Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

Lịch sử lặp lại sắc thái mới, châu Âu có nguy cơ “toang”!

 

Lịch sử không phải là một nhà giáo mà là nhà quản giáo, cho nên, nó không dạy điều gì cho ai nhưng sẽ trừng phạt nghiêm khắc những ai không học nó.

Chúng ta chắc còn nhớ bối cảnh dẫn đến chiến tranh thế giới lần thứ 2. Lúc đó có 2 mâu thuẫn đối kháng:

Một là mâu thuẫn giữa các đế quốc bị thất bại trong thế chiến thứ nhất đứng đầu là Đức quốc xã với các đế quốc già chiến thắng đứng đầu là Anh-Pháp. Đức muốn “chia lại thị trường”, trả thù cho bại trận. Đây là mâu thuẫn chính dẫn đến thế chiến lần 2.

Hai là mâu thuẫn ý thức hệ giữa Liên Xô XHCN với các đế quốc TBCN. Mâu thuẫn này chưa đến mức gay gắt để dẫn đến thế chiến 2. Tại sao như vậy? Bởi vì nếu vậy thì sẽ không có Hiệp ước Molotov-Ribbentrop khét tiếng.

Trước tình hình nước Đức Quốc xã đã trỗi dậy, tái vũ trang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh là không thể tránh khỏi, Liên Xô đề nghị với Anh-Pháp ký một hiệp ước quân sự để chống Đức, nhưng Anh-Pháp do đánh giá thấp sức mạnh quân sự của Liên Xô nên từ chối.

Mặt khác, ý đồ nham hiểm của Anh-Pháp khi họ không hợp tác với Liên Xô là muốn mượn tay Đức tấn công Liên Xô.

Biết được tình hình, Đức đề nghị ký với Liên Xô một hiệp ước hòa bình…và trong tình thế đó sự lựa chọn của Liên Xô là chấp nhận mà không còn con đường nào khác. Hiệp ước Molotov-Ribbentrop ra đời. Theo đó, Xô-Đức cam kết không tấn công lẫn nhau và giữ thái độ trung lập trong trường hợp một trong hai bên trở thành mục tiêu của những hành động quân sự của bất kỳ bên thứ ba nào.

Tuy nhiên, kèm theo Hiệp định, có một Nghị định thư bí mật bổ sung, theo đó:  Đông Âu là phần lãnh thổ nằm trong phạm vi quyền lợi của Đức và Liên Xô. Nghị định này cho phép thành lập chính quyền thân Liên Xô tại Litva, Latvia, Estonia và Đông Ba Lan…

Ngày 1/9/1939 Đức xâm chiếm Ba Lan, và ngày 17/9 quân đội Liên Xô tiến vào miền Đông Ba Lan. Việc phân chia lãnh thổ của Ba Lan giữa Liên Xô và Đức đã được hoàn thành.

Ngày 28/9/1939, Đức và Liên Xô ký kết Hiệp ước hữu nghị về biên giới. Sau đó, Liên Xô đã sáp nhập các nước Baltic gồm Estonia, Latvia, Litva… và một phần của Phần Lan vào lãnh thổ của mình. (Đây là lý do bây giờ các quốc gia vùng Baltic, Ba Lan coi Nga là kẻ xâm lược…)

Sau khi ký với Nga hiệp ước hòa bình, Đức rảnh tay làm cỏ châu Âu. Châu Âu chỉ còn mỗi nước Anh là chưa bị dính gót dày của lính Đức (nhưng bị ăn bom Đức) còn lại ngay cả Đế quốc Pháp cũng đầu hàng vì “để bảo vệ Paris khỏi bị tàn phá”.

Như vậy nếu như ngày 22/6/1941, Đức không phản bội Hiệp định, tấn công Nga thì gần như toàn bộ châu Âu và tương lại cả Anh quốc đều “nói tiếng Đức”, nhưng thật đáng tiếc cho Đức, họ đã không học thuộc bài học lịch sử về Napoleon ở nước Nga.

