh hưởng lớn đến các nước có nguồn cung dầu mỏ cho thị trường

    Trả lờiXóa