Nói ra nguồn cơn những điều này, tức Hiệp ước Molotov-Rebbentrop, đã tạo điều kiện cho Đức Quốc xã đánh chiếm châu Âu như nào để dẫn dắt bạn đọc đến một tình thế hiện tại mà Mỹ - Phương Tây đang rất nghi hoặc, lo lắng trước một mối quan hệ Đức – Nga bởi có một Hiệp ước Putin – Merkel!

Liệu có một Hiệp ước Putin – Merkel?

Gần đây có một vấn đề nổi bật chính trong mối quan hệ Nga – Đức là dự án Nord Stream-2 (SP2) mà qua đó khiến Đức phải đối đầu với Mỹ và các quốc Đông Âu, Baltic…

Chúng ta cần lưu ý rằng bản chất của vấn đề ngăn chặn của Mỹ với dự án này không phải là kinh tế, càng không phải sợ Nga chiếm thị phần khí đốt châu Âu của Mỹ…mà là Mỹ không muốn có một tuyến đường ống trực tiếp nối Nga – Đức – Áo, thế thôi.

Điều này được dịch ra nghĩa chính trị là Mỹ không muốn thấy một trục Nga – Đức – Áo hình thành trong tương lai, đặc biệt Mỹ muốn kiềm chế sự trổi dậy của nước Đức – một quốc gia đứng đầu EU, quốc gia sử dụng nhiều khí đốt nhất.

Như vậy, thực chất, người Anglo-Sacxon đang muốn ngăn chặn một liên minh lục địa đầy tiềm năng Nga-Đức. Mỹ đâu có thèm quan tâm đến “dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, đúng không?

Liệu trong ý đồ của giới tinh hoa chính trị Đức thực sự có muốn như điều mà người Anglo-Sacxon nghi ngờ không thì chưa rõ, nhưng hành động quyết đoán bỏ ngoài tai sự trừng phạt của Mỹ, tiếng rên la của Ba Lan, Ukraine…để kiên quyết hoàn thành dự án SP2 đã khiến cho dư luận nghi ngờ đã có một Hiệp định bí mật kiểu “Molotov-Rebbentrop” giữa Nga-Đức đã xuất hiện gọi là Hiệp ước Putin – Merkel…

Bối cảnh so sánh…

Vào năm 2011, sau vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Thủ tướng Merkel, để làm hài lòng các nhà sinh thái học, đã cắt giảm các chương trình phát triển năng lượng hạt nhân ở Đức. Nhưng những chiếc cối xay gió đã không thể bù đắp nguồn cung cấp năng lượng cho nhu cầu một nền công nghiệp phát triển cao… 

 Tình hình thật khó khăn. Nhưng đúng lúc này, Gazprom Nga xuất hiện và đưa ra mức giá nhiên liệu hóa thạch rẻ nhất từ nguồn cung cấp khí đốt trực tiếp. Nếu thế, Đức đã cứu được ngành công nghiệp của mình, và ngoài ra còn trở thành trung tâm phân phối khí đốt lớn nhất ở châu Âu… 

Một lời đề nghị hấp dẫn “chết tiệt” mà Đức không thể từ chối, nó cũng giống như khi Đức đưa ra đề nghị ký với Liên Xô Hiệp ước “Molotov-Rebbentrop” mà Liên Xô cũng không thể từ chối vậy thôi.

Lịch sử đang lặp lại nhưng theo một sắc thái mới? Và sắc thái đó là:

1, Thỏa thuận giữa Nga-Đức về việc xây dựng SP2 đã dẫn đến việc thành lập “hai bên”. Một bên tham gia mới là Nga-Đức và một bên khác đó là liên minh của các quốc gia châu Âu bị “tổn thương” và các quốc gia khác phải nghe lệnh của Mỹ.

2, Đức đã một mình đưa ra quyết định liên quan đến an ninh năng lượng chung của châu Âu.

3, Đức đã gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp khí đốt của Ba Lan, bỏ qua lợi ích của Ukraine - và người Ukraine, được cho là, chỉ bằng cách bơm khí đốt của Nga mới cứu khỏi cuộc xâm lược của Nga vì họ coi đó là cách “bắt Nga làm con tin”.

4, Phía Nga, ngoài ra, Mỹ cho rằng, sau khi ra mắt Nord Stream 2, Vladimir Putin sẽ có thể “bật và tắt đèn” trên khắp Trung Âu bất cứ khi nào ông muốn, tức đây là dự án địa chính trị, tất nhiên Nga phủ nhận, chỉ coi đây đơn thuần là kinh tế…

Rõ ràng, vì lợi ích của đường ống dẫn khí Nord Stream 2, Đức hiện đang cố tình phá hủy sự thống nhất của châu Âu và thậm chí cả quan hệ đồng minh với Mỹ (hợp ý đồ Nga). Berlin khẳng định các nước khác không có quyền can thiệp vào dự án đường ống dẫn khí đốt thuần túy Nga-Đức.

 Mặc dù nền kinh tế của nước Đức hiện đại chưa bao giờ giống nền kinh tế của thời kỳ Đức Quốc xã, và người Đức rõ ràng không tìm cách tấn công Ba Lan, nhưng chỉ những chính trị gia có trí tưởng tượng kém mới không nhớ về “sức mạnh của Đức Quốc xã”. Đức đang lấy lại vị thế thống trị lịch sử của mình trên lục địa này.

Trong dự án này, người Mỹ đã đánh giá thấp quyết tâm chơi tất cả của người Đức. Cho đến gần đây, Washington tin rằng Berlin sẽ “chớp mắt” trước, nhưng không, Đức quyết tâm hoàn thành SP2, chỉ hứa với Mỹ một vài khoản vặt như tăng chí phí quốc phòng, hỗ trợ Mỹ trong thương chiến với Trung Quốc, mua một ít LNG của Mỹ với giá đắt hay một chút về trung chuyển khí qua Ukraine…

Tại sao? Đơn giản là Chính phủ Đức theo nghĩa đen coi dự án là yếu tố sống còn. Bất cứ sự thay đổi nào, chẳng hạn như nghe Mỹ khôi phục lại năng lượng hạt nhân hay ưu tiên hoàn toàn vào nguồn cung khí đốt LNG giá đắt của Mỹ…đều là hành động tự sát chính trị.

Nên biết, Đức sẽ tổ chức một loạt cuộc bầu cử vào năm 2021 gồm sáu cuộc bầu cử cấp khu vực và liên bang vào tháng 9. Tiềm năng năng lượng của Nord Stream 2 và vị trí, vai trò của Moscow sẽ cho phép các chính trị gia Đức được ưa chuộng bởi các cử tri.

Nếu như trước đây đế quốc Anh, Pháp đánh giá thấp sức mạnh quân sự của Liên Xô, không hợp tác để chống lại người Đức thì ngày nay Berlin có nhận thức đúng về sức mạnh Nga và sự tụt hậu sức mạnh quân sự của Mỹ, do đó, hợp tác với Nga được ưu tiên thay vì hợp tác với Mỹ trong vị thế một chư hầu.

 Rõ ràng, người Đức đã phát hiện ra con át chủ bài cực đoan, không thể đánh bại của họ: “Nga là người chị em thiêng liêng của Đức” và như Tổng thống Đức Frank Steinmeier tuyên bố: “Nước Đức nợ Nga Nord Stream 2 vì thảm kịch của Thế chiến II” đã nói lên sự “gần gũi tinh thần với Nga”.

Cự cố vấn cấp cao của Đại sứ quán Mỹ tại Berlin Jeremy Stern cay đắng:

“Nếu người Đức đã nói về sự gần gũi tinh thần với Nga, điều này có nghĩa là: Nord Stream 2 chắc chắn sẽ được hoàn thành, bất chấp các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Ukraine, Ba Lan và các nước Baltic, họ sẽ nhớ đến Hiệp ước Molotov-Ribbentrop khét tiếng, nhưng về nguyên tắc, đoàn tàu đã rời đi”.

Đức là quốc gia đứng đầu EU, là đầu tàu của EU bị cáo buộc vì ý đồ cá nhân đã có âm mưu ngầm chống lại phương Tây. Nếu vậy, châu Âu có nguy cơ “toang” rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét